Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Đình công "bất hợp pháp" : Ai bảo vệ quyền lợi người lao động ?

Đình công "bất hợp pháp" : Ai bảo vệ quyền lợi người lao động ?

- Hải Vân — published 02/08/2012 00:10, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:55
Không chỉ công đoàn mà cả bộ luật lao động cũng " bất cập và xa thực tiễn ", theo nhận xét của Tổng liên đoàn lao động. Bởi nếu tất cả các cuộc đình công xảy ra từ 10 năm qua đều trái pháp luật thì điều đầu tiên phải kết luận là qui định của bộ luật lao động bất hợp lý, không khả thi.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Đình công « bất hợp pháp » :

Ai bảo vệ quyền lợi người lao động ?

Hải Vân

Trong những ngày đầu năm làn sóng đình công của trên 60 000 công nhân tại hơn 35 doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài ở các tỉnh phía Nam (các khu chế xuất và công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) đã buộc chính phủ phải điều chỉnh ngay tiền lương tối thiểu lên hơn 40  %. Những năm trước, cũng có vài cuộc đình công ở thời điểm cận Tết, đòi cải thiện lương thưởng và cải thiện điều kiện lao động tại những doanh nghiệp riêng lẻ. Năm nay, cuộc đấu tranh không chỉ ồ ạt và kéo dài - trên hai tuần lễ -, mà nó nhắm cả chủ doanh nghiệp lẫn nhà nước - là người ấn định mức lương tối thiểu. Hơn thế, đó còn là một đợt đình công tự phát, do công nhân tự tổ chức, bất chấp công đoàn và các qui định của bộ luật lao động. Mặt khác, lần đầu tiên một chính quyền địa phương đã công khai bắt tay với giới chủ để ngăn chặn người lao động đình công !

« Giọt nước làm tràn ly »

Cuộc đình công tập trung ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong các ngành công nghiệp khai thác « nhân công giá rẻ », như dệt may, da giày hay chế biến gỗ : đó là khu vực doanh nghiệp áp dụng đại trà mức lương tối thiểu, thường không có chế độ thưởng và phụ cấp làm thêm giờ, thậm chí không hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế và xã hội... Thu nhập và phúc lợi của công nhân không những kém nhất mà thời gian và cường độ lao động trong các doanh nghiệp này lại nặng nề nhất.

Khởi đầu được ấn định ở mức 50 USD (1990), rồi giảm xuống các mức từ 45 đến 35 USD tuy theo địa phương (1997), lương tối thiểu hàng tháng trong khu vực đầu tư nước ngoài được xác lập bằng tiền đồng từ năm 1999 ở các mức từ 626 000 đ (tương đương 45 USD) đến 487 000 đ, tùy theo địa phương. Tuy mức lương này cao hơn gấp đôi mức lương tối thiểu áp dụng cho khu vực doanh nghiệp trong nước (290 000 đ  vào đầu năm 2005), song thu nhập thực tế của công nhân lãnh lương tối thiểu ở doanh nghiệp nước ngoài lại thấp hơn ở các doanh nghiệp trong nước (có thêm những khoản ăn trưa, phụ cấp...). Nếu so với các nước láng giềng thì mức lương tối thiểu của Việt Nam áp dụng cho khu vực đầu tư nước ngoài - tương đương với 41 USD theo tỷ giá năm 2005 -  là thấp nhất (Campuchia : 45 USD ; Trung Quốc : 63 - 70 USD ; Thái Lan và Philippines : 70 - 100 USD).

Tiền lương này không chỉ thấp, nó không thay đổi từ năm 1999 đến nay, do qui định của nhà nước Việt Nam « chỉ điều chỉnh lương tối thiểu khi chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 10 % trong một năm ». Và vì trong 6 năm vừa qua, mức tăng hàng năm đó chưa từng bị vượt, mức lương tối thiểu vẫn đứng một chỗ - trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong 6 năm đã tăng 25 % ! Tính chung, kể cả tỉ giá đô la, từ 1999 đến 2005, mức lương trên thị trường lao động đã tăng từ 35 đến 50 % tuỳ theo địa phương. Tình hình trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ thuộc khu vực đầu tư nước ngoài như thế mà không bùng nổ sớm hơn mới là điều đáng ngạc nhiên.

Đầu tháng năm 2005, chính phủ có thông báo lộ trình hợp nhất tiền lương tối thiểu giữa hai khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài : mức lương của doanh nghiệp trong nước được điều chỉnh trong tháng 9 (tăng 20 %, lên 350 000 đ/tháng) còn mức lương của doanh nghiệp nước ngoài sẽ được điều chỉnh vào đầu năm 2006 (tăng chậm hơn để hai mức dần dần gặp nhau). Song trong những ngày cuối năm, bộ lao đông lại thông báo khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục trả lương như cũ « cho đến khi có quyết định mới của thủ tướng chính phủ ». Quyết định lùi thời điểm điều chỉnh lương là « giọt nước làm tràn ly » -  theo đánh giá của ông Phạm Minh Huân, vụ trưởng bộ lao động (VnExpress 5.1.06)-, khiến làn sóng đình công bùng nổ.

Trước tình hình đình công tràn lan tưởng chừng không hãm được, chính phủ phải gấp rút ra quyết định ngày 6.1 (áp dụng kể từ ngày 1.2) điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực đầu tư nước ngoài lên các mức từ 870 000đ (tăng 38 %, tương đương 55 USD) đến 710 000đ (tăng 45 %) tùy địa phương. Quan trọng hơn, quyết định này khẳng định mức lương tối thiểu chỉ là cơ sở để cho doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương và xác lập các loại phụ cấp lương : đặc biệt, doanh nghiệp không được dùng mức lương tối thiểu để trả công cho người lao động đã qua học nghề ngắn hạn, mà phải trả cao hơn (ít nhất 7 %).

« Không kiểm soát nổi tư tưởng người lao động »

Trong khi bộ luật lao động trao cho công đoàn cơ sở độc quyền « đại diện hợp pháp » cho người lao động và « lãnh đạo các cuộc đình công », và tuy công đoàn có cơ sở tại hầu hết (hơn 70 %) các doanh nghiệp đã diễn ra đình công, sự kiện nổi bật trong các cuộc đình công vừa qua lại chính là sự vắng mặt hoàn toàn của các công đoàn cơ sở. Tại tất cả các doanh nghiệp liên quan, công nhân đã tự cử ra ban đại diện của họ và tự tổ chức lấy cuộc đình công. Nhưng đây không phải là một trường hợp ngoại lệ. Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ), bà Cù Thị Hậu, thẳng thắn công nhận rằng gần 1000 cuộc đình công đã xảy ra từ khi ban hành bộ luật lao động năm 1995 đến nay, và « tất cả đều tự phát và không đúng trình tự pháp luật ». Bà chủ tịch nói tiếp : « Nếu chúng ta không làm thì sẽ có người khác làm » (Lao Động 8.1.06 và 1.7.05). Trong những lý do nêu ra, bà Hậu cũng thẳng thừng nói : « Công đoàn lãnh đạo công nhân đình công thì phải xin ý kiến của Đảng. Đảng liệu có đồng ý ? Với ràng buộc như thế, công đoàn không thể lãnh đạo đình công đúng luật » (VnExpress 8.1.06).

Báo Tuổi Trẻ (9 và 14.1.06) còn nhận định luật đã « trao quyền » cho một tổ chức không có năng lực đảm đương vai trò của nó trong thực tế : « công đoàn không thực hiện được chức năng là đại diện cho người lao động trong việc đề đạt, kiến nghị, thương thảo, tổ chức đấu tranh với giới chủ và cơ quan chức năng nhà nước để bảo vệ lợi ích của công nhân » ; tổ chức công đoàn đã « bị vô hiệu hoá hoặc biến thành ‘cái đuôi’ của chủ doanh nghiệp nên không thể có tiếng nói thuyết phục trong tập thể người lao động ». Giữa đợt đình công của công nhân các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, chủ tịch công đoàn các khu chế xuất TP HCM, ông Lê Trung Nghĩa, đã phải thốt ra : « Công đoàn không kiểm soát nổi tư tưởng người lao động » (VnExpress 5.1.06) !

Không chỉ công đoàn mà cả bộ luật lao động cũng « bất cập và xa thực tiễn », theo nhận xét của Tổng liên đoàn lao động (Lao Động 12.1.06). Bởi nếu tất cả các cuộc đình công xảy ra từ 10 năm qua đều trái pháp luật thì điều đầu tiên phải kết luận là qui định của bộ luật lao động bất hợp lý, không khả thi (riêng thời gian « xin phép » đình công có thể từ 20 đến 30 ngày)... Theo ông Đặng Ngọc Tùng, phó chủ tịch TLĐLĐ, « những quy định hiện nay quá khắt khe khiến cho người lao động không thể tiến hành một cuộc đình công hợp pháp » (Lao Động 1.7.05).

« Lực lượng ngăn chặn bạo động và đình công »

Bị bất ngờ hoàn toàn trước tình trạng bùng nổ đình công này, chính quyền TPHCM đã phản ửng như hoảng hốt, lo sợ cho « môi trường  đầu tư ». Được cử đến tận nơi để làm việc với giới chủ, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đợt đình công xảy ra là « đáng tiếc và không đáng có » và cam kết  sẽ « bằng mọi biện pháp » ngăn chặn không để cho đình công bất hợp pháp tiếp diễn ! Tiếp xúc với những công nhân đình công, ông Nhân kêu gọi họ « không nghe theo sự xúi dục của những phần tử xấu ». Thổi phồng một vài hành động đập phá của cải của doanh nghiệp, ông còn tìm cách đánh đồng các đại diện công nhân tổ chức đình công với những « phần tử quá khích đội lốt công nhân, kích động bạo lực nhằm mục đích phá hoại ». Một tư duy tưởng đã lỗi thời, dĩ nhiên biện pháp đi kèm cũng phản động không kém :

Ngày 5.1, chính quyền TPHCM thông báo thành lập « lực lượng ngăn chặn bạo động và đình công » gồm bốn thành phần : chủ doanh nghiệp, công đoàn, ban quản lý các  khu chế xuất - khu công nghiệp và công an. Lực lượng này cho biết đã bắt đầu « tiến hành phân loại để xác định và vô hiệu hoá những phần tử quá khích » và, để đối phó với các tình huống, một lực lượng cơ giới đã được thành lập để « sẵn sàng có mặt sau 10 phút nếu có manh động » (Sài Gòn Giải Phóng 5.1.06 - Tiền Phong 6.1.06) .

Tình hình các khu chế xuất và công nghiệp đã hạ nhiệt sau quyết định của chỉnh phủ ngày 6.1 điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, cho đến trung tuần tháng giêng, đình công vẫn còn tiếp diễn ở một vài doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Cho dù những biện pháp công an do chính quyền TPHCM thi hành có chấm dứt được các cuộc đình công đi nữa thì các vấn đề cơ bản, mà đợt đấu tranh vừa qua của công nhân đã làm bật ra, vẫn còn đó.

Trước hết, đeo đuổi một chánh sách nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước bỏ rơi quyền lợi của người lao động đã quá lâu. Việc tăng lương tối thiểu là quyết định cần kíp nhưng chưa đủ. Bởi vì trên cơ sở mức lương tối thiểu đó, vấn đề còn là bắt buộc các chủ doanh nghiệp xây thang bảng lương với định mức lao động, áp dụng chế độ thưởng và phụ cấp làm thêm giờ, tôn trọng hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế và xã hội... - những điều mà nhà nước suốt thời gian qua đã buông lỏng. Và trong khi chính quyền TP HCM có thể huy động « lực lượng » để ngăn đe công nhân đình công thì thanh tra viên của sở lao động thành phố « chỉ có vài người » để kiểm tra hàng mấy chục ngàn doanh nghiệp : giới chủ trong điều kiện đó có thể tiếp tục vi phạm các qui định về lao động... chí ít cho đến bùng nổ đình công sau (Tuổi Trẻ 9.1.06).

Cho nên câu hỏi cơ bản nhất mà đợt đình công vừa qua nêu lên là : Ai bảo vệ quyền lợi người lao động khi mà công đoàn cơ sở không có năng lực đại diện cho người lao động đấu tranh với giới chủ doanh nghiệp cũng như với nhà nước ? 

Từ chối đặt lại vấn đề độc quyền của hệ thống công đoàn - một bộ phận trong hệ thống chính trị của Đảng cộng sản -, Tổng liên đoàn lao động đề nghị tu sửa bộ luật lao động để cho « chủ thể tổ chức đình công » không chỉ có công đoàn cơ sở mà có cả công đoàn cấp trên cơ sở (Lao Động 6.1.06). Rõ ràng, giải pháp vá víu này hoàn toàn không tương xứng với yêu cầu của người lao động và đòi hỏi của xã hội. Nếu nó được thông qua trong bộ luật sửa đổi sắp đến, có thể tiên đoán rằng lần bùng nổ đình công « bất hợp pháp » tới - khó tránh khỏi - sẽ chứng minh tính không chính đáng cũng như không khả thi của nó.

Hải Vân


« tưởng cúp điện… »

[…] Khi những kiến nghị của người lao động đưa ra không được [doanh nghiệp] đáp ứng thì tập thể người lao động phản ứng bằng cách tự tổ chức đình công thông qua một ban đại diện được cử ra, chứ không yêu cầu công đoàn - tổ chức đại diện hợp pháp cho họ - giải quyết tranh chấp. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều có hệ thống công đoàn từ cấp cơ sở đến tận các tổ, dây chuyền sản xuất, song khi đình công xảy ra nhiều cán bộ công đoàn vẫn không hay biết gì.

Đơn cử, tại Công ty giày Hải Vinh, ngày và giờ đình công được người lao động thông báo trước 2 ngày mà lãnh đạo công ty và cả hệ thống công đoàn vẫn “bình chân như vại”. Ông Phan Đình Chẩn, chủ tịch công đoàn công ty cho biết : « Từ trước đến nay, người lao động tại công ty chúng tôi rất chăm chỉ làm việc - đâu có ngờ họ lại đình công lớn như vậy. Ngay sáng hôm diễn ra đình công, thấy công nhân tụ tập trước cửa công ty, chúng tôi cứ tưởng cúp điện nên quản đốc xưởng cho nghỉ ».

Việc người lao động cử ra một nhóm người làm đại diện cho mình để tiếp xúc với giới chủ, theo ông Lê Trung Nghĩa, chủ tịch công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, nguyên nhân do người lao động không tin vào tổ chức công đoàn và cho rằng công đoàn chỉ bảo vệ quyền lợi của giới chủ […].

Phạm Hoài Nam

(Sài Gòn Giải Phóng 19.1.2006)

 

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss