Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Câu chuyện trong bệnh viện và y tế Việt Nam

Câu chuyện trong bệnh viện và y tế Việt Nam

- Nguyễn Duy Khiêm — published 19/11/2011 17:50, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:57
Thiếu thốn phương tiện điều trị và chẩn đoán cũng là vấn đề đau đầu cho bác sĩ. Nhưng có lẽ cái thiếu thốn đau lòng nhất, nhức nhối nhất và nguy hiểm nhất trong ngành y tế hiện nay là hiện tượng vô cảm, là vấn đề y đức của giới y tế, kể cả bác sĩ và y tá.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Câu chuyện trong bệnh viện

và y tế Việt Nam

Nguyễn Duy Khiêm

Cuối năm 2005 tôi có dịp về Việt Nam thăm nhà và đi vài nơi thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua kinh nghiệm của những chuyến đi xa, lần này tôi trang bị cho mình cái notebook để ghi chép những gì mình thấy được, nghe được và cảm được. Trước là chia sẻ với bạn bè, sau là -- nói ra không biết có to tát lắm không -- là làm chứng từ thật về những thay đổi (tốt có, xấu có) trong xã hội Việt Nam đang vào những năm đầu thế kỉ 21 này. NDK.  

Tôi có dịp vào thăm người thân đang nằm tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, và vài lần ghé qua bệnh viện đem lại cho tôi nhiều cảm giác vui buồn lẫn lộn. Bệnh viện là một trung tâm y tế lớn nhất và hiện đại nhất ở miền Nam (hay cả Việt Nam), cho nên có rất nhiều bệnh nhân từ khắp cả tỉnh, phần lớn là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được điều trị tại đây. Bệnh viện lúc nào cũng quá tải. “ Quá tải ” ở đây phải hiểu là có nhiều bệnh nhân hơn số giường, cho nên hầu như khoa nào của bệnh viện cũng có bệnh nhân nằm ngoài hành lang; bất cứ phòng nào cũng có tình trạng hai bệnh nhân phải nằm chung một giường! Khoa thấp khớp có 65 giường, nhưng hầu như tháng nào cũng có ít nhất là 100 bệnh nhân nằm, phần lớn là những bệnh do lạm dụng thuốc corticosteroid. Có một bệnh nhân mà nhìn qua tấm phim X-quang khó mà nhận ra các đốt sống ! Khoa ung bứu có vô số bệnh nhân nằm la liệt trong phòng và ngoài hành lang trông cực kì thảm hại.

Mà một bệnh nhân có nhiều thân nhân đến thăm nuôi, cho nên con số người trong bệnh viện lúc nào cũng đông nghẹt. Nhìn từ xa thấy toàn cảnh bệnh viện rất hỗn độn và … dơ bẩn. Có khi khó nhận ra đây là một bệnh viện. Những ai, và nhất là bác sĩ, từng làm việc trong các bệnh viện ở các nước Tây phương có lẽ khó mà tưởng tượng một cảnh trạng như thế.  

Tuy nhiên, bệnh viện cũng có những khu vực (hay “ khoa ”) tương đối sạch sẽ hơn. Chẳng hạn như khu vực “ Nội quốc tế ”, dành các quan chức cao cấp, các bệnh nhân có tiền (kể cả bệnh nhân nước ngoài – do đó có chữ “ quốc tế ” trong tên gọi). Khu này có thể nói là gần như đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh: phòng ốc sạch sẽ, mỗi phòng đều có cầu tiêu thiết kế theo kiểu vừa là nơi làm vệ sinh cá nhân vừa là nơi tắm rửa, có ti-vi, tủ lạnh, v.v… Khu này còn có nhân viên làm vệ sinh hàng ngày, nên trông rất sạch sẽ. Tuy nhiên giá cả thì không rẻ chút nào: giá tiền phòng cho mỗi ngày là 300.000 đồng, còn tiền thuốc và chi phí điều tra (X-quang, MRI, CT scan, v.v…) là bệnh nhân phải trả thêm. Một MRI scan tốn khoảng 2 triệu đồng (tức trên dưới 200 đô-la Úc), một giá không rẻ hơn ở Úc chút nào. Người dân lao động có thu nhập thấp không thể nào có khả năng chịu nổi những khoản phí tổn khổng lồ này.  

Có lẽ là trung tâm y tế chính của cả nước, nên bệnh viện được đầu tư khá dồi dào. Tất cả các máy X-quang, MRI, CT scan, DXA scan, v.v… đều có ở đây. Ngay cả cơ sở phân tích sinh hóa cũng rất tốt, nhất là trong điều kiện kinh tế ở Việt Nam như hiện nay. Ngoài ra, có một thay đổi tích cực trong bệnh viện, đó là cấm hút thuốc lá. Trước đây, thân nhân và bệnh nhân hút thuốc lá thoải mái, rất ư là phản y tế, nhưng nay thì điều lệ cấm hút thuốc lá trong và ngoài khung viên bệnh viên đã được ban hành và được chấp hành rất nghiêm chỉnh.  

Nhưng việc đi lại trong bệnh viện, nhất là đối với bệnh nhân ở các tầng cao như tầng 8, 9, và 10, còn rất nhiêu khê và khó khăn. Cứ mỗi lần ra ngoài bệnh viện và đi vào bệnh phải tốn ít nhất là 30 phút! Lí do đơn giản là có quá nhiều thân nhân đến thăm nuôi, mà bệnh viện chỉ có 2 thang máy dành cho họ, vì thế người ta phải … sắp hàng mỗi khi vào bệnh viện. Có khi hàng người kéo dài cả trăm mét ngay trước cổng bệnh viện, và cảnh chen lấn nhau, dành đứng đầu (người Việt Nam ta vẫn chưa quen với khái niệm trước sau), và kẻ lạ móc túi cũng gây ra bao nhiêu là phiền phức và thảm cảnh cho thân nhân. Vì rất nhiều thân nhân, nhất là thân nhân từ các miền quê, chưa biết sử dụng thang máy điện cho nên bệnh viện phải mướn một đội “ tài xế ” mà việc làm chỉ đơn giản là … lái thang máy. Mỗi khi vào thang máy, chỉ cần nói số lầu là “ tài xế ” bấm nút và quay lại đọc tờ báo đã nhào bét từ buổi sáng! Trong khi chỉ có 2 thang máy được dành cho thân nhân thăm nuôi, thì bệnh viện có đến 12 thang máy dành cho nhân viên và chuyên tải bệnh nhân! Tôi thật không hiểu nổi tại sao lại có một sự bất cân đối như thế.  

Có hôm tôi đi lạc vào khu thang máy dành cho nhân viên, đang loay hoay tìm cầu thang, thì liền bị một giọng nói phía sau đầy uy quyền : ông kia, đi đâu đây ? Dạ, tôi đi thăm nuôi. Thăm nuôi đâu đây, ngoài kia kìa, đứng sắp hàng ở đó đó. Anh nhân viên bảo vệ ra lệnh cho tôi. Mới sớ rớ sắp hàng, liền bị một anh bảo vệ khác gọi giật lại: ông kia, có cái gì trên vai vậy ? Dạ, máy chụp hình. Hả, ông ăn cắp ở đâu vậy, trả cho người ta đi ! Anh ta nói giữa thanh thiên bạch nhật như thế, và hàng trăm ánh mắt tò mò nhìn sang tôi. Vừa nói, anh vừa ra lệnh tôi cởi áo ngoài để anh ta xem cái máy chụp hình. Tôi dứt khoát không rời cái máy Nikon yêu quí của tôi, và khẳng định tôi là thân chủ của nó. Có lẽ thấy thái độ “giữ của” của tôi quá kiên quyết, nên anh ta hỏi : Ông đi đâu. Dạ tôi đã nói là đi thăm thân nhân trên lầu 10. Hả, lầu 10 ? Dạ. Anh ta quét mấy cái nhìn nghề nghiệp vào tôi và sau vài giây suy nghĩ, anh cho tôi vào thang máy. Ôi, thật là hú hồn một phen !  

Thật ra hành động của anh bảo vệ cũng không phải là quá đáng, bởi vì nạn ăn trộm tại các bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay phải nói là đến độ nguy hiểm. Lợi dụng đám đông và tình trạng bệnh của bệnh nhân, có rất nhiều kẻ gian len lỏi vào bệnh viện để ăn cắp đồ đạt và tiền bạc của bệnh nhân hay của thân nhân bệnh nhân. Hầu như bệnh viện nào cũng có những biển như “ Đề phòng trộm cắp ”, “ Coi chừng móc túi ”. Có nơi còn cho phát thanh thường xuyên cảnh báo bệnh nhân và thân nhân về nạn ăn trộm và móc túi. Mà xem ra công an chưa có biện pháp gì để ngăn chận tệ nạn này.  

Thái độ của nhân viên bệnh viện, đặc biệt là y tá và hộ lí, ở bệnh viện này chỉ có thể mô tả bằng một danh từ: hống hách. Tôi có cảm giác là họ chẳng biết hay chẳng hiểu khái niệm phục vụ bệnh nhân có nghĩa gì. Câu chuyện và kinh nghiệm của tôi cũng đáng suy ngẫm về thái độ này. Hôm đó, tôi chuẩn bị thủ tục cho thân nhân xuất viện, và phát hiện tên của thân nhân tôi đã bị thay đổi chỉ với một dấu nặng. Tôi phàn nàn rằng cả hai tháng mà chẳng ai sửa lại tên bệnh nhân cho chính xác. Thay vì nói một lời xin lỗi, cô y tá nhìn tôi khinh khỉnh nói: Ôi, có cái tên mà làm gì phải nghiêm trọng vậy. Tôi cãi lại rằng nghiêm trọng chứ, vì nó biểu hiện thái độ coi thường bệnh nhân và cách làm việc cẩu thả, ngay cả cái tên mà còn không viết đúng thì còn sai sót gì khác nữa đây.  

Hôm xuất viện, một cô y tá, chẳng cần báo trước, xông vào phòng bệnh nhân, nói là đòi kiểm tra xem có mất gì không. Tôi thấy thái độ hách dịch và cách dùng chữ “ mất ” của tôi, nên không ngăn được một lời cảnh cáo: Thưa chị, tôi cảm thấy xúc phạm khi chị dùng chữ “ mất ”; thân nhân tôi đến đây để chữa bệnh, chứ không phải để ăn cắp của ai cả. Cô y tá quét một ánh mắt sáng ngời và khinh khi nói rằng: Đây là qui định, tôi phải kiểm tra. Dạ thưa chị, không ai không cho chị kiểm tra, tôi chỉ không chấp nhận chữ “ mất ”, và tôi nghĩ chị nợ chúng tôi một lời xin lỗi. Cô tả quay lưng bỏ đi, cũng như khi cô vào phòng, chẳng có một lời nói từ biệt chứ nói gì đến xin lỗi.  

Do có đồng nghiệp làm việc ở đây, tôi có dịp ghé thăm vài khoa trong bệnh viện, tôi phải nói rất nhiều y tá ở đây thật khó ưa. Họ nói chuyện với bệnh nhân như là người chủ nói chuyện với người ở, và thái độ của họ thì hống hách, đe dọa, miệt thị đến độ có thể nói là vô giáo dục. Tôi thấy rất ít y tá có lời nói dịu dàng với bệnh nhân. Trước những quát mắng, bệnh nhân và thân nhân chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng, nhẫn nhục cuối đầu thấp, y như là thần dân phủ phục trước bệ rồng của vua.  

Người y tá phục vụ đã trở thành quan chức được phục vụ. Thật vậy, những thói nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền bạc từ bệnh nhân xảy ra hàng ngày. Đi qua một vòng các giường bệnh và hỏi thăm thân nhân, tôi có thể nói 100 % thân nhân đều thường xuyên cung phụng các y tá trực phòng để được yên thân. Hình thức có thể là quà cáp, trái cây, tiền bạc. Thành ra, không một ai ở bệnh viện cảm thấy thoải mái cả. Bệnh nhân, ngoài căn bệnh ra, lúc nào cũng ám ảnh với những “ ma ” đang trực chờ lừa đảo, ăn trộm, và sợ những y tá vào la mắng, thành ra không lúc nào cảm thấy yên thân, chứ nói gì đến yên tâm. Có người cho rằng nằm bệnh viện là một cực hình, xem bệnh viện là một nhà tù, thậm chí đối với vài người nằm bệnh viện là một địa ngục ở trần gian.  

Người ta nói nhiều đến vấn đề giáo dục, nhưng tôi cho rằng y tế cũng là một trong những vấn đề nổi cộm và nghiêm trọng nhất ở Việt Nam. Thiếu bệnh viện là một cái khó khăn triền miên, muôn thuở. Thiếu thốn phương tiện điều trị và chẩn đoán cũng là vấn đề đau đầu cho bác sĩ. Nhưng có lẽ cái thiếu thốn đau lòng nhất, nhức nhối nhất và nguy hiểm nhất trong ngành y tế hiện nay là hiện tượng vô cảm, là vấn đề y đức của giới y tế, kể cả bác sĩ và y tá. Những thái độ hách dịch, những hành vi xem bệnh nhân như là người hưởng ân huệ, những trò “ chuyền bóng ” bệnh nhân để làm tiền xảy ra hầu như hàng ngày đến độ xã hội xem đó là chuyện thường tình.  

Có thể nói hệ thống y tế Việt Nam hiện nay đang giết chết người dân. Ngày nay, người dân không bị bệnh truyền nhiễm, mà những bệnh liên quan đến ăn uống và thừa thải thực phẩm, và việc điều trị thường quá khả năng tài chính của bệnh nhân. Những bệnh thường hay gặp nhất ở nông thôn ngày nay là: cao huyết áp, tiểu đường, khớp xương, tim mạch và tai biến mạch máu não. Mỗi lần đi khám bệnh, chi phí bác sĩ thì không bao nhiêu, nhưng cái toa thuốc kèm theo mới làm cho nhiều gia đình điêu đứng, méo mặt. Một bệnh nhân tiểu đường, mỗi lần đi khám bác sĩ đều có một toa thuốc trị giá 600.000 đồng có thể dùng trong vòng 1 tháng. Đó là chưa kể các dịch vụ thử nghiệm khác, cũng tốn khoảng 100.000 đồng một lần, có khi lên đến cả triệu đồng. Một người nông dân làm trung bình một ngày chỉ 20.000 đến 30.000 đồng thì lấy đâu để trang trải toa thuốc này?  

Chính phủ chẳng có tài trợ gì, người dân phải tự lo liệu lấy. Nếu người dân bị bệnh và không có tiền thì phải làm gì? Chờ chết. Cuộc sống thiếu thốn sản sinh ra nhiều thảm cảnh. Vài ba câu chuyện thương tâm xảy ra trong làng tôi. Bà X bị bệnh đau khớp xương, và qua biết bao lần chữa trị không hết, mà tiền thì cứ cạn dần. Đến lúc mợ thấy không muốn làm phiền và hao tổn con cái nữa, bà quyết định treo cổ tự tử chết. Một người Khmer ngày xưa (trước 1975) có khoảng 20 công ruộng; sau 1975 cũng còn nguyên vẹn, vì gia đình có 5 con. Mấy đứa con đều có gia đình và chúng ra ở riêng, chỉ còn một mình bà ở trong căn nhà lá đơn sơ. Vài năm trước đây, bà bị bệnh khớp xương, nghe nói là đau đớn lắm; bà cố gắng chịu đau, không chịu mua thuốc uống, vì thuốc đắt đỏ quá. Đến khi cơn đau lên cao, bà tự tử bằng cách lấy dao tự cắt cổ mình. Vì nghèo quá, nghèo đến nổi không có tiền mua hòm để liệm. Hàng xóm phải góp tiền để mua cho bà một cái hòm để hỏa táng.  

Các tổ chức y tế quốc tế một mặt ca ngợi thành tựu của ngành y tế Việt Nam, mặt khác họ cảnh báo rằng tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân đứng vào hạng những nước tệ nhất thế giới (hạng 187 trong số 191 nước).  

Trước những bức xúc như thế, người đứng đầu ngành y tế Việt Nam nghĩ gì? Đề cập đến chất vấn của các đại biểu về vấn đề y đức và nạn nhũng nhiễu bệnh nhân, bà Trần Thị Trung Chiến (nghe đâu mang hàm phó giáo sư tiến sĩ) chẳng những không trả lời được mà còn than vãn xin được … thông cảm: “Nghề nào thì cũng cần đạo đức nhưng y đức của ngành y tế được đặt ra nặng hơn. Mọi người cũng phải thông cảm cho, hiện nay nhiều bệnh viện quá tải, cầu vượt quá cung. Một buổi chiều khám 100 người bệnh, bác sĩ còn đâu vui vẻ.” Còn trước tình trạng thiếu bệnh viện và cơ sở vật chất trong ngành y tế, bà bộ trưởng cũng tỏ ra … bó tay: “Có những bệnh viện không mổ được một ca ruột thừa … Tôi đã thiết tha nhiều lần đề nghị đầu tư cho ngành y tế. Phải có kinh phí, nếu không Quốc hội hỏi tôi, chất vấn thế này, tôi không làm sao giải thích được.” Nghe người đứng đầu ngành y tế của cả nước nói như thế, người dân còn gì là hi vọng ?

Nguyễn Duy Khiêm

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss