Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Khuôn mẫu và nét bút

Khuôn mẫu và nét bút

- Thái Tuấn, Đặng Tiến — published 15/11/2011 18:50, cập nhật lần cuối 23/11/2012 12:01
Những nét bút, nét cọ trong tác phẩm đã nói lên được, phần nào, tư chất phong cách của người cầm bút cầm cọ. Đó là tiếng nói của tiềm thức, vô thức đã vượt khỏi kiểm soát của trí óc, của ý muốn, của tính toán.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Khuôn mẫu và nét bút

Tôi nhìn thằng cháu tập viết. Tay nắm chặt cây viết, môi nó mím lại theo nét bút, cố sức nắn nót cho đúng với chữ mẫu ở cuốn tập đồ.

Nó không thể biết còn bao mẫu mực, chờ đợi nó. Ở gia đình, trường học và cả ở cuộc sống xã hội.

Nếu tất cả các khuôn mẫu chỉ tạo ra những gì giống nhau ; thì cái gọi là cá tính lại làm ra những cá nhân khác nhau.

Cá tính hiện ra ở nét bút khác nhau. Có nét bút vội vã, nóng nảy. Có nét bút thanh thản, điềm đạm. Có nét dối trá, ba hoa. Và những nét thật thà, trung thực.

Những nét bút, nét cọ trong tác phẩm đã nói lên được, phần nào, tư chất phong cách của người cầm bút cầm cọ. Đó là tiếng nói của tiềm thức, vô thức đã vượt khỏi kiểm soát của trí óc, của ý muốn, của tính toán.

Người Tàu có câu nói : một nét bút đã phân biệt người quân tử, kẻ tiểu nhân. Có ý kiến cho rằng : quân tử hay tiểu nhân thì dính dáng gì đến vẻ đẹp ở bức hoạ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật cũng thường tìm hiểu tiểu sử của hoạ sĩ để so sánh đối chiếu với nét bút trong tác phẩm để sự so sánh đối chiếu đỡ phần sai lạc. Berenson là một nhà phê bình lỗi lạc, ông chuyên nghiên cứu về những bức hoạ ở thời kỳ Phục Hưng ở nước Ý. Từ Hoa Kỳ là nơi ông sinh trưởng ; ông đã đến sống ở tỉnh thành Florence miền Bắc nước Ý. Ông từng nói : « nét bút cá nhân còn chứa đựng cả một nền văn hoá. Tôi thấy cần phải sống ở Florence ; để tìm hiểu nền văn hoá nơi này ; hầu sự đánh giá tác phẩm đỡ sai lầm ». Tác phẩm nghệ thuật, xuất phát từ những nền văn hoá khác nhau. Các nhà phê bình phương Tây, thường chỉ chú trọng đến những tác phẩm thuộc vùng văn hoá mà họ am tường. Họ sao lãng với những tác phẩm thuộc vùng văn hoá các nơi khác mà họ chưa nắm vững.

Lòng ưu ái với những tác phẩm thuộc vùng văn hoá mình sinh trưởng cũng là điều tự nhiên, chính đáng.

Dân tộc nào, cũng hãnh diện với những tài năng thuộc dân tộc mình.

Quốc gia nào cũng dành ưu tiên, một chỗ quan trọng trong viện bảo tàng nghệ thuật cho những tác phẩm nghệ thuật của dân tộc.

Tiếng ĐẸP thường được hiểu theo những ý nghĩa khác nhau ; vẻ đẹp Đông phương, vẻ đẹp Tây phương. Sự phân biệt là do những nguồn mỹ cảm khác nhau. Mỹ cảm khác biệt lại do nền văn hoá không giống nhau, thời đại không giống nhau.

Tây phương tuy chia ra nhiều quốc gia ; song hầu như đều chung một cội nguồn văn hoá không mấy khác biệt từ lâu đời. Van Goth, Modigliani, Picasso, Chagall, tuy là những con người tứ xứ ; mà vẫn chung nền văn hoá Tây phương.

Họ đã được đánh giá trước hết, bởi giới làm văn học nghệ thuật và quần chúng đông đảo nơi xứ sở họ. Tính nghệ thuật của tác phẩm sẽ vượt không gian ; để đến với mọi người yêu thích tranh.

Thái Tuấn

VỀ MỘT BỨC TRANH THÁI TUẤN

Họa sĩ Thái Tuấn rời Việt Nam sang định cư tại Pháp từ 1984, ở gần nhà tôi.

Năm 1987, anh vẽ một bức sơn dầu vuông vắn, 70 x 80 cm. Tranh đơn giản từ màu đến nét. Trên nền xám tím, những nét thẳng góc, vẽ nên một căn phòng trống. Góc trên cao là khung cửa nhỏ, đục qua bức tường dày, để hở một xó trời xanh nhạt, phía dưới là một bục gỗ vuông chành chạnh, xám xịt và xanh tái, có đặt một cái bát trống trơn, lòng bát trắng hếu, làm nổi bật khoảng trống.

Năm rồi, 2004 anh soạn ra đưa tôi xem và hỏi  « Tôi vẽ cái gì đây hở ông ? Sao tôi vẽ thế ? ». Có lẽ anh cũng ngạc nhiên vì bức tranh này tương phản với những họa phẩm khác, anh thường cấu trúc trên những đường cong mềm mại, dịu dàng, và sử dụng nhiều uyển sắc, dù cho u buồn thì cũng thơ mộng, thoáng rộng. Quả là có lạ, có khác, có bất ngờ, và tôi không biết nói gì. Anh tiếp : « Thôi ông cứ mang về nhà treo, thấy ra điều gì thì mách tôi ».

Mấy hôm sau, tôi đến chơi và trình bày : « Đây là những ám ảnh tiềm ẩn trong ông sau 1975. Ám ảnh tù ngục, thiếu đói, cách ly, trống vắng, cô độc – vì lý do này hay lý do khác. Thời đó, tại Sài Gòn, ông không vẽ được. Ra nước ngoài, bức tranh tự bật ra từ những ẩn ức bị dồn nén. Bật ra như một òa vỡ ». Tôi nói thế vì biết Thái Tuấn không vẽ tranh thời sự, không minh họa tư tưởng. Đặc điểm tranh Thái Tuấn – hay, dở : tùy người – là không phản hồi một tia sáng nào của lịch sử, mặc dù anh đã kinh qua trọn vẹn hai cuộc chiến tranh và các biến động kèm theo.

Nghe tôi trình bày, họa sĩ trầm ngâm « ông đã nói thế thì giữ lấy tranh ấy mà treo ».

Tôi đặt tên tranh là Ký Ức.

Kể lại chuyện, là nói về lịch sử một bức tranh, không phải chuyện tranh lịch sử.

Đặng Tiến

21/11/2005

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss