Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Kinh tế Việt Nam năm 2005

Kinh tế Việt Nam năm 2005

- Vũ Quang Việt — published 23/11/2011 11:40, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:36
Tác giả phân tích những thông tin thống kê và chính sách kinh tế của Việt Nam để xác định những vấn đề mới sẽ đặt ra : mặc dù kinh tế tăng trưởng khả quan, lạm phát vẫn tiếp tục và tiếp tục gây ảnh hưởng xấu. Nguyên nhân của lạm phát là bệnh chạy theo thành tích và chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo. Cuối cùng tác giả nêu ra những vấn đề của quốc doanh đối với việc VN gia nhập WTO.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Kinh tế Việt Nam năm 2005 và
những vấn đề mới đặt ra

Vũ Quang Việt

Kinh tế tăng trưởng khả quan

Kinh tế Việt Nam năm 2005 tăng trưởng 8,4 %, vượt mức tăng 7,7 % năm  2004.  Thu nhập bình quân đầu người khoảng US$640, cao hơn năm 2004 gần US$100, một phần là do tăng trưởng, nhưng một phần lớn hơn là do giá nội địa tăng khi giá trị đồng USD gần như đứng nguyên tại chỗ.

Tổng mức nước ngoài hứa hẹn đầu tư mới là US$ 3,9 tỷ [1] hoặc US$ 5,8 tỷ [2] tùy theo nguồn thông tin, tức là vẫn ở mức cao so với US$4,1 tỷ đạt đươc năm 2003. So với những năm 1997-2003, chỉ ở mức trên dưới 2 tỷ một năm, thì là một hiện tượng tăng đột biến. Có thể nói khả năng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao vào những năm tới, nếu Việt Nam được đánh giá là sẽ tiếp tục ổn định chính trị, trong khi quan hệ Trung Nhật tiếp tục xấu, đưa đến chính sách khuyến khích đầu tư vào Việt Nam của Nhật. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn nếu tình trạng giải ngân đầu tư nước ngoài được hơn. Tỷ lệ giải ngân năm 2005 vẫn tiếp tục không khá hơn năm 2004. Trong điều kiện đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 cũng như trong mấy năm gần đây vẫn ở mức khá là do chính sách kích cầu, với mức đầu tư lớn của nhà nước (chiếm khoảng 53 % tổng vốn đầu tư). Mức tăng trưởng đầu tư năm qua vượt 26 % theo giá hiện hành, ước tính khoảng 17 % tính theo giá cố định, vượt cao hơn những năm trước (khoảng 11-12 %). Nói chung giới đầu tư nước ngoài đánh giá nền kinh tế cao hơn trước, S&P, và Fitch đánh giá ở mức BB-, Moody đánh giá ở mức Ba3. Đây là lý do mới đây số trái phiếu trị giá $US600 triệu đã bán hết nhanh chóng trên thị trường tài chính New York. Đánh giá này của thị trường tài chính ngược lại với đánh giá xuống hạng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.  

Những thành quả trên là đáng khích lệ, nhưng cũng chưa đủ che dấu những mặt yếu kém mà nếu không được điều chỉnh sẽ có nguy cơ đưa đến nhiều hậu quả tiêu cực xã hội và sự bất ổn định của nền kinh tế trong tương lai.

Lạm phát vẫn tiếp tục và ảnh hưởng xấu của nó

Lạm phát năm 2005 tiếp tục tăng cao, ở mức 8,4 % so với 9,5 % năm 2004. Không thể đổ tội cho việc tăng giá dầu. Thứ nhất vì các nước trong khu vực và Mỹ không có lạm phát cao như Việt Nam. Thứ hai giá dầu thế giới vẫn tăng trong năm 2005 (21 %) nhưng ở mức thấp hơn năm 2004 (55 %). Thế nhưng giá cả ở Việt Nam vẫn tăng cao, đó là vì việc tiếp tục chính sách kích cầu. Theo nguồn tin báo chí kinh tế trong nước, tốc độ tăng tín dụng vẫn cao như mức năm trước.  Lạm phát cao có tác dụng gì ?    

Thứ nhất là lạm phát cao, khi đồng đô la Mỹ không tăng giá, đưa giá trị đồng Việt Nam tăng, làm tăng giá hàng nội địa (tăng giá do lạm phát) khi tính bằng đô la Mỹ và do đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Chẳng hạn nếu giá tăng 8 % mà hối suất đô la Mỹ không tăng thì giá tính bằng đô la tăng 8 %. Chính điều này đã góp phần làm cán cân thương mại với nước ngoài tiếp tục thiếu hụt lớn. Năm 2005 thiếu hụt là US$4.6 tỷ (9 %) GDP), so với năm 2004 là US$5.5 tỷ (12 % GDP). Xuất khẩu năm 2005 tăng 29 % (không kể dầu thô, xuất khẩu chỉ tăng 19,3 %), và nhập khẩu tăng ở mức thấp hơn là 15 %. Đây là lần đầu sau 6 năm mức thiếu hụt cán cân thương mại giảm, nhưng vẫn còn rất cao, trên mức an toàn cần thiết. Việc giảm thiếu hụt cán cân thương mại này không phải là do điều chỉnh chính sách mà vì hai lý do :

Tổng giá trị xuất khẩu tăng cao nhưng có tính giai đoạn do xuất dầu thô tăng 30 % vì giá tăng hơn 40 % và xuất gạo tăng 47 % (đạt mức kỷ lục 5,2 triệu tấn). Nếu trừ dầu thô, xuất khẩu chỉ tăng 19,3 % và nếu trừ thêm gạo tỷ lệ tăng xuất khẩu còn nhỏ hơn. Tỷ lệ tăng xuất hàng trong nước sản xuất chỉ có 14 %.  

Tổng giá trị nhập khẩu tăng thấp vì một số giá trên thị trường thế giới giảm như bông sợi, vì lượng phân bón nhập giảm mạnh (không hiểu vì lý do gì) và vì lượng máy móc thiết bị nhập giảm (có thể vì chính sách kiềm chế nhập, phản ánh qua tăng tốc nhập của doanh nghiệp nhà nước chỉ là 11 %).

Nếu nguồn thu về dầu thô và gạo không tăng thì mức thiếu hụt cán cân thương mại so với GDP vẫn ở mức tỷ lệ rất cao. Thiếu hụt cao như vậy sẽ đưa đến khủng hoảng kinh tế nếu như không có nguồn kiều hối khoảng US$4 tỷ chuyển về. Nguồn này sẽ không tăng như mức tăng nhập khẩu.

Thứ hai là lạm phát cao tạo thành một cuộc chạy đua nâng lãi suất ngân hàng để thu hút tiền gửi. Dù đã chạy đua như vậy nhưng lãi suất hiện nay ở mức 8,25 % vẫn còn thấp hơn lạm phát một chút. Cuộc chay đua nâng lãi suất sẽ tiếp tục vì người dân đã giảm số tiết kiệm trong ngân hàng khi lãi suất thực tế âm. Điều này nếu tiếp tục sẽ đưa đến những vấn đề sau. Thay vì tiết kiệm dân sẽ mua hàng (đặc biệt là vàng) và đẩy giá hàng lên. Giá hàng hoá tăng làm đời sống công nhân giảm đưa đến đòi hỏi tăng lương (điển hình là các cuộc đình công đòi tăng lương với sự tham gia của hơn 40 ngàn công nhân mới đây). Việc tăng lương lại đổ dầu thêm một vòng xoáy lạm phát. Đối với doanh nghiệp tư nhân, lãi suất cao sẽ làm tăng rủi ro, đưa đến việc giảm mức tăng đầu tư. Đối với nhà nước thì việc giảm mức tăng hoạt động của kinh tế tư nhân và lượng tiền tiết kiệm thấp có thể đẩy tới việc nhà nước làm hành động bơm tiền và tín dụng nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao theo kế hoạch và như thế sẽ góp thêm vào việc tăng sức mạnh của vòng xoáy lạm phát. Chỉ có thể điều trị khả năng xảy ra vòng xoáy lạm phát nếu như nhà nước chấm dứt việc chạy theo tốc độ tăng trưởng cao qua doanh nghiệp quốc doanh những năm tới.                

Thứ ba là lạm phát cao hiện nay gắn liền với chính sách kích cầu quốc doanh. Nhưng hiệu quả của việc đầu tư vào quốc doanh rất thấp. Mức đầu tư cho quốc doanh năm 2005 chắc cũng như năm 2004. Năm 2004, đầu tư (hơn một nửa là vào quốc doanh) lên trên 35 % GDP, khoảng gần 16 tỷ USD, một tỷ lệ đầu tư ở mức cao nhất thế giới hiện nay, nhưng lại tràn lan, thiếu chất lượng và hiệu quả đến mức mà ngay bản thân Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng phải kêu ca. Năm 2005, sản lượng công nghiệp chế biến tăng 17,2 %, trong đó khu vực tư nhân tăng 24,1 %, khu vực nước ngoài tăng 20,6 %, còn khu vực quốc doanh chỉ tăng 8,4 %. Tình trạng tham nhũng ở mức báo động hiện nay chính là con đẻ của việc nhà nước đầu tư tràn lan này. Nếu chỉ lấy 20 % là tỷ lệ thất thoát do tham nhũng thì tiền tham nhũng hàng năm lên đến US$1,6 tỷ  (dựa vào ½ số tiền đầu tư là vào quốc doanh). Việc rửa tiền bẩn đã làm tăng giá trị đất đai nhà cửa ở Việt Nam tới mức những người sống vì đồng lương không có hy vọng có được một nơi cư trú trong đời. Mọi người sẽ khó tránh tự hỏi : lao động chân chính để được gì ?

Thứ tư là do mức đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam ở mức cao hơn hiện nay và do kiều hối gửi về, giá đồng đô la Mỹ sẽ giữ mức thấp như hiện nay, dù lạm phát cao, đưa đến việc giá trị đồng Việt Nam tiếp tục tăng. Giá hàng nội địa tăng cao, giá đô la Mỹ giữ giá, do đó giá hàng Việt Nam bằng đô la sẽ tăng cao. Chi phí sản xuất tính bằng đô la cũng tăng vì lương bằng tiền Việt tăng. Kết quả sẽ là hàng hoá Việt Nam sẽ ngày càng mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới, mức thiếu hụt cán cân thương mại sẽ lớn lên và do chi phí đắt, khả năng cạnh tranh kém, luồng đầu tư nước ngoài vào cũng bị ảnh hưởng.

Tại sao lạm phát : chạy theo thành tích và lấy quốc doanh làm chủ đạo ?

Lạm phát có nguyên nhân chính từ ý đồ bằng mọi cách đạt kế hoạch tốc độ tăng kinh tế cao và từ việc coi quốc doanh là chủ đạo. Thành tích lại chỉ có thể dễ thực hiện bằng cách tăng đầu tư qua việc bơm tín dụng cho khu vực quốc doanh. Tất cả những phân tích về tác dụng nguy hại của lạm phát ở trên cho thấy nếu không điều chỉnh chính sách bơm tín dụng xây dựng quốc doanh thì khủng hoảng sẽ đến, lúc mà vì một lý do nào đó đầu tư nước ngoài sẽ không đổ vào nữa.

Dù không khủng hoảng ngay, chính sách chạy đua đạt thành tích phát triển cộng với coi quốc doanh là chủ đạo đã mang tới khủng hoảng niềm tin về đạo đức xã hội. Chính sách này đưa đến việc nhà nước đầu tư vung vãi nhằm đạt thành tích trong mọi lãnh vực ; chính vì thế mà tham nhũng mới có cơ hội bành trướng khắp nơi và ở mọi cấp : từ xây dựng, đấu giá dự án, chia lô đất, chia quota, thể thao, cho đến địa vị, bằng cấp trong giáo dục kể cả ở mức cao nhất như tiến sĩ đều có thể mua bán được (tương lai đất nước khó sáng sủa nếu như lãnh đạo tương lai là những trí thức giả hiệu này). Trong khi đó đời sống của người lao động nói chung tệ đi vì lạm phát. Thử hỏi phải chăng đã đến lúc cần tập trung xây dựng một chính phủ lành mạnh, có thể chế hữu hiệu bảo đảm công lý và điều kiện tiến thủ công bằng cho mọi người và một nền kinh tế ổn định, thay vì chạy theo một ảo tưởng nào đó ?

Quốc doanh và việc vào WTO

Tất nhiên quan điểm bảo vệ và ưu tiên quốc doanh cũng gắn liền với thế đứng trong thương thảo vào WTO. Không mặn mà vào sớm WTO cũng chính vì các cơ sở quốc doanh đòi hỏi nhiều điều kiện và thời gian vì biết rằng tính cạnh tranh của mình còn kém. Không cần phải lý luận nhiều cũng thấy rằng chính chính sách mở cửa và cạnh tranh từ năm 1990 đến nay đã giúp Việt Nam thoát khỏi cảnh bần cùng. Quốc doanh mất thế độc tôn, không còn được bù lỗ như trước nhưng chúng vẫn không chết. Mở cửa thêm nữa, cuộc cạnh tranh mới sẽ đẩy chúng lột xác. Đây là lý luận có tính hơn thiệt kinh tế dù rằng ai cũng biết là về mặt kinh tế việc nhập cuộc WTO ngay bây giờ hay sau này Việt Nam cũng sẽ phải chịu sự đối xử bất bình đẳng so với thành viên hiện tại. Đòi hỏi của Mỹ đối với Việt Nam qua những gì biết được là nhằm mở cửa cho dịch vụ buôn bán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, giao thông, thông tin và kể cả hàng hoá nông nghiệp. Những đòi hỏi này vượt quá định ước chung hiện nay của WTO.

Cơ bản hiện nay WTO mới chỉ đạt được định ước chung về xoá bỏ các biện pháp phi thuế ngăn trở nhập khẩu, về giảm thuế nhập khẩu hàng hoá phi nông nghiệp, về xoá bỏ quota hàng may mặc và mới đây là một vài bước tiến nhỏ về nông nghiệp. Các định ước về dịch vụ, về đầu tư nước ngoài còn tùy thuộc các cuộc thương thảo trong tương lai. Vài điểm thoả thuận đã rất rõ ràng là các định ước phải được áp dụng giống nhau cho người trong nước và người nước ngoài ; không phân biệt đối xử giữa nước thành viên này và nước thành viên khác; và cho phép nước thành viên tự áp dụng các biện pháp kiểm soát cần thiết đối với thanh toán bằng ngoại tệ ra nước ngoài nếu nước chủ nhà gặp vấn đề trong cán cân thanh toán để nhằm ổn định nền kinh tế. Và mới đây theo quyết định của UNESCO, các nước, trừ Mỹ, đã ký kết cho phép các nước có biện pháp bảo vệ văn hoá bản địa, ngầm hiểu rằng các nước có quyền ngăn cản việc nhập khẩu và xử dụng phim ảnh, âm nhạc, sách báo nước ngoài. Ngoài vấn đề bảo vệ văn hoá, điều ước UNESCO cũng có tính chất bảo vệ an ninh của quốc gia, không cho phép một nước khác dùng quyền tự do đầu tư và thương mại để tuyên truyền chống đối, làm mất ổn định chính trị. Không biết những đòi hỏi của Mỹ đối với việc gia nhập WTO của Việt Nam như thế nào, nhưng Việt Nam hoàn toàn có lý nếu như những đòi hỏi đó đưa đến sự mất ổn định xã hội và làm đồi bại nền văn hóa bản địa.

Nói tóm lại chỉ trừ trường hợp đòi hỏi của Mỹ ảnh hưởng đến an ninh và ổn định xã hội, không có lý do gì Việt Nam không nhanh chóng vào WTO.   

Nguồn thông tin: trừ trường hợp được nêu nguồn khác, các số liệu dùng trong bài này là từ Tổng cục Thống kê.

1/10/2006

Vũ Quang Việt

[1] Theo website của chính phủ điện tử, phần về Tổng cục Thống kê :
http://www.vietnam.gov.vn/portal/page?_pageid=33,180358&_dad=portal&_schema=PORTAL&item_id=255583&thth_details=1).

[2] Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư : http://www.mpi.gov.vn/showTinvan.aspx?Lang=4&ma_tinvan=10062.

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss