Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Sổ Tay

Sổ Tay

- Thanh Thảo, Phong Quang — published 18/11/2011 18:50, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:59
"Hugh Thompson, người ngăn chặn cuộc thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) ngày 16/3/1968 đã qua đời ngày 6/1/2006 ở tuổi 62"... lương tâm, lòng tốt, sự can đảm chân chính không hề mất ở những con người "thật là người" dù họ ở chiến tuyến nào.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Sổ Tay

Nguyện cầu cho một người Mỹ

“ Hugh Thompson, người ngăn chặn cuộc thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) ngày 16/3/1968 đã qua đời ngày 6/1/2006 ở tuổi 62 ”. Tôi sửng sốt khi đọc dòng tin này trên BBC. Sao anh từ bỏ cái thế giới đầy những tranh đấu giữa Thiện-Ác này vội vã thế, Thompson ?

Tôi nhớ lần đầu được gặp Hugh Thompson và Larry Coburn khi hai anh về thăm lại Sơn Mỹ cách đây đã 8 năm. Và lần gặp thứ hai, vẫn với hai anh, cũng cách nay tròn 5 năm. Sơn Mỹ -- hay còn gọi là Mỹ Lai -- đã là một phần cuộc đời Thompson, và có thể là phần quan trọng nhất. Trong buổi sáng ngày 16/3/1968 cách đây tròn 38 năm, khi những lính Mỹ đồng đội của Thompson và Coburn đang điên cuồng xả súng sát hại những thường dân Sơn Mỹ thì chiếc trực thăng do Thompson làm cơ trưởng đã dũng cảm đến mức khó tin khi hạ cánh trước mũi súng những “ đồng đội ” và bất chấp hiểm nguy từ chính “ người của mình ” có thể gây ra, các anh đã cứu được hơn 10 người dân Sơn Mỹ thoát khỏi cái chết mười mươi. Chính Thompson lúc ấy đã hạ lệnh cho xạ thủ súng máy Andreota sẵn sàng xả súng vào “ đồng đội ” của mình nếu họ không chịu dừng tay tàn sát dân thường. Hai lần hạ cánh cứu người, chiếc trực thăng của Thompson đã làm một việc mà trong chiến tranh chưa từng xảy ra : sẵn sàng đối đầu đổi mạng với chính những đồng đội của mình để cứu người của “ phía bên kia ”. Những người dân Sơn Mỹ được phi hành đoàn Thompson giải thoát hầu hết bây giờ vẫn còn sống, và họ không bao giờ quên ơn cứu mạng của “ ba người Mỹ tốt ” mà người Mỹ to lớn nhất, tốt nhất chính là cơ trưởng Thompson. Trở về Mỹ từ cuộc chiến VN, Thompson và Coburn (Andreota đã chết ba tuần sau phi vụ cứu người ở Sơn Mỹ) đã bị giới quân sự phối hợp với chính quyền Mỹ “ trù dập ” và “ vùi vào im lặng ” suốt gần ba chục năm. Mãi cho tới trước lễ kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, hai ông mới được sang VN để gặp gỡ những người mình đã từng cứu mạng. Cuộc gặp ấy diễn ra vô cùng cảm động, đã được hàng mấy chục hãng thông tấn và truyền hình khắp thế giới đưa tin. Tôi cũng là một trong những nhà báo có may mắn tiếp xúc với Thompson, Coburn và viết hàng loạt bài trên Báo Thanh Niên về sự kiện đầy xúc cảm ấy. Năm 2001, hai ông Thompson và Coburn lại về Sơn Mỹ và ở lần trở lại này, họ đã gặp Đỗ Ba (còn gọi là Đỗ Hoà) -- cậu bé mà họ đã cứu sống từ đống xác người bên một dòng mương cạn trong ngày định mệnh 16/3/1968. Tôi nhớ, trong lần trở lại ấy, Thompson dẫn theo người vợ bé nhỏ của mình (rất bé nhỏ nếu so với ông) còn Coburn thì dẫn đứa con trai mới 9 tuổi. Họ muốn những người thân yêu nhất của mình ôm chặt người thanh niên Đỗ Ba đang sống khoẻ mạnh để cảm nhận hết chiều sâu của ân phúc được sống trên cõi đời còn biết bao lầm lạc đau đớn này. Và cũng để xác nhận lại một điều : lương tâm, lòng tốt, sự can đảm chân chính không hề mất ở những con người “ thật là người ” dù họ ở chiến tuyến nào. Thompson là một con người “ thật là người ”, và anh có thể tự hào về điều đó. Nhưng Thompson hay Coburn mà tôi biết là những con người rất khiêm nhường và rất nhạy cảm. Tôi không bao giờ quên hình ảnh hai anh ôm chặt những đứa trẻ Sơn Mỹ hôm nay trong lòng, và những giọt nước mắt nhân hậu của hai anh đã chảy xuống mảnh đất Sơn Mỹ nhiều đau thương của chúng tôi. Những người tốt sao ra đi vội vã thế ? Tôi biết, Thompson như thổ lộ của chính anh từ 5 năm trước, muốn làm rất nhiều để Mỹ Lai (Sơn Mỹ) thực sự hồi sinh, để những vết thương giữa hai dân tộc Việt-Mỹ thực sự lên da non. Cuộc đời này vẫn còn quá nhiều việc cho những người lương thiện. Xin một lần gửi khúc nguyện cầu như tiếng đàn violon của một “ người Mỹ tốt ” khác là Mike Boehm đến hương hồn “ người Mỹ tốt ” Hugh Thopmson. Cầu mong anh yên nghỉ !

Thanh Thảo

CĐ, ĐC...

Vào những ngày đầu năm dương lịch 2006, giáp tết Bính Tuất, thời sự Việt Nam dường như được viết nhiều bằng hai chữ cái C và Đ.

C và Đ, Đ và C như đình công công đoàn. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận và bảo đảm quyền đình công “ theo pháp luật quy định ”. Theo pháp luật hiện hành, đình công chỉ “ hợp pháp ” khi do công đoàn đề xướng. Mà từ mấy ba chục năm qua, công đoàn chưa bao giờ quyết định đình công cả. Tất cả các cuộc đình công, gần đây nhất là vụ đình công của mấy vạn công nhân ở các xí nghiệp hợp doanh hay của tư bản nước ngoài, đều là tự phát và như vậy là phi pháp. Trả lời phỏng vấn của báo mạng vn-express, bà Cù Thị Hậu, chủ tịch Tổng công đoàn VN, đã trả lời khá thật thà : “...chủ tịch công đoàn cơ sở (ở) dưới quyền ông chủ, cũng là làm thuê, ăn lương của ông chủ. Bây giờ đứng ra lãnh đạo đình công thì tất nhiên họ sẽ bị chủ sa thải, mất việc làm (...) ở cơ sở có đảng bộ, công đoàn lãnh đạo công nhân thì phải xin ý kiến của Đảng. Đảng liệu có đồng ý ? ”. Chỉ vài câu, bà Hậu đã cho ta hiểu thế nào là công đoàn vàng, và tại sao từ 150 năm nay, công nhân đã phải lập ra công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình (chứ không phải để xin ý kiến “đảng”).

C và Đ như cá độ. Sau vụ xì-căng-đan nhỏ tí của cầu thủ và liên đoàn bóng đá VN là mạng lưới cá độ “quốc tế” do một công an Việt Nam tổ chức, với khách hàng là những “đại gia”, cá độ những trận giao tranh bóng đá quốc tế. Một trong những “đại gia” ấy là một ông tổng giám đốc chương trình PMU 18 của bộ giao thông vận tải. Ông Bùi Tiến Dũng này đánh cuộc mỗi lần khoảng từ 100 000 đến 300 000 đô, năm ngoái, có tháng, ông cá độ tổng cộng 1,8 triệu đô, tức là 27 tỉ đồng, bằng 3000 năm lương tối thiểu của những người công nhân đang đợi phép đình công nói trên.

Ở cổng vào các chùa chiền hiện nay, ngoài hương hoa, kinh sách, tranh tượng Phật, người ta cũng hay bán những chữ nho đại tự. Chữ bán chạy nhất hình như không phải chữ Tâm, mà là chữ Nhẫn (chữ Tâm viết dưới chữ Đao : trái tim chịu con dao đâm xuống). Hình như người ta muốn tự nhủ : phải biết Nhẫn. Mỗi lần về nước, tôi thường bị ám ảnh bởi chữ Nhẫn này và bởi chương trình bóng đá chiếu gần như 24g trên 24g trên một kênh truyền hình. Xem bóng đá và nhẫn.

Tết năm nay, chữ Nhẫn chắc còn bán chạy hơn. Nhưng sang năm, sang năm nữa ?

Phong Quang

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss