Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Thái Bình : những “ khu công nghiệp ” khiến nông dân tức tưởi

Thái Bình : những “ khu công nghiệp ” khiến nông dân tức tưởi

- Cầm Văn Kình — published 18/10/2012 17:00, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:56
Nhân danh chính sách xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới để tước đoạt đất đai của nông dân là một khía cạnh nổi bật của quá trình " công nghiệp hóa, hiện đại hóa " diễn ra hiện nay ở Việt Nam... những khu công nghiệp "ma" thực chất là những khu đầu cơ đất đai.
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Phóng sự

Thái Bình :
những “ khu công nghiệp ” khiến nông dân tức tưởi

Cầm Văn Kình

LTS : Nhân danh chính sách xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới để tước đoạt đất đai của nông dân là một khía cạnh nổi bật của quá trình « công nghiệp hóa, hiện đại hóa » diễn ra hiện nay ở Việt Nam. Bài điều tra dưới đây của báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (24.12.2005) nói lên trường hợp của tỉnh Thái Bình, nơi chính quyền đã buộc không ít nông dân rời khỏi ruộng vườn, nhường chỗ cho những khu công nghiệp «ma», thực chất là những khu đầu cơ đất đai.

Hàng trăm hecta gió thổi, cát bay. Hàng trăm hecta hàng rào, cỏ mọc. Đó là khung cảnh chưa từng có ở Thái Bình vì dù có dông bão, lụt lội nhưng nông dân vẫn ra đồng.

Ở vùng đất của những “cánh đồng năm tấn” này khó có điều gì lay chuyển nổi sự gắn bó ngàn đời của nông dân với đất ; vậy mà các khu, cụm “công nghiệp” của Thái Bình lại có thể làm được điều đó. Nông dân đã vui lòng nhường lại ruộng để tỉnh “làm công nghiệp”. Nhưng các “khu công nghiệp” của Thái Bình lại làm nông dân... tức tưởi.

“Cụm công nghiệp” trồng cây, nuôi cá

“Chuyên nhận đúc các loại xoong nồi” - đó là dòng quảng cáo được vẽ bằng mực xanh, mực đỏ bên tường cơ sở sản xuất nhôm Bắc Dâu, thuộc “Cụm công nghiệp Đông La”, Thái Bình. Kế bên xưởng nhôm Bắc Dâu là tổ hợp xe máy gồm hai cơ sở “công nghiệp” ghi : Công ty xe máy Quý Đãn và Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng, trung đại tu xe máy, máy nổ Thái Bình.

Mặc dù các cơ sở này đều cố trưng những cái biển nghe rất “công nghiệp”, như Quý Đãn ghi : “Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam, xe máy Kaiser”, nhưng mặt bằng thì chỉ khoảng 100m2, đủ để đặt cái giường và hơn chục chiếc xe máy là hết. Không hề có dấu hiệu sản xuất nào, đây thực chất là một cơ sở buôn bán xe máy. Chỉ khác ở chỗ nó xây trên đất nông nghiệp vừa giải tỏa của dân và được thuê đất với giá ưu đãi.

Chưa hết, nhìn giấy đăng ký kinh doanh của Cụm công nghiệp Đông La có ghi một cái tên “hoành tráng” : Công ty chế biến và kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ, tưởng đây là một dự án tầm quốc gia nhưng ra thực địa, trên khoảnh đất mấy trăm mét vuông, chỉ thấy tọa lạc duy nhất một... cây xăng. Nó chỉ khác các cây xăng dọc quốc lộ số 10 ở chỗ : có nhiều đất hơn nên xây dựng được cả mấy cái nhà tạm bên cạnh.

Cụm công nghiệp Đông La mới được qui hoạch, xây dựng cách đây vài năm. Viễn cảnh ban đầu mà UBND huyện Đông Hưng tuyên bố và được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận là sẽ « tạo một cụm công nghiệp đa năng » với các ngành may mặc, lắp ráp ôtô... Ngay sau khi công bố thành lập cụm, chính quyền đã phấn khởi thông báo : có gần 30 doanh nghiệp đăng ký thuê đất.

Thế là nông dân nhanh chóng nhận được quyết định đền bù giải tỏa. Cát được chở đến lấp ruộng. Các công ty đăng ký nhanh chóng đến nhận những khoảnh đất ngay mặt tiền quốc lộ số 10 vừa mở rộng, lại ngay sát trung tâm huyện Đông Hưng.

Nhưng người nông dân cũng chẳng mất nhiều thời gian để nhận ra “trái đắng” khi Công ty thương mại Hoàng Trọng ban đầu còn ngấm ngầm, sau công khai “làm công nghiệp” bằng cách đầu tư... trồng cây ăn quả. Hình ảnh thực chất về “cụm công nghiệp đa năng” hiện lên rõ hơn khi Công ty thương mại và dịch vụ Á Đông tổ chức... đào ao nuôi cá (để bán) ngay trong khu đất được thuê với giá ưu đãi để làm công nghiệp.

Người dân được phen đặt câu hỏi khi UBND huyện Đông Hưng (nơi đặt cụm công nghiệp) gần như không có phản ứng. Rồi câu trả lời tự đến khi Công ty TNHH Lam Sơn được mời đón cho thuê cả nghìn mét vuông đất để “sản xuất phân vi sinh”, nhưng thay vì đầu tư vào sản xuất, ông chủ công ty này lại cho xây một biệt thự ba tầng đồ sộ, trị giá cả tỉ đồng để “làm văn phòng công ty” song thực chất là để ở.

Chưa hết, bám sát lợi thế mặt tiền quốc lộ, Công ty Lam Sơn còn ngang nhiên đầu tư... mở thêm quán giải khát. Bi hài hơn khi trong cụm công nghiệp mọc lên cả quán “cơm-phở bình dân, kính mời” và một “trung tâm sinh vật cảnh” với tấm biển Hạ Trắng. Đêm đến, trung tâm sinh vật cảnh này lại là một quán bar theo phong cách đồng quê đang thịnh hành trên các thành phố lớn, đèn màu nhấp nháy, nhạc mở réo rắt.

Tại đây có những ghế ngồi để trai gái tâm sự, quán phục vụ cà phê, cả rượu mạnh. Tụ điểm này còn “làm công nghiệp” bằng cách tận thu mặt bằng, hiên ngang trưng biển “nhận đặt tiệc, tổ chức đám cưới”.

Cụm công nghiệp Đông La chưa giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng đã nhanh chóng khiến đất ở khu vực này tăng lên chóng mặt. Các “cơ sở công nghiệp” kể trên không cần nhiều nhân công nên nông dân chẳng những không được hưởng lợi từ những dự án đầu tư mà còn bị đặt vào thế không kế sinh nhai.

Với tiền đền bù giải tỏa khoảng 26.000đ/m2, tỉnh hỗ trợ thêm mỗi mét vuông... 1.000đ để chuyển nghề nữa, nhiều nông dân không mua nổi một miếng đất khác để canh tác chứ chưa nói đến chuyện hùn vốn tạo lập một nghề mới.

Anh Nguyễn Ngọc Ng., một nông dân, than thở : « Tổng số tiền tôi được hỗ trợ chuyển nghề chỉ vỏn vẹn 200.000đ, tính ra chỉ đủ tiền cám nuôi lợn hoặc cho con đi học tiếng Anh trong một tháng ». Trước đây anh Ng. còn ruộng, không phải mua thóc gạo nên cuộc sống dù khó khăn cũng tạm ổn, đủ đắp đổi cho con đi học. Nay tìm mãi không ra việc, đất ruộng thì đã bị giải tỏa, giọng người đàn ông này mếu máo « cuộc sống cơ cực quá ».

Trong khi đó, theo tính toán của một ông chủ cửa hàng bán đồ trang trí nội thất ở thị trấn Đông Hưng (vừa thất bại trong việc thuê đất ở Cụm công nghiệp Đông La) thì : chỉ cần đặt bút ký thuê được đất với giá ưu đãi, chưa cần kinh doanh, doanh nghiệp đã lãi ít nhất là hơn 120 lần !

Nếu như Cụm công nghiệp Đông La là một điển hình về cách làm cụm công nghiệp theo kiểu thập cẩm, “công nông kết hợp” thì Cụm công nghiệp Gia Lễ - Đống Năm lại vấp phải tình trạng vườn không nhà trống. Với diện tích 100ha, theo tính toán sẽ có các nhà máy chế biến nông sản, xưởng may, da giày và cả công nghiệp điện tử...

Song đến nay đã mấy năm trôi qua, đứng nhìn cụm công nghiệp này ấn tượng nhất là... rác và sự quạnh quẽ, hiu buồn. Thay vì màu xanh của các ruộng lúa, nay ở đây là cát trắng, cỏ mọc tốt tươi bên trong những hàng rào xộc xệch. Vắng vẻ, cụm công nghiệp bị biến thành nơi đổ phế thải của nhiều gia đình gần đó, mặc cho không ít tiền của đã được đổ vào đây để san lấp, giải phóng mặt bằng.

Tại Thái Bình, hiện có nhiều kiểu “khu công nghiệp” thể hiện quyết tâm công nghiệp hóa của tỉnh. Bên cạnh những khu công nghiệp thành lập theo nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã có vài quyết định thành lập những tổ hợp tập trung cũng gọi là khu công nghiệp.

Dưới hai kiểu khu công nghiệp này có các cụm công nghiệp do UBND các huyện quản lý. Và không chỉ có các cụm công nghiệp làm ăn kiểu lạ đời mà tại nhiều khu công nghiệp của tỉnh cũng có những dự án làm người dân, đặc biệt là nông dân, “nhức con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”.

Đất chật, người đông, riêng khu công nghiệp rộng

Hai khu công nghiệp lớn nhất của Thái Bình là Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh được hi vọng là “quả đấm thép” giúp kinh tế cũng như công nghiệp Thái Bình cất cánh. Song ngay ở hai “quả đấm thép” mạnh nhất này, bên cạnh các dãy nhà xưởng vẫn có những “đốm xanh” rộng cả hecta... cỏ mọc ngút ngàn. Lý do : đất đã giao nhưng doanh nghiệp... chưa dùng hết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp khi vào Thái Bình đều vẽ ra khả năng tài chính hùng mạnh với những dự án rất to và đã được tỉnh hào phóng giao ngay đất.

Dân được đền bù giải tỏa chóng vánh nhưng khi đã xong các thủ tục để nhận đất và đặc biệt là có quyền vay vốn ưu đãi, các doanh nghiệp quay ra... án binh bất động suốt nhiều năm. Như Nhà máy dệt may Á Châu (AP) nhận khoảnh đất hàng ngàn mét vuông (ngay sát đại lộ Trần Thái Tông đẹp bậc nhất thành phố Thái Bình) bốn năm trước đây nhưng đến nay mới có vẻn vẹn hai dãy nhà xưởng nhỏ nhỏ xinh xinh mọc lên.

Phần đất còn lại cỏ mọc, cát bay đã lâu nhưng có vẻ doanh nghiệp này vẫn kiên quyết xin giữ với cam kết chưa có lộ trình : “sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất”. Bên cạnh May Á Châu, May Đức Giang cũng đang thừa 2 ha chưa dùng đến. Nhà máy cán thép Đông Phương Hồng đến nay một phần không nhỏ diện tích vẫn là một màu của cát...

Giải thích lý do tại sao nhiều doanh nghiệp xin thừa đất, nhiều năm không dùng đến nhưng vẫn kiên quyết không muốn trả lại, ngay một anh xe ôm hành nghề cạnh Khu công nghiệp Phúc Khánh cũng biết : nếu đóng đủ tiền thuê 30-50 năm, chuyển nhượng được đất cho các doanh nghiệp khác thì mấy ông lớn đi trước sẽ lãi hơn cả mở xưởng sản xuất nên tội gì họ bỏ ? !...

Một đặc điểm nữa của các khu công nghiệp Thái Bình là chúng thường được giao thẳng cho một nhà đầu tư xây dựng. Nếu như Khu công nghiệp Tiền Hải của Thái Bình được định hướng phát triển dựa trên trữ lượng khí đốt đang ngắc ngoải vì niềm tin đặt nhầm chỗ, (công ty thăm dò khí đốt cho kết quả sai, trữ lượng không đủ để sản xuất), các doanh nghiệp ở đây đang phải tính đến phương án di chuyển đầy tốn kém, ngay tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, 60 % diện tích khu công nghiệp rộng gần 300 ha này được giao cho tập đoàn Đài Tín.

Đã mấy năm trôi qua, nếu như phần 40 % do phía VN đầu tư đã lấp đầy cơ bản 100 % thì phần của Đài Tín mới lèo tèo vài doanh nghiệp. Thế là một diện tích gần trăm hecta đang bỏ hoang. Thái Bình bắt đầu có đất hoang, đầu tiên chính là ở các khu công nghiệp.

Song, vắng vẻ dẫu sao cũng còn may. Ở Khu công nghiệp Cầu Nghìn, mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định thành lập từ tháng 9-2004 (quyết định 15-2004 QĐ/UB) nhưng đến nay vẫn chưa có phương án đền bù giải tỏa. Chính vì sự chậm trễ này mà người dân nơi đây phải sống trong sự phập phồng của tình trạng qui hoạch treo với biết bao nỗi khổ.

Khi hỏi ông Vũ Ngọc Thu, quyền trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Bình, ông này khẳng định « không lấy một ngôi nhà nào của dân » nhưng chính quyền xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ (nơi đặt khu công nghiệp) lại kiên quyết không ký giấy chuyển nhượng nhà, đất thổ cư cho người dân ở sát khu công nghiệp với lý do “đất đang trong qui hoạch”! Bán không bán được, cho cũng không xong. Còn phương án đền bù, người dân ở đây bức xúc : « đến nay vẫn chưa ai nói cho chúng tôi biết khi nào sẽ có » !

Sống trong cảnh qui hoạch treo, tâm hồn phải “treo” đã đành, những người có nhà sát Khu công nghiệp Cầu Nghìn còn mất ăn mất ngủ vì một nhà máy sang chiết gas lớn lại được xây ngay sát dưới... lưới điện cao áp. Những bình gas kim loại, dây điện réo ù ù cách chỉ chục mét. Tính mạng người dân và các qui định an toàn đã bị phớt lờ ?

Đất ở nơi khác còn, cả khu công nghiệp mới có hai doanh nghiệp xây nhà xưởng sao vẫn cố đẩy nhà máy gas vào sát đường điện ? Ông Thu công nhận : « Như thế không đúng. Về nguyên tắc, dưới đường điện doanh nghiệp không phải trả tiền thuê đất nhưng cũng không được xây nhà ».

Trước sự quan ngại của chúng tôi, ông Thu trấn an : «  đường điện đã được qui hoạch di chuyển ». Tuy nhiên, việc thực hiện phải đợi Bộ Công nghiệp. Còn hiện tại nhà máy sang chiết gas đã hoạt động, điện vẫn ngay sát gas...

Câu vè của dân nghèo mất đất

Về Cụm công nghiệp Đông La những ngày hanh khô tháng mười một này, vào quán nước đối diện cây xăng, tức “Công ty chế biến và kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ”, bà chủ quán luôn miệng than nhức đầu vì mùi nấu nhôm của cơ sở sản xuất nhôm Bắc Dâu. Ống khói chỉ cao mấy mét của cơ sở này cứ vô tư nhả lên trời.

Nếu là nhà dân thì cơ sở sản xuất ô nhiễm đó chắc khó lòng tồn tại. Song đó lại là một cơ sở trong “cụm công nghiệp” nên người phụ nữ này đành cam chịu : « Tại nhà mình không may nằm ngay sát nó, biết phải làm sao ? ».

Cơ sở sản xuất phân vi sinh cũng cách khu dân cư không bao xa. Người ta đã qui hoạch thế, cơ sở sản xuất có giấy phép về môi trường chưa người dân không được biết nên họ chỉ còn biết đóng chặt cửa, che chắn thật kỹ thứ mùi “có vẻ công nghiệp” và mong sao “nó không đến nỗi quá độc hại”.

Trong các khu, cụm công nghiệp của Thái Bình, người dân mất đất ở Cụm công nghiệp Đông La bức xúc nhất. Ngồi với mấy người nông dân bên chén trà quê giữa bốn bề bụi tung mù trời, tôi nghe người dân truyền tai nhau câu vè đầy ý tứ : « Trăm năm trong cõi người ta/ Đầu vào thì cứng đầu ra thì mềm/ Hộp đen thì cứ phồng lên/ Cấp dưới cứ giãy, cấp trên cứ đè »...

Không phải ghen ăn tức ở, người dân sẵn sàng nhường đất cho chính quyền làm khu công nghiệp. Nhưng lại thấy toàn những người giàu cùng làng, cùng huyện nghiễm nhiên ra xây nhà, đào ao ở cụm công nghiệp thì họ xót xa quá. Giải tỏa đất nông nghiệp thì kiên quyết thế, sao việc giao đất... tái sản xuất nông nghiệp trong cụm công nghiệp lại quá dễ dàng?

Đã vỡ mộng rồi ước mơ được trở thành công nhân, sáng sáng đi làm ở khu công nghiệp. Mất đất, không nghề, người nông dân đang lo lắng cho một tương lai bất định. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình có biết ?

Cầm Văn Kình

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss