Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Tổng thống CHILÊ

Tổng thống CHILÊ

- Nguyễn Quang — published 17/11/2011 18:45, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:58
Cũng như những " ngôi sao mới " của chính trường Nam Mĩ (Chavez, Morales), không nên xếp " La Bachelet " là "khuynh tả", mà có lẽ nên gọi là... "khó tả"...
 

Số 159 - tháng 02. 2006

TỔNG THỐNG CHILÊ

Nguyễn Quang

Thế là Chilê đã bầu ra một nữ tổng thống, thuộc đảng xã hội. Tại vòng nhì của cuộc bỏ phiếu, bà Michelle Bachelet, ứng viên của liên minh trung-tả (tập hợp các đảng dân chủ Kitô giáo, cấp tiến và xã hội, không có cộng sản) đã thắng ứng viên phái hữu Sebastian Piñera với tỉ số 53,5% - 46,5%. Đây là một thắng lợi không thể chối cãi, không thiếu người coi đó là một thắng lợi « hai lần lịch sử » bởi vì tổng thống mới là một phụ nữ (Chilê là một nước công giáo và « macho », trọng nam khinh nữ) thuộc đảng xã hội (tại một nước mà tổng thống Salvador Allende đã bị Augusto Pinochet lật đổ), nhưng không nên nhầm viễn cảnh. Trước tiên, phải nói bà Bachelet không phải là phụ nữ đầu tiên lên làm tổng thống ở Châu Mĩ Latinh : trước đó đã có Evita Peron (Argen-tina, 1974-75), Lydia Gueiler (Bolivia, 1979-80), Violeta Chamorro (Nicaragua, 1990-97), Mireya Moscoso (Panama, 1999-2004)... Cũng không phải lần đầu phe tả trở lại chính quyền ở Santiago : từ năm 1990 trở đi, khi chế độ dân chủ được tái lập ở Chilê, liên minh trung-tả « Concertation » đã liên tiếp thắng cử tổng thống, và ông Ricardo Lagos, tổng thống đương nhiệm, cũng là đảng viên xã hội.

Một thắng lợi nhiều chiều kích

Năm 2000, bóng đen của tên độc tài Pinochet đã bao trùm cuộc tranh cử giữa ứng viên Joaquin Lavin (phe hữu, ủng hộ Pinochet) và Ricardo Lagos, với tỉ số xấp xỉ 48,7 – 51,3 %. Người ta có thể chờ đợi lần này cũng thế vì nhân cách và nhân thân của bà Michelle Bachelet (cha của bà là một tướng không quân trung thành với chính quyền hợp hiến S. Allende, đã bị chế độ Pinochet tra tấn đến chết ; bản thân bà Bachelet và mẹ đã bị giam tù trước khi sống lưu vong ở Âu Châu). Nhưng cuộc tranh cử đã diễn ra suôn sẻ. Rất có ý nghĩa là trong vòng đầu, Joaquin Lavin đã bị loại, nhường chỗ cho Sebastian Piñera, một doanh nhân đa triệu phú, đại diện cho phái hữu doanh nghiệp, tức là xu hướng « hiện đại » của phái hữu, chấp nhận trở lại truyền thống dân chủ đã bị cuộc đảo chính năm 1973 làm gián đoạn. Cũng rất có ý nghĩa là việc Chilê là một nước mà tỉ số giáo dân lên tới 70 %, quyền li dị mới được ban hành cách đây 2 năm, phụ nữ phá thai (dù vì lí do sức khoẻ) là phạm pháp, Giáo hội và tổ chức phản động Opus Dei không ngần ngại can thiệp vào đời sống chính trị, vậy mà đa số cử tri đã bỏ phiếu tín nhiệm « con gái của Quỷ dữ », ba lần tội trọng : đảng viên xã hội, vô thần và « không chồng mà có con ». Con đường « trường chinh » của xã hội dân sự Chilê « sau Pinochet », từng bước thoát ra khỏi vòng kiềm toả của « gươm giáo và que vẩy nước thánh », biểu tượng của quân phiệt và thần quyền, giống hệt quá trình mà Tây Ban Nha đã kinh qua sau cái chết của Franco. Giai đoạn đầu là một nền dân chủ còn bị « ám quẻ », kí ức tập thể bị giam hãm, trong khuôn khổ những định chế thừa kế từ chế độ độc tài : hiến pháp vẫn hiến pháp năm 1980, « viết bằng lưỡi lê », cho phép quân đội can dự vào quá trình chuyển tiếp dân chủ, bọn tra tấn được miễn tố khi trở thành « thượng nghị sĩ chung thân »... Nhưng rồi biên giới mở cửa, sự trao đổi với thế giới bên ngoài, từng bước dân chủ hoá, tóm lại là quá trình bình thường hoá (hiểu theo nghĩa tốt đẹp của từ này) đã làm xói mòn một cách tất yếu quyền lực tàng ẩn của chế độ độc tài : biểu hiện rõ ràng nhất là vụ Pinochet bị bắt năm 1998 ở London. Không có vua (hay nói như phương Tây : vua đã cởi truồng), người ta có thể quyết toán thanh lí những năm tháng đen tối : kí ức tập thể được giải phóng, người ta thảo luận công khai về những tội ác của chế độ độc tài quân sự, ngôn từ của phái tả tìm lại được tính chính đáng của nó... Quá trình « giải Pinochet hoá » đã tăng tốc dưới nhiệm kì tổng thống Ricardo Lagos, với hai đỉnh cao là : phục hồi danh dự của Salvador Allende (năm 2003, kỉ niệm lần thứ 30 ngày đảo chính) và huỷ bỏ Hiến pháp 1980 (năm 2005). Sự thắng cử của bà Michelle Bachelet đã vĩnh viễn khép lại trang Pinochet của lịch sử Chilê. Bàn cờ chính trị Chilê vẫn chia làm hai phe quy mô ngang nhau, nhưng có nước dân chủ nào không như vậy ? Điều quan yếu là sự phân cực ấy không đe doạ trở thành đoạn tuyệt (bùng nổ cách mạng hay đảo chính) mà vận hành trên cơ sở những lựa chọn về tổ chức xã hội, về dự án chính trị. Như vậy là sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một phần tư thế kỉ, chế độ « dân chủ chưa hoàn tất » năm 1980 đã trở thành một nền dân chủ an bài. Đó là bài học quan trọng nhất có thể rút ra, đứng ở góc độ Chilê.

Nhìn từ bên ngoài, ắt có người muốn nhấn mạnh tới một kích thước nữa : thắng lợi của phe tả Chilê nằm trong xu thế « tả hoá » ở Châu Mĩ Latinh từ năm 2002 đến nay. Nhìn từ xa, xu hướng này rất « ấn tượng » : « Lula » thắng cử ở Brasil, Kirchner ở Argentina, Vazquez ở Uruguay, Chavez ở Venezuela, Morales ở Bolivia, và có thể, sắp tới (năm 2006),Lopez Obrador sẽ thắng phiếu ở Mexico và Daniel Ortega (thủ lĩnh đảng Sandinista) ở Nicaragua. Thời chủ thuyết Monroe còn hưng thịnh, thì « đợt sóng hồng » (hay « đỏ ») này sẽ bị ngăn chận ngay từ đầu : cuộc đảo chính năm 1973 ở Chilê là bằng chứng. Vậy ngày nay chú Sam đang làm gì đây ? Trong bầu không khí « chống gringo » chưa từng thấy (phát sinh từ những tệ hại của « chủ nghĩa đơn phương »), các chính quyền « latino » đua nhau tung chưởng khiêu khích và cự tuyệt mà chẳng thấy « sen đầm » Washington nhúc nhích gì. Trong diễn văn nhậm chức, tổng thống Bolivia Morales hô to : « Vạn tuế coca, đả đảo đế quốc Mĩ ! ». Chavez thì bán dầu với giá rẻ cho người Mĩ nghèo khó. Tổ chức các nước Châu Mĩ (OAS) đã cử vào chức tổng thư kí một người Chilê thuộc đảng xã hội và loại trừ ứng viên của Hoa Kỳ. Tổ chức này còn từ chối, không cho Hoa Kì quy chế quan sát viên tại hội nghị cấp cao của các nước Nam Mĩ và các nước Arập. Sự án binh bất động này của Washington, không biết vì bất lực (Mĩ đã từng giật dây những cuộc xuống đường chống Chavez không thành công) hay bất tài (3/4 quan chức phụ trách quan hệ với châu Mĩ Latinh trong chính quyền Bush là người Mĩ gốc Cuba, chẳng hiểu gì về tình hình Nam Mĩ hiện nay). Song, ngược lại, sẽ là một sai lầm lớn nếu ta xếp chung là « phái tả » những nước đã trải qua những quá trình chính trị rất khác nhau. Những thủ lĩnh « dân tuý » kiểu Chavez và Morales thoải mái hô hào « chống đế quốc » và chủ trương « toàn cầu hoá kiểu khác » (altermondialisme), còn những quốc trưởng khác, không phải hạng xoàng (Kirchner, Lula, Lagos và nay, bà Bachelet), tỏ ra rất cẩn trọng. Trường hợp tổng thống Brasil rất tiêu biểu : tầng lớp dân nghèo khó đã đặt nhiều – quá nhiều – kì vọng ở Lula, nhưng Lula phải đụng đầu vào những « thực tại » khá bướng bỉnh, đặc biệt khi ông muốn tiến hành cuộc cải cách ruộng đất. Trên thực tế, đứng về mặt kinh tế – xã hội, các nước lớn Nam Mĩ (và cả những nước nhỏ) đều chấp hành « đồng thuận Washington », nghĩa là chủ trương đòi hỏi phải nghiêm ngặt về ngân sách, tư hữu hoá toàn diện và mở toang biên giới trong mậu dịch. Các nước này chấp nhận « đồng thuận Washington » không chỉ đơn thuần vì thời thế bắt buộc hay vì muốn đạt hiệu quả, mà thực chất là họ chấp nhận các tiên đề của chủ nghĩa liberal về kinh tế, nếu có cò kè là bớt một thêm hai về phương thức áp dụng mà thôi. Đó là một quan niệm dân-xã có thể. Vậy ta hãy xem nó có thể áp dụng vào hoàn cảnh Chilê hay chăng.

Biệt lệ Chilê

Liên minh trung-tả Chilê đã thắng phiếu trong tất cả các cuộc tranh cử tổng thống từ năm 1990 đến nay, và năm ngoái, nó nắm luôn đa số ở lưỡng viện. Cho nên họ đã để dấu ấn lên diễn tiến tình hình gần đây và có thể nói rằng chính sách kinh tế (thành công) của họ đã thể hiện triết lí chính trị trung-tả. Chilê xứng đáng được chỗ cao trên bảng xếp hạng của các cơ quan quốc tế. Nói tới Chilê, các nhà kinh tế học thường gọi đó là « biệt lệ » vì những thành tựu khác thường của Chilê giữa một lục địa đang khủng hoảng và suy thoái triền miên : lạm phát khiêm nhường (dưới 3 %), tài chính công cộng lành mạnh (nợ 38 tỉ USD, dự trữ 16 tỉ USD), ngoại thương mạnh (khoảng một nửa GDP), tăng trưởng đều đặn (từ 2 đến 5 %), tham nhũng tương đối thấp (so với nạn tham nhũng tràn lan ở thế giới thứ ba)... Nhờ đâu mà nền kinh tế Chilê khoẻ khoắn như vậy ? Jorge Rodriguez, bộ trưởng kinh tế và năng lượng, không ngần ngại nói toạc móng heo : « Trước tiên, là vì đất nước chúng tôi hướng về thị trường ». Khách quan mà xét, phải thừa nhận rằng biệt lệ Chilê có được là nhờ chủ nghĩa liberal, rằng thành tựu kinh tế vĩ mô của Chilê xuất phát từ hệ thống mở cửa và giải lệ mà những đồ đệ người Chilê (Sergio de Castro, Hernan Büchi) của Milton Friedman đã triển khai ngay dưới thời độc tài quân sự. Dựa vào khủng bố chính trị, nhóm « Chicago Boys » đã thực hiện, không khoan nhượng, một mô hình liberal cực đoan dựa trên tự do giá cả, mở cửa mậu dịch cho cạnh tranh quốc tế, ưu tiên xuất khẩu và nhất là một quá trình tư hữu hoá triệt để, kể cả hệ thống y tế và hưu bổng, cũng như hầu như toàn bộ các dịch vụ công cộng. Trong cuốn sách về chế độ Pinochet được coi là tác phẩm tham khảo chính, nhà sử học Carlos Huneeus cho rằng những cải cách thẳng thừng này « đã biến đổi một cách triệt để cơ cấu sản xuất của đất nước và [...] tạo điều kiện cho sự tăng trưởng » (*). Ngay cả những người không thuộc phái liberal chính thống, chẳng hạn Oscar Landerretche, giám đốc « Fundacion Chile 21 » (cơ quan « động não » của Đảng xã hội), hay Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế, người được phong trào « altermondialisme » ưa thích, cũng buộc phải thừa nhận rẳng biệt lệ Chilê dựa trên cái « đế » kinh tế vĩ mô thừa hưởng từ chế độ độc tài, rằng « đặc điểm của sự đổi thay chế độ [tái lập dân chủ] là biến đổi cấu trúc chính trị một cách sâu sắc song song với sự liên tục của hệ thống kinh tế, điều đó có nghĩa là hệ thống kinh tế rất hữu hiệu ». Có chăng họ chỉ nhấn mạnh rằng nền kinh tế chỉ thực sự cất cánh và khối đầu tư chỉ thực sự bùng nổ vào cuối thập niên 80, nghĩa là sau khi chế độ dân chủ đã được củng cố (O. Landerretche), hoặc chủ nghĩa liberal ở Chilê đi kèm với sự điều tiết ở mức nhất định (J. Stiglitz), thí dụ như vẫn giữ Codelco (Tập đoàn quốc gia khai thác đồng) trong khu vực quốc doanh, lợi nhuận xuất khẩu đồng được cho vào quỹ ổn định những cú sốc kinh tế đến từ bên ngoài, hoặc thuế « encaje » là một loại thuế nặng, đánh vào những đầu tư có tính chất đầu cơ (người Chilê gọi là « tư bản én liệng »).

Cũng phải nói thêm rằng những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tự chúng không đủ để phản ánh tình trạng phát triển, chúng thường che giấu một hiện thực xã hội không mấy phấn khởi. Chilê là một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới : 56 % thu nhập quốc dân nằm trong tay của 20 % dân số ; đại bộ phận các xí nghiệp lớn thuộc về 1% tài phiệt và các nhà đầu tư ngoại quốc ; 20 % người dân Chilê sống dưới mức nghèo khó (2 USD/ngày), mặc dầu tỉ số người nghèo đã giảm đi một nửa từ ngày tái lập dân chủ ; tỉ số thất nghiệp lên tới 8 % trong một nước mà sự bảo hộ xã hội đã bị tư hữu hoá toàn bộ ; những khu vực cốt yếu như giáo dục và y tế từ nay vận hành theo « hai tốc độ » như ở Hoa Kì, tuỳ theo chúng nằm trong công sở hay thuộc về tư nhân ; hầu như tất cả các dịch vụ công cộng đã bị tư hữu hoá, đặc biệt trong năng lượng và vận tải, đè nặng lên cuộc sống của người nghèo (vé xe buýt ở Santiago là 400 pesos, trong khi lương tháng tối thiểu là 100.000 pesos, tức là khoảng 200 €). Cho nên, ta hiểu tại sao bà tổng thống mới đã cam kết trước tiên là cải thiện chế độ lương hưu, chế độ y tế và giáo dục. Cũng cần nói là thương hiệu « phái tả » phải được sử dụng một cách hết sức thận trọng, bởi vì theo ngôn ngữ chính trị thông thường của châu Âu, « biệt lệ Chilê » nằm ở bên hữu lập trường « dân chủ xã hội », đại khái là « liberal xã hội ». Cũng như những « ngôi sao mới » của chính trường Nam Mĩ (Chavez, Morales), không nên xếp « La Bachelet » là « khuynh tả », mà có lẽ nên gọi là... « khó tả ». Sự xuất hiện của phong trào Zapatista ở Mexico năm 94, cuộc khủng hoảng năm 2001 ở Argentina với khuôn mặt nổi bật của các tầng lớp nghèo khổ chứng tỏ « làm chính trị một cách khác » trở thành bức thiết.

Nguyễn Quang

(*) Carlos Huneeus : El Regimen de Pinochet, Editorial Sud-americana, 2001.

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss