Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Đọc "Đất Ải" của Đào Vũ Hoài

Đọc "Đất Ải" của Đào Vũ Hoài

- Văn Ngọc — published 19/06/2012 18:30, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:31
... văn trong Đất Ải có một sức thôi thúc nội tâm mạnh mẽ. Nó diễn đạt hết ý mà không thừa lời. Nó không sướt mướt, nhưng lại rất trữ tình, nhờ ở tính chân thực của những cảm xúc, những suy tưởng, và nhờ ở nhịp điệu của câu văn. Đôi khi còn nhờ cả ở từ ngữ.
 

Số 160 - tháng 03. 2006

Đọc

"Đất Ải"

tiểu thuyết của

Đào Vũ Hoài

NXB VĂN MỚI - 2005

P.O. Box 287, Gardena, CA 90248, USA

Văn Ngọc

Đọc Đất Ải của Đào Vũ Hoài, người ta không thể ngờ được đó lại là tác phẩm do một "Việt kiều" sáng tác, một Việt kiều đã từng sống lâu năm ở nước ngoài, có thể 30 năm hay hơn, như nhân vật "hắn" trong truyện. Đây là một tác phẩm văn chương hấp dẫn và độc đáo. Gọi nó là tiểu thuyết, hay tuỳ bút, hay một cái tên nào khác, thật ra cũng không quan trọng lắm. Chỉ biết rằng tác phẩm có một bố cục chặt chẽ, sinh động, chứa đựng nhiều tình tiết, nhiều thông tin bổ ích, lại được viết bằng một văn phong mới mẻ, trữ tình, ngôn từ cập nhật, cô đọng, đôi khi táo bạo.

Tác giả có một cách "dẫn nhập" rất ấn tượng, gây ngay được sự chú ý của người đọc, và đưa họ vào cái không khí hừng hực của dòng chảy cuộc sống. Những hình ảnh có sức nặng của cảm xúc và của suy tư được dồn nén, ấp ủ lâu ngày, nay dàn trải ra một cách tự nhiên trước mắt ta :

" Sài Gòn triền miên lưu chuyển, một khối đông ngột quẫy cọ trong cái nắng cọc cằn. Sài Gòn nhộn nhạo, dớn dác khói xe bụi đường. Hắn nhìn cuộc đời cứ miên miết trôi, như bao ước mơ tươi sáng trong hắn dần theo những cơn say lờm lợm chất chua bao tử tuôn tuồn tuột khỏi khối não ngày càng ủ dột, và hoảng loạn. Hắn đứng đó bên dòng xuôi dòng ngược những người là người.

Mé này là sông, khúc ruột già ung thối qua bao căn bệnh nan giải của thời đại vẫn khoan dung, nhẫn nhục mang chất thải của phồn hoa ra biển cả. Hắn đã về nơi chốn hắn bỏ ra đi ". (Đất Ải, tr. 7)

(...) " Sài Gòn hầm hập hơi người, nồng mặn dung dịch. Phố phường đỏm dáng, dậm dật nhục cảm trong phồn hoa viêm thũng hỗn mang. Sài gòn lao vào cuộc vui sàn nhược trên da thịt quằn quại rỉ mủ. Đi không em, đam mê là đặc huệ của sức mạnh, hiến thân là tận cùng khuất phục. Quỷ tinh thần trùng thét đòi nước mắt. Sài gòn tuỳ miên phát cuồng lùng sục : ai có linh hồn đem bán. " (Đất Ải, tr. 133)

Điều làm cho người ta ngạc nhiên nhất, không biết đây có phải là ý nguyện của tác giả hay không, nhưng rõ ràng tác phẩm thể hiện một sự tìm tòi, sáng tạo, về mặt từ ngữ khá độc đáo và đáng trân trọng. Tác giả có thể là người gốc " Bắc kỳ di cư ", khi viết vẫn đặc giọng bắc, cách hành văn rất "chuẩn", nhưng từ ngữ thì lại xen lẫn nửa bắc, nửa nam, nhiều từ lại do chính tác giả tự sáng tạo ra, không có trong từ điển, đôi khi khá bí ẩn, như thể tiếng lóng, hoặc một loại tiếng Việt cổ nào, như trong các sách kinh tiếng việt của người theo Ki-tô giáo, hay trong những bài thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử. Đây chính là một vấn đề khá thú vị, thuộc về hình thức ngôn từ của cuốn tiểu thuyết, khiến người đọc dù đồng ý hay không, cũng không thể bỏ qua :

" Đã bao năm rồi hắn bì bõm trong cái hiện tại ngưng trệ và uế trược như về trấp. " (Đất Ải, tr. 8)

" Hắn đứng xõng, nhìn chết trân vào háng đứa con gái ; rượu nân thân nó nứt ra một ngách hom hỏm thâm đen ". (Đất Ải, tr. 56)

" Có lẽ nó biết - bằng linh cảm nó biết trong tôi héo hắt khô giòn ; tôi bám lấy nó như bám vào mạch đời phong nẫm." (Đất Ải, tr. 67)

" Hắn mong đợi lời mời gọi mạo hiểm vượt ngưỡng thiều quang, phiêu diêu trong huyền lý kinh tởm của phân huỷ, trong suy biến trâng tráo của sự sống thực bào. " (tr. 69)

" Em ở cùng tôi. Trăng xoan ngần ngật nên thánh, toả ánh sáng phún hương thông hiệp. " (Đất Ải, tr. 104)

" Cái âm dung mang truyền thuyết hão huyền về một con người trí đức kiêm toàn ấy là di sản chính thống duy nhất để Đảng tồn tại." (Đất Ải, tr. 112)

" Chiếc đèn phẫn trập trên cái tợ góc buồng toả ánh điện vàng khoan đãi. Hắn lột quần áo vào phòng tắm vặn vòi nước xối cho sạch một ngày thỏn mỏn, tẩy gội cái đầu đã xộn rộn mệt luỗi, kỳ cọ thân cớm cho hết luôm hết sọc. " (Đất Ải, tr.161)

Theo tôi, lẽ ra tác giả, hay nhà xuất bản, phải để thêm chú thích ở bên dưới mỗi trang, cho biết nghĩa, cũng như xuất xứ, hay từ tương đương với những từ lạ lẫm mà tác giả đã sử dụng. Từ mới, hay từ cổ không thông dụng, đều cần có chú thích. Trong ngành nào cũng vậy thôi, trong văn chương nghệ thuật, cũng như trong khoa học, kỹ thuật. Người độc giả cần hiểu hết cái nghĩa của một từ, cũng như của một câu. Thậm chí, nếu không đi đến thực hiện được một cuốn từ điển những từ "chuẩn", thì ít ra trong khi chờ đợi, những từ địa phương quá lạ lẫm cũng cần được giải thích hoặc được so sánh với một, hay nhiều từ thông dụng tương đương.

Nhân vật chính trong truyện, một Việt kiều, trở về nơi thành phố cũ sau ba mươi năm xa cách. Điều kỳ lạ, là " hắn " không những đã không có mặc cảm, không bị ngỡ ngàng, hoặc bị người trong ngõ xóm khinh miệt, hay tránh né, mà ngược lại còn hoà nhập được một cách dễ dàng vào cái dòng chảy ấy, vào cuộc sống hiện tại của những con người mà hắn chỉ vừa mới gặp, mà dường như đã quen thân tự bao giờ.

Nơi hắn trở về là một con hẻm dẫn vào Xóm Chùa, ngay giữa lòng thành phố. Ở đây, người ta chuyên sống bằng nghề làm chả cá. Có những nhân vật có những cái tên rất "anh chị", gợi nhắc đến một thời xa xưa, cũ kỹ : Mười Beo, lão Hoạt, Hiệp Xù, Toàn Điên, Hậu Lé, Năm Thọt, Bảy Thẹo, A Lìn, Tài Xỉn, v.v. Mà quả là cuộc sống của họ vẫn là cuộc sống của những dân " anh chị ", tuy thực chất là hiền lành, nhưng cũng khá " bụi ", những con người bản chất bình dân, tính ưa nhậu nhẹt và ưa triết lý.

Có thể nói tóm gọn rằng, cốt truyện của Đất Ải không là gì khác hơn là một mảnh của cái xã hội Việt Nam hiện tại, hay giả tưởng, với những con người, những thân phận, sống qua ngày, trong một môi trường đô thị chật hẹp. Đó cũng chính là cuộc trải nghiệm của nhân vật Việt kiều - được gọi là " hắn " trong truyện - trong cái cõi nhân gian thu hẹp này, qua đó y có dịp suy ngẫm về nhân tình thế thái và về chính mình.

Do đó, trong Đất Ải, chuyện cũ, chuyện mới, dĩ vãng và hiện tại, xen kẽ nhau. Dù muốn hay không, " hắn " cũng đã từng sống ở đây, cũng đã từng mục kích những điều xảy ra, trong thực tế, hay chỉ trong nhận thức. Không thể chối cãi được : hắn là một chứng nhân. Tuy nhiên, điều hắn nhận thức được, đúng hay sai, lại là một chuyện khác. Văn chương, nghệ thuật, thậm chí cả những ý tưởng về xã hội, luôn luôn chỉ có giá trị chủ quan, và không làm sao có thể chứng minh được. Hoạ chăng chỉ có cái tâm, hay ý thức về sự công bằng, hay tình yêu, hoặc trong văn chương nghệ thuật, thì sự đồng cảm, mới cho phép người ta tin được vào một cái gì đúng, nhưng cũng chỉ một cách tương đối ?

Dẫu sao, Đất Ải nặng về những suy ngẫm trên sự cố, hơn là chính những sự cố. Do đó, đôi lúc nó hơi có khuynh hướng tự sự và triết lý. Cũng do đó, mà nó lại càng nặng thêm tính chủ quan. Nhân vật " hắn " ưa triết lý và ưa nghe người khác triết lý, và hình như y cũng chẳng có ý định thuyết phục ai.

Về mặt thuần tuý nghệ thuật, truyện có nhiều đoạn khá " xuất thần " (tiếng Pháp người ta hay dùng từ "génial"), vừa vui nhộn, vừa bất ngờ, lại vừa "siêu thực", như màn chầu đồng (Đất Ẩi, tr. 78-96), hay huyền ảo và dâm dật, như màn "hắn" gặp người đàn bà và cô con gái trong ngôi biệt thự bí ẩn (tr. 160-173), ai oán như đoạn các cô gái TNXP hiện hồn về (tr. 127-129). Cũng như nhiều đoạn hồi tưởng khác về tuổi thơ, về cái chết của chị Khuê ngoài biển khơi, cái chết của ông bà ngoại trong vụ tố khổ, về chuyện cô Trinh phải đi làm đĩ (tr. 121-124), v.v. Chúng như những nét chấm phá ngắt ngang nhịp kể của truyện, làm cho nó bỗng nhiên sinh động hẳn lên. Trong chừng mực nào, đây chỉ là một thủ thuật, nhưng là một thủ thuật cần thiết. Nó thuộc quy luật tương phản của nhịp điệumàu sắc, trong nghệ thuật tạo hình, cũng như trong nghệ thuật kể chuyện. Nó chính là nghệ thuật.

Ta hãy nghe đoạn đối thoại khá siêu thực giữa người thiếu phụ và " hắn " trong bữa cơm ở nhà thuỷ tạ, trong ngôi biệt thự bí ẩn :

" Mắm cá nấu nước dùng, gọi nước lèo Bạc Liêu. Ông dùng cho nóng.
" - Cảm ơn bà ! Bà đãi bữa ăn quả thịnh soạn.
" - Một chút gọi là hương vị sông nước miền Nam ; một chút lòng.
" - Đất thạnh mậu, người thạnh tâm.
" - Sông lở sóng cồn, ông ạ.
" - Vàm sông nước chảy xiết quá nhỉ.
" - Vâng.
" - Đâu là cửa bể ?
" - Cuối đêm là bể. Ông vội gì ?
" - Không, tôi không vội gì.
" - Giấc mơ đến khi bẩng sáng.
" - Vâng.
" - Ông để thức ăn nguội mất.
" - Bà dùng cơm !
" - Ông xơi cơm !
" - Rượu nhà thơm ngọt lạ.
" - Vâng, rượu ngâm vị đại hồi.
" - Đêm triêng hồn cặm rạo chờ con nước lũ ; người xưa uống rượu ngâm thơ.
" - Tiếc tôi tài mọn dạ nâng.
" - Tiếc tôi dặng tiếng thơ như chém tre đẵn gỗ.
" - Ông triệng mình nói ngảng.
" - Hay ta để mặc đêm đẵm trăng vậy. (...)
" - Trăng quầng, hạn đấy !
" - Bà uống với tôi chén đồng.
" - Khách ba chúa bẩy ; tôi uống chén đầy. (...)
" - Tôi không khước từ đau khổ.
" - Vậy tôi mời ông chén đắng. Ô hay rốt lại ông uống lấy ni.
" - Rượu ngon uống vào như ôm bổi chữa lửa, tôi e mình quá lạm.
" - Khách ba chúa bẩy, tôi sợ mình quá thất. (...)

(Đất Ải, tr. 163-168)

Tác phẩm có một cấu trúc sinh động, lại có nhiều tình tiết hấp dẫn, gần như một cuốn phim giàu tình huống và giàu hình ảnh mạnh. Tôi nghĩ nhà đạo diễn nào dựa vào cuốn tiểu thuyết này, có thể dựng lên được một bộ phim phong phú, vì có nhiều điều sâu sắc có thể nói lên được bằng hình ảnh.

Về văn phong và từ ngữ, văn trong Đất Ải có một sức thôi thúc nội tâm mạnh mẽ. Nó diễn đạt hết ý mà không thừa lời. Nó không sướt mướt, nhưng lại rất trữ tình, nhờ ở tính chân thực của những cảm xúc, những suy tưởng, và nhờ ở nhịp điệu của câu văn. Đôi khi còn nhờ cả ở từ ngữ.

Từ ngữ trong Đất Ải, như đã trình bày ở trên, quả là độc đáo. Dường như trong mỗi câu, tác giả đều có một hai từ dùng theo cách hiểu riêng của mình. Điều này có thể khiến cho một số độc giả khó chịu, bởi những từ đó thường không thông dụng, thậm chí, đôi khi tối nghĩa, hoặc khó đoán được nghĩa chính xác. Nhưng trong hướng làm giàu cho tiếng Việt, tôi nghĩ những thử nghiệm của tác giả không phải là không có ích. Mặc dầu tôi vẫn cho rằng, nếu thật sự muốn cho mọi người cùng hiểu một từ bằng một khái niệm, một nghĩa chính xác, ít nhất phải có một sự đồng thuận, cụ thể là cần sự trung gian, giám sát, của từ điển. Nhưng tôi e rằng một số từ mà tác giả dùng không có trong từ điển, và tôi chắc rằng chúng cũng không có cả trong tiếng địa phương của một vùng nào.

Văn Đào Vũ Hoài đầy chất thơ, nhưng cần được "giải mã". Đây là đoạn người thiếu phụ hát trong nhà thuỷ tạ :

" Lửa nẽn khẩy trăng í a trăng nẩy
" Trườn con nước nhẫy í a trài mình
" Xuông chẳm mái quết trăng nên dợn sóng
" Khoan khoan nhặt, khoan khoan vội mà chi
" Đỗi đường xa hẹn rồi có mấy khi
" Đêm rã lụt, thương ôi, rày cỗi bóng
" Thôi thì mặc sức, tình tang, chằm tơi trói nuộc
" Cái thuở bung khơi một guộc trêu noi
" Này ai ơi khéo, kẻo lơi...

(Đất Ải, tr. 169)

Văn Ngọc

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss