Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Đoá hồng ngày đầu năm

Đoá hồng ngày đầu năm

- Hàn Thuỷ — published 17/03/2008 17:30, cập nhật lần cuối 23/11/2012 14:47
Thơ Aragon, Hàn Thuỷ dịch và bình
  

Thơ Aragon

 
  

La rose du premier de l'an


   
Connaissez-vous la rose-lune
Connaissez-vous la rose-temps
L'autre ressemble autant à l'une
Que dans le miroir de l'étang
L'une à l'autre se reflétant

  

Đoá hồng ngày đầu năm


   
Ai hay có đoá hồng-trăng
Ai hay có đoá hoa hồng - thời gian
Điệp trùng trời nước mênh mang
Thời gian phản chiếu đoá trăng vơi đầy

Connaissez-vous la rose-amère
Faite de sel et de refus
Celle qui fleurit sur la mer
Entre le flux et le reflux
Comme l'arc après qu'il a plu

Ai hay có đoá đắng cay
Chiếc hoa biển mặn đã say tạ từ
Hải triều thôi rút lại đưa
Hoa cầu vồng nở cơn mưa lặng dừng

La rose-songe et la rose-âme
Par bottes au marché vendues
La rose-jeu la rose-gamme
Celle des amours défendues
Et la rose des pas perdus

Hoa giấc mộng, hoa linh hồn
Ai đem đóng bó bán buôn chợ trời
Hoa chuỗi nhạc, vui chơi, tình cấm
Hoa đợi nhau lấn cấn bước chân

Connaissez-vous la rose-crainte
Connaissez-vous la rose-nuit
Toutes les deux qui semblent peintes
Comme à la lèvre est peint le bruit
Comme à l'arbre est pendu le fruit

Ai hay có đoá ngại ngần
Ai hay có đoá hoa hồng - bóng đêm
Như tiếng nói môi em ai vẽ
Trái nào treo run sẽ trên cây

Toutes les roses que je chante
Toutes les roses de mon choix
Toutes les roses que j'invente
Je les vante en vain de ma voix
Devant la rose que je vois.

    

Aragon

(trong tập thơ Elsa)

Hoa những đoá ngất ngây ca hát
Hoa bao nhiêu sáng tác thành thơ
Ý bỗng cạn, tắt tiếng tơ
Khi đoá hồng hiển lộ.
   

     

Hàn Thuỷ dịch

Xuân Bính Tuất


Lời bình của người dịch :



Aragon, nhà thi sĩ cộng sản, cũng là người thấm nhuần văn hoá Âu châu, Hy Lạp và Thiên chúa giáo, sâu trong tâm khảm. Trong tập thơ Elsa có bài Đoá hồng ngày đầu năm lạ kỳ. Lạ, là vì nó mang một hình thức rất cổ điển, theo thể thơ năm câu mỗi câu 8 âm tiết, để chuyên chở những nội dung rất mới, có thể cho là siêu thực, bình rất cũ mà rượu rất mới.

Nhưng người dịch đã dịch bài thơ này theo cách hiểu và cảm nhận khá " đời thường " của riêng mình, đây sẽ chỉ là những suy diễn ngoài ngôn ngữ, mà nếu ai đó bảo rằng trong thơ hoàn toàn không có cũng không sao ! Nói cho cùng, nếu độc giả thích thú với bài thơ như thích thú một bức tranh trừu tượng thì có lẽ đã cảm nhận trực tiếp cái bản lai diện mục của nó, cần gì đi vào chi tiết lôi thôi.

Tập thơ Elsa được xuất bản năm 1959, gồm những bài sáng tác trong quãng thời gian mà biến cố lớn là đại hội thứ 20 (1956) của ĐCS Liên Xô, "giải hoặc" chủ nghĩa Staline. Đảng CS Pháp trong thời gian này đã trải qua khủng hoảng chính trị, điều ấy không thể không ảnh hưởng đến Aragon, ngay cả khi ông quay về ngợi ca tình yêu. "Bông hồng đầu năm" gợi lại rất kín đáo những điều ấy.

Khi làm bài thơ này Aragon đã đoạn tuyệt với chủ thuyết siêu thực từ lâu rồi, cho nên cái dáng vẻ siêu thực của nó chắc chỉ là kỷ niệm, nhưng rất có thể Aragon viết như thế vì giọng thơ có vẻ siêu thực này gợi ra được những tứ thơ rất trừu tượng và sâu rộng. Trước khi đi vào từng đoạn chỉ xin nhắc lại là trong tâm thức Âu châu cái gì đẹp thì đều có thể gọi là " hoa hồng " cả, những thứ hoa không phải hoa hồng, những trang trí có hình tròn, những người đẹp, v.v. Và dĩ nhiên, còn có chiều ngược lại :

Có gì đâu một cái tên ? đoá hồng
Gọi bằng tên nào khác, vẫn thơm.

What's in a name? That which we call a rose
By any other name would smell as sweet.

Shakespeare : Romeo and Juliet,
                          Hồi 2, cảnh 1.

Bài thơ viết về một ngày đầu năm vừa có ý nghĩa nhìn lại quá khứ, vừa có ý nghĩa kết thúc và mở ra một khởi hành mới. Chiều kích khởi đi mênh mang sâu rộng, rồi thu lại dần, tới một hiện thực cụ thể lồ lộ trước mắt.

Đoạn đầu, một tứ thơ rất lạ : mặt trăng và thời gian là một, thêm vào đó hồ nước phản chiếu cái này thành cái kia, làm người ta liên tưởng đến thế giới bên kia tấm gương của Lewis Caroll, vậy ở bên kia tấm gương thì thời gian chính là mặt trăng ? Rồi người ta bỗng bật cười : từ thủa sơ khai, việc làm lịch để xác định mùa màng, chẳng phải là quan sát vầng trăng tròn khuyết đó sao ? Và, có phải tác giả nghĩ đến một hiện tượng có khắp nơi, tự bao đời, như vầng trăng - thời gian, lúc tròn lúc khuyết này, là để chuẩn bị tâm thức mình cho việc phải chấp nhận một sự thực khác, có thể cũng không ai tránh khỏi như thế ...

Đoạn hai : không-thời-gian đã bớt mênh mông hơn, và lại gần chúng ta hơn, không còn là thủa con người mới thức ngộ thời gian theo vầng trăng tròn khuyết nữa. Đến lúc khám phá thế giới, lao ra biển. Phải chăng là Hy Lạp ? đoá hồng đắng làm bằng muối mặn và chối từ đó, phải chăng là nở ra từ tiếng hát của các nàng tiên cá, tung ra để quyến rũ và nhằm trói buộc chàng Ulysse ? Một thứ quyến rũ mà dù chấp nhận hay chối từ cũng đều không hề dễ dàng, nên có vị mặn đắng của bất cứ lựa chọn khó khăn nào, trăn trở như nước triều lên xuống. Chọn lựa đến như cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa, phép lạ hay ảo ảnh ? Dù sao cũng vẫn cần thiết cho kiếp người.

Đoạn ba : vì cuộc đời vẫn còn đó, hiện thực xã hội tràn về, những ao ước, những bán buôn giá trị, những sinh hoạt văn hoá, những cấm đoán, và những người yêu nhau hẹn hò. " La rose des pas perdus " là nhắc đến " salle des pas perdus ", tên cũ và thơ mộng cho phòng đợi ở các nhà ga hay các công sở.

Đoạn bốn : chỉ còn hai con người, trong ngại ngần và bóng đêm. Sự xấu hổ và che giấu đều do vì đã ăn trái cây hiểu biết, đấy là kinh thánh. Nhưng ở đây lại có chút nghi ngờ, tất cả những chuyện ấy hình như không phải cái thực chất, có thể là ai đó tô vẽ nên. " Hình như ", vì vừa tách rời vừa không thể tách rời, như tiếng nói và làn môi, như sự hiểu biết và tình yêu. Tại sao có sự ham muốn ăn trái cây hiểu biết ? Hoang mang cơ bản, trước khi ...

... không-thời-gian thu lại còn một đoá hồng. Đoá hồng hiển lộ đột ngột, phủ định mọi suy tưởng, vừa kết thúc vừa khơi mở. Rất thiền, phải không bạn ? Huê tình, khi đi đến tận cùng, cũng có thể đem lại đốn ngộ : đồ tể buông con dao cũng có thể thành Phật, nữa là !!! Nhưng, may cho tôi, bài thơ đến đây là hết.

Aragon thường kết hợp nhuần nhuyễn cổ điển và hiện đại, để trung thành với phong cách ấy người dịch đã cố gắng chuyển những tứ thơ mà mình cảm nhận qua một thể thơ cổ điển : thể lục bát cân đối và trung hoà, có khả năng chuyên chở mọi nội dung. Tuy nhiên chỉ giữ như thế được hai đoạn, đến hai đoạn sau thấy thể song thất lục bát (ở đây đảo ngược thành lục bát - song thất) thì sinh động và hợp hơn. Đoạn cuối cố ý phá thể một chút, mong tạo được cái âm vang thoát ra ngoài ngôn ngữ.

   
Hàn Thuỷ

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: thơ dịch
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss