Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Sổ tay

Sổ tay

- Kiến Văn — published 19/07/2012 17:40, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:31
 

Số 160 - tháng 03. 2006

Sổ tay

Kiến Văn

§ L'étrange destin des « retournants » : đó là đầu đề phóng sự về Hà Dương Đức và Dương Cao Phong, hai trung niên (tuổi 30) sinh trưởng tại Pháp, đã quyết định đi Việt Nam kinh doanh (công ti tin học mà họ vừa thành lập nhằm làm môi giới giữa doanh nghiệp Âu Mĩ và giới công nghệ phần mềm ở Việt Nam, một cách « xuất khẩu tại chỗ » chất xám trong công nghệ tin học). Phóng sự này nằm trong chương trình Complément d'enquête của đài truyền hình France 2 (thứ hai 27.2.2006). Nhan đề tiếng Pháp dịch nhanh là : Số phận lạ kì của những người « hồi hương ». Chữ « hồi hương » này thực ra không đúng trong trường hợp này vì đối với nhà nước Việt Nam (hiện nay), « quy chế hồi hương » chỉ áp dụng cho những Việt kiều « được phép » về ở hẳn trong nước. Đức và Phong, cũng như hàng trăm Việt kiều khác, chỉ có quy chế « doanh nhân tạm trú ». Họ vẫn là « người nước ngoài » (trong đó chữ ngoài có phần quyết định). Tuy nhiên, nếu chỉ nói thế, thì không thấy những thay đổi có thật. Cũng như có thật là ý muốn của nhiều người trong giới chính quyền muốn tạo điều kiện để Việt kiều về đầu tư và làm việc.

Hi vọng rằng một, hai năm nữa, khán giả sẽ được xem tiếp hồi 2 của phóng sự này.

§ Xin các bạn ghi nhớ cái tên : Boris Lojkine. Khi nào vô tuyến truyền hình lên chương trình chiếu phim Les Ames Errantes (Vong hồn) của tác giả này, thì nhất thiết bạn phải xem, và nhờ con cháu ghi băng ghi đĩa. Trong khi chờ đợi, ai ở vùng Paris tháng 3 này có thể xem lịch Festival du Réel ở Centre Pompidou để đi xem trước (20g30 thứ bảy 11-3, 18g30 thứ năm 16-3, 10g00 thứ hai 20-3). Tác giả của nó là ai ? Cuốn phim nói gì ? B. Lojkine là một nhà triết học Pháp trẻ, tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm phố Ulm và trúng tuyển thạc sĩ triết học xong, anh ta chọn « nghĩa vụ dân sự » thay vì đi quân dịch, và được gửi sang Việt Nam – một nước mà anh không hề có liên hệ, dù là qua cha mẹ, họ hàng. Triết học phương Tây mà Lojkine được đào tạo bài bản dường như không hấp dẫn lắm đối với Viện triết học hay Học viện Nguyễn Ái Quốc, nhưng ngược lại, cuộc sống ở Việt Nam đã cuốn hút tâm trí anh. Lojkine quyết định dùng camera để ghi lại. Bắt đầu là cuốn phim tài liệu Ceux qui restent về những người bộ đội « còn sống ». Niềm đam mê điện ảnh đã dẫn anh tới một quyết định nghiêm trọng : từ chức giảng sự đại học (anh được bổ nhiệm sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ triết học) để làm điện ảnh (ai cũng biết, làm phim tài liệu là cách chắc chắn nhất để sống nghèo : không phải ai cũng làm La marche de l'empereur, về loài chim cánh cụt ở Nam Cực).

Les âmes errantes (Những vong hồn, 80') đưa ta đi theo vết chân của một quả phụ đồng bằng Sông Hồng đi tìm mộ của người chồng đã chiến đấu và hi sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1970. Sức mạnh của cuốn phim này trước hết ở đề tài nhân bản của nó. Nhưng phải nhấn mạnh, sức mạnh ấy được nhân lên gấp bội nhờ vai trò của tác giả, kiệm lời mà hiệu quả, tôn trọng các nhân vật mà không khích động xu hướng cải lương.

§ Vingt nuits et un jour de pluie : những ai đặt nhiều kì vọng vào Lê Lâm khi xem cuốn phim ngắn tốt nghiệp Long Vân Khánh Hội, và đã thất vọng với Poussières d'Empire (Bụi đế chế), chắc cũng như tôi : hồi hộp và chờ đợi ở Hai mươi đêm và một ngày mưa, mong sao Lê Lâm, sau hơn 20 năm lận đận, sẽ thực sự cất cánh.

Một lần nữa, thất vọng, nếu không nói là tuyệt vọng. Tại sao một người rất có tài – chỉ cần xem sự sắp đặt chăm chút của anh cho mỗi cảnh trong phim – lại không vượt được những nhược điểm dễ thấy của mình ? Nhược điểm đầu tiên là không có một kịch bản tốt – nói khiêm tốn hơn : một kịch bản không rỗng tuếch. Chẳng lẽ bao nhiêu năm mà tác giả không tìm ra một kịch bản tạm được hay sao ? Dù sao, cũng không thể thay thế sự thiếu vắng nội dung bằng những câu triết lí nửa mùa về Đông và Tây. Càng không thể bắt nhân vật nam chính, trên nguyên tắc phải là một « Nguyễn Tuân » duy mỹ, nhà thư pháp sành sỏi, « vẽ » chữ tâm trái cựa trên bộ ngực của người tình !

Quên đi thất vọng, chỉ còn một cách duy nhất : đi xem cuốn phim mới của Lý An (Ang Lee), Brokeback Mountain.

§ Boston. Bấy lâu nghe tiếng Boston, bây giờ mới được đặt chân tới thành phố này (mặc dầu, cách đây gần 6 năm, tờ báo Công an Nhân dân, đã cho tôi tới đây để « vận động » cho một « âm mưu và ảo vọng » : phải chăng đó là một cách làm báo « đi tắt đón đầu » ?).

Ở một nước hầu như không có lịch sử, Boston là một ngoai lệ : nó có gần bốn thế kỉ lịch sử, nó là lịch sử của nước Mĩ. Sát gần Boston là Plymouth, nơi những người « hành hương » vượt biển trên con tàu Mayflower đặt chân lên Tân Thế Giới năm 1630. Tảng đá mà họ đặt chân lên còn đó, phiên bản tàu Mayflower còn đây (ít nhất trong 6 tháng trời đẹp). Boston là thành phố của những « quý tộc » Cabot (tổ tiên của đại sứ Cabot-Lodge), Lowell, của những « cha đẻ » của nền độc lập và chế độ dân chủ Hoa Kỳ. Thủ đô lịch sử, trung tâm văn hoá, Boston từng là trung tâm công nghiệp và hải cảng lớn nhất trước khi nó bị New York truất phế. Phải đợi đến thập niên 60 của thế kỉ XX, nó mới tìm lại vị trí tiên phong trong nền kinh tế tri thức : không phải ngẫu nhiên mà Boston là thành phố của hai trường đại học Harvard và M.I.T.

Và cũng không biết có ngẫu nhiên không : Boston không thiếu những mối quan hệ với lịch sử Việt Nam. Sứ bộ Edmund Roberts đến Đà Nẵng năm 1832 đề nghị giao thương với triều Minh Mạng (và thất bại), nếu tôi không lầm, đã xuất phát từ thành phố này. Rồi Kennedy rồi Cabot-Logde là những đều là đại gia ở Boston. Gần đây nhất, sau Đài Bắc và London, ông Nguyễn Văn Thiệu cũng tới đây sống lưu vong những năm cuối cùng của đời mình.

Khách sạn cổ kính và sang trọng nhất Boston là Omni Parker House, nơi các văn hào như Longfellow, Dickens, Hemingway... đều đã từng dừng chân. Phòng khách sang trọng nhất của khách sạn mang tên Kennedy : nơi đây gia đình này vẫn tổ chức những buổi chiêu đãi. Lịch sử Omni Parker House còn ghi tên một nhân vật nữa : Hồ Chí Minh. Trong những năm 1910, Nguyễn Tất Thành đã từng làm phụ bếp chuyên về bánh ngọt ở quán ăn – khách sạn này.

Sau khi dẫn tôi đi thăm Omni Parker, nhà thơ Chân Phương đưa tôi đến quán ăn lâu đời nhất của nước Mỹ : Union Oyster House (41, Union Street, Boston), hoạt động liên tục từ 1826. Tầng lầu 2 của ngôi nhà này cũng là nơi ra đời của tờ báo đầu tiên của nước Mĩ : The Massachusetts Spy.

§ William Joiner Center là một trung tâm thuộc Trường đại học Massachusetts Boston (Umass), nhằm « nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội ». Được thành lập từ năm 1982, trung tâm này mang tên ông W. Joiner, người Mĩ đen phụ trách phòng cựu quân nhân của Trường Umass. Bản thân ông cũng là quân nhân, từng nhiều năm phục vụ ở căn cứ Okinawa của quân đội Mĩ ở Nhật Bản. Công việc của ông khá đơn giản : bốc vác những thùng thuốc « khai quang » lên phi cơ vận tải bay sang Việt Nam. Những thùng phuy sơn màu da cam. Phải nhiều năm sau, khi ông Joiner bị chết vì ung thư, chiến hữu của ông mới liên hệ căn bệnh hiểm nghèo với công việc cũ. Nghe nói phải sau nhiều tháng đấu tranh, sit-in, kiến nghị, biểu tình, ban giám hiệu Umass mới chịu đặt tên Trung tâm là William Joiner. Và phải nhiều năm vận động các quỹ trợ cấp, đặc biệt nhờ vai trò của giám đốc hiện nay của trung tâm, nhà thơ Kevin Bowen, WJC mới có được những trợ cấp quan trọng cho những chương trình phục vụ cựu chiến binh Mĩ, và đáng phục hơn nữa : nhưng chương trình nhằm tạo ra cuộc đối thoại, hoà giải giữa các nhà văn Mĩ và Việt Nam đã từng chiến đấu trong hai quân đội.

Từ vài năm nay, với trợ cấp của Quỹ Rockefeller, WJC đã tài trợ một số nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếc rằng chương trình này « nổi tiếng » lại nhờ vụ kiện của một « lãnh tụ » chống cộng. Đơn kiện đã bị thẩm phán bác bỏ. Mong rằng trong thời gian tới, người ta sẽ biết hơn về chương trình, đặc biệt là đóng góp của nó vào sự hiểu nhau giữa người Việt Nam với nhau.

Kiến Văn

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss