Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Sức ép đổi mới

Sức ép đổi mới

- Hòa Vân — published 27/06/2012 17:25, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:28
..dù ai đó có muốn nhấn mạnh những " định hướng xã hội chủ nghĩa ", thì cũng chẳng còn có thể ngăn cấm những tiếng nói phản biện công khai : hãy nói rõ đi, cụ thể đi, thế nào là cái định hướng XHCN đó !
 

Số 160 - tháng 03. 2006

Chuẩn bị Đại hội X ĐCSVN

Sức ép đổi mới

Hoà Vân

Đảng CSVN đang chuẩn bị đại hội lần thứ 10 của mình trong một khung cảnh khác khá xa so với lần trước (tháng 4.2001, xem Diễn Đàn số 107 và vài số trước đó).

Dĩ nhiên, cuộc thảm sát ngày 11.9.2001 và những phản ứng của Mỹ sau đó (tiến hành chiến tranh ở Afghanistan, rồi ở Iraq, đưa « chống khủng bố » lên thành ưu tiên số 1 trong chính sách ngoại giao của mình...) đã làm thay đổi khá nhiều các mối tương quan trên chính trường quốc tế. Song, « Dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội » (dưới đây sẽ gọi tắt là « dự thảo ») do Ban chấp hành trung ương khoá IX đưa ra ngày 3.2 vừa qua để « lấy ý kiến nhân dân » không hề nhắc tới sự kiện đó mà tập trung hơn vào những vấn đề nội tình đất nước. Cái câu về những « hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố... tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp » -, giống gần như y chang câu trong báo cáo chính trị ở đại hội IX.

Nhưng như thế thì khung cảnh chung có khác gì lắm đâu so với năm năm trước ? Thật ra thì khó đo đếm những đổi thay (nhất là về mặt tinh thần, tâm tư của người dân – về mặt vật chất thì tương đối dễ hơn) trong một xã hội mà đảng cầm quyền vẫn dành cho mình độc quyền chân lý, quyền hạn chế tối đa (nếu không muốn nói là bóp nghẹt) tự do ngôn luận, tự do hội họp của công dân. Câu hỏi đặt ra ở đây là : có phải hiện nay, cũng như 5, 10 năm trước, tinh thần chung của người dân – kể cả không ít người trong tầng lớp cán bộ – vẫn chỉ là hối hả lao đầu vào làm ăn, bù lại những năm dài đói kém, gạt sang bên mọi suy tính chung cho xã hội, bỏ mặc Đảng muốn làm chi thì làm miễn là đừng trở lại những chính sách kinh tế của thời « bao cấp » ?

Vậy mà không phải vậy ! Năm năm trước, ngoài những bài viết đòi cải tổ được « phát tán » không công khai của những Trần Độ, Lê Hồng Hà v.v., người ta không thấy trên mặt báo trong nước một bài nào đụng tới những vấn đề cơ bản của hệ thống chính trị.

Giờ đây, hình như những quy luật của « duy vật biện chứng » đang quật ngược ngọn roi vô tình của nó vào những người muốn buộc cả xã hội ngày ngày tụng niệm « học thuyết của Marx » mà quên rằng « thượng tầng kiến trúc » chẳng thể bình chân như vại khi « hạ tầng cơ sở » đã bị (được) đảo lộn lớn ! Khi đời sống vật chất đã khá lên với nền kinh tế thị trường thì thế và lực của những người muốn bảo vệ nền kinh tế thị trường đó mạnh lên. Và dù ai đó có muốn nhấn mạnh những « định hướng xã hội chủ nghĩa », thì cũng chẳng còn có thể ngăn cấm những tiếng nói phản biện công khai : hãy nói rõ đi, cụ thể đi, thế nào là cái định hướng XHCN đó !

Chỉ xin nêu một thí dụ. Báo Nhân Dân ngày 23.2 đăng bài viết của giáo sư Nguyễn Đức Bình, nguyên uỷ viên Bộ chính trị, nguyên giám đốc học viện quốc gia Hồ Chí Minh, « nêu lên năm kiến nghị liên quan đến một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, đó là xây dựng Ðảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và lý luận ». Báo Tuổi Trẻ ngày 25.2 đăng lại nội dung 5 kiến nghị này và nguyên văn đoạn viết về « Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên ». Cùng ngày 25.2, tờ báo đăng bài của tác giả Võ Văn Tạo gián tiếp trả lời một luận điểm của ông Bình về « vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước » : « Khi phác thảo về tương lai của xã hội loài người, Mác và Ăngghen chưa thể cụ thể hóa các nội dung chi tiết, cụ thể cho từng bước đi, giai đoạn. Những người theo chủ nghĩa Mác ở các quốc gia do đảng cộng sản (...) cầm quyền, trong suốt một thời kỳ dài, chịu ảnh hưởng của mô hình Liên Xô, ngộ nhận rằng đã theo con đường xã hội chủ nghĩa thì nhất thiết phải áp dụng kinh tế kế hoạch hóa tập trung ». Đó là « ngộ nhận » về chủ thuyết kinh tế, nhưng hẳn không phải là duy nhất, vì trong một đoạn sau, tác giả còn nêu ra yêu cầu «  Lẽ đương nhiên, cần nêu được những đặc trưng cơ bản của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa mà đất nước cần hướng tới » !

Chưa hết, ngày hôm sau, mục «  Bạn đọc viết » của tờ báo đăng liền 7 thư bạn đọc nêu lên nhiều bất đồng ý kiến khác, trong đó một sinh viên sau mở đầu thẳng thừng « tôi thấy những vấn đề bức xúc của đất nước hiện nay, những tri thức mới của thời đại đã không được GS quan tâm, đề cập », đã đặt câu hỏi : GS cho biết Việt Nam chưa thật sự có một lý luận và đường lối của mình tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ. Lý luận không có, đường lối chưa đề ra, vậy GS đề nghị đất nước đi lên XHCN bằng con đường nào ? ...

Bên cạnh đó, và bên cạnh loạt bài có tiếng vang lớn của tác giả Nguyễn Trung trên hai tờ báo ViêtNamNetTuổi Trẻ (xem trong số này), còn khá nhiều bài viết trên nhiều mặt báo khác, nêu lên những đòi hỏi một bộ máy công quyền hữu hiệu hơn, công bằng và tôn trọng người dân hơn, ít tham nhũng hơn, một nền y tế, giáo dục tốt hơn v.v. Những đòi hỏi dân chủ rất cụ thể, lại cũng rất khó « dẹp » bằng những khẩu hiệu thuyết lý cả vú lấp miệng em. Dù nhiều khi, chúng đụng tới những vùng xưa nay vẫn được coi là tuyệt đối cấm kỵ – như vấn đề tự do tư tưởng, vấn đề áp đặt « chủ nghĩa Mác-Lê Nin » trong giáo dục, vấn đề công khai hoá tuyển chọn cán bộ...

Nếu có thể nói tóm tắt, chính sự kiện những tờ báo chính thống đang mạnh dạn đăng tải các bài viết chứa đựng những ý tưởng rất « không chính thống » nêu trên, phản ánh một sức ép đổi mới mới của xã hội đối với đại hội. Và, mượn một khái niệm thời thượng, tuỳ sự đáp ứng của đại hội đối với đòi hỏi đó mà « cuộc chơi » sắp tới giữa đảng và dân sẽ là một cuộc chơi hai bên đồng thắng (win-win game), hay đồng bại.

Hoà Vân

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss