Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Thời đại của Islam chính trị

Thời đại của Islam chính trị

- Nguyễn Quang — published 17/03/2012 18:45, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:29
...các cuộc biểu tình bạo động (đôi khi có sự giật dây) của tín đồ Islam lại minh chứng một cách...biếm hoạ quan niệm một thứ Islam sơ khai và bá quyền, muốn áp đặt giáo lí của mình cho cả bọn ngoại " đạo ". Và cánh cửa đã rộng mở để các phần tử quá khích của hai bên hô hào cho luận đề " đụng đầu giữa các nền văn minh ".
 

Số 160 - tháng 03. 2006

Sau cuộc bầu cử ở Palestine

THỜI ĐẠI của

ISLAM CHÍNH TRỊ

Nguyễn Quang

Phải chăng 2006 sẽ là năm thứ I của Islam chính trị ? Ít nhất nó là đỉnh cao của « làn sóng xanh lục » với thắng lợi vang dội của đảng Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội Palestin (xem khung) tại một khu vực vốn đã tập trung tất cả những sự căng thẳng trong tình hình quốc tế, trong bối cảnh của sự đụng đầu – hồ sơ năng lượng hạt nhân Iran, vụ tranh biếm hoạ Muhammad – dường như đang minh hoạ luận đề của Huntington (« sự đụng đầu giữa các nền văn minh »).

Ván bài mới ở Palestin

Cho dù đảng Hamas đã lợi dụng được thể lệ bầu cử quá phức tạp và sự chia rẽ của đảng Fatah, nên chỉ với 3 % phiếu bầu nhiều hơn đối thủ, đã giành được đa số 60 % ghế đại biểu, thì cũng không thể phủ nhận rằng : thông qua một cuộc đầu phiếu hoàn toàn hợp lệ, xã hội Palestin – được coi là xã hội cởi mở nhất, « thế tục » nhất ở Trung-Cận Đông – đã trao chính quyền cho một đảng tôn giáo cực đoan. Cực đoan ? Mặc dầu lần bầu cử này đảng Hamas đã chấp nhận cuộc chơi (năm 1996, họ không chịu tham gia tranh cử), song Hamas vẫn một mực từ chối hiệp ước Oslo 1993 và vẫn tiếp tục chủ trương thủ tiêu Nhà nước Israel và thành lập một nước Pales-tin hồi giáo nối liền một dải từ bờ biển Địa Trung Hải đến bờ sông Jordan ; và thông qua tổ chức võ trang Ezzedine Al-Kassam, Hamas đã gây ra những cuộc ám sát làm chết 300 nạn nhân Israel, bị Hoa Kì và Liên hiệp Châu Âu xếp vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Ván bài mới ở Palestin một mặt đã tạo ra phấn khởi trong quần chúng Arập và Islam mặt khác khiến cho chính phủ các nước phương Tây lúng túng ra mặt. Lẽ ra cả hai có thể thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra. Sau các cuộc bầu cử địa phương năm 2004 và 2005, đảng Hamas đã nắm được 40 % các thị xã. Họ quản lí đàng hoàng, thêm vào đó là hoạt động cứu trợ xã hội của các đảng viên, do đó uy tín vốn có (một tổ chức kháng chiến vũ trang chống lại Israel) càng được củng cố. Trong khi đó, đối thủ của Hamas là đảng Fatah đã bị kiệt quệ sau 12 năm quyền lực tuyệt đối, rệu rã vì nạn móc ngoặc và tham nhũng, bất lực trước những băng nhóm vũ trang, lại bị vô hiệu hoá vì hành động đơn phương của Israel. Sau hiệp ước Oslo, nhân dân Palestin hi vọng hoà bình được thiết lập, nhà nước Palestin được thành hình. Rốt cuộc, nhà nước không thấy đâu, hoà bình vẫn xa vời. Phải nói người vận động tranh cử hữu hiệu nhất của đảng Hamas chính là Ariel Sharon. Thủ tướng Israel đã tìm đủ mọi cách làm suy yếu chính quyền Palestin và sỉ nhục người đứng đầu (mọi người còn nhớ cảnh Arafat bị giam lỏng trong hoang tàn của phủ chủ tịch, quân đội Israel xâm lấn Ramallah, tiến sát tới nhà ở của Arafat, ngay chiều hôm trước cuộc bầu cử). Cho dù không trao trả những lãnh thổ bị chiếm đóng hay ngừng thiết lập các làng thực dân, Israel chỉ cần có một vài hành động thiện chí (trả tự do cho một số tù nhân, cải thiện sự đi lại ở vùng Cisjordanie, tăng số giấy phép làm việc ở Israel) cũng đủ để củng cố vị thế của Fatah đối với Hamas. Chính quyền Sharon không chịu làm gì hết. Bị tước mất chức năng chính thức là người đối thoại của Israel, chính quyền Palestin trở thành vô dụng. Đến khi Sharon đưa ra sáng kiến muộn màng (nhưng dũng cảm) là triệt thoái các trại thực dân khỏi dải đất Gaza, thì người hưởng lợi lại là Hamas vì dư luận cho rằng nhờ sự kháng cự của đảng này mà Israel phải rút khỏi Gaza. Và hậu quả là tình huống phi lí này : tìm cách hạ uy tín những phần tử dân tộc chủ nghĩa phi tôn giáo Palestin miết rồi bây giờ Israel phải đối mặt với các phần tử Islam cực đoan, nghĩa là mất luôn người đối thoại, bởi vì hai bên không bên nào chịu thừa nhận bên kia.

Các nước phương Tây cũng có phần trách nhiệm của mình vì trong suốt 40 năm qua họ đã lần khân, lẩn tránh vấn đề cơ bản : các lãnh thổ bị chiếm đóng. Trách nhiệm lớn nhất là Mĩ : bày ra trò « thánh chiến vì dân chủ » ở vùng Vịnh, bây giờ chẳng lẽ lại muối mặt phản đối kết quả cuộc bầu cử ở Palestin. Vấn đề là dân chúng hai vùng Gaza và Cisjordanie sống nhờ viện trợ nhân đạo của LHQ, và nếu không có viện trợ tài chính của Liên hiệp Châu Âu (350 triệu đôla/năm) và Hoa Kì (400 triệu đôla/năm), thì cái nhà nước Palestin phôi thai phá sản ngay tức khắc. Mặt khác, lẽ tự nhiên là viện trợ quốc tế phải gắn liền với việc chính quyền mới phải tuân thủ một số nghĩa vụ quốc tế, chẳng hạn như khuôn khổ hiệp định Oslo (có hiệp định này mới có cuộc bầu cử), và Hamas phải từ bỏ một phần hiến chương của mình. Quốc tế không thiếu những phương tiện gây sức ép. Một quan chức Israel, Dov Weisglass, đã nói gọn như sau : « Cũng giống như đi khám bác sĩ chuyên môn về dinh dưỡng. Người Palestin sẽ phải bớt kí, nhưng sẽ không chết đói đâu ». Đằng sau lời nói mạ lị ẩn tàng một đe doạ : giảm viện trợ quốc tế kết hợp với những biện pháp trừng trị của Israel sẽ bóp nghẹt chính quyền mới của đảng Hamas, hay ít nhất sẽ đảo ngược dư luận công chúng Palestin. Trò chơi nguy hiểm này có thể dẫn tới kết quả trái ngược, nghĩa là triệt để hoá công luận : vụ những bức tranh biếm hoạ Muhammad là một tiền đề điển hình (xem khung ).

Islam chính trị

Trong bối cảnh « lây lan » hiện nay của Islam cực đoan, đây là một viễn ảnh hết sức đáng ngại. Cụm từ « Islam cực đoan » ở câu trên không liên quan tới đạo Islam, mà xu hướng Islam chính trị, cụ thể là một chiến lược giành chính quyền và hệ tư tưởng nhằm thi hành chính quyền đó. Mặc dầu hiện nay, Hamas tỏ ra ôn hoà và thực dụng, điều 8 trong hiến chương của đảng này nói dứt khoát : « (Đối với Hamas), Allah là cứu cánh, Đấng tiên tri là lãnh tụ, Kinh Quran là hiến pháp, Thánh chiến là phương pháp, chết vì Allah là ước vọng cao quý nhất ». Tiến sĩ Khalil Alou Leila, một trong những nhà lí luận của đảng, thường nhắc đi nhắc lại rằng « Hamas được thành lập nhằm mục đích mang lại cho phong trào giải phóng Pales-tin kích thước Islam mà những người lãnh đạo thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa đã quên lãng », rằng « nguồn gốc Hamas không phải là năm 1987, mà nó bắt nguồn từ Đấng tiên tri Muhammad, theo lời dạy của Hassan el Banna », người sáng lập tổ chức Huynh đệ Islam. Muốn hiểu rõ ý nghĩa câu nói ấy, cần nhắc lại : vào những năm 1920, Hassan el Banna đã chủ trương tái Islam hoá xã hội các nước Arập, trái ngược với các phong trào giải phóng dân tộc « thế tục » (tách biệt chính trị khỏi tôn giáo), mà điển hình là phong trào Nasser, chủ trương hiện đại hoá đất nước. Bây giờ chúng ta có đủ khoảng lùi thời gian để thấy rằng giai đoạn « hiện đại hoá » chỉ là một cái « ngoặc đơn » của lịch sử các nước Trung-Cận Đông và đã kết thúc trong thất bại. Cố nhiên phong trào này đã kết liễu chế độ thực dân bằng phương thức hoà bình hay bạo lực, nhưng chẳng chóng thì chầy, thời kì độc lập của các nước này đều kết thúc bằng chế độ gia đình trị hoặc độc tài (*). Cuộc « cách mạng Islam » ở Iran đã « đóng ngoặc » giai đoạn này, mang lại cho thế giới Arập Hồi giáo mang nặng mặc cảm nhục nhã, đi tìm bản sắc, một thứ hệ tư tưởng thay thế. Sau một thời kì thăng trầm (trong đó có vụ Mặt trận Islam cứu rỗi FIS ở Algérie), từ 5 năm trở lại đây, nghĩa là từ khi Mĩ tuyên chiến với « chủ nghĩa khủng bố » (nói chung chung như thế, nhưng trên thực tế, mọi người thấy rõ là Mĩ nhắm « khủng bố Islam »), một « làn sóng xanh lục » đã trỗi dậy ở bất cứ nơi nào có tổ chức bầu cử ít nhiều hợp pháp : Algérie, Pakistan, Iran, Irak, Ai Cập, và bây giờ đến phiên Palestin. Sự tìm kiếm bản sắc trong Islam cực đoan – hệ quả của vụ 11.9 – rõ ràng là thành tựu lớn nhất của Al Qaeda.

Một trong những nghịch lí hữu cơ của chế độ dân chủ là đôi khi nó cung cấp vũ khí cho kẻ thù để tiêu diệt nó. Chúng ta đã thấy rõ điều đó khi chủ nghĩa phát xít nổi lên ở châu Âu trong thập kỉ 1930. Bất luận trách nhiệm thuộc về ai, liệu hiện nay có nguy cơ tái diễn thảm cảnh này với sự trỗi dậy của Islam chính trị ở Trung Đông ? Phải nói thẳng rằng chế độ hiện nay ở Iran là một chế độ thần quyền phát xít. Còn đảng Hamas, nhờ có hiệp ước Oslo mà nắm được chính quyền nhưng Hamas không chịu thừa nhận tính chính đáng của hiệp ước, và vẫn khẳng định mục tiêu của mình là xây dựng nhà nước Palestin tương lai thành một nền cộng hoà Islam. Nhưng giáo luật charia của Islam và dân chủ là hai khái niệm trái nghịch nhau. Trong quan niệm dân chủ, tính chính đáng duy nhất bắt nguồn từ nhân dân ; còn giáo luật Islam bắt nguồn từ Allah và chỉ từ Allah. Tiên đề của chế độ dân chủ là tách bạch tín ngưỡng và chính trị, tiên đề của Quran là đồng nhất tín ngưỡng và chính trị, không những thế, nó còn khẳng định dân luật phải tuân theo thần luật. Điều này cũng chẳng phải là đặc sản của Islam, mà là đặc tính chung của mọi xu hướng tôn giáo toàn thống. Hệ luận của tiên đề nói trên là : Thượng Đế không nói với người thường mà chỉ nói với các đấng tiên tri, nên việc lí giải Luật Trời được giao phó cho những nhân vật trung gian (linh mục, giáo phẩm, mollah, imam các loại...). Đó là nền tảng của chế độ thần quyền. Trong một chế độ như vậy, các cuộc đầu phiếu không hề bảo đảm quyền tự do, vì một tổng thống được bầu ra trong một chế độ thần quyền là chỉ để tuân thủ lời phán của Thượng Đế. Đó chính là ranh giới phân định xã hội dân chủ với thế giới toàn thống. Trường hợp điển hình là Iran : tại đây, Hội đồng Cách mạng (thật ra là một hội đồng giáo sĩ Islam) và Lãnh tụ Tối cao (một giáo chủ ayatollah) ở trên quyền Quốc hội và Tổng thống dân cử. Ta hiểu tại sao sau hai nhiệm kì liên tiếp, các phần tử « cải cách » ở Iran vẫn bất lực và cuối cùng đã thất bại.

Một thí dụ thời sự nóng hổi là « vụ biếm hoạ Mu-hammad » (xem khung thứ nhì). Ở đây chúng tôi không bàn tới chất lượng của những tranh biếm hoạ này, cũng không bàn xem chúng có hàm ý bài ngoại hay có mục đích khiêu khích hay không, mà chỉ đặt cuộc tranh luận trong khuôn khổ tinh thần dân chủ. Trong một chế độ dân chủ, thực thi quyền tự do ngôn luận là một lộ trình khá tế nhị giữa các luồng mẫn cảm và quyền lợi khác nhau, nhưng điều quan yếu là có những cơ cấu và định chế để điều tiết quyền tự do này, và theo đúng nguyên tắc phân quyền (**), các cơ cấu này thuộc thẩm quyền toà án. Khi những giới giáo phẩm Islam hay giới chính trị Islam đòi một chính phủ dân chủ ra lệnh cấm tranh biếm hoạ hay phải ngỏ lời xin lỗi, hay khi họ cho là toàn bộ Nhà nước, thậm chí toàn bộ công dân nước ấy phải chịu trách nhiệm về hành động của một vài cá nhân, phát biểu với tư cách cá nhân trong một xã hội tự do, thì sự trái nghịch giữa giáo luật charia và nguyên lý dân chủ đã biểu lộ rõ ràng. Tệ hại hơn nữa, các cuộc biểu tình bạo động (đôi khi có sự giật dây) của tín đồ Islam lại minh chứng một cách...biếm hoạ quan niệm một thứ Islam sơ khai và bá quyền, muốn áp đặt giáo lí của mình cho cả bọn ngoại « đạo ». Và cánh cửa đã rộng mở để các phần tử quá khích của hai bên hô hào cho luận đề « đụng đầu giữa các nền văn minh ». Đây là một luận đề khả nghi : nó đi ngược lại niềm tin của chúng ta vào tính phổ quát của những giá trị, vào sự bình đẳng giữa các cá nhân. Làm sao không suy nghĩ (như nhà văn Mohamed Kacimi) về đầu óc, về cách suy nghĩ « của những đám đông khi chính quyền vi phạm cuộc sống của họ thì không phản ứng gì cả, nhưng lại bừng bừng sát khí khi có ai đụng tới thế giới bên kia ? Làm sao mà những đám đông mất hết tự do kia lại biểu tình, không phải để đòi tự do cho chính mình, mà để cấm đoán tự do của người khác ? ». Nếu ta chấp nhận rằng sự lạc hậu về chính trị đi đôi với kém phát triển về kinh tế, rằng hiện đại hoá là điều kiện cần thiết để phát triển, thì chúng ta có thể trả lời câu hỏi trên mà không cần nói tới sự xung khắc giữa hai nền văn hoá. Bởi vì thực chất dự phóng của Islam chính trị là gì ? Không phải là « hiện đại hoá Islam » mà thực ra là nhằm « Islam hoá (tính) hiện đại ». Mâu thuẫn giữa hai vế, bởi vì tính hiện đại (cho dù ta thu hẹp khái niệm này vào lãnh vực khoa học và kĩ thuật mà thôi) giả định sự tự lập của tư duy, trong đó bao gồm tinh thần phê phán, trong khi tinh thần tôn giáo vận hành trong sự tuyệt đối và những xác tín khẳng định, không chấp nhận thảo luận. Muốn giải phóng tư tưởng, phải định ra những giới hạn cho lòng tin, mà điều này chủ nghĩa toàn thống không bao giờ chấp nhận. Nó không dung thứ sự đa nguyên chính trị, triết học cũng như đa nguyên về tôn giáo. Dự phóng của Islam chính trị hoàn toàn xa lạ với tính hiện đại. Nó là sự thoái hoá, muốn đòi quá khứ chữa trị « căn bệnh » hiện tại cho nó, muốn đòi tương lai trả lại quá khứ cho nó. Muốn thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của sự lạc hậu, thế giới Arập có lẽ trước hết cần áp đặt Giáo hội phải li dị với Nhà nước, như Thế kỉ Ánh sáng đã làm được trước đây ở Âu Châu. Trong khi chờ đợi, hình như nó vẫn giam mình trong cái mà, gần 150 năm trước đây, Renan gọi là « hằng đề vĩnh cửu » (éternelle tautologie) : « Không có Thượng Đế nào khác Thượng Đế... ».

Nguyễn Quang


FATAH là thành phần chủ chốt của Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) do Yasser Arafat thành lập, và từ năm 1965 đấu tranh cho sự thành lập một quốc gia Palestin. Tại Đại hội lần thứ 5 (và cuối cùng) họp năm 1989 tại Tunis, PLO đã từ bỏ đấu tranh vũ trang và thừa nhận quyền tồn tại của nhà nước Israel, từ đó dẫn tới cuộc thương lượng kết thúc bằng hiệp ước Oslo, thành lập Chính quyền Palestin, do Fatah kiểm soát từ năm 1994. Người chính thức kế vị Arafat ở vị trí lãnh tụ Fatah là Farouk Kaddoumi, sống lưu vong ở Tunis, giữ chức « bộ trưởng ngoại giao » của PLO. Mahmoud Abbas, đồng sáng lập viên Fatah, hiện nay là chủ tịch Chính quyền Palestin.

HAMAS nghĩa là « nhiệt tín » theo nghĩa tôn giáo. Phong trào kháng chiến vũ trang này được thành lập năm 1987, bắt nguồn từ một hội tương tế và nghiên cứu giáo lí, « Tập hợp Islam » do cheik Ahmed Yacine (bị Israel giết năm 2004) thành lập trong thập kỉ 70. Lúc đầu, Hamas được chính quyền Israel nương tay vì nó làm suy yếu phong trào giải phóng « phi » tôn giáo, sau đó chuyển hưởng kháng chiến triệt để trong cuộc Intifada (chiến tranh ném đá) lần thứ nhất. Hiến chương 1988 của Hamas chủ trương không những phá bỏ Nhà nước Israel, mà còn trả lại cho tín đồ Islam tất cả những đất đai do « bọn tà đạo » chiếm đóng. Sau hiệp định Oslo (mà Hamas chống lại), Hamas trở thành kẻ thù chung của Quân đội Israel (Tsahal) và các lực lượng an ninh Palestin. Năm 1996, Hamas triển khai chiến lược khủng bố bằng những cuộc đánh bom tự sát liên tiếp tại Israel. Sau khi quá trình hoà bình bị thất bại, và cuộc Intifada thứ hai bắt đầu, Chính quyền Palestin bị lung lay, còn Hamas chiếm vị thế tiên phong trong cuộc đấu tranh chống Israel.


Vẽ sao cho ta cười nghe ! (tranh Willem, Libération)

Vụ « tranh biếm hoạ Muhammad » bắt đầu với số ra ngày 30-9-2005 của tờ báo Đan Mạch bảo thủ Jyllands-Posten, đăng 12 hình vẽ (chất lượng không đồng đều) biếm hoạ nhà tiên tri Islam. Đi kèm hình vẽ là một bài báo giải thích đây là phản ứng trước sự tự kiểm duyệt của trí thức và nghệ sĩ Đan Mạch đối với Islam. Một nhóm imam (giáo sĩ Islam) sinh sống ở Đan Mạch cho rằng các tín đồ Islam đã bị xúc phạm, đã xin gặp thủ tướng (bị ông này từ chối), rồi kiện trước toà (toà án bác đơn). Nhóm giáo sĩ thành lập một hồ sơ (một phần là hồ sơ giả vì họ cho vào đó cả những hình vẽ chưa hề được công bố) rồi cử người đi vận động ở Trung Đông. Một vài tờ báo Ai Cập và Jordanie in lại vài bức vẽ, hoặc để lên án, hoặc để thảo luận, nhưng vụ việc chỉ bùng nổ khi một vài nước Arập đang có vấn đề với cộng đồng quốc tế (Syrie và Iran) hay với dư luận quốc nội (Arabia Saudi, đảng Fatah ở Palestin) đã lợi dụng cơ hội để « tân trang » màng trinh chính trị. Các cuộc biểu tình ngoài đường phố (đôi khi tự phát, đôi khi bị giật dây) đã suy biến thành bạo động và biến « vụ Muhammad » thành một biến cố quốc tế.


(*) Về giai đoạn lịch sử này, có thể đọc E. J. Hobsbawm : L'Age des Extrêmes, chương 12, nhà xuất bản Complexe.

(**) Một thí dụ : trong những năm 90, nhiều hội đoàn Công giáo đã kiện tuần báo biếm hoạ Charlie Hebdo ít nhất 15 lần, và lần nào họ cũng thua kiện.

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss