Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 160 - 03.2006 / Thời cơ vàng hay hiểm họa đen ?

Thời cơ vàng hay hiểm họa đen ?

- Phong Quang — published 08/10/2012 20:40, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:29
Nguyễn Trung là ai ? Ông nói gì ? Dư luận phản ứng ra sao ? Trong khuôn khổ chật hẹp của bài này, chúng tôi cố gắng trả lời ngắn gọn.
 

Số 160 - tháng 03. 2006

Nhân Đại hội X của ĐCSVN

Tâm thư của ông Nguyễn Trung

THỜI CƠ VÀNG

hay

HIỂM HOẠ ĐEN ?

Phong Quang

Ngày 3.2.2006, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố bản dự thảo « báo cáo chính trị trình đại hội » lần thứ X (dự trù họp vào tháng 6 tới). Cùng ngày, tờ báo mạng Vietnamnet (VNN) công bố phần 1 bài viết của ông Nguyễn Trung « Từ trái tim đến trái tim ». Trong những ngày tiếp theo, VNN và báo Tuổi Trẻ trên mạng công bố 3 phần tiếp theo. Loạt bài này có thể coi là trả lời của tác giả sau khi nhận được mấy trăm lá thư phản hồi của độc giả xa gần sau khi VNN đăng bài « Thời cơ vàng của Đảng ta » của ông (ngày 6.1.2006). Có thể nói không ngoa : dư luận đã chú ý tới nội dung và hình thức hai bài viết của đảng viên Nguyễn Trung hơn là tới văn kiện chính thức của ĐCSVN.

Nguyễn Trung là ai ? Ông nói gì ? Dư luận phản ứng ra sao ? Trong khuôn khổ chật hẹp của bài này, chúng tôi cố gắng trả lời ngắn gọn.

Nguyễn Trung là một nhà ngoại giao về hưu. Ông từng làm đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Úc và hiện là thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Đây là một nhóm tư vấn của thủ tướng chính phủ, trong đó có khá nhiều cán bộ cấp cao được đánh giá là có bản lĩnh, độc lập suy nghĩ, dám nói thẳng ý kiến của mình, do đó ít khi được trao những trách nhiệm quan trọng, và khi được trao trách nhiệm, thì chẳng chóng thì chầy, nhận được « nhiệm vụ mới » : ông Lê Đăng Doanh (nguyên trợ lí của các tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười) là một ví dụ khá điển hình.

Mở đầu bài viết, ông Trung trình bày cái mà ông gọi là « thời cơ vàng » :

« Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam bây giờ không có kẻ thù chiến lược. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam được công nhận đầy đủ và có quan hệ chính thức với tất cả các cường quốc, với hầu hết mọi quốc gia khác còn lại trên thế giới, Việt Nam đã thực sự trở thành viên có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và trên thực tế là đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

« Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta có tất cả các cường quốc trên thế giới là đối tác kinh tế quan trọng, là thị trường quan trọng của nước mình ! Trên hết cả, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam là đối tác với tất cả các cường quốc trên thế giới, đang có khả năng ngày một mở rộng sự hợp tác của mình với tất cả các cường quốc và mọi đối tác khác trên thế giới !.. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt Nam có khả năng thực hiện được ước vọng là giương cao ngọn cờ hữu nghị và hơp tác, vì hòa bình và phát triển của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới. »

« (...) Đất nước ta giành được vị thế này vào lúc tranh chấp giữa các thế lực lớn trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á hiện nay chuyển sang hình thức tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình là chủ yếu, các thế lực lớn trên thế giới lúc này - trong một thời gian nhất định, chưa ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc cũng không phải là ngắn lắm – hoặc là đang bận bịu với chính mình, hoặc là đang bận bịu với những vấn đề của họ ở những nơi khác trên thế giới. Cơ hội và điều may mắn này hội tụ với nhau đang đem lại thuận lợi tới mức nước ta chỉ cần tạo ra điều kiện nhân hòa thật tốt bên trong, nước ta sẽ làm nên tất cả ! ».

Để thấy rõ ý nhị của phần mở đầu này, cũng nên nhắc lại là trong giới lãnh đạo ĐCSVN, còn không ít người vẫn còn hội chứng « mồ côi kẻ thù », tuy ngoài miệng tuyên bố « Việt Nam muốn làm bạn với mọi người », nhưng trong thâm tâm và trong những phát biểu « nội bộ », vẫn « nhìn đâu cũng thấy địch » và « những âm mưu diễn biến hoà bình ».

Tiếp theo, tác giả nhấn mạnh : « thời cơ vàng » này không chỉ dành riêng cho Việt Nam (ngược lại !) và « không phải là vô hạn định ». Nó lại đòi hỏi những « điều kiện khắt khe và quan trọng », như : « Việt Nam không tự chuốc lấy kẻ thù cho mình », « Đảng lãnh đạo thành công lớn trong đoàn kết và hoà hợp dân tộc »...

Nguyễn Trung nhấn mạnh tới những « yếu tố bên trong ». Nói tới « sự sụp đổ trong một đêm » của hệ thống Liên Xô – Đông Âu, ông khẳng định : « hầu như do những nguyên nhân tự thân bên trong ». Tương tự, đối với hiện tình Việt Nam, ông đặt vấn đề :

« Kẻ thù của nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai ?

« Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác.

« Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này ?

« Phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước – bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do. »

(...) « Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai ? Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước ! . »

Ứng xử thế nào đối với sự « hẫng hụt » ấy ? Tác giả nói : « trong dư luận xã hội đại thể có hai loại ý kiến về sự ứng xử này :
-
Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dân chủ cho phát triển ;
- Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo
.... »

Ý kiến thứ nhất dựa trên lập luận : « ĐCSVN không thể bước qua cái bóng của mình » vì « người đảng viên bây giờ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, đã dính chặt vào cái ghế cầm quyền của mình rồi ! Không thay đổi được !.. ».

Đảng viên Nguyễn Trung, cố nhiên, khẳng định ý kiến thứ hai, nhưng ông khuyên can trước : « Đưa hai tay bịt tai lại, hay phùng má đao to búa lớn đối với ý kiến trên – cả hai loại việc này đều vô nghĩa ».

Dư luận phản ứng ra sao sau bài « Thời cơ vàng... » ?

Một phản ứng khó đo lường là sự im lặng hoài nghi, không tin tưởng của một số người. Trong chừng mực nào đó, phản ứng này thể hiện qua bài của ông Phạm Toàn (xem bài trên talawas). Ông nói (một cách hết sức tự tin) rằng Nguyễn Trung quá... tự tin, rằng Nguyễn Trung là phù thuỷ « thổi sáo » mê hoặc dư luận... Có lẽ tác giả Nguyễn Trung đủ từng trải để biết luồng dư luận ấy, và rõ ràng bài của ông nói với những người khác. Ta hãy thử xem những người khác đã phản ứng ra sao ?

Cố nhiên, có khá nhiều ý kiến đồng tình, tán thành : chẳng mấy khi báo chí Việt Nam có một bài như vậy, nói toạc một số điều như vậy. Nhưng quan trọng hơn là những ý kiến phản bác, mà người ta không (hay ít) được đọc thẳng trên VNN hay Tuổi Trẻ), song đã được tác giả phản ánh qua bài trả lời. Nguyễn Trung sắp xếp các vấn đề thành 4 cụm :

1. Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen ?

2. Những yếu kém nằm trong hệ thống đòi hỏi phải thay đổi hệ thống ?

3. Hệ thống chính trị của ta không trọng dụng hoặc đố kỵ với người tài ?

4. Dân chủ tất yếu phải gắn với đa nguyên ?

Trong cụm đề tài thứ nhất, các ý kiến tập trung nhắc nhở « Khi nói đến thời cơ vàng của nước ta, phải nói liền theo đó đến hiểm họa đen. (...) từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay đã bao nhiêu lần thời cơ lớn bị bỏ lỡ và đã có phen đẩy đất nước lâm vào gian nguy rồi. Có thư phản hồi của bạn đọc còn viết : Bọn tham nhũng đã nắm được thời cơ vàng, đất nước thì chưa ! (Tôi - Nguyễn Trung - tự hỏi mình : Còn lời nói nào đau lòng hơn thế nữa không?) ». Đây là dịp để ông nhấn mạnh thêm : « Thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau trong cuộc sống như hình với bóng, đổi chỗ cho nhau có thể chỉ trong nháy mắt ! Ví dụ điển hình nhất ở nước ta theo suy nghĩ của tôi là từ đỉnh cao 30 Tháng Tư đất nước rơi nhanh quá vào 10 năm khủng hoảng trầm trọng sau đó về mọi mặt. Không ít những thách thức và hiểm nguy hồi ấy mầm mống ngay từ trong những thắng lợi và quán tính của chúng ta, rồi bối cảnh bên ngoài tác động vào, nhanh đến mức độ khi chúng ta “tỉnh” ra thì sự nghiệp cách mạng của đất nước đã đứng bên bờ vực thẳm. Ngày nay tôi nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hãi hùng ! ».

Trong cụm câu hỏi thứ 2, tác giả cho biết : « Trong các ý kiến phản hồi của các bạn gửi đến tôi, cũng có những ý kiến cho rằng chừng nào nước ta chưa chấp nhận thay đổi hệ thống, sẽ không có cách gì khắc phục được quốc nạn tham nhũng và những bất cập khác của hệ thống chính trị và bộ máy quản lý đất nước. Có một số câu hỏi được đặt ra khá gay gắt. »

Trả lời các ý kiến này, tác giả chọn « cải cách » thay vì « cách mạng ». Ông cho rằng những thay đổi trong hai mươi năm qua có « tính hệ thống », nhưng thừa nhận còn « dùng dằng nửa ở nửa về », và câu hỏi « Đảng cộng sản Việt Nam có tiếp tục khắc phục được những yếu kém thuộc hệ thống không ? » còn bỏ ngỏ.

Nguyễn Trung nêu ra một số ví dụ cho thấy những khó khăn của vấn đề. Thí dụ nóng hổi tính thời sự là vụ cá độ cả triệu đô la của ông Bùi Tiến Dũng :

« Khi báo chí chất vấn bộ trưởng Đào Đình Bình tại sao lại bổ nhiệm và sử dụng người như Bùi Tiến Dũng vào chức vụ phụ trách PMU 18, trả lời : đấy là công việc của cấp ủy Đảng hữu trách ! Báo chí hỏi đảng ủy tại chỗ vì sao lại để xảy ra chuyện này, trả lời : Bùi Tiến Dũng đã được nhắc nhở, nhưng không chịu nghe lời. Ông Đào Đình Bình không nói sai, đảng ủy tại chỗ không nói sai. Song cái chết nằm ngay ở chỗ không nói sai này ! Sự thực đúng 100% như vậy ! Sự thực này nói lên những bất hợp lý và mọi bệnh hoạn nằm trong tổ chức, cơ chế và sự vận hành của hệ thống. Sự thực này cắt nghĩa vì sao trước “Bùi Tiến Dũng” hiện tại, đã có không ít “Bùi Tiến Dũng” quá khứ (...) Cũng có nghĩa là nếu còn giữ nguyên hệ thống như thế này, lúc nào đó lại sẽ có những “Bùi Tiến Dũng” mới (...) Phải nói cho đến nay bàn tay của cơ chế, của tổ chức – kể cả tổ chức cơ sở đảng - và của luật pháp, hầu như không chủ động ngăn chặn được những vụ bê bối, thường thì chỉ với tới được chúng khi chúng bị lộ.., đến nỗi trên báo chí có khi người ta đã phải dùng đến cách xưng hô Thưa các đồng chí chưa bị lộ !..” »

Dễ hiểu là khi tác giả nói « nguyên nhân chính là chưa dám vượt qua cái bóng của mình », một bạn đọc đã nhận xét : « Chọn hướng đi là quay lưng lại với mặt trời thì làm sao vượt được cái bóng của mình ! » -- khiến ông phải nói : « Ôi, thà bạn ấy xát muối vào ruột tôi còn hơn ! ».

Hệ thống chính trị của ta không trọng dụng hoặc đố kỵ với người tài?

« Để có đầu có đuôi, tôi xin kể lại một chuyện cũ. Cách đây nhiều năm, khi Thủ tướng Nhật lần đầu tiên đi thăm chính thức nước ta, trong diễn văn đáp từ tại tiệc chiêu đãi, ông ta nói đại ý : Trong Quốc tử giám có bia ghi rằng người tài là nguyên khí của quốc gia, xin chúc Việt Nam giữ được nguyên khí ấy ! Lúc ấy tôi thực sự rùng mình, hỏi đồng nghiệp, hỏi cấp trên: Thủ tướng Nhật khen chúng ta, hay Thủ tướng Nhật nhắc nhở chúng ta? Tôi liên tưởng đến nhiều điều khoản trong Bộ Luật Hồng Đức quy định trừng phạt nghiêm khắc những tội như cờ bạc, đánh cờ tướng ăn tiền, làm văn bằng giả.., địa phương nào có người tài mà giấu vua thì quan phụ trách sẽ bị trị tội… » (...)

« Nhiều lúc, tôi có cảm nghĩ chúng ta, những người đảng viên, nói rộng ra nữa là Đảng ta, hình như rất quan tâm đến nắm chắc lấy con tầu, làm mọi việc để giữ lấy con tầu, nhưng lại chưa làm được như thế trong việc giữ gìn hướng đi của con tầu, lại càng chưa làm được như thế trong việc chăm lo xử lý những lỗ hà lỗ hổng bám vào con tầu! (...) Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tầu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tầu. Không biết tôi nhận xét như thế có khắt khe hay ác khẩu không? Thiết nghĩ, cho dù xử sự như thế với cái tâm trong sáng nhất đi nữa, thì vẫn chỉ là cố thủ  ».Trong cụm vấn đề chót, tác giả nói tới ý kiến bạn đọc : « Chế độ chính trị một đảng đối lập với dân chủ, muốn thực hiện dân chủ nhất thiết phải chấp nhận đa nguyên đa đảng » và thừa nhận : « Tôi nghĩ rằng đa nguyên với nghĩa đúng đắn của nó là một điều kiện không thể thiếu được của thực hiện và phát huy dân chủ. Tôi cũng thừa nhận nếu không có hệ thống đa nguyên, việc chống tha hóa trong hệ thống chính trị và trong toàn bộ đời sống của đất nước có những khó khăn hoàn toàn khác và không thuận lợi như ở các nước có chế độ chính trị đa nguyên. »

Cả vấn đề là : « Bằng cách nào ? ». Có lẽ câu hỏi ấy có sức nặng hơn là lời khẳng định « đa nguyên đa đảng để dẫn tới “da cam da quýt” với biết bao nhiêu hỗn loạn, làm đổ vỡ nền kinh tế, đẩy đất nước vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, công dân đảng viên Nguyễn Trung dứt khoát chống lại. ». Ý ông muốn nói tới các cuộc « cách mạng màu da cam » ở Đông Âu. Nhưng chắc gì « nhất nguyên độc đảng » không là con đường ngắn nhất đưa tới « cam quýt » ?

Phong Quang

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss