Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời
Số 161 - tháng 04. 2006
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua đời
Đặng Tiến
Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, tên thật là Dzư Văn Tâm, vừa qua đời lúc 11 giờ 30 ngày 22/3/2006 tại thành phố St Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, nơi ông cư ngụ, hưởng thọ 70 tuổi.
Ông sinh ngày 13/3/1936, tại Vinh, Nghệ An. Từ 16 tuổi đã đi dạy học tại Hà Đông, viết truyện đăng trên báo Thanh Niên tại Hà Nội. Từ 1954 ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh viên Hà Nội, chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam. Tại Sài Gòn, ông làm cho các báo Dân Chủ, Người Việt và tham gia ban biên tập tạp chí Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam suốt một thập niên.
Ông bị động viên, 1962, hoạt động trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, công tác huấn luyện văn hóa, cấp bực cuối cùng là đại úy. Từ 1975 bị đi học tập nhiều năm tại nhiều trại cải tạo Miền Bắc. Sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ.
Đã xuất bản khoảng mười tác phẩm. Ba tập thơ : Tôi không còn cô độc (1956), Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957) ; Khuôn Mặt (1964), Dọc đường (1967). Ba tiểu thuyết : Cát lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng động (1970). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận Tạp Ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, ví dụ như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, Sài Gòn.
*
Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975, và tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20.
Thanh Tâm Tuyền đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam.
Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa.
Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng phương tây do đó có tính cách trực tiếp tự do và sáng tạo.
Ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây.
*
Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc.
Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.
Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.
Ông là một gương mẫu của trí thức giữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn.
Đặng Tiến
Orleans, ngày 24 tháng 3/2006
Thơ mừng năm tuổi
Mừng cu Nghệ ba mươi bẩy tuổi.
Ba mươi bẩy tuổi. Một vợ, bốn con — ba trai, một gái.
Non chục quyển sách in, gần 20 năm văn nghệ (hơn kiếp đoạn trường Kiều) — Thơ, kịch, truyện ngắn, dài và tạp nhạp.
Non chục ngàn trang, đăng bừa bãi — kế độ nhật — chẳng buồn thu lượm / liệng nhét trong ngăn, hộc, tủ , kệ, thùng, rương.../ nhóm lửa lót nồi
Được chê bai, được khen ngợi,
được công kích, được tán dương,
được choàng hoa, được lăng mạ. Ồn ào.
Được gọi nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tuỳ tiện.
Tiền phong, độc lập với người này. Phản động, tay sai với kẻ nọ. múa gậy vườn hoang với đám kia (Cũng vui.)
Không thẻ hội viên văn nghệ. Không chân đoàn thể hay đảng phái. Không thế lực Nhà Thờ (La Mã hoặc Tin Lành) hay Chùa Chiền (Ấn Quang hoặc Quốc Tự).
Không thiết Tả, Hữu, Trung, Siêu. Mòng mòng. Hoan hỉ mòng mòng. Nghiêm túc mòng mòng.
Chưa một ngày rời chân khỏi nước. Mê nhớ Paris, mọi thủ phủ, mọi thành phố, chốn đám đông tụ tập chen chúc và hiu quạnh — chưa quen như đã thông tỏ.
Phiêu lưu xó nhà xó bếp, tửu quán trà đình, phường phố ngao du.
Ngớ ngẩn dăm ba mối tình còm. Tuyệt vọng.
Nợ nhà xuất bản ông Nguyễn-đình Vượng, ông Đinh Thành Tiên, ông Thanh Tuệ, tổng cộng vài trăm ngàn đồng.
Nợ bạn bè chẳng kể.
( ... )
Bước sang năm tuổi Cu Nghệ. Năm Chuột. Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc đời thứ 37 — ô. Richard Nixon — công du Bắc Kinh
hội kiến ông Mao Trạch Đông — Chủ tịch Đảng, Nhà Nước Cộng sảnTrung Hoa, đời thứ nhất — ông Chu Ân Lai, Thủ tuớng Chính phủ
họp bàn về vấn đề hai nuớc, vấn đề hoà bình thế giới, hoà bình Việt Nam
trong một tuần lễ (the week that changes the world — as Mr Nixon spoke —)
Tuần lễ LỊCH SỬ (viết hoa bắt buộc như THƯỢNG ĐẾ. Không thể khác. Nhu yếu biện chứng. Như khi gọi nhau « bọn Cộng Sản độc tài khát máu », « tên trùm đế quốc hung tàn »
Sửa sang mặt địa cầu. Nhuận sắc lời tiên tri Marx.
Bước khởi hành « Tân Vạn Lý Trường chinh ». Bắc nhịp cầu ngang Thái bình Dương
trong khi chờ lấp biển. Chờ Ngươn thanh bình cống hiến bàn dân Thiên hạ.
( ...)
Báo Văn, Sài Gòn ; số 199, tháng 4.1972
Phục sinh
Ký hoạ của Duy Thanh
tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.Trong tập thơ Tôi không còn cô độc,
1956Ngã Trên Núi Việt Hồng
Ở Yên Báy Khi Ði Vác NứaTuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu
Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào ?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sước đau
Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu ?Yên Báy, 9-1979
Trong tập Thơ ở đâu xa, nxb cơ sở Văn, 1990.
D. Đ. : năm 1979 T.T.T. đang bị tù cải tạo.
Hải đảo
Trên biển mù sóng cuộn
Ngày lộng tuôn như máu loang khô
Sóng thảng thốt dập vùi hải đảo
Cửa ngàn trùng gió mở toang
nâng niu máu rỉ cườm tay nhỏ
Thời khắc câm tiếng nỉ non
Hải đảo xa vời emTrên miền non cao rừng rú
Gió gào giận khốn tù
Trong cõi mộng hung tàn
Một mùa đông dài bão táp
Đêm qua ác điểu đậu cành khuya
Thả rớt trái tim ác độc
Trong một tiếng tang thương
Đêm qua gió cắp mộng lên non trốn chạy
Rồi gió hú van
Trong hành lang tối ám giờ lâm tửHải đảo xa vời em
Trời chuyển màu chớp xé
Cánh chim cánh chim bay
Vào mùa hư không trôi nổi
Khi bóng đảo chìmBáo Văn, Sài Gòn ; số 199, tháng 4.1972
© http://www.diendan.org
Các thao tác trên Tài liệu