Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 161 - 04.2006 / Sổ tay

Sổ tay

- Phong Quang — published 02/03/2012 01:00, cập nhật lần cuối 22/11/2012 22:51
Nói đến Dương Thu Hương ( ... ) có một cái còn chặn ngang cổ họng của nhà cầm quyền như khúc xương cá : cái huân chương " Văn Nghệ " mà ông Jacques Toubon gắn cho Dương Thu Hương năm 1995.

 

Số 161 - tháng 04. 2006

Sổ tay

PHONG QUANG

§ Có một cái gì nghịch lí trong cuộc tranh luận về lí thuyết diễn ra hai ba tháng trước Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là cuộc thảo luận về việc cho phép « đảng viên làm kinh tế », hay nói cho đúng câu chữ « đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân ».

Thật ra, gọi là tranh luận cho nó oai và sang. Năm năm trước, việc này chưa được ghi vào nghị quyết đại hội, nhưng mọi người đều biết đã có những đảng viên (cấp cao và trung-cao, tất nhiên), đã trở thành những nhà tư bản kếch xù. Chưa có tên trong danh sách 700 người giầu nhất thế giới của tạp chí Forbes, nhưng người ta có thể tự hỏi : họ chưa giàu đến mức như thế, hay tạp chí Forbes chưa biết ? Bất luận thế nào, đảng cấm làm « kinh tế tư bản tư nhân » (nghĩa là cấm bóc lột theo phương thức tư bản chủ nghĩa), nhưng « dzậy mà không phải dzậy », « đừng nghe lời đảng nói mà hãy nhìn việc đảng (viên) làm ». Nhưng đó là chuyện năm năm trước. Từ đó đến nay, đại hội của Đảng cộng sản Trung Quốc đã chính thức cho phép. Không những thế, những phần tử « tiên phong » của giai cấp tư sản Trung Quốc được coi là « thành phần tiên tiến » của « lực lượng sản xuất » Trung Quốc, và đương nhiên được kết nạp vào đảng, cũng như trước đây, « thành phần bần cố nông » đương nhiên được kết nạp vào đảng (bạn đọc nào quen với ngữ vựng mác-xít hãy tha thứ cho cách dùnh chữ của tôi : có thể trong đoạn trên, tôi dùng chữ không chính xác, nhưng chắc chắc cũng còn chính xác hơn lối dùng chữ của hai ĐCS TQ và VN).

Bây giờ thì khác rồi. Đại hội X chưa họp (hình như cuối tháng tư này mới họp), chưa biết ông Nông Đức Mạnh tiếp tục làm tổng bí thư, chuyển sang làm chủ tịch nước, hay lên Bắc Kạn nghỉ ngơi), nhưng trẻ con cũng biết rằng lần này đảng viên sẽ chính thức được phép « làm kinh tế tư bản tư nhân », nghĩa là được phép « bóc lột ».

§ Ít nhất là từ nay « lời nói đi đôi với việc làm ». Vả lại « kinh tế tư bản tư nhân » được hiến pháp thừa nhận, « tư bản nước ngoài » được mời gọi đầu tư ở Việt Nam, chẳng lẽ đảng viên, sau một đời hi sinh cho cách mạng, lại không có quyền sử dụng một quyền do hiến pháp quy định ? Lại không được tự do kinh doanh như người Mĩ, người Đài Loan trên đất nước Việt Nam hay sao ? Nói như vậy có vẻ trào phúng mỉa mai, nhưng thật sự đó là một điểm mạnh trong luận chứng của một số bài đã được báo chí Việt Nam đăng tải trong cuộc tranh luận vừa qua. Và cuộc tranh luận này « bùng ra » – có lẽ ngoài kế hoạch – vì hai đảng viên vai vế đã lên tiếng chống lại. Đó là ông Nguyễn Đức Bình, giáo sư về lí luận, nguyên uỷ viên Bộ chính trị, chuyên trị các vấn đề lí luận và tư tưởng, và ông Trần Trọng Tân, nguyên trưởng ban tư tưởng & văn hoá trung ưong.

§ Điều nghịch lí mà tôi nói ở trên chính là ở chỗ này :hai nhà bảo thủ nổi tiếng lại có vẻ « bảo vệ chủ nghĩa Marx », còn những « đổi mới » phản biện lại họ có vẻ lại coi khái niệm « bóc lột » trong học thuyết Marx là « lỗi thời », và cuối cùng thì « Đảng cộng sản » kiên trì « chủ nghĩa Mác-Lênin » lặng lẽ khép lại cuộc tranh luận, không kết luận gì cả, nhưng từ nay các nhà « tư bản đỏ » được chính thức « mần » kinh tế tư bản tư nhân.

Độc giả chịu khó đọc đến dòng này có nghĩa là bạn quen thuộc với ngôn ngữ kinh tế học mác-xít. Nhưng không phải vì vậy mà tôi sẽ bàn về khái niệm « bóc lột » và « giá trị thặng dư » trong Sổ Tay này. Bạn đọc nào quan tâm tới vấn đề, xin mời đọc bài của Trần Hải Hạc, « Học thuyết Marx, Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột », đăng trên số 8 tạp chí Thời Đại (và mọi người có thể tìm đọc toàn văn trên mạng internet : http://www.thoidai.org/TD8_THHac.pdf)

Ở đây, tôi chỉ xin nêu đôi ba điều đơn giản :

► Bất luận khái niệm « giá trị thặng dư » và « bóc lột » được hiểu như thế nào, không thể chỉ xét tới khu vực « tư bản tư nhân » mà phải xét tới các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là khu vực quốc doanh và khu vực các « trang trại » hàng chục hàng trăm hecta của các quan chức lớn nhỏ.

 Trong khu vực quốc doanh, chỉ nói riêng tới « vụ việc » thời sự nhất là vụ PMU18 của « vua cá độ » Bùi Tiến Dũng. Ông này không phải là « nhà tư bản », tiền nhiệm của ông, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, cũng thế. Họ là những đảng viên « cho đến khi khởi tố, đều là những đảng viên tốt », là viên chức cán bộ nhà nước. Hai người đã phụ trách những dự án xây dựng cầu đường trị giá 33 000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ đô la). Theo lời một thứ trưởng bộ công an (thiếu tướng Cao Ngọc Oánh), thì « công trình xây dựng không phải bị rút ruột 10-20 % tổng giá trị mà là 30 % » (Vnexpress, 27.03.2006). Như vậy, có thể ước tính rằng băng đảng của họ đã rút ruột khoảng 700 triệu đô la trong 10 năm qua. Chưa bằng thần tượng Bill Gates về tài sản, nhưng về mức độ « bóc lột », thì nếu được chọn, tôi xin chọn để Bill bóc lột.

 Thực chất vấn đề không phải ở chỗ « tư bản » có « bóc lột » hay không, càng không phải ở chỗ Marx còn « giá trị » hay không, mà ở chỗ này : tính chất Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Ông Phan Diễn, uỷ viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư, một trong hai ba ứng viên thay thế tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hoàn toàn có lí khi ông lên án lời tuyên bố của ông phó bí thư đảng uỷ Bộ giao thông vận tải trích dẫn ở trên (« Trước khi bị khởi tố, họ đều là những đảng viên tốt »). Ông Diễn cho rằng phát ngôn như vậy là « quan liêu, vô chính trị và vô trách nhiệm, có thnói là vô cảm, không thể chấp nhận được ». Câu nói của ông Diễn, có thể diễn nôm như thế này : mày nói như vậy thì... lộ tẩy hết cả. Mà như vậy quả là vô cảm và vô chính trị.

§ Nói sang chuyện khác, vui hơn. Số này, Diễn Đàn trích đăng những trang đầu nguyên bản tiểu thuyết Chốn Vắng của Dương Thu Hương, mà cho đến nay, độc giả chỉ có thể đọc qua bản dịch tiếng Anh của Nina McPherson và bản dịch tiếng Pháp của Phan Huy Đường. Bản dịch tiếng Pháp, trong vòng một tháng, đã bán hơn 20 000 cuốn (tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện cũng chỉ đạt con số này sau khi Cao được giải Nobel, trước đó La Montagne de l'Ame chỉ bán được khoảng 1 500 cuốn).

Tất nhiên, một nhân tố quyết định cho việc sách bán chạy là nó được người ta biết tới : phải nói là về mặt này, nhà xuất bản Sabine Wespieser đã thành công vượt bậc trong việc tranh thủ báo chí và đài truyền hình, truyền thanh. Không ít người cho rằng báo chí nói nhiều tới Dương Thu Hương chủ yếu vì lí do chính trị, vì chị vẫn tiếp tục bị « quản chế tại nhà » (nói như vậy không đúng hẳn : ai chẳng biết chị luôn luôn bị công an theo dõi từ 15 năm nay, nhưng « quản chế » gì mà cuối cùng, nhà cầm quyền vẫn phải cấp hộ chiếu để chị sang Ý và sang Pháp năm ngoái và năm nay ?). Chính trị ư ? cũng không hoàn toàn sai, nhưng báo chí là một chuyện, độc giả là chuyện khác : trước Chốn Vắng, Dương Thu Hương vẫn là tác giả Việt Nam có nhiều độc giả nhất ở Pháp (theo con số của nhà sách FNAC, và điều này chắc cũng đúng cho các nước Âu-Mĩ khác). Rõ ràng, bạn đọc tìm thấy ở những trang viết của Dương cả một thế giới âm thanh, màu sắc, nhục cảm, và những con người có da có thịt, có sức sống (có nhân vật nào « thật » và « sống » trong văn học Việt Nam thế kỉ 20 như Cô Tâm trong Những thiên đường mù ?)

§ Nói đến Dương Thu Hương và quan hệ của nhà văn với chính quyền Việt Nam, ngoài chuyện 7 tháng tù (và trước đó, ông Nguyễn Văn Linh gọi chị là « con ranh con », gọi anh Nguyễn Khắc Viện là « tay này bây giờ đi ca ngợi dân chủ tư sản »), có một cái còn chặn ngang cổ họng của nhà cầm quyền như khúc xương cá : cái huân chương « Văn Nghệ » mà ông Jacques Toubon gắn cho Dương Thu Hương năm 1995.

Đối với bộ máy chính quyền Việt Nam, đó là một « hành động chủ ý » của Pháp, chơi xấu với mình. Điều tức cười, là bộ ngoại giao Pháp lúc đó (do ông Alain Juppé đứng đầu) hoàn toàn bị « chưng hửng » và tìm cách ngăn chặn, sứ quán Pháp tại Hà Nội thì tất tả ngược xuôi để hàn gắn (làm ăn buôn bán mà). Khối « văn hoá tư tưởng » của « đảng ta » thì cho những ông Cù Huy Cận viết bài nhố nhăng, thậm chí còn huỷ bỏ một cuộc hội thảo nhân ngày 8-3 về... Simone de Beauvoir ! Ngày xưa, Vũ Trọng Phụng có thể tưởng tượng ra cuộc đấu ten-nít giữa Xuân Tóc Đỏ và vô địch Xiêm La. Nhưng làm sao Vũ có thể tưởng tượng ra mối liên hệ giữa Simone de Beauvoir với cái mề đai kia !!!

§ Mười năm đã trôi qua, tôi xin mạn phép kể lại nguồn gốc cái vụ huân chương này, vì tình cờ, tôi được chứng kiến từ đầu. Số là năm ấy, trong thời gian Dương Thu Hương ở Pháp, tôi có giúp phiên dịch cho chị trong một vài cuộc gặp. Trong đó có cuộc phỏng vấn của nhà báo phụ trách văn học báo Le Figaro, bà A. de G. Cuộc phỏng vấn kéo dài gần 3 giờ. Sau đó ít bữa, bà A. de G. điện thoại cho tôi, hỏi : nếu Bộ văn hoá Pháp tặng Dương Thu Hương huân chương « Văn Nghệ » thì liệu chị có nhận không ? Tôi nói : tôi sẽ chuyển câu hỏi cho đương sự, còn riêng tôi, tôi chờ đợi là chị sẽ từ chối. Và tôi hỏi thêm : tại sao bà hỏi như vậy? Phải chăng bà là « sứ giả » của Bộ văn hoá hay chính quyền Pháp ? Câu trả lời khá đơn giản : đó mới chỉ là một ý nghĩ cá nhân của bà G., vì một thiện ý duy nhất là mong rằng này điều này sẽ « bảo vệ » Dương Thu Hương, khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội cũng phải cân nhắc hơn mỗi lần họ muốn gây khó dễ với chị. Nhưng nếu chỉ là ý kiến cá nhân ? Sau vài giây lưỡng lự, bà G. nói thực : « Chồng tôi là chánh văn phòng của ông Toubon, tôi nghĩ nếu chồng tôi đề nghị thì ông bộ trưởng sẽ đồng ý thôi ». Tôi đã làm đúng nhiệm vụ của người phiên dịch là thông báo cho DTH và của một người bạn là nói ý kiến riêng : không nên nhận, vì cái « mề đai » này sẽ gây ra nhiều ngộ nhận, không riêng gì ở chính quyền mà ngay từ dư luận, vả lại, khi chị bị cầm tù, chính dư luận đã buộc nhà cầm quyền Pháp phải lên tiếng làm áp lực với Hà Nội, chứ không phải nhà cầm quyền Pháp chủ động làm việc này. Sau khi suy nghĩ, Dương Thu Hương đã quyết định nhận lời, và ít ngày sau, buổi lễ trao huy chương đã diễn ra ở Bộ văn hoá Pháp, trong căn phòng khách sang trọng, nhìn xuống vườn « thượng uyển » với những cây cột sọc đen sọc trắng nổi tiếng của Buren.

Điều tôi xin « tiết lộ » là một cú điện thoại mà tôi nhận được khoảng một tuần trước buổi lễ. Một ông cố vấn (về quan hệ quốc tế) của Bộ văn hoá gọi điện thoại cho tôi. Đây quả là một vinh dự khiến tôi đáng lẽ phải lúng túng. Nhưng hình như người lúng túng lại là ông ta. Ông ta hỏi đi hỏi lại « bà bạn của chúng ta nhận lời như thế, không biết bà đã suy nghĩ kĩ chưa ? ». Quen thói vô lễ nên tôi hỏi ngay : « Phải chăng các ông tính rút lại quyết định tặng huân chương ? ». « Ấy chết, không phải thế đâu. Tôi chỉ muốn.... », ông ta vội thanh minh thanh nga. Hiểu cái thế lúng túng của « ông bạn », tôi nói thực với ông ta : chính tôi cũng nghĩ, với những lí do khác các ông, là bà Dương Thu Hương không nên nhận lời, nhưng bà ấy đã suy nghĩ, đã nhận lời, và Bộ văn hoá Pháp đã công bố, nếu bây giờ các ông rút lại, thì không khác nào đâm dao găm vào sau lưng người bạn của chúng tôi, và nếu thế thì bạn bè của tôi và tôi buộc phải vận động báo chí tố cáo... cũng như trước đó mấy năm, chúng tôi đã ngăn chặn Bộ văn hoá các ông định xoá tên Dương Thu Hương trong danh sách 10 nhà văn được mời sang dự chương trình « Les belles étrangères » giới thiệu văn học Việt Nam, theo gợi ý của một quan chức nào đó ở Hà Nội, và sự xúi dại của một quân sư Pháp với quá khứ và tư tưởng thực dân.

Với tư cách một chứng nhân tình cờ và bất đắc dĩ, tôi xin kể lại trung thực sự việc theo tôi biết và nhớ. Hi vọng đây không phải là nhìn lịch sử qua lỗ khóa.

PHONG QUANG

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us