Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 162 - 05.2006 / Nước Pháp náo loạn CPE

Nước Pháp náo loạn CPE

- Nguyễn Quang — published 17/04/2012 18:05, cập nhật lần cuối 22/11/2012 21:09
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi : nào là nước Pháp ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa, vô phương cải cách. Chúng tôi thiết nghĩ, ngược lại, nước Pháp có lẽ đang mở đường để kháng cự lại sự độc đoán của thị trường.

Số 162 - tháng 05. 2006

NƯỚC PHÁP

NÁO LOẠN CPE

Nguyễn Quang

Dân Pháp chơi trò gì vậy ? Chín tháng sau khi bỏ phiếu chống hiến pháp châu Âu, năm tháng sau cuộc bạo động ngoại ô, bây giờ đến cuộc khủng hoảng « CPE » (hợp đồng tuyển dụng đầu tiên) : thanh niên phản đối, hàng triệu người biểu tình tuần hành, nam phụ lão ấu đầy đủ, các công đoàn đoàn kết chặt chẽ với nhau. Chỉ sau ba tuần, không những chính phủ phải « đằng sau quay » mà còn trở thành trò cười cho cả nước. Các nhà quan sát người nước ngoài – giới quan sát Anh-Mĩ thì thích chí ra mặt – đều nhất trí chẩn đoán « nước Pháp lâm bệnh », mặc dầu họ chẳng hiểu triệu chứng như vậy là thế nào.

Từ CPI đến CPE

Thoạt kì thuỷ, trong đạo luật mang cái tên rất sang là « luật về bình đẳng cơ may » mà phe đa số phái hữu ở Quốc hội đã thông qua « nhanh như cướp », có điều khoản 28 thiết lập « hợp đồng tuyển mộ lần đầu » (CPE). Theo truyền thống ở Pháp, thị trường lao động do pháp luật quy định, khác với nhiều nước theo đó hợp đồng lao động là do thoả thuận giữa giới chủ và giới công đoàn. Các hợp động lao động ở Pháp gồm hai loại : CDI, hợp đồng vô thời hạn (khoảng 80 %) và CDD, hợp đồng có thời hạn. Đạo luật mới đặt ra hợp đồng CPE yểu mệnh là một thứ CDI dành cho những người dưới 26 tuổi, với một « thời gian củng cố » 2 năm, trong thời gian đó người chủ có quyền sa thải mà không cần cho biết lí do (xem bảng so sánh dưới đây).

CDI

CDD

CPE

Đối tượng

Trên 16 tuổi

Trên 16 tuổi

Dưới 26 tuổi

Thời hạn

Vô thời hạn

Tối đa 18 tháng

Vô thời hạn

Thời gian thử

« Vừa phải »

Tối đa 1 tháng

2 năm

Báo sa thải

1-3 tháng

Không

Tuỳ thâm niên

Chấm dứt hợp đồng

Trợ  cấp thất nghiệp kể từ tháng thứ 6. Có thể có bồi thường.

Trợ cấp thất nghiệp kể từ tháng thứ 6.

Quyền được đào tạo

Bồi thường từ 6 đến 10 % tổng số lương

Bổ sung trợ cấp thất nghiệp.

Có theo dõi và giúp tìm việc mới.

Mục đích « thú nhận » của CPE là nhằm « linh động hoá » thị trường đã trở thành cứng nhắc vì Bộ luật lao động (đây là luận điểm của giới chủ nhân), để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều hơn. Cách đây 6 tháng, chính quyền đã tung ra một quả bóng thăm dò là ban hành sắc lệnh (không thông qua luật) thành lập CNE (hợp đồng tuyển dụng mới) không kể tuổi tác, dành cho những doanh nghiệp dưới 20 nhân viên. Lúc đó, các công đoàn không dấy lên được một phong trào phản đối. Đến hợp đồng CPE thì khác hẳn : sau một thời gian đầu trong đó chính phủ dường như đã thuyết phục được dư luận CPE là một lợi khí mới để giải quyết nạn thất nghiệp của tuổi trẻ, đến khi phong trào sinh viên khởi động, được sự ủng hộ của các công đoàn lao động, thì dư luận đã chuyển hướng và, theo những cuộc thăm dò dư luận mới nhất, hơn 3/4 người Pháp chống lại CPE ! Trong tình hình ấy, việc chính phủ tiếp tục duy trì CPE trở thành chỉ dấu về sự kiêu căng của thủ tướng Villepin (vốn đã nổi tiếng là thế), kèm theo ý đồ đen tối (là muốn thủ tiêu Bộ luật lao động) và những tính toán đấu đá chính trị nội bộ (giữa phe Chirac và phe Sarkozy). Những suy diễn này ít nhiều đều có cơ sở.

Trở lại CNE

CNE đã được tung ra làm quả bóng thăm dò cho CPE, vậy ta hãy xem cái này đã mang lại kết quả ra sao để xét tính khả thi về kinh tế của cái kia. Theo viện quốc gia thống kê INSEE, trong 6 tháng cuối năm 2005, số người mà các doanh nghiệp có ý định tuyển dụng với hợp đồng CNE ước tính khoảng 10 000 - 20 000 (chính phủ đưa ra con số 300 000 nhưng không cho biết lấy ở đâu ra), song cũng trong thời gian ấy, số chỗ làm mới được tạo ra là khoảng 35 000, nghĩa là không hơn gì so với trước khi có CNE. Trong khi chờ đợi những thống kê tinh tế hơn, ta có thể giả định rằng nếu CNE thực sự đã tạo ra những chỗ làm mới, thì cũng chỉ là thay thế cho những CDD hay chỗ thực tập, nghĩa là thay thế cái tạm bợ này bằng cái tạm bợ khác. Một cuộc thăm dò chớp nhoáng trong số những nhân viên đi làm tạm thời ở hai hãng PSA và Renault (gần 10 % tổng số nhân viên đi làm tạm thời trong năm 2005) cho thấy rõ, đối với họ, CPE còn tạm bợ hơn cả CDD (với hợp đồng có hạn định CDD, họ được bảo hộ ít nhất cho đến cuối hợp đồng). Về phía chủ nhân, họ bắt đầu nhận ra rằng tuy CNE cho họ tự do sa thải mà không cần đưa ra lí do, song họ vẫn có thể bị khiếu nại ở hội đồng hoà giải lao động (prudhomme) vì lạm dụng quyền sa thải. Khi thông qua đạo luật về CPE, Hội đồng bảo hiến cũng ngả theo chiều hướng này, « mọi đoạn tuyệt hợp đồng CPE trong thời gian 2 năm đầu có thể bị phản đối trước thẩm phán hợp đồng [và] trong trường hợp này, người chủ phải đưa ra lí do sa thải để thẩm phán có thể kiểm chứng tính hợp pháp và trừng phạt nếu có sự lạm quyền ». Hội đồng Nhà nước cũng phán quyết tương tự về hợp đồng CNE, tuy nhiên sau đó các công đoàn đã kháng nghị tại Toà án Âu châu vì họ cho rằng CNE vi phạm công ước 158 của Tổ chức quốc tế lao động (ILO) không chấp nhận thời gian thử thách kéo dài quá lâu. Tóm lại, nếu không bị thu hồi, thì cuối cùng CPE cũng sẽ tỏ ra khuyết tật như CNE vậy.

Đi xa hơn, chúng ta hãy xét bản chất hợp đồng lao động trả lương là gì. Trước hết, đó là việc người chủ mua một phần thời gian của người lao động. Mua như vậy, đương nhiên người chủ tìm cách sinh lợi tối đa sự đầu tư ấy. Song, cũng tự nhiên là người lao động phải có quyền từ chối, không để cho người chủ bắt mình phải kiệt lực phụng sự những mục tiêu do người khác đặt ra một cách đơn phương. Cụ thể, trong một xã hội dân chủ, đặt ra vấn đề hoà giải sự phục tùng người chủ và quyền công dân của người làm thuê. Như nhà xã hội học Philippe d'Iribarne đã nhắc lại, khi các chế độ dân chủ mới được thành lập, người làm thuê thường bị coi là đầy tớ, không

xứng đáng được hưởng đầy đủ các quyền chính trị (1).

Cuộc đấu tranh xã hội và công đoàn giành lấy các quyền ấy đã đi theo những con đường khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi nước. Tại các nước Anh-Mĩ, quan hệ này vẫn giữ tính chất khá gần với quan hệ thương mại giữa người bán hàng (người làm thuê) và khách hàng (doanh nghiệp), còn « mô hình Pháp » không ngừng lại ở quan hệ khế ước mà tìm cách tạo ra cho người làm thuê một quy chế gắn liền với một số quyền (quy định rõ về thời gian lao động, chế độ ngày nghỉ, tiền lương tối thiểu, thể thức sa thải...). Đứng ở góc độ này, CNE và CPE rõ ràng là những bước thụt lùi không thể chấp nhận.

Kháng cự

Sự lấn chân của chính quyền càng tỏ ra hung hãn vì nó kì thị cả một lứa tuổi (thanh niên dưới 26) vốn đã cảm thấy thiệt thòi. Chính quyền nói CPE là môn thuốc chữa trị nạn thất nghiệp của thanh niên, nhưng liều thuốc có hai khuyết tật (không kể khía cạnh tâm lí tiêu cực vừa kể):

* Trước hết, người ta vẫn thường nói tỉ số thất nghiệp thanh niên Pháp là 22 %, nước Pháp đội sổ ở châu Âu. Phải nói cho rõ : con số đó là tỉ lệ số thanh niên thất nghiệp đối với số thanh niên trên thị trường lao động.Trái lại, nếu so với toàn bộ lứa tuổi thanh niên – nghĩa là kể cả thanh niên còn đang đi học, và ta nên nhớ Pháp có tỉ số thanh niên học đại học cao nhất châu Âu – thì tỉ số đó tụt xuống còn 8 %, nghĩa là thấp hơn tỉ số thất nghiệp toàn quốc. Và nếu theo dõi những thanh niên rời ghế nhà trường (trung học & đại học) bước vào thị trường lao động, thì ta thấy +2 năm, tỉ số thất nghiệp là 9 % (như tỉ số chung của cả nước), còn +3 năm, thì 70 % tìm được hợp đồng CDI. Nhưng cũng phải nói là người không có bằng cấp thì càng khó tìm ra việc làm. Do đó, muốn giải quyết nạn thất nghiệp của thanh niên, phải đưa ra những lộ trình đa dạng, chứ không thể dựa vào một giải pháp duy nhất như CPE được.

* Và giải pháp duy nhất ấy là như thế nào ? Dù muốn hay không, hai biện pháp nổi cộm của hợp đồng CPE (thời gian làm thử 2 năm + sa thải không cần lí do) có nghĩa là, nhân danh sự « linh động », người ta đã ném cả một thế hệ (được đào tạo hay không, bất kể) vào một thị trường lao động hạng nhì. « Linh động » không phải là bí quyết đẩy lùi nạn thất nghiệp như người ta rêu rao : giữa « linh động » và tạo công ăn việc làm không có mối liên hệ cơ học. Chỉ cần nêu ra những thí dụ đa dạng ở châu Âu để thấy rõ điều đó : tại Pháp, luật lao động « cứng nhắc », tỉ số thất nghiệp cao; tại Anh, luật lao động « mềm dẻo » và tỉ số thất nghiệp thấp ; nhưng ở Tây Ban Nha, chế độ lao động hết sức bấp bênh mà tỉ số thất nghiệp vẫn cao, còn ở Thuỵ Điển, chế độ bảo hộ xã hội rất mạnh, tỉ số thất nghiệp lại thấp... Mà cho dù một thị trường lao động « mềm dẻo » hơn đòi hỏi phải hi sinh một số quyền lợi xã hội đi chăng nữa, thì không thể tiến hành một cuộc cải tổ « đau đớn » bằng cách bất chấp nguyên tắc công bằng cơ bản. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi : nào là nước Pháp ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa, vô phương cải cách. Chúng tôi thiết nghĩ, ngược lại, nước Pháp có lẽ đang mở đường để kháng cự lại sự độc đoán của thị trường (2).

Nguyễn Quang

(1) Philippe d'Iribarne : L'Étrangeté française, Seuil, 2005.

(2) Phong trào chống CPE đã được sự ủng hộ của các công đoàn Âu châu, của sinh viên học sinh Thuỵ Điển và Đan Mạch (một số đã biểu tình trước sư quán Pháp ở Stockholm và Copenhagen).

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss