Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 162 - 05.2006 / Sổ tay

Sổ tay

- Phong Quang — published 16/02/2012 11:40, cập nhật lần cuối 22/11/2012 21:10
Lần này, vẫn theo bản tin của DPA, Reuters và AFP, dư luận (kể cả đông đảo đảng viên) càng không để ý gì tới đại hội mà chỉ chú mục tới một trận U23 gì gì đó. Xuống cấp trông thấy.
 

Số 162 - tháng 05. 2006

Sổ tay

PHONG QUANG

Thế là đại hội lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam đã khai mạc đúng ngày đúng tháng, 18 tháng 4-2006. Theo tin chính thức, cũng có nhiều cái mới. Chẳng hạn như lần này (từ nay ?) « không họp trù bị » và « không mời đoàn đại biểu nước ngoài ». Người « ngoại đạo » khó đoán ra mối liên hệ giữa hai cái « không » ấy. Trong 30 năm qua (sáu lần đại hội), đại diện các đảng cộng sản được mời và ống kính camera truyền hình thế giới đã chứng kiến những đại hội « như thật », những cuộc bỏ phiếu « như thật », nhưng khi các đại biểu bỏ phiếu cho TV quay phim, hay đúng hơn, ngay khi « khai mạc » đại hội « như thật », người ta đã bầu xong ban lãnh đạo mới và (gần xong) Bộ chính trị cũng như ông Tổng bí thư rồi. Bởi vì trước khi kéo màn khai mạc « đại hội chính thức », thì « đại hội trù bị » đã họp xong, mọi sự đã an bài rồi. An bài mà không yên. Bằng chứng là cách đây 10 năm, tại Đại hội VIII, khi người ta công bố danh sách Bộ chính trị vừa được « bầu » hôm trước, trong đó có Nguyễn Đình Tứ (một thời đã làm vật lí học), thì thật ra ông Tứ đã đột tử từ hai ba ngày trước đó, sau một cơn đau tim. Đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử hiện đại : đại hội của một đảng cầm quyền « bầu ra » một người đã chết rồi. Ấy vậy mà phải 10 năm sau, người ta mới chấm dứt được sự dàn cảnh quay phim phương tuồng ấy. Lần này, không « trù bị » nữa, mà họp « thật », bỏ phiếu « thật ».

Cũng cách đây 10 năm, tôi đã nhận xét là dư luận Việt Nam ít chú ý tới « sự kiện lịch sử » là đại hội đảng bằng các trận đấu bóng Mundial. Trận đấu ĐCS-Mundial kết thúc bàng tỉ số 0-1, thì nhân dân còn khổ. Lần này, vẫn theo bản tin của DPA, Reuters và AFP, dư luận (kể cả đông đảo đảng viên) càng không để ý gì tới đại hội mà chỉ chú mục tới một trận U23 gì gì đó. Xuống cấp trông thấy.

Một bằng chứng nữa, là khi xảy ra « vụ Nguyễn Ngọc Tư » (xem bài bên), chỉ trong vòng 5 ngày báo Tuổi Trẻ đã nhận được gần 900 ý kiến gửi về, áp đảo hẳn số thư « góp ý » lai ra với đại hội. Đến mức nghe đâu Ban tư tưởng văn hoá (mà người ta quen gọi một cách xách mé là Ban cứ tưởng văn hoá) đã ra lệnh cho Tuổi Trẻ « khép » lại cuộc tranh luận về vụ Ban tuyên giáo Cà Mau « kiểm điểm » cô Tư, để cho « bớt loãng » không khí đại hội.

Ngoài các « đại diện đảng bạn », Đại hội X khai mạc với đầy đủ hơn một ngàn đại biểu. Gần như thế, có một uỷ viên trung ương (chẳng mấy ai nhớ tên) vắng mặt vì lí do sức khoẻ. Hai ông bộ trưởng (Đào Đình Bình) và thứ trưởng thường trực (Nguyễn Việt Tiến) Bộ giao thông vận tải giờ chót cũng vắng mặt, người thứ nhất bận từ chức, kiểm điểm, người thứ nhì trong tù, cả hai dính tới vụ PMU18. Thêm ông thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh, phụ trách cơ quan hình sự điều tra vụ PMU18, nhưng hình như lại dính khá sâu vào đó. Thế là tiền đồ uỷ viên trung ương và thứ trưởng công an của ông bỗng chốc rời xa. Tất nhiên ông có thể an ủi : thế lực của bộ máy công an không hề suy giảm ở Đại hội X, ngược lại. Bộ trưởng đại tướng công an Lê Hồng Anh trở thành nhân vật số 2, ngoài ông Anh ra, 6 thứ trưởng được bầu làm uỷ viên trung ương. Quân đội cũng không thua. Thua đậm là khối ngoại giao, không ai được bầu (trừ một vụ trưởng trúng uỷ viên dự khuyết) – Việt Nam muốn làm bạn với mọi người.

Tình cờ hay cố ý, vụ PMU18 cho thấy tham nhũng và thối nát đã lên đến cấp cao (hay từ cấp cao mà xuống). Và như ông phó bí thư đảng uỷ Bộ giao thông vận tải đã nói, những ông Tiến, ông Dũng « cho đến ngày khởi tố, đều là những đảng viên tốt ». Khi ống kính TV lia khuôn mặt hơn một ngàn đại biểu, người ta không thể không đặt câu hỏi : có được vài ba người « không tốt » trong đó chăng, hay đã bị loại ra hết rồi ? Ở Hà Nội, người ta kể – không biết có thật không – rằng trong một cuộc họp, có một tay dám mở đầu bài phát biểu như sau : « Thưa các đồng chí chưa bị lộ ». Đại hội X nghe nói có những người đã phát biểu « ngoài văn bản », nghĩa là có phát biểu, chứ không chỉ đọc nguyên xi những « bài phát biểu » đã nộp trước và đã được « duyệt ». Nhưng hình như chưa có câu « Thưa các đại biểu chưa bị lộ ». Hi vọng còn có người nghĩ trong bụng mà chưa tiện nói ra.

Trở lại chuyện cô Tư bị « kiểm điểm » : với tư cách nhà văn, tác giả truyện (vừa) Cánh đồng bất tận và với tư cách uỷ viên hội đồng nhân dân Cà Mau. Truyện ngắn của cô quá « đen tối », xúc phạm đến nông dân, làm mang tiếng « tỉnh nhà », mang tiếng cả « đồng bằng Sông Cửu Long ». Ban Tuyên giáo Cà Mau khá rộng lượng nên không vội vã căn cứ vào « một truyện » mà kết luận là « phản động ». Cũng không mạnh tay như một số người đề nghị (hình như có cả một ông bà « Việt kiều » nào nữa) là trục xuất cô Tư, mà chỉ xét rằng cô mới học đến lớp 11, nên phải giúp đỡ cô học thêm, viết lách thì phải có liều lượng tích cực nhiều hơn tiêu cực để văn học giữ đúng chức năng định hướng, giáo dục. Với tư cách đại biểu hội đồng nhân dân, cô Tư bị phê bình là đã phát biểu vô trách nhiệm (cô tự nhận là « nghị gật », « hội đồng ừ »). Nhưng Ban tuyên giáo Cà Mau cũng chỉ yêu cầu cô phải tự kiểm điểm, chưa tính đến chuyện cách chức. Cách đây mấy năm, khi Nguyễn Khải kể lại chuyện mình làm nghị gật ở quốc hội trong hồi kí « Thượng đế thì cười... », thì lập tức hồi kí không được in thành sách. Cô Tư không bị cấm. Của đáng tội, sách của cô in trên Sè Goòng, chứ ở Cà Mau, với ông « thạc sĩ » họ Vưu nào đó, chắc cũng chẳng có sách, và cũng chẳng có chuyện.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết bài « cảm ơn » các « đồng chí tuyên giáo Cà Mau » đã viết trên giấy trắng mực đen những ý kiến của họ, chứ không như quan chức ở các nơi khác, toàn « chỉ thị miệng ». Điều mà nhà văn không ngờ nổi là các « đồng chí Cà Mau » của ông lại coi bài viết ấy là một lời ủng hộ (nặng kí, Nguyên Ngọc cơ mà), và thừa thắng xông lên, họ đã ra tiếp « văn kiện số 41 », tiếp tục hành hạ « con nhỏ » mới học đến lớp 11 kia. Anh bạn tôi ở Đại học quốc gia Hà Nội, được một đồng nghiệp ở Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chuyện này, đã chép miệng : « Đất nước ta đến Cà Mau là hết ». Nghe như bài học địa lí thủa nào.

Kể ra cũng tội cho mấy ông tuyên giáo Đất Mũi. Nếu ta so sánh văn bản mà các ông vừa sản xuất với văn bản cách đây một phần tư thế kỉ của Ban bí thư Trung ương, do ông Lê Đức Thọ kí, phê phán và cấm diễn vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi, thì phải nói : câu chữ có kém chút ít, ngữ pháp không được chỉnh bằng văn kiện của Trung ương, nhưng nội dung « tư tưởng » và quan điểm lập trường vững vàng không kém, thậm chí còn kiên định hơn (bây giờ còn sống, chưa chắc ông Sáu Thọ còn kiên định như vậy). Chắc chắn các ông tuyên giáo đã được học như vậy. Và những quan điểm lệch lạc của những năm Nguyên Ngọc làm tổng biên tập báo Văn Nghệ, Trần Độ làm trưởng ban văn nghệ, đã được uốn nắn kịp thời. Rõ ràng tuyên giáo Cà Mau đã theo đúng đường lối văn nghệ của đảng. Vấn đề duy nhất là : đường lối ấy, lẽ ra, nên để nó mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang Mai Dịch.

Mong sao tác giả Cánh đồng bất tận chân cứng đá mềm.

Nhiều bạn đọc viết thư hỏi tôi làm sao mua sách này. Xin trả lời chung : ở vùng Paris, các bạn có thể đến Chợ Thanh Bình, 20 Ave Verdun, 94200 IVRY. Ở xa, có thể gửi email để đặt mua : binh1info@thanh-binh.com hoặc điện thoại về số 01 46 70 89 99.

Vẫn chuyện sách, nhưng chuyện này vui hơn. Bạn đọc tiếng Pháp nên tìm đọc cuốn sách mới ra của nhà báo Jean-Claude Pomonti : Un Vietnamien bien tranquille (Người Việt trầm lặng), Ed. Des Equateurs. Tựa đề cuốn sách nhái tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Graham Greene. Người Mĩ « trầm lặng » nguyên mẫu của GG là đại tá Edward Lansdale, con người không mấy « trầm lặng », cha đẻ của chế độ Việt Nam cộng hoà. Người Việt trầm lặng đây cũng đã gặp và kết thân với Lansdale từ khi tay này đặt chân tới Sài Gòn : ông Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1950, sau cuộc biểu tình « trò Ơn », chàng thanh niên P.X.Ẩn được gọi vào khu gặp ông Phạm Ngọc Thạch và nhận nhiệm vụ mới : tình báo chiến lược, theo dõi chính sách của Mĩ. Trong suốt một phần tư thế kỉ, PXÂ là điệp viên chiến lược kiệt xuất của Việt Nam, đã cung cấp kịp thời và chính xác cho Bộ chỉ huy QĐND tất cả các chủ trương chiến lược và chiến thuật của Mĩ và VNCH. Hơn thế nữa, ông là nhà phân tích chiến lược sâu sắc và nhạy bén, thấu hiểu các chủ trương của Mĩ, từ chiến tranh đặc biệt (trận Ấp Bắc) đến chiến tranh cục bộ, chủ trương « Việt Nam hoá » chiến tranh, cho đến chính sách sau Hiệp định của Nhà trắng. Sau khi được đào tạo về báo chí tại Mĩ (PXÂ tự hào là người Việt Nam đầu tiên sống ở Quận Cam cuối thập niên 50), PXẨn làm báo cho Việt Tấn Xã, rồi Reuters và tạp chí Time (ông là người Việt Nam duy nhất được ở biên chế phóng viên Mĩ của tạp chí này), được các nhà báo Âu Mĩ ở Sài Gòn coi là « chuyên gia số 1 » và khâm phục tư cách. Điều họ khâm phục nhất là đạo đức làm người của ông (ngày 29-4-75, nhờ ông mà bác sĩ Trần Kim Tuyến leo lên được chiếc máy bay trực thăng Mĩ cuối cùng).

Vì đạo lí làm người và đạo lí nghề nghiệp, ông nói với tôi, PXÂ sẽ không bao giờ viết hồi kí. Chúng ta đành tạm đọc cuốn sách này của Pomonti hay cuốn của Nguyễn Thị Ngọc Hải (Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời) mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu. Bạn đọc ở Mĩ và Úc có thể tìm đọc bài và sách của Morley Safer, R.D. McFadden, D. Usborne và Thomas A. Bass (The New Yorker, 23.5.2005 : The Spy who loved us).

PHONG QUANG

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss