Điện ảnh Việt Nam
Hai
Cánh diều vàng 2005
và bước ngoặc của
điện ảnh việt nam
Phạm Hoàng Hải
Trong bức tranh văn hoá Việt Nam vào các thập kỷ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, người ta đang chứng kiến rất nhiều sự đổi thay nhanh đến “ chóng mặt ” mà khởi đầu là hội hoạ, rồi đến ca nhạc, theo sau là kiến trúc, báo chí và cả văn học cũng đã rời ra rất xa cái hình hài mấy chục năm xưa cũ của mình. Thế nhưng trong cái xu thế vận động tất yếu ấy, tiếc thay điện ảnh lại là một lĩnh vực trì trệ nhất, chậm đổi mới nhất và thậm chí còn thụt lùi một cách đầy thách thức, bất chấp dư luận, bất chấp đòi hỏi của công chúng.
Đã mấy chục năm trời, hầu hết các rạp chiếu bóng đã đóng cửa, bị phá dỡ, trở thành quán bia, sàn nhảy hoặc bãi đỗ xe. Hai xưởng phim lớn nhất đất nước là Xưởng phim truyện Việt Nam ở Hà Nội và Xưởng phim Giải phóng ở Tp.HCM đều rệu rã đến mức không còn một công sở nào ở hai thành phố này có thể xơ xác cũ kỹ hơn được. Hàng năm nhà nước bỏ ra mấy chục tỷ đồng cho các xưởng làm phim bao cấp, nhưng để mà tất cả các phim làm ra đều không có người xem vì không thể nào xem nổi mặc dù người xem vẫn luôn khao khát được xem phim Việt, không muốn thấy phim Hàn phim Mỹ chiếm hết các suất chiếu của một số ít ỏi các rạp chiếu còn lại.
Thế nhưng dù có gắng gượng cố thủ đến mấy thì cuối cùng, cái cơ cấu bao cấp độc quyền của điện ảnh Việt Nam đã buộc phải lỏng tay để chia sẻ sân bãi cho những người muốn được tự chủ làm điện ảnh. Cú đột phá đầu tiên và thắng lợi vang dội là sự ra đời của Gái Nhảy chính là cú huých từ ngay trong lòng điện ảnh bao cấp đã kích thích nhiệt huyết và lòng cam đảm của những người muốn sống chết với sự đổi mới điện ảnh. Cuối cùng thì cái gì đến tất sẽ phải đến, đó là sự ra đời hàng loạt của các hãng phim tư nhân, sự nhập cuộc của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, rồi quyền tự khai thác kinh doanh của các chủ rạp đã làm cho cái luật xin-cho của bao cấp bị thu hẹp một cách khó chịu.
Biết rõ hơn ai hết cái tương lai không còn dài lâu của điện ảnh bao cấp chính là những người đã lăn lộn cả đời trong mê hồn trận bao cấp, những người đã rất tài giỏi để vừa nhào nặn ra các bộ phim bao cấp không có người xem, vừa bỏ được kha khá tiền vào túi riêng, vừa chiếm cứ được các chiếc ghế địa vị, vừa giành giật được các danh hiệu và giải thưởng điện ảnh danh giá. Vì thế người ta đã tìm mọi cách để ngăn cản quá trình « mở cửa » lúc này đã là một xu thế tất yếu không tránh khỏi. Bằng cách duyệt phim, bằng báo chí, bằng các giải thưởng vân vân, và bằng cả các trò nguỵ trá không thể nào hiểu nổi. Trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2003, một đạo diễn làm ra một bộ phim bao cấp không có khán giả đã chỉ mặt đạo diễn Lê Hoàng mà lớn tiếng rằng, là một nghệ sĩ chân chính anh ta không thèm đứng cạnh kẻ làm ra một sản phẩm sặc mùi thương mại là bộ phim Gái Nhảy (vừa mới được báo chí công nhận là bộ phim ăn khách nhất và thu lãi cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam).
Mặc cho ai ai cứ kêu la để hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp níu giữ các độc quyền đang bị yếu dần của điện ảnh bao cấp, các nhà đầu tư tư nhân và các đạo diễn năng động vẫn cứ lao mình vào cái không gian đang mở dần ra cho điện ảnh ngoài bao cấp để liên tiếp đưa ra các bộ phim mới, đủ kiểu, đủ loại. Để rồi cuối cùng thì cái xu thế chia tay với bao cấp của điện ảnh đã chiếm được thế thượng phong. Một trong các điểm mốc chỉ ra khá rõ cái tình thế mới mẻ này chính là các giải Cánh diều vàng 2005 cho các phim truyện nhựa được trao cho hai phim Chuyện của Pao và Sống trong sợ hãi. Dù về danh nghĩa thì hai phim này vẫn núp bóng các xưởng phim nhà nước nhưng đều là tác phẩm đầu tay của các đạo diễn trẻ Đỗ Quang Hải và Bùi Thạc Chuyên. Cũng trong thời gian này, một loạt các phim được trình làng và có chút ít tiếng vang cũng đều do các đạo diễn trẻ đảm nhiệm. Trong khi đó các phim của các đạo diễn cao tuổi đều hoặc không thể phát hành hoặc không có người xem.
Vào mùa làm phim 2005-2006, tất cả các nhà đầu tư tư nhân cũng như các xưởng phim nhà nước đều đã đổ xô đi tìm các đạo diễn trẻ để trao tiền vào tay họ, mặc cho các đạo diễn đã một thời làm mưa làm gió đành phải hậm hực ngồi chơi xơi nước. Các miếng võ về quan hệ ngầm, về tung tin thất thiệt cho đối thủ, về các dự án làm phim « cúng cụ » vốn xưa nay cực kỳ hiệu quả trong việc giành phim về tay các đạo diễn nhiều xảo thuật thì nay đã thấy mất hiệu lực rõ ràng.
Vậy thì phải chăng đã có một thế hệ đạo diễn trẻ tài năng đã và đang nhanh chóng tạo nên các luồng gió mới để nâng điện ảnh Việt Nam lên ngang tầm khu vực và đáp ứng được lòng mong mỏi của người xem ? Đây chính là nỗi ước mong của tất cả những người yêu điện ảnh trong và ngoài nước. Thế nhưng tiếc thay, câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên vẫn còn đang để ngỏ.
Sự phân vân này rất dễ nhận ra nếu như các bạn đã một lần được xem hai bộ phim hay nhất của năm 2005 là Chuyện của Pao và Sống trong sợ hãi, mà ở đó ta có thể đọc được nhiều thông tin tiềm tàng về thái độ nghệ thuật, về năng lực nghề nghiệp cũng như về nội lực thực sự của một thế hệ đạo diễn được coi là trẻ và đang đứng ở thời điểm bản lề của điện ảnh nước nhà.
Trước hết đó là thái độ dứt khoát đoạn tuyệt với cách làm phim của các đạo diễn lớp trước mà chưa bao giờ họ coi là « sư phụ » hoặc « cao nhân ». Người thông minh sẽ đọc được rằng trong mắt các đạo diễn trẻ ấy, những người mà họ muốn nghe đánh giá chỉ là các đạo diễn nước ngoài mà họ đã biết, đã ngưỡng mộ, chỉ là các ban giám khảo liên hoan phim quốc tế và dĩ nhiên là còn cả các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra cho họ làm phim. Cũng rõ ràng như thế là thái độ không còn coi cái « hiện thực » là mục đích mà chỉ dùng hiện thực làm công cụ chuyển tải những vấn đề về thân phận, về nhân tình thế thái có tính phổ quát. Vì thế phim của họ dễ hiểu và dễ chia sẻ với khán giả nước ngoài hơn các kiểu phim cũ rất nhiều. Họ đã bắt đầu tập để nói bằng một thứ « ngôn ngữ điện ảnh » mang tính quốc tế hơn. Trong khi đó lớp đạo diễn cũ dù có muốn cũng không thể làm được vì đa số họ đều không biết một ngoại ngữ nào, đa số không biết sử dụng máy vi tính và cũng chẳng chịu tự học hành tự đào tạo để chí ít thì cũng phải hiểu được các kỹ năng công nghệ điện ảnh đang phát triển nhanh như vũ bão.
Với Chuyện của Pao, Quang Hải đã tỏ ra biết trân trọng nhu cầu hưởng thụ của người xem bằng cách đưa ra các bối cảnh quá đẹp, các khuôn hình và ánh sáng bắt mắt như ảnh nghệ thuật. Ngay cả các cảnh khó khăn đói nghèo trông cũng sạch sẽ chứ không lầm than nhọ nhem. Rất nhiều tiểu đoạn mà âm nhạc đã chiếm phần quan trọng hơn cả hình ảnh và diễn xuất, đến mức mà nếu bỏ âm nhạc đi thì khúc phim ấy sẽ đổ. Đấy là điều chưa bao giờ có trong các phim trước đó. Trong Sống trong sợ hãi, đạo diễn đã hạn chế tối đa các cảnh khói đạn, máu me, què cụt kinh hãi mặc dù phim chỉ nói về bom mìn hậu chiến. Các nhân vật là các mẫu người của đời thật, luôn mang các mâu thuẫn trong mình, không có ranh giới rạch ròi giữa kẻ tốt và người xấu. Ở phim này còn có các cảnh làm tình cấp tập để giải toả nỗi sợ bom mìn của các con người nghèo đói phải lấy việc đào mìn làm nguồn sống hàng ngày. Đó là những cái mà lớp đạo diễn cũ chưa bao giờ nghĩ đến.
Thế
nhưng người xem cũng chưa thể nhận ra một
« làn
sóng mới » hay một
« ánh lửa
tài năng » chứa đựng trong các
phim
đầu tay này. Theo những người lạc
quan thì ta cần chờ đợi
các phim tiếp sau của họ và trong mấy chục
đạo diễn trẻ, biết đâu sẽ có một ai đó
bứt lên như một kiểu « Trương Nghệ Mưu
Việt Nam » và kéo theo một
làn
sóng tài năng mới xuất hiện. Còn theo
những người bi quan thì chỉ cần nhìn
vào
sự suy sụt nhanh chóng của hội hoạ trẻ, sự ngây
ngô của ca khúc trẻ, sự lộn xộn của kiến
trúc mới và sự mất phương hướng của văn
học trẻ hiện nay thì có thể tiên
đoán
được hình hài của điện ảnh trẻ Việt Nam
trong những năm không xa, sau một thời gian khởi sắc
nào đó. Còn với những người
yêu
điện ảnh khách quan, thì chúng ta
đành
phải bình tĩnh chờ đợi, quan sát và
thầm
cầu mong có một phép mầu tiềm ẩn có
thể tạo nên những cú huých may mắn cho
điện ảnh Việt Nam vào đúng cái thời
điểm nhạy cảm hiện nay./.
Phạm Hoàng Hải
Các thao tác trên Tài liệu