Bàn thêm về chữ huý trong các bản Kiều Nôm cổ
BÀN THÊM VỀ CHỮ HUÝ TRONG CÁC
BẢN
KIỀU NÔM CỔ
Nguyễn Tài
Cẩn
1/ Chúng tôi hiện có 7 bản Kiều Nôm cổ : bản Duy Minh Thị (1872,1879,1891), bản Liễu Văn Đường (LVĐ :1866, 1871), bản Quan Văn Đường (QVĐ : 1879), bản Thịnh Mĩ Đường (TMĐ : 1879), bản VNB—60 (?), bản Lâm Noạ Phu (LNP : 1870) và bản Kiều Oánh Mậu (KOM :1902). Trước đây, trong mấy bài đăng ở Diễn Đàn, và trong 2 cuốn sách xuất bản năm 2002, năm 2004 (1) chúng tôi đã sơ bộ đề cập đến các trường hợp kị huý hiện thấy trong các bản Kiều Nôm cổ đó. Nhưng gần đây xem kĩ lại chúng tôi đã phát hiện ra được một số chỗ sai sót :
− Về chữ cần kị huý, chúng tôi còn bỏ quên vài nhân danh như ĐANG (tên mẹ Minh Mệnh), (tên huý đời Thành Thái).
− Về các định lệ kiêng huý, trước đây chúng tôi đọc chưa được thật kĩ lệnh năm 1825 và hầu như bỏ quên các cứ liệu về các lệnh sau đời Đồng Khánh.
Vì những lý do trên, xin viết tiếp bài này để đính chính những chỗ sai sót và bổ sung thêm một số điểm cần thiết.
2/ Về bản Kiều Oánh Mậu (KOM) trước đây chúng tôi có 2 nhận xét :
− Bản này kị huý thường không nhất quán, khi thì nhớ khi thì quên. Ví dụ : trong 2 chữ HỒNG NHẬM, chữ NHẬM ở câu 2873 thì nhớ bỏ bớt nét, nhưng chữ HỒNG ở câu 2157 thì quên, vẫn viết bình thường. Ngay đối với cùng một chữ cũng vậy : trong 4 câu 243, 258, 853, 1194 chữ GIỐNG /CHỦNG nhớ đảo bộ HOÀ sang bên phải, kị huý rõ ràng, nhưng trong 3 câu 1728, 2066, 2097 thì việc đảo bộ HOÀ đó lại không được thực hiện nữa… Dầu sao cũng có một điều chắc chắn : bản này đã kị huý Thiệu Trị và Tự Đức ! Chứng cớ : như viết bớt nét chữ TÔNG ở 2 câu 1953, 2452,viết bớt nét chữ NHẬM ở câu 2873 và viết bớt nét chữ THÌ ở rất nhiều câu.
− Do đó chúng tôi coi đây là một bản Kiều được biên tập trong giai đoạn 1847-1902 : 1847 là năm Tự Đức lên ngôi, 1902 là năm in.
3/ Thấy đặt văn bản trong một khoảng thời gian quá mơ hồ vì quá kéo dài (hơn 50 năm) như vậy, gần đây chúng tôi đã cố gắng tìm tòi thêm về chuyện kị huý sau đời Tự Đức. Chúng tôi thấy có lệnh năm 1883, năm 1884 đời Kiến Phúc và lệnh năm 1885 đời Đồng Khánh, nhưng không tìm ra các định lệ đời Thành Thái. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tư liệu gián tiếp, như căn cứ vào cách kị huý nhân danh, địa danh được thực hiện trong các sách vở, bi kí thời đó, có thể thấy rằng vào khoảng 1889–1993 chữ CHIÊU (tên của Nguyễn Phúc Chiêu) cũng là một chữ có lệnh bắt phải kị huý : trong sách Quốc triều hương khoa lục (in khoảng 1892-93), và trong bia Văn miếu Bắc Ninh (dựng năm 1893), bộ NHẬT trong nhân danh CHIÊU đã bị bỏ bớt một nét ; năm 1889 địa danh CHIÊU LINH ở Quảng Trị cũng bắt buộc phải đổi thành VĨNH LINH để tránh chữ CHIÊU (2). Trong bản Kiều Oánh Mậu, chữ CHIÊU trong CHIÊU QUÂN (ở câu 479) cũng được kị huý. Hơn nữa, vì có tự dạng gần gũi, trong CHIẾU ÁN (ở câu 1417),>CHIẾU HOÀN (câu 2208), CHIẾU DANH (câu 2302), chữ CHIẾU cũng được kị huý. Vậy có thể đưa ra 2 gợi ý mới sau đây :
− Ngoài 2 cái mốc thời gian đã biết, là năm 1847 và năm 1902, còn có thể bổ sung thêm một cái mốc trung gian nữa : lấy năm có lệnh bắt kị huý chữ CHIÊU làm cái mốc đó. Cứ liệu sớm nhất cho biết có lệnh kị huý này là cái tên VĨNH LINH đặt năm 1889.
− Vậy khoảng thời gian biên tập văn bản KOM không còn phải nói mù mờ là khoảng thời gian 55 năm giữa 2 cái mốc 1847 và 1902 nữa. Có thể nói chính xác hơn trước : bản KOM là một bản Kìều của giai đoạn từ 1889 đến 1902.
4/ Một trường hợp nữa,trước đây chúng tôi cũng bỏ sót, là chữ ĐANG (bộ NGỌC+ĐANG), tên mẹ Minh Mệnh. Đối với chữ này, lệnh năm 1825 bắt kị huý như sau : “ kiêng âm, cấm dùng đặt tên người, tên đất, làm văn vẫn được dùng, nhưng khi viết phải gia dạng ”. Thường thường đã kiêng âm thì phải kị huý cả những chữ đồng âm : chữ đứng bên cạnh bộ NGỌC, trước nay ta quen đọc ĐANG hay đọc ĐƯƠNG rõ ràng cũng phải được né tránh. Trong bản Duy Minh Thị (DMT) chữ đó được né tránh như thế nào ?
− Trong 11 câu nó được thay bằng chữ ĐĂNG với nghĩa là “ lên ”, viết đầy đủ nét hay viết tắt : đó là ở các câu 350, 719, 1006, 1136, 1169, 1695, 2213, 2257, 2515, 2816 và 2842 ;
− Trong 1 câu nó được thay bằng chữ KHI, với nghĩa là “ lúc ” : ở câu 3075
− Và trong 1 câu (câu 1892) nó được thay bằng một chữ có tự dạng rất lạ, có thể tạm đoán là chữ đọc thành XUNG/ XOANG, với nghĩa “ mặt đối mặt ” (theo F.S.Couvreur S.J.)
Rõ ràng, với phát hiện này, chúng ta phải có sự điều chỉnh. Trước kia chúng ta tưởng rằng 2 chữ LAN (Nôm đọc LÀN) và NGUYÊN là 2 chữ cuối cùng, chậm nhất có trong danh sách các chữ bản DMT phải kiêng huý. Hai chữ này được nêu ra trong lệnh năm 1820, sau 1820 bản DMT không phải kiêng huý thêm chữ nào nữa. Nay thì chúng ta thấy khác : định lệ kiêng huý chậm nhất mà bản DMT phải thực hiện là định lệ năm 1825, chữ cuối cùng lọt vào danh sách kị huý của bản DMT là chữ ĐANG ! Nói một cách khác, bản DMT là một bản kị huý đầy đủ tất cả các chữ có trong các lệnh từ năm 1803 đến năm 1825 chứ không phải đến năm 1820.
Và như vậy thì khoảng thời gian biên tập văn bản này cũng phải nói lại cho rõ hơn.
Có lẽ phải đặt nó vào khoảng giữa 2 cái mốc 1825 và 1836, lí do chọn cái mốc đầu thì trên đây đã đủ rõ, còn lí do chọn cái mốc cuối thì như sau : năm 1836 có lệnh kị huý chữ CẢO / KIỂU (ở câu 2564) mà bản DMT thì chưa kị huý.
5/ Nếu chỉ nghĩ đến các tên của Gia Long và các tên của Minh Mệnh thì câu nói của Cụ Hoàng Xuân Hãn về bản DMT là hoàn toàn đúng : “ chỉ có huý đời Gia Long, không huý đời Minh Mệnh ”. Nhưng nếu nghĩ đến сáс lệnh về kị huý đã ban bố trong 2 đời vua đó thì câu trên quả có phần đang thiếu chính xác. Tuy nhiên giá trị của bản DMT không vì thế mà bị giảm sút. Cụ Hoàng Xuân Hãn dựa vào các chữ huý cốt là để đi đến kết luận : “ bản viết người ta theo đó để mà sao lại, chắc chắn đầu đời Gia Long ” hoặc “ chắc chắn bản ấy người ta sao lại một bản từ đời Gia Long ” (3). Theo ý chúng tôi, kết luận đó hiện nay vẫn đứng vững, không có gì phải thay đổi.
Bản DMT vẫn là bản xưa nhất : nó được biên tập không những trước bản KOM (1889-1902), trước bản LNP (1847-1870) mà trước cả 4 bản miền Bắc : như đã nói, nó chưa kị huý chữ CẢO/KIỂU (ở сâu 2564) theo lệnh 1836 trong lúc 4 bản kia đã phải kị huý theo lệnh đó rồi.
Bản DMT cũng là bản phản ảnh đầy đủ nhất các lệnh đời Gia Long : kị huý không sót một chữ nào, trong số những chữ phải kị huý. Và khi đã có chữ phải kị huý rồi nó cũng không bỏ sót một câu nào trong các câu cần lưu ý.
Chữ huý cuối cùng bản DMT phải thực hiện là chữ ĐANG/ĐƯƠNG như trên vừa mô tả. Chữ đó đưa ra trong lệnh 1825 : đúng là lệnh đời Minh Mệnh, nhưng là đầu đời Minh Mệnh, sau đời Gia Long chỉ mới 5 năm !
6/ Theo ý chúng tôi, điều đáng chú ý thêm là tinh thần kị huý trong văn bản DMT.
Trong danh sách các chữ kị huý, cần chia thành 2 loại : loại phải kiêng kị suốt triều Nguyễn như GIỐNG /CHỦNG và loại chỉ đưa ra kiêng kị một giai đoạn nhất định nào đấy, như LAN, HOÀN (đời Gia Long), TÔNG, THÌ(đời Thiệu Trị, Tự Đức), CHIÊU (đời Thành Thái). Cách kị huý − trên đại thể − cũng phải chia thành 3 mức : mức nghiêm ngặt là thay bằng chữ khác (ví dụ LAN > HƯƠNG), mức bình thường là đổi thay tự dạng (như gia dạng, bớt nét hoặc đảo vị trí các thành tố v.v.) và mức nhẹ là chỉ bắt tránh âm (ví dụ : THÌ > THỜI…).
Nếu so sánh 7 bản Kiều Nôm cổ hiện có về cách kị huý tên Gia Long (GIỐNG/CHỦNG) thì chúng ta có kết quả như sau :
Bảng tóm tắt (4)
DMT LVĐ QVĐ TMĐ VNB LNP KOM
Kỵ huý nghiêm ngặt 6 3 4 4 4 0 0
Kỵ huý bình thường 1 3 3 3 3 7 4
Quên kỵ huý 0 1 0 0 0 0 3
Rõ ràng bản DMT là bản coi trọng nhất cái tên Gia Long : 6 lần thay GIỐNG/ CHỦNG bằng các chữ khác : bằng THÓI ở 2 câu 243, 258, bằng CHỐN ở câu 853, CHÚNG ở câu 1194, HỆT ở câu 2066, KHÉO ở câu 2097. Chỉ 1 lần kị huý theo lối gia dạng : ở câu 1728.
Bản DMT không những coi trọng tên của Gia Long, các lệnh kị huý của Gia Long, mà còn tỏ ra có cả phần sợ sệt nữa : kị huý không những đầy đủ tất cả các tên, với thái độ thường nghiêm ngặt nhất mà còn kị huý thừa ra, ngoài cả cái mức cần thiết nữa : như kị huý cả chữ LAN,một động từ Nôm, trong “ cỏ lan mặt đất ” (câu 2750), kị huý cả thanh phù LAN trong hai chữ DAN DÍU (câu 1300) ! Thái độ nghiêm cẩn có phần sợ sệt đó rất phù hợp với thái độ của cụ Nguyễn Du, một thái độ đã được sử sách ghi nhận. Và rất có thể, bản gốc của bản DMT là một trong những văn bản đã được bà con, học trò, hay bè bạn của cụ Nguyễn Du trực tiếp biên tập theo đúng tinh thần của Cụ. Do đó cũng có thể hi vọng rằng lai nguyên của bản DMT là một trong những văn bản gần gũi nhất với tác giả, có thể tác giả đã được biết đến, vì bản chép lại nó, chỉ chép 5 năm sau khi tác giả qua đời.
7/ Còn về việc gắng phục nguyên lại một văn bản gần với nguyên lời văn của cụ Nguyễn Du nhất, thì sau khi đưa ra những sự bổ sung, đính chính như trên, chúng tôi cũng xin có vài điều muốn nói thêm cho rõ :
− Bản KOM nói riêng, các bản gốc Huế nói chung, rõ ràng là đã có những đóng góp không thể coi nhẹ. Đóng góp nổi bật nhất là đã đính ngoa được, chữa lại được hầu như toàn bộ các sai sót có ở trong bản DMT và ở trong các bản miền Bắc. Hơn nữa các bản như KOM, LNP cũng đều là những chỗ dựa rất tốt, có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc cố gắng phát hiện ra cho được những chỗ cụ Nguyễn Du đã bàn bạc cùng bạn bè, tự nhuận sắc lại một số câu thơ cũ của mình, thời kì Cụ vào làm việc ở Huế.
− Nhưng dầu sao cũng không nên coi bản KOM như một bản trục. Việc G.S. Hoàng Xuân Hãn gạt bỏ nó ra khỏi vị trí số 1 trong các nấc thang đánh giá, theo ý chúng tôi, đó vẫn là một chủ trương rất mạnh dạn và rất sáng suốt, đến nay chúng ta càng nên ủng hộ.
− Bản DMT vẫn là bản quý nhất, đáng dựa vào nhất. Nhưng sau khi có sự phát hiện ra chuyện kị huý chữ ĐANG/ ĐƯƠNG, chúng ta đã đưa thời gian biên tập của nó lùi lại vài năm thì tình hình đã có hơi đổi khác. Bản DMT và các bản miền Bắc, nhất là bản LVĐ, hiển nhiên là đã xích lại gần nhau hơn : so sánh cái khoảng thời gian biên tập 1825-1836 của bản DMT với cái khoảng thời gian 1836-1840 biên tập bốn bản LVĐ,QVĐ, TMĐ, VNB-60 thì ai cũng thấy thế. Do đó mỗi sự thống nhất giữa 2 bên có thể coi là một tiêu chí hết sức quan trọng. Nói một cách khác, sau khi đã tiến hành công tác đính ngoa cẩn thận, nếu thấy chữ nào ăn khớp giữa 2 bên thì có thể tin rằng đó là một chữ, có phần chắc, vốn đã nằm trong cái gọi là “ nguyên lời văn của cụ Nguyễn Du ”.
NGUYỄN TÀI CẨN
(1) Xin xem TƯ LIỆU TRUYỆN KIỀU – BẢN DUY MINH THỊ 1872, in năm 2002 ; TƯ LIỆU TRUYỆN KIỀU – TỪ BẢN DMT ĐẾN BẢN KOM, in năm 2004 ; và các bài in trong Diễn Đàn, ở các số 122, 130, 138.
(2) Xin xem Ngô Đức Thọ : CHỮ HUÝ VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI, 1.
(3) Chắc chắn đó là một bản biên tập trong khoảng 1803-1820, nghĩa là đời Gia Long. Cụ Hoàng Xuân Hãn cũng đã phát biểu như vậy. Nhưng vì sao trong lúc trả lời phỏng vấn có khi Cụ lại thêm chữ “ đầu ”, nói “ đầu đời Gia Long ” ? Theo ý chúng tôi chắc vì 3 chữ huý quan trọng nhất (GIỐNG/CHỦNG, LAN, HOÀN) đều được đưa ra trong lệnh 1803, khi nói thế là Cụ bị ấn tượng bởi 3 chữ ấy.
(4) Chúng tôi dựa vào bản LVĐ /1871 nên tính là “ có quên 1 lần ” (ở câu 853). Bản LVĐ/1866 khi khắc không quên như vậy.
Các thao tác trên Tài liệu