Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 164 - 07.2006 / Có gì lạ trong Đại hội X ?

Có gì lạ trong Đại hội X ?

- Vũ Quang Việt — published 01/09/2006 02:00, cập nhật lần cuối 24/09/2006 20:06
Tác giả Vũ Quang Việt bình luận về Đại hội X của ĐCSVN


BÌNH LUẬN (1)


Có gì lạ trong Đại hội X của ĐCSVN?
     

     
Vũ Quang Việt


Thường thì ít ai chịu khó đọc kỹ văn bản Đại hội Đảng, bởi vì văn kiện nào cũng cho là phải đề cập đến tất cả mọi vấn đề liên quan đến quốc gia và Đảng cho nên dài dòng và lập đi lập lại cùng một ý từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên văn kiện cũng là tổng kết của các cuộc tranh luận, nhiều khi rất gay gắt trong đảng, không phải trong một cuộc họp mà trong rất nhiều năm. Và khi xuất hiện hay biến đi, có khi chỉ là một hay vài dòng, một hay vài chữ. Do đó người đọc cần dùng kính lúp. Một câu thôi hay sự biến đi của một câu có khi còn quan trọng hơn tất cả các bản báo cáo dài dòng. Cái câu đó không nhất thiết được đem ra thực hiện nhưng ít nhất được coi là chính thống và một số lãnh tụ đảng và đảng viên có thể dùng làm cờ phất cho chính nghĩa của mình mà không sợ bị qui kết. Trước đây sự biến mất câu “ cách mạng khoa học kỹ thuật lấy công nghiệp nặng làm nòng cốt ” đã nói lên cả một sự thay đổi lớn về chính sách kinh tế : đặt nặng thêm vai trò của nông nghiệp, và xây dựng công nghiệp không phải là xây dựng các nhà máy sắt thép, nhà máy làm công cụ.

Vậy thì Đại hội Đảng 10 này có gì lạ ?

Có thể tóm lược một số chuyển biến quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Báo cáo Chính trị đã được Đại hội Đảng thông qua như sau :

1. Mục đích của Đảng đã thay đổi, trọng tâm đặt vào mục tiêu : “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”, trong đó tư hữu được tôn trọng và mọi thành phần kinh tế kể cả tư bản tư nhân và nước ngoài được bảo vệ (đã có trong Hiến pháp 1992).

2. Điều lệ Đảng mới, dựa vào những gì đã được trình bày trong báo cáo chính trị đã được thông qua trong Đại hội 10 (2006), đã có những thay đổi quan trọng như sau (2) :

* Đảng viên được quyền làm nhà tư sản không hạn chế về mức độ.

* Đảng viên không còn là “ chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam ” như viết theo Điều 1 của Điều lệ cũ. Theo Điều lệ mới được sửa chữa, đảng viên là “ đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. ”

* Báo cáo vẫn quan niệm “ xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ” một cách mơ hồ nhưng đã bỏ chữ “ kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin(3) mà sẵn sàng xét lại, bổ sung và sửa đổi bằng cách “tiếp thu kết quả tổng kết 20 năm đổi mới, các công trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng để xem xét, bổ sung, sửa đổi một số điểm cần thiết, chín muồi. Điều này mở cửa cho sự phát huy trí tuệ, giảm sự trói buộc của kinh điển giáo điều, vượt cả những điểm viết trong Dự thảo Báo cáo: “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra.” (4)

         

Đại hội Đảng 10 (2006) như vậy đã xác lập một cách rõ ràng là Đảng không còn mang tính cách mạng, đảng viên không phải là những người làm cách mạng, họ là đại diên cấp tiến không phải chỉ cho giai cấp vô sản mà cho mọi người lao động, và mục tiệu của Đảng là “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”. Như vậy, với việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, việc chấp nhận mọi thành phần kinh tế, và việc cho rằng Đảng là của tất cả mọi người lao động, Đại hội Đảng 2006 đã đánh dấu một cách dứt điểm sự chuyển hướng mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam : Đảng đã rũ bỏ vai trò làm cách mạng chuyên nghiệp dưới sự lãnh đạo của thành phần ưu tú nhất trong Đảng sang một Đảng chính trị thuần túy trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Đảng cũng sẽ không phải “ kiên định ” với chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà có thể bổ sung, sửa đổi chúng cho phù hợp với tình thế xã hội mới. Đây là kết luận tất yếu phải có, về tính logic, khi Đảng đã cho phép đảng viên làm nhà tư bản, “ bóc lột thặng dư ” của giai cấp vô sản (theo cách lý luận của Mác). Như vậy có thể nói về mục tiêu và lý tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không khác gì bất cứ một đảng tư sản nào trên thế giới. Cái khác là nó vẫn xác lập việc nắm chính quyền tuyệt đối trong xã hội, dù từ bỏ lãnh đạo tư tưởng.

Biểu hiện về ý tưởng trong văn kiện Đại hội thật ra phản ánh tình hình của hai thực tế :

Thực tế thứ nhất là các nhà lãnh đạo Đảng hiện nay và tương lai cũng chỉ là những người lớn lên như bất cứ một người Việt Nam nào khác. Vai trò lãnh đạo không được xây dựng trên sự hy sinh và cũng không bị đòi hỏi hy sinh như thời chiến tranh. Ngược lại, chính ở vai trò lãnh đạo mà họ có thể có quyền lực thu vén lợi ích cá nhân và gia đình nếu không có hệ thống kiểm sát và cân bằng quyền lực.

Thực tế thứ hai là lãnh đạo Đảng không còn mang tính ưu tú ở tầm quốc gia mà ngày càng mang tính chất đại diện địa phương, thành phần xã hội và cơ quan hành chính, cơ bản là từ dưới cử lên. Chỗ ngồi lãnh đạo địa phương và ngành nghề đã được định sẵn từ vòng bỏ phiếu ở đại hội cấp dưới trước Đại hội toàn Đảng. Thậm chí việc bầu người vào BCHTU xảy ra trước khi Đại hội bàn về đường lối, phương hướng và chính sách của Đảng (vì đường lối, phương hướng và chính sách đã được định sẵn trước Đại hội). Tinh thần và mục tiêu cách mạng, tính ưu tú và tầm nhìn chiến lược gần như không còn chỗ đứng. Trước Đại hội, BCHTU cũ đã sắp đặt sẵn hoặc chấp nhận tính đại diện hành chính đã được địa phương sắp đặt sẵn. Trong Đại hội, gần như chỉ có 2 người được sắp đặt sẵn không trúng cử vì có vấn đề.

Hai thực tế trên cho thấy Đảng hiện nay vừa mang tính địa phương, vừa mang tính đại diện các nhóm quyền lợi. Và tính cách đó không nhất thiết là không chính đáng vì nó giúp phát huy tinh thần sáng tạo cũng như các quyền lợi chính đáng thay cho một nhà nước tập quyền quan liêu. Tuy nhiên nó đòi hỏi một thể chế, và luật pháp điều hành và bảo vệ lợi ích, công lý và tính thống nhất của quốc gia, cũng như uy quyền của nhà nước trung ương, đặc biệt liên quan đến nền tài chính và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên trước mắt là Đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất ở Việt Nam lãnh đạo nhà nước, và do đó có quyền cử người, chủ yếu là đảng viên, vào tất cả các chức vụ của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như chức vụ lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh, tạo ra khả năng gắn kết giữa tiền và quyền lực. Chính vì thế mà việc kiểm tra sự trong sạch của đảng viên và việc cải tổ bộ máy nhà nước để kiểm tra Đảng cần thiết hơn bao giờ hết. Đòi hỏi của khách quan là một thể chế kiểm soát và cân bằng quyền lực chứ không phải là phê bình tự phê bình.

Vũ Quang Việt


__________________________________
     

[1] Viết dựa vào bài cho Hội thảo Hè 2006 : Chuyển biến trong lãnh đạo và hệ thống lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam từ sau 1975: khả năng cải cách thể chế quyền lực để chống tham nhũng. Coi trên : http://hoithao.viet-studies.org/

[2] Báo cáo của BCHTU khoá 9 đã được Đại hội 10 thông qua. Coi Tạp chí Cộng sản số 105: http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3792

[3] Câu văn viết như sau : “ kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ”. Câu này thay cho câu trong dự thảo : “ Kiên định chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...” Tạp chí Cộng sản số 101 : http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3558.

[4] Coi Báo cáo của BCHTU khoá 9 đã được Đại hội 10 thông qua.  Tạp chí Cộng sản số 105 : http://www.tapchicongsan.org.vn/show_content.pl?topic=1&ID=3792


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us