Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 164 - 07.2006 / Tha thẩn

Tha thẩn

- NDeC — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 01/06/2007 18:03
các bạn tôi sẽ không bao giờ nói được rằng, họ đã làm xong nhiệm vụ đối với đám trẻ con khốn khó, đám người bênh tật, tội nghiệp của họ. Nói gì đến việc tuyên xưng rằng, họ đã làm tròn nhiệm vụ với những cái gì gì đó thật cao xa (và thật mơ hồ). Như Tổ Quốc chẳng hạn. Các bạn tôi xoàng xĩnh quá. Có thể vì vậy mà các bạn tôi không có gì đáng để làm thơ và viết văn chăng ? Họ vẫn còn bù đầu.

 

Tha thẩn...

 

NDeC

 
Tôi có nhiều người bạn không (biết) làm thơ. Như những người tôi gặp và ngồi bên, suốt tối hôm qua. Như H, không (biết) luôn cả viết văn. Thực ra, tiếng Việt của cô rất xoàng. H nói, tiếng Việt của em tồi. Mà tiếng Anh của em cũng không giỏi. Ý cô muốn nói, khả năng viết. Tôi cũng thấy như vậy ; vì đã có lần tôi giúp H sửa lại mấy câu tiếng Việt trong một bộ slides (powerpoint). Cũng may, tôi có thể hiểu H mà không cần chữ nghĩa bóng bẩy. Cũng may, tôi dễ hiểu H vì chữ nghiã cô không bóng bẩy. Quan trọng hơn, có lẽ những người được cô chỉ cách làm sữa đậu nành và đậu phọng, để giúp tăng dinh dưỡng cho các cháu bé, đủ hiểu điều cô muốn nói.

Tôi có những người bạn, mỗi lần đi Việt Nam họ lèn lỏi đi thật nhiều nơi. Khỉ ho cò gáy, như người ta hay nói. Muốn đến nơi phải đi bộ, đồ đạc chở bằng xe bò. Được xe bò là may đó anh. Không phải chỉ có H. Còn có Ch và bạn của Ch. Các bạn của họ/chúng tôi. Họ có thể (biết) viết văn, làm thơ ? Tôi không rõ. Họ cũng lèn lỏi qua nhiều nơi ở Việt Nam. Hình như họ gặp nhiều người Việt Nam lắm. Hình như, vì họ không nói nhiều về những người họ gặp. Nếu cần nói, họ nói ngắn và giản dị. Họ không làm thơ, họ không viết văn. Họ chỉ lo lo toan toan cho những chuyến đi sắp tới. Cũng đủ "ná thở".

Họ thường không vui, sau mỗi chuyến đi. Họ thường không lạc quan lắm trước mỗi chuyến đi. Họ thường không vui trong suốt chuyến đi. Nhiều chuyện buồn lắm. Nhiều điều bực mình lắm. Nhiều cảnh xót lòng lắm. Chặng nào ư ? Mọi chặng và mỗi chặng. Với lại, những điều mình tai nghe mắt thấy nữa, anh biết không ? Hình như họ để bụng, hình như họ chia cho bè bạn để vô bụng. Họ không làm thơ ; họ cũng không viết văn.

Cô B không viết văn. Nhưng tiếng Việt (và tiếng Anh) của cô giỏi lắm. Tiếng Việt dùng để cãi nhau với những người gây trục trặc, khó khăn cho chuyến đi của cô. Để đòi lại tiền bị ăn chặn cho những em bé học sinh cần xe đạp để đi học. Đã vậy, còn để cô nói rất ngọt ngào với những em bé gái “hư hỏng”, đang cố gắng (rất khó khăn) để sống còn mà không cần phải “hư hỏng” mới có cơm ăn, mới có tiền giúp cha mẹ. Đã vậy, cô còn nói bằng tiếng Việt với những đứa nhỏ đang sốt hôn mê trên tay cô, lúc cô phải ngồi trên sàn bệnh viện (không phải nhà thương, anh ; có ai thương xót gì ai đâu). Đứa nhỏ mồ côi, bệnh tật kia không đủ tiêu chuẩn để có giường nằm trong bệnh viện. Đã vậy ; cô còn dùng tiếng Việt để hát ru khe khẽ cho đứa bé, trong nhiều ngày đêm. Thay mẹ chúng nó. Thay cho những người đàn bà cô B chưa hề biết mặt, ít khi nghe nói tới. Vì cháu bé là con lai ; cô B được mọi người chung quanh liếc xéo, nhìn nghiêng. Họ xiên xỏ. Mặt mày vậy thì làm điếm nỗi gì ! Cô không dám buồn cho mình. Những người nguýt, háy cô có cuộc sống rất đáng buồn. Cô hát ru bằng thơ của người khác. Thơ của bao đời còn sót lại, trong đời, trong cô. Có những câu thơ không “ mới ”, lại buồn. Nhưng cô không làm thơ. Tôi không tin rằng cô B có viết văn. Dù cô có kể chuyện; cô cho chúng tôi nghe một ít mẩu chuyện đời rất thật. Những lúc đó, cô (tức) cười.

Cô D, anh K, em M,... rối cả ruột gan, không phải vì những con số thống kê các em (gái) bị bán buôn qua đường biên giới. Các bạn tôi rối cả ruột gan vì có những dự án giúp đỡ cho các em ấy, vô tình, lại chỉ góp phần đóng mở cánh cửa đưa các em đi lại con đường thảm khổ ấy thêm nhiều lần. Như bao nhiêu kiếp bị đọa. Kẻ gian có thể vừa tham gia cứu các em (để được tiền) vừa tiếp tục mua bán các em (để được thêm tiền). Những lời buộc tội đanh thép của đạo lí và những tiếng nói xót thương của lương tâm "nhân loại" trôi tuột với đồng tiền ; trôi tuột theo dòng sống nghiệt ngã. Trên từng mảnh đời riêng đầy nghiệt ngã.

Chị Q hình như cũng không viết văn làm thơ gì ráo. Chị có tật thích thấy trẻ con cười. Trẻ con hay cười hơn, khi chúng mạnh khoẻ. Đôi khi thở được là dấu hiệu một trẻ sơ sinh có cơ sống mạnh khoẻ. Chị Q thích thấy trẻ con thở được. Chị đi Việt Nam, cực như trâu chớ anh tưởng dễ à ? Chị còn trở lại Việt Nam hoài, vì mỗi bận chị lại được thấy trẻ con cười. Trẻ con ấy không phải là con đẻ của chị. Con đẻ của chị sống ở Mĩ. Nếu sống ở Mĩ không thôi, chị Q không cực như... trâu. Đời sống chị khoẻ lắm. Đời sống của H, của cô B cũng không cực (ở Mĩ). Họ có thể thảnh thơi.

Sau mỗi chuyến đi, chị Q lo bao nhiêu chuyện để tổ chức cho chuyến đi tới. Chị bù đầu. Vì vậy mà chị không làm thơ ? Không những vậy, tôi còn có cảm tưởng, nhiều người bạn tôi, H, Ch, cô B, chị Q, và nhiều nữa -- kể tên ra đây không nghĩa lí gì, vì họ không có ai nổi danh -- nuôi dưỡng những ao ước hình như đi ngược lại sự sống còn của những đề tài làm thơ và viết văn của một số người. Nếu như các bạn ấy của tôi đủ công lực, biến được mơ ước mình thành hiện thực.

Dù yêu bạn mình, và luôn muốn họ thành công lớn, tôi không chắc các bạn tôi có thể thành công được bao nhiêu trong phần đời ngắn ngủi này của họ, của chúng ta. Vì con số người của họ thật ra còn ít ỏi quá. Vì hơi sức của họ cũng có được đến chừng mực nào thôi. Cho nên, rồi vẫn sẽ còn có những bài thơ được viết từ một lobby khách sạn khang trang nào đó, nói lên nỗi đau đời. Nặng trĩu những ưu tư lớn về kiếp nhân sinh (Việt Nam). Viết ở Sài Gòn, ở Hà Nội hay Đà Nẵng, những nỗi đau đời khỏi phải viết ở Hong Kong, Bangkok, Amsterdam, hay một thành phố nào đó của Đông Âu, và (thật chăng ?) ở Mĩ. Thương cho những kiếp người bán mình nuôi thân ; thương cho những kiếp người lấy chồng ngoại quốc (?). Thương cho người “hầu” cửa khách sạn cúi mặt.

Và cũng không vẻ vang như một vài người siêu việt, tôi biết rằng, các bạn tôi sẽ không bao giờ nói được rằng, họ đã làm xong nhiệm vụ đối với đám trẻ con khốn khó, đám người bênh tật, tội nghiệp của họ. Nói gì đến việc tuyên xưng rằng, họ đã làm tròn nhiệm vụ với những cái gì gì đó thật cao xa (và thật mơ hồ). Như Tổ Quốc chẳng hạn. Các bạn tôi xoàng xĩnh quá.

Có thể vì vậy mà các bạn tôi không có gì đáng để làm thơ và viết văn chăng ? Họ vẫn còn bù đầu.

*

Tôi có nói với các bạn, ước sao, sẽ có lúc tôi được tháp tùng, ít ra là trong một chuyến đi của từng người, trong đám họ. Tôi muốn được đọc cuộc đời xảy ra quanh họ. Và với họ. Tôi nói thật lòng. Tôi nói lấp liếm, vì rất xấu hổ nếu tôi lại dám có lời cảm ơn họ. Bạn mình.
 

NDeC

Tháng 6, 2006

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss