Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 164 - 07.2006 / Tin Tức

Tin Tức

- Diễn Đàn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 01/06/2007 18:03


Tin Tức

 
Quốc hội : bầu lại lãnh đạo nhà nước mới

 
Trong tuần cuối của kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành các thủ tục thay đổi nhân sự cấp cao của nhà nước, sau đại hội ĐCSVN. Như dự trù, các ông Nguyễn Văn An, chủ tịch QH, Trần Đức Lương, chủ tịch nước và Phan Văn Khải, thủ tướng đã đọc đơn xin từ nhiệm của mình trong phiên họp sáng ngày 24.6, vì lý do tuổi tác (ông An 69 tuổi, ông Lương 69 tuổi, ông Khải 72 tuổi). Sau đó, theo trình tự được quy định trước, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đưa ra danh sách những nhân vật thay thế do bộ chính trị giới thiệu : ông Nguyễn Phú Trọng (62 tuổi), bí thư thành uỷ Hà Nội được cử làm chủ tịch QH ; ông Trọng « giới thiệu » ông Nguyễn Minh Triết (63 tuổi), bí thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh để được « bầu » vào chức vụ chủ tịch nước, và sau cùng ông Triết giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng (56 tuổi), phó thủ tướng thường trực, vào chức thủ tướng. Ông Dũng là thủ tướng trẻ nhất của VN cho tới nay, được đánh giá, cũng như ông Nguyễn Minh Triết, là những « nhà cải cách » tích cực.

Sau khi « đắc cử », tân thủ tướng đã đọc tờ trình xin QH « miễn nhiệm » 8 thành viên của chính phủ trước (ngoài thủ tướng Phan Văn Khải) : phó thủ tướng Vũ Khoan, tổng thanh tra Nhà nước Quách Lê Thanh và các bộ trưởng Phạm Văn Trà (Quốc phòng), Nguyễn Dy Niên (Ngoại giao), Nguyễn Sinh Hùng (Tài chính), Phạm Quang Nghị (Văn hoá - Thông tin), Nguyễn Minh Hiển (Giáo dục - Đào tạo) và Đào Đình Bình (Giao thông Vận tải).

Các ông Vũ Khoan, Phạm Văn Trà, Nguyễn Dy Niên xin nghỉ vì lý do tuổi tác. Các ông Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Quang Nghị và Quách Lê Thanh được đề nghị miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ khác. Các ông Nguyễn Minh Hiển, Quách Lê Thanh không được bầu lại vào Trung ương (dù có trong danh sách giới thiệu của Trung ương khoá trước), nhưng chỉ có ông Hiển xin nghỉ. Trường hợp ông Đào Đình Bình, tờ trình nêu lên « nhiều cố gắng cùng tập thể lãnh đạo bộ làm được nhiều việc đáng ghi nhận », nhưng cũng có « khuyết điểm là chưa hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hộiĐặc biệt là để xảy ra những vụ việc tiêu cực tại Ban Quản lý các dự án 18, tồn tại kéo dài nhiều năm mà không được phát hiện, ngăn chặn ; vụ lật tàu E1 gây hậu quả lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của nhân dân đối với ngành GTVT… ».

Tuy có nhiều đại biểu QH tỏ ý không đồng tình với nhận định trên của tờ trình, và đòi phải « bãi nhiệm » (cách chức) ông Bình thay vì « miễn nhiệm » như các vị khác. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng QH đi đến quyết định biểu quyết một lần chung cho cả 8 thành viên chính phủ. Lần biểu quyết này, có 280 đại biểu tán thành (chiếm 56,80%), 123 đại biểu phản đối (chiếm 24,95%). Số đại biểu không biểu quyết là 50 người (chiếm 10,14%). Như vậy, mặc dù là người chịu trách nhiệm cao nhất của hàng loạt vụ bê bối nghiêm trọng của bộ GT-VT, cuối cùng ông Bình đã « hạ cánh an toàn ». Một dấu hiệu về sự can thiệp của cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo đảng để báo chí và cơ quan luật pháp không điều tra sâu hơn nữa về các vụ việc nói trên ?

Sau thủ tục « miễn nhiệm » này, ngày 27.6 tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình danh sách bổ nhiệm các thành viên chính phủ mới :

- Các ông Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, uỷ viên bộ chính trị làm phó thủ tướng, trong đó ông Khiêm sẽ kiêm nhiệm chức bộ trưởng ngoại giao.

- Thứ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lên chức bộ trưởng thay thế ông Phạm Văn Trà ; Ông Thanh còn đảm trách chức vụ tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.

- Thứ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh làm bộ trưởng Tài chính thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng.

- Phó ban Tư tưởng Văn hóa Lê Doãn Hợp làm bộ trưởng Văn hóa Thông tin thay ông Phạm Quang Nghị.

- Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Giáo dục thay ông Nguyễn Minh Hiển.

- Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Hồ Nghĩa Dũng làm bộ trưởng Giao thông - Vận tải thay ông Đào Đình Bình.

- Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Trần Văn Truyền làm tổng thanh tra chính phủ thay thế ông Quách Lê Thanh .  

Ngoài ra, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị ông Vương Đình Huệ, tiến sĩ kinh tế, phó tổng kiểm toán nhà nước lên làm tổng kiểm toán Nhà nước.

Danh sách các phó thủ tướng và bộ trưởng mới đã được thông qua ngày 28.6, với số phiếu như sau  : Ông Nguyễn Sinh Hùng : 58,21 % ; ông Trương Vĩnh Trọng : 66,73 %   ; ông Vương Đình Huệ : 88,84 %   ; ông Phạm Gia Khiêm : 88,24 %   ; ông Phùng Quang Thanh : 94,12 %   ; ông Hồ Nghĩa Dũng : 57,81 %   ; ông Lê Doãn Hợp : 58,82 %   ; ông Trần Văn Truyền : 77,28 %   ; ông Vũ Văn Ninh : 87,42 %   ; ông Nguyễn Thiện Nhân : 86,21 %

Giới thạo tin cho rằng số phiếu thấp của ông Nguyễn Sinh Hùng (người sẽ giữ chức phó thủ tướng thường trực) phản ánh sự bất mãn của nhiều đại biểu QH trước sự thối thoát trách nhiệm của bộ Tài chính trong vụ PMU18 cũng như trong việc quản lý vốn ODA.

Danh sách các bộ trưởng được thay thế trên đây chưa có các bộ Nội vụ, Thương Mại, Tài Nguyên và Môi trường, Lao động – thương binh – xã hội, Y tế, Bưu chính – viễn thông, là những bộ mà bộ trưởng không trúng cử (hoặc không ra ứng cử) trung ương vừa rồi. Tuy nhiên, đây chưa phải là một nhiệm kỳ mới đối với chính phủ, vì nhiệm kỳ quốc hội chưa hết (QH khoá tới sẽ được bầu lại vào quý 2 năm 2007, nếu không có gì đột biến). Như vậy, các bộ trưởng mới sẽ đảm nhận nhiệm vụ của mình cùng với các bộ trưởng còn lại trong nội các do ông Phan Văn Khải lập ra tháng 7.2002 (xem toàn bộ danh sách trên Diễn Đàn số 121, tháng 9.2002) cho tới khi quốc hội khoá tới được bầu ra. Ngoài những trường hợp cải tổ nêu trên, người duy nhất đã rời nội các này trước nhiệm kỳ là ông Lê Huy Ngọ, bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã từ chức hồi tháng 5.2004 (vì những sai sót của bộ này trong vụ án Lã Thị Kim Oanh – một tổng giám đốc một doanh nghiệp thuộc bộ Nông nghiệp phạm tội tham ô). Người thay ông Ngọ là ông Cao Đức Phát.
 

Hạn chế quyền tự do thông tin và xuất bản

 
Từ ngày 1 tháng 7, nghị định 56 của chính phủ Việt Nam về « xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá-thông tin » đã có hiệu lực, mặc dù cho đến trung tuần tháng 6 văn bản vẫn chưa được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng ! Có phạm vi rất rộng, nghị định này (gồm 5 chương và 77 điều) quy định 619 vi phạm hành chính (với mức phạt tiền lên đến 30 triệu đồng và biện pháp tịch thu phương tiện hoạt động) trong các sinh hoạt : thông tin báo chí (76 quy định vi phạm), xuất bản (62), điện ảnh (77), nghệ thuật biểu diễn (74), văn hoá và kinh doanh văn hoá (81), mỹ thuật và triển lãm văn hoá (20), quyền tác giả (27), quảng cáo (111), thư viện, di sản và công trình văn hoá (50), xuất nhập khẩu văn hoá phẩm và phổ biến tác phẩm ra nước ngoài (41).

Bên cạnh nhiều quy định có tính kỹ thuật, nghị định 56 đưa ra một số quy định có tính chính trị nhằm hạn chế những quyền tự do dân chủ ghi trong hiến pháp và trong các công ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã ký kết. Riêng trong lĩnh vực thông tin và xuất bản, văn bản đưa ra những qui định mơ hồ cho phép chính quyền tự do diễn giải, mỗi khi cần thiết, để xử lý hành chính mọi người dân sử dụng quyền tự do phát biểu và sáng tác. Như điều 7-2 xử phạt « hành vi xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi mà không có giấy phép ». Hoặc điều 21-3d xử phạt « hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dụng xuyên tạc sự thật lịch sử ; phủ nhận thành tựu cách mạng ; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc ; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức ». Mọi phát biểu hay sáng tác ít nhiều mang tính phê phán đều có thể bị chính quyền quy tội vi phạm điều nói trên.

Nghị định 56 này được ông Phan Văn Khải ký vào đầu tháng 6 trước khi ông từ nhiệm chức vụ thủ tướng. Tháng trước đó, ngay khi Đại hồi 10 Đảng cộng sản vừa kết thúc, thủ tướng còn ra công văn chỉ thị bộ văn hoá-thông tin không chỉ xử phạt hành chính các hành vi « thông tin sai sự thật » hay « tiết lộ bí mật đời tư », mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự của các nhà báo và các tờ báo, đặc biệt trong vụ PMU 18 [Diễn Đàn số 163]. Trả lời phỏng vấn của báo chí, bộ trưởng văn hoá-thông tin Phạm Quang Nghị giải thích, « trong vụ PMU 18, có những thông tin hoàn toàn không chính xác, làm cho tính bức xúc của xã hội tăng lên rất nhiều và dẫn tới hậu quả không ai mong muốn là hoài nghi vào thông tin » [Vietnamnet 21.6].

Tuy nhiên, bộ trưởng Nghị không cho biết những thông tin « hoàn toàn không chính xác » đó là tin nào.

Trong « ngày báo chí Việt Nam », thứ trưởng phụ trách về báo chí, ông Đỗ Quý Toàn, khẳng định với nhà báo nước ngoài rằng « không có sự hạn chế nào với báo chí Việt Nam. Nếu hạn chế thì làm sao báo chí lại đưa ra được các vụ việc tiêu cực như đã xảy ra ? » [BBC 21.6]. Bộ trưởng Phạm Quang Nghị thì phân biệt trong tự do báo chí phạm trù « tự do có lợi » và « tự do không có lợi ». Khi được các nhà báo Việt Nam hỏi « tự do báo chí nào không có lợi », ông Nghị lúng túng trả lời : « Cái đó bản thân nhà báo cần phải biết chứ ai đi nói thay nhà báo trong từng tình huống cụ thể. Không ai vào lúc ấy nhắc anh đừng viết cái đó hay nhắc thông tin ấy không nên đăng lên » [Vietnamnet 21.6].

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Trần Bạch Đằng, lãnh đạo lâu năm ngành tuyên huấn ở miền Nam, giải thích khá thẳng thắn rằng : « Nói gì thì nói, Đảng và nhà nước có vai trò lãnh đạo của mình mà báo chí muốn hay không muốn cũng phải theo. Nhưng, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là báo chí tự điều chỉnh việc nói cái gì và không nói cái gì, năm nay nói được đến mức này, năm sau phải nói được nhiều hơn, nói sự thật đến mức nào, độ nào thì đủ... ». Ông Đằng lập luận : « Đất nước chúng ta chưa phát triển toàn diện về mọi mặt, vì vậy chúng ta vẫn phải làm việc trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép, người dân cũng sử dụng và hưởng thụ trong một mức độ cho phép, theo tôi, như vậy là vừa phải, nếu không mọi thứ sẽ dễ rối loạn... ». Nói cách khác, không có vấn đề chính quyền hạn chế hay không quyền tự do ngôn luận báo chí ở Việt Nam mà chỉ có vấn đề nhà báo Việt Nam biết tự kiểm duyệt mình hay không... [Hải Vân tổng hợp và bình luận]
 

Hạn chế quyền tự do khiếu kiện và biểu tình

 
Bộ công an và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức, vào hạ tuần tháng 6, hội nghị tập huấn nghị định 38 của chính phủ liên quan đến luật an ninh quốc gia đã có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Luật an ninh quốc gia cấm các hành vi « lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng ». Những hành vi « gây trở ngại hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo của Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội » cũng bị cấm.

Qua hội nghị này người ta được biết rằng « tập trung đông người » là mọi tập trung từ 5 người trở lên ở nơi công cộng. Cuộc tập huấn chú trọng đến các cuộc tập họp hơn 5 người ở lề đường, tại những nơi sinh hoạt công cộng hay trước trụ sở cơ quan nhằm mục đích đưa « yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức » ; hoặc « yêu cầu, kiến nghị về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị, xã hội ». Các cuộc tập họp này phải đăng ký trước tại Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi hoạt động đó diễn ra, phải thực hiện đúng nội dung đăng ký và những quy định bảo đảm trật tự công cộng. Thủ tục gồm việc gửi bản đăng ký đến uỷ ban nhân dân với : tên và điạ chỉ của người hay tổ chức đăng ký ; mục đích việc tập trung ; ngày, giờ và thời gian tập họp ; địa điểm tập trung và lộ trình ; số người tham gia ; cờ, ảnh, biểu ngữ và khẩu hiệu. Nghị định 38 nhấn mạnh rằng các quy định nói trên không áp dụng cho các hoạt động do cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính tri ‒ xã hội thuộc hệ thống Đảng cộng sản tổ chức [Thanh Niên 21.6].

Cuộc tập huấn của Bộ công an trùng hợp một cách tình cờ với cuộc biểu tỉnh của khoảng 50 nông dân tỉnh Bến Tre kéo lên Thành phố Hồ Chí Minh để đưa đơn khiếu kiện chính quyền địa phương đã thu hồi đất của họ mà không bồi thường thoả đáng cũng như không tái định cư họ như chính quyền hứa hẹn. Đoàn người đi biểu tình với cờ Việt Nam, ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu ngữ « Nhân dân Bến Tre đòi công lý » và những khẩu hiệu « chống tham nhũng ». Một bà nông dân xã An Điền cho biết lý do khiến kiện : « Chính quyền ở tỉnh ép chúng tôi, họ lấy đất cho dự án và bồi thường với giá rẻ. Nếu mình không chịu, họ đưa lực lượng xuống cưỡng chế ». Bà kể rõ thêm : « Chúng tôi đã lên tỉnh, rồi lại ra Hà Nội, họ gửi văn bản lại Bến Tre, cũng chẳng có ai xử. Họ cứ để bà con đi lại khắp nơi đến khi hết tiền thì thôi. Bà con bức xúc qua, bây giờ lên Thành phố Hồ Chí Minh đòi công lý » [BBC 21.6].

Theo báo cáo của Bộ tài nguyên và môi trường về đợt tổng kiểm tra thi hành luật đất đai, trên số 17 480 đơn thư khiếu nại mà bộ nhận được, có tới 70 % khiếu kiện về bồi thường và tái định cư. Một thông tin từ cuộc họp quốc hội tháng 6 cho biết, chỉ ở 13 tỉnh, đã có 100 nghìn hộ bị mất đất, không có việc làm do đất bị thu hồi và bị quy hoạch ‘treo’ (chưa có đề án sử dụng). « Trong khi đó, tình trạng cán bộ chiếm đất, bán đất diễn ra tràn lan ; có những vụ việc đã rõ ràng, có địa chỉ, có danh tánh nhưng không được xử lý » [Thời báo Kinh tế Sài Gòn 16.6].
 

Vốn ODA sau vụ PMU 18


  Hội nghị tư vấn giữa kỳ của nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam đã họp lại tại Nha Trang vào đầu tháng 6, sau khi vụ PMU 18 (Ban quản lý các dự án 18 thuộc bộ giao thông-vận tải) bị vỡ lở. Trong bối cảnh này, phía các nhà tài trợ — mà đứng đầu là chính phủ Nhật, Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng phát triển châu Á ADB — đã đặt trọng tâm hội nghị vào quan hệ giữa ODA (vốn do các chính phủ nước ngoài cho vay dài hạn và ưu đãi) với tham nhũng, và phía Việt Nam cũng chờ đợi điều đó [Diễn Đàn số 163]. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm mô tả bữa ăn cơm chung ngày khai mạc như sau : « Ngoài sáu món ăn còn có thêm ‘món’ tham nhũng. Món này chúng tôi không ăn nhưng trong suốt bữa đã cùng nhau mổ xẻ để tìm những giải pháp hiệu quả nhất ngăn chặn tình trạng này ». Cuối cùng, ông Khiêm đã đề nghị với các nhà tài trợ : « Các bạn hãy giám sát những việc làm của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới » [Tuổi Trẻ 17.6].

Bày tỏ sự quan ngại của chính phủ mình, đại sứ Nhật Bản cho biết Thượng viện Nhật có quyết nghị yêu cầu chính phủ « quan tâm theo dõi ráo riết » vụ PMU 18 và « liên tục báo cáo » cho người dân Nhật biết. « Chờ hành động từ phía chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng sắp tới », đại sứ Thuỵ Điển cảnh báo Việt Nam phải nhanh chóng hành động, « nếu không bài học Campuchia (WB đã cắt tài trợ dự án khi phát hiện tham nhũng) hoàn toàn có thể lặp lại ở Việt Nam ». Đại diện WB ở Việt Nam nhấn mạnh « các nhà tài trợ đang chờ xem Việt Nam rút được những bài học nào qua vụ PMU 18 ». Tỏ ra lo lắng và sốt ruột, đại sứ Úc yêu cầu chính quyền Việt Nam « kết thúc nhanh chóng và công khai vụ việc PMU 18, có tổng hợp vấn đề chống tham nhũng ». Tuy nhiên, ai cũng biết vụ việc PMU 18 sẽ không dễ dàng kết thúc sớm : số tiền quá lớn và liên quan đến quá nhiều người, nhiều cấp. Theo phó thanh tra nhà nước, ông Vũ Phạm Quyết Thắng, công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam gặp khó khăn « chính từ cơ chế » : « Cán bộ nắm chức quyền càng lớn, việc xử lý càng khó khăn, và PMU 18 là trường hợp tiêu biểu » [Vietnamnet 10.6 ; Tuổi Trẻ 17.6]

Đại diện WB xác nhận chống tham nhũng « không thể là việc một sớm một chiều, nó đòi hỏi thời gian dài với quyết tâm cao ». Đại diện ADB cho rằng Việt Nam « phải bắt đầu từ công tác cải cách nền hành chính công, tinh gọn bộ máy » thì mới tránh được tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Hợp tác với Việt Nam trong nhiều đề án cải cách hành chính, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP nhận xét rằng : « Mối liên kết của vai trò cải cách hành chính với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vẫn cứ không rõ ràng, và vì vậy công cuộc cải cách hành chính không thể nhanh và không thể hiệu quả ». Các đại diện của Đan Mạch, Phần Lan, Hàn Quốc và ADB cho rằng Việt Nam tiến hành chống tham nhũng « nhưng không xác định được như thế nào và phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy tham nhũng vẫn cứ xảy ra, và khi vụ việc bị phát hiện mới chạy theo xử lý. Như vậy thì không thể xoá bỏ tận gốc được » [Vnexpress 3.6 ; Vietnamnet 10.6 ; Tuổi Trẻ 17.6].

Yêu cầu chính yếu của các nhà tài trợ là chính phủ Việt Nam cần phải « công khai, minh bạch » việc sử dụng vốn ODA, nghĩa là dự án triển khai đến đâu phải được công bố đến đó ; phải xoá bỏ quy trình « khép kín » trong sử dụng ODA và có cơ quan kiểm toán « độc lập », nghĩa là một bộ (chủ dự án) không thể vừa thiết kế, vừa thi công và cả giám sát như hiện nay. Phía chính phủ Việt Nam cam kết sẽ thay đổi mô hình quản lý các dự án có nguồn tài trợ ODA nhằm xoá bỏ tình trạng chủ dự án « vừa đá bóng, vừa thổi còi », xác lập trách nhiệm của chủ dự án đối với dự án thực hiện. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tuyên bố yêu cầu minh bạch hoá thông tin về dự án cũng phù hợp với quan điểm của chính phủ Việt Nam.

Cuối cùng, khi hội nghị Nha Trang kết thúc, các nhà tài trợ đều giữ nguyên cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam. Nhật (không có dự án trong PMU 18) cho biết đã xem xét các dự án tài trợ và « chưa hề thấy dấu hiệu nào bất thường », cho nên vốn ODA cho Việt Nam « chắc chắn sẽ không giảm sút ». ADB (cũng không có dự án trong PMU 18) tuyên bố vụ PMU 18 « không ảnh hưởng đến các cam kết ODA cho Việt Nam ». Có hai đề án đường bộ do PMU 18 quản lý, WB sử dụng cơ quan độc lập giám sát thường xuyên các dự án 2 lần trong năm, và đến nay chưa phát hiện sai phạm nào : « Chúng tôi tin vào hệ thống đánh giá của mình ». Ông Klaus Rohland, giám đốc WB tại Viêt Nam, tuyên bố : « Nếu chính phủ Việt Nam điều tra và xử lý thấu đáo những vấn đề mang tính hệ thống trong các PMU, thì tôi cho rằng lòng tin của các nhà tài trợ sẽ không có nhiều thay đổi » [Tuổi Trẻ 11.6 ; Vnexpress 3.6 ; Vietnamnet 3.6]

Tuy nhiên, một số nhà tài trợ (Đan Mạch, Phần Lan, Hàn Quốc) nhấn mạnh, để có minh bạch, chính phủ Việt Nam phải quy định rõ thế nào là thông tin « mật » và « không mật » để công khai cho người dân giám sát : « Nếu không có quy định này thì con số nào cũng được cho là mật và sẽ là một ngáng trở lớn cho việc minh bạch » [Vietnamnet 10.6].  Các nhà tài trợ cũng như chính phủ Việt Nam đều xác nhận vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng và xem đó là một kênh giám sát quan trọng của xã hội. Theo báo Tuổi Trẻ [17.6], « điều trớ trêu » là khi hội nghị bàn đến nội dung chống tham nhũng, « ban tổ chức hội nghị đã tìm cách không cho báo chí tham dự ; thậm chí nhiều nhà báo đứng ngoài hành lang cũng bị một số người ngăn cản hoạt động ! ».
 

Lại chuyện thi cử

 
Dưới đầu đề « 93,78 % tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo ? », báo Tiền Phong ngày 23.6.2006 nêu vấn đề, trong bối cảnh một loạt bê bối, lộn xộn xảy ra trong kỳ thi bị tố cáo, bị phát hiện, những con số tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh liên tiếp dội về khiến người nghe không khỏi giật mình : Nam Định 99,87 % ; Hà Tây nơi đang nhiều tai tiếng về tình trạng lộn xộn thi cử xếp thứ 2 trên cả nước với 99,32 %. Tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 93,78 %, tăng hơn so với năm ngoái...  Theo báo cáo của 64 tỉnh, thành trên cả nước, có 6 địa phương đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2006 từ 99 % trở lên. Chỉ 4 nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 80 %.

Đặt câu hỏi « Có bao nhiêu giáo viên (GV) tin rằng đây là con số phản ánh đúng kết quả dạy học trong nhà trường hiện nay ? », tờ báo đưa ra một số nhân chứng.

GV P.H. (trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Tây) phân tích : « Trường tôi có 90 lớp (cả công lập và ngoài công lập). Trong đó 30 lớp là lớp chọn, những HS gọi là “học được” thì đều tập trung trong 30 lớp này. Cứ cho là HS ở cả 30 lớp này đều có khả năng đỗ tốt nghiệp. Còn 60 lớp khác thì mỗi lớp chỉ có khoảng 10 HS có khả năng đỗ tốt nghiệp ».

GV P.H. còn cho biết, đấy là tính “phiên phiến”. Nếu phân tích cụ thể hơn về đối tượng HS ở 30 lớp chọn kia thì không phải tất cả các em đều có khả năng đỗ tốt nghiệp THPT…

Thầy N.A. (GV một trường THCS ở Nghệ An) phản ánh : « Những nơi khác tôi không rõ. Nhưng ở huyện tôi, các GV thường nói chuyện với nhau rằng nếu đánh giá đúng thực chất học lực của HS thì chắc chắn hầu hết các trường đều có khoảng 10 % em học lực yếu. Con số này ở một số trường có thể thậm chí là 20 %. Cứ hình dung thế này : trong một tiết học, nếu GV kiểm tra bài cũ thì chỉ khoảng 5 HS trong một lớp học (sĩ số khoảng 30 HS/ lớp) được xem là có thuộc bài ».

Một chuyên viên cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (bộ GD-ĐT) thì cho rằng, thực tế không đến nỗi như các GV bình luận. Tuy nhiên, vị chuyên viên này cũng cho rằng, con số tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà các địa phương báo cáo không phản ánh đúng chất lượng dạy học trong các nhà trường phổ thông hiện nay. « Nhưng tôi không tin là chỉ có 30 – 40% HS có thể đỗ tốt nghiệp THPT. Tôi tin là cao hơn » vị chuyên viên đó nói.

Trong những nguyên nhân của tình trạng chất lượng kém trong các nhà trường phổ thông hiện nay, tất cả GV được hỏi đều nói đến là HS “mất gốc kiến thức cơ bản” từ các cấp học dưới. Kết quả học tập của HS tuy không đạt yêu cầu nhưng theo sự chỉ đạo từ “trên” xuống thì các trường đều phải “nhồi” lên (cho lên lớp). Nhiều nơi, có sự chỉ đạo rất vô lý : không cho phép tình trạng có HS lưu ban ở các lớp 1, 2, 3 (cấp Tiểu học). Học yếu mấy các em vẫn nghiễm nhiên lên lớp. Do đó, nhiều GV cấp THCS phàn nàn có một số lớn HS của họ khi lên lớp 6 rồi mà vẫn không biết làm các phép tính đơn giản, không biết viết một câu tiếng Việt chuẩn...

“ Mất gốc” kiến thức cơ bản từ cấp học dưới, lên đến cấp THPT khiến nhiều HS đi học như trong mộng mị. GV P.H. nhận xét : « Các em ngồi trong lớp nghe như “vịt nghe sấm”. Cũng có GV tâm huyết, tìm cách khắc phục cho các em nhưng rồi cũng đành phải bó tay bởi chính các em cũng chẳng hào hứng gì việc học ».

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, lãnh đạo bộ GD-ĐT luôn khẳng định rằng nạn “chạy theo thành tích” nếu có là do các địa phương ; bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo các đơn vị trong ngành là phải đánh giá thực chất. Một quan chức cao cấp của bộ – ông Trần Bá Giao, phó chánh thanh tra giáo dục, đã kêu than : «  Nếu ngành giáo dục làm chặt thì có thể tỷ lệ tốt nghiệp của HS tụt đi với tỷ lệ cách biệt so với năm trước thì lãnh đạo tỉnh lại có ý kiến đối với ngành  » (VietnamNet 3.6) . Tuy nhiên, theo các nhà giáo, bộ khó lòng thoái thác trách nhiệm nhà nước của mình. Báo Tiền Phong số đã dẫn trích lời một GV : « Theo tinh thần của những văn bản chỉ đạo chuyên môn từ Bộ GD-ĐT thì tôi nhận thấy chính Bộ GD-ĐT “ép” đơn vị “chạy theo thành tích. Đặt ra mục tiêu năm nọ năm kia phổ cập THCS, THPT ở bao nhiêu địa phương chính là Bộ. Đặt ra mục tiêu năm nọ, năm kia số phần trăm trường đạt chuẩn quốc gia cũng là Bộ… ».

Hai sự kiện đang được dư luận chú ý trong mùa thi này nói lên tính thiếu trách nhiệm đó của bộ GD-ĐT.
 

Một giám thị tố cáo tiêu cực

 
Tại Hà Tây, lần đầu tiên, một giáo viên (ông Đỗ Việt Khoa) công khai tố cáo các giám thị ở một hội đồng thi đã nhận tiền « bồi dưỡng » của « hội phụ huynh học sinh » (mỗi học sinh phải đóng 150 000 đồng phí bồi dưỡng này), và làm ngơ khi có người đưa bài giải vào phòng thi. Mặc dù ông Khoa đã chụp hình sự việc và đưa vào máy tính để giữ làm bằng cớ, nhưng cả giám đốc sở GD-ĐT Hà Tây và thanh tra bộ GD-ĐT vẫn lằng nhằng không muốn giải quyết sự việc. Hỏi giám đốc sở, giám đốc sở bảo có thấy bộ “nói” gì đâu mà xử lý ? Hỏi thanh tra bộ, thanh tra bộ nói đang… nghiên cứu ! Mãi ba tuần sau (ngày 22.6), do áp lực của dư luận, bộ GD-ĐT mới ra quyết định thanh tra và tổ chức chấm thi lại ở những Hội đồng thi tốt nghiệp THPT có tiêu cực… Hai ngày sau, sở GD-ĐT Hà Tây mới gửi tới báo chí lời "cảm ơn, nghiêm túc tiếp thu" những phản ánh về các vụ việc lộn xộn diễn ra tại một số hội đồng thi ở tỉnh mình, cùng với lời « hoan nghênh » hành động chống tiêu cực của thầy giáo Khoa... Sở cũng cho biết « UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định về việc thành lập đoàn thanh tra và hội đồng phúc khảo chấm lại bài thi của 3 hội đồng thi... để giải quyết vụ việc ».

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, hội đồng chấm thi đã phát hiện ra khá nhiều bài thi giống nhau, phải lập biên bản (Tiền Phong 28.6.2006). Còn ở bao nhiêu hội đồng thi khác mà báo chí đã phản ánh tình trạng « phao trắng đầy sân », chụp ảnh người ném phao vào phòng cho các thí sinh, nhưng bộ vẫn làm ngơ vì « không đủ bằng chứng cụ thể » thực ra là không có nguời can đảm đứng ra tố cáo như ở Hà Tây điều gì sẽ xảy ra nếu có sự chấm lại ?
 

Chuyện “kỳ lạ” ở Tiền Giang

 
Khác với Hà Tây, ít ra người ta có thể ghi nhận một tín hiệu tích cực đến từ những nhà giáo ở tỉnh Tiền Giang : chiều 16-6, sau nhiều cuộc họp, ban giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có quyết định hủy kết quả thi của 536/541 thí sinh dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại hội đồng thi (HĐT) trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy. Nghĩa là chỉ có... năm thí sinh được công nhận tốt nghiệp.

Theo báo Tuổi Trẻ (17.6) , hội đồng thi này có khoảng 70-80 % thí sinh là đối tượng cán bộ công chức ở huyện Cai Lậy. Họ là học viên các lớp bổ túc “hai năm ba lớp” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.

Tờ báo cho biết, cán bộ chấm thi của hội đồng đã phát hiện trong các bài thi môn toán và môn lý có nhiều bài giống nhau như khuôn đúc, giống cả những chỗ đúng và chỗ sai. Do đó, chủ tịch hội đồng thi đã báo cáo sự vụ lên sở GD-ĐT, và theo yêu cầu của sở, các giám khảo của hội đồng này đã phải dành thêm một ngày để rà soát lại toàn bộ bài thi hai môn toán và lý. Ngày 14-6, thống kê bước đầu cho thấy có đến 99 % thí sinh ở HĐT trường THCS Trừ Văn Thố đỗ tốt nghiệp. Trong đó, có trên 10 % thí sinh đạt điểm 8-9 ở môn toán và lý.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của thí sinh hệ bổ túc mà đối tượng dự thi là đa số cán bộ công chức cấp xã, huyện càng làm cho hội đồng chấm thi và ban giám đốc sở GD-ĐT nghi ngờ về tính trung thực của số bài làm này, nên quyết định rà soát lại thật kỹ. Và đến chiều 16-6, ban giám đốc sở GD-ĐT đã quyết định hủy kết quả bài thi của 536 thí sinh vi phạm căn cứ theo mục 3, điều 32 qui chế thi tốt nghiệp bổ túc THCS và THPT.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc sở GD-ĐT Trần Thanh Đức cho biết hiện tất cả bài thi và biên bản liên quan đến sự việc này đã được niêm phong chờ xử lý. Ông khẳng định rằng sở đã họp rất nhiều lần, xem xét rất kỹ các bài thi vi phạm rồi mới đưa ra quyết định hủy kết quả bài thi hai môn này vì vi phạm qui chế quá rõ ràng.

Ông Đức khẳng định sở cũng đã báo cáo vụ việc cho bộ GD-ĐT. Trong những ngày tới sở sẽ tiếp tục xác minh, xử lý đối với hội đồng coi thi Trường THCS Trừ Văn Thố.

Theo tìm hiểu của tờ báo, trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT (kể cả hệ bổ túc), các đoàn thanh tra của sở và bộ đã đi thực tế rất nhiều nơi, kể cả HĐT này nhưng không phát hiện được gì. Báo cáo cuối cùng cũng cho rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chỉ có hai thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm qui chế, nhưng không có thí sinh nào ở HĐT trường THCS Trừ Văn Thố !
 

Vietnam Airlines, những xì-căng-đan tiếp nối

 
Thời sự Việt Nam trong tháng qua còn được đánh dấu bằng những vụ tai tiếng khá « ấn tượng » của công ty hàng không Vietnam Airlines (viết tắt : VNA), nhưng cho đến nay ông Nguyễn Xuân Hiển, tổng giám đốc công ty quốc doanh này hình như vẫn chưa bị xử lý gì… Ông tổng giám đốc này là người đã từng lớn tiếng nói với phóng viên đài BBC (tháng 12.2004) lý do khiến hãng ông chưa mở đường bay tới Mỹ cùng lượt với United Airlines mở đường bay từ San Francisco đi VN là « bởi vì tôi không thích, bởi vì tôi chưa thích ».

Chắc hẳn do tác phong điều hành một công ty lớn bằng ý thích của mình nên chính ông đã ký giấy bổ nhiệm sai quy định 11 cán bộ, từ trưởng phòng đến giám đốc các đơn vị thuộc VNA được bổ nhiệm dù không đủ tiêu chuẩn, thiếu sót thủ tục hồ sơ, vi phạm quy trình, nguyên tắc ; ký quyết định cử nhiều học viên đi đào tạo tại các học viện hàng không ở nước ngoài bằng tiền của đơn vị (VNA hỗ trợ 2.500 USD/ năm), mặc dù không đúng đối tượng, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nhất là không tham gia xét tuyển, chấm điểm theo qui định. Trong đó, báo chí nêu rõ danh tính nhiều con em của một số quan chức cao cấp trong chính phủ (bộ trưởng, tướng lĩnh, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, chuyên viên cao cấp các bộ v.v.) mà chắc vì « thích » nên ông cứ cử đi, dù học viên đó đã từng… thi trượt vào đại học trong nước !

Có lẽ cũng vì « không thích » nên VNA đã không ngần ngại nói « không » khi phải cử người đi dự một vụ bị kiện bên Ý (năm 1994), để rồi, do vắng mặt nên bị toà xử thua dù chưa chắc mình có lỗi [Nói cho công bằng, lúc đó ông Hiển chưa làm tổng giám đốc VNA, nhưng cái văn hoá doanh nghiệp nổi tiếng của công ty này chắc đã định hình… và kéo dài chưa dứt !].  Số tiền phạt cũng ít thôi, chỉ là 90.000 USD, nhưng chắc do « không thích » trả nên, sau vài năm lần lữa, bên nguyên thì cứ thích đòi, nên toà lại tăng tiền cả phạt và bồi thường lên 1,3 triệu euros (năm 2002) và tới khi bị một toà án Pháp gửi thông báo cho biết sẽ phong toả một tài khoản của VNA tại Paris tương ứng với số tiền 1,3 triệu euros đó (vì VNA không có tài sản ở Ý nên « bên kia » đã nhờ toà án Pháp thụ lý vụ việc, theo một nguyên tắc pháp lý của Liên hiệp châu Âu) tháng 6.2004, mới báo cáo với chính phủ. Song song, VNA kháng án, nhưng tháng 6 năm nay, toà phúc thẩm Paris bác đơn kháng án, và con số VNA bị buộc phải trả tăng lên đến 5,2 triệu euros ! Hiện nay, VNA còn theo đuổi vụ kiện vì cho rằng mình đã nắm được « chứng cớ » bên nguyên có « biểu hiện gian lận », nhưng trước mắt đã phải xin chính phủ cho phép lấy từ quỹ dự phòng của VNA số tiền 5,2 triệu euros để chuyển vào một tài khoản phong tỏa được mở theo tên của ông Chủ tịch luật sư đoàn Paris. Tiền nằm chờ, tất nhiên không được dùng cho kinh doanh trong khi chờ đợi…

Và chắc vì « thích » thế nên mặc dù có ý kiến phản đối của Cục Hàng không dân dụng, VNA vẫn ký mua của Boeing 4 máy bay đường dài Boeing 777-200ER và của hãng Pratt-Whitney những chiếc động cơ chỉ đủ hoạt động tầm trung để gắn vào, biến Boeing 777 thành máy bay đường… gần, trừ khi muốn nâng cấp các loại động cơ này để máy bay có thể bay xa : phí tổn mỗi chiếc thêm 6 triệu đô la !

Còn nhiều chuyện khác nữa mà một bài ngắn không thể kể hết, nhất là không thể đi vào chi tiết (chỉ chép tin các báo trong nước để soạn đoạn tin ngắn này, người viết đã có một tệp hơn 30 trang A4, chữ nhỏ !). Theo yêu cầu của thủ tướng, thanh tra chính phủ đang phải lên kế hoạch để tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước tại VN Airlines trong việc thuê máy bay Boeing 777 ; mua sắm động cơ, phụ tùng thay thế máy bay ; đầu tư mua sắm thiết bị tin học ; việc tổ chức hoạt động của các đại lý bán vé máy bay ở nước ngoài và hoạt động kinh doanh của một số công ty thuộc VN Airlines ; dự án Hangar A76 (nhà sửa máy bay) tại sân bây quốc tế Nội Bài ; chi phí cho các đoàn có lãnh đạo tổng công ty đi công tác ở nước ngoài…

Song, như bài viết ngắn của Bút Bi (báo Tuổi Trẻ) trong khung dưới đây cho thấy, vấn đề còn ở chính cuộc thanh tra…
 

Chuyện lớn !

‒ Cái tổng công ty này lại bị thanh tra. Chắc là có tí chuyện...

‒ Chuyện gì ?

‒ Lấy đôla cho con cái VIP đi du học.

‒ Chuyện nhỏ !

‒ Bố trí, bổ nhiệm cán bộ hết sức tùy tiện, nhất là con em VIP.

‒ Cũng chuyện nhỏ !

‒ Làm cái hangar từ 2 triệu đôla lên 8 triệu đôla, đến nay không quyết toán nổi.

‒ Lại chuyện nhỏ !

‒ Những bí ẩn trong việc thuê máy bay, mua động cơ, những “công ty gia đình” của các sếp ?

‒ Vẫn chuyện nhỏ, chuyện nhỏ !

‒ Thế cái gì mới là chuyện lớn chứ ?

‒ Đó là chuyện : những vụ việc nghiêm trọng trong bóng tối này đã được nhiều người biết, nhưng lại không chịu đưa nó ra ánh sáng. Sau chín lần thanh tra, kiểm tra là... đâu lại vào đấy. Tại sao ? Câu trả lời này mới là chuyện lớn !
    

BÚT BI

(Tuổi Trẻ 5.6.2006)

« Chống tham nhũng » ?

 
Liên quan tới vụ chạy án cho nguyên tổng giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng, một nhân vật « tự dưng » bị báo chí nhắc tới vì có mặt trong một bữa ăn do đàn em của Dũng tổ chức (bữa ăn này cũng là nguyên nhân khiến thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh mất chân vào trung ương đảng) : ông Nguyễn Văn Lâm, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ (VPCP).

Các báo bỗng nhớ lại một vụ việc xảy ra từ ba năm trước, chính xác là ngày 11.4.2003.

Hôm đó, ông Lâm đã để quên một chiếc cặp số, trong đó có rất nhiều tiền tại sân bay Nội Bài. Do chiếc cặp không khóa nên các nhân viên có thể thấy rõ một số phong bì và danh thiếp của ông Nguyễn Văn Lâm.

Qua kiểm tra (có mặt ông Lâm), chiếc cặp chứa 11 chiếc phong bì, năm chiếc đựng tiền USD và sáu chiếc đựng tiền VN, trong đó một số chiếc có đề địa chỉ của các đơn vị hữu quan. Phong bì nhiều nhất chứa 5.000 USD và ít nhất là 1 triệu đồng. Số tiền trong 11 chiếc phong bì được xác nhận là 10.300 USD và 20 triệu đồng… Nhưng vụ việc mau chóng được cho chìm xuồng… cho tới khi tên ông Lâm tái xuất hiện trong vụ chạy án cho Bùi Tiến Dũng.

Trong kỳ họp quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao về vụ việc này.

Theo báo Tuổi Trẻ, bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao xác định “ việc đồng chí Lâm nhận phong bì là khuyết điểm, vi phạm qui định của trung ương, đạo đức công chức nhưng xét thấy việc làm của đồng chí Lâm không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi hỏi các đơn vị để được nhận các phong bì trên (sic)” và “ tuy Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không có chỉ đạo xử lý số tiền trên nhưng đồng chí Lâm đã tự nguyện đề nghị được nộp lại số tiền cho công quỹ (nên sẽ không có việc truy xét gì khác) ”.

Một đại biểu khác hỏi lại “ Số tiền được chấp nhận nộp vào công quỹ là quỹ gì, của cơ quan nào? Nếu đồng chí Lâm không có nguyện vọng nộp lại thì có bị thu hồi bắt buộc hay không ?”, thì được trả lời : là người đứng đầu VPCP, « tôi đã cân nhắc và chấp nhận đề nghị của đồng chí Lâm nộp số tiền trên vào quỹ Công đoàn VPCP, dùng để giúp đỡ, ủng hộ đồng bào nghèo gặp thiên tai, hoạn nạn ; giúp quỹ khuyến học của huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang, là nơi Chính phủ đặt trụ sở đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp...) ».

Câu trả lời đăng trên báo đã lập tức bị nhiều độc giả gửi thư phản đối, mà Tuổi trẻ đã đăng lại dưới tựa đề « Chúng tôi không cần tiền bẩn » (báo ngày 25.6.2006).

Dưới đây là đoạn thư của độc giả mà Tuổi Trẻ mượn làm tựa bài báo :

« Xin đừng đem người nghèo ra để sửa chữa những hành vi vi phạm pháp luật. Nghèo nhưng chúng tôi vẫn sống một cuộc sống lương thiện, không cần ai bố thí bằng "tiền bẩn" » (NTH)

Theo ông Đoàn Mạnh Giao, « hiện nay đồng chí Nguyễn Văn Lâm được phân công theo dõi công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật ». Miễn bàn thêm.

 


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss