Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 164 - 07.2006 / World cup

World cup

- Dương Tường — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 01/06/2007 18:03
Thử tạm liệt kê các cách ngươi ta phát âm cái từ “hoàng đế” này : uôn cúp, uôn cớp, uôn cắp, ua cớp, uơ cớp, quơ cớp, quơ cúp, un cúp, un cớp, un cắp…phổ biến nhất là uôn cúp.
   

World cup, U-ơ-cớp
hay nạn “Tây bồi”


Dương Tường

   

‒ Ông ơi, ây-ti nghĩa là gì ? cháu gái tôi hỏi. Nó đang xem truyền hình.

Ây-ti ? tôi hỏi lại. Con thấy từ ấy ở đâu ?

Trong chương trình “1, 2, 3 Việt Nam” của VTV 3. Con thấy các cô các chú ấy cứ luôn mồm ây-ti, ây-ti. Đây này (nó chỉ hai chữ viết tắt AT trên màn hình).

‒ Ông chỉ biết có cụm từ automatic transmission được viết tắt là AT, nghĩa là hệ thống sang số tự động. Nhưng ở đây hình như ây-ti được dùng theo nghĩa nào khác mà ông chưa học tới.

‒  Ông dịch bao nhiêu sách mà chưa học tới chữ ây-ti à ?

 
Tôi đem cuốn từ điển chữ viết tắt Dictionary of Acronyms and Abbreviations ra tra, thì ngoài từ mục AT viết tắt của automatic transmission, còn có at thay cho astatine là kí tượng hoá học của Nguyên tố 85. Cả hai nghĩa cùng không phù hợp trong trường hợp này. Đành khất cháu “ để ông hỏi những người rành hơn .”

Tôi không muốn nói với cháu rằng các cô các chú nhà đài hình như sính nói tiếng tây mà nhiều khi không cần hiểu nghĩa và xuất xứ của chữ mình đang dùng. Cái bệnh này giờ đây đã đến độ trầm trọng. Tôi đã có lần phát biểu với một phóng viên rằng có lẽ nước ta thuộc loại vô địch về dùng tiếng tây bồi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hằng ngày, đài nói cũng như đài hình nã vào tai chúng ta hàng tấn tiếng tây giả cầy. Không biết từ bao giờ kẹo cao-su biến thành “xinh-gum” ? Live show là cuộc biểu diễn trực tiếp trước khán giả, không qua băng, đĩa ghi lại, trước nay vẫn gọi là biểu diễn sống (như cách nói: dàn nhạc sống) hay chỉ đơn giản là biểu diễn, nhưng bây giờ cứ phải uốn giọng “lai-sâu” thì mới là sành điệu ! Xin thú thực là nghe các phát thanh viên đài nói cũng như đài hình đọc những tên riêng nước ngoài mà tôi ngượng chín cả người. Đặc biệt là các bình luận viên bóng đá. Phần lớn tên các cầu thủ nước ngoài bị phát âm sai. Tôi không hiểu làm sao các bạn này, hầu hết đã trên mười năm thâm niên trong nghê, lại không đặt việc trau dồi ngoại ngữ thành một tiêu chí tu dưỡng nghiệp vụ.

« NIU »

 
Hình như việc sính tiếng nước ngoài – chính xác hơn là tiếng Mỹ – có điều gì sâu xa hơn việc thích khoe khả năng u-ơ của các nhà báo.

Bài viết của DT làm tôi liên tưởng đến cuộc thảo luận « Nước VN ta nhỏ hay không nhỏ ? » mà báo Thanh Niên đang mở ra, và các bài viết được đánh dấu một cách kiêu sa bằng từ « new » khi nó vừa được đưa lên mạng (của nhiều tờ báo chứ không phải chỉ riêng Thanh Niên, có lẽ chỉ trừ tờ Sài Gòn Tiếp thị). « New » dĩ nhiên là sang hơn « Mới » chứ. Cũng như, các mục trò chơi trên mạng ắt phải dùng từ « game » (và người chơi là « game thủ » !) mới sang. Còn việc người Mỹ khi nói về các trò chơi của thời đại máy tính chẳng thấy cần dùng từ nào mới hơn là cái từ cũ rèm “game” của tiếng nước họ, chẳng phải là thêm một bằng chứng cho sự cao sang của tiếng Anh đó sao ? Tiểu bang thứ 52 của Hoa Kỳ ắt sẽ sang hơn cái thân phận VN nhược tiểu kia, có gì mà phải hỏi ?

Cái gì ẩn sâu trong tiềm thức...

Người Đánh Máy

Nhắc đến bóng đá, không thể không trở lại sự lạm dụng quá đáng từ world cup đến mức lố bịch. Từ này mới xuất hiện và trở nên thông dụng từ hôi USA 1994. Và cho đên nay, suốt 12 năm, nó chiếm ngôi độc tôn, trở thành một từ “hoàng đế,” đánh bật cả cách gọi gọn tiên dễ đọc bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta là Cúp thế giới. Thật vậy, giờ đây, trên báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng, chỉ toàn thấy world cup, world cup, world cup, rất khó tìm ra mấy tiêng Cúp thế giới. Thậm chí, hình như người ta thấy ngượng mồm khi nói : Cúp thế giới. Mà khốn nỗi từ world cup (phiên âm quốc tế là : wз:ld kÙp) đâu có dễ phát âm nhất là chữ world bởi hai phụ âm cuối (ld) tuy câm nhưng vẫn phải làm sao để vẫn cảm thấy nó. Thử tạm liệt kê các cách ngươi ta phát âm cái từ “hoàng đế” này : uôn cúp, uôn cớp, uôn cắp, ua cớp, uơ cớp, quơ cớp, quơ cúp, un cúp, un cớp, un cắp…phổ biến nhất là uôn cúp. Ôi chao, tiếng mẹ đẻ ngon lành thì không dùng, lại thích nói ngọng ! Tôi thật sự lấy làm lạ là không thấy ai bày tỏ bất bình về điều này. Chẳng lẽ những người yêu tiếng mẹ đẻ không thấy đau sao ? Tôi phải nhắc lại: tôi không phải là người thuần tuý chủ nghĩa (puriste). Tôi ủng hộ và hoan nghênh việc Việt hoá những từ nước ngoài thông dụng, điều đó chỉ làm giàu thêm tiếng nước ta. Bản thân tôi, trong nhiều bài viết khi cần vẫn hay dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong những văn cảnh mà tôi thấy là thuận và tự nhiên. Nhưng lạm dụng tới mức như trường hợp từ world cup, thì quả là một sự xúc phạm đối với tiếng mẹ đẻ.

Nhân dịp vòng chung kết Cúp thế giới sắp khởi tranh tại Đức, tôi đề nghị : đã đến lúc nên chấm dứt ngôi độc tôn của nó. Không phải là loại bỏ, mà cùng với World Cup 2006, ta có thể dùng nhiều từ khác: Deuschland 2006 (để tôn trọng nước chủ nhà như trước kia ta gọi Espana 1982, Mexico 1986, Italia 1990…), Mondial 2006, Mundial 2006 và tất nhiên là cả Cúp thế giới 2006 cho nó nhiều màu vẻ.
 

DƯƠNG TƯỜNG

Nguồn : Tác giả gửi cho Diễn Đàn, 5/2006, tựa là của toà báo.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us