Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 164 - 07.2006 / Xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động

- Trần Văn Thọ — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 01/06/2007 18:03
Một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước nầy không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Có kế hoạch chấm dứt tình trạng nầy trong một thời gian càng ngắn càng tốt là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.
 
 

Vấn đề xuất khẩu lao động
tại Việt Nam

 

Trần Văn Thọ

Đại học Waseda, Tokyo

   

Trong thời đại toàn cầu hoá, lao động di chuyển từ nước này sang nước khác đã trở thành hiện tượng khá phổ biến. Tuy không nhộn nhịp như tư bản và công nghệ, lao động cũng là một yếu tố sản xuất ngày càng vượt biên giới tìm nơi có mức thù lao cao hơn. Tuy nhiên, khác với sự di chuyển của lao động trí thức đã có từ trước, xuất và nhập khẩu lao động giản đơn (unskilled labor, less-skilled labor) hay lao động chân tay (blue-collar workers) là hiện tượng tương đối mới. Vấn đề nầy cũng phức tạp, không thể chỉ xét ở khía cạnh thuần kinh tế. Bài nầy bàn về trường hợp lao động giản đơn nầy. Câu hỏi đặt ra ở đây là Việt Nam cần suy nghĩ như thế nào về vấn đề xuất khẩu lao động ?
 

Thấy gì từ những nước xuất và nhập khẩu lao động ?

Những nước cần nhập khẩu lao động có hai loại : một là những nước dân số ít mà giàu tài nguyên như ở Trung Đông, ở đây thiếu lao động trong các ngành xây dựng, dịch vụ, nhất là dịch vụ tại tư gia; hai là những nước đã phát triển, kể cả những nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia. Trong nhóm thứ hai, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang những ngành dùng nhiều tư bản, công nghệ và lao động trí thức, và chuyển sang nước ngoài (đầu tư trực tiếp, FDI) những ngành có hàm lượng lao động giản đơn cao. Tuy nhiên, tại những nước công nghiệp mới, những ngành dùng nhiều lao động giản đơn có quy mô khá lớn nên không thể chuyển hết ra nước ngoài. Thêm vào đó, trong những ngành đang phát triển mạnh tại những nước nầy, nhiều công đoạn còn dùng lao động giản đơn nên nhu cầu nhập khẩu lao động tăng. Tại những nước phát triển (Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật), nhu cầu lao động tăng trong ngành xây dựng, ngành dịch vụ ẩm thực, dịch vụ săn sóc người cao tuổi, một số nước cần lao động trong nông nghiệp.

Ở đây cần lưu ý một điểm là tại các nước đã phát triển không phải là không còn tồn tại lao động giản đơn. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ số người mới ở trình độ giáo dục cưỡng bách. Tuy nhiên vì tiền lương nói chung đã tăng cao theo mức sống của xã hội, các xí nghiệp có khuynh hướng thuê mướn lao động nước ngoài để giảm chi phí. Mặt khác, lao động bản xứ có khuynh hướng tránh những loại công việc mà môi trường lao động không tốt, dễ gặp tai nạn, như ở các công trình xây dựng. Tại Nhật 3 loại công việc, mà tiếng Nhật gọi là 3K, phải nhập khẩu lao động nước ngoài vì không thuê mướn được lao động bản xứ : nguy hiểm (kiken), môi trường làm việc không sạch sẽ (kitanai) và điều kiện lao động khắc nghiệt (kitsui) như nóng nảy, ngột ngạt.

Về phía các nước xuất khẩu lao động, nói chung đây là những nước kém phát triển, hoặc phát triển với tốc độ chậm mà lại không ưu tiên đẩy mạnh các ngành dùng nhiều lao động. Cho đến nay, những nước xuất khẩu lao động vừa nhiều về số lượng vừa có tỉ lệ cao trong tổng dân số của nước đó là Lebanon, El Salvador, Columbia, Pakistan và Phi-li-pin. Riêng Phi-li-pin, hiện nay có khoảng 8 triệu người làm việc ở nước ngoài, bằng khoảng 10 % dân số nước nầy. Hằng năm ngoại hối do lao động xuất khẩu gửi về qua đường chính thức khoảng 10 tỉ USD, xấp xỉ 10 % GDP.

Nhìn chung có thể thấy một số đặc điểm cơ bản liên quan đến lao động xuất khẩu và liên quan đến những nước xuất khẩu nhiều lao động :

Thứ nhất, lao động giản đơn xuất khẩu sang các nước phát triển nhất là các nước công nghiệp mới thông thường làm việc trong những môi trường khó khăn, quyền lợi của người lao động dễ bị xâm phạm nếu việc xuất nhập khẩu lao động không được tổ chức chu đáo, không có sự cam kết của xí nghiệp dùng lao động và sự giám sát của các cơ quan của nước sở tại.

Thứ hai, vì là lao động giản đơn, trình độ học vấn, trình độ văn hoá của người đi lao động nước ngoài thấp nên khó thích nghi với điều kiện văn hoá, xã hội nước ngoài. Không ít người thất vọng với hoàn cảnh sống và làm việc ở xứ người, và có nhiều trường hợp phạm pháp xảy ra, gây ra hình ảnh xấu cho nước xuất khẩu lao động. Ngoài ra, cùng với điểm thứ nhất, lao động có trình độ văn hoá thấp thường dễ bị bóc lột tại xứ người.

Thứ ba, nước xuất khẩu lao động hầu hết là những nước không thành công trong các chiến lược phát triển kinh tế. Với trình độ văn hoá thấp, người dân các nước nầy không khỏi không lo âu khi rời xứ sở ra nước ngoài làm việc. Tại Á châu, ngay cả việc rời nông thôn để ra thành thị đối với họ cũng không phải là sự chọn lựa dễ dàng. Thành ra, nếu trong nước có công ăn việc làm, ít người muốn tham gia xuất khẩu lao động.

Thứ tư, cho đến nay, trong những nước xuất khẩu lao động chưa thấy nước nào đưa vấn đề nầy vào trong chiến lược phát triển kinh tế chung, trong đó lao động được đưa đi sẽ bảo đảm rèn luyện được tay nghề khi trở về, ngoại hối thu được sẽ được dùng một cách hiệu quả trong việc du nhập công nghệ, tư bản, v.v... và có kế hoạch chấm dứt xuất khẩu lao động trong tương lai. Chỉ thấy có truờng hợp (như Malaysia đã làm 20 năm trước) tích cực đưa thực tập sinh sang tu nghiệp ngắn hạn tại các nước tiên tiến để sau đó về làm việc với năng suât cao hơn tại các nhà máy hoặc các cơ sở kinh tế khác, nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển chung. Nhưng thực tập sinh khác về chất với vấn đề xuất khẩu lao động.
 

Vấn đề của Việt Nam

Một khu vực béo bở…

Trong cuộc họp báo ngày 16.6.2006 về tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, phó cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết trong thời gian tới Đài Loan sẽ xem xét việc tiếp nhận trở lại lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh tại nhà của VN. Trước đó, từ ngày 20.1.2005, Đài Loan dừng tiếp nhận lao động VN ở hai lĩnh vực nói trên do tỉ lệ lao động bỏ trốn quá cao (chiếm khoảng 9 %). Ông Quỳnh phấn khởi cho biết VN có thể được cho phép nối lại cung ứng lao động với Đài Loan là nhờ « cải thiện và hạn chế đáng kể được tình trạng lao động bỏ trốn », nhưng không nói rõ những lý do khiến người lao động bỏ trốn « nhiệm sở » của mình. Trong buổi thảo luận về dự luật XKLĐ ngày 5.6 vừa qua, một nữ đại biểu quốc hội đã đề nghị bỏ việc tuyển chọn lao động giúp việc gia đình đi làm việc ở nước ngoài vì dễ bị lạm dụng tình dục : « Sau khi đi tiếp xúc cử tri chúng tôi nghe phản ảnh rất nhiều về vấn đề này. Nơi đất khách quê người, ngôn ngữ bất đồng, nếu bị lạm dụng thì chị em cũng không biết kêu vào đâu ».

Có không ít khả năng là cái cục Quản lý của ông Quỳnh còn nhiều việc làm khác hấp dẫn hơn việc ra sức bảo vệ người lao động nơi đất khách quê người.

Sự nở rộ của những « cò XKLĐ » chẳng hạn. Theo VnEconomy 4.4.2006, mỗi lao động sang Hàn Quốc phải nộp trước cho « cò » từ 4 tới 8 ngàn USD trong khi chi phí đi lao động ở nước này, theo qui định của nhà nước, chỉ là 699 USD. Hầu hết các doanh nghiệp làm XKLĐ là quốc doanh, tại sao người đi lao động lại phải qua trung gian của cò mồi ? Những ai được « ăn » trong các dịch vụ trung gian đó ? Tại sao báo chí nói rất nhiều tới những vụ lừa đảo trong khu vực này mà cục Quản lý vẫn bình chân như vại ? v.v.

Câu hỏi còn nhiều, và nếu có một cuộc tổng thanh tra khu vực, chắc hẳn người ta sẽ thấy « ở trong còn lắm điều hay », nhưng có thể « cá độ » là tựu trung vẫn xoay quanh câu chuyện cái cơ chế xin–cho và những người nắm đầu mối của cơ chế đó…

H.V.

Không kể thời kỳ quan hệ kinh tế mật thiết với các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động của VN tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á, nhất là Ma-lai-xia, Đài Loan và Hàn Quốc. Gần đây, thị trường xuất khẩu lao động mở rộng sang Trung Đông, Tây Âu và Mỹ. Từ năm 2001, bình quân mỗi năm có 70.000 lao động được đưa đi ra nước ngoài. Hiện nay có hơn 400.000 lao động VN làm việc tại 40 nước và lãnh thổ, trong đó riêng tại Malaysia có hơn 100.000 người, chíếm độ 10 % tổng số lao động nhập khẩu của nước nầy.

Báo chí trong nước đã nói nhiều về tình trạng khó khăn, nhiều trường hợp rất bi thảm, của người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Từ những phân tích ở trên ta cũng hiểu được điều nầy. Cùng với hiện tượng ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chỉ vì mục đích giải quyết khó khăn về kinh tế, việc xuất khẩu lao động trở thành vấn đề bức xúc của xã hội ta, xúc phạm lòng tự trọng của người Việt Nam. Đặc biệt xuất khẩu lao động làm cho hình ảnh của VN trên thế giới không mấy sáng sủa. Tổn thất nầy có bù đắp được bằng mấy tỉ đô la ngoại hối do xuất khẩu lao động mang lại hàng năm ?

Trong nước đương bàn về dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật nầy vào cuối năm 2006. Việc tổ chức hy vọng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trên căn bản, tôi nghĩ vấn đề xuất khẩu lao động của Việt Nam cần được giải quyết theo hướng sau :

Thứ nhất, cần đưa vấn đề nầy vào trong một tổng thể của chiến lược phát triển kinh tế, trong đó điểm mấu chốt là giải quyết công ăn việc làm cho mọi người có khả năng lao động. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thu hút FDI, việc dùng ngân sách để yểm trợ các dự án phát triển công nghiệp phải hướng vào điểm mấu chốt đó. Việc hoạch định chính sách theo hướng đó và công bố rộng rãi chính sách nầy sẽ làm người dân tin tưởng vào tương lai đất nước, thấy an tâm là mình sẽ không bị bỏ rơi trong quá trình phát triển và như vậy giảm được áp lực tham gia xuất khẩu lao động..

Thứ hai, đặt kế hoạch đưa lao động đi thực tập và làm việc tại các nước phát triển theo một chương trình chuẩn bị chu đáo để bảo đảm người lao động có thể học tập qua công việc và quyền lợi lao động được bảo vệ. Những lao động được chọn đi không nên là lao động quá giản đơn (unskilled) mà là lao động có một trình độ học vấn nhất định (semi-skilled) để dễ thích nghi với điều kiện văn hoá, xã hội ở nước ngoài và nhất là để có thể lãnh hội tri thức mới qua công việc.

Thứ ba, có lẽ trong vài năm trước mắt chưa thể chấm dứt ngay vấn đề xuất khẩu lao động, do đó cần tổ chức tốt để hoạt động nầy có hiệu quả hơn, tránh tình trạng lao động bị bóc lột như trong thời gian qua. Nói cụ thể hơn, cần thu thập, phân tích thông tin liên quan đến thị trường lao động, tổ chức theo dõi, quản lý tại các nước và phổ biến rộng rãi trong nước để người dân có đủ cơ sở chọn lựa tham gia xuất khẩu lao động hay không.

Để kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh lại điểm nầy : Một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước nầy không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Có kế hoạch chấm dứt tình trạng nầy trong một thời gian càng ngắn càng tốt là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.
 

Trần Văn Thọ


Chú : Tư liệu về xuất khẩu lao động của VN tham khảo từ Website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (http://www.molisa.gov.vn) và Thời báo kinh tế Việt Nam 2/6/2005 và 6/2/2006. Tư liệu về xuất nhập khẩu lao động trên thế giới tham khảo từ nhiều nguồn tiếng Nhật và tiếng Anh, đặc biệt bài viết của Prema-chandra Athukorala, International Labour Mỉgation in East Asia : trends, pattern and policy issues, Asian-Pacific Economic Literature, Vol 20 No.1 (May 2006).

   

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss