Chuyện hợp tác xã
Chuyện thời bao cấp
Chuyện hợp tác xã
Nguyễn Thông
Nhớ hồi xảy ra chuyện ông Võ Kim Cự “người hùng” Formosa bị hàng loạt án kỷ luật, sau đó đó phải thôi chức Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam để về hưu (chắc là tiếc đứt ruột), bất giác nhớ những gì liên quan đến hợp tác xã hồi trước.
Bây giờ, mở tờ báo ra là thấy nhan nhản những công ty, tổng công ty, tập đoàn, những đơn vị kinh tế hùng mạnh, những quả đấm thép này nọ, với người đứng đầu là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch quyền nghiêng thiên hạ. Nhưng cái thời tôi còn trẻ, báo chí ít, lèo tèo vài tờ báo giấy, giá có mở ra thì cũng chỉ thấy nói đến hợp tác xã. Một nước (thực ra là nửa nước) với 17 triệu người, 90% là nông dân thì không bàn chuyện hợp tác cũng chả có gì để buôn chuyện. Chỗ nào cũng nói hợp tác xã. Hình ảnh cán bộ hợp tác được nhắc nhiều hơn cả bộ đội, công nhân. Thày tôi cười bảo không có nông dân thì đói rã họng. Cụ Hồ sinh thời đi công tác dã ngoại chủ yếu về nông thôn thăm hợp tác xã, nào tát nước, nào đẩy máy cấy, nào xắn quần lội bùn... Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang làm tướng được cử sang phụ trách nông nghiệp. Nhắc nhiều đến mức người ta viết tắt thành HTX cho gọn, viết mãi thành quen, cứ đọc 3 chữ cái tắt ấy là hiểu ngay hợp tác xã, không cần ai giải thích.
Những năm 60 - 70 ở miền Bắc, HTX có 2 loại chính: HTX nông nghiệp và HTX của những ngành nghề khác, ví dụ HTX mua bán (thương nghiệp), HTX vận tải, HTX bốc vác, HTX tín dụng, HTX chụp ảnh, HTX may mặc, HTX xe bò, v.v.. Phổ biến nhất, đáng kể nhất là HTX nông nghiệp và HTX mua bán. Xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi) có cả hai HTX ấy.
Những năm 1953 - 1956, chính quyền cách mạng thực hiện cuộc cải cách ruộng đất tịch thu ruộng đất nhà cửa của địa chủ phú nông chia cho nông dân. Trong những thất bại của cách mạng thì đây là “thất bại vĩ đại” nhất, kinh khủng nhất, tuy nhiên ráng gạn đục khơi trong thì cũng nên công nhận một điều là khá đông nông dân nghèo (chứ không phải tất cả) nhờ đó đã có ruộng đất, có đất đai mà làm ăn canh tác. Mơ ước nghìn đời “người cày có ruộng” thành sự thực, dù nó phải trả bằng bao nhiêu máu, bi kịch của người khác.
Chỉ có điều, ruộng đất về tay nông dân chưa được bao lâu thì vài năm sau chính quyền lại làm cuộc cách mạng vĩ đại tiếp theo là tịch thu ruộng đất của nông dân, bắt buộc họ vào HTX. Lần này triệt để hơn, bất cứ hộ nông dân nào, dù trước đó có được chia ruộng đất hay không, dù đất đai do cha ông để lại, dù tự mua được, đều phải “tự nguyện” làm đơn “xin gia nhập HTX”. Sau này tôi còn biết thêm nhiều dạng “tự nguyện” như thế, kiểu như nhà máy dệt Cự Doanh ở Hà Nội phải tự nguyện công tư hợp doanh, cuối cùng tài sản mất hết vào tay nhà nước. Ở miền Nam sau 1975 những gia đình nào muốn đi xuất cảnh phải làm đơn tự nguyện hiến nhà cho nhà nước (không thì muôn đời chẳng được xét), các hãng xe đò Hưng Long, Phi Long, Phi Hổ lừng danh phải tự nguyện nộp xe cho HTX nhà nước, chủ hãng chỉ được vinh dự là lái xe làm công ăn lương...
Thày bu tôi chịu khó làm ăn cày cấy, tiền bạc dành dụm từng đồng nên thập niên 1950 dần mua được ruộng. Tới đầu thập niên 1960 nhà tôi có gần 9 sào (mỗi sào Bắc bộ rộng 360 mét vuông), tổng cộng hơn 3.000m2 vừa nhà cửa, vườn tược, ruộng nương, thực ra không phải là nhiều, chừng ấy chỉ đủ cho một gia đình nông dân sống tạm đủ. Trận cuồng phong HTX lan tới quê tôi (Hải Phòng), hầu hết hộ dân phải nộp đất nộp trâu vào hợp tác. Tới năm 1963 xã tôi chỉ còn 3 hộ cá thể là nhà tôi, nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu chưa vào. Lý do, thày tôi sau vài năm quan sát chuyện làm ăn của HTX nhận thấy cái tập thể này ngày càng “phú quý giật lùi”, người ta chỉ dựa dẫm nhau, người lười cũng như người chăm chả phân biệt gì, thóc gạo khoai sắn ngày càng ít, nồi cơm độn rau củ thay gạo ngày càng nhiều, nhìn chung là đói, đói vàng mắt, nên nhất quyết không chịu vào. Thày tôi bảo vào mà đói rã họng thì vào làm gì.
Hồi ấy người ta hay kể cho nhau nghe chuyện trời sáng bảnh mắt, mặt trời lên cao cả cây sào, xã viên mới đủng đỉnh ra đồng. Chả ai tha thiết với ruộng đồng, với việc chung, chỉ cốt có mặt, có công điểm để được chia thóc thôi. Có cả chuyện mấy bác xã viên đi đập nương (đập đất cày ải cho tơi), cứ đủng đỉnh vài vồ lại ngưng, nghỉ giải lao chán chê mới từ tốn giương cái vồ lên đập, đúng lúc nghe tiếng kẻng báo hết buổi làm liền không tội gì đập xuống nhát ấy, tiện thể vác luôn vồ lên vai về nhà. Chả bù với nhà tôi cũng như nhiều nhà khác khi chưa vào hợp tác, biết mùa hè nắng gắt nên cả nhà ra đồng sớm lúc còn tinh mơ, làm tầm sớm này rất mát, nào tát nước, đập nương, dỡ khoai, gặt lúa, làm cỏ, bón thuốc lào... nên khá nhàn nhã mà được việc. Thuế má, lương thực nghĩa vụ cho nhà nước vẫn nộp đủ, nồi cơm trắng thơm không phải độn, có tiền mua con cá con tôm. Nhiều nhà xã viên cũng biết vậy nhưng họ đã trót vào hợp tác mất rồi, không giãy ra được.
Cuối năm 1963, thấy vận động không được, chính quyền thông báo sẽ cưỡng bức 3 hộ phải vào HTX bởi không thể để vài gia đình lạc hậu cản trở con đường tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Không vào hợp tác sẽ không có nước tưới ruộng, con cái không được kết nạp đoàn, nhà đông con đi học không được miễn giảm học phí, không cho đứa nào đi học chuyên nghiệp, đi thoát ly, riêng chỉ có mỗi đi bộ đội thì được. Căng quá, thày bu tôi tặc lưỡi, không vào thì sẽ khổ các con. Đời mình đã trót rồi, nhưng còn tương lai chúng nó. Thế là đầu năm 1964, ba thành lũy cuối cùng làm ăn tư hữu, nhà tôi, bác Ỷ, bà Nhu làm “đơn tự nguyện vào hợp tác”, phất cờ trắng đầu hàng. Chín sào đất mồ hôi nước mắt gom góp được bị công hữu hóa gần hết, nhà nước chỉ chừa cho hơn sào đất thổ cư.
HTX nông nghiệp là sản phẩm của những người chủ trương tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Hồi ấy (những năm 1960 - 1970) bên Liên Xô có nông trường - nông trang, bên Trung Quốc có công xã, thì ta chả nhẽ không đi theo. Bước đi đầu tiên là HTX, rồi sau đó cũng sẽ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên nông trường, công xã. Cuối cùng là thế giới đại đồng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Cứ Liên Xô, Trung Quốc thế nào thì ta phải như vậy.
Hồi tôi còn bé, thường thấy các anh chị thanh niên buổi tối tập trung ngoài sân HTX tập văn nghệ, hò hát nhảy múa. Cứ sẩm tối họ đã í ới gọi nhau. Cả ngày làm quần quật nhưng tối phải sinh hoạt đoàn, phải tập văn nghệ để thể hiện niềm vui, niềm yêu cuộc sống mới. Họ hát ca ngợi nông trường ở Liên Xô “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”, ca ngợi công xã bên Trung Quốc “công xã là mây xanh, là hoa đẹp sáng tươi, rọi chiếu trên đồng quê trên bao gia đình trong ấm êm”, đại loại tôi còn nhớ như vậy. Sau này có nghe mấy người đi Triều Tiên về kể lại ở Triều Tiên lâu nay chính quyền vẫn bắt người dân phải hằng ngày ca hát nhảy múa để quên đi sự vất vả, để không còn thời gian rảnh mà oán trách chính quyền, để chứng minh với thế giới rằng cuộc sống của họ đầy sinh sắc. Khiếp thật!
Quên, cứ nói lạc sang chuyện người. Giở lại chuyện nhà. Hồi ấy dân thưa đất rộng nên nhà nước miền Bắc rộng tay thí điểm thực hiện mọi mô hình. Cũng có đủ cả nông trường, nông trang kiểu Liên Xô, như nông trường Ba Vì, nông trường Mộc Châu, nông trường Quỳ Hợp, nông trường Điện Biên, nông trường Ninh Hải và nông trường Thành Tô (ở quê tôi Hải Phòng), nông trường Tam thiên mẫu (ba nghìn mẫu, vùng giáp ranh Hà Nội - Hưng Yên)..., tất tật sau này đều phá sản, có nơi chỉ còn vết tích vài dãy nhà lợp mái fibro xi măng. Ngay huyện Kiến Thụy quê tôi cuối thập niên 60 người ta còn định gộp hai HTX Minh Tân và Tân Phong thành công xã kiểu Trung Quốc, cũng may nó chửa ra đời thì công xã bên đó bị phá tanh bành nên thôi. Có một dạo ồn ĩ chuyện nên cấy thưa hay cấy dày, một ông lãnh đạo lên báo Nhân Dân bảo làm sao phải thảo luận trao đổi phân tích làm gì, Trung Quốc cấy dày lúa tốt như Đại Trại thì mình cũng cấy dày, mấy nhà khoa học hay rách việc. Cứ thấy người ta làm gì, chẳng cần biết hay dở thế nào, người ta chỉ nhắm mắt nhắm mũi làm theo, đến khi thất bại lại đổ cho khách quan, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc. Chỉ chết nông dân.
Xã Thụy Hương quê tôi có ba thôn (làng) là Trà Phương, Quế Lâm, Phương Đôi, lẽ ra chỉ cần ba HTX nhưng do thôn Trà Phương nhỉnh hơn chút nên được tách ra thành hai HTX. Cũng chả biết ông bà nào chủ trương, các HTX được đặt tên rất kêu, chẳng hạn Chiến Thắng, Vinh Quang, Thắng Lợi, Hòa Bình, Hạnh Phúc, Bình Minh, Đại Thành... Làng Trà quê tôi cũng vậy, chia thành 2 HTX Bình Minh và Thụy Sơn, mỗi HTX lại chia nhỏ thành nhiều đội sản xuất. Bộ máy lãnh đạo xã ngoài đảng ủy, ủy ban còn có xã đội, công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban chủ nhiệm HTX, các đội trưởng. So với thời thực dân phong kiến mỗi tổng - xã - thôn vốn chỉ có vài “thằng” chánh tổng, lý trưởng, trương tuần thì nay đội ngũ quản lý ở nông thôn của chế độ mới phình to gấp chục lần.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo này chỉ có mỗi nhiệm vụ là... lãnh đạo, chỉ tay 5 ngón, lương lậu bổng lộc của các vị ấy đều trông cả vào hột thóc của nông dân. Nông dân đi cày thật lực cả ngày, nắng mưa bất chấp cũng chỉ được công rưỡi (15 điểm) nhưng chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm HTX cứ mỗi ngày, dù ra đồng chỉ đạo hay ngồi họp ở ủy ban hoặc công tác trên huyện đều nghiễm nhiên được chấm 2 công (20 điểm). Thằng còng làm cho thằng ngay ăn là vậy.
Suốt bao năm tồn tại HTX ở miền Bắc,
người ta truyền nhau mấy câu thơ lục bát mỉa mai chủ nhiệm HTX, hầu như
người lớn trẻ con đều thuộc:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm có đài có xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân
Mỗi người làm việc bằng tư
Để cho chủ nhiệm có dư thóc thừa
Mỗi người làm việc bằng năm
Để cho chủ nhiệm vừa nằm vừa xơi
Mỗi người...
Về sau, những câu văn vần ấy không chỉ ưu tiên dành cho chủ nhiệm HTX
nông nghiệp nữa mà được chia sớt cho những anh nào làm chủ nhiệm, bất
kể ngành nghề. Kể tội chủ nhiệm như thế, có mà kể tới số thứ tự mấy
chục. Hình ảnh anh chủ nhiệm trong văn thơ “Anh giơ tay vẽ cánh đồng
xanh/Vẽ cả ngày mai thành bức tranh” với anh chủ nhiệm trong đời thực
cách xa nhau một trời một vực.
Lại nhắc đến câu thơ trong bài Anh chủ nhiệm của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông thi sĩ này có khá nhiều bài được đưa vào sách giáo khoa, có thể kể ra Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại, Cửa Tùng, Anh chủ nhiệm, Những cánh buồm... nhưng người ta biết đến ông nhiều nhất có lẽ từ bài thơ Anh chủ nhiệm. Ông cũng như các nhà văn Nguyễn Khải, Đào Vũ, Nguyễn Kiên, Bùi Hiển, Nguyễn Địch Dũng, Nguyễn Thành Long... sau mỗi chuyến đi thực tế ở nông thôn lại cho ra đời tác phẩm về “cuộc sống mới, con người mới” xã hội chủ nghĩa. Thời ấy, các nhà văn nhà thơ rất muốn chứng tỏ cho đảng và nhà nước thấy họ đã lột xác, đã cải tạo triệt để như thế nào nên tác phẩm thường tô vẽ khá lòe loẹt, xa thực tế, ca ngợi lộ liễu. Phải nói hình tượng anh chủ nhiệm trong bài thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông thật đẹp, đẹp đến mức chỉ có thể tìm thấy người như thế ở trong sách. Thời đó, đọc nó và cảm động lắm, cứ mong sao chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) quê mình chỉ bằng móng tay anh chủ nhiệm của bác Thông thi sĩ là cũng khoái củ tỉ rồi:
“Cùng bao đồng chí anh đi trước/Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược/Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo/Vợ yếu con đông chưa hết nghèo/Nhưng rồi lại nghĩ đường đi tới/Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi/Lại lao vào việc lòng say sưa/Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa”, đại loại cứ sáng rờ rỡ như vậy.
Cánh nghệ sĩ ấy ở thành phố, ăn uống đầy đủ, lâu lâu mới mò về nông thôn, đầu óc tưởng tượng quá phong phú, vẽ nông thôn đẹp như thiên đường. Nông dân ai cũng hớn hở tươi vui. Chỉ những đứa như đám chúng tôi, sinh ra từ nông thôn, sống với HTX, lăn lộn với ruộng đồng, hằng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chân lấm tay bùn, ngày hai bữa cơm đèn mới hiểu thực chất của những câu thơ ấy, chứ học trò thành phố khó mà hình dung được.
Thời đó, trên những bức tường nhà ủy ban, trạm xá, nhà kho, v.v.. chỗ nào cũng kẻ câu khẩu hiệu “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Xã viên HTX làm chủ bằng cách làm công ăn điểm. Trẻ con đi làm (tát nước, đập nương, dỡ khoai, hái thuốc lào...) cả ngày được 6 điểm, các bà đi cấy cả ngày được 10 điểm (1 công), đàn ông cày thì được công rưỡi (15 điểm). Cứ mỗi công, tùy mùa vụ, quy thành thóc, thường 1 công được nửa ký thóc, nếu làm cả vụ 50 công thì được chia 25 ký thóc.
Cả nhà tôi tất tật thày bu tôi và các anh chị em tôi đều ra đồng, 6 miệng ăn có vụ chỉ được nhận chưa đầy 3 tạ. 300 ký thóc ấy nếu phơi khô, xay xát, bỏ trấu bỏ cám, chỉ còn hơn 200 ký gạo. Mà đâu phải chỉ bỏ vào mồm, trăm thứ sắm sửa cũng trông vào hạt thóc. Suốt 6 tháng trời, 6 người với 2 tạ gạo, bình quân gạo chỉ hơn 5kg/người/tháng nên ăn độn quanh năm. Vào bữa, nhìn nồi cơm lổn nhổn khoai sắn lại nhớ tiếc ngày chưa vào hợp tác. Khổ nhất là chị cả tôi ngồi đầu nồi, mỗi lần lấy đôi đũa cả xới lên tìm cơm cho thày bu và các em, cứ là tìm đỏ con mắt. Tôi biết chị tôi mỗi bữa luôn “giành” phần độn, chả mấy khi được ăn cơm nhưng nhiều lúc vẫn không thông cảm, cứ nghĩ mình bị chị ép ăn khoai sắn. Sau lớn lên mới thấy mình tệ. Suốt thời niên thiếu, ao ước cháy bỏng nhất của tôi là được ăn cơm trắng. Thèm tới mức nói với nhau giá như được ăn cơm không độn một tuần liền thì sướng như tiên.
Nhắc đến chuyện HTX, sực nhớ vụ làm khoán. HTX quê tôi (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng) làm ăn càng ngày càng lụn bại, dân đói, ruộng đất cằn cỗi, người ly hương ngày càng nhiều. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Sơn người đứng đầu xã quyết định chia ruộng đất cho xã viên. Từ năm 1957 - 1976, ông Sơn lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính và Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hương. Tháng 3.1967 thấy dân đói quá, ông khởi động bí mật khoán hộ, chia đất phần trăm cho nông dân (gọi là rau đỏ, ngoài thứ theo quy định là rau xanh), cứu được cả nông dân lẫn hợp tác xã. Năm 1976, ông bị kỷ luật do “tội khoán hộ” bị cách hết chức vụ, bị phạt tiền, suýt phải đi tù.
Trải qua hai cuộc chiến tranh, từng tù Tây (hoạt động kháng chiến bị Tây bắt giam, sau trốn được) tù ta (bị vu là Quốc dân đảng bị giam rồi được giải oan) đủ cả, cuối đời kể như trắng tay. Nay ông cụ còn sống, đã gần trăm, người dân địa phương vẫn nhắc đến công lao của ông cụ. Cần nói rõ, vụ khoán hộ ở xã Đoàn Xá (cùng huyện Kiến Thụy) là mãi sau 1975 mới xảy ra chứ ở Thụy Hương đã thực hiện trước đó gần chục năm, chỉ sau ông Kim Ngọc trên tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng người ta thường nhắc đến Đoàn Xá bởi nó gắn với khoán 10, với công lao “cởi trói” của trung ương, vậy thôi.
Cũng may là sau khi đất nước thống nhất chính quyền áp đặt mô hình HTX vào nông thôn miền Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Đây đó đã hình thành tập đoàn sản xuất nông nghiệp, cũng là một kiểu HTX nhưng nó tồn tại không được bao lâu và chết yểu. HTX trên cả nước ngày càng teo tóp, có nơi đến giờ vẫn còn nhưng chỉ là danh nghĩa, là hình thức. Nó đã bị đào thải khỏi cuộc sống, bởi cũng như nó, tất cả mọi sự áp đặt, bất hợp lý không sớm thì muộn sẽ đều bị lịch sử cuốn phăng đi.
Sau 1975 ở các đô thị miền Nam, nhất là Sài Gòn cũng hình thành HTX. Ngoài những HTX thương nghiệp theo mô hình miền Bắc phân phối từng cái kim sợi chỉ, gói thuốc lá cho đàn ông, cuộn băng vệ sinh cho đàn bà, còn có thứ HTX được lập ra sau khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp. Tôi nhớ như in năm 1978, những tiệm hớt tóc, chụp ảnh, cắt may, quán ăn... đều phải vào HTX. Mấy quán bán phở, bán hủ tiếu của người Hoa trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 ngay trước ký túc xá tôi ở đều phải hoạt động theo kiểu HTX. Sáng được phép bán từ mấy giờ, tối bán tới mấy giờ, khách vào ăn phải mua vé, nộp phiếu và ngồi đợi, hằng ngày có người của nhà nước ghi chép, theo dõi, nắm đầu ra đầu vào, v.v.. Được một thời gian, người bán cũng chán, khách chả thèm ghé, HTX ăn uống tan rã. Mấy HTX cắt tóc, chụp ảnh... cũng vậy.
Chuyện khúc nhôi về HTX có kể mấy cũng
chả dứt. Hết phong trào nọ đến phong trào kia, nào nuôi bèo hoa dâu,
làm phân xanh bón ruộng, nào xây hố xí hai ngăn, phun thuốc trừ sâu
(DDT, 666, Vofatoc), nộp nghĩa vụ lương thực, trại chăn nuôi... thứ nào
cũng có vấn đề. Mà thôi, nó đã như nước trôi qua cầu rồi, kể lại thêm
buồn. Chỉ nói rằng HTX (kiểu cũ) như tôi chứng kiến đã góp thêm một
chương đen tối vào lịch sử nông thôn xứ này.
Nguyễn Thông
NGUỒN : Chuyện thời bao cấp,
tr. 78-89
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2014, 408 trang.
(đăng lại với sự đồng ý của tác giả).
Các thao tác trên Tài liệu