Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Chuyện xưa còn lại chút này

Chuyện xưa còn lại chút này

- Cao Huy Thuần & Trần Hải Hạc — published 21/10/2023 16:30, cập nhật lần cuối 16/11/2023 10:46



CHUYỆN XƯA CÒN LẠI CHÚT NÀY


Cao Huy Thuần & Trần Hải Hạc



Chúng tôi giới thiệu một hồ sơ tư liệu, dù rất ít, nhưng đáng công bố và lưu trữ, hầu giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về không khí chính trị tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử dẫn đến Hiệp định Paris 27-1-1973. Hiệp định này trù liệu việc thành lập một Chính phủ gồm ba thành phần để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Từ những phong trào tranh đấu của quần chúng ở các đô thị trong nhiều năm trước đó, một thực thể « thành phần thứ ba », dù chưa thành hình dạng cụ thể, được công nhận, hợp pháp hóa, để đưa vào một hiệp định quốc tế, với một vai trò then chốt, trong hoài bão thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc. Ba thành phần hợp tác với nhau trong hoài bão đó, hiệp định Paris chỉ mới đưa ra lý thuyết, chưa kịp đi vào thực tế. Có ai biết thực tế đã diễn ra trước đó, tại Paris, với một mô hình bé nhỏ, nhưng tiên phong, dự báo một ngày mai tất nhiên phải thế, tất nhiên phải hợp tác, tất nhiên phải đại đoàn kết mới hy vọng chiến tranh chấm dứt, hòa bình tái lập. Mô hình đó, bây giờ chỉ còn lưu lại một vài tư liệu, nếu không công bố thì sẽ mất. 

Tại Paris, một nhóm trí thức và nhân vật chính trị gồm ba thành phần, họp nhau, từ năm 1970, để thành lập một Nhóm nghiên cứu những vấn đề hậu chiến miền Nam Việt Nam. Mỗi tuần một lần, họ gặp nhau, bàn bạc, thảo luận, và cuối cùng, đúc kết thành một tập sách tựa đề Perspectives Sud-Vietnamiennes (Viễn cảnh miền Nam Việt Nam), đề nghị một kế hoạch kiến thiết và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tại miền Nam sau chiến tranh. Kế hoạch đó được công bố trong một buổi họp báo quốc tế tại Paris ngày 19-1-1973, trước ngày ký kết hiệp định chưa đủ hai tuần. Rất tiếc, lời tuyên bố, có nội dung chính trị, đọc mở đầu buổi họp báo không còn lưu lại. Sau đó, chiến sự đã chấm dứt hiệp định, và « Nhóm nghiên cứu » không còn lý do để tồn tại. Một mô hình hợp tác chưa kịp lan tỏa ra trong nước đã mất dạng.

« Nhóm nghiên cứu » gồm những nhân vật sau đây, tiêu biểu cho ba thành phần :
Ngô Công Đức, chủ nhiệm báo Tin Sáng, dân biểu VNCH ; Trần Hải Hạc, nhà kinh tế học ; Bùi Mộng Hùng, bác sĩ, giám đốc nghiên cứu INSERM ; Hoàng Long Hưng, kỹ sư cầu đường ; Nguyễn Trọng Hy, nhà kinh tế học ; Trần Văn Khê, nhà âm nhạc học, giám đốc nghiên cứu CNRS ; Lê Thành Khôi, nhà sử học và giáo dục học ; Nguyễn Thanh Nhã, nhà kinh tế học ; Âu Trường Thanh, chủ tịch công ty, tổng trưởng kinh tế và phó thủ tướng VNCH ; Cao Huy Thuần, nhà luật học và chính trị học ; Huỳnh Cao Trí, nhà xã hội học UNESCO ; Lê Quang Trọng, kỹ sư, cộng tác viên Phòng thông tin CPCMLTMNVN tại Paris

Trong Nhóm, không ai quan trọng hơn ai, không có chủ tịch, không có khuynh hướng chính trị nào khuynh loát khuynh hướng nào, lý tưởng chung là cụ thể hóa nhu cầu đại đoàn kết, không có mưu cầu tham vọng chính trị riêng. Tuy vậy, tưởng cũng nên nhấn mạnh vai trò đặc biệt của một nhân vật, vì thời cuộc chính trị tại miền Nam lúc đó đang xoay quanh vấn đề thay thế chế độ Nguyễn Văn Thiệu bằng một chế độ khác, với một nhân vật lãnh đạo được sự ủng hộ của quần chúng. Ông Âu Trường Thanh là một nhân vật được chú ý. Trí thức cao, tiến sĩ kinh tế, cựu bộ trưởng kinh tế, từ chức, xuất ngoại, được Phật giáo tín nhiệm, được Công giáo thiện cảm, và có lẽ được cả phía cách mạng không nói gì, im lặng là vàng, ông Âu Trường Thanh có chân dung tiêu biểu của « thành phần thứ ba » nếu Hiệp Định được thực thi. Trước đó, ông đã ứng cử cùng liên danh Dương Văn Minh trong cương vị phó tổng thống. Con mắt của dư luận Sài Gòn nhìn ông qua những kinh nghiệm đó. Con mắt của Nhóm nhìn ông như một nhân vật chính trị tiến bộ nhất, trí thức nhất, tách ra khỏi cái hỗn loạn nhân vật chính trị ồn ào tại Sài Gòn lúc đó. 

Dự định công bố hồ sơ tư liệu này đã có từ ít lâu nay, nhưng tình trạng sức khỏe của Giáo sư Lê Thành Khôi đã khiến chúng tôi trì hoãn. GS Lê Thành Khôi đã tham gia « Nhóm nghiên cứu » như một nhân vật chủ chốt với cương vị hội trưởng Liên hiệp trí thức Việt kiều tại Pháp mà khuynh hướng chính trị là ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng. Tất cả mọi buổi họp, từ đầu đến cuối, đều được tổ chức tại nhà anh, như là trụ sở bán chính thức. Sự có mặt và uy tín của anh hàm chứa ý nghĩa đoàn kết mọi thành phần chính trị. Giáo sư Lê Thành Khôi năm nay chẵn 100 tuổi. Sức khỏe anh yếu dần và hiện nay chỉ còn tiếp xúc với gia đình. Do đó, bài giới thiệu này vắng tên anh mặc dầu anh đã đồng ý công bố chút tư liệu còn lại này khi trí nhớ còn tinh tường nguyên vẹn. Vắng anh, bài giới thiệu này chỉ còn hai chúng tôi, tất cả các thành viên khác đều không còn.

Paris ngày 16 tháng 10 2023

Cao Huy Thuần - Trần Hải Hạc




Hồ sơ này gồm những tư liệu sau đây (để đọc mỗi tài liệu, bấm vào ô tương ứng ở cuối trang) :

•    Tuyên bố của Văn Phòng nghiên cứu kiến thiết kinh tế, xă hội và văn hóa miền Nam Việt Nam (ô TuyenBo).

•    Dự thảo nội quy (ô NoiQuy)

•    Một tư liệu mất trang đầu, chỉ còn hai trang cuối (TuLieu).

•    Thư của Âu Trường Thanh gửi Cao Huy Thuần ngày 14-1-1970 (ATT-CHT).

•    Tường thuật của báo Le Monde về buổi họp báo ngày 19-1-1973 (LeMonde)

•    Kiến nghị của Nhóm nghiên cứu chào mừng Hiệp định Paris 29-1-1973 (KienNghi)

•    Nhập đề của tập sách Perspectives Sud-Vietnamiennes do tạp chí Les Cahiers du CURSA số 5 (chủ nhiệm Trịnh Văn Thảo), Amiens 1974, và tạp chí Hưóng Về Đất Việt cùng xuất bản. Tư liệu lưu trữ ở thư viện quốc gia BNF của Pháp và ở thư viện đại học Cornell tại Hoa Kỳ (Perspectives)


 


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss