Một vài kỷ niệm về phong trào "bình dân học vụ"
Một
vài kỷ niệm về
phong trào
« bình dân học vụ »
Nguyên Thanh
Dầu không được một chính quyền nào ở Việt Nam trọng vọng (nhưng điều đó có quan trọng lắm không ??), bác Hoàng Xuân Hãn là một trong số vài nhà văn hóa Việt Nam được nhiều người trong cũng như ngoài nước khâm phục, kính mến. Những tác phẩm của bác (''Lý Thường Kiệt '', ''La Sơn Phu Tử'', những bài báo đăng trong Tập san Khoa Học Xã Hội ở Pháp, v.v.) đáng được xem là mẫu mực của tính chính xác, thận trọng : những điều bác viết ra đều dựa trên tư liệu đã được kiểm tra kỹ càng, chứ không phải do sự diễn dịch thiếu căn cứ mà ta thường gặp trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội khác. Và thật khó mà đánh giá cho đúng (ảnh hưởng của quyển "Danh từ khoa học" trong việc xây dựng thuật ngữ khoa học của tiếng Việt cũng như nền giáo dục Việt Nam. Nhưng có ai ngờ bác cũng là tác giả của quyển sách dạy vần quốc ngữ do Hội truyền bá quốc ngữ xuất bản, với phương pháp " I Tờ " đã được sử dụng rộng rãi trong phong trào "bình dân học vụ" nhằm xóa nạn mù chữ những năm sau Cách Mạng tháng Tám.
Cách đây gần một tháng, tôi tình cờ được đọc bài ''Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm " của bác đăng trong Đại Đoàn Kết (6-8-88). Vừa khâm phục mà cũng vừa cảm động. Cho hay, với tinh thần khoa học, với óc sáng tạo, thì làm việc gì cũng vững vàng, chính xác, hiệu quả, dầu đó chỉ là một quyển sách dạy vần. (Nói thế chứ làm một quyển sách dạy vần vừa khoa học vừa thực dụng cũng đâu phải là một chuyện dễ !).
Cả một chuỗi ngày thơ ấu sống dậy trong tôi. Tôi nhớ lại cái không khí vừa rộn ràng vừa chăm chỉ của những lớp bình dân học vụ chập choạng trong ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn dầu phụng, ở vài làng hẻo lánh của vùng núi Quảng Nam, với sự tham gia của những người nông dân nghèo khổ thuộc mọi lứa tuổi, náo nức, say sưa với những từ mới toanh như độc lập, tự do, hạnh phúc, cầm cự, phòng ngự, tổng phản công, v.v. Họ ê a tập đọc hay lúi húi tập viết trên những tàu lá chuối sứ rộng khổ vừa cắt ban chiều, với những cây viết bằng tre vót nhọn. Thế mà đã bốn mươi năm rồi với biết bao nhiêu tang thương, đổ nát, biết bao thất vọng và hy vọng !
Đối với những cô gái và những chàng trai mới lớn, lớp bình dân học vụ cũng là dịp hẹn hò mà không sợ cha mẹ ngăn cản, la rầy. Họ tình tự với nhau sau giờ học trong bóng đêm. Thân xác thanh xuân của họ cháy bỏng dù sương khuya xuống lạnh... Kết quả là một vài cô gái bụng bỗng to lên không phải chỉ vì học chữ quá nhiều như nhà thơ Cao Bá Quát ! Do dó mà có hai câu cuối sau đây của một bài vè :
Bình
dân ! Khổ lắm
anh ơi !
Không
đi thì dốt, đi
thời bụng to.
Đầu tháng chín vừa qua, tình cờ gặp bác Hãn trong một cuộc gặp mặt của kiều bào, tôi có hỏi bác tại sao trong bài hồi ký bác lại bỏ mất hai câu trên, mới biết là bác bị báo Đại đoàn Kết kiểm duyệt. Tôi ngạc nhiên quá ! Đại Đoàn Kết là một trong những tờ báo đi đầu trong phong trào đổi mới hiện nay, tôi vẫn đọc với sự mến phục, mà cũng làm ăn như thế sao ? Cách đây bốn mươi năm, chính quyền cách mạng địa phương ở Quảng Nam cấm hát hai câu đó vì cho là phản tuyên truyền, có hại cho phong trào bình dân học vụ, bởi làm cho nhiều gia đình cấm con gái đi học, điều đó còn hiểu được, chứ bây giờ mà chúng còn bị kiểm duyệt thì thật là quái gở. Tôi cho vị nào cầm bút gạch hai câu đó là thiếu óc trào lộng. Không có hai câu cuối có phần tiếu lâm này, thì bài vè kia làm sao có thể sống lâu cùng đất nước ? Tiện đây cũng xin nêu lên một câu hỏi về gốc gác của bài vè nói trên : Khánh Hòa ? Quảng Nam ?... hay nơi nào khác ? Chẳng lẽ mới bốn mươi năm thôi mà đã phải để gốc gác của nó trở nên lờ mờ sao ?
Để bổ túc phần giai thoại của thiên hồi ký, tôi xin thêm một điểm : trong câu ''O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, ư là thêm râu'' (theo thoại của bác Hãn), ở vùng Quảng Nam người ta thay chữ là bằng chữ già. Không biết vì bác Hãn nhớ lầm (sau gần 50 năm) hay là một người nào đó đã "hiệu đính" bài vè của bác ? Nhưng dầu là là hay già, thì hai câu đó cũng được nhiều người nhớ và vì vậy đã nghiễm nhiên đi vào văn học truyền miệng.
Nguyên Thanh
(bài đã đăng Đoàn Kết tháng 9/10-1988 số 405-406)
Các thao tác trên Tài liệu