Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Các bài trong Đoàn Kết / Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ

Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ

- Hoàng Xuân Hãn — published 13/05/2008 23:40, cập nhật lần cuối 14/05/2008 01:20

Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm


Hoàng Xuân Hãn



Đoàn Kết đăng dưới đây toàn văn bài viết của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Như Nguyên Thanh đã nói trong bài '' Nhân đọc bài hồi ký của bác Hãn, một vài kỷ niệm về phong trào bình dân học vụ '', khi đăng bài này, báo Đại Đoàn Kết đã đục bỏ đoạn chót. Nghiêm trọng và đáng tiếc hơn cả, báo Đại Đoàn Kết còn xóa cả tên ông Nguyễn Hữu Đang, lúc đó được Đảng cộng sản phân công liên lạc với nhân sĩ trí thức để vận động truyền bá quốc ngữ. Hai mươi năm sau đó, Nguyễn Hữu Đang bị kết án trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Ba mươi năm sau vụ này, chủ nghĩa Stalin còn đè lên báo chí Việt Nam, buộc một tờ báo đi hàng đầu trong phong trào đổi mới, phải viết lại lịch sử bằng cách " hốt cắt đục ".


Bấy giờ vào khoảng cuối năm 1937; hơn một năm qua, tôi được bổ dạy những lớp lớn trường Bưởi sắp đi thi " bằng tú tài ''. Tuy công việc khá nặng nề, nhưng tôi cũng để một ít thời giờ tới thăm Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ở Hà Nội, vì muốn làm quen '' cụ Tố ", là một nhân vật có một không hai ở đây. Tuy là một tay tây học nổi tiếng, nhưng cụ vẫn áo dài quần trắng, khăn xếp giày đen như một thầy khóa thời xưa. Bởi là người bản xứ, cụ chỉ giữ một chức nhỏ, nhưng hầu hết các viên chức Pháp ở đây cần tới cụ trong khi làm việc trường hay khảo cứu. Vì vậy ai cũng kính nể cụ. Vả đối với hàng trí thức ta, cụ lại là trưởng Hội Trí Tri, có hội quán, có thư viện, và đại đa số nhân viên là công chức tai mắt xứ Bắc Kì. Bởi những lẽ ấy, không những cụ được mọi người trọng, mà ảnh hưởng xã hội của cụ đang thời cũng không ít.

Một hôm gặp tôi, cụ liền hỏi : « Họ đã mời ông vào hội chưa ? ». Tôi đáp : « Chưa. Thực tôi rất bận dạy toán, không thể nhận vào Hội Trí Tri của cụ được.». Cụ cười và nói : « Có phải tôi muốn nói hội trí tri đâu ! Tôi muốn nói Hội truyền bá quốc ngữ. Tôi tưởng ông đã biết chuyện rồi. ».

Lần đầu nghe nói đến tên hội này, tôi lấy làm ngạc nhiên, rồi đáp : « Không ai mời tôi cả. Vả chăng ngày nay ai mà chẳng học quốc ngữ; thì lập hội làm gì ? Hoặc quốc ngữ đây nghĩa là tiếng ta. tiếng và văn Việt ngữ ? Lập hội với mục đích ấy cũng tốt, vì ngày nay ai cũng muốn nói tiếng tây cho thoáng, chứ không hiểu đúng tiếng ta, đến đỗi hạng lầm hiểu rằng ''yếu điểm'' là điểm yếu, ngày càng nhiều.». Cụ để tôi nói dài mới ngắt lời, rồi đáp : « Truyền bá quốc ngữ là truyền bá cách viết tiếng ta bằng những chữ la-tinh A, B, C. ».

Tôi im lặng. Nhân lúc ấy, ông Trần Văn Giáp, cũng nhân viên trường Bác Cổ, thấy tôi, liền ghé lại chào. Nghe câu chuyện giữa cụ Tố với tôi ông bảo riêng tôi rằng : «Tôi cũng muốn gặp ông để nói chuyện ấy. Đây là bởi một nhóm chú ý vào hành vi xã hội, đề xướng ra. Họ muốn lập những lớp bình dân dạy chữ quốc ngữ cho các em bé thất học và những người đứng tuổi mù chữ nhà nghèo. Họ muốn những người có danh nhưng "vô chính trị'', như cụ Tố và chúng ta, đứng ra xin phép, thì may chi tòa thống sứ và sở mật thám mới cho phép. Sau khi được thành lập, hội lại phải quyên tiền để mua bút giấy cho học trò. Tụi mật thám rất sợ điều này, vì chúng nghi mình dùng tiền làm chính trị. Ông Nguyễn Hữu Đang, một chân trong nhóm sáng lập, có trách nhiệm liên lạc với các trí thức thiện chí. Ông ấy nhờ tôi hỏi ông có nhận giúp không.».

Rồi tôi gặp các bạn giáo sư trường Bưởi như các anh Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, cũng đã được chạm ướm. Tôi nhận lời mời, nhưng Trần Văn Giáp cho tôi biết rằng tòa thống sứ kiếm chuyện để ngăn hội thành lập, lấy lẽ rằng không cần lập hội, vì ngày nay quốc ngữ đã được truyền bá rồi, và ngoài chữ Pháp, người ta chỉ dùng chữ quốc ngữ mà thôi. Cuối cùng, phải đổi tên hội ra « Hội truyền bá học chữ quốc ngữ » thì phòng chính trị mới cho phép lập. Nhưng phải nói thêm rằng bên Pháp bấy giờ còn có ảnh hưởng Phong trào bình dân (Front populaire), cho nên chính quyền thuộc địa cũng phải cởi mở ít nhiều.

Vì rất bận việc dạy toán, tôi không tới dự các buổi hội đồng, chỉ nhờ Trần Văn Giáp thay mặt và báo tin. Ảnh cho tôi hay rằng cụ Nguyễn Văn Tố đã được bầu làm hội trưởng, và Nguyễn Hữu Đang, Trần Văn Giáp và tôi được bầu vào ban tu thư. Tôi ngỏ ý với Trần Văn Giáp về việc soạn quyển sách dạy vần quốc ngữ. Đại ý như sau : « Lối dạy và lối học của hội ta không cần theo lối chính qui của các sách và các nhà trường. Mục đích ta là muốn học cho dễ, cho biết đánh vần chóng, biết viết chóng. Mục đích là làm sao cho trẻ con hoặc người đứng tuổi học không sợ khó, không hay quên, lại lấy học làm vui thích. Ta cũng nên vừa dạy đánh vần vừa khiến cho học trò, nhất là những người lớn tuổi, hiểu sự cơ động các vần.». Sau khi tôi đề nghị mấy mục đích trên, Trần Văn Giáp và Nguyễn Hữu Đang giao cho tôi hoàn toàn trách nhiệm soạn sách tập đọc, tuy các ảnh cũng chưa hiểu rõ tôi muốn thực hiện ý gì.

tranhkhacgo

Tôi bèn tự đặt một số nguyên tắc giản dị trong nghề dạy: là dạy từ dễ đến khó, từ đơn đến tạp, dùng đủ các cơ quan tai, mắt, tay để tri thức dễ hấp thụ và giữ bền. Những nguyên tắc ấy như sau :

1) Không tách rẽ sự dạy các chữ cái rồi mới dạy đánh vần.

2) Khi dạy chữ cái, thì dạy lẫn lộn chữ vần bằng (phụ âm) và chữ vần trắc (nguyên âm), vì nếu dạy như vậy, thì khi mới học một chữ vần bằng và một chữ vần trắc, học trò đã có thể ghép lại thành vần, và phân tích để hiểu cơ cấu và cơ động của vần.

3) Gọi các chữ cái vần bằng B, C, D ... là Bờ, Cờ, Dờ... thay Bê, Xê, Dê... theo xưa. Làm như vậy thì đánh vần mới hợp lí cho các chữ C, G, H, X; kẻo ví dụ đánh vần « XÊ A là CA» là không thuận, vì nó phải là « XA » Gọi thẳng các vần bằng kép : Gi là Giờ, KH là Khờ, NG là Ngờ, NH là Nhờ, PH là Phờ, GU là Quờ, TH là Thờ, TR là Trờ.

4) Khi đánh những vần gồm hai phần (phụ âm đơn hay kép trước một nguyên âm, hoặc hai hoặc ba nguyên âm hỗn hợp thành một nguyên âm kép, nguyên âm đơn hay kép trước phụ âm đơn hay kép) thì bắt đầu đọc hai hoặc ba phần rời và mạnh như nhau, rồi dần dần vừa đọc díu lại, vừa đọc bé phần sau đi, vừa lắng tai nghe đã thành tiếng gì.

5) Về dạy viết, thì bắt đầu chọn những chữ dễ viết cho những ngón tay chưa từng cầm bút ; và có thể chỉ dùng ngón tay vẽ hình chữ nhiều lần cho nhớ. Hoặc dùng bút chì viết trước khi dùng bút sắt. Vì lẽ ấy tôi đã bắt đầu sách bằng hai chữ I, Tờ, vốn là hai chữ gọn gàng nhất trong vần. Tôi lại muốn, lúc mới vào học, học trò không nản lòng. Cho nên tôi đã đặt một ít câu vè, phần để làm vui, phần để làm cho dễ nhớ mấy chữ học vỡ lòng. Ví như :

I Tờ hai móc cả hai
I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang.

O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu.

6) Không đợi học hết những chữ cái mới học các dấu biến thanh. Học như vậy thì mới học ba buổi, mà đã ghép thành nhiều tiếng với I, T, O, Ô, Ơ và năm dấu. Tôi cũng đã đặt hai vế lục bát để dễ nhớ các dấu biến thanh ấy :

Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng, Ngã... buồn nằm ngang !

Đó là luật âm thanh thuận miệng thuận tai. Cứ đọc đi đọc lại nhiều lần thì thấy luật đọc dấu.

7) Để dành lại cuối cùng những vần ngoại lệ đơn và kép K, GH, NGH trước những nguyên âm E, Ê, I thì chỉ cần học : K đọc Cờ như C, GH đọc Gờ như G, NGH đọc Ngờ như NG. Chữ GI đọc Gi. Lại giảng thêm rằng hễ có sự ngoại lệ rắc rối ấy, là bởi vần quốc ngữ được đặt ra bởi những giáo sĩ Bồ Đào Nha dựa theo vần của họ. Sau này, khi ta có dịp, ta sẽ cải cách cho nhập lệ hơn.

Với những nguyên tắc trên, tôi đã thảo quyển vần '' Truyền bá quốc ngữ ". Các người trong ban tu thư chấp thuận rồi đem in, và phát cho các hội viên giảng dạy. Tôi còn nhớ bấy giờ cần nhiều tiền, phần để in sách, phần để mua bút giấy phát không cho thầy giáo và học trò

Ban tài chính rải khắp Hà Nội, lạc quyên những người hằng sản hằng tâm, hoặc tiền, hoặc đồ vật. Một nhóm phụ nữ hăng hái (các bà Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Đức Thụ, Trần Bảo Sơn, Phạm Thị Huệ, Trịnh Thị Vân, Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Thị Bính...) đã mấy lần tổ chức buổi '' đấu giá " ở hội quán Hội Khai Trí Tiến Đức tại bờ Hồ. Nhiều thanh niên, thanh nữ tình nguyện dạy những lớp tối cho trẻ em nghèo, những lao động nam nữ thất học, tụ họp tại một vài nơi, như hội quán Trí Tri, chợ Đồng Xuân, trường Sinh Từ và một số đình chùa. Nhờ vậy, phong trào truyền bá quốc ngữ rất sôi nổi mấy năm đầu và đã có thể lập chi nhánh ở một vài nơi mà chính quyền cho phép lập.

Tôi đã kết thúc quyển vần bằng một bài tập đọc có tính cách tổng quát. Tôi đã cố ý trừ sự nghi kị của sở mật thám mà chọn một bài gia huấn của ông tôi ( ''Xuân đình gia huấn " của Lê Kinh Thạp), bắt đầu như sau :

Sinh con trai gái đôi hàng
Mẹ nuôi cha dạy chăm thương
đủ bề
Chữ rằng ''
Hữu phúc khán nhi ''
Có con không dạy
bởi gì mà nên ...

Hồi bấy giờ có kẻ làm việc kiểm duyệt chính trị đã nói đến tai tôi rằng : « Họ đã biết tác giả quyển sách vần là ông. Họ thấy sách lạ, họ ngạc nhiên. Họ đã xét kĩ càng, nhưng không thấy dấu gì là tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, họ vẫn nghi ngờ và theo dõi nhân viên hội.».

Sự thử thách tổ chức hội và phương pháp dạy ở Hà Nội có kết quả lớn, nhưng chính quyền không để bành trướng cụ thể nhiều. Tuy nhiên, phương pháp '' I Tờ '' được nhiều nơi biết đến. Thậm chí có những kẻ không thức thời chế những người ít học là kẻ '' i tờ ''.

Sau ngày chính quyền Pháp bị Nhật quân triệt hạ, nhất là sau khi nhân dân ta tự chủ nắm trách nhiệm xóa nạn mù chữ cho toàn quốc thì phong trào mở lớp học bình dân, dạy vần quốc ngữ theo phép '' I Tờ '' bùng nổ từ thành thị cho đến thôn quê.

Hơn bốn mươi năm sau khi phong trào ấy ra đời, tôi ở đất người, còn được nghe kể một câu chuyện vừa cảm động vừa buồn cười, có liên quan đến hai tiếng '' I Tờ '' kia.

Có người phụ nữ, quê ở miền trong, nghe nói tôi là tác giả những câu vè '' I Tờ '' cô ta nhắc lại những câu hát của trai gái ghẹo đùa nhau, nghe khi cô còn bé :

Trai : « Ai về Chợ Viễn, Khánh Vân
« Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.»

Gái : « Đánh vần năm ngoái năm xưa
« Năm nay quên hết như chưa học vần. »

Trai : « Bây giờ có lớp bình dân
« I Tờ ghép lại đánh vần như chơi ! »

Gái : « Bình dân ! Khổ lắm anh ơi !
« Không đi thì dốt, đi thời... bụng... T... O...» *

viết tại Paris. đầu hè năm 1988

Hoàng Xuân Hãn

Phụ bút : Trên đây tôi viết theo kí ức, vì nguyên bản vần đã mất từ lâu. Trong bản, tôi có viết bài tựa mang đại ý phương pháp bày trên. Tôi sợ trong bài trên có điều khác trong bài tựa. Tôi không biết nay còn bản in lần đầu sách tôi đã soạn ở đâu không. Nếu còn thì tôi mong có một bản ảnh sao để làm kỉ niệm.


(bài đã đăng Đoàn Kết tháng 9-10-1988 số 405-406)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us