Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Các bài trong Đoàn Kết / SAO CHỔI với TỰ PHÊ BÌNH

SAO CHỔI với TỰ PHÊ BÌNH

- Hoàng Xuân Hãn — published 20/03/2008 22:02, cập nhật lần cuối 20/03/2008 22:03
Theo thuyết Nho, tuy không tin nhảm dị đoan nhưng vua có khái niệm trời gây dựng vạn vật phó thác cho con trời làm chúa tể địa phương để trông coi công việc quản lí trị dân. Khi chúa tể quản lí sai lầm, làm hại nhân dân, thì trời phát ra những tín hiệu báo sẽ trừng phạt, như sao chổi hiện, đất động, sông cạn, núi lở, vân vân. Chính nhờ tin tưởng phản khoa học của vua chúa thời xưa, mà óc độc đoán ngoan cố của họ bị giảm bớt ít nhiều.


SAO CHỔI
với
TỰ PHÊ BÌNH




Hoàng Xuân Hãn



Hầu như một thông lệ, cứ năm hết Tết đến, là Đoàn Kết lại xin học giả Hoàng Xuân Hãn một bài cho số xuân. Năm nay, chưa kịp gọi dây nói để xin gặp, thì Hoàng quân đã gửi cho để " tùy nghi sử dụng ". Nhân chuyện sao chổi Halley xuất hiện năm Bính Dần 1986, tác giả kể lại câu chuyện sao chổi thời Minh Mạng. Ôn chuyện cũ, mỗi người có thể suy ngẫm chuyện mới, theo cách nhìn và ý kiến của mình.

Phải thú thực là, đọc xong bài, chúng tôi phân vân, do dự không biết nên đăng ngay trong số Tết hay nên đợi số sau. Vì theo óc dị đoan, sao chổi là điềm gở. Ban biên tập Đoàn Kết dường như không có ai tin nhảm, mà bạn đọc Đoàn Kết, chắc cũng chẳng còn mấy ai gắn liền sao chổi với vận mệnh. Song, tin hay không tin, chúng ta vẫn tôn trọng tập tục truyền thống là đầu năm tránh nói chuyện gở. Chúng tôi do dự vì e rằng, đăng ngay số Tết, có bạn đọc sẽ trách là Đoàn Kết quên mất truyền thống. Suy đi nghĩ lại, chúng tôi quyết định cứ đăng, vì ai trách không biết, chứ đã nhận được bài của giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà không đăng ngay, thì sẽ nhiều bà con chê trách là chắc.

Vậy xin có mấy lời này. Và nhân dịp năm mới Đinh Mão 1987 là năm 80 tuổi của bác Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi xin chúc bác sống lâu, dồi dào sức khoẻ, cống hiến thêm nữa cho nền học thuật và văn hóa Việt Nam, và thấy nước nhà vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Đầu năm nay có sao chổi hiện. Các nước tiên tiến về kĩ thuật đã bắn hỏa tiễn vào đầu nó, và đã thấy rằng vật liệu cơ cấu nó không có gì thần linh. Nhưng nó hiện là một sự trên trời hiếm có. Đông hay Tây xưa cho là một sự tai dị, chứng triệu sẽ chiến tranh, ôn dịch mất mùa. Nhưng theo dân gian kinh nghiệm thì nhiều khi sao chổi hiện lại vào năm được mùa. Đối với vua chúa ở Á đông xưa, sao chổi hiện ra là bởi trời cảnh cáo các con trời cầm quyền trong nước đã quản lí sai lầm sự cai trị dân. Cho nên mỗi lúc có sao chổi hiện, thường có sự phê bình cãi cọ trong triều. Sử ta cũng còn chép một vài chuyện như vậy. Sau đây là chuyện sao chổi năm ất Dậu (1825) dưới triều Minh-mạng, còn chép trong sách '' Đại Nam thực lục '' . Tôi sẽ dịch nguyên văn đoạn ấy ra sau :

 

« Năm Minh Mạng thứ 6, tháng 8, sao chổi hiện ra, lâu rồi mà không tắt. Vua rất lo nghĩ đến sự trời cảnh giới, tránh ngự ở Chánh điện, giảm ăn, triệt nhạc. Sắc cho bộ Lễ tư ra các địa phương rằng cứ thực thấy điều gì thì tâu kín lên vua. Một tối, vua đứng tại sân điện Võ Hiển ngóng xem sao chổi đến quá canh một nửa canh ; khi có mây kéo tới che lấp đi, thì mới về Nội cung. Sáng sau, vua ngự ở Tiện cung (là cung thường triều), triệu đình thần bảo rằng:

''Trời giáng tai-họa; đáng ra chỉ một mình thân trẫm chịu tang mà thôi. Chớ để trăm họ mắc lấy nạn dữ. Trẫm thấy mỗi khi gặp điều tai họa, các vua xưa hay hạ chiếu cầu lời chỉ trích. Nay trẫm nghĩ rằng trẫm làm có lỗi, ai cũng đều thấy. Thế mà các bầy tôi ngày ngày ở bên cạnh để giúp ta, lại không biết coi vua tôi gần như người một nhà, cần đâu có chiếu xuống mới nói. Hỡi các bầy tôi cao thấp ! Nên đều vững vàng đem điều mình thấy, nói ra hết, đừng kiêng, để giúp trẫm chữa những điều trẫm thiếu sót."

Gặp có viên coi ti Khâm thiên giám, tên Hoàng Công Dương, dâng sớ nói :

'' Sách xưa chép rằng nếu sao chổi hiện ở vùng sao Vị và sao Mão (sao Tua-rua, Pléïades) thì có tai biến. Nhưng có chép rằng nếu sao ấy hiện ở đông nam, và đuôi chiếu sang tây bắc, thì năm ấy được mùa to. Nghĩ kĩ đến các thuyết ấy thì thấy lung tung hồ đồ, không thể tin sâu được."

Vua xem sở rồi dụ rằng:

"Sao chổi hiện ra tháng này. Sau khi ngẩng mặt kính xem, trẫm ăn ngủ không đành. Lập tức trong cung giảm ăn bỏ nhạc. Hằng ngày ngự ở Tiện điện, triệu các đại-thần để lo sâu tu tĩnh, tìm đường ngăn chặn tai họa. Như thế mà chưa được. Vả chăng, hễ trời cao phát sao chổi, chính là để cảnh giới kẻ làm vua coi dân. Kẻ làm vua phải sợ hãi gấp bội, tu đức để tránh lỗi trời. Kẻ làm tôi cũng nên dốc kiệt những điều mắt thấy tai nghe, đem chuyện không hay ra kể hết. Viên chủ ti Khâm thiên giám này, vốn phận sự là chiêm nghiệm những chứng triệu trên trời; thế mà thấy điều gở lại để lâu không tâu lên. Nay lại có lời dỗi nịnh này, mong làm vui lòng ta mà thôi. Chính đúng như lời ''ai lừa dối ta là lừa dối trời đó ". Trẫm đọc sách các đời xưa, chưa từng thấy chép rằng sao chổi là triệu được mùa. Nếu cho đó là điềm tốt, thì sẽ hiểu ra sao sự hiện sao lành mây tốt. Há tưởng rằng trước mắt trẫm mà lấy lời dối nịnh được sao ? "

Bèn giao cho bộ Lễ xét xử tội Hoàng Công Dương. Bộ xin kết tội đày; nhưng đặc biệt cho giáng xuống hàm giám chính, cách chức và lưu lại làm việc. Thượng thư bộ Lễ, Nguyễn Hữu Thân (người đã có công đổi phép lịch Đại Toàn vốn theo nhà Minh ra phép lịch Hiệp Kỉ để theo nhà Thanh) phụ trách quản ti Khâm thiên giám, cũng bị phạt...

Ấy rồi sắc sao chổi mờ dần ; đến tuần đầu tháng 11 mới tắt. »

Câu chuyện sao chổi hiện đến đây là hết. Vì có óc khoa học, Hoàng Công Dương bị giáng chức. Những kẻ giỏi khoa lịch toán rất hiếm, cho nên vẫn được lưu chức. Ông đã áp dụng phép lịch tượng khảo thành, tính các thời điểm mặt trời mọc lên vào 24 ngày mang khí trung hay khí tiết, ở 19 tỉnh trấn đang thời từ Cao Bằng đến Cao Miên. Trong đời Minh Mạng, loạn rất nhiều và lớn: Đỗ Bá Vành (1826), Nùng Văn Vân (1833) ở Bắc. Lê Văn Khôi (1833) và binh đội Xiêm (1833) ở Nam. Chắc rằng vì vậy, Minh Mạng càng tin sao chổi hiện là điềm xấu. Theo thuyết Nho, tuy không tin nhảm dị đoan nhưng vua có khái niệm trời gây dựng vạn vật phó thác cho con trời làm chúa tể địa phương để trông coi công việc quản lí trị dân. Khi chúa tể quản lí sai lầm, làm hại nhân dân, thì trời phát ra những tín hiệu báo sẽ trừng phạt, như sao chổi hiện, đất động, sông cạn, núi lở, vân vân. Chính nhờ tin tưởng phản khoa học của vua chúa thời xưa, mà óc độc đoán ngoan cố của họ bị giảm bớt ít nhiều.

Hậu quả của sự tự phê bình của Minh Mạng là chỉnh đốn lệ thu thẩm. Lệ ấy là đến mùa thu, triều đình xét lại các án tử hình trong nước chưa hành quyết, như trảm giam hậu, giảo giam hậu. Trong lời dụ, vua có nói : '' Xử tội phải lấy mệnh người làm trọng. Hành hình là đem lòng bất nhẫn làm một chính sự bất nhẫn ''. Rồi vua đặt ra lệ tam phúc, nghĩa: xét lại ba lần. Tháng 6, các án tử hình các dinh trấn đề nghị được nộp lên bộ Hình. Bộ quan tham nghị. Tháng 8 trình lên vua. Vua giao cho đình thần thẩm nghị, rồi tháng 9 trình lên vua. Vua xét rất kĩ càng, cố tìm ra lí để gỡ cho tội nhân. Nếu y án thì sai đóng dấu ngự tiền bên chữ kết án và giao lại cho bộ quan chép thành bản khác. Trước lúc thi hành, bộ quan lại phải trình lại vua nguyên bản có dấu kia. Trước khi xử các án rất nghiêm chỉnh, Minh Mạng đã sai đại thần soạn lại bộ luật Gia Long nguyên theo luật Đại Thanh. Chủ ý vua là dân bị mọi từng lớp bóc lột : giặc giã, cường hào, gian giảo, quan lại. Cho nên vua thi hành thưởng phạt rất nghiêm. Từ chức nhỏ đến bậc đại thần, không ai không bị thăng giáng nhiều bận. Một quan liêm chính trung trực như Nguyễn Công Trứ, mà hoạn lộ cũng ba chìm bảy nổi! Tâm trạng vua Minh Mạng đối với dân và quan có thể biểu dương tóm tắt trong một bài thơ Đường luật bằng Hán văn nổi tiếng đương thời. Tôi tạm dịch đại ý ra thơ nôm như sau :


Dụ các bầy tôi
Triều quận bầy tôi áo rỡ ràng
Ai nghe thiên hạ dậy than van ?
Rượu ngon vài chén, máu quần chúng!
Canh ngọt lưng môi, mỡ dân gian!
Trời đổ mưa rào, dòng lệ đổ;
Chốn vang tiếng hát, tiếng khóc vang.
Cửa vua chớ nghĩ rằng xa vợi,
Vâng trị thương dân, lộc sẽ ban.


Nguyên Hán văn như sau:

DuThanLieu

 

DỤ THẦN LIÊU
TRUNG NGOẠI THẦN LIÊU KHAI CẨM BÀO
THÙY TRI THIÊN HẠ DĨ NGAO NGAO
SỔ BÔI MĨ TỬU QUẦN SINH HUYẾT
BÁN TRẢN HÒA CANH BÁCH TÍNH CAO
THIÊN LỆ LẠC THÌ NHÂN LỆ LẠC
CA CAO THANH XỨ KHỐC THANH CAO
QUÂN MÔN VẬT VỊ DAO THIÊN TÍ
CÔ VỌNG HOÀNG ÂN THỊ NHỮ TÀO

 

Nghĩa đen như sau : '' Dụ các bầy tôi : Hỡi các bầy tôi trong triều ngoài quận mặc áo gấm. Có ai biết rằng thiên hạ kêu gào mắng rủa. Vài chén rượu ngon là máu của đàn dân. Nửa bát canh ngon đựng mỡ của bách tính. Khi trời mưa xối xuống, nước mắt người tràn ra. Chỗ tiếng ca trỗi lên cao. thì tiếng khóc trỗi lên cao. Chớ tưởng rằng cửa vua xa nghìn dặm. Các người ai nấy hãy ngóng về. Nếu thương dân thì chúng ngươi sẽ được ban ơn ''.

Xem vậy, ta thấy trong sự cai trị dân, vua Minh Mạng có lòng tốt, cố gắng nhiều. Nhưng vì chính quyền độc đoán, công cụ cai trị sơ sài, vì dân gian không có phương tiện gì tỏ ý mình và tố cáo sự lạm quyền của địa phương, cho nên những lời tự phê bình và những lời khuyến dụ rất hay, rồi cũng chỉ thành sáo ngữ. Non bốn mươi năm sau, dân ta bị suy, nước ta bắt đầu bị mất, cũng khởi nguyên từ đó.


Hoàng Xuân Hãn

(bài đã đăng Đoàn Kết số 388, 2.1987)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss