Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Các bài trong Đoàn Kết / Tưởng Nhớ Phan Anh

Tưởng Nhớ Phan Anh

- Hoàng Xuân Hãn — published 08/03/2008 23:15, cập nhật lần cuối 14/03/2008 23:23
Chính Phan Anh thuộc thế hệ ấy. Sau khi tốt nghiệp luật khoa tại Hà Nội, Anh đã tới Paris, soạn các đề án về luật hiến pháp và ngoại giao, để tính đường tương lai giảng dạy luật khoa. Nhưng năm 1939, tình hình Âu châu thành nguy ngập. Anh cùng các bạn du học phải trở về nước.

Tưởng nhớ Phan Anh


Hoàng Xuân Hãn




Sau những năm các phong trào thanh niên cách mạng bùng nổ, 1929-31, chính quyền thuộc địa thấy cần phải nới rộng trung học và đại học tại Đông Dương. Dân ta hiếu học, đã hưởng ứng ngay.

Tại Hà Nội, các trường công tư đào tạo từng lớp thanh niên đủ kiến thức tài năng để dự học các trường đại học : khoa Y, khoa Dược và khoa Luật. Kết quả là kề trước cuộc đại chiến 1939 tại Âu Châu và nhất là cuộc đại chiến Thái Bình Dương, tại nước ta sẵn có một thế hệ thanh niên trí thức, có đủ tài cán chuyên nghề, nhiều lòng muốn phục vụ tổ quốc. Họ sau nầy sáp nhập với nhóm cách mạng bấy giờ hoặc đang bị giữ trong lao tù, hoặc đang náu tiếng với nhân dân, để gây một phong trào yêu nước vô song, từ bàn tay trắng mà chống nổi mọi cuộc ngoại xâm.

Chính Phan Anh thuộc thế hệ ấy. Sau khi tốt nghiệp luật khoa tại Hà Nội, Anh đã tới Paris, soạn các đề án về luật hiến pháp và ngoại giao, để tính đường tương lai giảng dạy luật khoa. Nhưng năm 1939, tình hình Âu Châu thành nguy ngập. Anh cùng các bạn du học phải trở về nước. Chẳng bao lâu, nhân Pháp bị bại trận, Nhật Bản tăng áp lực đối với Đông Dương. Chính quyền ở đây muốn lấy lòng trí thức, phải cho người bản xứ hành nghề luật sư. Nhờ vậy Phan Anh mới vào tập sự nghề luật sư tại một phòng cạnh nhà lao Hoả Lò, khá gần nhà tôi.

Tôi thuộc vào lớp hơi sớm hơn Anh. Năm 1936, tôi đã từ Pháp về dạy khoa toán tại Trường Bưởi, trường mới được mang huy hiệu " Lycée ". Bấy giờ hiếm giáo sư, cho nên tôi phải phục vụ nhiều lớp, nhiều trường. Chung quy tôi không có thời giờ tiếp xúc nhiều với thế hệ Phan Anh. Vả tình hình chiến tranh tại Âu Châu, tư thế quân đội Nhật bản tại Đông Dương thúc giục tôi phải để tâm hoàn thành và công bố công trình mà tôi đã ôm ấp trong gần mười năm : DANH TỪ KHOA HỌC. Bấy giờ lòng ái quồc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên, đã bộc lộ. Một hôm Phan Anh tới tìm tôi và bày tỏ ý kiến của một nhóm trí thức trẻ muốn ra một tờ báo nguyệt san, đặt tên là THANH NGHỊ (1), hỏi ý tôi nên bàn luận thế nào và nhờ tôi cộng tác. Tôi đã đáp rằng:

« Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta : quốc dân, chính quyền, thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật. Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế. Chắc rằng toà kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đứng đắn và trách nhiệm (Phan Anh rất đồng ý). Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hóa. Vì lẽ ấy, tôi đã soạn một tập DANH TỪ KHOA HỌC và đang bàn, với anh em khoa học cho ra một tạp chí KHOA HỌC, nó bổ túc cho báo THANH NGHỊ của các anh. Nhưng cũng vì thế mà tôi không có thời giờ viết thường xuyên giúp Anh về khoa học. Trái lại, sở thích riêng của tôi là sử và cổ văn. Tôi nhận thày có nhiều khả năng góp phần mới. Nếu tôi có những điểm mới thuộc các đề tài ấy tôi sẽ đăng vào tạp chí của các anh » (2).

Từ đó, chúng tôi thành bạn thâm giao ; một lẽ nữa là các nội nhân chúng tôi là đôi bạn đồng môn và đồng nghiệp. Trong hơn bốn năm liền, thỉnh thoảng tôi rảo bước trên phố Trường Thi, quay sang phố Quán Sứ, đến góc phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, nhìn xuống một cửa sổ dưới thấp ; nếu thấy một cái đầu tóc cắt vuông đang cúi xuống bàn trên các hồ sơ, thì biết đó là Phan Anh đang làm việc. Tôi xuống, gõ cửa bước vào. Anh đứng dậy, mắt cười, rồi chúng tôi bàn tán chuyện nước nhà và chuyện thế giới. Mà thực vậy ! Tương lai chúng ta chắc chắn đổi nhiều ! Thế Pháp đã tàn. Thế Nhật đầu bùng sau xẹp. Đức chắc sẽ thua ; Mỹ đã tiến dần về phía tây, chiếm lại Phi-lip-pin, chắc chẳng bao lâu nữa sẽ đổ bộ vào đất ta. Các nước thực dân cũ trên Đông Nam Á, như Anh, Mỹ, Hà Lan đều đã hứa độc lập cho các thuộc quốc mất vào tay Nhật. Nhờ hiệp ước " Cùng bảo-vệ Đông Dương " ký vào giữa năm 1941, mà hai quân đội Nhật và Pháp vẫn dung nhau trên đất nước ta. Tổng thống Mỹ doạ cất quyền của Pháp sau khi giải phóng Đông Dương. Trong những lúc được mời tiếp xúc hoặc với toàn quyền đô đốc Decoux, hoặc với thủ lĩnh kháng Nhật trung tướng Mordant, tôi chỉ nghe họ khuyên trí thức ta đừng nghe những lời hứa Anh Mỹ. Trong lúc ấy, họ không giấu nổi sự dự bị đón tiếp quân đồng minh. Phan Anh và tôi cùng nhau phân tích quân đội Pháp và quân Mỹ có thể đổ bộ cứu quân Pháp ở đây. Nếu quân Pháp không được cứu, thì chắc rằng Nhật sẽ đem Kì Ngoại Hầu Cường Để từ Nhật Bản về và đảng Ngô Đình Diệm sẽ cáng đáng lâm thời vận mệnh nước trước lúc hoà bình. Nhưng nếu Mỹ đổ bộ cứu Pháp thì ắt Nhật ở đây sẽ thua. Bấy giờ cơ cấu thuộc quốc vẫn nguyên, mà mình không vũ lực, thì sẽ mất một cơ hội độc lập như đã mất cơ hội đại chiến trước : cuộc khởi nghĩa Duy Tân hỏng vì nội phản, việc tiếp nhập Phục Việt hỏng vì bất lực ; còn bản yêu sách độc lập của Nguyễn Ái Quốc trước nhân viên Hội Nghị Hoà Bình Versailles thì cũng chỉ có tính cách tượng trưng ". Trong phòng giấy nhỏ ở cạnh Hỏa Lò, tôi đã ngỏ những thắc mắc lo lắng ấy. Vào cuối năm 1944, tại.thành phố Hà Nội đã có những việc rải truyền đơn, hô khẩu hiệu cách mạng, kêu gọi dân đánh Nhật, đánh Pháp; ngoài đường lại có một vài vụ phá cột đèn, phá điếm điện thế. Tôi lại bảo Phan Anh:

« Mặc dầu Pháp đàn áp, nhưng đảng cách mạng vẫn còn tổ chức. Nghe nói Liên Hợp Quốc Cộng Trung Quốc và cố vấn Mỹ cung cấp vũ khí cho ta để đánh Nhật; nếu sự ấy là thật, thì may gì ta cũng sẽ dự phần chiến thắng Nhật, và có cơ đòi lại độc lập cho ta. Trong nhóm Thanh Nghị, nghe nói có người trong đảng. Vậy, ngoài tuyên truyền, mặc dầu là vũ trang. Cách mạng có thực lực cơ bản gì không ? »

Phan Anh chỉ cười mà đáp rằng : « Tôi cũng nghe như vậy ! »

Chúng tôi chẳng lấy làm lạ khi nghe tiếng súng nổ suốt đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, và rạng ngày sau các đài truyền thanh cho hay rằng quân đội Pháp tại Đông Dương đã bị Nhật giải giáp. Sự lạ là không thấy Mỹ phản ứng giúp Pháp và Nhật không đưa Cường Để về. Trái lại, chính phủ Nhật sai sứ thần tới Huế chuyển lời chính phủ Nhật Bản cho vua Việt Nam rằng chính quyền thuộc địa Pháp đã bị khử trừ, và nếu Việt Nam tuyên bố độc lập, thì chính phủ Nhật Hoàng thừa nhận. Hơn một tuần sau, chúng tôi mới được tin rằng Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập, quyết định tự cầm quyền với tôn chỉ " DÂN VI QUÍ " (3) và kêu gọi tất cả nhân dân hỗ trợ.

Ngày 23 tháng ấy, một viên lãnh sự Nhật tới đưa tôi ba bức thư, một gửi cho tôi ; hai thư kia nhờ tôi chuyển hộ. Những thư này do văn phòng vua ở Huế, nhờ sứ quán Nhật chuyển mời Vũ Văn Hiền, Phan Anh và tôi vào Huế để bàn cùng Bảo Đại nên thực hiện độc lập tương lai cho nước bằng cách nào. Sau khi gặp nhóm Thanh Nghị, Hiền và Anh bằng lòng cùng tôi đáp lời mời và cùng đi. Bấy giờ ở Huế, cũng như khắp nước, lòng ái quốc của nhân dân lên cực độ. Cho đến nhà Vua, cũng chịu ảnh hưởng chung. Vậy đã có thư mời nhiều trí thức, nhiều chính khách có tiếng, ngoài những người đang bị lao tù. Riêng được mời một số nhân vật mà quân đội Nhật đã giấu để khỏi bị công an thực dân bắt, nhất là Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm. Nhưng quân đội Nhật không chuyển thư mời cho Diệm, vì Diệm chủ trì đưa Cường Để thay Bảo Đại, mà Nhật lại không muốn có chuyện xáo lộn trên đất Việt Nam. Tuy vậy, Kim, Hiền, Anh và tôi đồng ý rằng : " Thế Nhật Bản chỉ còn đứng được hơn một năm là cùng. Chính phủ nào bắt đầu từ bây giờ cũng chỉ có chừng nấy để củng cố thế độc lập của nước ta mà thôi. Vậy nên khuyên Vua mời Ngô lập chính phủ vì y được người Nhật tin và nhóm nhân dân " thân Nhật " ủng hộ ". Không ai bảo ai, những người được mời đều khuyên Bảo Đại như vậy. Đổng lý văn phòng vua bấy giờ là Phạm Khắc Hoè, tuy thuộc quan trường bảo hộ, nhưng có " óc tân tiến ", lại là dây liên lạc giữa Bảo Đại với thanh niên và nhiều chính khách yêu nước ở Huế. Hoè lại viết thư cho Diệm, nói Vua mời về lập nội các. Lần nầy Nhật chịu chuyển thư, nhưng Diệm từ chối, lấy cớ bệnh không về. Cuối cùng Trần Trọng Kim, tuy còn ốm, phải nhận lời Bảo Đại nằn nì tha thiết lập một chính phủ cách tân, trong ấy Phan Anh phụ trách bộ Thanh niên để tránh tiếng bộ Quốc phòng, vì ta chưa có bộ đội và không muốn để ai hiểu lầm và lợi dụng. Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin, để đến khi hoà bình trở lại, Đồng minh không có cớ đặt ách ngoại trị vào cổ dân ta. Trong khoảng ba tháng, Phan Anh đã lập được tại nhiều tỉnh những thanh niên đoàn học tập vũ nghệ, và nhất là lập được tại Huế một trường võ bị cao cấp, gọi là trường THANH NIÊN TIỀN TUYẾN để một số sinh viên đại học cũ tập thành sĩ quan. Chính phủ lại yêu cầu quân đội Nhật trả lại những khí giới họ đã tịch thu, và thả ra những quân nhân người Việt, để họ huấn luyện thanh niên học tại các trường võ bị.

Tuy biết rằng chúng tôi chỉ nhận nhiệm vụ mang tính cách tạm thời với hi sinh, nhưng chính phủ và tất cả nhân viên say sưa với công việc, tranh thủ với thời gian. Nhưng thế Nhật tan chóng hơn mình đoán. Chính phủ toan từ chức để Vua có thời giờ họp những người cách mạng chống Nhật, phòng khi đối thoại với Đồng minh. Đầu tháng bảy, nguyên soái Nhật, trung tướng Suchi Hachi, báo tin muốn trao trả chính quyền Nam bộ, Bắc bộ và sự quản lí các công vụ Đông Dương cũ. Một nửa chính phủ ra Hà nội, đi cùng thủ tướng. Đến nơi, Hiền và Anh được các bạn Thanh Nghị cho hay rằng phong trào cách mạng chống Nhật đã bành trướng từ Cao Bằng đến vùng Bắc Kạn, Thái nguyên. Họ có tổ chức và có vũ khí Mỹ cho. Chúng tôi hơi yên tâm, nhưng cũng tự hỏi rằng vũ khí Mỹ đã cho có bằng khí giới Nhật sẽ cho khi Mỹ đổ bộ. Thủ tướng nhờ bắt liên lạc với nhân vật cao cấp trong phong trào để thương lượng lợi chung, nhưng rồi lại gặp một đảng viên rất trẻ chỉ biết tuyên truyền. Không đợi lâu được, chính phủ trở về Huế để lo việc tiếp thu chủ quyền Nam phần. Tôi phải ở lại Hà Nội, tiếp tục thu nhận cơ quan đại học. Trước lúc từ giã Phan Anh, tôi dặn các sự đã bàn : tôi sẽ đồng tình từ chức và khuyên những người cách mạng sẵn sàng lập chính phủ mới. Trần Trọng Kim trở về Huế, đề cử Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai Nam phần. Trước khi rút lui chính phủ giúp Vua hiệu triệu người mới. Nhưng biến cục chiến tranh Thái Bình Dương giồn giập. Bom nguyên tử ném vào đất Nhật. Nhật hoàng ra lệnh cho quân đội mình đầu hàng. Có tin quân đội Anh và Trung Quồc sẽ vào Việt Nam nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Ở Bắc phần, khâm sai Phan Kế Toại từ chức, đảng VIỆT MINH kháng Nhật ra lệnh tổng khởi nghĩa. Lãnh tụ đảng, Hồ Chí Minh, về Hà Nội ; thực ra không mấy ai biết đó là ai. Những tin đồn "đoàn quân Việt Mỹ" sắp về, làm cho toàn dân say sưa phấn khởi. Hành động cuối cùng của Chính phủ Huế là giúp Vua, đại diện chính thức quốc tế của Việt Nam, đánh điện cho chủ tịch năm nước Đồng minh, yêu cầu nhìn nhận sự độc lập đã thành của nước. Rồi phái Hồ Tá Khanh vào Nam, Phan Anh ra Bắc để trấn tĩnh nhân dân và tra xét tình hình. Phong trào cách mạng không đáp lời mời hợp tác của Bảo Đại. Trái lại, ngày 21 tháng 8, yêu cầu vua thoái vị. Bấy giờ đã biết Hồ Chí Minh cũng là Nguyễn Ái Quốc, Bảo Đại bèn tuyên bố thoái vị (24-8), để chính phủ cách mạng dễ thương thuyết độc lập với Đồng minh. Trên đường ra Bắc và vào Nam, Phan Anh và Hồ Tá Khanh đều bị cách mạng bắt giữ rồi được thả ra.

Ngày 28 tháng 8, Hồ Chí Minh chính thức lập chính phủ cách mạng đầu tiên, trong đó ít ra cũng có ba bốn bạn Phan Anh trong nhóm Thanh Nghị. Trong Nam, nhờ quân Anh giúp, quân Pháp chiếm lại Sài Gòn rồi đánh lên miền Bắc. Những sĩ quan đầu tiên điều khiển cuộc Nam tiến là những cựu sinh viên trường Tiền Tuyến lập bởi Phan Anh. Quân Trung Quốc ồ ạt kéo vào Bắc việt để tiếp thu vũ khí quân Nhật. Những người Việt chống Pháp từ trước lưu vong, nay theo về, với danh nghĩa Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Họ được quân Trung Quốc hỗ trợ để tranh quyền với chính phủ lâm thời. Một mặt khác, quân Pháp đã được quân Trung Quốc bằng lòng cho ra Bắc thay thế mình. Muốn ngăn cản quân Pháp thì chính phủ lâm thời bất lực ; muốn điều đình để đợi thời thì phải có hoà khí bên trong. Vì vậy Hồ Chí Minh đã cấp tốc tổ chức bầu quốc hội, dành riêng cho các đảng quốc gia 70 ghế, và ngày 2 tháng 3, nhóm quốc hội giải tán chính-phủ " Việt Minh " lâm thời. Một chính phủ liên hiệp và kháng chiến được thành lập với một số nhân vật tựng trưng '' quốc gia " : Nguyễn Hải Thần (phó chủ tịch), Huỳnh Thúc Kháng (nội vụ), Nguyễn Tường Tam (ngoại giao), Vĩnh Thụy (tức là Bảo Đại, cố vấn) và Phan Anh giữ bộ quốc phòng, có lẽ vì Anh đã từng giữ bộ thanh niên dưới triều Bảo Đại.

Phan Anh tìm tôi để bàn chuyện. Anh cho biết rằng tình hình nước rất bối rối. Tại Trùng Khánh, Tưởng Giới Thạch đã bán rẻ Bắc kì cho Pháp và đành ép ta nhận các điều kiện Pháp đã đưa ra để đem quân ra Bắc. Anh Mỹ không bênh ta vì họ cần Pháp ở Âu Châu để chống Nga. Các người đảng quốc gia thì không tự lượng sức mình, cứ tưởng có thể mượn sức quân Tưởng ngăn Pháp đổ bộ. Nghe nói có hôm Lư Hán (tướng Vân Nam) toan bắt cụ Hồ, và có lúc cụ Hồ đã toan cùng Bảo Đại trao đổi chức năng, chủ tịch chính phủ và cố vấn, cho dễ điều đình. Anh nói : ''Chính trị phải thực tế. Chi bằng toàn dân đoàn kết, tuỳ sức mình mà kí với Pháp hiệp ước thuận lợi nhất để tồn tại và điều đình kiên trì về sau " .

Anh cũng đồng ý với tôi, chức vị bộ trưởng quốc phòng chỉ là tượng trưng. Bộ đội ở trong tay chủ tướng Võ Nguyên Giáp. Như thế là hợp lí trong trường hợp này. Bấy giờ chỉ có Việt Minh mới có điều kiện thực tế tổ chức gấp một bộ đội làm hậu thuẫn cho chính phủ chống thực dân, có phương tiện tổ chức du kích khắp thôn quê nếu quân Pháp muốn đặt đô hộ trở lại. Liền sau đó, ngày 6 tháng 3, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh (Quốc Dân Đảng) kí với Sainteny (cả ba tên đều là giả) hiệp ước để quân đoàn Leclerc đổ bộ lên Hải Phòng, đáp lại lời hứa của nước Pháp " nhận Cộng Hoà Việt Nam là một nước tự do, có chính phủ riêng, có quốc hội riêng, có quân đội riêng, và có tài chính riêng ; nhập phần Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Về điều thống nhất ba Kỳ, thì chính phủ Pháp cam đoan sẽ chấp nhận sụ quyết định của nhũng dân tộc sẽ được trưng cầu ý kiến ".

Quân Pháp đổ bộ liền lên bến Hải Phòng, mặc dầu một nhóm bộ đội Trung Quốc đột kích. Chỉ một mình Giáp và Phan Mỹ, em ruột Phan Anh, tiếp xúc với Leclerc. Bộ trưởng quốc phòng hoàn toàn ngoài cuộc ! Bắt đầu từ ngày 18-3, quân đội thiết giáp Pháp ồ ạt thị oai ở các đường Hà Nội. Bấy giờ ai cũng nhận thấy rằng chính phủ mình, cộng hoà hay quân chủ, quốc gia hay cộng sản, nếu không quân đội nghiêm túc, nhân dân ủng hộ, ngoại giao khôn khéo, thì cánh thực dân lập lại chế độ thuộc địa như xưa. Bấy giờ đã hay tin rằng đô đốc d'Argenlieu với đoàn cố vấn hành chánh không đồng ý " rộng rãi " với đại tướng Leclerc và tay mật vụ Sainteny. Hồ Chí Minh quyết định bước sang giai đoạn điều đình cấp tốc với chính phủ Pháp. Hiền và tôi đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt với Nguyễn Tường Tam và Võ Nguyên Giáp làm trưởng và phó chủ tịch (19-4 / 11-5-1946). Trù bị đây là trù bị cho hội nghị chính thức tại Paris định họp vào mùa hè năm ấy. Đã dự bị Nguyễn Tường Tam và Phạm Văn Đồng làm trưởng và phó phái đoàn, Vũ Văn Hiền và Phan Anh sẽ là chân quan trọng. Nhưng d'Argenlieu định phá hội nghị. Ông đã bịa ra Hội nghị trù bị để có thời giờ lập nước Nam kì tự trị, rồi họp một hội nghị Đà lạt thứ hai (1-8) với các nước Mên, Lào, Nam kì và xứ Mọi. Những chính khách Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội đều bỏ chức và trốn tránh sang Trung Quốc. Nguyễn Tường Tam không đi dự Hội nghị Paris nữa. Vũ Văn Hiền bị bệnh cũng không đi. Ngày 31 tháng 5, Phan Anh từ giã tôi, theo Chủ tich nước ta và phái đoàn điều đình lên máy bay đi Pháp, mặc dầu d'Argenlieu muốn hoãn chuyến đi này lại, vì tại Pháp chưa có quốc hội, chưa có chính phủ chính thức.

Khi Chủ tịch và phái đoàn ta tới đất Pháp, họ phải đợi ở miền nam nước Pháp, " du lịch " chung quanh Biarritz đến gần cuồi tháng 6, sau khi những đảng hữu thắng trong cuộc bầu cử 2-6 và G. Bidault thành lập chính phủ. Chủ tịch phải đợi đến 22-6 mới lên Paris và được tiếp đón long trọng. Còn các phái viên, như Phan Anh, thì lên Paris sớm, kẻ tham quan phong cảnh, người nối dây liên lạc. Phan Anh chú ý về sở học của mình là luật khoa. Muốn làm bớt uy thế của Việt Nam và tránh ảnh hưởng của các tả đảng Pháp, chính phủ Bidault quyết định hội nghị họp tại Fontainebleau. Hội nghị bắt đầu ngày 6-7. Chủ tịch đoàn là Phạm Văn Đồng, tổng báo cáo viên là Phan Anh. Phan Anh lại là chân lí luận chắc chắn, biện từ sắc bén ; thân hình thấp nhưng đầy đặn, đầu tóc vuông vắn. Bấy giờ, các nhà báo có kẻ chú ý đến Anh, và nói đùa Phan Anh là " một cái lon thuốc hút (pot à tabac) nhưng mà thuốc cay đậm ".

Rồi hội nghị nầy, cũng như hội nghị Đà Lạt, thất bại vì ta không thể chịu ách nặng Liên bang Đông Dương và nhất là không thể chịu để lìa tách Nam bộ. Phái bộ đành bỏ dở Hội đàm ra về. Xuống tàu Pasteur ngày 14-9, để chủ tịch chính phủ ta ở lại kí với M. Moutet, bộ trưởng hải ngoại, một " tạm ước " trước khi ra về. Ngày 19-9, cụ Chủ tịch xuống tàu binh Dumont-d'Urville đi Đông Dương, ngày 18-10 hội đàm với d'Argenlieu ở vịnh Cam Ranh. Ngày 20-10 về đến Hà Nội. Trong gần 5 tháng, Chủ tịch đi vắng mà chỉ trở về với một tạm ước kém hiệp ước tháng 3 ! Trong nước, phái thực dân lấn áp dần dần : thành-lập Nam kì tự trị, chiếm các vùng dân tộc thiểu số, một vài điểm chiến lược hay kinh tế như tỉnh lị Lạng Sơn, Bắc Ninh, phủ Toàn quyền, toà Tài chánh, và tự thu quan thuế ở Hải Phòng.

Cụ Chủ tịch vẫn giữ thái độ trấn tĩnh. Nhưng các nhân viên, sau 5 tháng ở Pháp về với nhiều nỗi lo âu và thất vọng. Coi chừng mỗi người phải quyết đi vào một chí hướng. Tôi còn nhớ khi gặp thi sĩ Xuân Diệu. Đại biểu báo chí vừa về, anh ta bảo với mọi người : '' Có nhiều thể chế cộng hoà, ta phải liệu chọn ". Phan Anh, về hình thức vẫn là bộ trưởng quốc phòng, chắc đã được Giáp, nhất là Phan Mỹ, cho biết rõ tình hình nguy ngập về võ bị. Tôi phải đợi đến hôm cụ Chủ tich về, chiêu đãi thân sĩ, mới có dịp gặp lại Phan Anh. Tôi cũng được mời vì là nhân viên hội nghị Đà Lạt. Bước vào phòng khách, tôi thấy người kết cụm trò chuyện xôn xao. Trông sang một góc buồng, thấy Phan Anh ngồi một mình với một cuốn sách ở tay. Tôi liền bước thẳng tới. Anh đứng dậy, tươi cười bắt tay. Tôi đùa đọc câu Kiều:

" Chi bằng riêng một biên thuỳ ! "

Anh vội mỉm cười mà bảo:

" Chớ đọc nối câu sau ".

Chúng tôi đều biết đến câu sau : " Sức này đã dễ làm gì được nhau ". Tôi hiểu ý của Anh, nhưng tôi cũng đùa đáp:

'' Sao lại sợ ? Đó là lời phái đoàn ta phải nói với Pháp ! ".

Câu nói ấy là ngẫu nhiên, chứ bấy giờ tôi chưa biết lời tướng Salan đã bảo Hoàng Minh Giám sau khi ta từ chối mọi điều ức hiếp của Pháp, rằng : "Sự đã rõ ràng, chỉ còn cách đánh nhau giữa chúng ta !".

Tôi hỏi : '' Đọc sách gì thế ? "

Anh giở bìa sách. Tôi đọc : " LE ZERO ET L' INFINI ".

Tôi hơi ngạc nhiên, Anh liền bảo : " Không phải sách toán đâu ! Sách này hiện là best-seller bên Pháp, tôi mới mua về ". Tôi hỏi qua nội dung thì Anh chỉ cười không đáp. Vừa lúc ấy viên lãnh sự Anh, Trebor Wilson, là một người Anh đã làm lãnh sự nhiều năm ở Hà Nội, và người ta cho là một thám tử đặc sắc, đi lại gần chúng tôi, vì y đã biết tôi qua thư kí của y là một đàn bà người Anh và vợ bạn tôi là Hà Văn Vượng. Y chào Anh và tôi, rồi nhìn trừng trừng bìa sách của Anh, tủm tỉm cười và nói : " Bonne lecture ! ", nghĩa là " Đọc tốt nhỉ ! ". Bấy giờ tôi không hiểu câu khen bí mật kia. Sau tôi mới biết sách ấy có một tiếng giội lớn bên Âu Châu vì chỉ trích thâm trầm chế độ và tư tưởng của Staline trong các vụ giết các bạn hữu đồng chí (4).

Sau đó tôi gặp Anh, nói chuyện lâu. Anh cho hay rằng mình tưởng có thể tựa vào các tả đảng ở Pháp để dễ điều đình hơn. Nhưng họ còn khắc nghiệt hơn cả hữu đảng, vì trong khi tranh giành bầu cử, họ sợ mang tiếng đã phá sản quyền lợi quốc gia. Kết luận là sự nhượng bộ trước áp lực thực dân cũng không đủ ; sự hoà giải giữa các đảng phái trong nước cũng chỉ làm yếu tổ chức binh bị. Vì vậy một chính phủ mới được thành lập, thải những phần tử tượng trưng. Võ Nguyên Giáp trở lại bộ quốc phòng. Ấy vào ngày 3 tháng 11 năm 1946. Từ đó đến tháng 5 năm 1954, tôi không gặp lại Phan Anh nữa. Từ bấy giờ, cánh thực dân và cánh quân nhân nhất quyết lập lại chính quyền Pháp trên đất Việt. Họ dùng phép " làm trước cãi sau " mà lấn dần dần, để cho ta phản ứng lại thì ta thành khiêu khích. Bấy giờ họ sẽ dùng vũ lực là thanh toán " dễ dàng " vấn đề Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11, vịn vào việc tranh chấp quan thuế ở Hải Phòng, tướng Valluy đã tàn sát và chiếm thị trấn: dân Hà Nội sợ bị tập kích như vậy, nên phần lớn tản cư. Tôi không biết Phan Anh đi về đâu. Hai bộ đội sợ nhau, nên hành động bảo vệ bị coi là hành động khiêu khích (5). Trong tinh thần ấy, chiến tranh Pháp Việt bùng nổ từ tối ngày 19-12. Năm sau tôi mới biết Phan Anh đã lên Chiến khu Việt Bắc với Cụ Hồ.

Hoàng Xuân Hãn

(bài đã đăng Đoàn Kết số 431, 02.1991)

(Bài này lẽ ra còn một phần thứ nhì. Trên thực tế, phần chưa viết này
ẩn tàng trong bài Cố Điện nói về thân sinh ông Phan Anh - chú thích của Diễn Đàn)




(1 ) THANH NGHỊ : nghị luận trong trẻo của kẻ trí thức. Một tháng ra một số từ 1-5-1941 ; rồi mỗi tháng ra hai số từ 1-5-1942. Trong báo KHOA HỌC 1-5-1942, có lời quảng cáo sau : " Báo Thanh Nghị do một nhóm thanh niên trí thức chủ trương, gồm có các giáo sư, luật gia, bác sĩ, dược sĩ, cùng các hoạ sĩ, nhạc sĩ, và văn gia... Trong số 1-5 có những bài : Lập hiến : Phan Anh ; Ấn Độ kinh tế và chính-trị : Vũ Văn Hiền ; Mặt trời mọc giữa ban đêm ở Pháp : Ngụy Như Kontum ; Vấn đề đi vay đối với dân quê : Vũ Đình Hoè ; quan niệm bài thơ : Đoàn Phú Tứ , Phạm Văn Hanh, Nguyễn Sanh; Công việc bảo vệ hài nhi ở các nước : bà Phan Anh ; \/ấn đề hồi môn : Phan Mỹ ; Kỷ niệm Phan Thiết : Đinh Gia Trinh ; âm nhạc lối hát ả đào : Nguyễn Xuân Khoát ; Đạo nghị định mới về luật thuê nhà : Đỗ Xuân Sảng ; Sự quan hệ giũa hai học thuyết Lão và Khổng : Đặng Thái Mai ; Công việc bài trừ bệnh lao bên Pháp : Bác sĩ Trịnh Văn Tuất ; Lược-khảo về thi hội năm Duy Tân thứ bảy : Nguyễn Văn Huyên ; Một nhà toán-học có tiếng, ông Cauchy : Hoàng Xuân Hãn ; và những bài về văn chương. Mỹ thuật và khảo cứu của các ông Tô Ngọc Vân, Đỗ Đức Thu, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Lô, Nguyễn Trọng Phấn, các bác sĩ Phan Huy Quát, Trần Văn Bảng, Đặng Huy Lộc... Chủ-nhiệm : Vũ Đình Hoè. "

(2) Tôi có viềt ba bài cho báo Thanh Nghị : 1 ) La Sơn phu tử (với bức thư của vua Quang Trung gửi mời Nguyễn Thiếp), 2) Nguồn gốc văn Kiều (hát phường vải và bài " văn tế Trường lưu nhị nữ " của Nguyễn Du). 3) Mai đình mộng ký (một áng văn thuộc Văn phái Hồng Sơn, tác giả là Nguyễn Huy Hổ, con Nguyễn Huy Tự, tác giả chuyện Hoa Tiên).

(3) DÂN Vl QUÍ : dân là quí nhất. Châm ngôn nầy trích từ sách Mạnh Tử, thiên Tận Tâm hạ. Nguyên cả câu là : Dân vi quí xã tắc thứ chi, quân vi khinh, nghĩa là : Dân là quí nhất rồi mới đến nhà nước, còn vua là nhẹ. Các nhà Nho lấy ba chữ đầu để khuyên vua phải yêu dân. Báo Le Constitutionnel (?) của nhóm Bùi Quang Chiêu ở Sài Gòn đã dùng cả câu làm biểu ngữ cho báo. Lúc bấy giờ, chúng tôi tưởng rằng văn phòng đã xui Vua dùng khẩu hiệu DÂN Vl QUÍ. Nhưng Phạm Khắc Hoè lại đổ cho " nhà Nho học " Trần Trọng Kim xui. Sự ấy không đúng, vì Kim cũng như chúng tôi, tới Huế hơn hai tuần sau khi tờ " Dụ DÂN Vl QUÍ " được ban ra.

(4) Tác giả sách này tên Arthur Koestler, gốc Hung, lấy quốc tịch Anh và viết bằng tiếng Anh. Những tiểu thuyết y viết liên hệ đến cá thể con người đối với những lí tưởng chính trị hiện hành. Cuốn " Cái không và các vô tận " (dịch ra tiếng Pháp Le zéro et l'infini) được dịch ra tiếng Pháp năm 1945.

(5) Devillers trong sách Histoire du Vietnam (3ème édition, Seuil, trang 352) có mách lại lời tướng Valluy đến Hải Phòng ngày 17-12 (hai ngày trước chiến-tranh) nói với hai đại diện Pháp ở Bắc, Sainteny và tướng Morlière rằng : " Les nhacs veulent la bagarre, ils l' auront ", nghĩa là : " Tụi nhà quê muốn chiến tranh thì chúng sẽ có chiến tranh ".


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss