Đọc sách
Sách mới
TRUYỆN TRANH
ROUGE SANG
của Benoît de TRÉGLODÉ và Roman GIGOU

Đây là tập truyện tranh đầu tiên của hai tác giả : Benoît de Tréglodé, người viết kịch bản, là nhà nghiên cứu sử học và địa chính trị quen biết trong giới Việt Nam học (có lẽ vi vậy mà ông chọn Hà Nội và chính trường Việt Nam làm khung cảnh cho câu chuyện “thriller” địa chính trị giả tưởng ; còn Roman Gigou lần đầu tiên vẽ “BD” (truyện tranh) nhưng đã nhiều năm làm trợ lý cho những tác giả BD nổi tiếng như Philippe Dupuy, Blutch và Enki Bilal.
Câu chuyện diễn ra trong vỏn vẹn 7 ngày ở Hà Nội : từ khi Line, nữ phóng viên trẻ, đặt chân xuống Nội Bài đến khi cô thoát hiểm rời sân bay về Pháp. Mục đích ban đầu của cô gái (cha là đại sứ Ukraine tại Việt Nam, mẹ là người Việt) là làm phóng sự điều tra về những cô gái lao động tính dục (nôm na là bán dâm) qua mạng, nghĩa là không chịu sự khống chế của mạng lưới ma cô. Nhưng rất nhanh chóng, thiên phóng sự đã bị chuyển hướng : cô gái mà Line phỏng vấn nhờ Line đi tìm người bạn gái ở chung nhà, nhân viên một phòng mát-xa, bỗng nhiên mất tích ; ông đại sứ cha cô, vốn là một tướng lãnh không quân, cáu kỉnh vì “con tới Hà Nội không đúng lúc chút nào, không khí lúc này nguy hiểm lắm”, rồi Thắng, người bạn trai thân thiết (bạn chứ không phải bồ, vì anh ta đồng tính), có vẻ giao du kín đáo với nhân viên sứ quán Nga, bỗng nhiên nhiễm trùng, một thứ bệnh lạ bắt đầu lan tỏa ; cha của Thắng, tướng Quách, nguyên tùy viên quân sự ở thủ đô Ukraine, lại phụ trách một chương trình hợp tác quân sự tối mật Việt Nam - Ukraine, cụ thể là một phòng thí nghiệm vi sinh học vừa bị rò rỉ (chúng ta đang ở Hà Nội, chứ không phải Vũ Hán, Trung Quốc)...
Và Hà Nội trở thành điểm phát xuất của
một đại dịch cô vi cô vít gì đó, chiến trường “ủy thác” giữa Nga và
Ukraine, giữa hai phe trong giới quân sự - công an Việt Nam, đều xuất
thân từ giới con ông cháu cha đã từng chỉ huy các đội hợp tác lao động
ở Moskva và Kyiv, nay một phe thân Ukraine, một phe thân Nga.
Câu chuyện tất nhiên là giả tưởng, nhưng không phải không có cơ sở kinh tế - chính trị với các mafia liên kết với xã hội đen Liên Xô cũ trong đủ các loại buôn bán, kể cả vũ khí, chứ không phải chỉ có mì ăn liền của đại gia Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vingroup, với hàng tá các Vinhome, Vinuni, Vinfast, Vinpearl, Vinmec...
Chuyện bịa, nhưng hấp dẫn. Một dịp để bạn đọc đi theo hai tác giả khám phá Hà Nội về đêm. Màu sắc cuốn sách hơi lạ, khác xa những truyện tranh của Vink hay Marcelino Trương, và mới đây truyện SỐNG của Trần Hải Anh và Pauline Guitton. Phải chăng đó là gam màu của Hà Nội ban đêm, một Hà Nội mà người viết bài hoàn toàn mù tịt
_________
UBERUSÉS
LE CAPITALISME RACIAL DE PLATEFORME
của Sophie BERNARD

Như có thể thấy rõ ngay từ bìa sách, tân từ UBERUSÉS được tạo ra từ hai từ tố : USÉS, bị sử dụng, đến tàn tạ, vắt kiệt... và UBER, công ti dịch vụ trực tuyến (gọi xe taxi) ra đời năm 2009 ở San Francisco, đã nhanh chóng lan tràn ra hàng trăm đô thị trên thế giới, doanh số nhảy vọt từ 500 triệu USD (2014) lên 17,5 tỉ USD (2021). Theo nghĩa rộng, phương thức kinh doanh “uber-hoá” là : cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn các dịch vụ hiện có, thông qua những người lao động độc lập chứ không qua nhân viên làm thuê, được nối kết qua những “nền tảng” (plateforme) đặt hàng bằng internet.
Ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á, Uber bán dịch vụ cho Grab và trở thành cổ đông của Grab. Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng, Đà Lạt,... người ta không bấm điện thoại goi Uber mà gọi Grab. Nhưng phương thức vận hành, phương thức bóc lột lao động vẫn y chang, nằm trong phương thức gọi là “uber-hóa”.
Đã có nhiều
nghiên cứu về Uber, về sự phát triển nhanh chóng của nó, vạch rõ những
tệ nạn nó gây ra, lý giải vì sao nó biểu trưng cho “chủ nghía
tân-liberal”, phân tích sự đồng lõa của một bộ phận chính quyền (ở
Pháp, người ta biết Emmanuel Macron (*)
đã ủng hộ ngay từ hồi ông ta làm bộ trưởng kinh tế)... Công lao của
Sophie Bernard là tìm hiểu điều kiện làm việc, sống và suy nghĩ của
chính những tài xế Uber ở ba đô thị lớn : Paris, London và Montreal.
Phát hiện lớn của tác giả là ở những nước công nghiệp phát triển phương
Tây, khối nhân công mà Uber khai thác số đông là di dân da màu, những
người khó tìm ra công ăn việc làm ổn định, tay nghề cao... – thêm vào
đó là những người cao niên thất nghiệp, những người về hưu không đủ
sống. Người lao động uber-hóa ở trong tình trạng của người lao động thế
kỷ 19, thậm chí khó khăn hơn nhiều : trước mặt họ không phải là một ông
chủ bằng da bằng thịt hay những đốc công vai u thịt bắp, mà là cái máy
điện thoại vô danh, bên cạnh họ không có đồng nghiệp để đoàn kết đấu
tranh, và nghiêm trọng hơn nữa, đối với khung pháp luật hiện hành của
phần lớn các nước, họ không phải là người lao động làm thuê, mà là
những “doanh nhân tự lập”, không có chế độ an ninh xã hội, chế độ hưu
bổng... Uber lúc đầu lấy chi phí 20% trên số tiền khách hàng trả, rồi
tăng lên 25%. Ở Việt Nam, tôi có thói quen hỏi chuyện tất cả những
người lái xe Grab : 30%, thậm chí 35%, đó là không kể trong mấy năm đại
dịch, mỗi người phải tự chi trả tiền tiêm chủng vac-xin.
Không cần đi vào chi tiết, có lẽ chỉ cần trích nguyên văn lời nói của Emmanuel Macron khi ông ra tranh cử tổng thống (3.11.2016, trả lời phỏng vấn của Mediapart, tr. 292) :
“Các bạn hãy tới Stains [ngoại ô Paris, chú thích của ND] mà giải thích cho các thanh niên tự nguyện lái xe cho Uber rằng thà đứng dựa tường hay bán ma túy còn hơn [...]. Thất bại tập thể của chúng ta là ở những khu dân cư mà Uber tuyển dụng, chúng ta chẳng có gì mà đề nghị với thanh niên cả. Mà trên thực tế, đúng là có khi họ phải làm việc 60-70 giờ/tuần để nhận một đồng lương tối thiểu (SMIC), nhưng họ có được phẩm giá, họ tìm ra việc làm, họ ăn bận com-plê cà-vạt đàng hoàng”.
Nếu ai chưa hiểu tại sao đã bùng nổ những cuộc bạo loạn ở Stains bảy năm sau, chỉ cần đọc lại lời tuyên bố thật thà, thậm chí cynic, này.
Nguyễn Ngọc Giao
(*)
Radio France : Le
rapport d’enquête parlementaire confirme qu’Emmanuel Macron a favorisé
Uber
Các thao tác trên Tài liệu