Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Cải cách Giáo dục / Một số ý kiến về Giáo dục đại học ở nước ta

Một số ý kiến về Giáo dục đại học ở nước ta

- Nguyễn Văn Đạo — published 19/11/2006 06:09, cập nhật lần cuối 19/11/2006 07:39
GS. Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội


Nền giáo dục đại học Việt Nam đang bị tụt hậu so với đại học của nhiều nước phát triển về quan niệm, về đầu tư, về chương trình, giảng dạy và sách giáo khoa, về chính sách, chế độ đối với giáo viên, về tổ chức, quản lý… Sự tụt hậu về giáo dục, đặc biệt là tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhất định sẽ phải trả giá nặng nề trong tương lai, trong cuộc đua tranh giữa các quốc gia ở thế kỷ 21, mà thực chất là cuộc đua tranh về trí tuệ. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, phải đi trước và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với những bước tiến khổng lồ “một ngày bằng hai mươi năm” đang tác động toàn diện đến mọi nền kinh tế, mọi chế độ xã hội trên phạm vi toàn cầu. Cuộc đua tranh giữa các quốc gia trên mặt trận kinh tế đang diễn ra rất quyết liệt. Một xã hội thông tin, một nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành. Một nhu cầu có thực và chính đáng, ngày càng trở nên bức xúc của người dân về một nền giáo dục đại học cho số đông đang được đặt ra. Mục tiêu của nền giáo dục đại học nước ta phải là:

  1. Đáp ứng nguồn nhân lực có trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đảm bảo cho dân tộc ta tiến kịp trình độ phát triển ngày càng cao của thế giới, tiếp thu kịp thời những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.

  2. Sáng tạo ra những tri thức khoa học mới thông qua công tác nghiên cứu.

  3. Đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân về một nền giáo dục đại học cho số đông, mở đường tiến thân cho các thành viên trong xã hội, tạo nên sự bình đẳng xã hội về giáo dục.

Để đạt được mục tiêu trên đây, cần thiết phải có những cải cách có tính cách mạng trong giáo dục đại học.


1. Cần tiến tới xóa bỏ kỳ thi vào đại học căng thẳng và tốn kém như hiện nay - nguồn gốc của hầu hết các tiêu cực trong giáo dục ở tất cả các bậc học - bằng cách phân luồng học sinh phổ thông và mở rộng quy mô đào tạo đại học

Hiện nay, cuộc chạy đua vào các trường đại học diễn ra rất căng thẳng, tốn kém, dẫn tới biết bao tiêu cực, lệch lạc trong giáo dục ở tất cả các bậc học. Vấn đề này nếu không giải quyết được tận gốc, bằng cách phân luồng rất mạnh học sinh từ phổ thông, mở rộng việc đạo tạo nghề, các trường trung học chuyên nghiệp, … ,khiến cho phần lớn các học sinh phổ thông rẽ ngang sớm, chỉ còn một bộ phận học sinh có năng lực thực sự học lên đại học, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo đại học, tiến tới xóa bỏ kỳ thi đại học căng thẳng như hiện nay, thì giáo dục ở nước ta sẽ vẫn ở trong tình trạng rất bất bình thường, tác động rất xấu đến việc phát triển kinh tế – xã hội.

Trước kia, người ta xem các trường đại học là nơi đào tạo nhân lực trình độ cao, chỉ dành cho một số ít những người tài giỏi, thông qua việc thi cử, tuyển chọn rất ngặt nghèo. Ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế và thỏa mãn nhu cầu nâng cao dân trí, xu thế thế giới đã thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh qui mô đào tạo đại học, tạo cơ hội cho ngày càng nhiều thanh niên được học đại học, được cung cấp các kiến thức đại học.

Nền giáo dục nước ta có sứ mệnh đào tạo ra những người lao động có khả năng thích ứng với những thay đổi, biến động của việc làm, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự thay đổi công nghệ sản xuất. Người có trình độ đại học sẽ dễ dàng trong những chuyển đổi này, tự tạo cho mình và cho cộng đồng công ăn việc làm.

Việc sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp cũng sẽ là việc bình thường. Điều này trái với nền kinh tế kế hoạch trước đây, khi việc đào tạo được tiến hành theo kế hoạch, sinh viên lúc vào học đã biết mình sẽ làm việc ở đâu. Ngày nay, tình trạng thất nghiệp là phổ biến ở tất cả các nước, giàu cũng như nghèo, nước phát triển cũng như kém phát triển. Song, trong nền kinh tế tri thức, trong xã hội thông tin, đội quân thất nghiệp có trình độ đại học dù sao vẫn còn nhiều cơ may tìm kiếm việc làm bằng cách chuyển đổi ngành nghề, bằng cách học và tự học thêm. Tăng qui mô đào tạo đại học cũng là tăng khả năng lựa chọn người cho sản xuất và xã hội, tăng tiềm lực trí tuệ của dân tộc.

Cần nhấn mạnh rằng nhu cầu được cung cấp những kiến thức ở trình độ đại học là một nhu cầu chính đáng của nhân dân và thanh niên ta. Học để biết, để làm việc và để sáng tạo ra những tri thức mới, để sống hòa hợp trong cộng đồng. Mở rộng quy mô đào tạo đại học để ngày càng nhiều người có được những kiến thức đại học cũng là sứ mệnh của nền giáo dục đại học nước ta. Việc hạn chế qui mô đào tạo sẽ dẫn tới sự kém phát triển của giáo dục đại học và sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước sau này.

“Thi thế nào thì dạy thế ấy và học thế ấy”. Hiện nay, ở nước ta học sinh ở tất cả các bậc học, phụ huynh học sinh của cả nước đều rất căng thẳng, tốn kém hướng vào kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm: Học để đi thi đại học. Trường đại học là cái đích duy nhất phải đạt đến cho bằng được. Việc giáo dục toàn diện cho học sinh đã không thể thực hiện được. Do vậy, cần khẩn trương mở rộng quy mô đào tạo đại học, tiến tới bỏ kỳ thi vào đại học nặng nề như hiện nay (thay vào đó là việc kiểm tra để loại bỏ những trường hợp quá kém), tạo điều kiện học đại học cho tất cả những ai có nhu cầu, có khả năng và có điều kiện. Mở rộng qui mô đào tạo bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường hiện có, mở thêm nhiều trường đại học ngoài công lập, các trường đại học cộng đồng… Khi đó, không nên đòi hỏi các trường đại học đều có chất lượng như nhau. Có những trường chất lượng cao, nhưng cũng có những trường chỉ đạt chất lượng trung bình.

Mở rộng qui mô đào tạo, chúng ta sẽ thu lại hàng trăm triệu đôla mỗi năm từ các gia đình buộc phải gửi con đi học đại học ở nước ngoài do không thể vào được các trường đại học ở trong nước (mà việc học ở nước ngoài không phải ở đâu cũng có chất lượng cao hơn các trường ở trong nước).

Tại lễ khai giảng niên học 2000 – 2001 của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ rõ:

“Nền giáo dục của ta một mặt phải đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp thu nhanh những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đảm bảo cho dân tộc ta tiến kịp trình độ phát triển của thế giới, mặt khác, phải đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân về một nền giáo dục cho đại chúng, tạo cơ hội học tập cho đông đảo thành viên trong xã hội, tạo nên sự công bằng xã hội về giáo dục, để việc học tập trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân. Học tập thường xuyên, học tập suốt đời là phương châm hành động của mọi người trong xã hội ta”.


2. Về đầu tư. Cần chi đủ, thu đủ và có ưu đãi thỏa đáng với các đối tượng chính sách, các học sinh nghèo mà học giỏi

Để thực hiện được ý tưởng về một nền đại học cho số đông trên đây, cần thiết phải khơi dậy mọi tiềm năng của quần chúng để phát triển giáo dục. Với một nước còn nghèo như nước ta, giáo dục không thể chỉ dựa vào bao cấp của nhà nước như một vài nước giàu đã làm. Bên cạnh ngân sách của Nhà nước chi cho giáo dục, chúng ta cần huy động các thành phần tư nhân, các doanh nghiệp và toàn dân cùng đầu tư phát triển giáo dục.

Tiềm lực cho phát triển giáo dục đại học của nước ta là rất lớn, đặc biệt là do truyền thống hiếu học của dân ta, do ý thức xem việc đầu tư cho học hành như một sự đầu tư quan trọng bậc nhất cho tương lai của con em mình. Do vậy, một mặt trường đại học cần tiếp tục có những chính sách ưu đãi đối với những đối tượng thuộc diện chính sách, những học sinh nghèo học giỏi, mặt khác cần thực hiện chính sách thu đủ, chi đủ cho giáo dục. Thật vô lý, khi những người dư thừa điều kiện kinh tế lại chỉ có đóng góp mang tính tượng trưng cho những chi phí về giáo dục cho con em họ, còn thiếu đâu Nhà nước phải bù!

Hiện nay, do lương và thu nhập của cán bộ, công nhân còn thấp nên sẽ dẫn tới tình trạng phần lớn con em của họ khi học đại học sẽ được giảm, miễn học phí. Song, khi đó họ cần hiểu rằng họ đã được giảm, miễn một khoản tiền rất lớn! Sinh viên phải có trách nhiệm đối với việc học tập ngày nay và công tác sau này. Với đà tăng trưởng kinh tế, số người có khả năng đóng góp đầy đủ cho chi phí giáo dục sẽ ngày càng tăng. Nhà nước cũng nên mở quỹ tín dụng cho sinh viên vay tiền đóng học phí, sau này đi làm sẽ trả nợ (đương nhiên là phải cải cách tiền lương). Ở Nhật và Mỹ phần đóng góp cho giáo dục từ phía Nhà nước chỉ là phần nhỏ, như Nhật (35%), Mỹ (42%), phần còn lại do khu vực tư nhân đóng góp. Một khi mức đầu tư giáo dục trên đầu sinh viên rất thấp (4-6 triệu đồng/ sinh viên/ năm) thì không hy vọng có được chất lượng đào tạo như các nước đã đầu tư lớn (gấp 5 – 20 lần).

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng có một thị trường đặc biệt – thị trường giáo dục – tồn tại, bị chi phối bởi qui luật thị trường: qui luật cung, cầu, cạnh tranh, chất lượng, giá cả… Thị trường đặc biệt này liên quan đến một sản phẩm đặc biệt là con người. Do vậy, nó cần được quản lý tốt để phát triển.


3. Cải cách chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo.

Nền giáo dục truyền thống ở nửa đầu thế kỷ 20 trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật diễn ra chậm chạp, lượng kiến thức của loài người tăng rất ít trong khoảng thời gian vài chục năm, đã được thực hiện theo cách truyền thụ những kiến thức khá ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các kiến thức cơ bản thu nhận được trong nhà trường đủ để con người ta sử dụng trong suốt cuộc đời và nghề nghiệp của mỗi người hầu như không thay đổi.

Tình hình đã biến đổi hoàn toàn khác ở cuối thế kỷ 20 và đặc biệt trong thế kỷ 21 với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra như vũ bão trên qui mô toàn cầu đã tác động đến tất cả mọi người trên hành tinh của chúng ta, đặc biệt là trong những ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong công tác quản lý và điều hành xã hội. Điều này đòi hỏi con người trong thời đại của chúng ta phải luôn luôn cập nhật kiến thức, phải có khả năng thích ứng linh hoạt với sự biến đổi của môi trường và điều kiện làm việc, nghĩa là phải học và tự học thường xuyên, suốt đời. Để có được khả năng này, con người phải được đào tạo theo nội dung và phương pháp khác hẳn trước kia.

Chúng ta cần tập trung công sức để xây dựng cho được bộ chương trình hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại cho tất cả các cấp học, từ tiểu học đến đại học. Trên cơ sở của bộ chương trình này mới có thể tiến hành việc biên soạn các sách giáo khoa được.

Về nội dung, người học phải được cung cấp những kiến thức cơ bản một cách sâu sắc và theo diện rộng, phải có trình độ ngoại ngữ rất tốt, phải có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ thông tin hiện đại (máy tính, Internet…)

Về phương pháp, người học phải được trang bị cách học, phương pháp nghiên cứu khoa học, có phương pháp tư duy tốt, luôn luôn chủ động và sáng tạo trong học tập.

Về tư tưởng, người học phải có động cơ học tập đúng đắn: học để biết, để làm việc, để sống hữu ích, có ý chí, quyết tâm lập nghiệp cao, làm giàu chính đáng, phải có đạo đức tốt, có tinh thần và khả năng tự học cao.

Tiêu chí quan trọng bậc nhất của chất lượng đào tạo đại học là sự đáp ứng yêu cầu về việc làm của xã hội. Người sinh viên tốt nghiệp đại học phải đủ năng lực làm việc, phải có việc làm phù hợp và phải có khả năng tự tạo được việc làm cho mình.

Nếu so với các nước phương Tây, chương trình đào tạo của chúng ta nặng hơn của họ, đặc biệt là ở khối lượng các kiến thức cơ bản: toán, vật lý, hóa học. Chương trình đào tạo của ta nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, ít chú ý đến kỹ năng làm việc, rất yếu về ngoại ngữ. Do đó, Người sinh viên tốt nghiệp ở một trường đại học của Phương Tây hoặc một trường của Phương Tây đặt trên đất Việt Nam (như RMIT của Úc) dễ dàng có việc làm hơn người sinh viên tốt nghiệp trường Đại học của Việt Nam và sẽ có nhiều đóng góp hơn cho phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Do vậy, họ càng phát triển đại học thì càng tăng trưởng kinh tế. Còn ở ta, càng phát triển đại học thì càng là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và cho xã hội.

Về phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, ở ta còn đang phổ biến việc truyền thụ kiến thức một cách thụ động, thầy giảng trò ghi, trò học theo những gì ghi chép được từ người thầy, ít đọc sách và tài liệu tham khảo, chưa có thói quen sử dụng Internet để truy cập thông tin. Điều này dẫn tới hậu quả tai hại là sinh viên không có thói quen tự học, tự mở rộng các kiến thức chuyên môn và do vậy việc học tập suốt đời và việc dịch chuyển ngành nghề khó có thể trở thành hiện thực.


4. Về công tác quản lý đại học: Cần phải tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tất cả các trường Đại học

Quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sơ cứng, sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đòi hỏi phải có phương thức quản lý mới, đảm bảo tính năng động, sáng tạo của những tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ trong hành lang pháp luật. Điều này được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực kinh tế. Những khái niệm về các tổ chức sản xuất, kinh doanh “trực thuộc bộ”, “bộ chủ quản” đã tỏ ra lỗi thời, cản trở sản xuất phát triển. Thay vì sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch do bộ giao trước kia, ngày nay xí nghiệp phải tự tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phải tự tổ chức sản xuất với chất lượng do người tiêu dùng yêu cầu, tiêu thụ được sản phẩm và phải tự đảm bảo doanh thu để giải quyết đời sống cho cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp và phát triển sản xuất. Chính vì vậy mà chính phủ đã nêu ra biện pháp quan trọng “chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của bộ quản lý ngành và các bộ chức năng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và các doanh nghiệp thành viên”.

Quyền tự chủ của các trường đại học được đề ra trong Nghị quyết TW 4, khoá VII, 1993: “Đề cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, đồng thời tăng quyền tự chủ của cơ sở, nhất là các trường đại học, mở rộng dân chủ trong nhà trường”.

Mỗi trường đại học là trung tâm trí tuệ. Nếu khơi dậy được tiềm năng này thì trường đại học sẽ phát triển mạnh. Mỗi trường đại học có đặc thù riêng. Các trường đại học phải năng động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, đặc biệt là trong điều kiện hạn hẹp của các nguồn lực được đầu tư. Các trường đại học phải đua tranh phát triển, nâng cao uy tín của trường mình trong xã hội bằng chất lượng đào tạo. Từng trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình. Mỗi trường đại học cần phải có văn bằng riêng mang dấu ấn đặc trưng của trường mình. Do vậy, việc phát huy cao độ quyền tự chủ của trường đại học (trong phạm vi hành lang pháp luật) là biện pháp hàng đầu để phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo. Đây chính là “khoán 10” trong giáo dục đại học. Vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất lớn và quan trọng. Bộ không làm thay chức năng điều hành cụ thể của các trường đại học. Chỉ có như vậy, nền giáo dục đại học của nước ta mới phát triển nhanh, có chất lượng cao và có sự đua tranh lành mạnh giữa các trường.

Để đảm bảo việc thực hiện quyền tự chủ theo đúng pháp luật và có hiệu quả cao, trong mỗi trường đại học phải có một Hội đồng quản trị - cơ quan quyền lực cao nhất của trường, quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển trường, xét duyệt, phân bổ tài chính và giám sát các hoạt động của Hiệu trưởng. Hội đồng quản trị nên có 7 - 9 thành viên, gồm các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm.


5. Cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng dạy đại học, quan tâm đến đời sống của giáo viên:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quan tâm đến việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và đưa ra những chế độ, chính sách đối với cán bộ nói chung và cán bộ khoa học, giảng viên đại học nói riêng. Nhờ vậy mà trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt, qua thời kỳ xây dựng lại đất nước đầy khó khăn, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giáo dục. Đội ngũ này đã có những cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới của sự phát triển đất nước, chúng ta vẫn cần nêu ra những vấn đề tồn tại trong các chế độ, chính sách đối với giáo viên đại học nhằm sử dụng, phát huy cao độ tài năng của họ, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng hiện nay ta chưa tạo được những điều kiện tốt cho giáo viên đại học làm việc và phát huy tài năng, dẫn đến sự lãng phí chất xám, sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, sự già nua của đội ngũ giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, lương chính thức của GV mới chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu cho sinh hoạt của bản thân và gia đình trong tình hình giá cả luôn luôn tăng (Nhà ở, thực phẩm, thuốc men, nhu cầu học tập của con em…). Điều này buộc các GV phải làm thêm nhiều việc khác để bù đắp chi phí. Lương cho giáo viên phải đảm bảo đủ sống và đủ trang trải các chi phí cho gia đình để họ toàn tâm, toàn ý tập trung sức cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Chất xám của các giáo viên cao tuổi là rất quý, đặc biệt trong việc bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ trẻ, trong việc biên soạn tài liệu, viết sách, những kinh nghiệm trong công tác quản lý và tổ chức ….. Vì vậy, cần có chế độ, chính sách tận dụng các GV cao tuổi, còn sức khoẻ làm việc, đồng thời phải thu hút được nhiều người trẻ và giỏi vào đội ngũ giáo viên đại học.

Hà Nội, tháng 02 năm 2004.

GS. Nguyễn Văn Đạo

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss