Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ký Trần Quang Cơ / Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 19

Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 19

- Trần Quang Cơ — published 12/07/2007 16:15, cập nhật lần cuối 12/07/2008 17:12

19. HIỆP 2 CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ CAMPUCHIA


Với đà tiến triển nhanh chóng qua các cuộc họp SNC tại Jakarta (6.91), Bắc Kinh, Pattaya (Thái Lan) và Nữu Ước (9.91), P5 quyết tâm giải quyết nhanh gọn vấn đề Campuchia làm đà giải quyết các cuộc xung đột khu vực khác, đặc biệt là Trung Đông. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều có lợi ích đồng tình với phương Tây – chủ yếu là Mỹ – gạt nốt những vướng mắc cuối cùng trong việc thông qua các văn bản dự thảo Hiệp định 28.11.90 của P5.

Cuối tháng 9.91, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta đi Nữu Ước dự khoá họp thứ 10 Đại hội đồng LHQ. Khác với năm 1988, khi tôi đại diện Việt Nam dự Đại hội đồng LHQ khoá thứ 43, lần này vấn đề Campuchia đã đi sát đến giải pháp. Trong thời gian ở Nữu Ước, tôi đã tranh thủ tiếp xúc với Hunxen đang họp SNC ở đó để tìm hiểu thái độ bạn Campuchia về dự thảo Hiệp định. Tôi được biết ngày 21.9.91, Nhà nước Campuchia cuối cùng đã buông thả rất nhanh tất cả các điểm yêu cần sửa dự thảo Hiệp định. Như vậy, chỉ còn lại một mình Việt Nam là nước duy nhất đòi bổ sung dự thảo về 4 điểm liên quan đến Việt Nam. Tôi vội thông báo tình hình này về nước để nhà sớm có quyết sách đích đáng cho đoàn đại biểu ta đi dự Hội nghị quốc tế Pari về Campuchia. Ngày 13.10.91 bộ phận thường trực và sau đó các đồng chí khác trong BCT đã thông qua chủ trương Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định với 2 phương án đấu tranh về 4 điểm bổ sung của ta. Sáng 14.10, anh Võ Văn Kiệt đã gặp tôi ở Văn phòng Hội đồng bộ trưởng để cho ý kiến về 2 văn bản do Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho cuộc họp về vấn đề Campuchia ở Pari. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Kiệt tán thành Tờ trình BCT về phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị quốc tế Pari, và góp ý kiến sửa lại 2 chỗ trong bản dự thảo Tuyên bố Chính phủ.

Ngày 16.10, trên đường đi Pari, tôi được điện của của Bộ báo cho biết cả Levitte, thứ trưởng Ngoại giao Pháp và Từ Đôn Tín, lúc này đã là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, đều muốn gặp tôi sớm, trước ngày họp Uỷ ban Phối hợp của Hội nghị. Trên cơ sở phán đoán là cả hai đều muốn gặp để thương lượng và thúc đẩy Việt Nam rút các yêu cầu sửa đổi dự thảo Hiệp định để bảo đảm cho cuộc họp Uỷ Ban Phối hợp khỏi gặp trắc trở, tôi đã quyết định gặp Levitte trước, sau đó mới gặp Từ. Suy nghĩ của tôi là: Pháp là nước đồng chủ tịch và là nước đăng cai hội nghị, rất muốn hội nghị đạt kết quả. Đề cao được vai trò Pháp trên quốc tế, đồng thời gặp Pháp trước sẽ tỏ rõ được thiện chí và tính độc lập của ta, nếu gặp Trung Quốc trước gặp Pháp sau thì sẽ chịu tiếng bị sức ép của Trung Quốc mà phải nhượng bộ.

Ngày 18.10, ngay sau khi đến Paris, tôi đã gặp Levitte thảo luận. Đúng như đã phán đoán, Pháp tha thiết mong Việt Nam có thái độ mềm dẻo đối với dự thảo Hiệp định. Cuối cùng, để tỏ thiện chí, tôi đã thoả thuận với Pháp về cách làm như sau: trong báo cáo của Tổng Thư ký LHQ trước Hội Đồng Bảo An sẽ có giải thích những điểm mà Việt Nam yêu cầu làm rõ. Và ngay trong cuộc họp Uỷ ban Phối hợp ngày 21.10.91, trong bản trình bày của Phó tổng thư ký LHQ Ahmed Rafeuddin cũng phải nêu đầy đủ các giải thích này, đồng thời Levitte nhân danh chủ tịch Uỷ ban sẽ tuyên bố hoan nghênh thiện chí hợp tác của Việt Nam đã thôi không đưa các bổ sung dự thảo Hiệp định nữa vì đã có những giải thích thích đáng của Phó Tổng thư ký LHQ. Tôi cũng thoả thuận với Levitte sẽ có cuộc gặp tay ba với Ahmed để có thoả thuận cuối cùng.

Hôm sau, tôi gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Từ Đôn Tín. Từ cũng có mục đích thuyết phục ta thôi không đưa các yêu cầu bổ sung nữa, nói nếu Việt Nam đưa bổ sung thì các nước khác cũng đòi bổ sung để cân bằng lại, Mỹ sẽ đòi hoãn việc ký kết và đổ trách nhiệm cho Việt Nam.

Ngày 20.10.91, như đã thoả thuận với Pháp, ngay sau khi Phó Tổng thư ký LHQ đến Paris, đã có cuộc họp tay ba giữa Việt Nam, Pháp và Phó Tổng Thư ký LHQ Ahmed. Ahmed thoả thuận cách làm như ta đã bàn với Pháp hôm 18.10 và cho trợ lý của ông ta ghi lại các câu chữ mà ta yêu cầu nói rõ khi ông giải thích về mấy điểm bổ sung của ta. Như vậy thực chất là đã vượt mức yêu cầu của ta, nhưng để giữ cao giá, tôi nói sơ bộ thoả thuận như vậy song tôi còn phải xin chỉ thị Hà Nội, sẽ khẳng định lại trong sáng 21.10 trước khi bắt đầu họp Uỷ ban Phối hợp.

Sáng 21.10.91, khi đoàn Việt Nam đến Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, có một đoàn viên của đoàn Trung Quốc ra mời tôi gặp Từ Đôn Tín có việc gấp cần trao đổi trước khi họp. Từ yêu cầu gặp riêng tôi nói chuyện bằng tiếng Tàu không qua phiên dịch, cho biết Mỹ định đưa bổ sung vào Định ước một đoạn lên án diệt chủng và yêu cầu tôi cho biết ý kiến. Tôi trả lời: “chuyện này bây giờ chủ yếu là vấn đề của người Campuchia, nên để các bên Campuchia có ý kiến. Còn quan điểm của Việt Nam là đến lúc này không nên để bất cứ một vấn đề nào gây trở ngại cho việc ký kết.” Từ xem ra hài lòng về cách tỏ thái độ của ta. Nhưng cuối cùng hình như đã có sự thoả hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ rút bỏ từ “diệt chủng” trong đoạn bổ sung và chỉ nói chung chung về “nhân quyền” và các quyền tự do cơ bản của người Campuchia cần được các nước tôn trọng.

Sau đó đã tiến hành phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Phối hợp của Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia53 (PICC) để thông qua lần cuối các văn kiện đưa ra Hội nghị cấp bộ trưởng. Sự việc đã diễn ra hoàn toàn đúng như đã thoả thuận giữa ta với Pháp và Phó tổng thư ký LHQ. Sau lời khai mạc của hai đồng chủ tịch Pháp và Inđônêxia, Phó Tổng thư ký LHQ Ahmed đọc bản trình bày tình hình chuẩn bị triển khai việc thi hành Hiệp định sẽ được ký kết và đọc đầy đủ những lời giải thích về 4 điểm mà ta yêu cầu bổ sung (việc đưa trở lại hay đưa quân của bất cứ nước ngoài nào vào Campuchia sẽ là vi phạm Hiệp định; các thông tin cần cung cấp cho UNTAC chỉ liên quan đến các lực lượng nước ngoài còn có mặt ở Campuchia khi ký kết Hiệp định này; sự có mặt của sĩ quan liên lạc UNTAC ở thủ đô Việt Nam, Lào và Thái Lan không có hàm ý mở rộng quyền hạn UNTAC sang các nước láng giềng của Campuchia... phải tôn trọng đẩy đủ chủ quyền của các nước này). Đáp lại, tôi đã phát biểu hoan nghênh và ghi nhận những lời giải thích của Phó tổng thư ký LHQ. Levitte, đồng chủ tịch cuộc họp, biểu thị cảm ơn Việt Nam vì thiện chí hợp tác.

Kết quả cả 4 văn kiện để ký kết đều đã được nhất trí thông qua trong Uỷ ban Phối hợp, không có sự tranh cãi nào về thực chất cả, kể cả những vấn đề ta đã dự phòng như: vấn đề tù binh, vấn đề Việt kiều ở Campuchia, vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia... đều không có đoàn nào nêu ra. Giờ đây chỉ còn là công việc ký kết Hiệp định của anh Nguyễn Mạnh Cầm tối 23.10.91.

Sáng 22.10.91, Đài RFI (Pháp) đã xin gặp tôi và đặt câu hỏi: “Ông tới Paris với tư cách là đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị hoà bình về Campuchia, và hôm qua ông đã tham gia thông qua văn bản cuối cùng của Hiệp định hoà bình. Trước hết xin ông cho biết cảm tưởng về việc ký kết văn bản này, khi mà sau mười mấy năm chiến tranh ác liệt, nay ở Campuchia đã có hoà bình thực sự ?” Câu trả lời của tôi lúc đó là: “Cảm tưởng của tôi đối với việc một hai ngày nữa sẽ ký kết Hiệp định hoà bình về Campuchia là cảm tưởng của một người sau nhiều ngày luồn rừng leo núi đã tới được quãng đường rộng thảnh thơi, và cũng là cảm tưởng của một người qua nhiều ngày đi trên sa mạc sắp đến trạm nghỉ, tuy nhiên đây không phải là trạm nghỉ cuối cùng, mà là nghỉ để tiếp tục một chặng đường mới với những thách thức mới, nhưng chắc chắn có nhiều điều hứa hẹn tốt đẹp hơn”.

 

[mục lục] [chương sau]



53 Paris Int’l Conference on Campuchea

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us