Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ký Trần Quang Cơ / Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 7.

Hồi ký Trần Quang Cơ - Chương 7.

- Trần Quang Cơ — published 12/07/2007 16:35, cập nhật lần cuối 12/07/2008 17:20

7. TRUNG QUỐC UỐN MÌNH ĐỂ THÍCH NGHI VỚI THẾ CỤC


Ngày 6.12.88, sau chuyến đi Liên Xô của ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham, Liên Xô đã thông báo lại cho ta là “các phát biểu của Tiền về vấn đề Campuchia đã có thay đổi chừng nào, chứng tỏ Bắc Kinh đang dần dần nhận thức thấy việc đặt giải pháp cho vấn đề Campuchia theo kịch bản của Trung Quốc là không thực tế và Trung Quốc đang từ bỏ đường lối kéo dài cuộc xung đột”. Về giải pháp, Trung Quốc đồng ý với Liên Xô là việc rút quân Việt Nam là một bộ phận trong giải pháp; về các vấn đề nội bộ của Campuchia, Trung Quốc cho rằng “phải được giải quyết bởi bản thân nhân dân Campuchia trên cơ sở hoà hợp dân tộc, không có sự can thiệp từ bên ngoài”. Song Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ về việc lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, giảm dần đi đến giải tán quân đội của cả 4 bên Campuchia; thực chất là xoá nguyên trạng ở Campuchia.

Ngày 24.12.88, trả lời thư ngày 15.12 của Bộ trưởng ngoại giao ta, phía Trung Quốc mời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến giữa thứ trưởng ngoại giao hai nước chuẩn bị cho cuộc gặp cấp ngoại trưởng Trung-Việt. Sau 10 năm đối đầu gay gắt và sau 8 năm một mực từ chối đàm phán với ta, đây là lần đầu Trung Quốc nhận đàm phán với Việt Nam về vấn đề Campuchia và về bình thường hoá quan hệ hai nước, thực hiện bước chuyển sách lược ở Đông Nam Á phục vụ cho việc chuyển chiến lược chung của Trung Quốc trên thế giới và trong quan hệ với Xô, Mỹ. Sự điều chỉnh chiến lược này đã được xác định tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà tháng 9 năm 1988, và được công khai hoá tại Quốc hội Trung Quốc tháng 3.89. Sự điều chỉnh chiến lược lần này diễn ra trong tình hình thế giới cũng như tình hình Đông Nam Á và Campuchia đã có nhưng thay đổi to lớn, đặc biệt từ năm 1987. Quan hệ Xô - Mỹ từ năm 1987 đã được cải thiện nhiều, hình thành thế hai cực giải quyết công việc thế giới và cả châu Á. Trung Quốc không còn lợi dụng được mâu thuẫn Xô - Mỹ như trước; đồng thời quan hệ Trung – Xô cải thiện chậm so với quan hệ Mỹ – Xô, làm cho vị trí của Trung Quốc bị yếu trong quan hệ giữa ba nước lớn. Mặt khác việc Xô - Mỹ giảm cam kết quân sự ở bên ngoài đã thúc đẩy xu thế độc lập của các nước khác, làm tăng xu hướng hợp tác khu vực để giải quyết các vấn đề khu vực. Quan hệ giữa các nước Đông Nam Á từ 1987 đã từ tình trạng đối đầu chuyển từng bước sang vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình. Các cuộc họp JIM 1 và JIM 2 đã giải quyết được mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và tạo khuôn khổ hợp tác giữa hai nhóm nước ở Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề khu vực. Đặc biệt chính quyền Chatichai ở Thái Lan lúc này quyết tâm tách khỏi chính sách đối đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á, thực hiện chính sách “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trong tình hình đó, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách gây căng thẳng trên bộ và trên biển ở khu vực này chỉ làm tăng mối lo ngại đối với nguy cơ bá quyền của Trung Quốc. Với việc quân Việt Nam đã rút ba phần tư và sẽ rút hết vào tháng 9.89, cốt lõi của vấn đề Campuchia không còn là vấn đề rút quân Việt Nam nữa mà trở thành vấn đề làm sao loại trừ chế độ diệt chủng Polpot. Những biến đổi to lớn này buộc Trung Quốc phải chuyển từ chỗ kéo dài đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Liên Xô để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Mỹ và tranh thủ vốn và kỹ thuật của Mỹ sang xúc tiến bình thường hoá toàn diện quan hệ với Liên Xô, giữ cân bằng giữa quan hệ của họ với Xô và với Mỹ, đồng thời từng bước cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc cải thiện thế của Trung Quốc trên thế giới và châu Á.

Tháng 1.89, ta nối lại đàm phán với Trung Quốc để cố gắng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định thái độ ủng hộ Nhà nước Campuchia giữ vững thành quả cách mạng.

Ngày 5.1.89, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang PhnomPenh dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Ngay chiều hôm đó (16 giờ) TBT Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội đàm với Heng Somrin tại Hoàng Cung. Heng Somrin thông báo: “Bộ Chính trị (Campuchia) đã nhất trí sẽ tiếp tục tấn công ngoại giao trên cơ sở rút quân Việt Nam đồng thời với việc ngăn chặn viện trợ quân sự nước ngoài giúp bọn Khmer đối địch, chấm dứt mọi sự can thiệp vào cách mạng Campuchia... tạo điều kiện thuận lợi cho hoà đàm Việt Nam - Trung Quốc, Liên Xô - Trung Quốc, đẩy mạnh thương thuyết Campuchia - Thái Lan. Chúng ta phải có một lịch rút quân mới, trong đó nếu có một giải pháp chính trị, ta sẽ tuyên bố rút hết quân Việt Nam không chậm quá tháng 9.89. Nếu Việt Nam đồng ý, sẽ tuyên bố trong diễn văn của tôi và của đồng chí ngày mai”. Nguyễn Văn Linh tán thành và đề nghị thông báo lại cho Liên Xô và Lào biết. Ngay chiều tối hôm đó anh Linh đã bảo tôi sửa lại bài diễn văn của anh theo như hai bên đã thoả thuận.

Sáng 6.1.89, trong buổi mít tinh long trọng, TBT Heng Somrin tuyên bố: “Campuchia và Việt Nam đã thoả thuận là nếu có giải pháp chính trị thì quân Việt Nam sẽ rút hết, chậm nhất là vào tháng 9.90”. TBT Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn nhất trí với Campuchia sẽ rút toàn bộ quân Việt Nam còn lại vào cuối tháng 9.90. Việc rút hết quân phải song song với việc chấm dứt viện trợ của nước ngoài, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ nước ngoài chống Campuchia, tiến hành dưới sự kiểm soát quốc tế.

Qua những cuộc trao đổi giữa ta với bạn, là một thành viên trong đoàn Việt Nam, tôi đã dự cảm chừng nào những khó khăn khi đi sâu vào giải pháp. Lãnh đạo Campuchia có phần quá tự tin, muốn ta hoàn toàn ủng hộ bạn ăn cả; còn ta lại thiên về giải quyết vấn đề Campuchia một cách thuận lợi cho cải thiện quan hệ Việt-Trung.

Trong nửa đầu năm 1989, đã có hai vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao giữa ta với Trung Quốc (Đinh Nho Liêm và Lưu Thuật Khanh) tại Bắc Kinh. Vòng đầu (16-19.1.89). Trung Quốc chỉ trao đổi lướt qua về quan hệ hai nước rồi tập trung đàm phán vấn đề Campuchia. Hai bên thoả thuận tương đối nhanh mấy vấn đề về mặt quốc tế của giải pháp Campuchia (rút quân Việt Nam, giám sát quốc tế, chấm dứt viện trợ quân sự, tổng tuyển cử). Hai bên đồng ý thúc đẩy các bên Campuchia thương lượng để sớm đạt giải pháp về Campuchia, Trung Quốc cho là mặt quốc tế cơ bản đã xong, muốn ta thoả thuận hướng giải quyết mặt nội bộ của giải pháp Campuchia, chủ yếu là vấn đề chính quyền và vấn đề quân đội của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ (thời gian ngừng bắn cho đến tổng tuyển cử), cho rằng có thoả thuận và đạt kết quả về 2 vấn đề này thì mới có giải pháp, nếu không thì mặt quốc tế có thoả thuận cũng không giải quyết được, và khó bàn quan hệ hai nước. Lập trường của ta là các vấn đề nội bộ Campuchia phải do các bên Campuchia giải quyết. Đáng chú ý là Tiên Kỳ Tham khi tiếp Đinh Nho Liêm có nói: “4 nước Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam, Thái Lan là những nước có liên quan trực tiếp, có trách nhiệm về vấn đề Campuchia, cần thoả thuận với nhau về chính quyền lâm thời 4 bên Campuchia trong thời kỳ quá độ thì mới giải quyết được vấn đề Campuchia”. Họ nói đã bàn với Liên Xô và Liên Xô đã nhất trí nguyên tắc này.

Ngày 11.2.89, BCT họp bàn đề án đấu tranh về vấn đề Campuchia theo hướng:

  • Tách và giải quyết từng bước mặt quốc tế và mặt nội bộ của vấn đề Campuchia;

  • gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với yêu cầu kiến lập hoà bình ở Đông Nam Á;

  • triển khai các diễn đàn: Việt–Trung (vòng 2), JIM 2, 4 bên Campuchia, Thái–SOC, Việt–Thái, Việt–Mỹ.

Trên tinh thần đó, ngày 15.2.89, tôi cùng mấy cán bộ CP87 bay đi Jakarta họp Nhóm làm việc30 để chuẩn bị cho cuộc họp JIM 2 (19-21.2.89) với thành phần cũng như JIM 1 (các bên Campuchia, Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN). Hội nghị khẳng định lại kết quả đạt được năm trước ở JIM 1 (25-28.7.88) và nhất trí là vấn đề Campuchia phải được giải quyết bằng một giải pháp chính trị, góp phần vào việc thiết lập khu vực hoà bình ổn định Đông Nam Á. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nước Campuchia độc lập, có chủ quyền, hoà bình, trung lập và không liên kết trên cơ sở quyền tự quyết và hoà hợp dân tộc. Hội nghị nhất trí cần triệu tập Hội nghị quốc tế về Campuchia để bàn và đi đến một giải pháp chính trị toàn diện, công bằng và hợp lý cho vấn đề Campuchia.

Ngày 14.3.89 BCT họp quyết định rút hết quân khỏi Campuchia vào cuối tháng 9.89 và thúc đẩy diễn đàn Hunxen – Sihanouk.

Sang vòng 2 đàm phán Việt-Trung (8-10.5.89) vẫn tại Bắc Kinh, cuộc đàm phán vấp ngay vào hai tảng đá lớn: vấn đề diệt chủng và việc xử lý các vấn đề nội bộ Campuchia (lập chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu, đông kết và giảm quân đội của 4 bên Campuchia). Đàm phán kết thúc mà không đi đến kết quả gì. Phía Trung Quốc đề nghị tạm thời chưa tính đến đàm phán vòng 3. Tiền Kỳ Tham nói với Đinh Nho Liêm rồi sau đó công bố: “bình thường hoá quan hệ hai nước chỉ có thể thực hiện sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết, không phải là trước đó”. Sau này Trung Quốc đã nói toạc ra rằng: “Việt Nam không những phải rút hết quân ra khỏi Campuchia mà còn có trách nhiệm giải quyết những hậu quả của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cụ thể là xoá chính quyền và quân đội CHND Campuchia đã được hình thành sau khi quân Việt Nam vào PhnomPenh đánh đuổi bọn Polpot”.

Việc Trung Quốc nối lại đàm phán với Việt Nam lúc này, mà phía Trung Quốc gọi là “gặp gỡ nội bộ”, theo tôi, mục đích chính là để biểu diễn cho thế giới thấy là Trung Quốc đã nắm con chủ bài giải quyết vấn đề Campuchia.

 

[mục lục] [chương sau]

 
 

30 Working Group

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us