Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Ăn tết bên ngoại

Hồi ức tuổi thơ: Ăn tết bên ngoại

- Văn Ngọc — published 22/01/2011 21:09, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:07
Nếu bây giờ có ai hỏi tôi thích cái gì nhất ở những cái Tết ngày xưa, thì có lẽ tôi sẽ phải trả lời rằng: ở Hà nội, tôi chỉ thích nhất là đốt pháo, nhìn ngắm những chậu quất, chậu cúc, hoặc được thức khuya như người lớn để "canh" nồi bánh chưng.

- Chương 10 -

Ăn tết bên ngoại


Văn Ngọc


Nhắc lại những cái Tết ngày xưa, nhất là nói đến những món ăn ngày Tết, tôi không khỏi nghĩ đến những món "đặc sản" mà họ bên ngoại nhà tôi thường làm vào dịp này ở Thái Hà Ấp.
Ngày ấy, hàng năm cứ đến ngày mồng 2 Tết, chúng tôi lại được theo mẹ tôi xuống ấp mừng tuổi bà và ăn Tết với họ hàng bên ngoại. Hai chữ "xuống ấp" mà chúng tôi quen dùng trong nhà, nghe có vẻ hơi quá thân mật, thực ra chỉ vì Thái Hà Ấp ở về phía nam Hà Nội, cách Hà Nội khoảng 4km, trên đường tàu điện đi Hà Đông, và đây là nơi bà ngoại, và các bác, các cậu tôi ở. Xưa kia, hồi còn con gái, mẹ tôi cũng đã từng sống ở đây. Do đó, chúng tôi vẫn thường coi Thái Hà Ấp như là quê ngoại của mình, mặc dầu quê ngoại thật của chúng tôi lại ở mãi tận Hưng Yên.
Người Hà Nội mặc dầu quen thuộc với cái tên Thái Hà Ấp, nhưng có lẽ hồi ấy cũng không mấy ai lui tới đây, trừ những dân sở tại. Vào những năm 40, còn đương thời Pháp thuộc, có mấy ai nghĩ đến xuống đây để thăm gò Đống Đa, hay đền Trung Liệt đâu, mặc dầu những di tích lịch sử này nằm ngay sát bên đường tàu điện Hà Nội-Hà Đông, ở ngay chỗ trạm tàu điện đỗ, và mặc dầu đã có bài hát về gò Đống Đa mà một dạo tuổi trẻ hay hát.
Thời bấy giờ, người ta chỉ biết Thái Hà Ấp là giang sơn của Hoàng Cao Khải, một vị quan khét tiếng tàn ác một thời, trước kia làm Tổng đốc Hưng Yên, sau làm đến chức khâm sai đại thần, kinh lược xứ Bắc kỳ; sau vụ dẹp xong "giặc Bãi Sậy", tức nghĩa quân của ông Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, được vua phong cho chức "Sơn-Hưng-Tuyên Tổng Đốc, Thái tử thiếu bảo, Duyên Mậu Quận Công" và ban cho phần đất này để lập ấp. Đó là khoảng năm 1890.
Việc lập ấp của Hoàng Cao Khải, thực ra cũng không phải đơn giản. Trên thực tế, đó là cả một cuộc "quy hoạch cải tạo" một vùng đất rộng lớn, đụng đến nhiều làng ở xung quanh, mà lại là nơi đất trũng, úng ngập, trong đó được chia ra, nào là đất để xây cất, nào là đất để trồng trọt, cả hai đều phải khai thác tối ưu để mang lại lợi tức. Những nghiên cứu về sau này cho biết, Hoàng Cao Khải đã một mặt “chia lô” đất xây dựng, và ngoài số con cháu, họ hàng thân thích ra, đã "thuyết phục" một số quan to ở triều đình, và nhân vật có máu mặt thời bấy giờ, kể cả những tư nhân người Pháp, mua đất để xây nhà ở đây, trong cùng cái cơ ngơi này với mình ! Mặt khác, trên phần đất còn lại, dành cho việc cày cấy, trồng trọt, Hoàng Cao Khải và nhất là bà vợ bé, bà Bông, đã cho đưa người từ dưới quê mình ở Hưng Yên lên đây để thực hiện mọi công việc.
Năm 1933, khi Hoàng Cao Khải chết đi, thì cả cái cơ ngơi đó thuộc về con là Hoàng Trọng Phu, còn được gọi là "Cụ Thiếu Hà Đông", vì trước kia làm Tổng Đốc Hà Đông, sau cũng lại được phong làm "Thái tử thiếu bảo" (người dạy dỗ con vua).
CongApThaiHaNhìn từ bên ngoài, người đi đường không thể nào biết được những cơ ngơi ấy rộng lớn như thế nào, trong đó có gì, và cơ ngơi nào thuộc về của ai, vì chúng nằm lấp ở đằng sau những hàng rào cây rất cao và rất rậm ở hai bên bờ hồ Mục Dục. Trong khu vực "công cộng" của ấp, người ngoài được phép đi lại, trừ khu vực lăng tẩm của gia đình họ Hoàng, muốn vào thăm nơi này, phải quen ai ở trong này mới vào được. Nhưng cũng ít ai qua lại đây, trừ những người ở ngay trong ấp, vì ở trong ấp không chỉ có những dinh thự, biệt thự, và lăng tẩm của gia đình Hoàng Cao Khải, mà còn một số nhà thường dân ở về phía tây, bên kia hồ, nơi có những cánh đồng chạy đến tận các làng Mọc, Láng, v.v. Chính vì thế, mà khi sắp sửa tác chiến ở Hà Nội, năm 1946, ông Phạm Văn Đồng và những người tuỳ tùng vẫn thường lui tới đây, ở nhờ biệt thự của một cô em họ con cô con cậu của tôi ở đây, để đến khi cần thì rút ra ngoài hậu phương một cách dễ dàng. Riêng chúng tôi ngày đó, chưa bao giờ đặt câu hỏi: những cánh đồng sau nhà dẫn tới đâu !
Ấp Thái Hà cũng chính là nơi mà bà ngoại, và các bác, các cậu tôi rời nơi chôn rau cắt rốn của mình là làng Bông (Hưng Yên) lên đây lập nghiệp. Nguyên họ ngoại tôi gốc gác người làng Bông (Khoái châu, Hưng Yên), cùng quê với " Bà Bông " vợ bé của Hoàng Cao Khải. Bà Bông là chị em ruột với người vợ cả của ông ngoại tôi (bà ngoại chúng tôi chỉ là vợ hai). Có giai thoại kể lại rằng : khi Hoàng Cao Khải đi đánh "giặc Bãi Sậy", có một lúc phải chạy trốn vào làng Bông, may mà chui được vào một đống rơm ở nhà ông ngoại tôi mới thoát chết, và việc này cũng là nhờ người con gái, mà sau này sẽ trở thành Bà Bông, người đã giấu Hoàng Cao Khải vào trong đống rơm, và đã giúp đỡ ông trong lúc hoạn nạn. Tương truyền Bà Bông đẹp lắm. Năm 1947, tôi có dịp đi bộ từ bên Lý Nhân (Hà Nam) sang đây thăm bà ngoại tôi, lần đầu tiên tôi được thấy quê ngoại thật của mình. Làng này thuộc loại giàu có, ít ra có ruộng để cấy lúa, đường trong làng lát gạch hẳn hoi; làng lại ở ngay gần đê sông Hồng, dọc theo đê là những rặng nhãn quả sai, nặng chĩu xuống đến đầu người, với tay lên lấy được, và ở đây đàn bà con gái quả là có nhiều người đẹp.
Khi Hoàng Cao Khải được phong tước quận công và được nhà vua ban cho đất này để làm ấp, bèn lấy Bà Bông về làm thứ. Bà này liền đưa hết cả họ hàng và người làng mình lên đây để khai khẩn ruộng đất, đào hồ, đào ao, xây dựng cả một cơ ngơi gồm nào dinh thự, biệt thự, lăng tẩm, đình miếu, v.v.
Vào khoảng những năm 1920, thầy tôi lúc bấy giờ làm ăn buôn bán phát đạt trên Hà Nội, một hôm nhân đi qua Thái Hà Ấp, chợt gặp một cô gái, là mẹ tôi sau này, đang chèo thuyền vớt rong trên hồ Mục Dục. Thầy tôi hỏi chuyện, rồi nhờ người dạm hỏi và hai người lấy nhau. Nhưng rồi cũng từ sau đó, bận công việc làm ăn trên Hà Nội, thầy tôi hầu như không bao giờ xuống chơi dưới này nữa, và mỗi năm vào ngày mồng 2 Tết, chỉ có mẹ tôi và ba chị em chúng tôi xuống đây ăn Tết và mừng tuổi bà ngoại thôi. Việc đó đã thành như một cái lệ.

Chúng tôi lấy tàu điện ở Bờ Hồ. Bờ Hồ vào những ngày này trông quang đãng, sáng sủa, khác với những ngày thường trong năm. Tiết trời vào những ngày trong Tết ở Hà Nội bao giờ cũng hơi lành lạnh. Chúng tôi chạy nhảy tung tăng trong những bộ quần áo mới. Tôi còn nhớ, cho tới tuổi lên 7, lên 8, vẫn được mặc những chiếc áo gấm "cậu ấm". Sau này, đến năm lên 9 trở đi, tôi mới được đóng bộ quần áo tây. Tôi còn nhớ mãi bộ quần áo tây bằng dạ nâu có đường kẻ dọc rất cổ điển, may ở nhà một ông thợ may phố Hàng Bát Sứ. Lúc đó tôi mới chỉ được mặc quần soóc thôi, nên vẫn thấy lạnh nổi cả da gà. Mùa xuân ở miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội, thường là như thế. Chị tôi mặc một chiếc áo dài bằng vải len, cổ quàng một chiếc khăn len theo kiểu rất điệu của các cô gái Hà thành thời bấy giờ.
Tàu điện đưa chúng tôi từ Bờ Hồ qua những phố xá quen thuộc: Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, Hàng Bột, Giám, Ô Chợ Dừa, Nam Đồng, v.v. Bây giờ lâu rồi, tôi không còn nhớ hết những trạm tàu điện đỗ trên con đường này, nhưng vẫn còn nhớ rõ tiếng bánh xe điện nghiến trên đường sắt và rít lên ở những chỗ rẽ.
Chẳng mấy chốc đã đến trạm đỗ trước cửa Thái Hà Ấp. Bước xuống khỏi toa xe điện, chúng tôi như thấy mình lạc vào một thế giới khác. Trước mắt chúng tôi là đền Trung Liệt nằm trên gò Đống Đa. Sau lưng là chùa Đồng Quang với cổng chùa mới quét vôi trắng tinh sạch sẽ, với hàng chữ nho màu đen cũng mới được viết lại, người đi lễ ra vào tấp nập. Chúng tôi lòng vui như mở hội, chạy thẳng một mạch đến chân gò Đống Đa, trèo lên trèo xuống mấy bậc đá dẫn lên đền Trung Liệt, rồi men theo gò Đống Đa đi vào trong ấp phía bên trái. Đây là một trong hai lối vào nhà bà và bác tôi. Vào lối này gần hơn và cũng đẹp hơn, nhưng phải đi thuyền, điều làm chúng tôi vô cùng thích thú, nên bao giờ chúng tôi cũng đi lối này, mặc dầu đi thuyền vào mùa này không vui bằng vào mùa hạ có đầy sen ở trên hồ, chúng tôi thích nghe tiếng cọ nhẹ của lá sen vào mạn thuyền. Còn lối kia là ở bên phải gò Đống Đa, đó là đường đi bộ suốt, xuyên qua một thôn làng và một cánh đồng.
Ngày ấy, mỗi lần đi ngang qua dưới chân gò Đống Đa, bao giờ chúng tôi cũng có một cảm giác đặc biệt, cảm thấy một sự sùng kính xen lẫn sợ sệt và mê tín. Vốn là từ nhỏ, các anh chị tôi ở trong nhà vẫn thường kể cho chúng tôi nghe, nào là chuyện vua Quang Trung diệt quân Thanh ở đây ra sao, xác chất thành gò đống ra sao, và Sầm Nghi Đống, tên tướng tàu chết một cách bi thảm, đêm đêm người ta vẫn thường nghe thấy tiếng chiêng từ trên gò ngân đi xa, v.v. Trong suốt những năm còn bé, mỗi lần đi ngang qua đây, nhìn lên đỉnh gò, tôi vẫn thấy một chiếc chuông đồng lớn đã rỉ xanh, nằm chơ vơ ở ngoài trời. Trong trí óc non thơ của tôi hồi ấy, tôi cứ đinh ninh rằng chiếc chuông đồng đó có liên quan gì đến những tiếng ngân bi đát kia. Cũng như, tôi vẫn đinh ninh rằng, nếu đào gò đất kia lên, tất sẽ tìm thấy những bộ xương trắng hếu của quân Thanh đã chôn xác ở đây. Thực ra, sau này lớn lên, tôi mới được biết rằng, chưa chắc gò Đống Đa này đã là của thật. Nghe đâu cái gò đích thật, nơi chôn xác quân Thanh, lại nằm ở tít tận mé Nam Đồng kia, cách Thái Hà ấp cũng đến một hai cây số !
DenTrungLietDẫu sao, ngày ấy, chúng tôi vẫn thấy gò Đống Đa sao mà cao thế, to thế, và đền Trung Liệt nằm trên một số bậc đá, leo mãi không hết, đứng từ trên nhìn xuống chúng tôi đã cho là cao lắm rồi. Gần đây có dịp về nước, đi ngang qua đây mấy bận bằng xe hơi, tôi thấy sao mà cái gò lịch sử của mình nó nhỏ bé thế, và đền Trung Liệt trông như bị lún xuống, không ra bề thế gì cả. Tôi tự hỏi không biết có phải vì cái con mắt nhìn của tuổi thơ vẫn hay có xu hướng thổi phồng lên một cách vô tình bằng trí tưởng tượng của mình không, nên nhìn mọi vật đều thấy to tát, hay chỉ vì ngày ấy chúng tôi chưa được đi đâu xa, chưa có được một cái nhìn so sánh, khách quan hơn. Tôi nghĩ sau này có lẽ nên xây cao hẳn gò Đống Đa lên bằng một vật liệu bền vững, để cho nó khỏi ngày càng bị xói mòn và mai một đi như núi Nùng khi xưa.
Bước qua cổng ấp, thẳng trước mặt chúng tôi và ở tít tận đằng xa, là "Dinh cụ Quận". Nhưng trước khi tới đó, chúng tôi còn phải đi qua một chỗ có cái đài bằng đá nhẵn bóng, bệ hình tròn, cao độ 60cm, đường kính độ dăm thước, có bậc để đi lên. Bao giờ chúng tôi cũng dừng lại để trèo lên đây đùa nghịch một lúc, bắt mẹ chúng tôi phải đợi. Nhưng đi mấy bước nữa, đến gần "dinh" cụ Quận, thì chúng tôi chẳng còn dám ho hoe, nghịch ngợm nữa. Không hiểu sao, cái không khí lạnh lẽo toát ra từ nơi này luôn luôn làm cho chúng tôi hãi sợ, có lẽ vì hình ảnh cái chiêng và cái trống nằm ở dưới hàng hiên vắng vẻ, và đã nhuốm màu thời gian, khiến cho chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những sự việc ghê gớm đã từng xảy ra ở nơi này thời cụ Quận còn sống. Chúng tôi thường hình dung thấy những cảnh xử tội rùng rợn. Người ta đồn rằng, cụ Quận xưa kia ác lắm, đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng chiêng rất bi ai từ trong dinh ngân ra.
Nhìn từ ngoài vào, bên trái dinh là lối vào "lăng cụ Quận". Thời tôi sinh ra, thì cụ Quận đã mất rồi, đã có một lần tôi được vào đây với chị tôi để chụp ảnh. Đối với chúng tôi, hồi đó, thì lăng cụ Quận cũng đã là một công trình kiến trúc hoành tráng lắm rồi. Mãi sau này tôi mới được xem các khu lăng tẩm của vua chúa ở Huế. Đương nhiên, không thể nào so sánh vua với quan được.
Bên phải dinh, là nhà cậu Lý em mẹ tôi. Cậu giữ chức lý trưởng ở trong ấp. Vào nhà cậu, chúng tôi cũng rất ngại, vì ở giáp ngay bên cạnh dinh, vào đây phải đi qua một cái sân trải sỏi, bước đi lên trên nghe cứ lạo xạo, đến khó chịu, lại thêm cái không khí ở đây cũng lạnh lẽo làm sao ấy !
Đến trước cửa dinh, chúng tôi rẽ về phía bên phải, dọc theo hồ Mục Dục, hai bên bờ trồng dương liễu. Trên con đường đất thẳng tắp này, một bên là hồ, một bên là hàng rào cây rất dày, đằng sau là cơ ngơi của gia đình Hoàng Cao Khải. Một điều vẫn làm cho tôi thắc mắc, là trong suốt những năm trời tôi được đi về dưới ấp, chưa bao giờ tôi được biết đằng sau những hàng rào cây này có những bí mật gì.
Đi đến cuối đường, đến chỗ có tên gọi là "Cầu đổ", chúng tôi cất cao tiếng, gọi: "Chị Thanh ơi, ra chở thuyền cho chúng em với ! ". Chị Thanh là con bác Tư, anh ruột của mẹ tôi. Gia đình bác Tư và gia đình cậu Bảy sinh cơ lập nghiệp ở ấp này, cả hai gia đình làm tá điền cho ông Hoàng Trọng Phu. Chỉ mấy phút sau, chị Thanh đã chở thuyền sang tới nơi đón chúng tôi. Chỉ riêng việc gọi thuyền này cũng đủ làm cho chúng tôi thấy thú vị, và đã trở nên một cái gì như một nghi lễ không thể thiếu được khi chúng tôi xuống ấp. Vào mùa hoa sen, cả mặt hồ là sen. Con thuyền rẽ nước chầm chậm, lách tránh những bông sen, tiếng lá sen cọ vào mạn thuyền nghe sột soạt, hương sen thơm ngát cả một vùng không gian. Chúng tôi hay lấy tay khoắng nước, nghịch ngợm với những giọt nước lăn trên lá sen trông như những viên ngọc nhỏ óng ánh bạc.
Sang đến bên bờ bên kia, là địa phận nhà bà tôi và nhà các bác, các cậu. Trong trí tưởng tượng của tuổi thơ, tôi vẫn coi như sang đến bên đây mới thật là chỗ mà mọi người gọi bằng "ấp". Thật ra, nơi bà tôi ở, và là nơi cả họ bên ngoại hàng năm cứ kéo nhau về tụ họp ăn Tết, chỉ là một trang trại nhỏ của bác tôi, tương đương với nhà một nông dân bậc trung. Cả cơ ngơi của bác tôi là một ngôi nhà tranh ba gian, hai chái, một chiếc nhà ngang cũng bằng lá, một cái sân, một mảnh vườn ở đằng trước và một cái ao thả cá ở đằng sau. Khi giỗ tết đông người, trong nhà không đủ chỗ để tiếp đón cả họ, con cháu vẫn phải chen chúc nhau ở ngoài hàng hiên, nhưng vẫn thấy vui. Mãi sau này, khi tôi lớn lên đến tuổi 11, 12, bác tôi mới xây thêm được một ngôi nhà thờ họ bằng gạch ở bên cạnh, thẳng góc với ngôi nhà lá cũ.
Không chờ cho chị Thanh buộc thuyền vào cầu ao, chúng tôi nhảy vội lên bờ. Vào đến trong sân, là bao giờ cũng thấy một quang cảnh náo nhiệt từ trên nhà xuống dưới bếp. Ai nấy đều cười nói vui vẻ, chúc tụng nhau năm mới, giọng tỉnh thành của các cô, các cậu trên Hà Nội xen lẫn với giọng hơi quê mùa của những người anh chị em họ ở dưới ấp, do hoàn cảnh sinh sống, vẫn giữ nguyên cái gốc nông dân.
Các gia đình lần lượt vào mừng tuổi bà ngoại tôi. Chúng tôi hay được ưu đãi và được bà gọi vào ngay, vì mẹ tôi là con gái duy nhất của cụ, trong số 6 anh em. Nói chung, chúng tôi được cả họ bên ngoại nuông chiều và kính nể. Mọi người coi chúng tôi như một niềm tự hào của cả họ, vì thầy mẹ tôi làm ăn khá giả, chúng tôi là những người tỉnh thành, được ăn học, v.v. Ngày ấy, dường như ở bên họ ngoại chúng tôi, mọi người đều biết thương yêu nhau bằng một tình thương trong lành, không gợn vết.
So với bên nội, họ ngoại của chúng tôi tương đối nghèo hơn. Ngày Tết, bà ngoại tôi có mừng tuổi cho chúng tôi vài đồng xu mới, thì cũng chỉ là tượng trưng. Nhưng mỗi lần chúng tôi vào mừng tuổi bà, là tôi lại được bà ôm vào lòng vuốt tóc, vì tôi là con út của mẹ tôi. Hồi mẹ tôi còn sống, mỗi lần mẹ tôi và chúng tôi xuống, bà tôi vui vẻ lắm. Sau này vào những năm 45-46, bà tôi bắt đầu buồn vì mẹ tôi ốm nặng, và đến khi mẹ tôi mất vào giữa năm 46, thì mỗi lần bà tôi lại ôm tôi vào lòng vuốt tóc và rơm rớm nước mắt hỏi: "Thế con có nhớ u con không ?".
Có lẽ cái tình thương bao la của bà tôi đối với mẹ tôi và chúng tôi là lý do thầm kín và sâu xa nhất khiến tôi thích những cái Tết ở dưới ấp.
Ngoài lý do tình cảm đó ra, còn có những lý do khác mà chỉ về sau này, khi đã ra đi và đã được nếm mùi nhiều cái Tết tha hương ở xứ người rồi, tôi mới hiểu hết ý nghĩa.

MatBangNếu bây giờ có ai hỏi tôi thích cái gì nhất ở những cái Tết ngày xưa, thì có lẽ tôi sẽ phải trả lời rằng: ở Hà nội, tôi chỉ thích nhất là đốt pháo, nhìn ngắm những chậu quất, chậu cúc, hoặc được thức khuya như người lớn để "canh" nồi bánh chưng. Còn ở Thái Hà Ấp, tôi chỉ thích nhất cái khung cảnh nhà quê và những món ăn đặc biệt do các bác tôi làm ở đây.
Ở Hà Nội, Tết đến, mỗi nhà đóng cửa lại để ăn Tết, đặc biệt là các nhà có cửa hiệu buôn bán. Tất cả cái không khí tưng bừng của ngày Tết như bị dồn ép lại ở trong nhà. Trẻ con, người lớn quanh quẩn với những chậu quất, cành đào, chậu cúc, giò thuỷ tiên, v.v. Gia đình nào đông, có nhà rộng, và có của, đêm 30 mới có được nồi bánh chưng, đặt ở ngay chiếc sân trong có giếng trời ở giữa nhà, để nấu bánh chưng và để thức đêm canh. Đó là cái thú vui lớn nhất đối với bọn trẻ, ngoài thú vui được mừng tuổi, được đánh tam cúc, và được đốt pháo (ở ngoài phố).
Còn ở Thái Hà Ấp, chúng tôi ăn Tết trong khung cảnh thôn dã, rộng rãi, thoải mái, với sân vườn, hồ ao, ruộng đồng, với cái mùi cay cay quen thuộc của khói rơm, khói củi bay ra từ nhà bếp, xuyên qua nóc mái rạ, và nhất là với những món ăn tuy quê mùa, nhưng thật là ngon. Cái truyền thống làm những món ăn này có lẽ đã được đem từ dưới làng Bông lên đây, và chắc đã có từ lâu đời.
Bây giờ lâu rồi, tôi không còn nhớ hết những món cỗ Tết của họ bên ngoại, mà chỉ còn nhớ có một vài món, mà chúng tôi cho là ngon đặc biệt hồi ấy.
Trước hết là những chiếc bánh chưng. Bánh chưng ở Thái Hà Ấp do các bác gái và mẹ tôi gói, đẹp và ngon lạ lùng. Tôi không bao giờ thấy trên Hà Nội ở đâu có bánh chưng ngon như thế. Bánh chưng mặn thì được gói với những miếng thịt lợn tươi (không phải thịt mua ở chợ), không nạc quá, nhiều đỗ, gói chắc và vuông, mà vẫn không cứng.
Đặc biệt nhất ở đây là bánh chưng đường, mỗi chiếc bánh được gói to bằng hai chiếc bánh chưng thường, màu lá và màu lạt buộc cũng khác để dễ phân biệt. Ruột bánh chưng đường cắt ra đỏ như mật mía, nhân bánh cũng vẫn đầy đỗ xanh và thịt không nạc quá, ăn lúc còn nóng, thật là tuyệt. Hồi nhỏ sao chúng tôi thấy bánh chưng đường ngon thế, ăn mãi không chán !
Ngoài ra, có mấy món ăn đặc biệt khác mà tôi còn nhớ hơn cả, đó là món thịt bò kho, hoặc thịt trâu kho, và…chè kho ! Đấy là không kể những món ngon khác không đặc biệt của họ ngoại, như : giò thủ, cá kho khô, giả cầy, thịt ninh mà mỗi cục thịt to băng nắm tay, và lẽ dĩ nhiên, món thịt mỡ dưa hành không thể thiếu được, làm theo kiểu nhà quê.
Làm thịt bò kho, các bác tôi thường chọn những miếng thịt bắp có gân, ướp nước mắm, quế, hồi, v.v., rồi bó chặt lại và kho trong nồi hay niêu bằng đất, đun nhỏ lửa trong mấy ngày liền trước Tết. thịt trâu cũng được làm giống như vậy. Khi ăn cắt ra từng khoanh, miếng thịt đen óng, thịt không được vỡ, gân không được nhão. Đó là những món mà chúng tôi, dân "tỉnh thành", thích nhất. Mẹ tôi rất thạo những món này, nhưng trong năm ở trên Hà Nội, mặc dầu biết chúng tôi thích, nhưng mẹ cũng không bao giờ có thì giờ làm.

Bao nhiêu năm đã qua rồi từ những ngày ấy. Chúng tôi sẽ không còn bao giờ được đoàn tụ đông đủ để ăn Tết ở Thái Hà Ấp nữa. Thái Hà Ấp bây giờ chắc hẳn cũng đã khác xưa. Họ ngoại nhà tôi bây giờ cũng không còn ai ở trong ấp. Một vài gia đình đã ra ở ngoài phố, chỗ tàu điện tránh. Những gia đình khác hoặc đã lên ở Hà Nội, hoặc đã vào trong Nam, hoặc đã phiêu bạt xứ người. Cũng có những người đã ra đi du học...
Lần nọ về, tôi có dịp đi qua đây, nhưng tôi không dừng lại được để vào thăm những nơi chốn cũ. Cuộc sống dồn dập nhiều khi không cho phép chúng ta dừng lại ở những kỷ niệm nữa.
Tôi chỉ muốn, một ngày nào đó, được dừng lại để ghé thăm Thái Hà Ấp, nơi quê ngoại thứ hai của chúng tôi, được đi lại con thuyền ngày xưa đã từng chở chúng tôi qua hồ để vào nhà bà ngoại ăn Tết. Tôi muốn được đưa tay xuống vực nước hồ trong mát, đùa nghịch với những hạt nước lăn trên lá sen, và nhìn ngắm lại bóng mình in dưới nước như hồi còn thơ ấu.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us