Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật

Hồi ức tuổi thơ: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật

- Văn Ngọc — published 27/02/2011 15:42, cập nhật lần cuối 27/02/2011 15:42
Đường Cổ Ngư ngày xưa hẹp hơn đường Thanh Niên bây giờ. Vào khoảng tháng sáu, tháng bảy, hoa phượng vĩ nở đầy hai bên đường.

- Chương 15 -

Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật


Văn Ngọc


Hôm đó là một ngày chủ nhật đầu tháng 8-1984. Tôi về thăm gia đình và làm việc với một cơ quan chuyên môn ở Hà Nội vừa được đúng một tuần. Trời oi ả như sắp có cơn giông. Tôi không có chương trình gì đặc biệt, đương chờ anh Th. đem xe máy đến đèo đi chơi một vòng xung quanh thành phố. Mỗi lần về thăm nhà là tôi vẫn phải tranh thủ đi và xem cho thật nhiều. Hồi xưa, lúc còn ở quê nhà, tôi còn trẻ quá, nào đã biết đi đâu, biết xem cái gì ? Anh Th. và tôi hẹn nhau từ mấy hôm nay, tôi muốn đi thăm lại vài kỷ niệm cũ hồi nhỏ. Thực ra, tôi có cả một chương trình trong đầu.
Anh Th. là một cán bộ khoa học kỹ thuật, lo việc đưa đón tôi thay mặt cơ quan, nên rất chiều tôi. Anh người Nghệ Tĩnh, có thân hình lực lưỡng, khoẻ mạnh, chắc đã từng là bộ đội trong thời kỳ kháng chiến. Chiếc xe máy của anh đã cũ, bàn đạp hình như bị hỏng, phải đẩy một lúc lâu mới nổ máy. Tôi trèo lên ngồi đằng sau anh, lòng lâng lâng, thanh thản. Ở Hà Nội thời buổi này có được cái xe máy để chạy thật là thuận tiện, vừa nhanh, vừa đỡ mệt, lại vừa len lỏi được qua những chỗ đông người, nhưng chắc tiền xăng dầu cũng khá đắt đối với đồng lương của một cán bộ nghiên cứu. Cũng có thể, như bữa nay tiếp đãi tôi, anh Th. sẽ được cơ quan hoàn lại cho tiền xăng dầu chăng ? Tôi mong là như thế.

Chúng tôi đi ngang qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, để lên phố Quan Thánh.
ChuaChauLongPhố xá Hà Nội bây giờ đông vui hơn cách đây chín năm, khi tôi về thăm nhà lần đầu tiên. Vườn hoa Hàng Đậu ngày nay trông quang đãng, đẹp đẽ hơn dưới thời Pháp thuộc. Vào những năm 48-49, trước lúc tôi ra đi, mỗi ngày đi học trường Chu Văn An, lúc đó còn ở phố Hàng Cót, đến đây tôi vẫn đi tắt chéo qua vườn hoa này. Gọi là "vườn hoa", nhưng thực ra lúc đó trông chỉ như một bãi cỏ, với vài ba cây cọ cành lá rậm rạp, um tùm, và đầy bóng tối. Bây giờ vườn trồng nhiều cây hoa, trông sáng sủa và vui tươi hơn.
Đến chỗ tàu điện tránh trên đường Quan Thánh, tôi ngỏ ý với anh Th. cho tôi vào thăm chùa Châu Long trước, vì chùa này nằm kề bên hồ Trúc Bạch và ở ngay cạnh đường Quan Thánh.
Tôi nóng lòng muốn nhìn thấy lại ngôi chùa cũ. Hồi nhỏ, mẹ tôi và đẻ già tôi vẫn thường hay lên đây cúng lễ. Sư cụ chùa này chắc hẳn quen với gia đình nhà tôi đã từ lâu lắm rồi. Tôi vẫn còn nhớ, sư cụ có giọng nói và tiếng tụng kinh nghe sang sảng như tiếng chuông. Hàng năm, vào những dịp giỗ lớn, chúng tôi vẫn đươc lên chùa ăn cỗ chay, và được ở lại chơi trên chùa cho tới tận chiều tối mới về.
Cỗ chay ở đây làm thật là khéo ! Chúng tôi, lũ trẻ trong nhà, thích nhất là được nhìn ngắm những bát cỗ, ở trên bày những miếng rau, đậu, cà rốt, được cắt theo hình hoa lá có răng cưa, hay hình quả chám, v.v.
Tôi còn nhớ ở bên trong chùa, chỗ nhà khách, có những bức tường quét vôi trắng tinh, và một cái cửa sổ hình bán nguyệt mở rộng ra hành lang đi xuống nhà bếp. Ở trên chính điện có những cột gỗ lim rất to và cao.
Nhưng hình ảnh đẹp nhất mà tôi còn ghi nhớ mãi là, vào lúc trưa nắng, chúng tôi ra đứng chơi ở cổng chùa dưới bóng mát của một cây cổ thụ. Chỗ chúng tôi đứng, mặt đất lốm đốm những bóng lá lung linh, rung động trước mỗi làn gió nhẹ, và chúng tôi hay nhìn về phía con đường dốc truớc cổng chùa trong cái nắng chói chang của buổi trưa hè. Con đường dốc đầy nắng ấy, sau này, mỗi lần lại gợi cho tôi hình ảnh của một con đường dốc khác trong văn học, đó là trong truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân : hình ảnh những người nhà cụ Sáu gánh nước giếng chùa Đồi Mai rảo bước trong nắng, nước sóng sánh rỏ xuống mặt đường, để lại đằng sau những những đốm ướt cứ nhỏ dần trên mặt đường… Hai hình ảnh như chập làm một, và mỗi lần nhớ lại câu chuyện Những chiếc ấm đất trong Vang bóng một thời của nhà văn, tôi lại liên tưởng tới cái cổng chùa Châu Long và con đường đầy nắng hơi dốc dốc đi xuống phía đằng trước chùa.
Anh Th. quặt xe vào phố Châu Long. Quang cảnh khu phố này sau hơn ba mươi lăm năm, từ ngày tôi rời Hà Nội ra đi, bây giờ trông khác hẳn. Tôi không còn nhận được ra những ngôi nhà quen thuộc ngày xưa nữa.
Chúng tôi đi đến cuối phố, chỗ ngày trước là một bãi cỏ, từ đó có thể nhìn thấy cổng chùa và con đường đất dẫn vào chùa. Bây giờ bãi cỏ không còn nữa. Ở đó người ta đã xây dựng lên cả một khối phố chắn ngang trước mặt như một bức tường, với nào là cửa hàng hợp tác xã mua bán, nào nhà ở, nào chợ, mọc chen chúc, vây kín lấy cả ngôi chùa và lấp cả cảnh quan của hồ Trúc Bạch.
Thoạt đầu, tôi tưởng là mình nhầm. Sau giây phút sửng sốt, tôi và anh Th. đi một vòng hỏi thăm, mới biết rằng lối vào chùa bây giờ nằm khuất ở đằng sau một xưởng làm đồ gỗ. Chúng tôi phải len lỏi qua vài ngõ ngách nữa rồi mới vào được tới sân chùa. Vào tới đây tôi mới nhận ra được khung cảnh ngôi chùa cũ. Chiếc sân gạch nhìn xuống hồ Trúc Bạch và hồ Tây vẫn còn đó. Cảnh hồ có phần lại đẹp hơn xưa. Mái chùa trông khá tươm tất. Bên trong, các cột lim vẫn chưa suy suyển. Bàn thờ và các pho tượng Phật lớn vẫn không khác xưa. Cái cửa hình bán nguyệt vẫn còn nguyên, chỉ có phòng khách là trông không được sáng sủa lắm. Bà vãi coi chùa tiếp chúng tôi vui vẻ, và khi biết là nhà tôi xưa kia hay lên cúng lễ trên chùa, bà đem hình sư cụ ngày đó ra hỏi xem tôi có nhận được mặt không.
Nói chung, ngôi chùa được chăm nom khá sạch sẽ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngôi chùa được bảo tồn như vậy cũng đã là một điều đáng mừng rồi. Chỉ tiếc một cái là đường vào chùa bây giờ không còn như trước nữa. Con đường dốc đầy nắng mà hình ảnh còn in trong trí óc tôi, bây giờ đã bị lấp kín đi bởi những căn nhà lụp xụp xây sát vào tới tận cổng chùa.
Ở Hà Nội đất chật người đông, nạn thiếu đất thiếu nhà có từ lâu, điều đó tôi vẫn biết, nhưng thêm một vài ngôi nhà ở, hay một vài cửa hàng, mà làm bít mất cả lối vào của một ngôi chùa cổ kính, một di tích văn hoá, lịch sử, tô điểm cho cái đẹp của hồ Trúc Bạch và làm nơi thắng cảnh cho thủ đô, tôi thấy thật là một điều đáng tiếc. Tôi nghĩ đây chỉ là một việc làm bữa bãi, vô kỷ luật, của một số người không có ý thức trách nhiệm và nhất là thiếu văn hoá. Ở Hà Nội ngày xưa, dưới thời Pháp thuộc, một số đình chùa, đền đài, di tích lịch sử của dân tộc cũng đã từng bị phá huỷ, hoặc bị che lấp đi. Người dân Hà Nội nhiều khi không biết đến những công trình đó, mặc dầu hàng ngày vẫn đi qua trước mặt. Tôi cho rằng việc bảo tồn những công trình này như những di sản văn hoá cho những thế hệ mai sau, là một việc làm có tầm quan trọng không nhỏ, và cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt, để khỏi mất đi các di tích.

Chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc đi dạo chơi về phía hồ Tây. Đi ngang qua đền Quan Thánh, tức đền Trấn Võ, tôi muốn ghé vào thăm, nhưng thấy cửa đóng. Các bà ngồi họp chợ ở trước cửa đền cho biết là đền hôm nay đóng cửa. Thật là tôi không có duyên với ngôi đền này. Nghe nói ở bên trong có pho tượng đức Trấn Võ bằng đồng đen, cao lớn lắm, vì thế mà ngày xưa người Pháp gọi tên đền này là "Temple du Grand Bouddha", và đặt tên đường Quan Thánh là "Route du Grand Bouddha". Hồi còn ở nhà, có lúc tôi đã ở đường Quan Thánh, hàng ngày lên hồ Tây đi ngang qua đây, mà chưa bao giờ biết vào tận bên trong xem. Quả là lúc đó tôi chưa ý thức được tầm quan trọng lịch sử của ngôi đền này. Tôi ghé mắt nhìn qua khe hàng rào, ngôi đền nằm lui vào bên trong, đằng trước là một chiếc sân gạch có trồng cây cảnh và có những tượng voi đá được bố trí rất trang nghiêm. Tôi thật không ngờ đền Trấn Võ lại có một chất luợng kiến trúc như vậy, và càng thêm tiếc rẻ đã không được vào thăm viếng lần này.
DenQuanThanhTôi tần ngần bước đến bên gốc cây đa cổ thụ ở kế bên, giữa đường Cổ Ngư, tức đường Thanh Niên, và hồ Trúc Bạch. Nơi này, hồi nhỏ chúng tôi thường đến đây để "lấy nhựa đa" làm bóng cao su. Chúng tôi thường hì hục hàng giờ chích nhựa đa ở thân cây và rễ cây, bôi lên cánh tay và mu bàn tay. Khi nhựa khô trên cánh tay, chúng tôi lấy viên giấy báo đã được vo tròn để độn và lăn lên màng nhựa trên cánh tay, cứ thế cho đến khi đủ dày để có thể làm một quả bóng nhỏ, rồi mới mở một lỗ để rút giấy độn ra, và cuối cùng hàn lỗ đó lại bằng một lớp nhựa mới. Tôi còn nhớ cái mùi tanh đồng rất đặc biệt mà chúng tôi ngửi thấy khi đào rễ cây đa này để lấy nhựa. Có lẽ mùi tanh đồng đó là do nước ở hồ Trúc Bạch thấm vào đất ở vùng rễ cây. Hồi đó, nước hồ Trúc Bạch rất bẩn, có lẽ vì bị tù đọng, mặt nước luôn luôn đầy váng xanh như lá cây và hình như có mấy nhà máy nằm ở xung quanh đây trút các chất thải xuống hồ, nên lúc nào cũng có mùi tanh tưởi, ô uế.
Đường Cổ Ngư ngày xưa hẹp hơn đường Thanh Niên bây giờ. Vào khoảng tháng sáu, tháng bảy, hoa phượng vĩ nở đầy hai bên đường. Đó là hình ảnh dễ nhớ nhất còn in đậm trong trí óc tôi về con đường này, vào cái thời mà chúng tôi hay rủ nhau lấy xe đạp lên đây "đi bơi" ở chùa Trấn Quốc.
Còn một hình ảnh khác cũng đã ghi khắc vào trí nhớ của tôi. Đó là vào khoảng năm 1943-44, một hôm, chúng tôi tình cờ được một người khách hàng của thày tôi cho cả lũ đi chơi hồ Tây bằng xe hơi vào một buổi tối sáng trăng. Ngồi trong chiếc xe không mui chạy băng băng trên con đường Cổ Ngư lộng gió, giữa hai bên là hồ, nhìn ánh trăng lấp loáng chiếu qua những hàng cây bên đường, chúng tôi có một cảm giác thật là huyễn ảo, thần tiên.
Chúng tôi rẽ vào chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa có một vị trí thật độc đáo, nằm như một hòn đảo nhỏ giữa hồ. Nơi đây là chỗ chúng tôi hồi đó hay rủ nhau lên bơi lội vào những buổi chiều tan học, hoặc vào những giờ thầy giáo vắng mặt. Những ngày cuối tuần nghỉ học, có khi chúng tôi lên đây bơi mỗi ngày đến hai lần, sáng và chiều. Từ bờ bên chùa Trấn Quốc, là một cái kè xây bằng gạch và đá, chúng tôi bơi sang đến bên bờ bên kia, chỗ gọi là "Ba Đình". Cái tên này, được bọn thanh thiếu niên chúng tôi gọi ngày ấy, không biết có dính líu gì đến cái tên Ba Đình lịch sử không ? Chỉ biết rằng, đối với bọn trẻ chúng tôi, đó là tên gọi của một địa điểm có bức tường gach màu thẫm ở tít tận bên bờ bên kia, có những ngày nhìn sang không trông thấy rõ. Cái tên dần dần trở nên quen thuộc, nhưng vẫn như chứa đựng một sự gì bí mật, đồng thời đối với bọn trẻ nhất trong đám bơi lội chúng tôi, nó là cả một sự thử thách, một niềm tự hào, khi đã sang được đến bờ bên kia ! Ngày sóng lặng không sao, nhưng có những ngay trời xấu, sóng to, bơi ra đến ngoài khơi, nhìn sang bên "Ba Đình" thấy thật là xa mịt mù, sóng hồ mạnh không kém gì sóng ở ngoài sông Cái, hay ngoài bể. Bơi sang đến bờ bên kia, thường là chúng tôi phải quay về ngay, không lên bờ nghỉ được, vì bèo Nhật Bản hay đóng ở bên ấy dày đặc cả, không có lối bơi vào tới bờ.
Những hôm ở bên Trấn Quốc "bèo về" cũng là những hôm "nước bẩn", bèo về đầy, không bơi được. "Bèo về" cũng là dấu hiệu trời sắp giở cơn giông bão. Bây giờ xa rồi, tôi cũng không còn nhớ "bèo về" vào những dịp nào, tháng nào. Hình như vào dịp trời bắt đầu hơi lành lạnh.
Ngày ấy, đương tuổi ham bơi lội và mải chơi, lại không được ai chỉ bảo cho, nên chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện vào thăm bên trong ngôi chùa lịch sử này. Ngay cả những chiếc tháp an lạc cổ kính mà chúng tôi nhìn thấy mỗi ngày ở đằng sau bức tường rào của nhà chùa, cũng không khêu gợi được sự tò mò tìm hiểucủa chúng tôi. Làm sao mà chúng tôi có thể vượt qua được cái tuổi của mình? Làm sao mà chúng tôi đã có thể nghĩ được rằng, sẽ có ngày có đứa trong chúng tôi sẽ phải rời xa cái khung cảnh thân quen này, rời xa Hà Nội, để đi xa, rõ thật xa...
Chúng tôi bước qua cổng tam quan, nơi đứng trú mưa ngày xưa, vào tới chỗ kè gạch vốn vẫn là chỗ để phơi nắng và để nhảy xuống nước bơi, trong lòng không khỏi dấy lên biết bao nhiêu kỷ niệm.
Chiếc kè nay đã lở khá nhiều. Một chú bò đang gặm cỏ một mình ở giữa lối. Một cặp trai gái độ 19, 20 tuổi, vẻ mặt hiền lành, nhìn tôi với những cặp mắt đầy cảm tình. Hình như họ đọc thấy trong ánh mắt của tôi tất cả niềm vui và niềm xúc động của một người đi xa lâu ngày trở về. Nhưng chắc họ không tài nào đoán nổi cái tâm trạng phức tạp của một Việt kiều phải sống xa Tổ quốc !
Cặp trai gái bắt chuyện và hỏi tôi như một người quen thuộc từ lâu. Họ muốn biết chiếc kè lở như vậy có thể nào lở vào đến chùa được không. Tôi hơi ngạc nhiên vì câu hỏi ngay thật nhưng rất chín chắn, và sự quan tâm của cặp thanh niên đến chiếc kè lở, mà chắc họ cũng không biết hết cái sự tích "oanh liệt" của nó vào thời chúng tôi thường đến đây để bơi lội.
Sự tiếp xúc dễ dàng và hồn nhiên của cặp thanh niên làm cho tôi thấy mình bỗng nhiên như trẻ lại. Tôi bỗng có cảm tưởng như mình rời nơi này ra đi mới ngày nào gần đây thôi, và nay đã trở về. Phải rồi, dẫu sao tôi cũng chỉ là một đứa con đi vắng xa nay lại trở về. Nhưng cái khoảng cách thời gian mấy chục năm trời xa xứ vẫn như một vết thương sâu, không dễ gì hàn gắn lại được.
Chúng tôi bước vào sân chùa vừa đúng lúc trời đổ mưa. Ông già coi chùa ra tiếp chúng tôi niềm nở và dẫn ngay chúng tôi đi xem chùa. Ông giảng cho chúng tôi nghe tỉ mỉ về sự tích của ngôi chùa có từ thời nhà Lý. Tôi vừa mừng vì thấy ngôi chùa cổ được giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận, cột kèo trông còn vững chắc, mặt khác lại hơi hổ thẹn vì mình là người Hà Nội mà cho đến bây giờ, tóc đã điểm bạc rồi, mới bước chân vào thăm ngôi chùa nổi tiếng này.
Tôi đã từng được đi nhiều nơi có những cảnh hồ đẹp ở trên thế giới, nhưng có lẽ trong số những hồ đẹp nhất, phải kể đến hồ Tây, không phải vì nó rộng, hay vì nó có nhiều du thuyền, hoặc nhiều những thiết bị thể thao, giải trí trên hồ, mà chỉ vì nó có một lịch sử lâu đời, mà những công trình kiến trúc như chùa Trấn quốc, đền Trấn võ, hay chùa Châu Long là những chứng tích còn sót lại.
Mưa như trút nước xuống mái chùa và ngôi vườn nhỏ bé. Những chiếc tháp an lạc bằng gạch nung, rêu phong phủ đầy, nằm lẫn trong đám cây cối ướt át, không biết dãi dầu mưa nắng đã bao nhiêu thế kỷ nay rồi ? Ông già chỉ cho chúng tôi cây bồ đề trồng ở giữa vườn do chính tay tổng thống Nehru tặng chùa vào những năm 60.
Tạnh mưa, chúng tôi từ giã nhà chùa, tiếp tục đi về phía đê Yên Phụ. Đi qua khách sạn Thắng Lợi, chúng tôi ghé vào thăm, nhân thể uống cốc nước chanh giải khát. Ở bar, tôi phải hỏi đi hỏi lại cô chiêu đãi viên xem nước đã "đun sôi để nguội" chưa, rồi mới dám uống ! Đi xa lâu ngày, sống ở xứ ôn đới có đầy đủ vệ sinh quen rồi, bụng dạ tôi bây giờ chắc không còn được "miễn dịch" để có thể uống bất cứ nước máy, nước mưa, hay nước hồ, như ngày xưa nữa.
Khách sạn do Cuba xây giúp khá đẹp, nhưng sao vắng tanh vắng ngắt, không có mấy khách. Chúng tôi đi ra phía bể bơi, nước rất trong, nhưng cũng không thấy một ai ở đây, trừ hai người đến đây câu cá. Dưới hồ cũng không thấy bóng một chiếc thuyền buồm nào cả. Không lẽ những chiếc thuyền buồm khi xưa, cách đây chín năm, khi khách sạn vừa mới xây xong, với những cánh buồm nâu trên có chữ Thắng Lợi màu trắng, nay lại không còn cái nào, hay đã được cất kỹ đi ở một nơi nào mà tôi không biết.

Tôi rời khách sạn Thắng Lợi mà trong lòng vẫn băn khoăn không biết tại sao khách sạn này lại vắng nguời đến thế, thật là uổng phí quá !
Trời lại lâm râm mưa nữa, cứ hết tạnh rồi lại mưa. Chúng tôi đèo nhau dưới trời mưa, làm một vòng qua những phố xá ven đê, mà tôi đoán là thuộc làng Yên Phụ.Ngày xưa ở Hà nội, tôi chưa bao giờ được lên tới đây chơi, chỉ trừ một vài lần rất hiếm hoi được theo các anh lớn đi bơi ở "Rặng ổi" thuộc địa phận Quảng Bá.
Nói chung, ngày xưa ít khi nào tôi được gần gũi thật sự với những xóm lao động ở xung quanh Hà Nội, vốn xuất thân là con nhà buôn bán ở bên trong khu phố cổ. Trong cái xã hội cũ, chúng tôi thuộc một tầng lớp khá giả. Trong việc học hành, cũng như trong những thú vui giải trí, ngày ấy vẫn có một sự cách biệt rất lớn giữa các tầng lớp. Có mấy người học cùng trường, cùng lớp, hay đi bơi đi lội với chúng tôi ngày ấy mà xuất thân từ những xóm nghèo đâu ? Những người gốc nông dân lại càng hiếm nữa.
Tôi còn nhớ mãi cái hồi 44-45, khi trường chúng tôi dọn xuống làng Tương Mai ở ngoại ô nam Hà Nội để tránh bom Mỹ-Nhật, trường đóng ở đình làng, mà nội trong đám học trò ở lớp tôi chỉ có độc hai cậu con trai ông lý trưởng của cái làng ấy mới được nhận vào học, và ông lý trưởng coi đó là một sự vinh hạnh lắm rồi !
Xã hội ngày nay đã đổi khác. Sự chênh lệch không còn quá lớn giữa các tầng lớp, cũng như giữa những người dân sống ở các xóm ngoại ô và người dân thành thị. Nhiều sinh viên học lên đến đại học, hay quá đại học, xuất thân từ nông dân, hay từ những gia đình công nhân, lao động. Bản thân anh Th., người đi với tôi, một cán bộ khoa học cấp cao, cũng xuất thân từ một gia đình nông dân ở Nghệ Tĩnh.
Cuộc sống ở đây rõ ràng đã có những đổi thay quan trọng, nhưng cũng đã bị hai cuộc kháng chiến làm chậm lại nhiều, và giờ đây cuộc chiến tranh biên giới vẫn đè nặng lên đời sống kinh tế và đương đẻ ra không biết bao nhiêu vấn đề. Cuộc sống hàng ngày của nhân dân, từ thành thị đến ngoại ô, xem ra vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng với một sức sống kỳ diệu, người dân vẫn vượt lên được mọi khó khăn thử thách để tự giải quyết lấy những vấn đề của mình.
Anh Th. như không bận tâm đến những suy nghĩ vẩn vơ của tôi, mà chỉ chăm chú lái xe, tránh những người qua lại. Chiếc xe chở chúng tôi lướt nhanh qua những khuôn mặt không quen biết, mà dường như vẫn quen biết từ lâu, để lại đằng sau dòng người tiếp tục đi lại tấp nập trên con đường phố nhỏ ven đê.

(còn tiếp)

Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ
Chương 14: Cái chất lãng mạn tuyệt vời

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss