Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Khu phố thời thơ ấu

Hồi ức tuổi thơ: Khu phố thời thơ ấu

- Văn Ngọc — published 27/11/2010 10:32, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:18
Ở giữa Hàng Hòm và Hàng Mành, ngay cạnh ngõ Yên thái, có một cửa hàng duy nhất ở Hà Nội làm những đầu sư tử khổng lồ dành cho những đội múa sư tử chuyên nghiệp vào dịp Rằm tháng tám.

- Chương 02 -

Khu phố thời thơ ấu


Văn Ngọc


Gần như tối nào cũng vậy, vào lúc phố xá lên đèn, tôi lại được vú cõng đi chơi một vòng xung quanh ô phố. Bao giờ vú cũng đi về phố Hàng Thiếc trước. Vú dừng lại mua bao thuốc lào ở hiệu Vạn Bảo đầu phố Hàng Nón, rồi lần theo phố Hàng Nón rẽ về phố Nhà Hoả (Hàng Điếu), để cuối cùng quay trở lại phố Hàng Bát Đàn, là phố nhà tôi.
Buổi tối vú chỉ đi gần có thế thôi. Vú đi lững thững như người đi bách bộ, dáng điệu nhàn tản, thỉnh thoảng lại ngừng lại chào hỏi người quen gặp ở dọc đường. Lúc đầu tôi không thích thế lắm, nhưng rồi dần dần cũng phải quen đi. Vả chăng, vú cũng không thể đi nhanh hơn được, vú đã nhiều tuổi rồi. Người trong nhà gọi vú là "vú già Tấn", Tấn là tên của anh tôi. Vú là người đã nuôi hết cả mấy anh chị em chúng tôi. Có lẽ ngày xưa, vú đã từng được gọi là "chị nuôi" hay "vú em", nhưng bây giờ đến lượt phải nuôi tôi, thì vú đã già rồi. Da mặt vú nhăn nheo và vú bắt đầu hơi khó tính.
Thực ra, tôi không nhớ rằng mình đã có cảm tình với vú lắm. Nhiều chuyện xảy ra sau này đã làm cho mẹ tôi phải thay vú, và tìm cho tôi một người chị nuôi khác. Kỷ niệm rõ nét nhất đối với tôi về vú vẫn chỉ là kỷ niệm về những buổi đi dạo chơi quanh các phố xá.
Cho đến năm lên 4, lên 5 tuổi, tôi vẫn chỉ được ở quanh quẩn trong nhà với mẹ tôi và với vú. Ra đến ngưỡng cửa là thày mẹ tôi và các anh chị lớn trong nhà lại doạ : ra đường mẹ mìn nó bắt đi đấy ! Vì thế cho nên lúc bấy giờ được đi một mình ra đến đầu phố dưới con mắt dõi theo từ xa của vú, đối với tôi, đã là cả một sự thèm khát rồi.
Để thoả mãn sự thèm khát đó, tôi cứ phải "trả giá" bằng cách ăn thật ngoan ngoãn những thìa cơm đầy mà vú xúc cho. Ôi những thìa cơm xinh xẻo, ngon lành, đầy thi vị của tuổi thơ !
Tôi còn nhớ, mỗi thìa cơm bao giờ cũng phải có ít ra một miếng giò lụa thái hạt lựu, hay một miếng thịt xé nhỏ, đôi khi lại còn có cả canh nữa ! Vậy mà mỗi lần ngậm miếng cơm vào mồm, là tôi lại chạy ù một mạch ra đến tận đầu phố, rồi mới chạy về, để vú đút cho miếng khác. Hình như đã có một sự thoả thuận thầm lặng giữa vú và tôi. Mỗi bữa cơm như vậy nhiều khi kéo dài hàng giờ. Những mếng cơm cuối cùng cũng là những miếng cơm khó nhọc, vất vả nhất, cả cho vú lẫn cho tôi. Nhiều khi vú phải doạ : nếu tôi không ăn hết bát cơm, vú sẽ không cho đi chơi với vú nữa.
Trờichưa tối hẳn, nên tôi còn tỉnh táo lắm. Nằm trên lưng vú, tôi nghịch ngợm, ngó ngang ngó dọc, nhỏm lên nhỏm xuống, có khi lại còn "nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn" nữa, để tỏ sự thích thú của mình. PhoHangThiec
Vào giờ này, quang cảnh đường phố cũng có vẻ náo nhiệt hơn, hè phố đông vui hơn. Nhất là vào những ngày nóng nực, người hàng phố thường bắc ghế ra ngoài đường ngồi hóng mát. Âm thanh, hình ảnh và cái hương vị đặc biệt của phố phường vào lúc chiều tối cho đến ngày nay vẫn còn in sâu trong trí nhớ của tôi. Ở vào cái tuổi ấu thơ ấy, các giác quan của người ta hình như cũng tinh nhạy hơn, trí nhớ cũng trong suốt hơn. 


Phố Hàng Thiếc, với những cửa hiệu nhỏ hẹp, đôi khi chưa được hai mét bề ngang, có nhà nền vẫn còn để nguyên đất gồ ghề, màu đen xì, không lát gạch, trông không sạch sẽ tí nào. Buổi tối đến, nhiều nhà chỉ có độc một ngọn đèn nhỏ tù mù. Đi qua phố này, bao giờ cũng được nghe thấy những tiếng va chạm lanh canh của dụng cụ sắt với đồ thiếc và đồ bằng sắt tây. Thêm vào đó là tiếng người ta kéo những chiếc thùng tôn rỗng trên hè đường. Đặc biệt nhất, khi đi qua đây, là bao giờ cũng ngửi thấy cái mùi hàn và mùi chì lỏng quen thuộc.
Vui nhất là vào dịp Tết Trung Thu, lúc đó phố Hàng Thiếc thay đổi hẳn bộ dạng, và trở thành một trong những phố sinh động và nhộn nhịp nhất của Hà Nội, nhất là đối với các trẻ em. Những đồ chơi bằng sắt tây sơn màu sặc sỡ được bày la liệt trên các quầy gỗ, không có tủ kính. Nào là : "Cô tiên trong quả đào", "Con bướm với đôi cánh to khép mở mỗi khi đẩy bánh xe đi", "Tàu thuỷ bằng sắt chạy bằng dầu tây", v.v...
Phố Hàng Thiếc có lẽ là một trong những phố đông người lao động và chật chội nhất ở Hà Nội. 
Sau này, khi cách mạng lên, tôi có mấy đứa bạn quen ở phố này đều là những dân "cứng đầu" cả. Thằng Vinh, ngay từ những giờ phút đầu được nhận vào đoàn Thiếu sinh quân, được chúng tôi rất bái phục. Thuyên, con nhà ông lang Vòng, sau học cùng với tôi ở trường Chu Văn An, tính rất bướng bỉnh. Anh Thịnh, bạn của Thể, cháu tôi, là một cán bộ Việt Minh "nằm vùng" từ hồi còn bí mật, anh là người đã "giác ngộ" Thể đi theo Cách mạng vào những năm 42-43.
Ngoài ra, thanh niên tự vệ phố Hàng Thiếc không nhiều, và phần đông là thợ thuyền, nhưng là những người đã chiến đấu rất hăng cùng với tự vệ của cả Liên khu I hồi tác chiến.


Phố Hàng Nón, vào giờ này cũng còn nhiều hiệu mở cửa. Ánh đèn điện hắt ra từ những cửa hàng đầy những chiếc nón đủ loại treo lủng lẳng, bóng loáng. Phố này nhẹ nhàng cũng như cái tên của nó. Dường như không bao giờ có chuyện gì xảy ra ở đây, có lẽ vì không có mấy thanh niên, và cả thiếu nhi cũng ít. Phố này có một cái đình cổ, gọi là đình Hàng Nón, bên cạnh có một hiệu cho thuê sách, chị tôi thường hay đến thuê sách ở đây.
Phố này còn có chị Đào, bạn học của chị tôi ở trường Hàng Cót; sau này các chị cùng học ở trường Đồng Khánh. Chị Đào tính người giản dị, vui tươi, tuy không đẹp bằng chị tôi, nhưng đùa nghịch và ăn nói thì không kém. Hai chị thích nhau lắm. Sau này, hồi 44-45, có một anh chàng làm nghề gì không biết, có vẻ bí mật lắm, theo đuổi chị tôi, và cứ mỗi lần nói chuyện với chị tôi, là anh ta lại giả bộ nói lơ lớ giọng Nhật. Anh ta theo chị tôi và chị Đào xuống cả Thái Hà ấp là nơi quê ngoại của chúng tôi, những ngày "tránh bom Mỹ-Nhật". Chị tôi thường chê anh chàng là "lập dị", mặc dầu vẫn nghĩ rằng anh ta là một người thông minh. Sau này, trong kháng chiến, không biết do một sự tình cờ nào, mà anh ta lại lấy được chị Đào. Nghe nói hai người sống hạnh phúc lắm và có được mấy mụn con.


Phố Nhà Hoả (Hàng Điếu) vào lúc chập tối, ít hiệu mở cửa hơn. Hiệu mở cửa và làm việc khuya nhất có lẽ là hiệu khách làm rượu cắc kè (tắc kè). Sau này, lớn lên vài tuổi nữa, mỗi lần đi chơi qua đây, chúng tôi vẫn hay dừng lại đây xem người ta chọn những con cắc kè đã được phơi khô để ngâm rượu làm thuốc bổ bán.
Phố này còn có nhiều cửa hiệu và nhiều nơi chốn khác khá ngoạn mục, mà trong suốt thời thơ ấu bọn trẻ chúng tôi vẫn thường hay đến.
Trước hết, là ngôi đình Nhà Hoả, trước cổng đình có một cái sân nền đất, chúng tôi vẫn thường đến đây để đánh bi, đánh đáo. Bên trong còn có một cái sân nền đất nữa, cũng là chỗ để chúng tôi đánh bi, đánh đáo, ở đó có một cây hoa đại khá đẹp. Ngôi đình này nhiều khi có các bà, các cô đến thờ cúng tấp nập, như thể một ngôi đền. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được xem lên đồng và được nghe hát chầu văn ở đây. Bên cạnh đình Nhà Hoả có mấy hiệu bán da thuộc nhuộm màu xanh đỏ của người Tàu. Phố Nhà Hoả còn có trường Kim Bảng, là một trường kiểu như trường “mẫu giáo”, và đương nhiên là tôi đã được vinh dự học ở trường này một dạo. Kỷ niệm nhớ đời của tôi ở đây, là một hôm cậu ấm đái vãi ra lớp, phải xin các bạn giấy thấm để thấm (!), mà vẫn bị "dẫn độ" về tới tận nhà trao trả cho bố mẹ !
Phố Nhà Hoả còn có nhà xuất bản Mai Lĩnh ; lại có một hiệu sách với một cái tên rất cổ kính : "Nhật Nam Thư Quán". Hiệu này còn là một nhà xuất bản các loại sách dân gian nữa. Lớn lên, tôi vẫn chưa bao giờ có dịp mua một cuốn sách nào ở đây, thì chiến tranh đã ập đến. Mặc dầu vậy, mỗi lần đi qua đây, tôi vẫn hay thích nhìn ngắm những cuốn sách in sạch sẽ, với những cái bìa có tranh khắc vẽ, bày trong tủ kính !
Hiệu ảnh Vạn Xuân ở bên hè bên kia cũng là một cực hấp dẫn khác, với những tấm "cartes postales" (bưu thiếp) bạc màu, cũ kỹ, mà chúng tôi thường dừng lại xem không chán mắt, mặc dầu lúc bấy giờ chưa hiểu hết ý nghĩa và ích lợi của chúng. Bên cạnh hiệu Vạn Xuân, cách đó mấy nhà, còn có hiệu Vạn Thiên Đường bán đường, mứt. Hè phố bên này, trước cửa hiệu Vạn Thiên Đường cũng còn mấy hiệu bán đường, mứt nữa, nhưng không nổi tiếng bằng.
Phố Nhà Hoả, ban ngày cũng là một phố đông vui, mặc dầu hơi tối, vì đây là phố độc nhất trong cả khu phố có những cây bàng cổ thụ, tán lá rậm rạp, che kín hết cả, không để một tia nắng nào lọt vào phố. Ở phố Nhà Hoả còn có một nhân vật mà tôi rất yêu mến, là chị Tuyết, bạn chị tôi, người Tàu lai, rất đẹp, mặc dầu hơi âm thầm, kín đáo. Chính chị Tuyết đã dạy cho chị tôi và tôi bài "Hà Nhật Tân Tái Lai" bằng tiếng Tàu :

Hao khoá pủ ừ chằng chái
Hà chí pu ư chẳng chài
Lôi xếnh xảng ừ chièo mi
Lư xếnh xảng ứ chừ ử tài
Chin ché lôi ư pè hâu ...


Lời tiếng Tàu nghe dịu hơn và đỡ ngây ngô hơn là lời tiếng Việt, không biết do ai đặt ra, với những câu hát như : "Đi chớ để hình bóng / Cùng vết thương em để bên lòng...", nghe thật ngây ngô, nếu nói theo ngôn ngữ thời ấy của các anh chị lớn tôi, thì tôi phải nói rằng nghe rất là "máy nước" !


Đi hết phố Nhà Hoả là đã trở về phố Hàng Bát Đàn. Thường thường, về đến đây, tôi bắt đầu buồn ngủ. Vú đặt tôi xuống cái chõng gỗ ở đầu hè, sát ngay cửa hàng, dưới mái hiên, để tôi ngủ cho mát, nếu là mùa nực. Mùa đông, vú cho tôi rúc vào lòng mẹ, hay lòng đẻ tôi, thường ngồi ở ngay cửa hàng, ở đó tôi được ngủ một lúc nữa cho đến giờ đóng cửa hàng, vú mới lại cõng tôi lên buồng mẹ tôi ở trên gác.
Khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ mà tôi được ngủ trên chiếc chõng ngoài hè cũng là một khoảng thời gian đầy hạnh phúc. Giấc ngủ chập chờn nhưng rất thú vị của tôi được ru bởi tất cả những âm thanh quen thuộc : tiếng xe cộ trên đường, tiếng người huyên náo, tiếng rao hàng quà, tiếng kèn hát của nhà Thiên Nhiên từ đầu phố Hàng Bồ vọng xuống theo chiều gió, có lúc như rót vào tai, và nhất là tiếng hát của những đám xẩm có khi ngồi sát ngay bên chỗ tôi nằm. Thêm vào đó, hình ảnh những con thiêu thân bay quanh ngọn đèn phố, những chú dơi nhào lượn nhanh thoăn thoắt như những bóng ma, dần dần cũng không làm tôi hãi sợ nữa, mà ngược lại đã đưa tôi vào những giấc ngủ ngon lành.
Ban ngày, tôi thường được vú cho đi chơi xa hơn. Nhưng trước khi đi chơi, tôi phải ăn thật hết bát cơm vú xúc cho đã ! Vú hay la cà lên đến tận Hàng Bồ, Hàng Bạc, hay ra tận Hàng Ngang, Hàng Đào.


Lên PhoHangBac phố Hàng Bạc, vú cho tôi đi đến tận nhà bà Bé Tí (có chồng người Pháp tên là Petit) để xem những con thú vật dị dạng, hiếm có, như : gà ba chân, lợn năm chân, v.v... nhốt trong chuồng, cũi. Trong óc tưởng tượng của tuổi thơ, nhà bà Bé Tí, nằm lấp sau đám cây cỏ lạ, và sau cái hàng rào chấn song sắt, ở ngay một góc phố, nhìn sang rạp hát Tố Như, luôn luôn là một sự bí mật đối với tôi.
Cũng như, ở phố Hàng Bồ có nhà Quảng Hưng Long, chủ nhà chắc hẳn là một thương gia giàu có người Minh hương. Đó là một ngôi nhà đồ sộ nằm ở quãng giữa phố. Nhà xây theo kiểu Trung Quốc, phong cách cổ kính, tường ốp gạch men sứ, ngói tráng men màu xanh lam, suốt năm đóng cửa im ỉm, không thấy buôn bán gì, nhưng nhìn qua cổng sắt thì thấy bên trong có sân vườn rất là đẹp, một điều thật là hiếm ở một phố buôn bán. Phố Hàng Bồ còn có nhà Tường Ký, là cửa hiệu sản xuất và bán pháo lớn nhất Hà Nội, luôn luôn có hai ông “tây đen” quấn khăn, canh ở cửa (ngày đó, chúng tôi không biết phân biệt người Phi châu, người Ấn Độ, hay người Pakistan, mà đều gọi chung là “tây đen” !) ; rồi nhà bà Hai Tăng bán ô mai ngon nổi tiếng, với đủ các loại ô mai, đựng trong những cái lọ bằng thuỷ tinh sạch sẽ và bóng loáng, bày ngay trên chiếc quầy cao ngang tầm con mắt và hướng ra hè đường. Sau này, trong suốt thời thơ ấu, bọn trẻ chúng tôi cứ khi nào xin mẹ được xu nào, lại chạy lên đây để mua ô mai.


Còn một nơi nữa cũng đầy sự bí ẩn đối với chúng tôi, là đền Hàng Bồ, luôn luôn tấp nập người ra vào và nhộn nhịp tiếng đàn tiếng hát chầu đồng. Đền nằm ở ngay gần chỗ góc phố Hàng Bồ và Hàng Bút, cạnh nhà bán đĩa hát Thiên Nhiên. Cửa hàng bán giấy bản của mẹ tôi cũng ở ngay góc phố Hàng Bút, nên thỉnh thoảng khi tôi lên cửa hàng giấy với mẹ tôi, nghe thấy tiếng đàn hát chầu văn, thế là tôi tìm cách lẻn sang bên ấy để xem lên đồng ! Có một lần, tôi được xem một buổi chầu đồng khá đặc biệt và khá “ấn tượng”. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những nhạc công người Mường vừa thổi khèn, vừa múa trước điện thờ, trong khói hương nghi ngút và trong tiếng nhạc nghe lơ lớ rất lạ tai. Ngày ấy, bọn trẻ con chúng tôi hễ trông thấy người Mường, người Mán, ăn mặc y phục dân tộc của họ, đeo vòng, đeo kiềng, nước da lại ủng như người ngã nước, thì cứ thấy hơi sợ sợ. Có lẽ cũng chỉ vì người lớn, cứ hay kể chuyện ma quỷ ở trên mạn ngược, và chuyện mẹ mìn để doạ chúng tôi.
Phố Hàng Bồ cũng là nơi mỗi năm, cứ đến ngày giáp Tết là lại diễn ra một cảnh tượng vô cùng náo nhiệt, đó là cảnh chợ tranh Tết, với các hàng bán tranh Tết và các ông đồ từ dưới quê lên, ngồi viết câu đối thuê ở suốt một dọc bên dãy số lẻ.


Nhưng thường xuyên nhất, là cứ độ vài ngày vú lại dẫn tôi đến nhà con trai của vú ở ngõ Yên Thái, cạnh chợ Hàng Da.
Nhà của con trai vú thực ra là một tiệm hút thuốc phiện. Đây là một trong hai cái lỗi lớn mà vú đã phạm phải trong thời kỳ vú nuôi tôi. Cũng chính vì hai chuyện này mà mẹ tôi đã bó buộc phải thay vú bằng một chị nuôi trẻ hơn và hiền lành hơn để chăm nom tôi cho đến năm tôi lên sáu. Lẽ ra thì ở trong nhà cũng không ai biết rằng thỉnh thoảng vú vẫn đưa tôi đến tiệm hút của con vú. Chỉ vì một hôm đã xảy ra một câu chuyện ở đây, và sau đó đã đến tai thầy mẹ tôi.
Hôm đó, cũng như mọi lần, sau bữa ăn trưa, vú dẫn tôi đến chơi nhà con của vú ở ngõ Yên Thái. Nhà này tầng dưới là một hàng nước chè tươi bình thường dành cho những người lao động, nhưng tầng trên gác lại là một tiệm hút do người con vú quản lĩnh.
Thời đó là cái thời mà ở Hà Nội nhan nhản những tiệm hút thuốc phiện, bên ngoài treo cái biển "Fumerie d'opium", và những tiệm bán thuốc phiện với cái biển đề chữ "RO" (Régie d'opium).
Chúng tôi đi vào một cái sân nhỏ, rồi lấy cầu thang ngoài trời leo lên gác. Trong căn phòng tối om, các cửa sổ nhìn ra đường bao giờ cũng đóng kín, mấy dân nghiện "vai so, cổ rụt" nằm co ro trên những chiếc phản gỗ, hai người một bàn đèn, thay phiên tiêm cho nhau những điếu thuốc cháy xèo xèo trên miệng tẩu.
Thấy vú đưa tôi đến, họ bỗng nhiên như vui hẳn lên vì có người để tán chuyện gẫu. Tôi nhỏ tuổi, nên hay bị chòng ghẹo, làm trò đùa cho họ. Có một lúc, thấy tôi cứ táy máy sờ mó vào hết thứ này, thứ nọ, một tay đương nằm hút bỗng nhỏm dậy bảo tôi : "Này đừng có mó máy vào đấy mà anh Đ. anh ấy đánh cho chết đấy!". Anh Đ. là con của vú già. Tôi bảo tôi không sợ. Thế là một tay khác hỏi kháy tôi : "À thế đằng ấy không sợ anh Đ. thật hả ?". Tôi vẫn một mực lắc đầu, đáp không.
Chắc hẳn lúc đó tôi nghĩ rằng : anh Đ. chẳng khi nào dám đụng đến tôi, vì anh Đ. là con của vú, mà vú là vú của tôi. Ở vào cái tuổi ấy, lại là con nhà giàu được nuông chiều, có khi tôi đã có cái ý nghĩ là mình có quyền làm bất cứ một cái gì, và không ai dám nói, dám mắng hết. Thế là tay đó chỉ ngay vào chiếc hộp bằng đồng tròn, dẹp, để ở trên bàn, và thách tôi : "Này có giỏi thì đái vào cái hộp ấy một cái xem nào !".
Cả mấy tay đang hút thuốc phiện đều cười rộ lên. Tôi biết hộp đó là hộp thuốc phiện, vì đã nhiều lần nhìn thấy nó ở bên cạnh những khay đèn. Tôi mở nắp hộp ra, bên trong còn đến lưng hộp đầy thuốc phiện màu đen nhánh, rồi chẳng nói chẳng rằng, thản nhiên vạch quần đái vào trong.
Thế là tên Đ., con của vú già, như một con thú dữ, nhảy chồm ra khỏi giường, vớ lấy cái xe điếu đét vào đít cho tôi đến hàng chục roi. Tôi đau quá, đái vãi cả ra sàn, vừa khóc toáng lên, vừa doạ về mách bố mẹ. Vú già vội ngăn con không cho đánh tôi nữa, rồi ôm tôi đi ra khỏi "nhà" của tên con, vừa đi vú vừa dỗ dành.
Về đến nhà, chưa chi cả nhà đã biết chuyện, vì giấu cũng chẳng được. Tôi lại còn khoe cái kỳ công của mình nữa, làm cho các anh các chị và bọn cháu tôi cười rũ. Còn thầy mẹ tôi, sau khi biết chuyện, giận vú già lắm, cho gọi vú lên, cấm từ ngày đó không được đem tôi đi theo lại đằng chỗ con vú nữa.
Ngõ Yên Thái ngày ấy còn là nơi có những nhà chứa, mà người dân Hà Nội gọi là "nhà thổ", cho nên nói đến cái tên ngõ này, là người ta hay nghĩ đến những hình ảnh xấu xa kia. Đáng lý ra, vào cái tuổi tôi lúc đó, không nên đi qua đây là phải ! Nhưng trên thực tế, mới bốn, năm tuổi đầu, tôi đã từng hé miệng hít thử khói thuốc phiện, và đã từng nhìn thấy cảnh khổ cực của những cô gái điếm !
Ngõ Yên Thái một đầu ăn thông với chợ Hàng Da, một đầu đâm ra phố Hàng Mành. Những ngày trời mưa, ngõ này lầy lội, bẩn thỉu vào hạng nhất ở Hà Nội. Vậy mà thày giáo Thu, thày giáo lớp "élémentaire" của tôi sau này ở trường Bùi Xuân Phái, trọ ở đây. Mẹ tôi và tôi đã phải đến đây để mừng Tết thầy một lần. Thầy ở trên một căn gác trọ nhỏ xíu, ngay trên những căn buồng của các cô gái điếm. Sau này, lớn lên, tôi không bao giờ có dịp đi ngang qua đây nữa.


Ngày ấy, cứ mỗi lần ở "nhà" con trai đi ra, vú lại cho tôi đi về phía phố Hàng Mành. Vì thế cho nên phố này cũng là một trong những phố mà tôi được biết rất sớm, ngay từ hồi lên bốn, lên năm. PhoHangBo Nhưng phải chờ vài ba năm nữa, khi bọn trẻ hàng phố chúng tôi bắt đầu biết rủ nhau đi chơi "khắp hang cùng ngõ hẻm", lúc bấy giờ tôi mới có được một "cái nhìn chung", và mới "hiểu" được ít nhiều về những sinh hoạt của từng phố, từng nhà.
Phố Hàng Mành rất ngắn, chỉ có độ dăm cửa hiệu thôi, nhưng trên vỉa hè lúc nào cũng đầy những chiếc mành mành mà người ta đang sơn, đang vẽ, hoặc đang phơi phóng. Mỗi lần đi qua đây, là chúng tôi lại phải bịt mũi nín thở, vì cái mùi thum thủm rất khó ngửi của nứa ngâm mang từ ngoài bến về.
Cùng một dọc với phố Hàng Mành là phố Hàng Hòm, chuyên làm hòm gỗ tạp, chất lượng rất kém so với "hòm thơm" và "hòm da" ở phố tôi. Sau này, ganh đua với phố Hàng Bát Đàn, ở đây người ta cũng làm cả đồ da nữa. Ở phố Hàng Hòm ngày đó vẫn còn vài nhà làm đồ khảm và sơn mài, chủ yếu là làm khay, tráp, bình phong, v.v...
Ở giữa Hàng Hòm và Hàng Mành, ngay cạnh ngõ Yên thái, có một cửa hàng duy nhất ở Hà Nội làm những đầu sư tử khổng lồ dành cho những đội múa sư tử chuyên nghiệp vào dịp Rằm tháng tám. Những đầu sư tử này không thể nào tìm thấy được ở phố Hàng Gai. Đó là những tác phẩm nghệ thuật, mà lẽ ra phải được đưa vào những viện bảo tàng để lưu lại cho hậu thế ! Những nghệ nhân làm ra những đầu sư tử này, ngoài tay nghề khéo léo, còn có một khiếu thẩm mỹ thật vững vàng. Sự thật, đây là cả một truyền thống có từ lâu đời. Mỗi Tết Trung thu, ở đây khác với ở Hàng Gai, người ta chỉ làm có vài ba đầu sư tử thôi, theo sự đặt mua trước của vài ba khách hàng hiếm hoi.
Điểm đặc biệt nhất của những chiếc đầu sư tử này, là khung của chúng được làm toàn bằng song, đường kính trung bình của mỗi chiếc cũng phải từ 1,50m đến 2m. Giấy bồi cũng được chọn lọc, chứ không phải giấy báo thường. Mỗi đầu sư tử được làm theo một kiểu riêng, mỗi chiếc một khác, và mỗi năm một khác, chứ không phải làm hàng loạt, theo cùng một khuôn mẫu, năm này qua năm khác, như ở phố Hàng Gai. Nhưng lạ nhất là cách trang trí bằng những màu sắc và chất liệu rất dân gian, với cả những miếng gương lóng lánh làm tăng thêm vẻ huyền bí, dữ dội.
Kể cũng lạ, là ngày ấy, mặc dầu tuổi còn non nớt và nhất là chưa được ai chỉ dạy cho, mà chúng tôi đã biết yêu thích những chiếc đầu sư tử này, và đã biết chê bai những chiếc đầu sư tử bán ở phố Hàng Gai. Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu rằng chính những chiếc đầu sư tử ở phố Hàng Mành mới là là những sản phẩm nghệ thuật dân gian đích thực, mặc dầu hiếm hoi.
Vào khoảng những năm 43-44, khi tôi lên chín, lên mười, hàng năm vào dịp Tết Trung thu, đi ngang qua đây, tôi không còn thấy cái cảnh người ta ngồi đan đầu sư tử ở ngoài vỉa hè nữa. Bùi ngùi, nhìn vào tít trong nhà, tôi chỉ còn thấy một hai chiếc đầu sư tử cũ đã bám bụi treo ở trên tường.
Đấy cũng là những chiếc đầu sư tử khổng lồ cuối cùng đánh dấu một thời đã qua, và chấm hết cái thời thơ ấu của bầy trẻ chúng tôi, mà một số đã dấn thân đi theo tiếng gọi của cách mạng.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss