Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Những năm tháng không thể nào quên

Hồi ức tuổi thơ: Những năm tháng không thể nào quên

- Văn Ngọc — published 11/12/2010 11:23, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:15
Hà Nội như vừa lột xác, bỏ lại đằng sau bộ mặt u sầu của một thời nô lệ, để khoác lên mình một màu áo mới.

- Chương 04 -

Những năm tháng không thể nào quên


Văn Ngọc


Tôi có những kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức, âm thầm dìu dắt ta đi trên những chặng đường đời. Đôi khi, chúng là cái lẽ sống của ta trong suốt cả một cuộc đời.
Tôi vẫn từng tâm niệm, một ngày nào đó sẽ ghi lại những kỷ niệm về Cách mạng tháng Tám, dù chỉ qua trí nhớ và tâm hồn của một đứa trẻ thơ, có một tầm nhìn giới hạn, bởi một lẽ đơn giản là những ngày tươi đẹp nhất của thời niên thiếu của tôi chính là những ngày tháng ấy.
Cách mạng tháng Tám, đối với cả một thế hệ thanh thiếu niên chúng tôi, là một giai đoạn dấn thân sôi nổi và hào phóng, một giai đoạn đầy những khát vọng và tin tưởng vào tương lai.
Đó là những năm tháng không thể nào quên được.



Tin Nhật đầu hàng Đồng Minh từ ngày 15-8-1945, đến sáng ngày 17-8 báo chí ở Hà nội mới đăng và dân chúng Hà thành mới được biết. Vài ngày nữa phái bộ Đồng Minh sẽ đến Hà Nội và quân Đồng Minh sẽ vào Đông Dương để tước khí giới của Nhật.
Trước những biến chuyển phức tạp của tình hình, chính phủ Trần Trọng Kim đã cho triệu tập một cuộc mít tinh vào chiều ngày 17-8 tại quảng trường Nhà hát lớn, với danh nghĩa là một cuộc tập hợp quần chúng để ủng hộ nền độc lập vừa mới giành được, thực chất là để gây uy tín cho mình. Chính phủ này, cho đến nay vẫn bất lực trước nhiều vấn đề cấp bách đặt ra lúc ấy, trước hết là vấn đề giải quyết nạn đói, rồi còn nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, nghiêm trọng khác nữa. Trên thực tế, mọi việc vẫn là do Nhật quyết định cả. Cuộc mít tinh chiều hôm 17-8 sẽ do "Tổng hội viên chức", một tổ chức cũng vừa mới được thành lập, đứng ra triệu tập.
Trong những ngày này, Việt Minh hoạt động công khai ráo riết ở khắp nội ngoại thành. Nhiều cuộc diễn thuyết táo bạo đã nổ ra ở khắp mọi nơi, trong các rạp hát, tại Hội quán Trí Tri, v.v. Trên thực tế, Việt Minh đang chuẩn bị để chờ dịp tổng khởi nghĩa.
Vào dạo này, các cụ ở phố tôi hay thích ngâm nga những câu "sấm", và thường hay nhắc đi nhắc lại câu: "Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống". Nhưng biết thế nào, và biết cái gì, thì không cụ nào giải thích được cho con cháu cả. Sau này nghĩ lại, tôi thấy câu nói của các cụ ngày ấy rất đúng, nhưng người "biết" lúc ấy hoạ chăng chỉ có Việt Minh !
Dân chúng Hà Nội, mặc dầu thiếu thông tin, nhưng không còn u mê như ngày trước nữa. Người ta truyền miệng cho nhau từ phố này sang phố khác những tin tức, những mẩu chuyện đôi khi cũng chính xác, thành thử bảo rằng người Hà Nội ngày ấy không "biết" thì cũng không đúng hẳn.
Cho nên, chiều ngày 17-8, người ta đã kéo nhau đi dự mít tinh rất đông. Cũng có người vì bó buộc mà phải đi. Như hai ông anh rể tôi, nguyên là tham biện, trưa hôm ấy cũng trịnh trọng đóng bộ, xách ô, ra Nhà hát lớn. Đây là cả một sự kiện mới lạ đối với bọn trẻ chúng tôi ở trong nhà ! Các chị lớn tôi lấy làm hoan hỉ lắm, vì chẳng mấy khi các đức ông chồng dám rời khỏi nhà, khỏi sở, để đi đâu nửa bước. Hai ông anh rể tôi đúng là những viên chức mẫu mực, hiện thân của sự "an phận thủ thường" trong cái xã hội cũ.
Riêng bọn trẻ chúng tôi, được các anh lớn ở trong phố cho biết từ tối hôm trước, tôi và Lợi, hai chú cháu, trưa hôm ấy cũng rủ nhau đi xem. Nghe các anh lớn nói, thể nào Việt Minh cũng sẽ ra mặt công khai vào dịp này.
Ngày ấy, không hiểu sao, chúng tôi hay thích đi xem những cuộc hội hè của người lớn. Từ những ngày hội của học sinh các trường trung học, như: trường Bưởi, trường Lycée Albert Sarrault, trường Đồng Khánh, trường Thăng Long, trường Văn Lang, v.v. cho đến ngày hội của sinh viên tổ chức ở dưới Đông Dương học xá, gần như chỗ nào cũng có mặt chúng tôi, và ở Hà Nội có chuyện gì là chúng tôi đều biết hết.
Thực ra, ngày ấy, nếu phong trào thanh thiếu niên ở phố tôi không mạnh, thì bọn trẻ chúng tôi chắc cũng chỉ biết chơi đùa lêu lổng và cũng không học hỏi được gì nhiều. Các anh lớn ở trong phố có người đã "tham gia bí mật" ngay từ những năm 42-43. Phần lớn các anh các chị khác đều đã tham gia các phong trào "Truyền bá quốc ngữ", thể dục thể thao, tập đàn tập hát, rồi khi xảy ra nạn đói năm Ất Dậu, nhiều người đã đứng ra phụ trách Đoàn Khất thực.


Ngày 17-8-1945

Quảng trường Nhà hát lớn chưa bao giờ lại đông như chiều hôm ấy. Chúng tôi len lỏi một lúc, cuối cùng tìm được một chỗ đứng khá tốt dưới hàng cây có bóng mát, chỗ góc đường Lý Thái Tổ bây NhaHatLongiờ, ở phía bên trái Nhà hát lớn. Ở đây, tình cờ có một chiếc xe bò, không biết của ai, đặt ở trên hè. Chúng tôi trèo ngay lên càng xe đứng xem. Từ chỗ này, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ tất cả những gì xảy ra ở phía lễ đài và trên quảng trường.
Lợi và tôi ngày ấy còn nhỏ lắm. Lợi mới lên 9, tôi vừa được 11 tuổi. Hai chú cháu đi đâu cũng có nhau, đeo nhau như hình với bóng. Lợi sau này làm lớn. Ngày tôi về thăm gia đình sau thống nhất, nhớ lại tình chú cháu ngày xưa, tôi có kể lại cho Lợi nghe những chuyện cũ, nhưng Lợi không còn nhớ được gì hết ! Kể cũng lạ. Tôi thì ngược lại, những hình ảnh đó như đã in sâu vào trí óc, không thể nào quên được.
Cuộc mít tinh vừa mới bắt đầu chưa được bao lâu, bỗng nhiên có tiếng xôn xao, cờ Việt Minh đã xuất hiện ở phía lễ đài, rồi ở nhiều chỗ khác. Chỉ trong giây lát, quang cảnh trên quảng trường thay đổi hẳn. Cuộc mít tinh mới hồi nãy tẻ nhạt bao nhiêu, thì bây giờ tưng bừng, sôi nổi bấy nhiêu. Những nắm tay giơ lên trong muôn ngàn tiếng hoan hô vang dội. Từ trên tầng gác cao của Nhà hát lớn, một lá cờ đỏ sao vàng to được thả xuống trong tiếng reo mừng của dân chúng. Trăm nghìn con mắt đổ dồn vào lá cờ bấy lâu nay vẫn từng ẩn hiện đây đó. Trên nét mặt mọi người lúc này, nỗi sung sướng, hân hoan, thật không sao tả xiết!
Người tôi run lên vì xúc động, nước mắt tự nhiên cứ trào ra. Một cụ già, khăn đóng áo the, tay cầm chiếc ô trắng, trông như một công chức đã về hưu, đứng ở ngay bên cạnh chúng tôi, mắt cụ cũng đỏ hoe. Cụ nhìn chúng tôi, rồi nói như phân vua với những người xung quanh: "Đấy, đến cả đứa trẻ con nó cũng biết mừng như thế cơ mà !". Phải rồi, 80 năm nô lệ, suốt đời tủi nhục, bây giờ cụ mới nhìn thấy loé ra một tia sáng, bảo làm sao mà cụ không thấy sung sướng, hả hê được!
Tôi chợt nghĩ đến hai ông anh rể hiện giờ cũng đang có mặt ở đâu đây. Không hiểu giờ phút này phản ứng của các ông ra sao ? Sau này, tôi biết là hai ông đều có đôi chút cảm tình với chế độ mới. Nhưng các ông cũng chỉ thuộc hạng người đứng xa vỗ tay mà thôi. Nếp sống cũ dường như làm cho con người ta già trước tuổi. Thế mà kỳ lạ thay, chỉ một năm sau, vào những ngày Kỷ niệm Một năm Cách mạng tháng Tám, tôi đã bắt gặp những nét tươi vui, thậm chí những nụ cười hân hoan, trên khuôn mặt trước kia vẫn buồn tẻ và đầy nét lo âu của hai ông anh rể!
Biển người bỗng nhiên chuyển động. cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành, đổ xuống phố Tràng Tiền, rồi ra bờ hồ. Từ mé bên này quảng trường, chúng tôi lấy ngả tắt, băng qua vườn hoa Chí Linh, rồi nhập vào đoạn đầu của đoàn biểu tình ở ngay trước Toà thị chính. Mặc dầu trời đã bắt đầu mưa, nhưng ai nấy đều giữ nguyên hàng ngũ, vừa đi, vừa hô những khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh !", "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Đả đảo chính phủ bù nhìn !", v.v. Đoàn biểu tình đi qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang, để lên Phủ Toàn quyền. Lợi và tôi, hai chú cháu bảo nhau rẽ về phố nhà, phần vì sợ về muộn nhà mắng, phần vì nóng lòng muốn về kể lại cho ở nhà nghe những gì mình vừa được mục kích.


Ngày 19-8-1945

Hai hôm sau, Hà Nội tổng khởi nghĩa. Không như ngày 17-8, lần này mọi người đều đã được chuẩn bị tinh thần từ trước. Không những sinh viên, học sinh, mà ngay cả thợ thuyền và những người làm công trong mỗi nhà đều nghỉ việc hôm ấy để đi biểu tình.
Kỷ niệm còn đậm nét trong ký ức tôi về cuộc mít tinh khổng lồ ngày 19-8-1946, cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, không phải chỉ là cái không khí tưng bừng của một ngày hội lịch sử, đất nước vùng đứng lên phá tan xiềng xích của 80 năm nô lệ, cũng không phải chỉ là hình ảnh biển người và rừng cờ rực đỏ, tưng bừng trong ánh sáng ban mai, mà còn là cái tình người rạt rào, là những ánh mắt đầy tin tưởng, những bài hát tuyệt vời, mà lần đầu tiên chúng tôi được nghe thấy từ chiếc loa phóng thanh phát ra từ trên tầng cao của Nhà hát lớn, đặc biệt là bài Tiến Quân Ca của Văn Cao, và nhất là bài Diệt Phát Xít của Nguyễn Đình Thi.
Đối với chúng tôi lúc đó, bài hát này là cả một sự kiện mới mẻ, cả về nhạc lẫn lời. Nhịp điệu cũng như lời ca có một sức lôi cuốn mãnh liệt. Có một cái gì đó vừa thiết tha, vừa lãng mạn. Bài hát đã làm cho nhiều người rơi nước mắt.
Cũng như chúng tôi đã không khỏi xúc động khi lắng nghe tiếng người cán bộ Việt Minh nói trên diễn đài rót xuống từng chữ từ chiếc loa phóng thanh. Vài ngày sau, tôi không còn nhớ rõ ngày nào, và nhân dịp nào, cũng ở đây, những bài diễn văn của các ông Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, càng làm cho chúng tôi thêm phấn khởi và tin tưởng.
Đó là những bài diễn văn cách mạng đầu tiên mà chúng tôi được nghe thấy. Chưa bao giờ tôi thấy tiếng Việt mình lại đẹp và có sức quyến rũ đến như thế !


Những ngày mùa thu 1945

Hà Nội như vừa lột xác, bỏ lại đằng sau bộ mặt u sầu của một thời nô lệ, để khoác lên mình một màu áo mới. Hà Nội tái sinh, dạt dào sức sống, và một niềm hy vọng chứa chan tràn ngập trong lòng mỗi người.Chính quyền cách mạng vừa mới lên đã phải lo giải quyết trăm công, nghìn việc: nào đối nội, đối ngoại, nào chống nạn đói, nạn lụt, nạn mù chữ, xây dựng lực lượng quốc phòng, chăm lo đời sống văn hoá, giáo dục cho dân, v.v. Vậy mà cuộc sống của bọn thanh thiếu niên thành thị chúng tôi ngày ấy dường như phong phú hơn nhiều so với trước và không lúc nào bị ngưng trệ, mặc dầu tất cả những nỗi khó khăn và những mối đe doạ ở xung quanh. Hình như lúc ấy, mọi người đều cảm thấy có một cái gì thôi thúc mình đi lên phía trước, nắm lấy thời cơ để tự mình xây dựng lấy tương lai của mình. Mà quả thật, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy rằng ngày đó chúng tôi đã sống một cách thật khẩn trương và hào phóng. Chỉ trong vòng một năm sau ngày Cách mạng thành công, riêng bọn trẻ chúng tôi đã tiến được những bước rất xa và đã làm được những việc mà lẽ ra phải hàng nhiều năm mới thực hiện nổi.
Ngay sau ngày 19 tháng 8, ở các khu phố, nhiều đội "nhi đồng" đã được thành lập cùng một lúc với các đội "thanh niên tự vệ thành" gồm các anh lớn từ 16, 17 tuổi trở lên. Lúc đầu, tổ chức nhi đồng được gọi là "Nhi đồng cứu vong", cái tên nghe lạ lẫm, và không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm, lại không thích hợp với các lứa tuổi, cho nên chỉ ít ngày sau được đổi thành "Thiếu nhi", bao gồm cả thiếu niên và nhi đồng. Ngoài ra, ở một mức độ cao hơn và không thuộc phạm vi khu phố nữa, còn có những tổ chức khác như : " Thiếu niên tiền phong ", " Thiếu sinh quân ", " Thanh niên tiền phong ", " Tự vệ chiến đấu ", là những tổ chức quần chúng đã "thoát ly", hoặc nửa thoát ly.PhoTrangTien
Phố tôi, phố Hàng Bát Đàn, chiếm một vị trí khá đặc biệt trong cả cái khu phố buôn bán xưa nhất của Hà Nội, gồm các phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Bát đàn, Hàng Bát sứ, Hàng Phèn, Hàng Bút, Hàng Bồ, Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Da, Hàng Mành, Hàng Hòm, v.v.
Một số điều kiện khách quan đã khiến cho phố tôi trở thành một thứ "tiền đồn" của cả khu Đông Thành, đối mặt với thành Cửa Đông của quân đội Pháp, chịu sức ép trực tiếp của những cuộc khiêu khích và khủng bố của lính Pháp trước ngày khởi hấn. Sau này, cả khối phố Hàng Bát Đàn, Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Điếu, sẽ là một trong những điểm nóng của Liên khu I, và bị Pháp đánh phá dữ dội.
Mặt khác, phố tôi cũng đồng thời là cái đầu tầu về các mặt sinh hoạt của thanh thiếu niên khu phố trong những năm trước và sau Cách mạng. Lực lượng thanh niên và thiếu nhi ở phố tôi lúc đó hùng hậu lắm. Thanh niên tự vệ cũng được khoảng một trung đội. Ngoài ra, còn một vài anh tuy đã ở trong bộ đội "Vệ quốc đoàn" rồi, nhưng vẫn thường hay về phố nhà để huấn luyện và làm cố vấn cho anh em tự vệ. Đội thiếu nhi chúng tôi đông hơn, được gần 50 em, chia làm 4 tiểu đội, 3 nam, 1 nữ.
Phong trào thiếu nhi ra đời cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt của Hà Nội. Bắt đầu là trào lưu đánh "trống ếch" và mặc đồng phục, con trai mặc quần soóc xanh, sơ-mi trắng, con gái mặc váy xanh, hoặc quần xa-tanh đen thắt túm ở chỗ cổ chân, đầu đội mũ ca-lô nâu, cổ quàng khăn đỏ.
Mỗi tối, phố tôi thường vang lên tiếng tập "đi bước đều" theo lối nhà binh của đội thiếu nhi. Tôi phụ trách một tiểu đội, nên luôn luôn phải gào thét, khản cả cổ. Một hôm, chị Thiều đứng xem chúng tôi tập đi bước đều qua cửa hàng nhà chị, bất chợt chị nhìn tôi tủm tỉm cười, rồi nói một câu nửa khen, nửa trách : "Gớm, người thì nhỏ, mà sao tiếng thì to thế !". Chị Thiều có cặp mắt đen láy, tinh nghịch, và một nụ cười với chiếc răng khểnh, rất có duyên. Sau này tản cư, tôi còn được gặp lại chị một đôi lần ở chợ huyện Lý Nhân, rồi sau không bao giờ được gặp lại nữa. Bao nhiêu năm đã qua rồi, nhưng câu nói của chị vẫn như văng vẳng ở bên tai tôi, nhắc nhở tôi cái thực tế của những ngày ấy. Phải rồi, ngày ấy quả là chúng tôi còn nhỏ lắm. Nếu không có Cách mạng tháng Tám, thì chưa chắc tiếng nói và tiếng hát của chúng tôi đã cất cao lên được như thế !
Ngày ấy, nhi đồng chúng tôi đi đâu là có các chị đi theo để giúp đỡ. Những sinh hoạt của chúng tôi thường làm bận rộn cho cả phố. Các chị là những người vất vả nhất, nhưng lại là những người vui vẻ và đáng yêu nhất. Hình ảnh của các chị, sau bao nhiêu năm rồi vẫn không hề phai nhạt trong trí óc tôi, dường như đã quyện chặt lấy tâm hồn tôi. Nhiều khi tôi bắt gặp đây đó, phảng phất một nụ cười, một ánh mắt, mà tưởng chừng như thấy lại được một cái gì của những ngày ấy.

Cách mạng lên chưa được bao lâu, thì phố tôi được lệnh treo cờ đồng minh. Bộ mặt phố hôm trước hôm sau thay đổi hẳn, không khí lại càng tăng thêm vẻ khẩn trương. Năm lá cờ đồng minh : Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tàu (Tưởng Giới Thạch), mỗi cái to ít nhất bằng hai ba cái chiếu đại, được giăng ngang qua đường theo chiều cao, ở ngay khoảng giữa phố. Ở khu Đông Thành chỉ có phố tôi là treo cờ. Tối đến, ánh đèn đường rọi vào những lá cờ đầy màu sắc in bóng xuống đường phố, lúc đầu trông cũng rất "ấn tượng", sau dần dần quen đi, chẳng ai để ý đến những lá cờ ấy nữa.
Ngày ấy, không mấy ai tin tưởng gì vào quân đồng minh, bằng cớ là ở miền Nam quân đội Anh-Ấn đã cho quân Pháp theo vào để gây hấn trở lại. Ở miền Bắc, quân Tàu Tưởng vào tước khí giới của Nhật, nhưng đã lợi dụng cơ hội, ăn chia với Pháp qua một cuộc đổi chác có ký kết bằng hiệp ước hẳn hoi ở Trùng Khánh, cho phép quân đội Pháp ở lại miền Bắc, cụ thể là chúng lại được đóng quân tại Hà Nội và một vài tỉnh khác.
Ở Hà Nội, chúng lại tái nhập thành Cửa Đông ngay từ tháng 3-1946, và sau khi quân Nhật và quân Tàu Tưởng rút đi hết rồi, chúng lại có mặt hàng ngày trên đường phố Hà Nội. Bọn lính mũ đỏ, mà đại bộ phận là lính lê dương, là bọn dữ tợn nhất, hay đi từng đám ra phố khiêu khích.
Mặc dầu có Uỷ ban Liên kiểm Việt-Pháp, song mối đe doạ chiến tranh trở nên thường trực. Tôi không còn nhớ đến tháng nào năm 46 thì quân Nhật rút đi hết, chỉ nhớ là bọn Tàu Tưởng của Lư Hán thì mãi đến tháng 6-1946 mới rời đi hết khỏi Hà Nội.
Vào thời gian ấy, bọn lính Tàu Tưởng bán tháo cho các anh tự vệ phố tôi không biết bao nhiêu là thứ súng đạn, từ khẩu Pặc-khoọc cho đến khẩu Browning nhỏ xíu.


Hàng ngày đi học ở trường phố Hàm Long lúc đó, tôi hay gặp những anh chị tự vệ chiến đấu, mặc toàn đồ đen, quần chùng túm gấu, dáng điệu cương quyết, đi lại trụ sở nằm ở ngay cùng phố. Đây là những thanh niên đã "thoát ly", tình nguyện "vô Nam" chiến đấu. Hồi đó, chúng tôi nhìn các anh, các chị với một thái độ khâm phục, nhưng trong sự khâm phục đó dường như còn thiếu một cái gì, như một tình cảm sâu đậm hơn. Ngày đó, chúng tôi mới chỉ biết nhìn cái bề ngoài của sự vật. Đó là cái nhìn của tuổi thơ, cái nhìn của cảm tính, đôi khi rất nhạy, rất tinh, nhưng đôi khi cũng còn nông cạn.
Sống ở ngay giữa thủ đô là nơi có nhiều tin tức đi về, thế mà ngày ấy, có lẽ còn nhỏ tuổi quá chăng, nên chúng tôi chỉ được nghe nói đến "Nam bộ kháng chiến”, đến phong trào "Nam tiến", như một sự kiện diễn ra ở bên lề của cuộc sống trước mắt, và ở một nơi nào xa xôi của tổ quốc.
Trong cái không khí căng thẳng, nghiêm trọng lúc ấy, dường như ai ra đi, vẫn thầm lặng ra đi, ai ở lại vẫn người nào làm phận sự người nấy.
Chúng tôi vẫn ngày ngày đi học, nhưng cuối tuần và ngày nghỉ là tập hát, tập kịch. Lúc ấy, chúng tôi hay hát những bài hát "thời sự", như : Tiếng súng Nam bộ, Em Việt miền Nam, v.v., ca ngợi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của đồng bào miền Nam, đồng thời tập những vở kịch lịch sử như : Trần Nguyên Hãn, Hội nghị Diên hồng, Nguyễn Trãi-Phi Khanh, v.v.
Các anh lớn trong phố, ngoài công việc làm ăn, học hành ra, hàng ngày vẫn phải luyện tập thể dục và quân sự một cách ráo riết. Tuổi trẻ Hà Nội đang sống những giờ phút khẩn trương.
Trên thực tế, nhân dân cả nước ta lúc ấy đang phải lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt, một mặt bảo vệ và củng cố những thành quả vừa mới đạt được, mặt khác đề phòng một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn đang đe doạ từ nhiều phía.
Có một dạo, nghe nói có sự "hợp tác" giữa Việt Nam và Mỹ, rồi bỗng nhiên có một cái mốt thân Mỹ, có hội "Việt-Mỹ thân thiện" ra đời, và trên đài phát thanh có "Ban nhạc Việt-Mỹ" hay chơi đàn ghi-ta Hạ-uy-di, đàn u-ku-lê-lê, và cả những nhạc cụ mới như chiếc "xi" (scie). Những nhạc cụ này rất lạ đối với chúng tôi, cái thì nghe như tiếng người nỉ non, cái thì nghe như tiếng gió, kể ra cũng khá hợp với cái gu của người Á đông. Một số nhạc sĩ Việt Nam lúc ấy đã chịu ảnh hưởng khá nhiều của tiếng đàn Hạ-uy-di trong những sáng tác của mình; nhiều thanh niên cũng đổ xô nhau học thứ đàn này. Lúc đội nhi đồng ở phố tôi mới thành lập, ngân quỹ chưa có, mà chúng tôi biết là phải xắm ngay một bộ trống ếch thì mới "nổi đình, nổi đám" được, bèn quyết định tập một vở kịch hát, rồi tổ chức một tối hát quyên tiền ở trụ sở phố. Trụ sở phố nguyên là một ngôi đình cổ, đã được quét dọn sạch sẽ để làm chỗ tụ họp cho thanh thiếu niên, từ ngay sau ngày 19-8.
Vở kịch đầu tiên chúng tôi đóng là vở "Nguyễn Trãi - Phi Khanh", trong đó H. đóng vai Nguyễn Trãi, tôi đóng vai Phi Khanh (ngày ấy tôi luôn luôn phải đóng vai phụ nữ và ông già, không hiểu sao !). Trong vở kịch chúng tôi phải hát một loạt bài hát của Đỗ Nhuận, như Chiều tù, Côn Đảo, Sơn La, v.v. để diễn tả bước tù đày của Phi Khanh ! Thế mà ở dưới phòng cũng có khối người cảm động đến rơi nước mắt. Chỉ một tối, chúng tôi thu được 900 đồng, vừa đúng số tiền để mua bộ trống.
Vài ngày sau, chúng tôi được một anh trong ban nhạc của Vệ quốc đoàn đến phố dạy cho biết hết kỹ thuật đánh trống. Ít lâu sau, đội trống của chúng tôi chỉ còn thua có mỗi đội trống của nhi đồng phố Mai Hắc Đế, là đội trống nổi tiếng nhất thủ đô lúc ấy !
Một dạo, chúng tôi phải tập gấp rút vở kịch thơ “Trần Nguyên Hãn" để đi dự thi. Cuộc thi diễn ra ở Nhà hát lớn, có đông công chúng đến xem. Chúng tôi được điểm cao nhất: 19/20. Nhưng chẳng may, vài hôm sau, được tin là vở kịch bị kiểm duuyệt, không được phép diễn, vì nội dung chống xâm lược Trung Quốc, mà lúc đó nhà nước Việt Nam lại cần giữ quan hệ tốt với bọn Tàu Tưởng của Lư hán, đang tìm đủ mọi cớ để phá đám và làm khó dễ.
H. và tôi vào thời gian này say mê tập kịch thơ và tập hát. Học nhiều vở, nhiều bài cùng một lúc, mà sao chúng tôi vẫn nhớ được ! Vào những buổi trưa im ắng, trong khi người hàng phố nghỉ trưa, thì chúng tôi say sưa tập kịch trên chiếc phản nhỏ xíu ở nhà bà Hai Đăng, hoặc tập hát với cây đàn banjo của anh Ngọc ở ngay quầy hàng bán bát của bà (mà không bao giờ chúng tôi thấy bóng một người khách hàng nào lai vãng) !
Chỉ mấy tháng sau ngày Cách mạng thành công, chúng tôi đã tiến bộ rất xa trong lĩnh vực kịch thơ và hát. Tôi được gửi đi dự cuộc thi hát của thiếu nhi toàn thành được tổ chức ở giảng đường trường Đại học, và được đứng thứ ba với bài  "Em Việt miền Nam" của Đỗ nhuận. Bài hát này vừa mới được anh Đỗ Nhuận sáng tác xong, lúc đó còn đang ở dạng bản thảo, chưa được công bố, và chưa được ai hát bao giờ. Bài hát ra đời vào đúng  lúc Nam bộ kháng chiến, nên đối với mọi người cũng là một sự kiện mới lạ, có tính chất thời sự, lời ca lại nhẹ nhàng, tha thiết:

"Miền Nam nhà ta có trái cây dừa
Dưới bóng mát ta uống nước ngọt say sưa
Cò bay đồng quê lúa xanh không bờ
Ai vô Nam nào thấy hay chưa


Quanh co trên sông Cửu Long dâng nước chờ
Sóng nước bát ngát con thuyền nhấp nhô
Ai đi vô chài tung săn cá hồ
Ai yêu đô thành nhớ qua Cần Thơ


Người ưa rừng thưa nhớ qua Biên Hoà
Qua Lai Thiêu ăn trái chín sầu riêng
Người Nam lòng như sóng nước Biển hồ
Tim như reo lửa cháy thiêng liêng


Trông vô phương Nam mẹ tôi đang ngóng chờ
Em tôi phương Nam mong chị Bắc, Trung
Em ơi có thấu chị em đang ngóng chờ
Sống thác không lìa chị Bắc em Nam. "

             (Đỗ Nhuận, Em Việt miền Nam, 1946)


Ít ngày sau, tôi còn có dịp trình diễn bài này một lần nữa ở Nhà hát lớn.
Tôi còn nhớ mãi lúc anh Lưu Hữu Phước dắt tôi ra trước sân khấu để giới thiệu, trông tôi bé nhỏ, ngượng nghịu, chắc đã làm cho cử toạ buồn cười lắm, nhưng khi tôi hát xong thì mọi người vỗ tay ran !
Sau này, nghĩ lại, tôi thấy lời ca của bài hát tuy rất đẹp và cảm động, nhưng giai điệu hơi nghèo nàn, đơn điệu. Tôi vẫn cứ tự hỏi, mình được giải ngày ấy, có phải vì giọng hát, hay vì tính thời sự của bài hát ?
Một điều khác cũng đã làm cho tôi hơi thắc mắc.
Trong ban giám khảo cuộc thi hát ngày ấy, tôi chỉ nhớ có các nhạc sĩ : Lưu Hữu Phước, Hùng Lân..., còn thì không nhớ có những ai khác nữa.
Ngày ấy, tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi cũng đã "linh cảm" thấy được một vài điều không ổn. Chẳng hạn như bài "Trung thu chèo thuyền" của Hùng Lân, nhạc không có gì là đặc biệt, lời cũng rất gượng ép, cường điệu, và giọng hát của bạn thiếu nhi trình diễn bài này cũng không có gì là đặc sắc, vậy mà cũng được giải nhì. Phải chăng vì tác giả bài hát là một nhạc sĩ có tên tuổi, mà lại ở trong ban giám khảo nữa ?
Ngày ấy, chúng tôi không ai để ý đến những "chi tiết" này lắm, từ các anh chị lớn cho đến bọn nhỏ chúng tôi. Trước mắt, chúng tôi chỉ biết vui mừng và hãnh diện, vì đã giật được một giải thưởng mang về cho phố nhà, thế thôi. Quả là chúng tôi còn quá ngây thơ, cứ đinh ninh rằng Cách mạng đã thay đổi hết, tất cả mọi người đều hào phóng như nhau, không nghĩ gì đến cái lợi riêng tư nữa.
Thật ra, sau này nghĩ lại, tôi càng thấy rằng điều đó không thể có được, một khi con người và những giá trị văn hoá, đạo đức, chưa được cải tạo đến nơi đến chốn.
Khi tôi đi lĩnh giải thưởng, thì gặp anh Lưu Hữu Phước và anh Tống Ngọc Hạp. Anh Tống Ngọc Hạp tặng tôi một bài hát mà anh vừa sáng tác về Tết Trung Thu cho thiếu nhi. Bài hát khá hay và đã được bọn trẻchúng tôi rất ưa thích, nhịp điệu của bài hát uyển chuyển, nhẹ nhàng, giai điệu cũng khá độc đáo :

Này cô Hằng Nga thướt tha trên ngàn mây
Cô có buồn không xuống đây cùng chúng tôi
Đừng chê trần gian thiếu sao và thiếu mây, muốn gì có ngay.
Xuống mau đây không thì thôi !
Rung răng rung rẻ vui vẻ biết mấy
Trung thu muôn vẻ hiến trẻ Việt Nam..
."
         (Tống Ngọc Hạp, Trung thu Độc lập (?),1946)

Sau đó, anh Lưu Hữu Phước và anh Tống Ngọc Hạp đề nghị tôi lên hát ở Đài phát thanh, và hứa sẽ huấn luyện thêm cho tôi. Ít ngày sau, các anh cho người đến tận phố xin phép thày tôi, để cho tôi được đi dự lớp huấn luyện, nhưng nhà tôi vừa có một cái tang lớn: mẹ tôi vừa mất, nên "tình hình" không thuận lợi cho lắm. Thày tôi vốn rất cổ, cụ không thích hát xướng, và thường vẫn coi chuyện hát xướng là chuyện "xướng ca vô loài !"
Dù sao, thì cũng chỉ còn có ít ngày nữa là đã đánh nhau rồi. Tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào để mà tiếc rẻ cái cơ hội đang mở ra cho mình để đi theo con đường "chuyên nghiệp" mà tôi vẫn hằng mơ ước.
Ngày ấy, đến ngay cả cái tính mạng của mình, chúng tôi cũng còn coi nhẹ, huống hồ một cơ hội để tiến thân !


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us