Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Những nhớ thương ngày cũ

Hồi ức tuổi thơ: Những nhớ thương ngày cũ

- Văn Ngọc — published 12/02/2011 10:54, cập nhật lần cuối 27/02/2011 16:03
Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp...

- Chương 13 -

Những nhớ thương ngày cũ


Văn Ngọc


Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
(Quang Dũng, Không đề, 1970)

Vào những ngày trước Tết năm nay, một hôm tôi bỗng nhận được một bưu phẩm của anh Vũ gửi cho tôi. Mở ra xem, thì thấy đó là một xấp thư đã cũ nát, cùng với một số hình ảnh kỷ niệm. Những bức thư giấy đã úa vàng ở các góc cạnh, nhưng chữ viết vẫn còn rõ nét, mực vẫn còn tươi một màu xanh lá cây non. Tôi nhận ra đó là những lá thư của cô Loan gửi cho anh Vũ đã từ mấy chục năm nay, từ những ngày tháng xa xưa : 1948, 1949,…1977. Kèm trong xấp thư có mấy chữ của anh Vũ viết cho tôi như sau:
   N.,
   Anh gửi cho N. một chút kỷ niệm về Loan mà anh vẫn gìn giữ từ 50 năm nay.
   Anh chỉ tiếc khi về Sài Gòn năm ngoái, không được gặp lại Loan một lần cuối.
   Nhưng biết đâu như thế lại chẳng là một cái may, để cho anh giữ lại được những nhớ thương ngày cũ.
   Anh,
   Vũ
   T.B.: Thư nào Loan cũng hỏi thăm đến N. đấy. N. có còn nhớ những câu thơ này của Vũ Hoàng Chương không nhỉ ?
   Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
   Tình mười năm còn lại chút này thôi
   Lá thư xưa màu lục đã phai rồi…
      (Vũ Hoàng Chương, Lá thư ngày trước)

Câu chuyện về mối tình giữa anh Vũ và cô Loan, trong gia đình chúng tôi, không chỉ có một mình tôi biết, mà có tới ít nhất ba người biết tường tận, nhưng có lẽ mỗi người cũng chỉ biết một khía cạnh nào đó thôi, đó là: chị Thanh, người vẫn làm trung gian cho anh Vũ và cô Loan; Khang, một cô cháu họ bên ngoại, tình cờ lại là bạn thân của cô Loan; và tôi, là em của anh Vũ.
Cô Loan mới mất cách đây vài năm. Mãi gần đây, anh Vũ mới cho tôi biết. Hơn 50 năm không được nhìn thấy mặt nhau, bẵng đi gần 20 năm không được tin tức gì của nhau, năm 1998, khi anh bắt lại được liên lạc với cô Loan, thì lúc đó cô đã lâm bệnh nặng. Kịp đến khi anh về được đến Sài Gòn, thì cô Loan đã ra người thiên cổ.
Tôi không biết anh Vũ, người trong cuộc, đã có phản ứng ra sao, trước sự mất mát này ? Riêng tôi, cảm thấy một nỗi buồn tràn ngập tâm hồn, khi anh Vũ báo cho tôi biết cái tin ấy, mặc dầu tôi chỉ là một nhân chứng, một người ngoài cuộc. Bao nhiêu kỷ niệm về cô Loan, về anh Vũ, về cái thời còn trẻ ở quê nhà, bỗng nhiên lại như sống lại trong tôi.
Tôi bỗng nhớ lại nụ cười và khuôn mặt của người con gái ấy, với đôi má lúm đồng tiền, đôi môi khêu gợi, đôi mắt lá liễu lẳng lơ. Nhớ lại bóng dáng của cô trong cửa hàng của mẹ ở phố Hàng Đào, hay thấp thoáng trong vườn cây nhà cô Linh, em họ tôi, ở dưới ấp Thái Hà… Nhớ lại những buổi chiều ở làng Bông, trên đê Yên Lệnh (Hưng Yên), bên rặng nhãn um tùm trĩu quả, bốn người chúng tôi, anh Vũ, cô Loan, chị Thanh và tôi, ngồi bên nhau, nhìn trời cao lồng lộng trên đầu, và mơ hồ cảm thấy mình đang sống những giờ phút sung sướng nhất trên đời, vì được gần bên nhau…Ở vào cái tuổi thiếu niên mới lớn lên ngày ấy, tôi vẫn thường dễ bị rung động trước sắc đẹp của những người phụ nữ mà mình có cái may mắn được giáp mặt, hoặc được chiêm ngưỡng từ xa. Hà Nội thời nào hình như cũng có nhiều cô gái có nhan sắc, ở mọi lứa tuổi, mỗi phố đều có ít nhất một người đẹp. Bọn học sinh trường Chu Văn An chúng tôi, những giờ đi bát phố, đều kiểm kê hết : nào phố Hàng Đường có "bỉ" nào, Hàng Bạc có ai, trên Quan Thánh có ai, v.v. Cô Loan phố Hàng Đào là một trong những người đẹp ấy, nhưng lại không được bọn thiếu niên cỡ chúng tôi "xếp hạng" và để ý đến, có lẽ vì cô lớn hơn bọn chúng tôi vài tuổi chăng ? Riêng tôi, vẫn thầm hãnh diện, vì một trong những hoa khôi của Hà Nội ngày ấy lại là người yêu của anh tôi, và đương nhiên là tôi thầm cầu nguyện cho mối tình giữa hai người được tốt đẹp.

Anh Vũ và cô Loan gặp nhau lần đầu tiên ở chợ Bông (Khoái Châu, Hưng Yên), và yêu nhau từ dạo ấy. Đó là vào khoảng giữa năm 1947. Lúc bấy giờ, họ ngoại tôi tản cư về quê làng Bông, gia đình cô Loan cũng là người làng Bông, và cũng chạy về đây. Nhà cô có cửa hàng tơ lụa trên phố Hàng Đào. Tản cư về đây, cô giúp mẹ mang hàng ra chợ Bông bán. Anh Vũ tình cờ từ Dũng Kim (Lý nhân, Hà Nam) sang thăm họ hàng bên ngoại, ra chợ Bông gặp cô, thế là hai người mê nhau. Từ đấy trở đi, cứ thỉnh thoảng, hai ba tuần một lần, chàng lại xách ba-lô cuốc bộ sang Hưng Yên, nói là sang thăm bà ngoại, nhưng kỳ thực là để gặp nàng.
Làng Bông cách Dũng Kim chừng 30 km, phải qua hai lần đò, nên sang bên ấy cũng mất đến hơn nửa ngày đường. Nhưng khi người ta yêu, thì đâu còn ngại gì đường xa nữa ! Anh Vũ thèm được gặp cô Loan, thèm được nghe tiếng nói cười của nàng, thèm được nhìn thấy trong ánh mắt nàng cả một trời yêu đương. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc vì yêu và đã được yêu, một tình yêu trong trắng và hồn nhiên. Có một lần, hai người đi xe đạp chơi trên đê, gặp chỗ dốc hơi cao (dốc Lã), anh phải cầm tay kéo nàng lên đến mặt đê. Đây là lần đầu tiên anh hồi hộp được giữ tay nàng trong tay mình. Giây phút này anh không thể nào quên được. Xa xa có tiếng chim tu hú báo mùa nhãn chín. Mây lờ lững trôi trên nền trời xanh thẳm…
Anh Vũ, lúc đó mới 18 tuổi, nhưng thời đó các cậu trai Hà Nội 17, 18 tuổi đã dày dạn lắm rồi. Là tự vệ thành, anh đã ở lại chiến đấu cho đến trước Tết mới rút lui ra khỏi thủ đô. Sau khi được "giải ngũ" để về với gia đình, vì bố tôi đã già, anh về ngay quê nội ở Dũng Kim (Hà Nam). Thấy ở đây chẳng làm được việc gì có ích, mà tiền ăn thì sắp cạn, vì gia đình không lo liệu chạy trước, nên chẳng thể nào sống lâu dài ở đất quê này được, mặc dầu bố tôi vẫn còn một ít ruộng, thoạt tiên, anh xin phép bố tôi cho đi buôn nứa, lên tận Hoà Bình mua nứa của người Mường, rồi đưa cả bè nứa xuôi về dưới này bán lại cho các lái buôn ở ngoài sông Hồng. Nhưng đi buôn nứa, lời lãi không được là bao nhiêu, mà lại khá cực nhọc, rốt cục chuyện này cũng bỏ. Anh lại xin cho lên Đồng Quan, Vân Đình, Cống Thần, Chợ Đại, v.v. Bố tôi cũng muốn cho anh đi đây đi đó, cốt để thăm dò tin tức. Cụ chỉ muốn về lại thành phố, chứ ở mãi đây thì biết làm gì để sống. Ăn không ngồi rồi, khéo mà rồi chết đói cả lũ, cụ thường bảo thế. Bởi vậy mà những chuyến đi sang Hưng Yên của anh Vũ cũng là với mục đích thăm dò đường về ! Mà quả thật là như thế : sau này, chúng tôi đã phải từ Dũng Kim đi bộ sang Bông, rồi lấy đò dọc dinh tê về Hà Nội.
Gia đình cô Loan cũng đã trở về thành. Nhưng oái oăm thay, anh Vũ lại không về được Hà Nội, mà phải lưu lạc ra đến tận Hải Phòng, vì sợ về Hà Nội, bị bọn chỉ điểm nhận được mặt. Ở dưới Hải Phòng, lạ nước lạ cái, may gặp được bạn tốt, tìm ngay cho chỗ ở và việc làm. Anh Vũ vốn có khiếu vẽ, trước tác chiến anh đang theo học trường Mỹ thuật, nên kiếm ngay được một chân phó vẽ ở cảng, lương lậu không được là bao nhiêu, chỉ đủ để trả tiền trọ và tiền cơm hai bữa ở nhà một người bạn cùng sở. Ngủ thì cứ tối đến phải hạ một cái cánh cửa xuống kê làm phản. Nhà chật chội đến mức không có chỗ để tiếp khách.
Cô Loan giúp mẹ buôn bán, thỉnh thoảng cũng đi đây đi đó để chào hàng, hay đưa hàng. Lâu lâu cô cũng tìm cách xuống Hải Phòng. Mỗi lần nàng xuống thăm chàng, hai người không có được lấy một chỗ để ngồi, cứ phải gặp nhau ở ngoài đường, ngoài phố. Chàng thỉnh thoảng lại còn bị lên cơn sốt rét ngã nước, người cứ run lên bần bật. Có lần nàng tới, gặp lúc chàng đang lên cơn sốt rét, cứ phải ngồi xuống cạnh giường để nói chuyện. Nỗi mặc cảm của anh Vũ lúc bấy giờ thật không sao kể xiết ! Suy đi tính lại, anh thấy mình thiếu đủ mọi điều kiện vật chất để có thể tính chuyện lập gia đình với cô Loan. Kịp đến khi người ta đến hỏi cô Loan, thì anh hoàn toàn bị động.
Bức thư của cô Loan gửi từ Hà Nội xuống Hải Phòng đề ngày 8-12-1948 báo cho anh biết cái tin dữ dội ấy :
Vũ thân yêu,
Loan rất lấy làm buồn báo tin này để Vũ biết. Hôm ở Hà Nội (dạo sau này, anh Vũ có lên Hà Nội gặp cô Loan một hai lần), Loan đã nói với Vũ rằng hiện giờ có một người đang hỏi Loan. Thật Loan không ngờ họ tấn công mạnh, đến nỗi các cụ nhà Loan lại bằng lòng mới chết. Loan đã viện nhiều lý mà cụ không nghe... Cậu mợ Loan biết hết cả chuyện Loan và Vũ, nên lại càng muốn tống cổ đi. Hôm ấy Loan đã phải đòn một trận nên thân. Ngày hôm sau, tức là ngày mồng 5-12-48, người ta đến chạm ngõ, và người ta định 12 này sẽ ăn hỏi Loan, 20 thì cưới. Thôi thế là Loan đã phải bước sang ngang với bao nỗi buồn trong dạ... Còn nhiều chuyện nữa Loan không tiện nói ra, nếu Vũ muốn biết, cứ lên hỏi Khang, Khang sẽ nói chuyện để Vũ hiểu Loan, chứ không phải Loan đã ham người ta giàu, hay đẹp giai hơn Vũ đâu. Vũ xét cho Loan một tị. Loan không phảI là người bạc xưa nay, mà chỉ vì gia đình… Thôi Loan khuyên Vũ vì chuyện đã xảy ra như thế rồi, Vũ có buồn cũng vô ích. Vũ sẽ vui vẻ lên, và Loan chúc Vũ lúc nào cũng mạnh khoẻ luôn luôn.
Loan

Thật khó mà hình dung được hết nỗi đau khổ và tuyệt vọng của anh Vũ khi nhận được bức thư này.
Mãi gần đây có dịp gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, anh mới thổ lộ với tôi: lúc ấy, cái tin như sét đánh, anh thấy cả thế giới quanh mình sụp đổ, thấy oán hận, và thù ghét lũ người có óc gia trưởng thô bạo, có lối suy nghĩ cũ mòn, lạc hậu, đã dập nát hạnh phúc của chính con cái mình. Có khi nào tình yêu lại có thể nảy sinh từ sự thúc ép và sắp xếp của người khác được ? Dù cho những người ấy là bậc cha mẹ !
Nhưng anh cũng thú thực: ngày ấy anh đã rất lúng túng, mới 19 tuổi đầu, kiếm miếng ăn nuôi thân còn chưa xong, đâu còn dám nghĩ đến chuyện vợ con. Quả tình là anh đã không biết xoay xở ra sao cả! Ở Hải Phòng hồi ấy, anh lại chỉ có độc một thân một mình…
Mấy dòng anh Vũ gửi cho tôi kèm theo xấp thư, như để giãi bày một tâm sự, song thoạt đầu tôi không đoán ra được cái ẩn ý của anh: tại sao anh lại gửi cho tôi đọc tập thư này ? Có khi anh cũng chẳng có một ẩn ý nào cũng nên, anh gửi cho tôi để đọc chơi vậy thôi, để chia sẻ với anh một nỗi niềm, để gợi nhớ lại một kỷ niệm chung, một mối tình đẹp thời tuổi trẻ, mà anh vẫn muốn giữ nguyên vẹn hình ảnh trong trái tim từ hơn 50 năm nay ?
Câu thơ của Vũ Hoàng Chương : "Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp" có thể đúng với trường hợp của chính bản thân Vũ Hoàng Chương và Tố Uyển ngày trước. Điều đó cả Hà Nội đều biết (ít ra chị tôi biết rất rõ, vì chị là bạn thân với Tố Loan và Tố Uyển), nhưng thật ra nó có đúng với trường hợp của anh Vũ và cô Loan không ? Yêu và được yêu như hai người ngày ấy, ở cái tuổi đẹp nhất của tình yêu, và của đời mình, là tuyệt vời rồi còn gì nữa ? Sao anh Vũ lại có thể nghĩ rằng mình đã "sai lỡ" nhỉ ? Có lẽ chỉ vì anh thấy câu thơ lãng mạn, và hợp với cái tâm trạng của mình chăng ?
Anh gửi cho tôi xấp thư, có lẽ cũng muốn cho tôi làm chứng nhân cho đến cùng cuộc tình duyên lỡ dở ấy giữa anh và cô Loan ?
Làm sao mà tôi hiểu được cái điều phức tạp đó ở cái tuổi 11, 12 ? Có bài học nào ở trường, hay ở ngoài xã hội, dạy được cho tôi những điều ấy ? Tôi chưa biết khóc, nhưng thật ra lúc đó tôi đã hiểu được một phần nào về nguyên nhân cái chết của mẹ tôi. Tôi đã hiểu được rằng cuộc đấu tranh chống nghèo đói, dốt nát, tật bệnh, chỉ có thể thông qua con đường cách mạng.
Quả là tôi chưa bao giờ biết được một cách chi tiết những tình cảm thầm kín giữa hai người. Làm sao mà biết được ?
Cách đây đã lâu lắm, hồi anh Vũ mới lập gia đình, anh có trao cho tôi một cuốn album, nhờ cất giữ hộ, để tránh mọi sự hiểu lầm đối với vợ con. Tôi vẫn giữ kỹ cuốn album ở một nơi kín đáo. Những điều bí mật trong cuốn album đó, chỉ có anh và tôi biết thôi. Thực ra, thì cũng chẳng có gì : dăm ba tấm ảnh của cô Loan, chụp riêng và chụp chung với mấy cô bạn gái ở Hà Nội và ở dưới ấp Thái Hà vào những năm 48-49, một vài bức thư, một vài bài báo Hà thành nói về vụ "đám cưới mất cô dâu", vài trang lịch cũ... Tôi cũng hơi lấy làm lạ, là tại sao không có được lấy một cái ảnh nào có cô Loan và anh Vũ chụp chung, ít ra là ở Thái Hà Ấp, nơi cô Khang, bạn thân của cô Loan ở, và cũng là chỗ thân thuộc, họ hàng. Thái Hà Ấp là một thứ quê ngoại thứ hai của chúng tôi. Nhà cô Khang và nhà nhà bà ngoại tôi chỉ cách nhau có một cái hồ sen. Có một lần, nóng lòng gặp nhau quá, anh Vũ đã phải kín đáo lên Hà Nội để hai người gặp nhau. Khi đó hai người có rủ nhau xuống đây chơi không, thì tôi không biết, chỉ biết rằng dạo ấy cô Loan hay xuống đây tâm sự với cô bạn thân duy nhất của mình.

Cô Loan là mối tình đầu của anh Vũ, và có lẽ đấy cũng là mối tình duy nhất đã ghi khắc vào đời anh. Cái ý định ra đi du học đã nhen nhóm trong anh từ lâu. Giờ đây, không còn gì để giữ chân anh lại ở cái đất cảng này nữa. Anh vay được bà chị tôi số tiền đủ để mua một xuất vé tàu thuỷ, thế là anh ra đi. Ngày từ giã Hải Phòng, cũng là ngày rời xa quê hương ra đi không biết đến ngày nào mới trở lại, lòng anh đầy hoài bão, nhưng cũng đầy sầu muộn.
Bây giờ, đã qua hai đời vợ, nhưng cuộc sống tình cảm của anh vẫn như thiếu thốn một cái gì không thể nào bù đắp được. Anh không nói ra, nhưng tôi biết. Cái thiếu thốn nhất đối với anh vẫn là tất cả những gì gợi nhớ đến quê hương, đến những kỷ niệm xưa cũ, đôi khi ngay cả đến những cái nho nhỏ trong đời sống thường ngày, một món ăn, một tiếng rao trên đường phố, một điệu nhạc, hay một bài hát. Anh thích nghe những bài dân ca, những bài hát của Phó Đức Phương, thích đọc thơ Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, v.v. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, chứ bây giờ anh không còn là chàng trai tơ lãng mạn ngày trước nữa. Bước đường nghề nghiệp gian truân vất vả, từ lúc ra đi cách đây vài chục năm, cuộc sống vật lộn hàng ngày trong cái xã hội đầy cạnh tranh này, đã làm cho anh trở nên một con người thiết thực, thậm chí cứng rắn. Cái con người tình cảm trong anh thỉnh thoảng lắm mới có dịp bộc lộ, những khi anh và tôi, hai anh em gặp nhau, nói chuyện quê nhà và nhắc lại những kỷ niệm cũ.
Câu chuyện giữa anh Vũ và cô Loan, ngày đó ở Hà Nội nhiều người biết. Cô Loan, một cô gái đẹp nổi tiếng ở phố Hàng Đào, yêu một chàng trai (chàng trai đó là anh Vũ), và rồi bị bố mẹ ép gả cho một người khác (một cậu sinh viên vừa mới đỗ xong tú tài). Đến ngày cưới, cô dâu trốn biệt. Người ta chia nhau đi tìm khắp mọi nơi, tra hỏi tất cả các bạn bè, thân thuộc, mà vẫn không tìm thấy cô dâu đâu. Mười ngày sau, mới biết được là cô dâu đã vào lánh tạm ở trong dòng Chúa cứu thế ở Nam Đồng (gần Thái Hà Ấp).
Sự kiện khá độc đáo và hiếm hoi này đã là một dịp để cho báo chí Hà thành ngày ấy quậy lên lắm chuyện khác, và bà con hàng phố có thêm một giai thoại để bàn tán.
Nhưng đấy chỉ là nhìn từ bên ngoài vào. Người ngoài cuộc chỉ thấy được có bấy nhiêu thôi. Thực ra, câu chuyện không đơn giản như vậy. Nó không phải là một loại tình chay kiểu như trong một vài tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, hay trong Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn , mặc dầu thời điểm của nó cũng không xa gì thời điểm của Tự Lực Văn Đoàn, hay của Hoa Vông Vang là bao nhiêu. Chỉ cách nhau có một cuộc Cách mạng và một hai năm Toàn quốc kháng chiến ! Song cái khuôn phép lễ giáo phong kiến kia vẫn hãy còn đó, và những chuyện như: bố mẹ ép gả con cái, hay không cho phép con trai con gái gần nhau để làm quen với nhau, hoặc coi trọng người giàu sang, có bằng cấp, khinh rẻ người chưa có danh phận, cũng vẫn là chuyện cơm bữa, mặc dầu trên thực tế, quan hệ nam nữ đã bắt đầu được cởi nới từ Cách mạng tháng Tám trở đi, với những hình thức sinh hoạt cho phép giới trẻ gặp gỡ nhau, như những sinh hoạt ở phố, những cuộc đi cắm trại của thiếu nhi ở những nơi danh thắng lịch sử, có các anh chị lớn đi kèm (các anh chị lớn cũng vin vào những cơ hội này để gặp gỡ, làm quen với nhau), ngoài ra còn những ngày hội đầy sức lôi cuốn và giàu tính chất lãng mạn, cho phép trai gái tiếp xúc, gần gũi nhau hơn, như: Tuần Lễ Vàng, Tết Trung Thu, ở xung quanh bờ hồ, Ngày kỷ niệm một năm Cách mạng tháng tám ở Ấu Trĩ viên, v.v.
Do đó, tình yêu đôi lứa trong trường hợp của anh Vũ và của cô Loan vào những năm 47-48 cũng đã mang dáng vẻ của một mối tình khá tự do rồi. Nó được bộc lộ một cách mạnh dạn, thẳng thắn, đồng thời cũng hồn nhiên và trẻ trung hơn là những mối tình của các đôi lứa thế hệ trước. Những con người như anh Vũ và cô Loan không còn giống như những nhân vật tiểu thuyết nữa, mà là những con người bằng xương bằng thịt, yêu nhau không phải trong mộng tưởng, hoặc trong sự nhàn rỗi, mà trong những điều kiện có thật, đôi khi nghiệt ngã của đời sống thực tế.
Nhưng đấy là nói về những người trẻ. Trong một chừng mực nào, họ đã có được một số nét thay đổi. Tuy nhiên, những trở ngại cho cái tình yêu của họ, cho cái hạnh phúc của đôi lưa vẫn còn tiềm ẩn trong tâm thức, trong nếp suy nghĩ của một xã hội còn chưa được thay đổi đến tận gốc.

Một năm sau ngày cưới, (lúc này anh Vũ đã đi Pháp), cô Loan lại bỏ nhà ra đi hơn một tháng. Cả gia đình nhà chồng lại nhốn nháo đi tìm. Một anh bạn nối khố của anh Vũ từ Hà Nội viết thư sang kể lại rằng:
"... Loan đã bỏ nhà ra đi được hơn nửa tháng nay. Bao công lao tìm kiếm mà vẫn biệt tăm. Tao ở giữa bị thằng anh và thằng chồng giày vò hăng quá. Chúng nó nêu ra bao nhiêu giả thuyết, nhất định buộc tao giấu em chúng nó. Lần đầu tiên tao phải giao thiệp với chúng nó bằng những giọng quyết liệt. Lập trường của tao rất vững, kém thế có lẽ bỏ xác ! Ôi ba hồn chín vía (xin lỗi anh) con Loan ở đâu thì về để gỡ cho tao. Nếu nó không về, có lẽ tao chẳng dám đi qua phố Hàng Đào nữa !..."
Tôi mở xấp thư kiểm lại một lần nữa. Lại lấy thêm cuốn album cũ ra để đối chiếu. Không có thư nào trước 75, từ phía cô Loan, cũng như từ phía anh Vũ. Tôi vẫn biết, sau năm 49, cả hai người đều bước vào một đoạn đời khác. Đến năm 54, cô Loan và gia đình nhà chồng lại di cư vào Nam. Lại một cuộc đổi đời khác. Rồi những đứa con tiếp theo nhau ra đời...Rồi chiến tranh... Anh Vũ ở bên này cũng long đong vất vả, bận bịu với công việc làm ăn, rồi cũng lập gia đình, có con cái...Trong khoảng thời gian này, anh Vũ mất hẳn liên lạc với cô Loan, không biết địa chỉ cô ở đâu nữa. Nghe nói cô không di cư vào Sài Gòn, mà lại vào Nha Trang sống một ít năm.
Những người trước kia giúp anh làm trung gian, như chị Thanh, hay những bạn trai ở miền Bắc, nay cũng sống trong những hoàn cảnh eo hẹp thiếu thốn, không làm gì được. Vả chăng, họ cũng không thể nào giúp gì được nữa, đất nước lúc đó đã bị chia cắt.
Nhưng không lẽ mãi đến năm 1977 cô Loan mới nhận được lá thư đầu tiên (?) của anh Vũ đề ngày 1-8-1975, gửi qua chị Thanh, một người chị họ ở Thái Hà Ấp ? Về phía cô Loan, từ những năm 50 trở đi, cô có gửi thư nào cho anh Vũ không ? Điều đó, bây giờ cũng khó lòng mà biết được. Thôi thì cứ cho rằng thời kỳ từ 1950 đến 1975 là không kể. Chỉ biết rằng, bức thư đầu tiên của cô Loan, bắt lại liên lạc với anh Vũ, đề ngày 21-1-1977, và sau đó hai người có viết thư đều cho nhau trong gần một năm. Song, bắt đầu từ tháng 11-1977 trở đi, thì thư từ thưa thớt hẳn về phía anh Vũ. Bức thư cuối cùng của cô Loan đề ngày 6-11-1980 trách anh Vũ như sau:
"... Đã gần 3 năm nay rồi, Loan không nhận được thư nào của Vũ cả, không biết vì lý do gì. Nay ở đây nhà nước cho phép gọi điện thoại để nói chuyện với gia đình bà con, vậy Loan viết thư sang để Vũ cho Loan số téléphone để Loan có thể nói chuyện với Vũ. Vũ có bằng lòng không ? Giờ đây Loan ở với thày mẹ. Vậy Vũ có nhớ tới bạn, thì có thể cứ viết thư thẳng về đây, không có gì trở ngại cả. Loan có quen nhiều người ở Pháp, nghỉ hè vừa rồi họ về đây, có một cô bạn tên là N., Loan cũng có nhờ cô ấy về bên ấy nếu gặp Vũ, chuyển lời hỏi thăm Vũ hộ Loan. Vậy Vũ đã gặp cô N. chưa ?... ".
Đêm lễ Giáng sinh năm 1982, cô Loan còn gửi một tấm thiệp chúc mừng và cho anh Vũ biết là tất cả gia đình bố mẹ, anh chị em của cô đã sang cả Mỹ, và rất có thể gia đình cô cũng sẽ sang đó, chỉ chờ được bảo lãnh.
Tôi điện thoại hỏi anh Vũ về các chi tiết này, thì anh trả lời thành thật rằng : chính anh đã ngừng viết về cho cô Loan ngay từ cuối năm 1977, vì hồi ấy anh đang gặp khó khăn trong công việc làm ăn ở đây, lại vừa xây dựng lại gia đình sau một chuyến đổ vỡ. Vả lại, trong đáy lòng, anh vẫn chỉ muốn nâng niu những kỷ niệm đẹp về mối tình ngày trước mà thôi, còn chuyện kéo dài quan hệ, không phải chỉ với cô Loan, mà còn cả với gia đình con cái cô ấy nữa, anh thấy nó cũng không đi đến đâu. Và anh đã phải chọn lựa.
Tôi không thể nào trách anh, nhưng cũng không thể nào không hình dung sự đau khổ của cô Loan trong bao nhiêu năm trời : từ 1949 đến 1977, tổng cộng 28 năm ; nối lại được liên lạc trong 2, 3 năm, rồi lại biệt tin tức của nhau trong gần 20 năm trời nữa, cho đến ngày cô mất.
Trong bức thư đề ngày 6-4-1977, cô Loan viết:
" ...Vũ ơi, thư của anh viết cho em qua những dòng chữ thân yêu, đã 30 năm rồi em mới lại được nhìn thấy, như một liều thuốc hồi sinh, tim em lại nóng bỏng, tình yêu ở đâu lại tới rào rạt, những kỷ niệm đã qua lại như ở trước mặt, tưởng như mới ngày hôm qua. Ở đây em mới vừa xem vở kịch Lá Sầu Riêng của Kim Cương. Trong vở kịch này, tình yêu chỉ có 20 năm, mà chúng mình tới 30 năm, như thếlà mình chiếm kỷ lục rồi đấy...”
Trong thư đề ngày 8-5-1977, cô lại viết:
" ... Em chắc thế nào giờ phút này anh cũng đã nhận được quà của em, quà của em là ô mai, thứ hương vị của tình yêu, ngọt là khi ta thấy yêu nhau, còn chua là ta xa nhau, cay là ta ghen nhau, phải không anh ? Vũ ạ, anh phải gặp C.T. Và nhớ bế con bé của C.T., trước khi đi em đã hôn vào má phải của nó để qua Pháp anh sẽ tới hôn vào má bé tức là anh hôn em đó. Mới đây em Dung ở Bắc vào, lần này là lần thứ ba sau hai năm giải phóng, chị Thanh có gửi cho Dung cầm vào cho em lá thư của anh viết vào ngày 1-8-1975, làm em đọc thư anh, em bồi hồi xúc động quá, tình yêu lại đến với em. Tim em bốc cháy còn hơn thời kỳ con gái nữa, nhiều đêm không ngủ được vì câu anh viết “đã lâu rồi em vẫn của anh...
Vũ còn nhớ lần hai chúng mình đi từ bờ hồ Hoàn Kiếm, trời mưa lất phất, rồi đi bộ xuống phố Huế, rồi các phố khác nữa, Loan cũng không nhớ là Vũ đã nói gì với Loan. Thật ra thì chúng mình đã yêu nhau từ năm đi tản cư ở quê Bông cơ, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà ta xa nhau ? Loan thì cho là lỗi tại Vũ hết. Giá Vũ cứ đến nói sự thật cho ba mẹ Loan biết, thì đâu đến nỗi, để bây giờ chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông, biết bao giờ mới gặp lại nhau, mà có gặp nhau thì người nào cũng có gia đình cả rồi, thôi thì đành chờ kiếp sau vậy...”.

Cô Loan viết những dòng thư trên vào năm 1977, lúc đó cô đã 47 tuổi, đã có 3, 4 đứa con ở tuổi trưởng thành cả rồi, và tóc chắc cũng đã bắt đầu bạc ! Vậy mà lời lẽ còn trẻ trung, như thời con gái ! Đọc những bức thư, tôi cứ ngỡ là mình mơ. Hay là chính những người trong cuộc mơ cũng nên ! Họ tưởng là họ còn trẻ lắm sao ? Hay là tình yêu đã cho họ một nghị lực mới, một nguồn cảm hứng mới ? Hay là tình yêu bỗng lại đem đến cho họ những đau khổ, dằn vặt của những ngày mới yêu ? Có phải người ta vẫn thường bảo cao điểm của tình yêu chính là lúc người ta yêu nhau đến mức đau khổ ?
Tình yêu, ôi tình yêu ! Hoạ chăng chỉ có mi mới chống lại được sự tàn phá của thời gian ? Chỉ có mi mới cho phép người thi sĩ nói được câu:
           Em mãi là hai mươi tuổi
           Ta mãi là mùa xanh xưa
                             (Quang Dũng, Không đề, 1970)
Một ngày nào đó, tâm sự cùng tôi, chắc anh Vũ sẽ nói: "Ngày ấy đã qua đi với năm tháng, mối tình đầu đã trao cho nhau với tất cả sự thơ ngây, trong trắng, với tất cả ước mơ, đam mê, của thời tuổi trẻ. Dù cuộc sống có làm cho anh thay đổi đi nữa, thì hình ảnh của Loan vẫn mãi mãi theo anh, trước kia, bây giờ, và quãng đời còn lại. Loan vẫn là Loan của anh năm xưa."
Và chắc hẳn anh sẽ lại mượn hai câu thơ của T.T.KH mà anh vẫn thích, để nói lên nỗi lòng mình:
          Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
          Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên

Bây giờ không còn cô Loan phố Hàng Đào nữa, cũng như đã từ lâu rồi, trong tâm tưởng của những lớp người như anh Vũ và tôi, không còn phố Hàng Đào ngày xưa nữa, cũng như chẳng còn Thái Hà Ấp nữa, nhưng tất cả những kỷ niệm đẹp cũ đều vẫn còn nguyên vẹn, như mới ngày nào còn thấp thoáng những tà áo ấy, những nụ cười ấy, bên hồ sen ấy...


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss