Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (15)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (15)

- Tân Tử Lăng — published 29/05/2010 08:28, cập nhật lần cuối 29/05/2010 08:28
Chương 22. Bộ tư lệnh thứ hai trong đảng.


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14)


Chương 22. Bộ tư lệnh thứ hai trong đảng.

Thất bại trong ba năm Đại tiến vọt trở thành cơn ác mộng của Mao Trạch Đông. Làm 37,55 triệu người chết đói, tổn thất 120 tỉ NDT là một chính sách bạo ngược mà không một hôn quân, bạo chúa nào trong lịch sử có thể theo kịp. Bất kể trước đây sáng suốt, vĩ đại đến đâu, có cống hiến lớn lao đến chừng nào, cũng không thể bù đắp được sai lầm khủng khiếp này. Mao không thể quên được quang cảnh Đại hội 7.000 người, một hình ảnh thu nhỏ của toàn đảng, sự tin cậy, yêu mến và ủng hộ đối với Mao lung lay rõ rệt. Chỉ cần Lưu Thiếu Kỳ giơ tay hô to “Ba ngọn cờ hồng là sai lầm đường lối!”, thì toàn đảng, toàn dân sẽ cùng hỏi tội Mao. Không thể tiêu cực ngồi chờ Lưu Thiếu Kỳ triệu tập Đại hội 9 thanh toán sai lầm của “ba ngọn cờ hồng”, Mao phải tích cực, chủ động tấn công, lợi dụng ưu thế nắm quyền phát ngôn, đổi trắng thay đen, thanh toán “sai lầm ba tự một bao”.

Tháng 2-1964, Kim Nhật Thành thăm Trung Quốc. Hội đàm với Kim, Mao đã phủ định sạch trơn các chính sách điều chỉnh trong thời kỳ khó khăn, phê phán Lưu Thiếu Kỳ muốn đánh sập chủ nghĩa xã hội, với cương lĩnh đối nội “ba tự một bao”, cương lĩnh đối ngoại “ba hoà một ít” (hoà hoãn với đế quốc, xét lại và chủ nghĩa dân tộc phản động, ít ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc). Nội dung trên được truyền đạt trong cán bộ cấp cao, Lưu Thiếu Kỳ liền trở nên mờ nhạt.

Phản đối “ba tự một bao” và “ba hoà một ít” là căn cứ lý luận và cương lĩnh chính trị để Mao đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ. Không một ai trong ĐCSTQ dám đứng ra bênh vực Lưu, mặc dù họ đều biết các chính sách do Lưu thực hiện đã cứu vãn cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Trung Quốc, giữ vững chính quyền cộng sản.

Mao cần trợ thủ để tác chiến với hệ thống đảng và chính quyền do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đại diện. Lâm Bưu và quân đội chỉ có vai trò phối hợp về chiến lược. Tiến hành một cuộc đấu tranh lớn như vậy cần một đấu sĩ xông pha trận mạc trong chiến dịch và chiến đấu. Chân lý đã tuột khỏi tay Mao, chỉ dựa vào quyền thế ép người nên rất khó tìm được bạn tri kỷ tâm đầu ý hợp. Trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nhiều chính khách tài trí hơn người như vậy mà chẳng dùng được ai, phần lớn họ theo Lưu, Đặng, đứng về phía đối lập với Mao cả rồi. Thế là Mao quyết tâm bồi dưỡng Giang Thanh, hình thành một phái do Giang Thanh làm trung tâm xuất hiện trên vũ đài chính trị Trung Quốc, bản thân Mao đứng sau Giang, tăng cường mạnh mẽ sức mạnh hô phong hoán vũ của phái này.

Cơn lốc Đại cách mạng văn hoá bùng lên năm 1966 khiến nhân dân toàn Trung Quốc chóng mặt, cũng làm cho các nhà quan sát trên toàn thế giới sững sờ, không biết Mao định làm gì Các nhà trí thức lương thiện thường hiểu Mao theo ý nghĩa chính diện, cho rằng Mao muốn phát động quần chúng cải tạo đảng, giám sát đảng, khiến đảng cách mạng hoá và dân chủ hoá. Bốn mươi năm sau khi màn kịch lịch sử đó qua đi, những gì để lại vẫn khiến người ta hoa mắt. Có người nói Mao muốn phòng ngừa và chống xét lại, nhưng chọn nhầm đối tượng đả kích; có người nói Mao vẫn theo đuổi một xã hội mới công bằng hợp lý, nhưng phương pháp có vấn đề; có người nói Mao đầy động cơ cao thượng, nhưng hai tập đoàn chống đảng Lâm Bưu, Giang Thanh làm cho mọi việc rối tung lên. Thật ra, sự việc rất giản đơn. Muốn che đậy sai lầm trong 3 năm “Đại tiến vọt” (chủ yếu là làm 37,55 triệu người chết đói), Mao lại mắc sai lầm 10 năm Đại cách mạng văn hoá. Muốn không bị thanh toán sau khi chết, không thể dựa vào Lưu Thiếu Kỳ. Còn Lâm Bưu chỉ là chiếc gậy để đánh đổ Lưu thôi. Mao chơi con bài “người kế tục” cuối cùng muốn truyền ngôi cho Giang Thanh, rồi Mao Viễn Tân. Chỉ có thể dựa vào vợ và cháu. Đại cách mạng văn hoá là dùng cái “lý luận tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản” cấp tiến nhất để che đậy thực chất quá độ từ đảng trị sang gia đình trị. Điều này đã được chứng minh bởi các sử liệu đáng tin cậy do Diêu Văn Nguyên và Trương Ngọc Phượng tiết lộ.

Năm 1938 khi Giang Thanh kết hôn với Mao Trạch Đông, Bộ Chính trị đã có quyết định cấm Giang Thanh trong 20 năm không được giữ chức vụ nào trong đảng, không được dính líu đến vấn đề nhân sự và tham gia sinh hoạt chính trị.

24 năm qua đi, tháng 9-1962, Hội nghị Trung ương 10 khoá 8 vừa họp, Mao từ rút lui về kinh tế chuyển sang tấn công về chính trị, miệng niệm chú đấu tranh giai cấp giành lại quyền chủ động về chính trị. Vừa lúc đó, phu nhân Tổng thống Indonesia Sukarno thăm Trung Quốc. Theo nghi lễ ngoại giao, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân Vương Quang Mỹ tiếp đón, báo chí đã đăng in ảnh. Đột nhiên, Mao Trạch Đông quyết định ông ta phải tiếp bà Sukarno. Thế là trên đầu trang nhất “Nhân dân nhật báo” ngày 30-9 năm đó nổi bật tấm ảnh Giang Thanh tươi cười bên Mao, khi Mao bắt tay bà Sukarno. Mao đã khéo léo đưa Giang lên vũ đài chính trị.

Nhiệm vụ đầu tiên Mao trao cho Giang Thanh là tổ chức viết bài phê phán vớ kịch “Hải Thuỵ bãi quan” của Ngô Hàm làm đột phá khẩu cho Đại cách mạng văn hoá. Sau Tết nguyên đán 1965, Giang đi chuyến xe lửa riêng xuống Thượng Hải. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Thành uỷ Thượng Hải Kha Khánh Thi vốn là phần tử tích cực trong “Đại tiến vọt”.

Được biết Mao cần tổ chức viết bài phê phán Ngô Hàm nhằm tiếp tục thanh toán Bành Đức Hoài, Kha mừng lắm, giới thiệu với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Bí thư kiêm Trưởng ban tuyên truyền Thành uỷ, Trương Xuân kiều lại giới thiệu một thuộc hạ là Diêu Văn Nguyên. Công việc này được giữ kín với cả Thường vụ Bộ Chính trị.

Sau Quốc khánh năm 1965. Bành Chân gặp Mao báo cáo công việc của Tổ cách mạng văn hoá (được thành lập từ tháng 7-1964, phụ trách chỉnh phong và triển khai phê bình học thuật trong giới văn nghệ, do Bành Chân làm Tổ trưởng, Lục Định Nhất làm Tổ phó, ba thành viên còn lại: Khang Sinh, Chu Dương, Ngô Lãnh Tây), nhân đó can ngăn Mao đừng phê phán Ngô Hàm, chuyên gia sử học, Phó Thị trưởng Bắc Kinh, một trí thức được Bành Chân đánh giá là trung thành với ĐCSTQ, hơn nữa, Ngô Hàm viết tác phẩm đề cao khí tiết của Hải Thuỵ chính là hưởng ứng việc Mao đề xướng cán bộ cấp cao học tập tinh thần Hải Thuỵ, nói thẳng, nói thật (Hội nghị Trung ương 7 khoá 8 tháng 4-1959). Nhưng Mao bác bỏ ý kiến của Bành Chân.

Sau khi Mao Trạch Đông sửa đến ba lần, ngày 7-11-1965 bài bình vở kịch lịch sử mới “Hải Thuỵ bãi quan” ký tên Diêu Văn Nguyên được đăng trên tờ “Văn Hối” Thượng Hải. Từ Hàng Châu, Mao lặng lẽ quan sát thái độ của Bắc Kinh đối với Diêu Văn Nguyên, nhưng đến 20-11, các báo phát hành ở Bắc Kinh vẫn im lặng. Mao chỉ thị cho Giang Thanh in bài của Diêu Văn Nguyên thành sách nhỏ, phát hành trong cả nước.

Ngày 24, Hiệu sách Tân Hoa Thượng Hải điện khẩn yêu cầu cả nước đặt mua. Cơ quan phát hành sách Bắc Kinh xin ý kiến Thành uỷ, Bành Chân nói dứt khoát:

- Bắc Kinh một cuốn cũng không mua. Then chốt là xem chân lý ở phía nào. Trung ương nhiều lần họp, năm uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị không ai nói phải phê phán Ngô Hàm.

Hai ngày sau, Bành Chân nhận được điện thoại của Chu Ân Lai:

- Mao Chủ tịch chỉ thị báo chí ở Bắc Kinh phải đăng ngay bài của đồng chí Diêu Văn Nguyên, kèm theo lời nhà xuất bản.

Theo gợi ý của Chu, Bành Chân triệu tập hội nghị công tác tuyên truyền, quyết định các báo ở Bắc Kinh đăng lại bài của Diêu Văn Nguyên, nêu rõ đây là thảo luận học thuật. Để bảo vệ Ngô Hàm, Bành Chân xuống Hàng Châu, hai lần gặp Mao Trạch Đông can gián. Đến lúc này, Mao vẫn muốn lôi kéo Bành Chân, vì cần một chính khách có trọng lượng tham gia Đại cách mạng văn hoá. Mao khuyên Bành nên gặp Trương Xuân Kiều, và hẹn gặp lại Bành tại Thượng Hải vào 26-12, đúng ngày sinh nhật thứ 72 của ông ta. Hôm ấy, Bành được xếp ngồi đối diện Mao tại bàn tiệc chính. Mao gọi Trương Xuân Kiều đến ngồi cạnh, giới thiệu Trương là “tú tài đỏ” “nhà lý luận” đã cùng Diêu Văn Nguyên tổ chức viết bài phê phán Ngô Hàm. Khi Bành nâng cốc chúc thọ, Mao uống cạn, rồi nói bằng giọng Hồ Nam the thé:

- Đồng chi Bành Chân, tôi cũng kính ông một cốc, hy vọng ông học tập các đồng chí Thượng Hải, đưa cuộc đấu tranh phê phán “Hải Thuỵ bãi quan” vào chiều sâu, đây là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản trong lĩnh vực ý thức hệ, mong ông vượt qua cửa ải này.

Trở lại Bắc Kinh, Bành Chân tiếp tục đưa cuộc phê phán “Hải Thuỵ bãi quan” vào lĩnh vực thảo luận học thuật. Đầu tháng 2-1966, Tổ cách mạng văn hoá 5 người soạn thảo “Đề cương hội báo” được Hội nghị thường vụ Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Lưa Thiếu Kỳ chấp nhận, ngày 8-2, 5 người mang theo bản đề cương lên gặp Mao Trạch Đông. Mao xem xong nói “không có ý kiến gì”. Do đó, ngày 12-2, Đặng Tiểu Bình phê chuẩn cho phân phát đề cương trên (gọi tắt là Đề cương tháng Hai) tới cấp huyện và trung đoàn trở lên trong cả nước.

Động thái trên khiến Lưu Thiếu Kỳ lầm tưởng Mao vẫn công nhận vị trí Trung ương của Bắc Kinh. Lưu liền đề nghị đi thăm nước ngoài theo kế hoạch đã định, Mao cũng đồng ý, có nghĩa là đối ngoại, Lưu vẫn đại diện nhà nước Trung Quốc. Thế là Lưu cùng Trần Nghị đi thăm Pakistan, Afganistan và Myanma từ 22-3 đến 19-4.

Bất ngờ, ngày 30-3, Mao đùng đùng nổi giận gọi điện chất vấn Chu Ân Lai:

- Vị Hoàng đế nào quyết định dùng danh nghĩa văn kiện trung ương phân phát đề cương hội báo của Bành Chân trong toàn Đảng?

Chu báo cáo quá trình Thường vụ Bộ chính trị thảo luận, quyết định, và nhận trách nhiệm về mình.

Mao dặn Chu:

- Trước tiên hãy giữ kín, xử lý thế nào chờ ý kiến tôi”.

Lợi dụng thời cơ Lưu Thiếu Kỳ ở nước ngoài, với thế sấm vang, chớp giật, Mao Trạch Đông đã đánh đổ Bành Chân và Lục Định Nhất, vô hiệu hoá Ban Bí thư Trung ương, làm cho Thành uỷ Bắc Kinh và Ban Tuyên truyền Trung ương tê liệt.

Cuối tháng 3 tại Thượng Hải, Mao đã gặp Khang Sinh, Nguỵ Văn Bá, Triệu Nghị Mẫn, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, phê phán Bành Chân, Lục Định Nhất và “Đề cương tháng Hai” với lời lẽ gay gắt chưa từng thấy:

- “Đề cương tháng Hai” không phân rõ phải trái, Thành uỷ Bắc Kinh và Ban Tuyên truyền Trung ương bao che kẻ xấu, không ủng hộ phái “tả”; Bắc Kinh kim châm không vào, giọt nước không lọt, phải giải tán Thành uỷ; Ban Tuyên truyền Trung ương là điện Diêm vương, phải đánh đổ Diêm vương, giải phóng tiểu quỷ; Ngô Hàm, Tiệm Bá Tán là học phiệt, được đại đảng phiệt bên trên bao che; “Thôn na nhà” do Đặng Thác, Ngô Hàm, Liêu Mạt Sa viết và “Yên Sơn dạ thoại” của Đặng Thác là ngọn cỏ độc lớn chống Đảng, chống Chủ nghĩa xã hội.

Mao mượn lực lượng của Lâm Bưu để nâng Giang Thanh trên vũ đài chính trị. Từ 2 đến 20-2-1966, Giang Thanh mời một số cán bộ phụ trách công tác văn hoá, tuyên truyền thuộc Tổng cục Chính trị tổ chức 4 cuộc toạ đàm về tình hình văn nghệ trong quân đội. Gọi là toạ đàm, thực tế là nghe Giang Thanh nói. Bản tổng hợp “những ý kiến cực kỳ quan trọng” của Giang Thanh trong cuộc toạ đàm này dài khoảng 3.000 chữ, theo lệnh của Mao, Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên sửa chữa, bổ sung, nâng cao, dài thêm 7.000 chữ nữa. Cuối cùng Mao sửa thêm mấy lần, đặt tên là “Kỷ yếu cuộc toạ đàm về công tác văn nghệ quân đội do đồng chí Giang Thanh triệu tập theo uỷ thác của đồng chí Lâm Bưu”.

Mao triệu tập cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng từ 16 đến 24-4 tại Hàng Châu. Ngày 19-4, Lưu Thiếu Kỳ từ Yangun về đến Côn Minh thì nhận được thông báo đến Hàng Châu dự họp. Sự thật đặt ra trước mắt Lưu lúc đó là: Bành Chân và Lục Định Nhất đã bị đánh đổ, Thành uỷ Bắc Kinh và Ban Tuyên truyền Trung ương tê liệt, Tổ Cách mạng văn hoá 5 người bị giải tán, “Thông tri của Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ” đốt lên ngọn lửa Đại cách mạng văn hoá đã định hình, Tổ Cách mạng văn hoá mới đã được thành lập với 13 thành viên, gồm Tổ trưởng Trần Bá Đạt, cố vấn Khang Sinh, Tổ phó thứ nhất Giang Thanh, Tổ phó Vương Nhiệm Trọng, Lưu Chí Kiên, Trương Xuân Kiều… Nhân vật trung tâm trong Tổ Cách mạng văn hoá trung ương là Giang Thanh. Để toàn đảng hiểu rõ điều này, một thông tri mang danh nghĩa Ban chấp hành trung ương ngày 30-8-1966 viết:

“Đồng chí Trần Bá Đạt do ốm đau được Trung ương cho nghỉ ngơi. Trong thời gian đồng chí Trần Bá Đạt nghỉ ốm hoặc đi công tác, đồng chí Giang Thanh làm Quyền Tổ trưởng”.

Bá Đạt là anh đồ gàn, khi có mặt cũng nghe theo Giang Thanh thôi. Khang Sinh từ lâu đã là cố vấn riêng của Giang Thanh, về sau qua mấy lần đào thải, Giang Thanh đã đuổi hết những người không vừa ý, chỉ còn lại Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ. Thế là hình thành “Đảng Hoàng hậu của Giang Thanh. Cái Tổ Cách mạng văn hoá trung ương này ban đầu cũng không làm người ta chú ý lắm, nhưng về sau nó đã thay thế cả Ban Bí thư và Bộ Chính trị, trở thành cốt lõi chủ thể trạng “Bộ Tư lệnh vô sản” của Mao Trạch Đông, Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ trở thành “Cửa hàng Mao-Giang”, Giang Thanh leo lên đỉnh cao quyền lực.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us