Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (19)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (19)

- Tân Tử Lăng — published 02/06/2010 07:25, cập nhật lần cuối 02/06/2010 07:25
Chương 30. Kết cục bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ - Chương 31. Lâm Bưu đắc ý, lăm le kế tục.


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18)


Chương 30. Kết cục bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ.

Khang Sinh, Giang Thanh tổ chức lực lượng lục lọi hàng triệu hồ sơ trong mấy thập kỷ trước để tìm kiếm chứng cứ kết tội Lưu Thiếu Kỳ nhưng không kết quả gì, liền cho bắt một số người từng làm việc trong các cơ quan tư pháp, cảnh sát, đặc vụ của Nhật Bản và Tưởng Giới Thạch doạ dẫm, ép cung, buộc họ “khai ra” những điều phù hợp ý muốn của ban chuyên án, làm “chứng cứ” kết tội Lưu Thiếu Kỳ “phản bội, nội gian, công đoàn vàng”, “tay sai của đế quốc xét lại, Quốc Dân Đảng”.

Từ 13 đến 31-10-1968, Hội nghị Trung 12 khoá 8 họp tại Bắc Kinh. Trong 97 uỷ viên Trung ương khoá 8 có 10 người chết, 47 người bị đánh đổ, chỉ còn 40 người đến họp. Mao đã cho bổ sung thêm 10 uỷ viên dự khuyết lên chính thức, cho đủ quá bán hợp lệ (50/97). Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị, thông qua báo cáo thẩm tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh đệ trình. Dưới sức ép của Mao-Lâm, bằng cách giơ tay biểu quyết, Hội nghị “nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”, chỉ có một phụ nữ không giơ tay: Bà Trần Thiếu Mẫn, uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc.

Nghị quyết công bố ngày 31-10, nhưng chờ đến 24-11, đúng ngày sinh thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ, Giang Thanh mới cho Lưu nghe băng ghi âm nghị quyết trên. Nghe xong, Lưu Thiếu Kỳ run bắn toàn thân, mồ hôi ra đầm đìa, thở dốc, huyết áp đột ngột lên 260/130, thân nhiệt lên tới 40 độ C.

Tối 17-10-1969, Lưu Thiếu Kỳ hơi thở thoi thóp, mũi cắm ống xông, họng gần ống hút đờm, phủ một tấm chăn, được cáng lên máy bay quân sự, bí mật đưa đến Khai Phong. Nơi cuối cùng giam giữ Lưu Thiếu Kỳ này nguyên là kho bạc của một ngân hàng từ trước năm 1949, các cánh cửa là những tấm thép dày, chấn song cửa sổ to đùng. Hai trung đội được cử canh giữ ngày đêm, với 4 khẩu súng máy đặt trên các nóc nhà xung quanh đề phòng bất trắc.

6 giờ 40 phút sáng 12-11-1969, ngày thứ 27 sau khi bị đưa đến lưu đày ở Khai Phong, Lưu Thiếu Kỳ qua đời trong tinh trạng không được cấp cứu. Khi Lý Thái Hoà, vệ sĩ của ông năm xưa đến nhận xác, thi hài vị Chủ tịch nước đặt trên nền đất dưới gian hầm, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối bời, miệng mũi méo xệch, máu ứ bên khoé mép. Người vệ sĩ dùng kéo xén bớt mái tóc bạc dài gần hai gang tay, sửa sang chòm râu, mặc quần áo, xỏ giày cho ông. Nhân viên chuyên án chụp ảnh để mang về trình Mao, Giang. Sau đó, họ đặt thi hài Lưu Thiếu Kỳ trên xe quân sự nhỏ, chân thò ra ngoài, bí mật đưa đi hoả táng, dưới cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp”.

Gần 3 năm sau, ngày 16-8-1972, mấy người con của Lưu Thiếu Kỳ xin thăm cha mẹ, Mao Trạch Đông phê vào báo cáo của Tổ chuyên án: “Bố đã chết, có thể thăm mẹ”.

Lịch sử phải ghi bằng dòng chữ to đậm: Mao Trạch Đông chà đạp Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, giam cầm trái phép Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, và bức hại Người cho đến chết.


Chương 31. Lâm Bưu đắc ý, lăm le kế tục.

Ngày 1-4-1969, Đại hội 9 ĐCSTQ khai mạc tại Bắc Kinh.

Phần cương lĩnh chung trong Điều lệ mới của Đảng qui định Lâm Bưu là bạn chiến đấu thân thiết và người kế tục của Mao Trạch Đông.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu cơ quan lãnh đạo ngày 24-4 với 1.510 đại biểu có mặt, Mao được 100% số phiếu, Lâm Bưu kém 2 phiếu, do vợ chồng Lâm không bỏ cho mình (để biểu thị không thể ngồi sánh ngang Mao). Giang Thanh nhẩm tính trừ 2 phiếu (Mao và Giang) không bỏ cho mình, bà ta sẽ được 1.508 phiếu, nhưng thực tế chỉ có 1.502, thiếu 6 phiếu.

Về sau bí mật điều tra, mới biết 6 người không bỏ phiếu cho Giang là Lâm Bưu, Diệp Quần, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác.

Trong 279 uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Trung ương mới, chỉ có 53 uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Trung ương khoá 8, tức 19%. Nhiều nhà lãnh đạo có công lao nổi bật bị đào thải, nhiều tên cầm đầu phái tạo phản mới vào đảng tham gia Ban chấp hành trung ương.

Trần Bá Đạt thuật lại:

- Chưa đầy một tuần sau Đại hội 9, Mao gọi Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt. Khang Sinh, Tạ Phú Trị đến thảo luận xem cần tiến hành Đại cách mạng văn hoá bao lâu nữa. Chu nêu các vấn đề kinh tế đình đốn, xã hội vô chính phủ, hàng loạt cán bộ bị đánh đổ. Lâm Bưu tán thành ý kiến của Chu, và nói phải phát triển kinh tế, quốc phòng, chỉnh đốn các phe phái trong xã hội. Trần Bá Đạt nói đường lối của Mao đã giành thắng lợi triệt để, cần phát triển kinh tế, đoàn kết số đông. Mao nói: “Cuộc vận động đấu-phê-cải vừa bắt đầu, đấu tranh còn lặp đi lặp lại. Thắng lợi triệt để ư? Có cần cách mạng nữa không? Xem ra hôm nay tôi lại bị thiểu số rồi”. Khang Sinh, Tạ Phú Trị vội vàng tán thành ý kiến của Mao. Chu Ân Lai tự phê bình “lĩnh hội rất kém sự dạy bảo và tư tưởng của Chủ tịch, phải nghiêm túc tổng kết, kiểm điểm, nếu không lại mắc sai lầm”. Mao nói: “Thủ tướng đừng miễn cưỡng kiểm điểm. Trong Đảng có lập trường, quan điểm khác nhau, tôi không ngán đâu”. Rồi Mao bỏ ra ngoài đi bách bộ. Bữa cơm tối dự định giữa Mao và mấy người thế là tan.

Trong mắt Mao, Đại cách mạng văn hoá là quá trình chạy tiếp sức đi tới người kế tục, Lâm Bưu chỉ là chặng đầu, phải từng chặng, từng chặng chuyển cây gậy tiếp sức để cuối cùng tới tay Giang Thanh, thì Đại cách mạng văn hoá mới hoàn thành, và lúc đó mới đặt ra vấn đề xây dựng kinh tế.

Nhưng Lâm Bưu không hiểu ý Mao, gậy tiếp sức vừa đến tay đã muốn ngừng cuộc đua. Vì vậy trong lúc đang diễn ra Đại hội 9, cuộc đấu tranh giữa tập đoàn Giang Thanh và tập đoàn Lâm Bưu, trên thực tế là giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu, đã bắt đầu. Giang Thanh ra sức tâng bốc Lâm Bưu nhằm đổi lấy việc Lâm đề cử Giang vào Thường vụ Bộ chính trị. Nhưng Lâm lại chỉ đề cử Hoàng Vĩnh Thắng. Mao không thể cho phép Lâm có hai phiếu trong Thường vụ Bộ Chính trị, liền gạt cả Giang Thanh và Hoàng Vĩnh Thắng, cuối cùng, Thường vụ chỉ có 5 người: Mao, Lâm. Chu, Trần Bá Đạt, Khang Sinh.

Sau Đại hội 9, để tìm hiểu ý đồ của Lâm, Mao phá bỏ thông lệ không đi thăm cấp dưới, dẫn theo Trương Xuân Kiều đến biệt thự Tô Châu thăm Lâm Bưu. Sau mấy câu hàn huyên, Mao hỏi thẳng: “Tôi già rồi, ông cũng không khỏe, ông chuẩn bị sau này chuyển giao quyền lực cho ai?” Lâm Bưu ngớ người ra.

Sau phút im lặng ngắn ngủi, Mao lại hỏi: “Ông thấy Trương Xuân Kiều thế nào?” Ý thật của câu trên là: “Ông thấy Giang Thanh thế nào?” Lâm Bưu không hiểu câu nói quan trọng nhất này, liền nói vòng vo:

- Vẫn phải dựa vào Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, những người từ nhỏ đã theo Chủ tịch làm cách mạng. Phải đề phòng giai cấp tiểu tư sản nắm quyền.

Đây là bước ngoặt Mao, Lâm chia tay nhau về chính trị.

Gần đây một số học giả cho rằng vụ 13-9 là Mao Trạch Đông ép Lâm Bưu trở mặt. Tôi thấy không thể lật lại vụ án Lâm Bưu. Từ Đại tiến vọt tới Đại cách mạng văn hoá, Lâm Bưu là tội nhân giúp Mao lộng hành. Cuộc đấu tranh giữa Mao và Lâm là mâu thuẫn giữa hai phe phái phong kiến, có kẻ thắng người thua, không có người sai kẻ đúng. Tiếp tục vương triều họ Mao hay thiết lập vương triều họ Lâm đều không phải là cái phúc của nhân dân Trung Quốc, Lâm Bưu phản đối phe Giang Thanh tham gia triều chính đương nhiên là đúng, nhưng Lâm Bưu muốn bồi dưỡng Lâm Lập Quả thành người kế tục, nếu triều đình nhỏ này được thiết lập, Trung Quốc sẽ biến thành Bắc Triều Tiên, sẽ là một nền chuyên chính phát xít ghê gớm hơn. Tập đoàn Lâm Bưu bị đập tan đã loại trừ trở ngại lớn ngăn cản Trung Quốc đi tới nền hiến chính dân chủ, vừa loại bỏ được khả năng thiết lập vương triều họ Lâm, vừa làm suy yếu khả năng kéo dài vương triều họ Mao. Đó là việc có lợi để Trung Quốc tiến tới cải cách, mở cửa, đi tới nền hiến chính dân chủ.

Sau khi cướp quyền trong cả nước, thế lực của tập đoàn Lâm Bưu tăng lên rất mạnh. Trong các ghế lãnh đạo số 1, số 2 ở 29 tỉnh thành trong cả nước, phe Lâm Bưu chiếm 16 ghế. Người thuộc Dã chiến quân thứ 4 (cánh quân của Lâm Bưu) chiếm 54 vị trí trưởng và phó trong các đại quân khu, và chiếm tỉ trọng khá lớn trong Ban chấp hành trung ương khoá 9. Mưu kế được che đậy rất kỹ của Mao Trạch Đông là thiết lập vương triều họ Mao, người kế tục thật sự là Giang Thanh. Lâm Bưu chỉ là cầu thủ “chuyền 2”, giành được bóng từ tay Lưu Thiếu Kỳ là hoàn thành nhiệm vụ.

Lâm Bưu không thấy rõ điều này, sau Đại hội 9 không hộ giá để thiết lập vương triều họ Mao, mà chỉ lăm le kế tục, lập tức trở thành trở ngại lớn ngăn cản Mao Trạch Đông thiết lập thể chế gia đình trị. Mao bắt đầu cuộc đấu tranh nhằm lật người kế tục thứ 2.

Tháng 8-1969, Lâm Bưu dẫn vợ con, Ngô Pháp Hiến và trên 100 nhân viên công tác và cảnh vệ lên thăm lại khu căn cứ Tỉnh Cương Sơn thuộc tỉnh Giang Tây nhằm khoa trương thanh thế, thể hiện phong độ lãnh tụ. Diệp Quần còn bảo Chu Nhạn, một văn nhân được tuyển vào làm việc trong Soái phủ, cùng lên núi để sáng tác thơ văn ký tên Lâm Bưu, nhằm cho thiên hạ thấy “khí chất văn thơ” của Lâm.

Ngày 2-3-1969, bộ đội biên phòng Trung Quốc và Liên Xô xung đột vũ trang trên đảo Trân Bảo (Damansky), chiến tranh lớn giữa hai nước có thế xảy ra bất cứ lúc nào. Mao kêu gọi sẵn sàng chiến đấu. Chi phí chuẩn bị chiến tranh tăng 34% so với năm trước. Lâm Bưu điều chỉnh bộ máy chỉ huy, cử Diêm Trọng Xuyên, nguyên Trưởng phòng tác chiến thời chiến tranh giải phóng làm Trưởng ban tác chiến Bộ Tổng Tham mưu. Có tin trong quân đội Liên Xô có người chủ trương tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, Trung ương ĐCSTQ quyết định sơ tán các nhà lãnh đạo Đảng, Chinh phủ và Quân đội về các tỉnh. Những người bị đánh đổ như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức, Trần Nghị… cũng bị đưa khỏi Bắc Kinh.

Ngày 17-10, Lâm Bưu sơ tán về Tô Châu, sống trong biệt thự Nam Viên sang trọng. Ngày 18, Lâm bảo thư ký qua điện thoại đọc cho Hoàng Vĩnh Thắng bản “mệnh lệnh số 1” gồm 6 điểm nhắc nhở cảnh giác, che giấu vũ khí hạng nặng, tăng sản xuất vũ khí chống tăng, tăng cường chế độ thủ trưởng trực ban, chuyển sang chỉ huy thời chiến… Ngày 19, bản ghi qua điện thoại mệnh lệnh trên được chuyển đến Mao khi ấy đang ở Đông Hồ, Vũ Hán. Đọc xong, Mao sầm mặt không hài lòng, bật một que diêm thiêu trụi. Được tin, Lâm lo lắng mất mấy ngày, thấy mình sơ suất quá. Ngay hôm đó, Lâm lấy giấy viết 2 dòng chữ nội dung như nhau, một treo nơi ở của Lâm, một gửi Diệp Quần “Du du vạn sự, duy thử vi đại, khắc kỷ phục lễ” (đại ý: việc lớn nhất trong muôn việc là phải luôn luôn nhắc nhở mình tôn kính Mao Trạch Đông, không được vượt quyền).

Lâm Lập Quả - con trai Lâm Bưu - sinh năm 1946, tốt nghiệp hệ Vật lý Đại học Bắc Kinh năm 1967. Lâm con chỉ học trong 2 giờ đã huấn luyện chiến sĩ biết lái xe tăng, được Lâm bố biểu dương. Lập Quả cũng đã tham gia thiết kế máy bay tiêm kích phản lực cỡ nhỏ, tổ chức nghiên cứu chế tạo ăngten nhỏ, thiết bị phòng máy bay đâm vào núi, thiết bị bay xuyên mây. Anh ta còn cho bộ đội bạt nửa ngọn núi Hoàng Dương ở bắc Trương Gia Khẩu, để đặt radar kiểu mới hướng về phía Moskva, nghe nói có thể phát hiện ngay mục tiêu, khi Liên Xô phóng tên lửa xuyên lục địa.

Công trình này chưa hoàn thành đã khiến Mao rất vui mừng. Mao khen Lâm Lập Quả là tiểu tướng dám nghĩ, dám làm, tiếp và chụp ảnh với anh ta, làm xôn xao quân chủng Không quân.

Ngày 2-10-1969. Lâm Bưu gặp Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến, trao đổi về năng lực và công việc của Lập Quả.

Nửa tháng sau, Ngô Pháp Hiến công bố lệnh bổ nhiệm Lâm Lập Quả (mới 23 tuổi) làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó ban tác chiến quân chủng Không quân. Tư lệnh Ngô nói: “Chúng ta phải học tập và phục tùng không điều kiện đồng chí Lập Quả. Đồng chí có thể điều động, chỉ huy tất cả những gì thuộc Không quân”. Khi ấy, cháu Mao Trạch Đông là Mao Viễn Tân đã được cử làm Phó Tư lệnh Đại Quân khu Thẩm Dương kiêm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban cách mạng Liêu Ninh. Lâm Bưu và Diệp Quần vội vã đẩy con trai lên vũ đài chính trị.

Ngày 31-7-1970, tại cơ quan trực thuộc Không quân, Lâm Lập Quả đã đọc báo cáo khoảng 70.000 chữ về chủ đề học tập và vận dụng Tư tưởng Mao Trạch Đông. Nhiều quan điểm và tài liệu trong báo cáo này đều rút từ những tài liệu chuẩn bị cho Lâm Bưu làm báo cáo tại Đại hội 9, nên nghe rất kêu.

Ngô Pháp Hiến đánh giá: “Báo cáo của đồng chí Lâm Lập Quả là vệ tinh chính trị do Không quân phóng lên. Đồng chí là thiên tài vĩ đại, đại diện kiệt xuất của lớp người kế tục thế hệ ba”.

Phó Tham mưu trưởng Không quân Vương Phi nói: “Đồng chí Lập Quả không phải cấp trên của tôi về hành chính, nhưng là cấp trên của tôi về chính trị. Nhận ra một lãnh tụ không dễ dàng. Đồng chí Lập Quả có điều kiện của một lãnh tụ, nay nhận ra rồi phải theo suốt đời, dù bão táp mưa sa cũng không lùi bước”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Không quân Chu Vũ Trì nhấn mạnh: “Báo cáo của đồng chí Lập Quả là cái mốc thứ 4 của chủ nghĩa Mác-Lenin (ba mốc trước là Mác-Lê-Mao). Đồng chi Lập Quả là toàn tài, soái tài, siêu tài, là người kế tục thế hệ ba”.

Hai ngày sau, băng ghi âm báo cáo trên đến nay Lâm Bưu. Nghe xong, Lâm vui quá, hết lời khen ngợi: “Tư tưởng giống ta, ngôn ngữ giống ta, giọng nói cũng giống ta!” Có người báo cáo Mao Trạch Đông về tình hình Không quân tâng bốc Lập Quả, kèm theo bản báo cáo trên. Mao cho gọi Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều đến thư phòng, cho đọc những tài liệu trên, rồi nói: “Các vị thấy cả rồi chứ? Người ta đã bắt đầu tâng bốc rồi, tôi còn chưa chết kia mà. Đồng chí Lâm Bưu sức khoẻ kém, có phần vội vã chuẩn bị người kế tục mình. Một đứa trẻ ngoài 20 tuổi được tâng bốc lên thành siêu thiên tài, chẳng phải nó là lãnh tụ tự nhiên của Đảng ta hay sao?”

Bí quyết chung của Lâm Bưu đối với Mao là “ra sức ủng hộ, tuyệt đối phục tùng”. Thật ra Mao không nắm được bằng chứng Lâm Bưu chống Mao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Mao quyết định gài một cái bẫy mở ra cửa đột phá làm suy yếu tập đoàn Lâm Bưu.

Ngày 8-3-1970, Uông Đông Hưng truyền đạt với Bộ Chính trị ý kiến của Mao về họp Quốc hội bầu lãnh đạo nhà nước, sửa đổi hiến pháp, có 3 ý then chốt: Mao dứt khoát không làm Chủ tịch nước; nếu đặt chức Chủ tịch nước, chỉ có Lâm Bưu đảm đương chức vụ này; theo Mao, tốt nhất là không đặt chức Chủ tịch nước nữa.

Mấy ý trên làm khó cho Lâm Bưu. Nếu Lâm không tỏ thái độ, đồng nghĩa với việc Lâm mặc nhận mình đủ tư cách làm Chủ tịch nước; nếu Lâm tán thành không đặt chức Chủ tịch nước, thì trái với hiệp định quân tử Mao-Lâm trước đây, như Lâm sau này nói với những người thân tín: Mao ít nhất đã hai lần nói với Lâm rằng ông ta không muốn làm Chủ tịch Đảng nữa, mà muốn làm Chủ tịch nước để thăm thú đó đây trên thế giới, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc; và Mao muốn Lâm đưa ra kiến nghị này.

Ngày 11-4 từ nơi an dưỡng ở Tô Châu, Lâm Bưu nêu ra 3 ý kiến với Thường vụ Bộ Chính trị:

1. Kiến nghị Mao làm Chủ tịch nước, như vậy phù hợp trạng thái tâm lý trong và ngoài đảng, trong và ngoài nước.

2. Về chức danh Phó Chủ tịch, có thể đặt, có thể không, có thể nhiều, có thể ít.

3. Bản thân Lâm Bưu không thích nghi với chức Phó Chủ tịch.

Ngày 12-4, Mao nhận xét ý kiến trên của Lâm Bưu không thoả đáng. Trong cuộc họp Bộ Chính trị hạ tuần tháng 4, Mao nói trước mặt Lâm Bưu và 4 tướng Hoàng, Ngô, Lý, Khưu: “Tôi không làm Chủ tịch nước, cũng không đặt chức danh Chủ tịch nước. Tôn Quyền khuyên Tào Tháo làm Hoàng đế, Tháo nói Tôn Quyền muốn nướng ông ta trên lò lửa. Tôi khuyên các ông đừng coi tôi là Tào Tháo, và các ông cũng đừng làm Tôn Quyền”.

Trung tuần tháng 7, Diệp Quần nói với Ngô Pháp Hiến:

- Nếu không đặt chức Chủ tịch nước, thì Lâm Phó Chủ tịch ngồi vào đâu?

Thế là trong Uỷ ban sửa đổi hiến pháp xuất hiện hai ý kiến đối lập quanh chức danh Chủ tịch nước, bên “có” đại diện là Ngô Pháp Hiến, bên “không” đại diện là Trương Xuân Kiều. Sau chuyển lên Mao quyết định, Mao nói:

- Lập Chủ tịch nước là hình thức, đừng vì con người cụ thể mà sinh ra việc này.

Sau đó, người của Lâm Bưu lại rơi vào cái bẫy “thuyết thiên tài” của Mao Trạch Đông.

Trần Bá Đạt vốn là người của Giang Thanh, đã có công trong việc đánh đổ Đào Chú. Mao một mặt thừa nhận sự thật đã rồi (đánh đổ Đào Chú), mặt khác lại phê Trần Bá Đạt “Uỷ viên Thường vụ này đánh đổ uỷ viên Thường vụ kia”, khiến Trần Bá Đạt muốn tự sát. Khi Mao truy cứu trách nhiệm về bài xã luận tạp chí Hồng Kỳ số 12-1967, Giang Thanh lại bỏ rơi Trần, khiến ông ta suýt nữa uống thuốc ngủ. Qua hai sự kiện trên, Trần thấy theo Mao-Giang quá nguy hiểm, liền lặng lẽ xa lánh Giang Thanh, móc nối với Lâm Bưu. Diệp Quần cho thư ký mang biếu Trần một sọt cua biển, món ăn khoái khẩu của ông ta. Đúng như lời Diệp Quần “bên trong sọt cua có chính trị”, Trần đã bị lôi kéo. Thế là Lâm Bưu đã có 2 phiếu trong Thường vụ Bộ Chính trị.

Ngày 25-7, Bộ Chính trị thảo luận xã luận chung của “Nhân dân nhật báo”, “Tạp chí Hồng Kỳ” và “Báo Quân Giải phóng” nhân ngày thành lập quân đội 1-8, do Trần Bá Đạt khởi thảo, trong đó câu then chốt nhất là “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là quân đội của nhân dân do lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch đích nhân sáng lập và lãnh đạo, Lâm Phó Chủ tịch đích thân chỉ huy”. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên thêm “Mao Chủ tịch và” vào vế sau, thành “Mao Chủ tịch và Lâm Phó Chủ tịch đích thân chỉ huy”, với lý đó Mao đã nhiều lần nói “lẽ nào người sáng lập không thể chỉ huy quân đội?” Hai bên tranh luận gay gắt quanh vấn đề này. Bốn ngày sau, Chu Ân Lai và Hoàng Vĩnh Thắng xuống Thượng Hải, đến biệt thự thăm Mao. Chu nhắc đến bài xã luận trên. Mao giọng không vui, hỏi Uông Đông Hưng: “Sao chưa làm xong việc này?” Uông nói: “Hai ý kiến khác nhau, Chủ tịch không nói rõ tán thành ý kiến nào, tôi làm sao dám xử lý?” Mao liền nói lấp lửng: “Tôi không tán thành cả hai ý kiến. Người sáng lập không thể chỉ huy, liệu có được không? Người sáng lập cũng không chỉ mình tôi, còn nhiều người nữa”. Chẳng hiểu sao Uông lại hiểu được ý Mao, ngay trước mặt Mao, Chu và Hoàng, ông ta gạch bỏ 4 chữ “Mao Chủ tịch và”, trở lại cách nêu ban đầu của Trần Bá Đạt.

Việc trên khiến Trần Bá Đạt rất đắc ý những người trong Tổ làm việc Quân uỷ Trung ương tâng bốc Trần, ông ta cũng cảm thấy đã lập công cho Lâm Soái phủ. Họ có biết đâu rằng Mao cố tình lùi một bước, dụ địch vào sâu, cho phe Lâm Bưu mở cuộc tấn công lớn hơn, đủ để dẫn đến sự sụp hoàn toàn.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us