Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (23)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (23)

- Tân Tử Lăng — published 06/06/2010 09:43, cập nhật lần cuối 06/06/2010 09:43
Chương 36. Chu Ân Lai - trở ngại mà Giang Thanh không thể vưọt qua - Chương 37. Chu Ân Lai mà người căm ghét, hãm hại: mãi mãi sống trong lòng trăm họ! Lũ bốn tên mà người tin cậy, bảo vệ: nhân dân rủa bay chết sớm đi!


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) (21) (22)


Chương 36. Chu Ân Lai - trở ngại mà Giang Thanh không thể vưọt qua.

Đầu năm 1972, Mao trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo, đã có lúc hôn mê. Sau sự kiện này, sức khỏe của ông không hồi phục được nữa. Khi tình huống nguy cấp đã qua, Mao liền biểu diễn màn kịch “trao quyền bên giường bệnh”, cài bẫy Chu Ân Lai. Theo những người có mặt kể lại: Mao ngoảnh đầu về phía Chu:

- Tôi không qua khỏi được rồi, tất cả dựa vào ông.

Chu nói ngay:

- Sức khỏe của Chủ tịch không có vấn đề lớn, vẫn phải dựa vào Chủ tịch.

Mao lắc đầu:

- Hỏng rồi, tôi không qua khỏi được nữa rồi. Sau khi tôi chết, mọi việc do ông lo liệu.

Giang Thanh đứng bên trợn tròn mất, hai tay nắm chặt, toàn thân như sắp nổ tung.

Chu Ân Lai thu đôi chân lại, tay đặt trên đầu gối, ngồi thông lưng, hơi ngả về phía trước, như đông cứng lại. Những câu nói trên của Mao rõ ràng là trao cho Chu quyền quản lý đảng, chính quyền và quân đội, mà lại nói trước mặt Giang Thanh. Mao nói tiếp:

- Quyết định thế nhé, các người thực hiện đi.

Một con người được tôi luyện về chính trị như Chu Ân Lai tất nhiên không nhẹ dạ tin vào lời hứa trao quyền của Mao như Lâm Bưu. Nếu thật sự muốn trao quyền, Mao phải triệu tập cuộc họp Ban chấp hành trung ương, ít nhất là Bộ Chính trị, tuyên bố trước mọi người, rồi Trung ương ra nghị quyết tương ứng, mới có giá trị. Đóng kịch trước giường bệnh, trước mặt Giang Thanh, lão Mao già dặn kinh nghiệm muốn gì? Chu Ân Lai biết câu trả lời Mao chờ đợi ở ông là “Tôi kiến nghị trong thời gian Chủ tịch lâm bệnh, để đồng chí Giang Thanh làm Quyền Chủ tịch. Tôi sẽ phụ tá đồng chí Giang Thanh như phụ tá Chủ tịch”.

Nếu Chu trả lời như vậy, ông sẽ được Mao cho ngay điểm 10, rồi đưa kiến nghị của Chu vào văn kiện Trung ương, phân phát trong toàn đảng, để chứng tỏ đây là Chu giới thiệu Giang Thanh kế tục, chứ không phải Mao thực hiện gia đình trị. Còn nếu Chu tiếp nhận quyền lực, ông sẽ bị đánh đổ. Chu lựa chọn đáp án thứ ba: lần lữa kéo dài thời gian. Mấy ngày sau, sức khoẻ của Mao ổn định, Chu trịnh trọng nói với Phó Văn phòng Trung ương Trương Diệu Từ:

- Nhờ đồng chí báo cáo Chủ tịch, chúng tôi vẫn làm việc dưới sự lãnh đạo của Người.

Từ khi xảy ra vụ Lâm Bưu, Chu giúp Mao cứu vãn cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ, tiếp đó mở ra cục diện mới trong quan hệ Trung-Mỹ, chỉnh lại hướng đi đúng cho sự phát triển của nước cộng hoà trong tương lai, lập nên công trạng lớn mọi người đều biết. Nhưng Mao lại coi Chu là trở ngại lớn nhất cho việc thiết lập vương triều họ Mao, công lớn không thưởng, mà tăng cường hãm hại. Qua các tư liệu tham khảo của Tân Hoa Xã, Mao lo ngại thấy từ xử lý vụ Lâm Bưu đến đón tiếp Nixon, uy tín của Chu đã vượt mình ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Cộng thêm trước đó Chu không có câu trả lời khiến Mao hài lòng trong màn kịch “trao quyền”, Mao quyết tâm trị Chu.

Ngày 18-5-1972, các bác sĩ phát hiện Chu bị ung thư tế bào thượng bì bàng quang. Các chuyên gia cho bệnh tình còn ở giai đoạn đầu, nếu sớm trị liệu, khả năng khỏi bệnh là 80 đến 90%. Nếu bỏ lỡ cơ hội, để phát triển thành ung thư bàng quang giai đoạn cuối, thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tổ điều trị báo cáo lên Trung ương phương án điều trị sớm. Mấy ngày sau, Uông Đông Hưng truyền đạt chỉ thị 4 điểm của Trung ương, thực tế là của Mao:

1. Phải giữ kín, không cho Thủ tướng và phu nhân biết;

2. Không kiểm tra;

3. Không phẫu thuật;

4. Tăng cường chăm sóc và dinh dưỡng.

Các chuyên gia điều trị biết rằng bỏ lỡ thời cơ điều trị sớm chẳng khác nào để Thủ tướng chờ chết. Họ đề nghị trực tiếp gửi thư trình bày với Mao, nhưng Uông Đông Hưng ngăn lại:

- Các ông phải nghe lời, phải theo luồng tư duy của Chủ tịch. Người đang xem xét vấn đề toàn diện, có thể qua một thời gian tính sau.

Việc điều trị bị buông trôi tới 9 tháng. Đến tháng 2-1973, Chu tiểu tiện ra máu rất nhiều, Diệp Kiếm Anh trực tiếp gặp Mao trình bày, Mao mới miễn cưỡng cho điều trị, nhưng lại hạn chế các biện pháp trị liệu. Thượng tuần tháng 5-1974, tế bào ung thư di căn, Tổ trưởng điều trị Ngô Giai Bình yêu cầu cho nhập viện phẫu thuật, Trương Xuân Kiều thay mặt Mao trả lời không thể tính chuyện phẫu thuật vì “không ai có thể làm thay” công tác của Chu lúc đó.

Cứ dềnh dàng như vậy, mãi đến 1-8, Chu mới được đưa vào Bệnh viện 305 phẫu thuật. Tuy các chuyên gia đã cắt hết mọi chỗ nghi ngờ, vết mổ mau lành, nhưng chỉ 2 tháng sau, Chu lại đi tiểu ra nhiều máu, dấu hiệu tế bào ung thư tiếp tục di căn, và ngày 8-10 phải phẫu thuật lần hai.

Nghe báo cáo, Mao biết rằng những ngày còn lại của Chu không nhiều nữa. “Vấn đề toàn diện” mà Mao xem xét, nói thẳng ra, là cho Chu “đi trước một bước”, để Mao sắp xếp cho phe Giang Thanh nắm quyền. Nếu Mao đi trước, Giang tuyệt đối không phải là đối thủ của Chu. Để thực hiện giấc mơ gia đình trị, Mao Trạch Đông những năm cuối đời tâm lý vô cùng tối tăm, phẩm chất hết sức xấu xa. Ông ta quyết không cho Chu Ân Lai yên tâm dưỡng bệnh, liên tiếp tổ chức ba đòn đả kích Chu. Lần thứ nhất cuối năm 1973, họp Hội nghị Bộ chính trị mở rộng phê phán “đường lối đầu hàng” của Chu. Lần thứ hai phê Lâm, phê Khổng, phê Chu. Lần thứ ba phê truyện Thuỷ Hử, quay lại vấn đề “phái đầu hàng”. Mao muốn làm cho Chu đi nhanh tới điểm tận cùng của cuộc sống trong nỗi sợ hãi, từng bước thực hiện kế hoạch nham hiểm cho Chu “đi trước một bước”. Nguyên nhân và mục đích Mao liên tục tổ chức phê phán Chu Ân Lai đã được gói gọn trong câu Đặng Tiểu Bình góp ý kiến với Chu tại một cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng:

- Vị trí của ông hiện nay chỉ cách Chủ tịch một bước chân, đó là điều những người khác đâu có thể thấy song không tới được, còn ông có thể thấy và có thể tới được, mong ông hết sức cảnh giác điểm này.

Song điều Mao không ngờ tới là những đòn đả kích liên tiếp của ông ta chẳng làm tổn thương được nhân cách vĩ đại và hình ảnh sáng ngời của Chu Ân Lai mà ngược lại, còn tự bôi tro trát trấu vào mặt mình. Từ tháng 6-1974 đến hạ tuần tháng 10-1975 trên thực tế là 17 tháng cuối cùng Chu Ân Lai đảm đương chức vụ Thủ tướng. Trong thời kỳ then chốt này, Chu ứng phó đến cùng với Mao, không để cho chính quyền rơi vào tay “lũ bốn tên”, ngăn chặn âm mưu gia đình trị. Sự kiện ngày 5-4-1976 trên thực tế là một cuộc bỏ phiếu toàn dân “cần Chu Ân Lai. không cần Mao Trạch Đông”, báo trước chiều hướng chính trị của Trung Quốc sau Mao.

Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật lần thứ 4. Chu nắm chặt tay Đặng Tiểu Bình, ráng sức nói lớn trước mặt mọi người: “Đồng chí Tiểu Bình, công tác hơn một năm qua chứng tỏ đồng chí mạnh hơn tôi rất nhiều!” Khi bánh xe lăn tới sát cửa phòng mổ, Chu Ân Lai dùng hết sức bình sinh, lên tiếng cực lực kháng nghị: “Tôi trung thành với Đảng, trung thành với nhân dân! Tôi không phải là phái đầu hàng!” Đứng bên Chu, Đặng Dĩnh Siêu bình tĩnh nói với Uông Đông Hưng: “Đem lời Ân Lai báo cáo Chủ tịch”.


Chương 37. Chu Ân Lai mà người căm ghét, hãm hại: mãi mãi sống trong lòng trăm họ! Lũ bốn tên mà người tin cậy, bảo vệ: nhân dân rủa bay chết sớm đi!

9 giờ 57 phút ngày 8-1-1976, Chu Ân Lai qua đời, nhà cầm quyền công bố thành lập Ban lễ tang gồm 107 thành viên, trong đó có Mao Trạch Đông, Vương Hồng Văn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức… Tuy nhiên, qui cách lễ tang đã bị hạ thấp, với việc lễ vĩnh biệt thi thể lẽ ra phải tổ chức ở Nhà Quốc hội, thì lại làm tại nhà tang lễ bệnh viện Bắc Kinh (mặc dù đây không phải nơi Chu qua đời), việc rắc tro hài cốt được thực hiện trên chiếc máy bay An-2 cũ kỹ chuyên dùng phun thuốc trừ sâu cất cánh từ một sân bay cấp huyện, Mao không dự lễ truy điệu v.v… Tuy nhiên, tình cảm sâu nặng của người dân đối với vị Thủ tướng của họ vượt xa ý muốn của Mao. Hàng triệu người đã tự động đứng hai bên đường tiễn biệt ông từ bệnh viện tới nơi hoả táng. Nhiều cán bộ và dân chúng tự đeo băng đen hoặc hoa trắng để tang ông. Nhiều người cảm thấy như đất dưới chân mình sụt xuống.

Chu Ân Lai sau khi từ trần thanh danh nổi như cồn, trở thành ngọn cờ để toàn đảng, toàn quân, toàn dân đấu tranh tẩy chay âm mưu gia đình trị của Mao.

Ở Bắc Kinh, nhà cầm quyền cấm các đơn vị lập bàn thờ Chu, quần chúng liền phát hiện Đài liệt sĩ trên Quảng trường Thiên An Môn là nơi tưởng niệm lý tưởng nhất. Ngày 19-3, học sinh Trường Tiểu trọc Ngưu Phòng khu Triệu Dương đặt vòng hoa đầu tiên trên Đài liệt sĩ tưởng niệm Thủ tướng Chu. Những ngày tiếp theo, số vòng hoa ngày càng nhiều. Công nhân nhà máy cơ khí hạng nặng Bắc Kinh dùng cần cẩu đưa đến quảng trường một vòng hoa “xé không rách, lay không chuyển” làm bằng thép. Công nhân viên chức Nhà máy 109 thuộc Viện Khoa học Trung Quốc dựng ở phía sau Đài liệt sĩ 4 tấm bia thép lớn, mang 4 dòng chữ chĩa mũi nhọn vào “lũ bốn tên”:

Hồng tâm dĩ kết thắng lợi quả

Bích huyết tái khai cách mạng hoa

Thảng hữu yêu ma phún độc hoả

Tự hữu cầm yêu đả quỷ nhân

(Tạm dịch nghĩa: Trái tim đỏ làm nên thắng lợi, máu đào lại nở hoa cách mạng. Nếu có yêu ma phun lửa độc, tất có người bắt quỷ, trừ ma).

4-4 là tiết thanh minh, tuy có lệnh cấm của chính quyền thành phố, 2 triệu lượt người đã kéo đến Quảng trường Thiên An Môn tưởng nhớ ông Chu, trong đó có đội ngũ trên 1000 công nhân viên chức Nhà máy đồng hồ Thanh Vân, hơn 3.000 công nhân Nhà máy điện cơ Thư Quang. Theo thống kê của Cục Công an Bắc Kinh, riêng ngày 4-4 trên 1.400 đơn vị tham gia tưởng niệm, với 2.073 vòng hoa được đặt quanh Đài liệt sĩ, và vô số thơ, lời điếu, trong đó có 48 vụ “công kích ác độc Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng”.

Tối 4-4, Vương Hồng Văn chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, cho rằng vụ Thiên An Môn là sự kiện phản cách mạng đứng sau là Đặng Tiểu Bình. quyết định dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn, bắt phản cách mạng, tổ chức chiến dịch tố cáo âm mưu của kẻ thù trong cả nước. Khi thảo luận việc tước hết các chức vụ và khai trừ đảng tịch của Đặng, Chu Đức và Diệp Kiếm Anh bỏ ra về, Lý Tiên Niệm im lặng, Hoa Quốc Phong, Trần Tích Liên, Ngô Đức… đề nghị thỉnh thị Mao.

Nghe Mao Viễn Tân báo cáo tình hình, Mao Trạch Đông nói:

- “Như vậy là họ nã súng vào tôi, tưởng nhớ Thủ tướng, hỏi tội Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, tóm lại là muốn lật đổ Đại cách mạng văn hoá”

Chống Chu, phê Đặng, Mao không ngờ lại dẫn đến kết quả này. Mao quá tín vào quyền uy của mình. Sau sự kiện 13-9, chính vì Mao dựa vào Chu, sử dụng Đặng, toàn đảng, toàn quân và toàn dân mới tiếp tục ủng hộ ông ta. Nay Mao bỏ rơi hai người này, định chuyển giao quyền lực cho Giang Thanh, thì toàn đảng toàn quân và toàn dân đều quay lưng lại.

Mao quyết tâm làm theo ý mình cho đến cùng, phê chuẩn đàn áp quần chúng trước Thiên An Môn. 9 giờ 35 phút sáng 5-4, 5 tiểu đoàn cảnh vệ, 3.000 công an, 10.000 dân quân ra tay đàn áp, bắt tại chỗ 38 người, phá huỷ các vòng hoa. Kể cả trước và sau ngày 5-4, có 388 người bị bắt. Sáng 7-5, nằm trên giường bệnh, Mao chỉ thị:

- Tước mọi chức vụ của Đặng Tiểu Bình, giữ lại đảng tịch, Hoa Quốc Phong làm Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất ĐCSTQ.

Mao dặn thêm khi họp Bộ Chính trị chính thức thông qua quyết định trên, không báo Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và Tô Chấn Hoa đến họp, để đảm bảo nghị quyết được nhất trí thông qua.

Ngày 15-6-1976, trong lúc bệnh tình ngày càng nặng, Mao gọi Giang Thanh, Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Uông Đông Hưng, Vương Hải Dung đến nói:

- Đời ta làm hai việc. Một là đấu tranh với Tưởng Giới Thạch mấy chục năm, đuổi Tưởng ra hải đảo; kháng chiến 8 năm, mời người Nhật về nước; đánh đến Bắc Kinh, vào Tử cấm thành. Về việc này, số người có ý kiến khác không nhiều, chỉ có vài người muốn ta sớm thu hồi mấy hòn đảo đó. Việc thứ hai là phát động Đại cách mạng văn hoá, người ủng hộ không nhiều người phản đối không ít. Cả hai việc trên đều chưa kết thúc, di sản này trao lại cho thế hệ sau. Trao lại như thế nào? Không trao được trong hoà bình thì trao trong rối ren, làm không tốt là biển máu. Các người làm ra sao? Có trời biết được.

Khi nói những câu trên, đầu óc Mao hoàn toàn tỉnh táo. Ông ta tổng kết cuộc đời mình, nói đã làm hai việc, một là đánh bại Tưởng Giới Thạch, đuổi người Nhật về nước; hai là phát động Đại cách mạng văn hoá. Có nghĩa là trong 17 năm từ 1949 đến 1965, ông ta chẳng làm gì cả. Ông ta đổ mọi sai lầm trong thời kỳ đó lên đầu Lưu Thiếu Kỳ, từ ba cuộc cải tạo lớn đến Đại tiến vọt, chết đói 37,55 triệu người, thiệt hại 120 tỉ NDT.

Nói một cách thực sự cầu thị, từ năm 1953, Mao đã thực hiện đường lối sai lầm “tả” khuynh với đặc trưng chủ nghĩa xã hội không tưởng, đường lối sai lầm này gây thiệt hại nhiều so với đường lối Lý Lập Tam và Vương Minh. Sai lầm của Lý và Vương chỉ gây thất bại cục bộ, mất vài vạn quân, mất căn cứ địa trong vài huyện, còn sai lầm của Mao làm chết đói 37,55 triệu người. Một lãnh tụ đảng luôn miệng nói giải phóng nhân dân, phục vụ nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân phạm tội ác lớn như vậy, mà lại cự tuyệt nhận sai lầm, không từ chức, lại phát động Đại cách mạng văn hoá, cách chức, đánh đổ, thậm chí dồn vào chỗ chết khoảng trên 80% đảng viên cộng sản chính trực, những người không tán thành cách làm tuỳ tiện của Mao từng có ý kiến bất đồng với ông ta. Nó tàn khốc, vô tình gấp bao nhiêu lần so với đường lối Vương Minh. Nếu đường lối sai lầm “tả” khuynh của Mao không chiếm vị trí chủ đạo, không có việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ “xác lập trật tự xã hội dân chủ mới” năm 1953, không có việc chống Chu Ân Lai hữu khuynh năm 1958, không có Công xã hoá và 3 năm Đại tiến vọt, không có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh Bành Đức Hoài, thì sẽ không gây ra thảm án lớn chưa từng có làm chết đói 37,55 triệu người. Mao Trạch Đông kéo Đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc theo ông ta vật vã trong 1/4 thế kỷ, đến năm 1978 lại quay về chủ nghĩa dân chủ mới, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc đến lúc này mới đi vào quỹ đạo dân chủ mới. Đại diện đường lối đúng đắn của Đảng trong thời kỳ xây dựng phải là những nhà lãnh đạo đã kiên trì đường lối Đại hội 8 Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Trần Vân. Công cuộc cải cách mở cửa hiện nay đã kế thừa và phát trên đường lối đúng đắn đó.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss