Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (3)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (3)

- Tân Tử Lăng — published 16/05/2010 19:12, cập nhật lần cuối 16/05/2010 19:17
Chương 2. Sai lầm của Mao Trạch Đông về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội - Chương 3. Giang Thanh bước đầu tỏ ra lợi hại - Chương 4. Vận dụng thuật cầm quyền của vua chúa


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội


Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2)


Chương 2. Sai lầm của Mao Trạch Đông về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ban lãnh đạo Trung Quốc chưa chuẩn bị đầy đủ về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhược điểm lớn nhất của Mao là “không đọc có hệ thống Tư bản luận, đó là chứng bệnh phổ biến của lãnh đạo cấp cao”. Chịu ảnh hưởng của cố vấn lý luận Trần Bá Đạt, Mao đưa ra quan điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có thể dựa vào phân công để nâng cao năng suất lao động như các công trường thủ công thế kỷ 17. Theo lý luận đó, Mao lãnh đạo toàn dân thực hiện hợp tác hoá, công xã hoá, đại tiến vọt. Trong giai đoạn cách mạng dân chủ, Mao đã sáng tạo con đường nông thôn bao vây thành thị. giải quyết vấn đề các nước tiền tư bản chủ nghĩa công nghiệp chưa phát triển, giai cấp công nhân quá nhỏ yếu làm thế nào tiến hành cách mạng, giành chính quyền, những người cộng sản Trung Quốc và toàn thế giới đều cho rằng đây là sự phát triển trọng đại đối với chủ nghĩa Mác. Nếu trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Mao có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, một bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nên một nước Trung Hoa hùng mạnh, giàu có, văn minh trên biển cả mênh mông của nền kinh tế tiểu nông, thì không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là sự phát triển trọng đại hơn đối với chủ nghĩa Mác. Có hai cống hiến lý luận này, Mao có thể làm lu mờ Stalin, mà sánh vai Lenin, trở thành người thầy và lãnh tụ vĩ đại của Phong trào cộng sản quốc tế. Đến khi phong trào cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã bị nông dân phản kháng tiêu cực, dẫn đến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, Mao vẫn không hiểu vì sao các hợp tác xã nông nghiệp Trung Quốc thế kỷ 20 lại không thể dựa vào phân công tạo ra lực lượng sản xuất mới cao hơn như các công trường thủ công Âu Mỹ thế kỷ 17.

Thật ra, hai hình thái tổ chức sản xuất trên bề ngoài giống nhau, nhưng khác nhau về bản chất.

Làm việc trong các công trường thủ công là những người lao động làm thuê với hai bàn tay trắng. Họ vào đây là tự nguyện, là biện pháp mưu sinh, không có sự lựa chọn nào khác. Nông dân Trung Quốc là những người tư hữu nhỏ có ruộng đất, nông cụ thậm chí cả gia súc kéo, có tư liệu sản xuất và khả năng kinh doanh độc lập, gia nhập hợp tác xã đồng nghĩa với việc họ bị tước đoạt (ngay lập tức hoặc từng bước) tư liệu sản xuất, không được phép giàu lên. Mác coi nông dân, những người làm việc trong ngành chế tạo và thương nhân là sự phân công lớn, tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội, nông dân cá thể nắm trong khái niệm phân công lớn, tức phân công trong nội bộ xã hội, nó khác với phân công trong nội bộ công trường thủ công. Hai sự phân công này khác nhau cả về mức độ và bản chất. Tiền đề của phân công trong công trường thủ công là tư liệu sản xuất tích tụ trong tay một nhà tư bản, nhà tư bản có quyền uy tuyệt đối đối với con người, con người chỉ là một phần trong tổng cơ cấu mà nhà tư bản chiếm hữu. Tiền đề của phân công xã hội là tư liệu sản xuất phân tán trong tay nhiều người sản xuất hàng hoá không dựa vào nhau, họ chỉ thừa nhận quyền uy cạnh tranh, không thừa nhận bất cứ quyền uy nào khác.

Qua nghiên cứu, Trần Bá Đạt nhận thấy xã viên hợp tác xã và công nhân công trường thủ công khác nhau ở chỗ một bên là người tư hữu nhỏ, một bên là người lao động làm thuê hai bàn tay trắng, vậy chỉ cần đẩy nhanh cải tạo XHCN đối với xã viên, cắt bỏ “cái đuôi” người tư hữu nhỏ, biến họ thành công nhân nông nghiệp không có ruộng đất, thành người vô sản từ đầu đến chân, cộng thêm tuyên truyền giáo dục lâu dài trên qui mô lớn, để họ “phá tư, lập công”, thì chắc chắn có thể làm cho các hợp tác xã nông nghiệp tạo ra kỳ tích nâng cao hiệu suất lao động như các công trường thủ công thế kỷ 17, bởi tập thể hoá đẻ ra phân công, phân công sẽ nâng cao hiệu suất. Trần Bá Đạt nói với Mao phát hiện trên. Mao liền gấp rút đẩy nhanh tiến trình “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với nông nghiệp, từ tổ đổi công tới hợp tác xã bậc thấp, từ bậc thấp lên bậc cao, rồi công xã nhân dân, chỉ trong 3 năm đã tách nông dân khỏi ruộng đất, thu lại toàn bộ những ân huệ mà cải cách ruộng đất mang lại cho họ. Theo kế hoạch của Mao Trạch Đông và Trần Bá Đạt, chuyến này nông dân trần như nhộng, chỉ còn mỗi con đường hùng hục làm việc trong các đội sản xuất. Để tạo hiệu quả sản xuất, người ta cho tổ chức “hội thao”, cờ đỏ rợp trời, trống chiêng dậy đất, các tiểu đội “cô gái thép”, “lão Hoàng Trung” ngày đông giá rét bắt xã viên trần đôi vai run rẩy làm việc. Nhưng hình thức tổ chức càng cao, năng suất càng thấp, lương thực làm ra càng ít, xã viên càng nghèo thêm. Mao không ý thức được rằng phong trào hợp tác hoá đã tách rời quần chúng cơ bản ở nông thôn từng theo ông ta làm cách mạng. Động cơ, nguyện vọng của Mao là cao cả, nhưng ông đã cản trở, bóp nghẹt sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nông thôn, chẳng thấy đâu một xã hội thái bình, an khang, thịnh vượng, mà chỉ thấy cảnh nghèo nàn, bệnh phù thủng và đầy rẫy người chết đói. Sự hạn chế của lịch sử và thiên kiến ý thức hệ hẹp hòi khiến Mao vẫn say sưa với cuộc thực nghiệm chủ nghĩa xã hội không tưởng.


Chương 3. Giang Thanh bước đầu tỏ ra lợi hại

Mao Trạch Đông lên làm Chủ tịch nước, Giang Thanh khi ấy 35 tuổi thật sự trở thành đệ nhất phu nhân, nhưng Mao vẫn không cho bà ta xuất hiện trên vũ đài chính trị. Cùng sống ở khu Phong Trạch Viên trong Trung Nam Hải, song mỗi người một phòng, vì Mao đã đam mê những người đàn bà khác.

Mục tiêu lớn của Giang là giữ vững vị trí của mình, muốn vậy, phải góp phần củng cố và phát triển quyền lực tối cao của Mao. Giang đã từng bước thành công trong 20 năm sau đó. Được Mao công khai và ngấm ngầm ủng hộ, Giang đã từ lĩnh vực văn nghệ đi vào chính trị từ phê phán các bộ phim “Chuyện kín trong cung nhà Thanh” (1950), “Truyện Vũ Huấn” (1951), phê phán “Hồng Lâu Mộng” (1953), vụ án Hồ Phong (1955)… giúp Mao loại trừ hoặc kiềm chế các nhà lãnh đạo khác. Mao thỉnh thoảng cũng giả vờ phê bình Giang trên thực tế ngày càng tin cậy, cho đến khi Giang được cử giữ chức Tổ phó thứ nhất Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, có quyền lực thực tế hơn cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng.


Chương 4. Vận dụng thuật cầm quyền của vua chúa

Mọi sai lầm lớn của Mao những năm cuối đời, như giết hại công thần, gây bè phái trong đảng, bám chặt lấy chế độ lãnh đạo suốt đời và gia đình trị, dung túng phe đảng Giang Thanh, đều thuộc thuật cầm quyền của vua chúa.

Từ Đại hội 7 ĐCSTQ (1945), Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai là trợ thủ chủ yếu của Mao. Họ hiểu nhau, nhất trí về tư tưởng và đường lối, phối hợp rất ăn ý, vinh nhục có nhau. Nhưng sau khi vào Trung Nam Hải, mối quan hệ thân thiết ấy dần dần thay đổi. Lưu và Chu ngày càng thấy khó nắm bắt được ý đồ của Mao, ngày càng thấy lo ngại, phải thận trọng giữ gìn từng ly một. Cao Cương phụ trách 3 tỉnh Đông Bắc, là ngôi sao mới nổi lên thời kỳ đầu thành lập CHND Trung Hoa, thuộc phái thân Liên Xô, Mao cần dựa vào ông ta để khai thông quan hệ với Stalin. Tháng 6-1949, khi cùng Lưu Thiếu Kỳ và Vương Gia Tường sang Liên Xô thông báo tình hình và xin viện trợ, Cao Cương đã đề nghị sáp nhập 3 tỉnh Đông Bắc thành nước cộng hoà thứ 17 của Liên Xô. Nhận được báo cáo của Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông nổi giận, gọi Cao Cương về nước ngay.

Nhưng khi họ Cao có mặt tại Trung Nam Hải, Mao lại vỗ về, hứa cho Cao giữ chức Phó Chủ tịch nước. Tiếp đó Mao điều Cao Cương lên trung ương, cử giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, đưa 15 cán bộ cấp cao như Trần Vân, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, Lý Phú Xuân… về Uỷ ban này làm việc dưới quyền Cao Cương.

Trong khi đó, Mao vẫn cho Cao Cương kiêm nhiệm 4 chức vụ chủ chốt ở Đông Bắc (Bí thư thứ nhất đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu). Mao lại cho phổ biến rộng rãi “kinh nghiệm Đông Bắc”, tỏ ra ngày càng không tin cậy Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai… Tất cả những động thái đó khiến Cao Cương lầm tưởng rằng ông ta có vị trí và vai trò đủ để thay thế Lưu Thiếu Kỳ, khi Mao đi theo đường lối thân Liên Xô. Ông ta vẫn mưu toan dựa vào Stalin để củng cố thế đứng cho mình. Cao Cương và bạn đồng minh chủ yếu là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nhiêu Thấu Thạch tưởng đã nắm được ý đồ của Mao, họ trở thành những nhân vật quan trọng trong làn sóng ngầm chống Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai do Mao phát động. Nào ngờ, Stalin vừa qua đời, Mao liền tính sổ họ ngay với vụ án “Tập đoàn chống Đảng Cao Cương - Nhiêu Thấu Thạch”. Mao chẳng những trừ khử Cao-Nhiêu, mà còn làm suy yếu Lưu Thiếu Kỳ-Chu Ân Lai. Thủ đoạn của Mao lợi hại và đáng sợ đến mức các cán bộ cấp cao run rẩy, dù được tin cậy hay bị nghi ngờ, chỉ có tuyệt đối trung thành với Mao mới có thể giữ mình.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss