Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội / Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (9)

Mao Trạch Đông - Ngàn năm công tội (9)

- Tân Tử Lăng — published 23/05/2010 07:06, cập nhật lần cuối 24/05/2010 10:33
Chương 15. Ở chốn vô thanh nghe sấm động - Chương 16. Bành Đức Hoài vì dân lên tiếng.


Mao Trạch Đông ngàn năm công tội



Tác giả: Tân Tử Lăng
Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in 2009
Người gõ: Mõ Hà Nội



Về xem phần: (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8)


Chương 15. Ở chốn vô thanh nghe sấm động

Từ mùa hè 1958 chính quyền và nông dân đã triển khai cuộc đại chiến giành giật lương thực. Do sức ép từ trên xuống, các nơi đều phải khai tăng sản lượng lương thực lên gấp bội.

Dựa vào con số lương thực “tự báo” đó, trên lại giao mức lương thực phải bán cho nhà nước. Cán bộ cơ sở và nông dân đứng trước một thực tế gay gắt: nếu bán lương thực theo chỉ tiêu, thì không còn cái ăn và cũng hết sạch cả hạt giống. Thế là khắp nơi diễn ra chiến dịch nông dân cất giấu lương thực dưới nhiều hình thức: chôn dưới hầm, dưới gốc cây, chân tường, vùi trong thức ăn gia súc, thậm chí chia thành gói nhỏ, cài trong tổ chim trên cây cao, hoặc đặt dưới hố nước tiểu. Các đội công tác được cử xuống nông thôn truy bức nông dân giao nộp lương thực, phát động mọi người tố giác lẫn nhau, nhiều đội trưởng sản xuất đã bị bắt, bị tra tấn cực kỳ dã man, vì đã đứng về phía nông dân trong cuộc cất giấu lương thực này.

Tình hình nghiêm trọng ở nông thôn thông qua mọi con đường truyền vào thành thị, vào quân đội, vào các cơ quan đảng và chính quyền. Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông kêu gọi toàn đảng “nói thật”. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, cán bộ Trường Đảng Giang Tây, Văn phòng Quốc vụ viện, Quân đoàn 42 đã nói thật suy nghĩ của mình. Họ cho rằng “Đại tiến vọt” là bịa đặt, “luyện gang thép” chỉ hao người tốn của, phá hoại qui luật kinh tế xã hội chủ nghĩa, công xã nhân dân là đứa trẻ đẻ non, nhà ăn tập thể không phải nhân tố cộng sản chủ nghĩa, kinh tế căng thẳng kéo dài do sai lầm về đường lối. Theo báo cáo Bí thư tỉnh uỷ Sơn Tây Đào Lỗ Già gửi Mao Trạch Đông, tại hội nghị cán bộ toàn tỉnh, có người nói “cả 10 ngón tay của các ông đều thối rữa rồi, mà vẫn nói 9 ngón còn tốt”, “Trước đây người Nhật đến Trung Quốc thực hiện chính sách “ba sạch” (giết sạch, đốt sạch, cướp sạch), còn công xã nhân dân là chính sách “5 sạch”…

Mao Trạch Đông đã nghe sấm động ầm ầm dưới chân Trung Nam Hải.

Mùa xuân 1959, 15 tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam, Hà Bắc, An Huy… xảy ra nạn đói, trên 25 triệu người không có lương thực. Đến giữa năm 1959, khắp Trung Quốc đầy rẫy người đói khát, tiếng oán hờn thấu tận trời xanh.

Mao quyết định triệu tập Hội nghị công tác tại Lư Sơn. Phần đầu (2-7 đến 1-8) là Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng.

Ngày 2-7, Thường vụ Bộ Chính trị thông qua 18 vấn đề do Mao nêu ra trong hội nghị này, trong đó có vấn đề cán bộ 3 cấp (trung ương, tỉnh, chuyên khu) phải đọc “Sách giáo khoa chính trị kinh tế học Liên Xô”, Mao nhượng bộ đôi chút về đánh giá khuyết điểm (từ chỉ “1 ngón tay” chuyển sang “2,3 ngón tay” có vấn đề), song vẫn khẳng định phải kiên trì đường lối chung, Đại tiến vọt, công xã nhân dân. Mao giao cho Chu Ân Lai chủ trì công việc hội nghị. Các bí thư tỉnh uỷ, Thành uỷ, các Bộ trưởng đều phát biểu theo khuôn khổ Mao đã định sẵn, nói nhiều về thành tích “Đại tiến vọt” chỉ nói sơ qua về khuyết điểm, năm tới cần tiếp tục Đại tiến vọt ra sao. Tại Tổ Tây Nam, Điền Gia Anh nói đến tình hình chân thực ông nắm được khi về điều tra, nghiên cứu ở Tứ Xuyên, liền bị Tổ trưởng Lý Tỉnh Tuyền (Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ Tứ Xuyên) phê bình và ngăn chặn.

Tại Tổ Tây Bắc, Bành Đức Hoài phát biểu 7 lần, có một số lần gay gắt. Để bảo vệ Bành Đức Hoài, khi đưa vào thông báo tình hình thảo luận ở các tổ, Chu Ân Lai và Dương Thượng Côn đã cho “mài bớt các góc cạnh” hoặc lược bỏ.

Bành Đức Hoài không hiểu điều đó, ông quyết định gửi thư cho Mao Trạch Đông.


Chương 16. Bành Đức Hoài vì dân lên tiếng

Mao Trạch Đông ăn không ngon, ngủ không yên trước dòng nước ngầm trong đảng, quân đội và nhân dân phủ định đại tiến vọt và công xã nhân dân. Phải đánh gục một hai nhân vật có trọng lượng mới có thể chặn đứng dòng nước ngầm này.

Chiều 14-7, “Thư gửi Chủ tịch” của Bành Đức Hoài được chuyển đến bàn làm việc của Mao. Ông ta đọc kỹ hai lần, mừng quá, cầm bút lông viết thêm hàng chữ nổi bật: “Ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài”, rồi trao Ban thư ký Hội nghị in phát cho từng người, làm văn kiện hội nghị.

Bức thư gồm hai phần:

A. Thành tích đại tiến vọt năm 1958 là khẳng định.

Thông qua Đại tiến vọt đã cơ bản chứng minh đường lối chung nhiều nhanh, tốt, rẻ là đúng đắn. Trong phong trào toàn dân làm gang thép đã làm thêm nhiều lò cao nhỏ, lãng phí một số tài nguyên và nhân lực, đương nhiên là một tổn thất khá lớn, nhưng đã bước đầu điều tra trên qui mô lớn tình hình địa chất toàn quốc, đào tạo nhiều nhân viên kỹ thuật. Trong phong trào này, đông đảo cán bộ đã được rèn luyện và nâng cao.

B. Làm thế nào tổng kết bài học kinh nghiệm trong công tác

Mâu thuẫn nổi bật chúng ta gặp phải trong công tác xây dựng là tỉ lệ không cân đối dẫn đến căng thẳng trên các mặt.

Tình hình này phát triển đã ảnh hưởng đến quan hệ giữa công nhân và nông dân, giữa các tầng lớp ở thành thị và các tầng lớp ở nông thôn, nên cũng mang tính chính trị, là vấn đề then chốt liên quan đến việc động viên đông đảo quần chúng tiếp tục Đại tiến vọt trong thời gian tới.

Bành Đức Hoài nêu hai vấn đề:

1. Một hiện tượng giả. Mọi người đều cảm thấy vấn đề lương thực đã được giải quyết, nên có thể rảnh tay làm công nghiệp rồi. Nhận thức về phát triển gang thép phiến diện nghiêm trọng, không nghiêm túc nghiên cứu luyện thép, cán thép, than, quặng, thiết bị nghiền quặng, thiết bị luyện cốc, nguồn than, năng lực vận chuyển, lực lượng lao động tăng, sức mua mở rộng, hàng hoá sắp xếp ra sao. Tóm lại, không có kế hoạch cân bằng cần thiết, mắc chứng bệnh chưa đủ thực sự cầu thị. E rằng đây là nguyên nhân gây ra một loạt vấn đề.

Thói huênh hoang, khoác lác tràn ngập các địa phương, các ngành, một số kỳ tích không tin nổi cũng xuất hiện trên báo chí, quả thật đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Đảng.

2- Bệnh cuồng nhiệt tiểu tư sản khiến chúng ta dễ mắc sai lầm tả khuynh. Trong phong trào Đại tiến vọt năm 1958, tôi cũng như nhiều đồng chí khác đã bị mê hoặc bởi thành tích Đại tiến vọt và nhiệt tình của phong trào quần chúng, một số khuynh hướng “tả” phát triển khá mạnh, chỉ muốn một bước lên chủ nghĩa cộng sản, tư tưởng vượt trước người khác từng một dạo chiếm thế thượng phong, quên phắt đường lối quần chúng và tác phong thực sự cầu thị của Đảng được hình thành trong thời gian dài.

Ngày 16-7, Mao gọi Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức đến bàn bạc, quyết định kéo dài hội nghị để bình luận tính chất bức thư của Bành Đức Hoài, đồng thời cho gọi Bành Chân, Hoàng Khắc Thành, Bạc Nhất Ba, An Tử Văn lên Lư Sơn ngay. Đây là 4 nhân vật quan trọng từng phê phán Bành Đức Hoài trước khi họp Đại hội 7. Mao lợi dụng mọi cơ hội, tranh thủ gặp nốt số người cần gặp, đến lúc này, ông ta đã quyết tâm thanh toán Bành toàn diện, từ lịch sử tới hiện thực.

Từ 17 dân 22-7, các tổ thảo luận thư của Bành Đức Hoài.

Nhiều người hoan nghênh, khen Bành thẳng thắn và trung thành, cho rằng thư trên có tác dụng thúc đẩy cuộc thảo luận ở hội nghị này. Cũng có ý kiến nói Bành nên phân tích sâu hơn, và cũng nên thận trọng hơn khi nói về tính cuồng nhiệt “tiểu tư sản” và sai lầm “mang tính chất chính trị”, để tránh hiểu lầm. Riêng nguyên soái Hạ Long cho rằng ý kiến của Bành không xác đáng, thắng lợi năm 1958 là vĩ đại, chỉ có một số sai lầm về phương pháp công tác, và sai lầm này cũng đang được khắc phục. Hạ Long chẳng những phê phán mà còn tố giác Bành Đức Hoài, đây là một tín hiệu cho thấy cuộc đấu tranh phê phán Bành sẽ tiếp tục leo thang.

Ngày 21-7, phát biểu 3 giờ liền tại Tổ Hoa đăng Trương Văn Thiên điểm lại và khẳng định những ý kiến chủ chốt của Bành Đức Hoài trong thư gửi Mao Trạch Đông. Ông nhấn mạnh cần cảnh giác với bệnh kiêu ngạo, tự mãn, và cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong Đảng. Ngay tối hôm đó, Tổ trưởng Tổ Hoa Đông Kha Khánh Thi chạy đến báo cáo Mao: “Đại sự hỏng rồi, nếu Chủ tịch không tỏ rõ thái độ, cán bộ sẽ bị họ lôi kéo hết”.

Mao bước ra khỏi phòng đi bách bộ quanh vườn trúc, trầm ngâm suy nghĩ, 36 kế lướt nhanh trong đầu. Kha Khánh Thi nói đúng, đã đến lúc phất cờ, tổ chức đội ngũ rồi. Mao biết kinh tế quốc dân đã bên bờ vực thẩm, nhân dân đang đói khát, tâm lý bất mãn trong dân chúng đang lan tràn, cán bộ các cấp đều đang truy cứu trách nhiệm cấp trên, công xã oán huyện, huyện oán chuyên khu, chuyên khu trách tỉnh, tỉnh trách trung ương… Lúc này, nếu Chu Ân Lai đứng ra lo liệu thì hay biết mấy, có thể đổ hết lỗi cho Chính phủ. Nhưng cái anh Chu này lại chẳng oán trách nửa lời, chỉ chăm lo chỉnh đốn nền kinh tế đã bị xới tung lên. Nay nhảy ra hai anh Bành Đức Hoài và Trương Văn Thiên, một nắm quân đội, một phụ trách ngoại giao, nói vòng vèo thế nào thì cũng không đến họ phải chịu trách nhiệm về những sai lầm trong xây dựng kinh tế. Ý kiến của họ phản ánh quan điểm của đông đảo cán bộ và nhân dân, đều nói lên tình hình thực tế, có căn cứ, thực sự cầu thị, nhưng nguy cơ cũng xuất phát từ 4 chữ “thực sự cầu thị” này. Một khi quan điểm của họ thống nhất tư tưởng trên dưới, thì vị trí của mình còn giữ nổi không?

Tư duy của Mao tập trung vào một điểm: tình hình hiện nay là chống “tả” hay chống “hữu”? Bành và Trương đòi triệt để uốn nắn sai lầm “tả” khuynh, nêu khẩu hiệu chống “tả”, thuận theo lòng đảng, lòng dân, để cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân thoát khỏi cơn cuồng nhiệt “Đại tiến vọt”, giảm nhẹ gánh nặng và ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất. Nhưng chống “tả” cuối cùng chẳng phải mọi chuyện đều đổ lên đầu mình hay sao? Chẳng lẽ ta rút khỏi vũ đài lịch sử như vậy?

Quyết không thể được! Bảo vệ chiếc ghế “Hoàng đế” của mình cao hơn hết thảy. Các vị vua “hùng tài đại lược” trong lịch sử đều không từ thủ đoạn nào để củng cố ngai vàng của họ. Chu Nguyên Chương hầu như đã giết sạch các công thần giúp ông ta dựng nên nghiệp lớn. Lịch sử xưa nay đều do kẻ thắng viết nên.

Mao Trạch Đông châm tiếp điếu thuốc, bắt đầu một vòng tư duy mới. Phải từ gốc rễ xoay chuyển phương hướng hội nghị và phương hướng toàn đảng, toàn dân. Tình hình hiện nay không chống “tả“, mà phải chống “hữu”, chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, bảo vệ đường lối chung, Đại tiến vọt, và công xã nhân dân. Để bảo vệ ba ngọn cờ hồng này, phải tổ chức đội ngũ tác chiến với phe phản động, dẹp cho bằng được sự phẫn nộ và tâm lý bất mãn đang lan tràn, sau đó, trong công tác thực tế, lặng lẽ uốn nắn những lệch lạc “tả” khuynh.

Xem ra phải hy sinh lão Bành rồi. Một nhân vật tầm cỡ như Bành Đức Hoài - uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái thứ hai, anh hùng đánh thắng đế quốc Mỹ - bị đánh đổ sẽ làm chấn động toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Ai còn nêu chống “tả”, ai còn đề cập đến sai lầm Đại tiến vọt, Công xã hoá, hãy coi số phận Bành Đức Hoài.

Mao đã quyết tâm, khi cần chống “tả”, ông ta chống “hữu” chỉ khác nhau một từ, đã đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc vào chỗ bế tắc không còn khả năng thay đổi, chừng nào ông ta còn sống. Từ đó, Mao không còn đại diện cho lợi ích của nhân dân nữa, đằng sau một chữ khác nhau ấy là hàng trăm triệu sinh linh lầm than, mấy chục triệu người chết đói, vượt qua bất cứ thiên tai, địch họa nào trong lịch sử.

Thêm một ngày đêm Mao suy nghĩ. Sớm 23-7, mọi người được thông báo lên hội trường nghe Mao nói chuyện. Đây là một cuộc tập kích bất ngờ, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức cũng không biết Mao định nói gì. Theo biên bản khoảng 6.000 chữ do Lý Nhuệ ghi, trong cuộc họp trên, Mao thừa nhận tình trạng tỉ lệ mất cân đối, nông nghiệp, công nghiệp, và giao thông đều căng thẳng, thiếu hàng tiêu dùng, nhưng ông nói nhẹ đi rất nhiều. Mao nói tình trạng xa rời quần chúng chỉ là tạm thời, kéo dài trong hai, ba tháng, nay quần chúng vẫn ủng hộ ta, kết hợp với chúng ta rất tốt; bệnh cuồng nhiệt tiểu tư sản có nhưng không nhiều, từ tháng 3, tháng 4 đã kiên quyết uốn nắn, ngăn chặn được “làn sóng cộng sản” tước đoạt của cải và thành quả lao động của người khác. Mao tán thành tích cực tổ chức tốt nhà ăn tập thể theo nguyên tắc tự nguyện tham gia, và tỏ ra hài lòng nếu cả nước duy trì được 30% nhà ăn tập thể. Mao đề xướng cán bộ các cấp học tập chính trị kinh tế học, ai mù chữ thì đọc cho họ nghe. Mao khuyên mọi người chớ dao động trong giờ phút khó khăn này, phát biểu phải chú ý phương pháp, nội dung phải chính xác, mọi người phải thấy rõ trách nhiệm của mình…


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Mao Trạch Đông
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us