Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mưởi câu chuyện ngoại giao (1)

Mưởi câu chuyện ngoại giao (1)

- Tiền Kì Tham — published 09/04/2009 23:42, cập nhật lần cuối 12/04/2009 15:32
Hồi kí của Tiền Kì Tham, nguyên ngoại trường Trung Quốc


Mười câu chuyện ngoại giao (1)



Bình thường hoá 
quan hệ Trung-Xô

Tiền Kỳ Tham

Trần Hữu Nghĩa Dương Quốc Anh dịch

Dương Danh Dy hiệu đính



Bài chúng tôi đăng kỳ này, BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ TRUNG-XÔ, là phần đầu của tập hồi kí của cựu ngoại trưởng Trung Quốc nhan đề NGOẠI GIAO THẬP KÍ (MƯỜI CÂU CHUYỆN NGOẠI GIAO, Thế giới tri thức xuất bản xã, Bắc Kinh 2004). Sách này đã được dịch ra tiếng Anh Qian Qichen : Ten Episodes in China's Diplomacy, Harper Collins. Chúng tôi sẽ lần lượt công bố toàn văn bản dịch của Trần Hữu Nghĩa và Dương Quốc Anh đã đựoc Dương Danh Dy hiệu đính.

Tác giả tập hồi kí này là 钱其琛 (Qian Qichen). Các dịch giả, Bộ ngoại giao và báo chí Việt Nam phiên âm là Tiền Kỳ Tham. Các từ điển chúng tôi tham khảo (Thiều Chửu, Trần Văn Chánh, Nguyễn Văn Khôn, Thương vụ ấn thư quán) đều phiên chữ Sâm, Từ điển Hán Việt hiện đại (nhà xuất bản Thế giới) thì Thâm. Tôn trọng các dịch giả, chúng tôi vẫn giữ cách phiên âm của họ. Còn các tên riêng tiếng Nga, chúng tôi đã chuyển sang mẫu tự Latinh theo cách viết của tiếng Anh như trong nước đã thông dụng.

Tiền Kỳ Tham sinh ngày 5/1/1928 tại Thượng Hải, vào Đảng Cộng sản Trung quốc năm 1942. Sau khi học xong năm 1955, trở thành nhà ngoại giao, từng làm việc tại Moskva và nhiều nước khác, từng là đại sứ tại Guinea, Thứ trưởng Ngoại giao 1982-1988, Bộ trưởng Ngoại giao 1988-1998, Phó Thủ tướng 1993–2003.

Hồi kí của họ Tiền cho thấy rõ hơn nền ngoại giao nước lớn của Trung Quốc và khả năng của Bắc Kinh lợi dụng mâu thuẫn của đối phương, ngay cả trong tình huống Trung Quốc bị cô lập nhất (sau vụ đàn áp Thiên An Môn). Ngược lại, các nhà lãnh đạo Việt Nam đầu thập niên 1990 đã không biết nắm lấy vận hội này để bình thường hoá quan hệ Việt-Trung một cách tốt đẹp hơn. Đối sánh hồi kí của Tiền Kì Tham và hồi kí của Trần Quang Cơ (xem hồ sơ Diễn Đàn), chúng ta càng thấy rõ điều này.

Tháng 5 năm 1985, tôi nhận chức Thứ trưởng Bộ ngoại giao, lúc đầu được phân công phụ trách công việc về Liên Xô, Đông Âu. Lúc đó hai nước Trung - Xô đang ở vào cục diện đối đầu nghiêm trọng : Liên Xô dàn hàng triệu quân tại nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ và trên tuyến biên giới Trung - Xô dài dằng dặc; cuối những năm 70 ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia ; còn xuất quân xâm lược Afghanistan. Những việc đó đã tạo thành tình thế uy hiếp trực tiếp nền an ninh quốc gia của chúng ta.

Tục ngữ có câu “băng đông ba thước không phải do giá lạnh một ngày”. Nếu như không tính sổ cũ, trong 30 năm từ cuối những năm 50 đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hai nước Trung - Xô đã trải qua ba cái “mười năm” : 1959-1969 có thể nói là mười năm tranh luận ; 1969-1979 là mười năm đối đầu ; 1979-1989 là mười năm đàm phán. Trong thời gian này vừa có chiến tranh lạnh cũng đã xảy ra chiến tranh nóng.

Nhưng đầu năm 1982 đã xuất hiện một số dấu vết tế nhị, quan hệ Trung - Xô bắt đầu ấp ủ một sự thay đổi nào đó.

Sự việc phải bắt đầu nói từ ngày 24 tháng 3 năm đó.

Hôm ấy, [Leonid Ilyich] Brezhnev người lãnh đạo Liên Xô đến vùng Trung Á Liên Xô, phát biểu một bài nói dài tại Tashkent thủ đô nước Cộng hoà Uzbekistan, trong đó mặc dù vẫn còn đầy rẫy những công kích Trung Quốc nhưng đã thừa nhận một cách rõ ràng Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, đồng thời biểu thị vui lòng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, kiến nghị hai bên trao đổi ý kiến, sử dụng một số biện pháp mà hai bên đều có thể tiếp nhận nhằm cải thiện quan hệ Trung - Xô.

Đồng chí Đặng Tiểu Bình lập tức chú ý ngay đến những tín hiệu mà bài nói của Brezhnev tại Tashkent truyền đi. Lúc này cuộc hội đàm giữa Trung - Mỹ về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã giành được tiến triển, tuyên bố “17/8” tức là tuyên bố thứ ba trong ba tuyên bố giữa Trung Quốc và Mỹ sắp ký. Có thể nói khuôn khổ mới của quan hệ hai nước Trung - Mỹ đã cơ bản xác lập, thời cơ bắt tay vào cải thiện quan hệ Trung - Xô đang chín muồi.

Phân tích của chúng ta lúc đó là, do Liên Xô xâm lược Afghanistan, phải đeo một gánh nặng, trong phạm vi toàn cầu cuộc tranh giành với Mỹ ngày càng căng thẳng, Liên Xô đã cảm thấy lực bất tòng tâm, không thể không điều chỉnh chiến lược, mà hoà dịu quan hệ với Trung Quốc là một bước đi trọng đại trong đó. Về khách quan đây là một cơ hội để chúng ta điều chỉnh chính sách đối với Liên Xô.

Đồng chí Tiểu Bình gọi điện thoại tới Bộ Ngoại giao, chỉ thị lập tức có phản ứng về bài nói của Brezhnev. Lúc đó Bộ Ngoại giao còn chưa có chế độ họp báo chính thức. Tôi vẫn còn giữ chức Vụ Trưởng Vụ Báo chí và cũng đang suy tính tới việc có người phát ngôn báo chí nên việc này đã thành thời cơ để thiết lập ngay chế độ người phát ngôn.

Cuộc họp báo lần đầu tiên của Bộ Ngoại giao là một cuộc họp báo không có chỗ ngồi. Đó là ngày 26 tháng 3, địa điểm là căn phòng trước của ngôi nhà chính của Bộ Ngoại giao ngày đó. Lúc đó chưa có địa điểm riêng cho các cuộc họp báo, bẩy tám mươi vị phóng viên trong và ngoài nước được mời tham dự, mọi người đều đứng chung quanh tôi. Phiên dịch lúc đó là Lý Triệu Tinh, bộ trưởng Bộ Ngoại giao bây giờ .

Với tư cách là người phát ngôn báo chí đầu tiên của Bộ Ngoại giao, tôi đã đọc một tuyên bố ngắn có ba câu :

Chúng tôi chú ý tới bài nói của Chủ tịch Liên Xô Brezhnev tại Tashkent phát biểu về quan hệ Trung - Xô. Chúng tôi kiên quyết cự tuyệt những công kích Trung Quốc trong bài nói. Trong quan hệ Trung - Xô và công việc quốc tế, cái mà chúng tôi coi trọng là hành động thực tế của Liên Xô.

Sau khi đọc xong tuyên bố, không có đề xuất câu hỏi và cũng không có vấn đề trả lời. Cuộc họp báo đầu tiên đã kết thúc như vậy.

Cuộc họp báo không có tiền lệ và ba câu tuyên bố ngắn gọn đó đã lập tức khiến các phóng viên trong và ngoài nước ở Bắc Kinh hết sức chú ý.

Phóng viên Liên Xô tham dự hội nghị giơ ngón tay cái ngay, nói với tôi ngay tại chỗ : “Ôchên kharasô!” (rất hay), rõ ràng là ông ta đã nghe được ý tứ không bình thường trong đó.

Trong ba câu nói trên, quan trọng là hai từ, một là “chú ý”, một là “coi trọng”. Trên thực tế đó là ý “nghe lời nói, xem việc làm”. Lời nói của anh có thể nghe được, tự nhiên có ý nói, trong câu nói của anh có thành phần hợp lý. Trước đây mọi cái Trung Quốc nói với Liên Xô chỉ là phê phán toàn diện làm gì có chuyện nghe, nói gì đến chuyện “xem việc làm” nữa. Bây giờ muốn “xem việc làm” là muốn đối phương đưa ra hành động thực tế.

Ngày hôm sau, bản tuyên bố ngắn gọn đó được đăng ở vị trí chính giữa trang nhất Nhân dân nhật báo, cho thấy rõ tin tức tuy ngắn nhưng rất quan trọng. Bản tuyên bố cũng nhanh chóng thu hút được sự chú ý rộng rãi trên quốc tế. Năm hãng Thông tấn của phương Tây và giới truyền thông khác cũng đưa tin rầm rộ và phát biểu bình luận. Có tin nước ngoài chỉ rằng đây là một bản tuyên bố thận trọng mà hàm súc, cho thấy trước quan hệ đối kháng Trung - Xô hơn 30 năm có khả năng phát sinh thay đổi, và làm cho cục diện thế giới vì thế mà thay đổi.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, với tư cách là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tôi chủ trì một cuộc họp báo. Nhưng cũng từ đó họp báo của Bộ Ngoại giao trở thành tập quán, mỗi tuần lễ họp một lần. Thế nhưng không họp đứng nữa mà rời đến Câu lạc bộ Quốc tế, các phóng viên có thể ngồi. Sau này Bộ Ngoại giao xây dựng cơ quan mới đã có phòng dành riêng cho họp báo.

Vào một ngày giữa hè, đồng chí Tiểu Bình mời mấy vị lãnh đạo Trung ương và những người lãnh đạo chủ chốt của Bộ Ngoại giao đến họp ở nhà đồng chí, nghiên cứu vấn đề quan hệ Trung - Xô. Các lão đồng chí Trần Vân, Lý Tiên Niệm v.v... đều có mặt, với tư cách là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công việc Liên Xô, Đông Âu tôi cũng được dự thính.

Đồng chí Tiểu Bình đề xuất, phải sử dụng một hành động lớn để chuyền tin cho Liên Xô, tranh thủ có một cải thiện lớn trong quan hệ Trung - Xô, nhưng cải thiện quan hệ Trung - Xô phải có nguyên tắc, điều kiện là Liên Xô phải làm một ít việc mới được. Đó là đề xuất việc muốn Liên Xô chủ động giải quyết “ba trở ngại lớn”, tức là rút quân khỏi biên giới Trung - Xô và Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ ; rút quân khỏi Afghanistan ; khuyên Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.

Mọi người nhất trí với ý kiến của đồng chí Tiểu Bình.

Cuộc tranh luận lâu dài giữa hai nước Trung Xô luôn luôn là tranh luận ai đúng ai sai, chúng ta nói Liên Xô là chủ nghĩa xét lại, Liên Xô nói chúng ta là “chủ nghĩa giáo điều”, giọng điệu của hai bên càng ngày càng cao. Lần này đồng chí Tiểu Bình đề xuất điều kiện cải thiện quan hệ Trung - Xô đã đặt việc giải quyết sự thực hiện vấn đề lên vị trí hàng đầu, trọng điểm đã từ tranh luận về hình thái ý thức chuyển sang suy tính tới lợi ích quốc gia, hiển thị xu hướng điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau này.

Đồng chí Trần Vân nêu ra vấn đề dùng phương thức gì để chuyền tin. Chuyền tin vừa phải khiến đối phương chú ý lại không làm bên ngoài nghi ngờ vô cớ. Nếu mời nhân viên sứ quán đến gặp hoặc cử người đi thăm, sợ rằng lại chính thức quá, mà lúc này giữa Trung, Xô lại không có con đường tiếp xúc nào khác.

Đồng chí Tiểu Bình đề xuất để tránh khỏi những nghi ngờ không đâu của bên ngoài có thể cử vụ trưởng Vụ Liên Xô Đông Âu Bộ ngoại giao dùng danh nghĩa đi kiểm tra công tác sứ quán đến Moskva và đồng thời cũng đến Warszawa. Tất nhiên trạm thứ nhất Moskva là mục đích chủ yếu của chuyến đi đó. Ngày 10 tháng 8, Vu Hồng Lượng, vụ trưởng Vụ Liên Xô Đông Âu lên đường đi Moskva. Trước khi đồng chí ấy lên đường, chúng tôi căn cứ vào chỉ thị của đồng chí Tiểu Bình viết thành một văn bản chuẩn bị trước.

Trước việc vụ trưởng Vụ Liên Xô - Đông Âu của chúng ta đột ngột xuất hiện ở Moskva và hành động đề nghị gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, phía Liên Xô đã có sự coi trọng đặc biệt. Leonid F. Ilychev, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô đã đến sứ quán nước ta tại Moskva theo lời mời, Mikhail S. Kapitsa, Vụ trưởng Vụ Viễn Đông số 1, đã bỏ dở cuộc nghỉ hè, từ biệt thự ở ngoại ô Moskva vội trở về tháp tùng.

Khi gặp mặt, đồng chí Vu Hồng Lượng đã đọc cho đối phương nghe toàn văn văn bản đã chuẩn bị trước dài 1.000 từ, cứ từng đoạn một mà đọc dường như không sai chữ nào.

Trong văn bản đã chuẩn bị trước phía Trung Quốc chỉ ra, tình trạng quan hệ Trung - Xô không bình thường đã tồn tại nhiều năm, nhân dân hai nước Trung - Xô đều không muốn nhìn thấy tình trạng đó tiếp tục tồn tại. Hiện nay là lúc làm một số việc để cải thiện quan hệ Trung - Xô. Tất nhiên không thể một sớm một chiều là giải quyết được vấn đề, nhưng phía Trung Quốc cho rằng chỉ cần hai bên Trung - Xô đều có thành ý giải quyết quan hệ thì hoàn toàn có thể thông qua hiệp thương từng bước thực hiện sự giải quyết công bằng hợp lý. Phía Trung Quốc kiến nghị bắt đầu trước bằng việc Liên Xô khuyên Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, cũng có thể từ giải quyết các vấn đề khác ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, như bắt đầu từ việc giảm bớt lực lượng vũ trang trong vùng biên giới Trung - Xô. Đồng thời với những việc này, hai bên nên suy tính tìm một biện pháp giải quyết mà các bên đều có thể tiếp nhận được để giải quyết vấn đề Liên Xô rút quân khỏi nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ. Phía Trung Quốc cũng hy vọng trong vấn đề Afghanistan có thể tìm tìm được biện pháp giải quyết hợp lý. Tóm lại, chỉ cần hai bên đứng cho cao, nhìn cho xa, có thành ý làm cho hai nước láng giềng lớn khôi phục quan hệ láng giềng hoà thuận, từ chỗ bắt tay giải quyết một, hai vấn đề quan trọng là có thể mở ra một cục diện mới trong quan hệ hai nước. Còn về hình thức trao đổi ý kiến hai bên có thể hiệp thương.

Ilychev nhắm mắt chăm chú lắng nghe. Ông ta là người có quá trình công tác lâu năm, thời kỳ Nikita Khrushchev đã từng làm Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng biên tập báo Izvestia (Tin Tức) và báo Pravda (Sự Thật), phụ trách công tác hình thái ý thức lâu dài. Sau khi Khrushchev bị hạ bệ, ông ta lui khỏi vị trí lãnh đạo Trung ương, hiện đang giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta là một con người vững vàng khoẻ mạnh, xử sự thận trọng, ăn nói cân nhắc từng câu từng chữ, gây cho người ta ấn tượng quá thận trọng mà hơi kém linh hoạt. Sau khi nghe phía ta đọc văn bản đã chuẩn bị trước, những trả lời của ông ta vẫn là những ngôn từ ngoại giao quen dùng. Ông ta nói, cách suy nghĩ của phía Trung Quốc, bất kể là về nội dung hay là về phương thức chủ động đều không thể không dẫn tới chú ý. Đồng thời lại đưa ra những biểu thái cũ, dường như là chưa hoàn toàn phát giác được hàm nghĩa chân thực trong thông tin của phía Trung Quốc. Ngược lại, Kapitsa người thông hiểu Trung Quốc, ngồi bên cạnh lúc đó đã tương đối nhanh nhạy, nắm bắt được cái gì mới trong văn bản chuẩn bị sẵn, biểu thị việc này có thể có tác dụng thúc đẩy tích cực nào đó, rồi nói, vấn đề trọng đại như thế này không phải là mấy người chúng tôi đây có thể giải quyết được, phải báo cáo Bộ Chính trị và lãnh đạo cao nhất.

Sau lần hội kiến này, Vu Hồng Lượng đi sang ngay Warszawa, dùng việc đó để tỏ rõ với bên ngoài rằng chuyến đi này không phải là tới riêng Moskva, đồng thời cũng để thời gian cho phía Liên Xô suy nghĩ và chuẩn bị trả lời.

Ngày 18 tháng 8 khi Vu Hồng Lượng trở lại Moskva gặp lại Ilychev thì thái độ của Ilychev khi nói chuyện đã có thay đổi, giọng điệu hoà dịu hơn nhiều, nói đã báo cáo cách suy nghĩ của phía Trung Quốc lên Trung ương, phía Liên Xô sẽ có trả lời chính thức.

Ngày 20 tháng 8, Malsev, thứ trưởng thứ nhất Ngoại giao Liên Xô đã hẹn gặp đại biện lâm thời Sứ quán nước ta tại Liên Xô, Mã Tự Sinh, để trao Bị vong lục trả lời chính thức, biểu thị Liên Xô vui lòng vào bất kỳ thời gian nào, tại bất kỳ địa điểm nào, với bất kỳ cấp bậc nào cùng phía Trung Quốc thảo luận vấn đề quan hệ hai bên Trung - Xô, nhằm tiện “xoá bỏ trở ngại của bình thường hoá quan hệ”.

Phía Liên Xô cũng đề xuất “xoá bỏ trở ngại”, điều này ăn khớp với cách nêu của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng phản ứng của phía Liên Xô đối với tin tức của phía ta là tích cực. Sau đó đồng chí Tiểu Bình mời tôi và Vu Hồng Lượng đến nhà đồng chí, thân tự nghe báo cáo tỉ mỉ về việc chuyển tin, lập tức quyết định đồng ý mở lại đàm phán Trung - Xô.

Ngày 1 tháng 9 năm 1982 vào đêm trước ngày khai mạc Đại Hôi lần thứ 12 Đảng Cộng sản Trung Quốc, nội bộ hai bên Trung - Xô đã bàn định cử hành cuộc thương thảo chính thức vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước do Đặc sứ chính phủ, cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước dẫn đầu.


Bắt đầu thương thảo


Tháng 10 năm 1982, Trung ương uỷ nhiệm tôi làm Đặc sứ của Chính phủ Trung Quốc tham gia cuộc thương thảo chính trị Trung - Xô. Đối với tôi mà nói đây là một sứ mệnh quan trọng mà lại rất giầu tính chiến đấu. Đặc sứ của Chính phủ Liên Xô cũng là đối thủ đàm phán của tôi vẫn là vị Ilychev đó. Với tư cách là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô chủ quản công việc Châu Phi, Ilychev chưa bao giờ phụ trách công việc Trung Quốc, nhưng ông ta đã cùng bốn vị Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Kiều Quán Hoa, Hàn Niệm Long, Dư Trạm, Vương Ấu Bình trước sau tiến hành cuộc đàm phán về biên giới Trung - Xô và quan hệ quốc gia Trung - Xô lâu tới mười năm, được giới ngoại giao Liên Xô coi là cao thủ đàm phán.

Vòng thương thảo đầu tiên bắt đầu tại Bắc Kinh ngày 5 tháng 10 năm 1982. Vừa bắt đầu chúng tôi đã chuẩn bị tư tưởng đọ sức lâu dài trong thương thảo. Tuân theo lời đồng chí Tiểu Bình về việc bước chuyển trong giao thiệp với Liên Xô không được quá vội, không được vội đạt kết quả ngay, chúng tôi đã định ra phương châm cho lần thương thảo này là đứng vững trên toàn cục chiến lược, kiên trì lập trường nguyên tắc, chú trọng nêu ra yêu cầu Liên Xô nghiêm túc làm một số việc, đình chỉ giúp Việt Nam xâm lược Campuchia, thúc đẩy Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Đồng thời về sách lược, giương ngọn cờ cải thiện quan hệ hai nước và bảo vệ tình hữu nghi giữa nhân dân hai nước Trung - Xô, để duy trì con đường thương thảo.

Vòng thương thảo đầu tiên tiến hành nửa tháng, bắt đầu ngày 5 đến ngày 21 thì kết thúc, tổng cộng tiến hành sáu phiên họp.Trong đàm phán tôi nắm chắc không buông vấn đề xoá bỏ “ba trở ngại lớn”, chỉ ra con đường cơ bản để thực hiện bình thường hoá quan hệ hai nước là ở chỗ hai bên cùng cố gắng, thiết thực làm một số việc nhằm xoá bỏ trở ngại nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển quan hệ hai nước. Xoá bỏ được trở ngại thì con đường đi tới bình thường hoá sẽ thông suốt. Tiến lên theo con đường đó, có thể hy vọng từng bước khôi phục tình hữu láng giềng hữu hảo giữa hai nước.

Còn Ilychev thì nhắc đi nhắc lại nhiều lần nguyện vọng cải thiện quan hệ hai nước, nhưng đã ra sức lảng tránh “ba trở ngại lớn” mà chúng ta đề xuất đồng thời phản bác bạt mạng. Luận điểm của phía Liên Xô cũng chủ yếu có ba cái : một là chỉ trích phía Trung Quốc đặt “điều kiện tiên quyết” cho cuộc thương thảo ; hai là đề xuất bình thường hoá quan hệ Trung - Xô nên “không làm tổn hại lợi ích nước thứ ba” ; ba là rêu rao phía Liên Xô “chưa bao giờ đe doạ Trung Quốc”. Ông ta nhiều lần kiến nghị cùng chế định văn kiện cơ sở về quan hệ Trung - Xô, trước tiên là đạt được hiệp nghị về việc thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ trong các lĩnh vực như kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hoá v.v..

Nhằm thẳng vào việc Ilychev gọi đề xuất xoá bỏ trở ngại của phía Trung Quốc là “điều kiện tiên quyết”, tôi chỉ ra không tồn tại điều kiện tiên quyết nào hết. Chúng tôi đề xuất một số vấn đề nào đó hy vọng được thảo luận không phải là điều kiện tiên quyết. Nếu như trước khi sự việc xảy ra xác định một số vấn đề nào đó có thể đưa ra thảo luận, còn một số vấn đề khác không thể thảo luận thì điều này về khách quan có nghiã là đã đặt điều kiện tiên quyết. Trong quá trình thương thảo, tiến hành thảo luận không hạn chế với mọi vấn đề mới là sự thể hiện của việc không có điều kiện tiên quyết.

Nhằm thẳng vào chủ trương của phía Liên Xô “không làm tổn hại lợi ích bình thường của nước thứ ba”, tôi nói với Ilychev, phía Trung Quốc đề xuất một số vấn đề để thảo luận không phải là có hại mà là có lợi cho lợi ích nước thứ ba mà Liên Xô nói, đồng thời còn có lợi cho việc cải thiện quan hệ của chúng ta với những nước đó. Trong lần phát biểu đầu tiên, Đặc sứ Liên Xô đề xuất, Trung Quốc và Liên Xô là hai nước lớn, quan hệ của hai nước Trung - Xô sẽ ảnh hưởng đến tình hình Châu Á và thế giới. Thế thì trong thương thảo đã liên quan đến nước thứ ba rồi. Vấn đề là ở chỗ, có tổn hại lợi ích của các nước đó, không có lợi cho việc cải thiện quan hệ với những nước đó hay không, hay là có lợi cho lợi ích của những nước này, có lợi cho việc cải thiện quan hệ với các nước này ? Tôi nêu thêm, chỉ nói cải thiện quan hệ Trung - Xô không nên làm tổn hại nước thứ ba rõ ràng là không toàn diện, là một nguyên tắc, chúng tôi chủ trương không làm tổn hại lợi ích mọi nước thứ ba.

Nhằm thẳng vào việc Liên Xô rêu rao không bao giờ đe doạ Trung Quốc, tôi chỉ ra tại biên giới Trung - Xô, tại nước láng giềng Cộng hoà Nhân Dân Mông Cổ và Afghanistan của Trung Quốc, Liên Xô đã đóng một lượng lớn quân đội ; dàn nhiều quân đội được trang bị vũ khí hiện đại ngay trước mặt chúng tôi, tất nhiên là chúng tôi cảm thấy sự đe doạ thực sự và không an ninh nghiêm trọng.

Tôi đặc biệt trình bày có trọng điểm về vấn đề xoá bỏ “ba trở ngại lớn” bắt đầu từ đâu. Tôi nói, người lãnh đạo nước tôi trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ mười hai đã nêu ra môt số trở ngại cản trở quan hệ Trung - Xô bình thường hoá. Không phải ngay một lúc là xoá bỏ được những trở ngại đó. Chúng tôi cho rằng, trước hết nên bắt đầu từ vấn đề Việt Nam rút quân đội khỏi Campuchia, đó là tất yếu, và cũng có khả năng. Đó là vì : thứ nhất, bắt tay từ đó là quan trọng nhất. Nói thẳng ra là, được sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam cho quân đội chiếm đóng Campuchia, không chỉ mang lại cho nhân dân Campuchia tai hoạ nặng nề, mang lại cho nhân dân Việt Nam những đau khổ và hy sinh không đáng có, làm cho hoà bình và ổn định ở vùng Đông Nam Á bị phá hoại bởi ngọn lửa chiến tranh, hơn nữa còn làm cho cảm giác không an ninh của Trung Quốc nặng thêm, làm cho quan hệ Trung - Xô vốn đã xấu biến thành căng thẳng, gay gắt và phức tạp hơn, đặt ra những trở ngại mới cho việc bình thường hoá quan hệ Trung - Xô. Giải quyết một cách nhanh nhất vấn đề Việt Nam rút quân khỏi Campuchia là đòi hỏi cấp bách của việc bảo vệ hoà bình và an ninh Đông Nam Á, là một bước đi có tính then chốt của việc bình thường hoá quan hệ Trung - Xô. Thứ hai, bắt tay từ đây cũng là tương đối hiện thực, khả thi. Mọi người đều biết, tại Vùng Đông Dương, Liên Xô không chỉ làm mỗi một việc giúp đỡ Việt Nam đưa quân vào Campuchia mà thôi. Xem ra phía Liên Xô nên chú ý đến việc chúng tôi không yêu cầu quá nghiêm khắc với phía Liên Xô. Hiện nay, cái mà chúng tôi đề xuất chỉ là muốn Liên Xô dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Ở đây không tồn tại vấn đề Liên Xô rút một người lính nào của mình cả, và cũng chẳng liên quan đến những cái khác cho dù chúng tôi hoàn toàn có thể yêu cầu phía Liên Xô làm một số việc nào đó. Chủ trương hợp tình hợp lý của phía Trung Quốc này nên được phía Liên Xô tích cực hưởng ứng. Mọi người cũng đều rõ Liên Xô có khả năng và biện pháp thúc đẩy Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Nếu phía Liên Xô tỉnh táo cân nhắc lợi, thiệt, nhìn cho xa, đưa ra quyết đoán chính trị đồng thời sử dụng những biện pháp cần thiết thì vấn đề không khó giải quyết.

Còn về việc Liên Xô kiên trì trước tiên hãy bắt đầu từ cùng chế định văn kiện nguyên tắc về quan hệ lẫn nhau giữa Trung - Xô, tôi nói với Ilychev, bình thường hoá quan hệ Trung - Xô không chỉ là chuyện đơn giản công bố một tuyên bố hoặc văn kiện biểu đạt nguyện vọng đó là có thể làm được. Điều này đúng là đã thuyết minh từ thực chất, phía Trung Quốc đã thực sự coi trọng và có thái độ trân trọng đối với việc thảo ra một văn kiện nguyên tắc về quan hệ hai nước. Chúng tôi cho rằng khi cả hai nước đều dùng hành động của mình để chứng minh chúng ta đều trung thành với nguyên tắc chủ trương, đồng thời đều tuân thủ những nguyên tắc đó thì văn kiện nguyên tắc về quan hệ hai nước sẽ bầy ra trước mặt. Dưa chín thì rụng, trăng đến rằm thì tròn. Điều này có nghĩa là văn kiện nguyên tắc của quan hệ hai nước Trung - Xô là sản phẩm của quan hệ hai nước khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, nó nên là cái được qui nạp từ trong thực tiễn của quan hệ hai nước và dùng để chỉ đạo quan hệ hai nước. Vì thế chúng tôi cho rằng nhiệm vụ cấp bách nhất của hai bên trong giai đoạn hiện nay, hay là nói tinh lực chủ yếu của hai bên nên để vào làm một số việc thực tế thiết thực xoá bỏ cản trở phát triển quan hệ hai nước, sáng tạo điều kiện chế định văn kiện quan hệ hai nước trong tương lai.

Trong toàn bộ quá trình thương thảo, hai bên đối đầu gay gắt, tranh luận sắc bén, không khí có lúc rất căng thẳng, hai bên đều chuẩn bị tốt bài nói của mình từ trước, phản bác lẫn nhau. Do chủ quản công tác hình thái ý thức lâu dài, bản thân còn là tiến sĩ triết học, lúc đó đang biên soạn từ điển triết học nên khi phát ngôn không những thái độ của Ilychev cứng rắn mà còn rất có màu sắc lý luận, thích nói trường giang đại hải, gọt câu rũa chữ, nhưng giáo điều mà trống rỗng khiến người ta ngán không chịu nổi. Sau này ông ta đã tặng riêng tôi một cuốn từ điển triết học do ông ta biên soạn thể hiện rõ tri thức của ông. Tất nhiên phía Trung Quốc cũng không hề khách khí với ông, thường trả lời lại với giọng điệu cao, gọi chủ trương của Liên Xô là “trăng dưới nước”, “hoa trong gương”, nhấn mạnh không giải quyết “ba trở ngại lớn” mà muốn cải thiện quan hệ Trung - Xô thì hoàn toàn là chuyện mơ tưởng hão huyền.

Trong thời gian thương thảo, ngoài những cuộc đàm phán chính thức ra, còn có nhiều hoạt động đi chơi tham quan, hai bên có thể trao đổi ý kiến không chính thức. Trong đấu tranh ngoại giao, có một số lời phải nói ở trường hợp chính thức, có một số lời có thể nói ở bên ngoài. Trường hợp chính thức nói những lời chính thức chưa chắc đã quan trọng, mà nói những lời không chính thức trong những trường hợp không chính thức, chưa chắc đã không quan trọng. Ngoài ra trong trường hợp chính thức tranh cãi đủ rồi, ở bên ngoài có thể bớt khách khí đi một chút, có một số tin dù không đưa vào ghi chép nhưng có thể trực tiếp chuyển cho đối phương.

Để tạo cho cuộc thương thảo căng thẳng một chút không khí thoải mái, tôi có ý mời riêng Ilychev và những nhân viên tuỳ tùng của ông cùng đi chơi hồ chứa nước Mật Vân, đến đó hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh đẹp, ăn thức ăn ngon đồng thời gia tăng chuyện trò và tiếp xúc hai bên. Ilychev nói trước đây ông ta đã đến đây rồi, đã ăn cá, nhưng chưa câu cá ở đây. Xem ra ông ta vẫn còn lo lắng sợ chúng tôi dắt ông ta mắc câu. Tuy vậy ông ta đã cám ơn lời mời của tôi, nói như vậy có thể có thời gian cho ông suy nghĩ về những vấn đề trong thương thảo nhằm tiện trả lời chúng tôi.

Hôm đi chơi hồ chứa nước, trời thu trong vắt, gió mát nắng dịu, ngắm nhìn chim bay cá nhẩy lòng người thư thái bao nhiêu. Trong lúc thưởng ngoạn phong cảnh tôi nói với Ilychev, hy vọng phía Liên Xô nên lý giải chính xác ý kiến của phía ta, trong phát ngôn của phía Trung Quốc có cái mới. Ví dụ như, trong vấn đề giảm bớt lực luợng vũ trang của vùng biên giới Trung - Xô là hai bên gánh vác nghĩa vụ. Trong vấn đề Liên Xô rút quân khỏi Mông Cổ, chúng tôi đề xuất nên tìm được biện pháp giải quyết mà các bên đều có thể tiếp nhận. Chúng tôi chỉ yêu cầu Liên Xô thúc đẩy Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, chứ không liên quan đến quan hệ hai bên giữa Liên xô và Việt Nam. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xâm lược Campuchia, không chỉ làm cho tình hình khu vực Đông Dương căng thẳng, hơn nữa còn tạo ra gánh nặng cho Liên Xô. Giải quyết vấn đề này chỉ có lợi chứ không có hại cho Liên Xô, cho Việt Nam. Chúng tôi không hiểu là trong vấn đề này rốt cuộc phía Liên Xô có khó khăn gì.

Ilychev nghiêm chỉnh lắng nghe, rõ ràng là hiểu những lời nói của tôi, biết được lập trường nguyên tắc của phía chúng ta trên vấn đề “ba trở ngại lớn” và con đường có thể giải quyết những vấn đề này. Nhưng ông ta không hề hé miệng mà chỉ nhắc lại lập trường nhất quán của phía Liên Xô đối với vấn đề “ba trở ngại lớn”. Mặc dù như vậy, ông ta vẫn chưa yên tâm, sợ ở đó có “cạm bẫy” gì đó, bị coi là hai bên đã thảo luận vấn đề “ba trở ngại lớn” nên luôn thanh minh “hôm nay là trao đổi ý kiến không chính thức”, kiến nghị sau này “hai bên không được dẫn dùng nội dung lần nói chuyện này” vào trong hội đàm, thương thảo.

Vòng thương thảo chính trị lần thứ nhất của đặc sứ Chính phủ hai nước Trung - Xô là một cuộc chiến ở tiền tiêu nhằm thăm dò lẫn nhau, có thể nói là hai bên tranh cãi không thôi, lật đi lật lại, mỗi bên nói theo ý mình, không có tiến triển lớn. Nhưng cuộc thương thảo lần đó đã khởi động tiến trình bình thường hoá quan hệ hai nước, tiêu chí đã kết thúc thái độ không đối thoại, báo trước quan hệ hai nước từ căng thẳng lâu dài chuyển sang đối thoại lâu dài.


Đánh lâu dài


Vòng thương thảo chính trị lần thứ hai Trung - Xô được cử hành tại Moskva hồi tháng 3 năm 1983. Trong hội đàm, hai bên vẫn bên nào bên nấy nói theo ý kiến của mình như cũ trong việc tìm kiếm thăm dò vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước, về thực chất không hề tìm được bất kỳ tiếng nói chung nào.

Trong thời gian thương thảo, lần hội kiến và giao phong giữa tôi và Andrei Gromyko, ngoại trưởng Liên Xô, rất có ý nghĩa và thú vị. Gromyko giữ chức ngoại trưởng Liên Xô lâu tới 27 năm, từ Stalin đến Konstantin Chernenko, trải qua năm đời lãnh đạo Liên Xô, được người ta gọi là “bất đảo ông” (con lật đật). Ông ta có “bộ mặt của con bài tú lơ khơ” như người phương Tây thường gọi, ngay cả khi nghe người ta nói, mặt cũng không hề có biểu lộ gì. Bất kể là trong trường hợp nào ông ta đều lộ ra vẻ vô cùng cứng nhắc nhưng lại rất hiếu đấu, dường như lúc nào cũng chuẩn bị cùng người khác tiến hành một cuộc giác đấu ngoại giao và cũng được phóng viên phương Tây hình dung là một “ngài luôn nói không”.

Khi hội kiến ông ta đã tiếp nhận chủ trương phản bá và xoá bỏ uy hiếp của phía ta, đã rêu rao một cách khiến người ta kinh ngạc : điểm này có thể trở thành cơ sở quan trọng để hai nước thực hiện bình thường hoá quan hệ. Tiếp đó ông ta chửi người Mỹ một trận, nói người Mỹ không thể tin, lại nói người Mỹ tiến hành cuộc Thập tự chinh mới đối với Liên Xô, Tổng thống Reagan muốn loại bỏ chủ nghĩa xã hội trên toàn cầu, đồng thời còn dùng giọng điệu ông lớn giáo sư nói, Trung Quốc hoàn toàn có thể từ trong chính sách tiêu diệt chủ nghĩa xã hội mà Mỹ đang thi hành rút ra được kết luận là nên thiết lập loại quan hệ nào với Liên Xô hay với Mỹ.

Lúc này ông ta đã cao tuổi, có chút ỷ thế tuổi già, tôi đã trả lời đơn giản nhưng rõ ràng những bàn luận của ông ta. Tôi nói : “Nói về cục diện căng thẳng trên quốc tế, đó là một tồn tại khách quan. Tôi nghĩ cải thiện quan hệ Trung - Xô trong tình hình đó không chỉ phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước Trung - Xô mà cũng phù hợp với lợi ích hoà bình của Châu Á và thế giới. Còn việc nói đến nước Mỹ, sau khi thành lập, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành cuộc đọ sức lâu dài với Mỹ, so với bất kỳ người nào khác chúng tôi đều có tư cách nói chuyện hơn, biết cách giao tiếp với Mỹ như thế nào.” Gromyko đã nhất thời im lặng, lộ ra đôi chút ngượng ngập.

Từ đó, mỗi năm tiến hành hai lần cuộc thương thảo chính trị Đặc sứ Chính phủ hai nước Trung - Xô, cử hành luân phiên tại Bắc Kinh và Moskva. Đó là một cuộc đàm phán marathon, là một cuộc đọ sức của sự dẻo dai và nghị lực. Trước sau chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc, chỉ có loại bỏ trở ngại mới có thể thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung - Xô, dùng phương thức bày sự thực, nói đạo lý phản bác luận điểm không hề thay đổi của phía Liên Xô, phá bỏ ảo tưởng của phía Liên Xô, thúc đẩy Liên Xô trong vấn đề xoá bỏ trở ngại có hành động. Nhưng mãi cho đến tháng 4 năm 1986 khi kết thúc vòng thương thảo thứ tám tại Moskva, hai bên vẫn không hề đạt được bất kỳ tiến triển có thực chất nào trên vấn đề “ba trở ngại lớn”. Thế nhưng thương thảo vẫn cứ tiếp tục nhằm duy trì một con đường kết nối, về khách quan có tác dụng thúc đẩy quan hệ hai bên Trung - Xô.

Hồi tưởng lại thấy thương thảo không có tiến triển cụ thể cũng còn có nguyên nhân khác. Trong thời gian này vận nước của Liên Xô không thịnh, hầu như cứ một hai năm là lại có một người lãnh đạo chết, ba nhà lãnh đạo Brezhnev (ngày 10 tháng 11 năm 1982), Andropov (ngày 9 tháng 2 năm 1984), Chernenko (ngày 10 tháng 3 năm 1985) nối nhau chết vì bệnh. Nghe nói vào cuối đời, mỗi ngày Brezhnev chỉ có thể làm việc một giờ, gọi điện thoại gì đó thôi, không thể nắm công việc một cách bình thường. Andropov kế nhiệm là người thông minh có tài, đã từng làm đại sứ Liên Xô ở Hungari, biết tình hình thế giới bên ngoài muốn làm cái gì đó. Ông đau lòng cảm thấy Chính phủ Liên Xô tràn ngập chủ nghĩa quan liêu, người người đều uống rượu mà không nghiêm túc làm việc, cho rằng uống rượu làm mất nước, ra lệnh cấm rượu, đổi nhà máy nấu rượu thành nhà máy sản xuất nước quả, đồng thời kiểm tra bọn bợm rượu khắp nơi. Nhưng cấm rượu không phù hợp với “tình hình đất nước” của Liên Xô. Bệnh nặng không rời thân, ông chỉ nắm quyền hơn một năm. Chernenko lên nắm quyền, không ngờ ông này bệnh còn nặng hơn, sức khoẻ rất kém thời gian cầm quyền càng ngắn hơn, không làm nổi bất kỳ việc gì.

Người có bệnh trị quốc, lại ba lần đổi chủ, khó có thể làm gì được về đối ngoại, tự nhiên nhất thời không có sức giải quyết vấn đề trọng đại như bình thường hoá quan hệ Trung - Xô.

Điều có ý nghĩa là tiếp xúc giữa hai nước Trung - Xô do ba lần tang lễ của người lãnh đạo Liên Xô mà nâng cao cấp bực.

Sau khi biết tin Brezhnev tạ thế, đồng chí Tiểu Bình lập tức chỉ thị cử Ngoại trưởng Hoàng Hoa làm Đặc sứ của Chính phủ tới Moskva tham dự tang lễ. Đây là hành động không bình thường được sử dụng sau nhiều năm tiếp xúc cao cấp Trung - Xô gián đoạn, ý định là ở chỗ nắm thời cơ làm công tác với phía Liên Xô, thử thăm dò hướng chính sách của lãnh đạo mới Liên Xô đối với Trung Quốc, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Trung - Xô. Sau khi đồng chí Hoàng Hoa đã lên đường, đồng chí Tiểu Bình lại chỉ thị cần phát biểu một bài nói ngắn, không được chỉ đơn giản phê phán Brezhnev một trận, cũng không thể chỉ nói những lời tốt đẹp. Theo ý của đồng chí Tiểu Bình, đồng chí Hồ Kiều Mộc khởi thảo bản dự thảo bài nói. Bài nói nhắc lại quá trình diễn biến của quan hệ Trung - Xô, chỉ ra quan hệ Trung - Xô từ cuối những năm 50 đã từng bước xấu đi, từ cuối những năm 60 trở về sau sự xấu đi này đã đạt đến bước nghiêm trọng. Từ cuối những năm 60 trở về sau là thời kỳ Brezhnev nắm quyền. Ý tứ của câu nói này là Brezhnev có trách nhiệm đối với việc quan hệ Trung - Xô xấu đi nghiêm trọng, nhưng suy tính tới lần hoạt động này là đi viếng, nên không điểm tên. Đồng thời biểu thị tán thưởng bài nói cách đây không lâu của ông ta về việc cải thiện quan hệ hai nước, đó là gửi hy vọng vào lãnh đạo mới Liên Xô đưa ra những cố gắng mới thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung - Xô. Bản thảo này được coi là phát biểu của Hoàng Hoa với phóng viên trước khi rời sân bay Thủ Đô, đồng thời Bộ Ngoại giao lập tức thông báo việc này cho Sứ quán nước ta tại Liên Xô. Ngoại trưởng Hoàng Hoa đến Moskva rồi mới biết là khi rời Bắc Kinh ông còn có một bài nói công khai như vậy.

Lần này Ngoại trưởng Hoàng Hoa gặp người lãnh đạo Liên Xô Andropov và Ngoại trưởng Gromyko. Phía Trung Quốc nhấn mạnh muốn làm cho quan hệ hai nước có sự cải thiện thực sự, Liên Xô cần có những bước đi thực tế về mặt xoá bỏ ba trở ngại, làm trước một, hai việc, Còn phía Liên Xô mặc dù biểu thị vui lòng cải thiện quan hệ hai nước nhưng lại chỉ nhấn mạnh hai bên nên cố gắng làm trước việc qua lại về các mặt như thúc đẩy mậu dịch, khoa học kỹ thuật và văn hoá v.v... Xem ra lãnh đạo mới Liên Xô sẽ tiếp tục xu thế cải thiện quan hệ hai nước bắt đầu từ Brezhnev, và chưa hạ quyết tâm áp dụng bước đi trọng đại.

Sau đó trong hai năm, trước sau tôi đã tháp tùng Phó Thủ tướng Vạn Lý và Phó Thủ tướng Lý Bằng tham gia tang lễ Andropov và Chernenko. Phía Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội tiếp xúc cấp cao một lần nữa có những cố gắng, trong nói chuyện đã có những đánh giá và ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, thúc đẩy phía Liên Xô trong việc thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung - Xô đưa ra những hành động thực tế.

Trong các vòng đàm phán chính thức, hai bên Trung - Xô như người điếc nói chuyện với nhau, hoàn toàn không đâu vào đâu. Mặc dù là cãi cọ lẫn nhau, không đạt được bất kỳ đồng thuận nào, nhưng cãi cọ cũng có ý nghĩa của cãi cọ. Trước tiên là hai bên sẽ hiểu đầy đủ hơn lập trường và quan điểm của mỗi bên ; thứ nữa chính là cãi cọ đã làm cho quan hệ hai bên không căng thẳng thêm.

Tóm lại, cãi cọ tốt hơn so với không có qua lại. Cãi cọ nhiều thì qua lại cũng từ từ nhiều lên. Lúc đó có người hình dung quan hệ hai nước như một sứ quán, một chiếc máy bay, một đoàn xe lửa. Nói quan hệ hai nước chỉ còn lại mấy quan hệ đó, mặc dù duy trì quan hệ ngoại giao, trên trời thông máy bay, dưới đất thông xe lửa nhưng qua lại rất ít. Có lúc từ Liên Xô về nước, cả môt chuyến bay và cả một toa xe đều như trống rỗng chẳng nhìn thấy mấy người. Cùng với sự tiến hành nối tiếp những cuộc thương thảo chính trị Trung - Xô, kinh tế thương mại của hai nước tăng thêm, các loại qua lại khác cũng tăng thêm nhiều, bắt đầu trao đổi lưu học sinh, các đoàn thể đi thăm lẫn nhau.

Giữa khoảng thời gian này, cuối năm 1984, chuyến thăm Trung Quốc của phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Arkhipov, người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc theo lời mời của Phó Thủ tướng Diêu Y Lâm, đã có ý nghĩa đặc biệt, đó là từ cuối những năm 60 đến nay, quan hệ hai nước xấu di nghiêm trọng, Liên Xô cử Đoàn đại biểu cấp bậc cao nhất đến thăm Trung Quốc. Những năm 50 của thế kỷ 20, Arkhipov là tổ trưởng Tổ chuyên gia Liên Xô viện trợ Trung Quốc, có cống hiến cho việc xây dựng kế hoạch năm năm lần thứ nhất của nước ta. Ông hữu hảo với Trung Quốc, trong những năm tháng quan hệ hai nước xấu đi cũng không hề nói xấu Trung Quốc một lời. Trung Quốc đã đón tiếp Arkhipov rất cao, Đặng Tiểu Bình đã tiếp kiến, những bạn cũ đã từng công tác với ông như Trần Vân, Bành Chân và Bạc Nhất Ba v.v.. đều gặp ông. Bạn cũ gặp lại, thấy nhau là mừng, tình cảnh làm người ta vô cùng cảm động.

Còn nhớ để chuẩn bị cho cuộc hội kiến Arkhipov, đồng chí Trần Vân đã mời các đồng chí Diêu Y lâm, Trần Sở và tôi đến nhà đồng chí, bàn bạc rất vui vẻ sôi nổi. Tối hôm đó đồng chí tự tay viết đôi câu đối “Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ ; Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch là : hết núi lại đến sông cứ nghĩ là không còn đường nữa ; bỗng trước mắt lại thấy một thôn cây xanh hoa đẹp) cho người mang đến tặng tôi, dùng câu thơ nổi tiếng đó của Lục Du biểu đạt cảm thụ của mình đối với sự phát triển quan hệ Trung - Xô và kỳ vọng vào triển vọng quan hệ hai nước.

Trong thời gian Arkhipov thăm Trung Quốc, tôi đã tháp tùng ông trong suốt chuyến thăm như tham quan Công ty Dầu mỏ Hoá chất Yến Sơn, Công ty Gang thép Vũ Hán, Cầu lớn qua Trường giang Vũ Hán và đặc khu Thâm Quyến v.v.. Chốc chốc tôi lại nhắc đến một số hạng mục do Liên Xô viện trợ xây dựng và giới thiệu với ông đặc khu Thâm Quyến dưới sự quan tâm trực tiếp của đồng chí Tiểu Bình đã kiên trì cải cách mở cửa thu được lịch sử phát triển làm người ta phải kinh ngạc. Arkhipov đã có ấn tượng cực kỳ sâu sắc trước những thành tựu cải cách mở cửa và sự phát triển như bay của Trung Quốc, chốc chốc lại chân thành ca ngợi đồng thời cũng để lộ ra sự thất vọng và bất mãn đối với hiện trạng xã hội Liên Xô lúc đó.

Trong thời gian thăm Trung Quốc, hai bên đã ký “Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật Trung - Xô” và “Hiệp định thành lập Uỷ ban hợp tác kinh tế thương mại khoa học kỹ thuật Trung - Xô” khiến sự hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật hai nước bị ngừng lại nhiều năm được khôi phục.

Tháng 7 năm 1985, tôi tháp tùng Phó thủ tướng Diêu Y Lâm thăm đáp lễ Liên Xô. Phó thủ tướng Diêu Y Lâm đã hội đàm với Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Arkhipov, hội kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikolai Tikhonov. Hai bên bàn bạc về mặt phát triển hợp tác kinh tế thương mại rất thuận lợi, ký các văn kiện như “Hiệp định Trung - Xô về việc trao đổi hàng hoá và trả tiền năm 1986-1990” v.v.., kim ngạch mậu dịch Trung - Xô đã từ 2,65 tỷ Franc Thụy Sĩ năm 1984 tăng lên 4,6 tỷ Franc Thuỵ Sĩ năm 1985. Hai nước biểu thị sự hài lòng trước sự qua lại của tầng lớp cao cấp và sự tăng trưởng với mức độ lớn về mậu dịch, phía chúng ta đồng thời đã đôn đốc phía Liên Xô có hành động trong vấn đề xoá bỏ “ba trở ngại lớn”, chỉ ra không xoá bỏ trở ngại, việc cải thiện quan hệ là có giới hạn.


Đột phá đàm phán


Làm thế nào đi ra từ trong cục diện cứng nhắc của cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung – Xô ? Phía Trung Quốc kiên trì xoá bỏ “ba trở ngại lớn”, đó là cơ sở cải thiện cơ bản quan hệ hai nước, còn ba vị lãnh đạo Liên Xô, Brezhnev, Andropov và Chernenko, đều lảng tránh cái quan trọng, chú ý cái phụ, ý đồ vòng qua “ba trở ngại lớn” thông qua phát triển hợp tác kinh tế mậu dịch, gia tăng qua lại thực hiện cái gọi là bình thường hoá. Thời kỳ đầu nắm quyền của Gorbachev cũng chưa có ý có bước tiến về phía trước trong vấn đề khắc phục “ba trở ngại lớn”.

Ngày 9 tháng 10 năm 1985 khi tiếp Ceausescu, người lãnh đạo Roumanie thăm Trung Quốc, đồng chí Tiểu Bình chỉ ra, giải quyết vấn đề bình thường hoá quan hệ Trung - Xô, xoá bỏ “ba trở ngại lớn” trước tiên nên bắt đầu từ việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Chỉ cần giải quyết vấn đề này là các vấn đề khác đều giải quyết tốt. Để thúc đẩy quan hệ Trung - Xô giành được đột phá, đồng chí Tiểu Bình lần đầu tiên đề xuất ý tưởng cử hành gặp gỡ cấp cao Trung - Xô. Đồng chí Tiểu Bình nhờ Ceausescu chuyển thư miệng cho Gorbachev : nếu Liên Xô cùng chúng tôi đạt được sự hiểu biết, khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, hơn nữa nếu có thể đạt được điều đó thì tôi vui lòng hội kiến Gorbachev. Đồng chí Tiểu Bình nói, sứ mệnh lịch sử đi thăm nước ngoài của đồng chí tuy đã hoàn thành, nhưng vì vấn đề này đồng chí có thể phá lệ.

Ngày 16 tháng 11 năm 1985 phía Liên Xô trả lời là đã nhận được thư miệng. Ngày 23 phía Liên xô biểu thị, thời cơ Xô Trung gặp gỡ cấp cao và khôi phục quan hệ Đảng đã chín muồi, kiến nghị lãnh đạo cao nhất hai bên gặp nhau ở vùng Viễn Đông Liên Xô hoặc trong vùng biên giới Trung Quốc để thảo luận vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.

Ngày 28 tháng 7 năm 1986, Gorbachev đã có bài phát biểu dài tại thành phố Vladivostok,Viễn Đông, biểu thị Liên Xô vui lòng vào bất kỳ thời gian nào với bất kỳ cấp bậc nào cùng Trung Quốc vô cùng nghiêm túc thảo luận “những biện pháp hơn nữa” nhằm xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện. Ông ta tuyên bố, trước cuối năm này sẽ rút khỏi Afghanistan sáu trung đoàn quân đội Liên Xô, việc rút hết toàn bộ quân đội Liên Xô quyết định bởi việc, sự can thiệp từ bên ngoài có còn tiếp tục hay không, đồng thời để lộ Liên Xô đang cùng Mông Cổ nghiên cứu vấn đề rút một “số lượng tương đối” quân đội Liên Xô, còn biểu thị muốn cùng Trung Quốc thảo luận giảm bớt lục quân ở vùng biên giới Trung - Xô. Đồng thời ông ta cũng nói đến vấn đề Campuchia, rêu rao giải quyết vấn đề Việt Nam – Campuchia quyết định bởi việc quan hệ Trung Việt bình thường hoá, đó là việc của hai bên Trung Việt, Liên Xô chỉ hy vọng Trung Việt khôi phục đối thoại, lại hoà thuận với nhau.

Điều đáng chú ý là ông ta tiếp nhận lập trường mà Trung Quốc giữ trong đàm phán biên giới Trung - Xô, đồng ý phân chia ranh giới sông Amour (Hắc Long Giang) theo đường trung tâm của đường đi an toàn chính trên sông, hy vọng trong tương lai không xa, biên giới sẽ trở thành biên giới hoà bình, hữu hảo.

So với nhiều lần phát biểu của Gorbachev sau khi lên nắm quyền, lần phát biểu này đã hiển thị lập trường của phía Liên Xô đã có sự thay đổi quan trọng.

Trong vấn đề “ba trở ngại lớn” lần này không gẩy lại điệu đàn cũ như “không được đặt điều kiện tiên quyết”, “không làm hại lợi ích nước thứ ba”, “chưa bao giờ đe doạ Trung Quốc”..., không né tránh và có nới lỏng trong vấn đề rút quân khỏi Afghanistan và vùng biên giới Mông Cổ. Trong vấn đề Việt Nam - Campuchia ngôn ngữ cũng tương đối hoà dịu, nói hiện nay là thời cơ có lợi để giải quyết vấn đề.

Do nguyên nhân lịch sử, đoạn biên giới hai nước Trung - Xô tại Hắc Long Giang (sông Amour) từ đời nhà Thanh chỉ đơn giản lấy sông làm ranh giới không phân chia rạch ròi. Liên Xô luôn đứng trên lập trường ngang ngược của Nga Sa hoàng năm đó, rêu rao biên giới Trung Quốc nên được chia tại đường ranh giới trên sông ven bờ sông phía ta. Nếu như vậy thì các hòn đảo trong sông sẽ tự nhiên được quy về phía Liên Xô còn con sông Hắc Long Giang và Ussuri sẽ trở thành nội hà của Liên Xô. Tất nhiên là phía chúng ta không thể đáp ứng. Trung Quốc chủ trương, theo chuẩn tắc quốc tế và thực tiễn quốc tế, nên lấy đường trung tâm của đường đi an toàn trên sông làm đường biên giới quốc gia. Năm 1969, cuộc xung đột đổ máu ở đảo Trân Bảo giữa hai nước Trung - Xô bắt nguồn từ chỗ này. Biểu thái của Gorbachev không thể nói không phải là một thái độ tích cực.

Đồng thời với tư cách là người lãnh đạo Liên Xô lần đầu tiên Gorbachev cũng công khai khẳng định phương châm tiến hành xây dựng hiện đại hoá ở nước ta, biểu thị lý giải và tôn trọng. Ông ta còn đề xuất những ý tưởng cụ thể để mở rộng và đi sâu trong hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật.

Trung ương quyết định nắm chắc thời cơ này, áp dụng đối sách tương ứng, biểu thị thái độ trân trọng hoan nghênh bài nói của Gorbachev, nhưng trên vấn đề “ba trở ngại lớn” không lơi lỏng, tiếp tục duy trì sức ép, đồng thời có những tư thế tích cực, tiếp nhận cách nêu lấy đường trung tâm của đường đi an toàn trên sông, đồng ý khôi phục đàm phán biên giới.

Vì vậy ngày 13 tháng 8, Ngoại trưởng Ngô Học Khiêm hẹn gặp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc Fedotov, đã biểu thị như sau : chúng tôi có sự đánh giá nghiêm túc và coi trọng những ý kiến trình bày trong bài nói của Tổng Bí thư Gorbachev ngày 27 tháng 7 tại Vladivostok về Trung Quốc và quan hệ Trung - Xô. Phía Trung Quốc chú ý đến một số lời nói trong đó mà trước đây chưa hề nói qua, chúng tôi biểu thị hoan nghênh những cái đó. Phía Liên Xô biết rõ lập trường nguyên tắc và chủ trương cụ thể của phía Trung Quốc về việc xoá bỏ “ba trở ngại lớn” để thực hiện bình thường hoá quan hệ hai nước, nhưng khoảng cách trong bài nói của Gorbachev với việc xoá bỏ “ba trở ngại lớn” hãy còn xa, đặc biệt là không nêu ra vấn đề Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, chúng tôi không hài lòng. Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, giải quyết vấn đề Campuchia một cách công bằng hợp lý là vấn đề mà Trung Quốc cảm thấy quan tâm nhất, và cũng là điều then chốt trong những lời nhờ Ceausescu chuyển. Phía Trung Quốc chân thành hy vọng sớm thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung - Xô, hy vọng phía Liên Xô nghiêm túc suy nghĩ ý kiến của phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc biểu thị hoan nghênh tuyên bố của Tổng Bí Thư Gorbachev đoạn phía đông biên giới Trung - Xô lấy đường trung tâm đường đi an toàn trên sông làm ranh giới. Căn cứ vào đó phía Trung Quốc cho rằng vào thời gian thích hợp khôi phục đàm phán biên giới Trung - Xô là thích nghi.

Ngày 2 tháng 9 năm 1986, khi tiếp nhận phỏng vấn truyền hình của phóng viên Mỹ Wallace, đồng chí Tiểu Bình lại một lần nữa bàn về quan hệ Trung - Xô, nhấn mạnh chỉ ra vấn đề Việt Nam rút quân khỏi Campuchia là then chốt trong cải thiện quan hệ Trung - Xô, xoá bỏ xong trở ngại này, ông vui lòng phá lệ đến bất cứ nơi nào ở Liên Xô gặp mặt Gorbachev. Ngày 7 tháng 9 chúng tôi chính thức phát biểu đoạn nói chuyện này ra bên ngoài, công bố lập trường của phía Trung Quốc với thế giới, trên thực tế là trả lời công khai bài nói của Gorbachev tại Vladivostok.


Đi tới bình thường hoá


Để thúc đẩy Liên Xô tiến về phía trước trên cơ sở bài nói của Gorbachev tại Vladivostok, chúng tôi đã làm luôn mấy việc : mời Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ Ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô Talyzin sang thăm Trung Quốc; khôi phục đàm phán biên giới Trung – Xô ; sau đó cử hành vòng thương thảo chính trị Trung - Xô lần thứ mười hai, trọng điểm là đàm phán vấn đề Việt Nam, Campuchia.

Talyzin thăm Trung Quốc tháng 9 năm 1986, trong thời gian thăm hai bên đã thảo luận việc Liên Xô cung cấp tài khoản chính phủ cho chúng ta, hợp tác xây dựng nhà máy nhôm ở Quảng Tây, mở rộng sản xuất nhà máy gang thép Bản Khê, xây dựng đường sắt Tân Cương ; còn thăm dò thảo luận một loạt vấn đề thúc đẩy hợp tác kinh tế mậu dịch hai nước như chung vốn xây dựng nhà máy, mậu dịch đền bù và nhập nguyên liệu gia công, mở rộng mậu dịch biên giới v.v... Talyzin còn thăm dò hỏi han hơn nữa thái độ của chúng ta đối với bài nói của Gorbachev tại Vladivostok. Người lãnh đạo Trung Quốc đã biểu thị, bài nói của Gorbachev có một số mặt đáng hoan nghênh, nhưng cũng chỉ rõ ra rằng trong vấn đề Việt Nam, Campuchia mà Trung Quốc quan tâm nhất thì lại không có ý mới, đốc thúc phía Liên Xô cần phải đưa ra quyết đoán chính trị sớm nhất trong vấn đề then chốt nhất của việc bình thường hoá quan hệ Trung - Xô.

Căn cứ vào kiến nghị của phía Trung Quốc về việc khôi phục đàm phán biên giới, hiệp nghị mà hai Ngoại trưởng Trung - Xô đạt được tại cuộc gặp gỡ ở New York tháng 9 năm 1986, đàm phán biên giới hai nước đã được cử hành tại Moskva tháng 2 năm 1987. Tôi giữ chức Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô là Thứ trưởng Ngoại giao [Igor] Rogachev. Trước đó Trung Quốc và Liên Xô đã trước sau cử hành hai lần đàm phán biên giới, từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1964 và từ tháng 10 năm 1969 đến tháng 6 năm 1978. Trong lần đàm phán thứ nhất hai bên trao đổi bản đồ và đạt được một số đồng thuận miệng về hướng đi của đoạn biên giới phía đông, nhưng chưa ký bất kỳ hiệp định chính thức nào, hội đàm coi như không có kết quả. Tháng 10 năm đó, sau khi Khrushchev bị đổ, nhưng hội đàm biên giới vẫn không được khôi phục. Lần đàm phán biên giới lần thứ hai đã kéo dài 9 năm, hai bên khi thảo luận dự thảo hiệp định duy trì hiện trạng biên giới đã luôn luôn đọ sức kịch liệt xoay quanh vấn đề vùng tranh chấp. Năm 1979 Liên Xô xâm nhập Afghanistan khiến cuộc đàm phán biên giới lần thứ hai giữa đường dừng lại. Bây giờ lần đàm phán biên giới lần thứ ba bắt đầu, bài nói của Gorbachev tại Vladivostok đã công khai lấy đường trung tâm đường đi lại an toàn trên sông làm đường biên giới đoạn phía đông Trung - Xô, đã tiếp nhận lập trường của phía Trung Quốc khiến đàm phán có cơ sở tiến hành trong bầu không khí tương đối tốt.

Tôi chủ trì hai vòng hội đàm tháng 2 và tháng 8 năm 1987, các cuộc hội đàm sau đó do Thứ trưởng Điền Tăng Bồi chủ trì. Trước khi Trung - Xô cử hành gặp gỡ cấp cao, hai bên đã đạt được hiệp nghị nguyên tắc về hướng đi của phần lớn đoạn biên giới phía đông. Tại đoạn biên giới phía tây phức tạp, hai bên cũng thu được ý kiến nhất trí về nguyên tắc chia ranh giới, và đồng ý thành lập Tổ công tác tiến hành cùng chụp ảnh đường đi an toàn trên sông, v. v... Những tiến triển của lần đàm phán thứ ba biên giới Trung - Xô đã giúp làm dịu tình hình đối địch biên giới hai nước, trở thành bộ phận tổ thành của bình thường hoá quan hệ Trung - Xô.

Sau bài nói của Gorbachev tại Vladivostok, Trung - Xô đã cử hành vòng thương thảo chính trị lần thứ chín vào tháng 10 năm 1986, cho đến đêm trước của gặp gỡ cấp cao Trung - Xô, hai nước đã tiến hành nhiều tới 12 vòng thương thảo chính trị. Tôi một mực chủ trì đến vòng thứ mười một. Tháng 4 năm 1988 tôi nhận chức Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu đàm phán biên giới Trung - Xô và Đặc sứ Chính phủ do Thứ trưởng Điền Tăng Bồi đảm nhiệm. Trong bốn vòng đàm phán cuối cùng, phía Liên Xô đã từng bước có biểu hiện linh hoạt trên những vấn đề then chốt cản trở bình thường hoá quan hệ hai nước, không lảng tránh thảo luận vấn đề Campuchia, nhưng lại nói vấn đề này chỉ có thể giải quyết chính trị, sau này lại thừa nhận Việt Nam rút quân khỏi Campuchia là nhân tố quan trọng. Mặc dù phía Liên Xô không hứa thúc đẩy Việt Nam rút quân, nhưng biểu thị sẽ có những cố gắng trong khả năng có thể để xúc tiến tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia. Từ đó có thể thấy sau khi Liên Xô có ý tiến hành co lại chiến lược và quyết định rút quân khỏi Afghanistan, trên cơ sở nhu cầu tự thân cũng đã muốn giải quyết vấn đề Campuchia sớm, so với trước đó thái độ đã thay đổi tích cực.

Trong vòng thương thảo thứ mười hai, phía Liên Xô đề xuất vui lòng cùng phía Trung Quốc thảo luận riêng về vấn đề Campuchia đồng thời đạt được sự hiểu biết. Căn cứ vào tình hình lúc đó, để thúc đẩy Liên Xô gây ảnh hưởng hơn nữa với Việt Nam, chúng tôi quyết định tiếp nhận kiến nghị của phía Liên Xô. Từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 năm 1988 Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi và Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô Rogachev đã có cuộc gặp làm việc tại Bắc Kinh chuyên về vấn đề Campuchia. Cuối cùng hai bên đạt được hiểu biết nội bộ nhất định, tìm được một số điểm chung và chỗ tiếp cận, thế nhưng bất đồng vẫn tồn tại. Cuộc gặp cho thấy rõ lập trường của Liên Xô trong vấn đề thúc đẩy Việt Nam rút quân đã có nới lỏng. Xuất phát từ đòi hỏi nội chính, ngoại giao đúng là phía Liên Xô đã hy vọng vứt bỏ sớm cái balô vấn đề Campuchia, đồng thời nhờ những cái đó cải thiện quan hệ Trung - Xô, thực hiện gặp gỡ cấp cao.

Sau khi kết thúc thương thảo chính trị Trung - Xô, tôi không còn dịp qua lại với Đặc sứ Liên Xô Ilychev, sau này cũng không có dịp gặp lại ông. Sau này nghe nói, vợ ông mất trước, người con trai duy nhất cũng chết trước ông. Đến cuối đời do không người thừa kế, đã mang rất nhiều sách, tranh v. v..., sưu tập suốt đời tặng cho bảo tàng quê hương. Ông mất tháng 8 năm 1990, tôi đã đặc biệt gửi điện chia buồn.


Chuyến đi phá băng


Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12 năm 1988, với tư cách là Ngoại trưởng, đáp lời mời của Ngoại trưởng Liên Xô [Eduard] Shevardnadze, tôi đã thăm chính thức Liên Xô. Đây là lần đầu tiên hơn 30 năm nay, kể từ sau năm 1957, Ngoại trưởng Trung Quốc chính thức thăm Liên Xô, nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn bị cho gặp gỡ cấp cao Trung - Xô.

Trước đó Ngoại trưởng hai nước cũng đã có một số tiếp xúc, nhưng đều là những cuộc hội kiến trong thời gian Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiến hành ở New York. Lần Ngoại trưởng đi thăm này, nếu xét từ thời gian xa cách dài và nhiệm vụ nặng nề, có thể nói là một chuyến đi phá băng.

Tháp tùng tôi cùng đi Liên Xô có Vụ trưởng Vụ Liên Xô Đông Âu Đới Bỉnh Quốc, Vụ trưởng Vụ Báo chí Lý Triệu Tinh, Bộ Ngoại giao lúc đó. Chúng tôi ngồi máy bay của Hàng không dân dụng Trung Quốc, trưa ngày 1 tháng 12 đến Moskva. Ngoại trưởng Shevardnadze ra sân bay đón, cùng ngồi ôtô về nhà khách.

Đoàn chúng tôi có mười người trú tại Nhà khách số 11 Phố Kosygin trên đồi Lenin. Đang lúc trời rất rét, Moskva rơi tuyết lớn, lạnh thấu xương. Phía Liên Xô tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng xét tới những đặc biệt trong quan hệ hai nước và sự phức tạp của hoàn cảnh, tôi và các thành viên chủ yếu trong Đoàn không tiện thương nghị bàn bạc đối sách ở trong phòng, nên sáng sớm đành phải bất chấp gió lạnh dẫm lên những lớp tuyết dầy, đi dạo không ngừng trong sân nhà khách, không thể vận trù trong màn trướng mà đành trù hoạch dưới vòm trời.

Ngày thứ hai sau khi tới Moskva, tôi đến Điện Kremlin hội kiến Gorbachev, Tổng Bí Thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô. Lúc này ông ta vừa đưa ra lý luận “tư duy mới” của mình, gây cho người ta ấn tượng tuổi trẻ có triển vọng. Cũng có thể là vì có “tư duy mới” nên ông ta đặc biệt thích nói, nói rất nhiều, hội kiến tiến hành 1giờ 40 phút. Gorbachev chủ động biểu thị, những sự việc xảy ra trong quá khứ, Liên Xô cũng có sai lầm. Khi nói đến gặp gỡ cấp cao Trung - Xô, ông ta chủ động nêu ra, suy tính tới các loại tình hình, ông chuẩn bị tới Bắc Kinh. Tôi chuyển đến ông ta lời mời của người lãnh đạo Trung Quốc hoan nghênh ông ta đến thăm Bắc Kinh năm 1989, và biểu thị về quan hệ hai nước phía Trung Quốc chủ trương nhìn về tương lai, không vướng víu vì món nợ cũ, nhìn về phía trước, nghiên cứu thảo luận xây dựng quan hệ mới.

Trong thời gian thăm viếng, tôi đã cùng Ngoại trưởng Shevardnadze tiến hành ba lần hội đàm, tổng cộng khoảng sáu giờ rưỡi. Trọng điểm của hội đàm là vấn đề Campuchia.

Về vấn đề Campuchia, hai bên đã khẳng định một số ý kiến nhất trí trong cuộc gặp làm việc Thứ trưởng Ngoại giao Trung - Xô tháng 8 năm 1988 và cuộc gặp của Ngoại trưởng hai nước tại New York, đồng thời mỗi bên trình bày thêm một bước nữa về chủ trương của mình. Tôi chú trọng chỉ ra, quân đội Việt Nam nên rút toàn bộ khỏi Campuchia trước cuối tháng 6 năm 1989, hai bên Trung - Xô nên có chủ trương nhất trí về thời gian biểu rút quân Việt Nam và thúc đẩy họ thực hiện. Đồng thời sau khi Việt Nam rút quân toàn bộ, mọi nước ngoài (bao gồm Việt Nam) đều nên ngừng viện trợ quân sự cho các phái Campuchia, không ủng hộ bất kỳ bên nào gây nội chiến. Về vấn đề nội bộ Campuchia, tôi không bàn sâu, chỉ đơn giản nhắc lại những chủ trương như về việc xây dựng chính phủ Liên hiệp bốn bên do Hoàng thân Xihanúc đứng đầu, đông kết, cắt giảm để đi tới giải tán quân đội các bên, cử bộ đội gìn giữ hoà bình quốc tế, thực hiện giám sát đôn đốc và bảo đảm quốc tế nghiêm nhặt v.v... Phía Liên Xô biểu thị hy vọng giải quyết vấn đề Campuchia sớm nhất, Việt Nam nên sớm rút toàn bộ quân, nhưng cho rằng, Việt Nam rút quân nên là tiến trình song song với việc thành lập cơ chế giám sát đôn đốc quốc tế và bảo đảm quốc tế, không khôi phục những chính sách trong quá khứ của Campuchia, thực hiện việc tiếp tục đối thoại trong nội bộ các phái Campuchia cũng như giữa Đông Dương và các nước Asean, chủ trương sau khi các bên Campuchia đạt được hiệp nghị giải quyết chính trị, tất cả các nước nên lập tức ngừng viện trợ quân sự với bất kỳ bên nào của Campuchia.

Phía Liên Xô không muốn hứa hẹn một cách chắc chắn là thúc đẩy thời hạn rút quân của Việt Nam, nói Liên Xô “không thể ra lệnh cho Việt Nam”, nhưng phía Liên Xô đã chuyển nguyện vọng của phía Việt Nam cùng chúng ta thảo luận trực tiếp vấn đề thời gian biểu, hy vọng Trung Việt trực tiếp đối thoại để tăng nhanh tiến trình giải quyết chính trị. Thấy ý kiến hai bên đã tiếp cận, chúng tôi đề xuất có thể xác định thời gian biểu rút quân của Việt Nam khỏi Campuchia vào khoảng từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 năm 1989. Hai bên đã đạt thành hiệp nghị về việc này.

Kết quả cuối cùng là, tiểu tổ công tác do Ngoại trưởng hai nước cử ra trải qua thương thảo nhiều lần, bằng phương thức “cùng ghi chép” về vấn đề Campuchia hai bên đã đạt được sự hiểu biết nội bộ, và được tôi và Shevardnadze xác nhận. Nội dung hạt nhân là : hai bên Trung - Xô chủ trương giải quyết chính trị vấn đề Campuchia một cách công bằng hợp lý, sớm nhất, hai bên hy vọng quân đội Việt Nam tận khả năng trong thời gian ngắn nhất, ví dụ như trong nửa cuối năm 1989 chậm nhất là trước cuối năm 1989, rút toàn bộ khỏi Campuchia, hai bên Trung - Xô biểu thị vui lòng có cống hiến của mình, nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu nói trên.

Tôi và Shevardnadze còn thảo luận về các vấn đề như đóng quân của Liên Xô tại Mông Cổ, cắt giảm quân đóng ở vùng biên giới hai nước, đàm phán biên giới v.v… và cũng thu được một số tiến triển.

Ngày 2 tháng 2 năm 1989, Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze thăm đáp lễ Trung Quốc, mục đích là để chuẩn bị cho gặp gỡ cấp cao. Tôi cùng ông ta cử hành hai lần hội đàm, trọng điểm vẫn là thảo luận vấn đề Campuchia. Tôi tiếp nhận kiến nghị của phía Liên Xô, đồng ý tiếp tục thảo luận trên cơ sở hai lần “ghi chép chung” đã đạt được, và công khai phát biểu một tuyên bố về vấn đề Campuchia, khái quát thuật lại chủ trương nhất trí của Trung - Xô về việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Tuyên bố này cùng với thời gian cử hành gặp gỡ cấp cao sẽ coi như là một hiệp nghị cả gói cùng phát biểu.

Sau khi hai bên đã bàn bạc xong thời gian Gorbachev thăm Trung Quốc, phía Liên Xô đột ngột giở mánh khoé, lật lọng biểu thị không muốn phát biểu hiệp nghị mà hai bên đã đạt được, mà chỉ tuyên bố thời gian Gorbachev thăm Trung Quốc. Ngày 3 tháng 2, Shevardnadze đến Thượng Hải. Ngày hôm sau, đồng chí Tiểu Bình tiếp kiến ông ta. Đêm khuya, thái độ phía Liên Xô trở nên càng cứng rắn hơn, không đồng ý phát biểu tuyên bố chung về vấn đề Campuchia.

Đối mặt với sự ép buộc của phía Liên Xô, chúng ta lập tức phản kích. Sáng sớm ngày 4, chúng tôi thông tri cho phía Liên Xô, xét thấy sự bất đồng giữa hai bên tương đối lớn, đồng ý tạm thời không công bố tuyên bố chung về vấn đề Campuchia nhưng đồng thời cũng không tuyên bố trước thời gian gặp gỡ cấp cao Trung - Xô cử hành vào tháng 5 mà hai bên đã bàn bạc và xác định.

Trước khi đồng chí Tiểu Bình hội kiến Shevardnadze, tôi đã báo cáo với đồng chí tình hình lập trường thụt lùi của phía Liên Xô trong vấn đề Campuchia, đồng thời cũng kiến nghị tạm thời chưa công bố thời gian gặp gỡ cấp cao Trung - Xô, hai bên tiếp tục thương thảo. Đồng chí Tiểu Bình biểu thị “thời gian gặp gỡ cấp cao Trung - Xô không thể thay đổi, thế nhưng hôm nay tôi không nói thời gian đi thăm, điều này do các anh đàm phán.”

Khi vừa bắt đầu hội kiến, Shevardnadze đã biểu thị với đồng chí Tiểu Bình, “Gorbachev kiến nghị thăm Trung Quốc từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 5 năm 1989, ngày hôm qua tôi đã cùng Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham bàn vấn đề này”. Dụng ý của ông ta rõ ràng là trước tiên mời đồng chí Tiểu Bình xác nhận thời gian gặp gỡ cấp cao, khiến cho việc này trở thành sự thực đã định, để từ đó vòng qua vấn đề Campuchia, lại ép phía Trung Quốc nhượng bộ.

Đồng chí Tiểu Bình lập tức đưa ra phản ứng, nói “đàm phán của hai vị Ngoại trưởng các ông còn chưa kết thúc, hy vọng các ông tiếp tục làm việc, thời hạn do các ông bàn bạc xác định, tôi nghe sự chỉ huy của các ông.”

Tiếp đó trong nói chuyện đồng chí Tiểu Bình một lần nữa nhấn mạnh tính quan trọng của việc sớm giải quyết vấn đề Campuchia.

Nhìn thấy dự tính của mình chưa thể thực hiện, Shevardnadze đành biểu thị vấn đề Campuchia có thể tiếp tục thảo luận.

Trưa ngày 4, trên máy bay trở về Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao hai nước lại tiến hành trao đổi ý kiến, nhưng vẫn giằng co không thôi. Shevardnadze vốn định sau khi đến sân bay là lập tức chuyển máy bay bay về Pakistan, nhưng sau khi đến Bắc Kinh đã về ngay sứ quán Liên Xô,và lùi đi lùi lại mãi thời gian rời Bắc Kinh. Tôi sử dụng biện pháp đợi ở sân bay, kiên trì yêu cầu sau khi hai bên đạt được hiệp nghị đồng thời công bố tuyên bố chung và thời gian Gorbachev thăm Trung Quốc. Đợi mãi dến lúc trời tối, Shevardnadze mới tới sân bay, chúng tôi tiến hành cuộc gặp cuối cùng trong phòng chờ của sân bay. Tôi biểu thị, chuyến thăm của ông là thành công, hội đàm của hai bên, cũng như hội kiến với người lãnh đạo Trung Quốc đều có thành quả, nhưng không nên lật lọng lời nói và việc làm, cần phải biết là quan hệ hai nước chúng ta còn chưa bình thường ! Công bố tuyên bố chung là kiến nghị do phía Liên Xô đề xuất, chúng tôi đồng ý, tiểu tổ công tác của hai bên cũng đã làm một khối lượng công việc rất lớn. Xuất hiện tình hình như thế này là ngoài dự liệu của chúng tôi. Việc này vốn là sự giở trò của Shevardnadze, nay thấy không thể thu dọn được sự việc, liền vội tỏ ra oán trách Rôgachốp không biết làm việc, đồng thời lại tố khổ với tôi, nói phía Liên Xô trong khi dính líu đến vấn đề Campuchia đúng là có chỗ khó khăn, sự tình phức tạp. Thấy tôi không có hành động gì, cuối cùng ông ta không thể không đồng ý để lại hai vị Vụ trưởng, tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc, còn mình thì lên máy bay về trước.

Ngày hôm sau, sau khi tiểu tổ công tác của hai bên làm việc suốt đêm, đã đạt được hiệp nghị. Ngày 6 tháng 2, hai bên đồng thời công bố Tuyên bố về vấn đề Campuchia và thời gian Gorbachev thăm Trung Quốc. Hôm đó vừa đúng là ngày mồng một tháng giêng âm lịch.

Năm năm sau, tôi đi thăm Georgia và đã gặp Shevardnadze ở đó. Lúc này ông đã là Tổng thống nước Cộng hoà Georgia. Tôi được tiếp đón rất cao, ông thân tự mở tiệc chiêu đãi và ra sân bay tiễn, so với những năm ở Moskva nhiệt tình hơn nhiều.


Gặp gỡ cấp cao


Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 5 năm 1989, tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao Liên Xô Gorbachev đã chính thức thăm Trung Quốc theo đúng thời hạn.

Hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước Trung - Xô đã chứng kiến những cố gắng của mấy thế hệ người, đã trải qua thử thách của máu và lửa, đầy những gập ghềnh quanh co và thay đổi kịch tính. Năm 1954, lần đầu tiên đến Liên Xô, tôi còn là một thanh niên 26 tuổi, trước sau đã trải qua gần mười năm sinh hoạt ngoại giao tại Liên Xô ; rồi với tư cách là Đặc sứ đã tham gia những cuộc thương thảo chính trị Trung - Xô lâu tới bẩy năm, trong đó có nhiều đêm không ngủ. Hôm nay cuối cùng đã được đón giờ phút quan trọng mà nhân dân hai nước chờ đợi đã lâu gặp gỡ cấp cao Trung - Xô, trong lòng không thể không kích động khác thường.

Cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Trung - Xô là sự kiện trọng đại được mọi người chú ý. Về nghi lễ tiếp đón lần di thăm này của Gorbachev, đồng chí Tiểu Bình yêu cầu trong xắp xếp phải nghiên cứu cho thích hợp, khi gặp mặt “chỉ bắt tay, không ôm hôn” lời nói đơn giản chỉ có sáu chữ nhưng biểu đạt không chỉ là vấn đề nghi lễ giản đơn mà là đã khái quát một cách chuẩn xác tính chất quan hệ Trung - Xô lúc đó, phác hoạ một cách hình tượng định vị quan hệ tương lai của hai nước.

Còn về chủ đề của gặp gỡ cấp cao, đồng chí Tiểu Bình đã đề xuất tư tưởng sâu sắc thâm thuý, chỉ có tám chữ rõ ràng : “kết thúc quá khứ, mở ra tương lai”.

Từ 10 giờ đến 12 giờ 30 phút sáng ngày 16 tháng 5, đồng chí Tiểu Bình đã có cuộc gặp có tính lịch sử với Gorbachev tại phòng họp lớn phía đông Đại lễ đường nhân dân. Còn nhớ hôm đó đồng chí Tiểu Bình trông rất quắc thước, tâm tình rất tốt. Sức nhớ của đồng chí khiến người ta phải kinh ngạc, khi nói chuyện không cần bản dự thảo, nhưng trình bày rõ ràng, câu chữ đơn giản chuẩn xác. Trước tiên đồng chí nhắc lại lịch sử từ hai mặt : một là gần một trăm năm nay, trước sự áp bức của các cường quốc Trung Quốc đã bị tổn thất, hai là gần mấy chục năm nay những đe doạ lớn nhất đối với Trung Quốc đến từ phía nào. Đồng chí Tiểu Bình đã tổng kết quan hệ Trung - Xô mưa mưa gió gió trong mấy chục năm qua, nhấn mạnh chủ yếu là do Liên Xô xếp sai vị trí của Trung Quốc, thực chất thực sự của vấn đề là không bình đẳng. Lại nói, mặc dù như vậy phía Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ quên trong thời kỳ đầu thành lập Trung Quốc mới, Liên Xô đã từng giúp Trung Quốc đặt nền móng công nghiệp. Còn về một số vấn đề tranh luận hình tháí ý thức, đồng chí Tiểu Bình nói, đồng chí ấy là người trong cuộc của cuộc tranh luận đó, bây giờ quay đầu nhìn lại thấy cả hai bên đều nói những lời trống rỗng. Những cuộc tranh luận này chúng tôi cũng không tin là mình hoàn toàn đúng. Nói đến đó đồng chí đặc biệt nhấn mạnh, nói một số chuyện quá khứ đó mục đích là để tiến lên phía trước. Không phải là yêu cầu lại cùng Liên Xô tiến hành tranh luận. Nói những món nợ lịch sử này, vấn đề sẽ như gió thổi qua, trọng điểm đặt ở tương lai.

Gorbachev biểu thị, về quan hệ Nga, Liên Xô và Trung Quốc hình thành như thế nào, có một số việc Liên Xô có cách nhìn và đánh giá của mình, nhưng trong quá khứ không xa lắm, có một số mặt trong quan hệ Trung - Xô, Liên Xô có sai lầm và trách nhiệm nhất định, đồng thời đồng ý những vấn đề quá khứ nói đến đây thì dừng lại.

Thái độ của Gorbachev lúc đó tương đối thoả đáng, rõ ràng là ông ta có chuẩn bị trước khi đến. Roannov, nguyên Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc trong hồi ức của mình có tên là Vượt qua thời gian và không gian đã viết, Gorbachev đã từng nói với nhân viên tháp tùng, ông ta đã dự định sẽ giống như người thuộc thế hệ sau nói chuyện với người thuộc thế hệ trước để hội đàm với Đặng Tiểu Bình. Với tư cách là một nhân vật lịch sử, công tội của Gorbachev sẽ có lớp người sau đánh giá, nhưng sứ mệnh lịch sử trọng đại mà chuyến đi Bắc Kinh của ông ta hoàn thành trong lịch sử quan hệ Trung - Xô nên được tô đậm một nét.

Cái gọi là mở ra tương lai là chỉ sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ sẽ xây dựng quan hệ quốc gia theo dạng nào, xác định rõ nội hàm cụ thể và những chuẩn tắc cần phải tuân theo trong quan hệ kiểu mới từ nay trở đi. Đồng chí Tiểu Bình đã tổng kết sâu sắc bài học lịch sử trong phong trào Cộng sản quốc tế, nhấn mạnh bất kể là liên minh hay đối đầu, đều đã không thành công, quan hệ Trung - Xô vẫn cần lấy năm nguyên tắc chung sống hoà bình làm cơ sở. Trong cuộc họp báo, Gorbachev biểu thị, ông ta và những người lãnh đạo Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình..., đều cho rằng “gặp gỡ cấp cao Xô Trung, tiêu chí quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn mới, quan hệ hai nước sẽ được thiết lập trên nguyên tắc phổ biến quan hệ qua lại giữa các nước với nhau cũng như trên cơ sở nguyên tắc chung sống hòa bình. Xuất phát điểm của chúng tôi là bình thường hoá quan hệ Xô Trung không nhằm vào nước thứ ba, không làm tổn hại lợi ích nước thứ ba, nó kết hợp một cách hữu cơ thành một thể với xu thế phát triển của thế giới ngày nay”.

Tuyên bố chung công bố khi gặp gỡ cấp cao kết thúc đã chính thức xác nhận người lãnh đạo cao nhất hai nước đã nhất trí xác định chuẩn tắc quan hệ hai nước. Như vậy là đã hình thành mối quan hệ, vừa không giống như loại liên minh của những năm 50, thế kỷ 20 và càng không giống trạng thái đối đầu trong những năm 60 và 70 mà là một mối quan hệ bình thường, không phải là liên minh, không đối đầu, không nhằm vào nước thứ ba, láng giềng thân thiện hữu hảo. Sự phát triển lịch sử sau này cho thấy, kiểu quan hệ quốc gia hoàn toàn mới đó không những chỉ phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nuớc mà còn có lợi cho việc bảo vệ hoà bình và ổn định trên thế giới.

Thông qua lần gặp gỡ cấp cao này, hai nước láng giềng lớn Trung - Xô đã kết thúc trạng thái không bình thường mấy chục năm nay, thiết lập lại quan hệ quốc gia bình thường hoá.

Bây giờ nhớ lại, lúc đó do nắm chắc thời cơ lịch sử, đã thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung - Xô, ý nghĩa vô cùng trọng đại. Sau đó tình hình quốc tế biến đổi lớn, Đông Âu thay đổi nhanh chóng, Liên Xô giải thể, thế giới bước vào một thời kỳ phi thường rối ren thay đổi nhiều. Khuôn khổ bình thường hoá quan hệ Trung - Xô được xác lập năm đó đã trở thành cơ sở cho Trung - Nga nhanh chóng thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện hữu hảo vượt khỏi hình thái ý thức, tiến tới phát triển thành quan hệ đối tác có tính xây dựng rồi tiến thẳng đến xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược bình đẳng tin cậy hướng về thế kỷ 21. Nếu như lúc đó sai lầm bỏ lỡ thời cơ thì sự phát triển của quan hệ hai nước sau này có thể là một dạng khác.

Hôm ấy khi gặp gỡ cấp cao Trung - Xô để thực hiện bình thường hoá quan hệ hai nước đang tiến hành tại Đại lễ đường nhân dân, bên ngoài Đại lễ đường nhân dân đã xuất hiện rất nhiều tình hình không bình thường, rồi cuối cùng hình thành một cơn sóng gió chính trị.

Ngoại giao của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức và thử thách càng nghiêm trọng hơn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss