Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mười câu chuyện ngoại giao (10)

Mười câu chuyện ngoại giao (10)

- Tiền Kì Thâm — published 06/06/2009 00:27, cập nhật lần cuối 06/06/2009 10:51
Sự "trở về" của Ma Cao 10 ngày trước cuối năm 1999 diễn ra suôn sẻ bao nhiêu, thì quá trình thu hồi Hồng Kông năm 1997 phức tạp và gay go bấy nhiêu. Vì chính phủ Anh chơi xỏ Bắc Kinh, tiến hành dân chủ hoá đời sống chính trị ở đây, điều mà họ không hề tiến hành trong suốt thế kỉ trước đó. Mà Trung Quốc không thể làm mạnh, vì muốn phô trương khẩu hiệu "một nước, hai chế độ" nhằm dẫn dụ Đài Loan.


Mười câu chuyện ngoại giao (10)


HỒNG KÔNG , MA CAO TRỞ VỀ


Tiền Kì Tham

Người dịch : Trần Hữu Nghĩa và Dương Quốc Anh
Người hiệu đính : Dương Danh Dy

CÁC PHẦN TRƯỚC :

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9)



Thu hồi Hồng Kông, Ma Cao là một bộ phận tổ thành quan trọng của sự nghiệp vĩ đại thống nhất tổ quốc, mấy thế hệ người Trung Quốc đã từng anh dũng phấn đấu cho sự nghiệp này. Chặng đường thu hồi dài dằng dặc, là người của thế hệ này, tôi cảm thấy rất may mắn được tận mắt chứng kiến việc thu hồi, lại có cơ hội trực tiếp tham gia quá trình thu hồi, càng cảm thấy vô cùng vinh dự.

Nhiệm kỳ ngoại trưởng của tôi, đúng vào giai đoạn cuối của thời kỳ quá độ thu hồi Hồng Kông, Ma Cao, tôi đã tham gia đàm phán ngoại giao, chủ trì công tác trù bị cho việc thành lập đặc khu hành chính ở hai nơi đó. Đó là một chặng đường rất hiếm có, hết sức độc đáo trong cuộc đời ngoại giao của tôi.


Cuộc đọ sức Trung – Anh
trong việc thu hồi Hồng Kông



Thời kỳ quá độ


Vấn đề thu hồi Hồng Kông, trước tiên là vấn đề ngoại giao. Thu hồi lãnh thổ vốn có của tổ quốc bằng phương tiện hoà bình từ tay kẻ chiếm đóng nước ngoài, cần phải thông qua đàm phán ngoại giao.

Từ khi đạt được hiệp nghị về nguyên tắc thu hồi đến lúc bàn giao chính quyền, có một thời kỳ quá độ tương đối dài. Trong thời kỳ đó, phía Anh phải bảo đảm làm tốt công tác quản lý hành chính hằng ngày của Hồng Kông, giữ vững ổn định và phồn vinh nơi đó ; phía Trung Quốc phải hứa căn cứ vào hiệp nghị hai bên đạt được, chế định ra một loạt chính sách cụ thể phù hợp thực tế cho đặc khu hành chính sau khi thu hồi, để quán triệt “một nước hai chế độ”, giữ vững ổn định và phồn vinh lâu dài.

Trong thời kỳ quá độ dài dằng dặc này, hai bên cần tiến hành đàm phán ngoại giao rất nhiều lĩnh vực nhằm quán triệt hiệp nghị, thực hiện lời hứa đôi bên. Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc căn cứ vào hiệp nghị đã xác định phương châm đàm phán tổng thể ; phía ta hợp tác nhưng không can thiệp vào công việc quản lý hành chính hằng ngày của đối phương trong thời kỳ quá độ ; phía Trung Quốc có quyền phát ngôn, thậm chí có quyền tham gia vào những công việc vượt quá sự thu hồi, liên quan đến quyền lợi của đặc khu hành chính tương lai.

Khi xem xét giải quyết vấn đề Hồng Kông theo ý tưởng “một nước hai chế độ”, Đặng Tiểu Bình đã nhìn nhận một cách sắc sảo rằng, then chốt của biện pháp giải quyết này ở chỗ liệu thời kỳ quá độ giữ vững ổn định hay không. Lúc bấy giờ chúng tôi đầy lòng tin tưởng vào tiền đồ của Hồng Kông lãnh thổ được thu hồi cuối cùng, nhưng vẫn còn lo ngại rằng liệu có thể giữ vững được thời kỳ quá độ lâu dài như vậy không ? Chúng tôi mong sẽ không xảy ra những biến động trắc trở lớn, dẫn đến tổn hại cho sự ổn định và phồn vinh lâu dài của Hồng Kông.


Hợp tác Trung – Anh thay đổi


Trong thương lượng ngoại giao về vấn đề liên quan đến thu hồi Hồng Kông giữa Trung Quốc và Anh có “thời kỳ trăng mật”, hai bên hợp tác thuận lợi. Năm 1988 khi tôi trực tiếp tham gia thương lượng vấn đề Hồng Kông “thời kỳ trăng mật” vẫn còn. Lúc bấy giờ, hai nước đã ký tuyên bố chung về vấn đề Hồng Kông, Hồng Kông bước vào mấy năm đầu của thời kỳ quá độ.

Hai bên thương lượng và đàm phán một số vấn đề cụ thể tương đối thuận lợi, đạt được một số tiến triển. Không khí hội đàm rất tốt, gặp ý kiến bất đồng hai bên vẫn có thể xem xét lập trường của nhau, trao đổi quan điểm đạt được một số nhận thức chung.

Đối thủ đàm phán phía Anh đầu tiên của tôi là ngoại trưởng Anh Jeffrey How. Lúc đó, ông làm ngoại trưởng đã nhiều năm tham gia toàn bộ quá trình đàm phán Trung - Anh về vấn đề Hồng Kông. Ông rất am hiểu ta và vấn đề Hồng Kông, luôn có sự hợp tác rất tốt với phía Trung Quốc.

Năm 1988-1989, tôi gặp Jeffrey How ba lần. Hai lần đầu tiên ở khoá họp đặc biệt về giải trừ quân bị tháng 6 và cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9 năm 1988 ở New York, lần thứ ba là lúc dự lễ tang của Nhật hoàng Hirohito. Tôi nhớ vấn đề trao đổi chủ yếu lúc bấy giờ là luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hồng Kông mà Trung Quốc đang soạn thảo và vấn đề lòng tin của người Hồng Kông, hai bên trao đổi ý kiến khá đầy đủ, bàn bạc rất tốt.

Sau khi Bắc Kinh xảy ra sóng gió chính trị vào giữa xuân hè năm 1989, quan hệ Trung - Anh gió mưa thay đổi bất ngờ, xoay chuyển ngược lại. Cùng với việc Anh và các nước Phương Tây khác thực hiện chế tài đối với Trung Quốc quan hệ hai bên gặp khó khăn nghiêm trọng. Dường như Anh có chút hối hận đối với Tuyên bố chung về vấn đề Hồng Kông chính thức ký tháng 12/1984. Ngày 19/6, Jeffrey How gửi thư cho tôi, đơn phương nêu lên lùi thời gian hội nghị lần thứ 13 tổ liên lạc liên hợp Trung - Anh vốn định tiến hành vào tháng 7. Đây là một hành động không bình thường, bởi vì từ khi nhóm liên lạc liên hợp Trung - Anh thành lập năm 1985 đến nay chưa hề xảy ra việc đơn phương lùi thời gian họp hội nghị.

Chẳng bao lâu sau, Jeffrey How lại gửi thư cho Phó thủ tướng Ngô Học Khiêm đồng thời với việc bình luận tình hình nội bộ Trung Quốc đề cập đến vấn đề Hồng Kông, nói rằng lòng tin của Hồng Kông hạ thấp nghiêm trọng. Ông ta không nêu ra vấn vấn đề rốt cuộc quân đội Trung Quốc có cần có mặt tại Hồng Kông sau khi Hồng Kông trở về với Đại Lục hay không, đồng thời biểu thị phía Anh chuẩn bị xem xét lại việc sắp xếp lại cuộc bầu cử trực tiếp của Hồng Kông vào năm 1991, và yêu cầu phía Trung Quốc lùi thời gian công bố Luật cơ bản. Việc Trung Quốc đóng quân ở đặc khu Hồng Kông đã sớm được đưa vào trong Tuyên bố chung Trung - Anh, còn việc sắp xếp Hồng Kông bầu cử vào năm 1991, trong thương lượng, hai bên đã có nhận thức chung. Lúc này phía Anh bỗng nhiên nêu ra vấn đề như vậy, rõ ràng là muốn “lật án”.

Hai tuần sau, tôi gửi thư trả lời Jeffrey How, tập trung bác bỏ cách nói của phía Anh về lòng tin của Hồng Kông, vạch ra một loạt cử chỉ không hữu hảo của phía Anh đã đã đả kích vào lòng tin của người Hồng Kông. Phía Trung Quốc không thể đồng ý sự thay đổi đơn phương của phía Anh về vấn đề thể chế chính trị Hồng Kông. Sau đó không bao lâu, nước Anh thay Ngoại trưởng. Đối thủ đàm phán phía Anh thứ hai của tôi là Major. Major xuất thân từ bình dân, bằng sự phấn đấu của bản thân, trở thành ngôi sao mới lên trong đảng Bảo Thủ, điều rất hiếm thấy ở trong chốn quan trường của nước Anh rất coi trọng truyền thống. Thời gian Major giữ chức Ngoại trưởng rất ngắn về sau ông ta thay bà Thatcher giữ chức Thủ tướng Anh.

Tôi chỉ có hai lần tiếp xúc với Major. Một lần vào cuối tháng 7 năm 1989, chúng tôi gặp nhau ở hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia họp ở Paris, cử chỉ của Major khá khiêm nhường. Tôi nói ông là “ngôi sao đang lên”, tiền đồ rộng mở, ông vội nói vẫn là một “tân binh”. Trong cuộc gặp ông có ý định tác động đến công tác soạn thảo luật cơ bản của chúng ta, như yêu cầu sửa đổi điều khoản liên quan đến đóng quân trong bản dự thảo. Tôi nói Luật cơ bản là việc của riêng Trung Quốc, nếu phía Anh có kiến nghị gì hay, phía Trung Quốc có thể xem xét, nhưng gây sức ép với Trung Quốc để sửa đổi điều khoản hai bên đã thoả thuận thì chỉ tốn công mà thôi. Tôi nhấn mạnh nói, vấn đề đóng quân đã đưa vào tuyên bố chung là vấn đề đã giải quyết không nên đề xuất lại nữa. Trong cuộc gặp lần này, Major đồng ý khôi phục công tác của tổ liên lạc.

Lần thứ hai gặp Major là ở cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York mùa thu năm đó. Ông ta lại nêu ra, phía Anh định đẩy nhanh bước đi cải cách thể chế chính trị tại Hồng Kông, tăng thêm số nghị viện, cục lập pháp Hồng Kông, bầu cử trực tiếp. Tôi biểu thị, cải cách thể chế chính trị cần phải gắn với Luật cơ bản công bố sau này. Phía Trung Quốc chủ trương thi hành dân chủ ở Hồng Kông, nhưng phải tuần tự, tiệm tiến. Lúc này hai phía Trung - Anh lặng lẽ bày trận thế đối lập xoay quanh vấn đề cải cách thể chế chính trị Hồng Kông. Phải triển khai một cuộc tranh chấp ngoại giao kéo dài lãng phí thời gian.


Đặc sứ bí mật Anh thăm Trung Quốc


Bất đồng giữa Trung - Anh trên vấn đề cải cách thể chế chính trị Hồng Kông rất nhanh biến thành tranh chấp trên bàn đàm phán ngoại giao. Cuối năm 1989, cùng với việc tình hình Trung Quốc ổn định lại, kinh tế tiếp tục phát triển, các nước phương tây bắt đầu nới lỏng lập trường chế tài Trung Quốc. Mỹ cử Đặc sứ bí mật thăm Trung Quốc trước. Tìm kiếm cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Anh không cam chịu đi sau người, cũng ra tay chủ động. Thủ tướng Thatcher quyết định cử Cradock, cố vấn ngoại giao của bà làm Đặc sứ của thủ tướng bí mật thăm Trung Quốc vào ngày 4 tháng 12 năm 1989, chuyển bức thư chính thức của Bà cho Tổng bí thư Giang Trạch Dân, và cùng phía Trung Quốc thăm dò khả năng cải thiện quan hệ song phương

Đây là cuộc tiếp xúc quan trọng của hai phái Trung - Anh, mở màn cho cuộc giao tranh của hai bên trên vấn đề thể chế chính trị Hồng Kông trong mấy năm về sau. Cradock từng làm Đại sứ ở Trung Quốc, là một nhà “Trung Quốc học”, từng trực tiếp tham gia đàm phán Trung - Anh về vấn đề Hồng Kông. Ông ta rất quen thuộc công việc Trung Quốc, đồng thời cũng biết một cách sâu sắc cần phải bảo vệ lợi ích căn bản của nước Anh như thế nào. Trên vấn đề Hồng Kông, ông có quan điểm bất đồng với các nhân sĩ chủ chốt của đảng Bảo Thủ, sau khi không làm công chức nữa, luôn giữ thái độ phê bình chính sách Hồng Kông của chính phủ Anh, kiên trì chủ trương giữ gìn hợp tác với Trung Quốc, không đối đầu với phía Trung Quốc.

Nhưng lần này với tư cách là Đặc sứ bí mật, ông đến thăm Trung Quốc là để thi hành trung thực phương châm của Thủ tướng Thatcher. Thư của Thủ tướng Thatcher gửi Tổng bí thư Giang Trạch Dân khá dài. Trong thư, Bà biểu thị, mong muốn hai bên xoay chuyển xu thế quan hệ hai nước xấu đi, khôi phục sự khai thông tốt đẹp trước đây và khẳng định lập trường của phía Anh ; tuân thủ tuyên bố chung, đặc biệt bảo đảm “không có ý để Hồng Kông được dùng làm căn cứ tiến hành lật đổ”, cũng không có ý đồ “quốc tế hoá” vấn đề Hồng Kông.

Sau đó, ngòi bút của Thatcher đổi chiều đề xuất, phía Anh đang đứng trước sức ép to lớn đòi “tăng thêm rất nhiều” số lượng nghị sĩ bầu cử trực tiếp của Cục lập pháp Hồng Kông năm 1991, không thể bỏ qua việc này Bà ta yêu cầu phía Trung Quốc khi soạn thảo Luật cơ bản, có thể nhịp nhàng với sự sắp xếp của phía Anh. Sau khi đến Bắc Kinh, Cradock hội đàm suốt cả ngày với Thứ trưởng ngoại giao Chu Nam, thảo luận toàn diện quan hệ song phương Trung - Anh và vấn đề Hồng Kông. Cradock đã nêu ra ý tưởng cụ thể cải thiện quan hệ song phương như tăng thêm mậu dịch hai nước, khôi phục tiếp xúc chính thức tầng lớp cao v.v.., cũng nêu yêu cầu của phía Anh chuẩn bị tăng thêm nhiều số ghế nghị sĩ bầu cử trực tiếp của Cục lập pháp Hồng Kông năm 1991, từ 10 ghế lên 20 ghế.

Ngày hôm sau, Tổng bí thư Giang Trạch Dân tiếp Cradock, hội đàm gần hai tiếng đồng hồ. Lúc này Cradock tỏ rõ ý thật của phía Anh, có nói như sau ; nên coi quan hệ Trung - Anh là một chỉnh thể, nếu một mặt nào đó nảy sinh khó khăn thì trên chỉnh thể rất khó đạt được tiến triển. Nếu hai bên có thể đạt được hiểu biết lẫn nhau về Luật cơ bản và vấn đề Hồng Kông bầu cử trực tiếp thì cánh cửa khôi phục quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được mở ra. Câu nói trên rõ ràng là đã coi vấn đề bầu cử ở Hồng Kông là điều kiện tiên quyết để khôi phục quan hệ hai bên.

Tổng bí thư Giang Trạch Dân lập tức đẩy trả lại thủ đoạn gây sức ép đó của phía Anh. Sau đó, Đại sứ Anh tại Trung Quốc có nhã ý giải thích với người của phía ta rằng lời nói đó của Cradock là căn cứ theo chỉ thị cấp trên London. Khoảng nửa tháng sau, Tổng bí thư Giang Trạch Dân chính thức gửi thư trả lời Thủ tướng Thatcher, khẳng định đầy đủ mặt tích cực ngỏ ý tốt đối với Trung Quốc trong thư và biểu thị về vấn đề tỷ lệ bầu cử trực tiếp Cục lập pháp Hồng Kông, đánh giá phương án cuối cùng của Luật cơ bản “sẽ không có khoảng cách quá xa” với Dự thảo hiện nay. Nếu số ghế nghị sĩ bầu cử trực tiếp của phía Anh trong bầu cử năm 1991 vượt quá nhiều thì e rằng trong tương lai khó gắn với Luật cơ bản.

Ý này có nghĩa là phía Trung Quốc sẽ không chấp nhận phương án của phía Anh, nhưng dự thảo cũng còn có khả năng sửa đổi, hai bên có thể thương lượng thêm, cánh cửa chưa hoàn toàn đóng chặt. Ngày cuối cùng, Cradock ở thăm Trung Quốc, tôi hội đàm với ông ta. Đây là cuộc hội đàm chính thức cuối cùng trong chuyến thăm lần này của ông. Ông ta cảm thấy thất vọng vì trong cuộc gặp hai ngày trước không đạt được bất kỳ tiến triển nào, muốn vội nắm lấy cơ hội cuối cùng này nhằm đạt được chút ít thành quả.

Cradock biểu thị với tôi, lập trường hai bên có khoảng cách rất lớn, lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ông ta hỏi tôi, trước khi Tổng bí thư Giang Trạch dân gửi thư trả lời Thủ tướng Thatcher liệu tôi có thể để cho ông ta nhắn miệng trước với Bà được không. Tôi biểu thị một cách nguyên tắc, nhờ ông ta chuyển đến Thủ tướng ; Chính phủ hai nước Trung - Anh nên nghiêm khắc làm theo nguyên tắc của Tuyên bố chung, không nên thay đổi dễ dãi những việc đã được thoả thuận, như vậy mới có lợi cho ổn định phồn vinh của Hồng Kông.

Vừa bắt đầu hội đàm Cradock đã chuyển cho tôi bức thư của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Anh Hurd vừa nhận chức gửi cho tôi. Trong thư này, ông Hurd đã đề xuất một cách chính thức, toàn diện ý kiến cụ thể của phía Anh đối với dự thảo Luật cơ bản Hồng Kông, là một bảng liệt kê tỉ mỉ. Cuộc tiếp xúc giữa tôi với đối thủ đàm phán thứ ba của phía Anh đã bắt đầu bằng cuộc trao đổi thư từ như vậy đó.

Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng, tổng cộng tôi quen biết với năm vị ngoại trưởng Anh. Ngoài ba vị nói ở đây còn có Rifkind và Cook. Bốn người trước đều thuộc chính phủ đảng Bảo Thủ, chỉ có người cuối cùng ngoại trưởng Robin Cook thuộc chính phủ Công đảng. Lần đầu tiên gặp ông là ở buổi lễ chính thức bàn giao Hồng Kông trở về đại lục. Trong năm vị ngoại trưởng này, thời gian quan hệ dài nhất phải kể đến ngoại trưởng Hurd. Bắt đầu từ 1989 đến năm 1995, chúng tôi quan hệ với nhau gần 6 năm, mà thời gian này chính là thời kỳ hai bên tranh chấp về thể chế chính trị Hồng Kông gay gắt nhất. Chúng tôi thông qua trao đổi thư từ, chính thức đi thăm lẫn nhau và gặp nhau ở các cuộc hội nghị quốc tế, tiếp xúc nhiều lần, thương thảo đi thương thảo lại đi, vì vấn đề Hồng Kông không chỉ phức tạp bề bộn, mà còn vì hai bên tranh chấp không thôi về một số vấn đề, lại thêm thời gian biểu gấp rút Điều này rất ít có trong quan hệ của tôi với Ngoại trưởng các nước khác.

Bức thư đầu tiên của Hurd cũng phản ánh, trong tình hình mới ; sau sóng gió năm 1989, phía Anh đã thay đổi chủ ý về vấn đề Hồng Kông. Trước khi hình thành bản dự thảo luật cơ bản, hai bên Trung - Anh đã thông qua nhiều kênh liên hệ chặt chẽ, cuối cùng phía Anh không có ý kiến gì đối với bản dự thảo công bố. Nhưng trong thư này của Hurd đã nêu lại rất nhiều ý kiến bất đồng đối với Bản dự thảo nhất là về mặt phát triển thể chế chính trị Hồng Kông, nâng cao giá đòi lên rất nhiều trong đó bao gồm yêu cầu tăng thêm nhiều tỷ lệ bầu cử trực tiếp Cục lập pháp.

Tôi không trực tiếp trả lời bức thư đó, chỉ biểu thị phía Trung Quốc đồng ý để chuyên gia luật pháp hai bên trao đổi thêm ý kiến...


Bảy văn kiện ngoại giao


Đầu năm 1990, tình hình càng cấp bách hơn. Luật cơ bản Hồng Kông gửi xong bản thảo cuối cùng vào tháng 2 phương án của phía Anh đòi hỏi việc bầu cử của Hồng Kông năm 1991 cũng đến lúc quyết định cuối cùng, nhưng Cradock thăm Trung Quốc, và thương lượng qua các kênh khác của hai bên đều chưa đạt được nhất trí về vấn đề tỉ lệ bầu cử trực tiếp, hai bên đi vào tình thế bế tắc.

Phía Anh hơi sốt ruột, mong muốn đạt được thoả hiệp với Trung Quốc về vấn đề này trước khi Luật cơ bản hoàn thành bản thảo cuối cùng. Lúc này, Hurd rất vội không chờ đến lúc gặp tôi bàn trực tiếp vấn đề này, mà đã bắt đầu thông qua thư từ liên tục trao đổi ý kiến với tôi. Vào thời gian này, Đại sứ Anh tại Trung Quốc nhiều lần tiếp xúc với nhân viên phía Trung Quốc, chuyển “lời nhắn” của Ngoại trưởng hai bên. Những bức thư đó tuy không đích thân ký tên, nhưng lại là văn kiện bằng thư, không phải “lời nhắn miệng” chúng tôi gọi nó là “tin tức bằng văn bản”. Phương thức này rất nhanh gọn, thường xuyên được sử dụng trong quá trình thương lượng, đàm phán nhiều năm giữa Trung - Anh.

Từ ngày 18/1/1990 Hurd gửi thư cho tôi đến ngày 12/2 Hurd gửi thư xác nhận đạt được đồng thuận, trong thời gian chưa đầy một tháng hai bên đã trao đổi bảy bản tin bằng văn bản. Lúc này thuộc về thương lượng nội bộ, bảo mật nghiêm ngặt đối ngoại. Về sau, cùng với việc tranh chấp vấn đề thể chế chính trị ngày càng gay gắt, hai bên lần lượt công bố bảy văn kiện này;

Tiêu điểm của vòng tiếp xúc này là sắp xếp bầu cử của Cục lập pháp Hồng Kông. Bấy giờ, khi đọc những văn kiện ngoại giao này người ta có thể cảm thấy kỳ lạ, vì sao hai phía Trung - Anh vì thêm mấy ghế hay bớt mấy ghế nghị sĩ bầu cử trực tiếp mà ra quân ồ ạt như thế ?

Thực ra điều hai bên Trung - Anh tranh chấp không chỉ là thêm bớt mấy ghế nghị sĩ bầu cử trực tiếp mà là thể chế chính trị chủ đạo của Hồng Kông sau khi trở về đại lục. Muốn hiểu rõ vấn đề này, cần tìm hiểu bối cảnh của phát triển thể chế chính trị Hồng Kông và suy nghĩ cơ bản của Anh. Khi chế định chính sách “cải cách thể chế chính trị” trong thời kỳ quá độ ở Hồng Kông. Trong thời kỳ thống trị thực dân Hồng Kông hơn 100 năm ở nước Anh vẫn áp dụng thể chế chính trị do Luân Đôn cử Tổng đốc nắm toàn quyền. Dưới Tổng đốc lập hai cục hành chính và lập pháp làm cơ quan tư vấn. Các nghị sĩ đều do Tổng đốc Hồng Kông uỷ nhiệm. Đó là một thể chế hành chính chủ đạo.

Những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi Trung - Anh ký tuyên bố trung về vấn đề Hồng Kông phía Trung Quốc bắt đầu bắt tay vào chế định Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hồng Kông tương lai, thiết kế một thể chế chính trị hoàn toàn mới có thể thể hiện được “một nước hai chế độ”. Lúc này, phía Anh có ý đồ lợi dụng thời kỳ quá độ Hồng Kông, ráo riết thi hành cái gọi là “cải cách thể thế chính trị đại nghị”, muốn tạo ra một sự thực đã rồi trước khi công bố Luật cơ bản, để ảnh hưởng tới sự sắp xếp của Luật cơ bản đối với thể chế chính trị tương lai.

Mục tiêu của cải cách thể chế chính trị đại nghị nói toạc ra là muốn đổi hành chính chủ đạo thành lập pháp chủ đạo, thông qua đề cao quyền lực và địa vị của cơ quan lập pháp để kiềm chế cơ quan hành chính, và cuối cùng làm cho Hồng Kông sau khi trở về Trung Quốc diễn biến thành một “thực thể độc lập”, cách ly với tổ quốc để có lợi cho việc bảo vệ lâu dài lợi ích chính trị và kinh tế của Anh tại Hồng Kông.

Trước khi ký tuyên bố chung, phía Anh đã bắt đầu trù tính về mặt này. Sau khi ký tuyên bố chung, phía Anh lập tức khởi động kế hoạch cải cách thể chế chính trị. Năm 1985, trước tiên cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua phương thức tổ chức công năng (đại diện ngành nghề khác nhau hoặc chuyên ngành) bầu cử gián tiếp một bộ phận nghị sĩ, sau đó khi quyết định bầu cử năm 1991 lại đưa vào chế độ mới chia ra khu vực bầu bầu cử trực tiếp một bộ phận nghị sĩ ; và đưa dự tính bãi bỏ hoàn toàn chế độ uỷ nhiệm vào năm 1995, làm cho toàn bộ nghị sĩ Cục lập pháp được bầu ra theo ba phương thức tổ chức công năng, uỷ ban bầu cử, bầu cử gián tiếp và khu vực bầu cử trực tiếp.

Trong quá trình phía Trung Quốc lắng nghe ý kiến của phía Anh về việc soạn thảo Luật cơ bản, phía Anh từng ra sức giới thiệu thể chế hành chính chủ đạo của Hồng Kông. Phía Trung Quốc cũng cho rằng thể chế này phù hợp với tình hình thực tế của Hồng Kông, có lợi cho việc thực hành quản lý hành chính hiệu suất cao, giữ vững ổn định, phồn vinh. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng tán thành từng bước thực hiện chế độ dân chủ ở Hồng Kông, toàn bộ nghị sĩ cơ quan lập pháp cuối cùng được bầu ra thông qua bầu cử phổ thông. Nhưng phía Trung Quốc cho rằng, căn cứ vào thực tế của Hồng Kông, phát triển chế độ dân chủ phải làm dần theo trình tự. Lúc bấy giờ phía Anh cũng đồng ý với nhận thức này. Nội dung liên quan của Luật cơ bản là định ra theo hai nguyên tắc hành chính chủ đạo.

Sau năm 1989, phía Anh thay đổi chủ ý, muốn đẩy thật nhanh bước đi cải cách thể chế chính trị. Trong đó vấn đề chủ yếu nhất, cũng là vấn đề tranh luận lớn nhất là muốn cấp tốc tăng thêm tỉ lệ nghị sĩ bầu cử trực tiếp của Cục lập pháp.

Tốc độ và tỷ lệ tăng trưởng số ghế nghị sĩ bầu cử trực tiếp trở thành vấn đề tiêu điểm trong các cuộc thương lượng Trung - Anh lúc bấy giờ. Trước khi Hurd gửi thư cho tôi ngày 18/1, phía Anh đã nêu ra với phía Trung Quốc, muốn tăng con số bầu cử trực tiếp năm 1991 từ 10 ghế lên 20 ghế, năm 1995 lại tăng lên 24 ghế. Điều đó chênh lệch quá lớn với chủ trương năm 1997 là 18 ghế trong thiết kế dự thảo Luật cơ bản của phía Trung Quốc. Nếu chấp nhận sự sắp xếp của phía Anh, thì việc nối tiếp thể chế chính trị trước và sau thu hồi Hồng Kông năm 1997 sẽ có vấn đề.

Để Hồng Kông quá độ hoà bình ổn định phía Trung Quốc đã có sự nhượng bộ lớn. Ngày 15/1 đưa ra kiến nghị năm 1991 là 15 ghế, năm 1997 là 20 ghế. Phía Anh biểu thị tán tưởng “tinh thần tích cực” của phía Trung Quốc và biểu thị sẽ nghiên cứu “khả năng” năm 1991 ít hơn 20 ghế. Sau đó, xuất hiện cuộc đàm phán trên thư khẩn cấp giữa Hurd và tôi. Khái quát lại, tình hình đại thể như sau ; phía Anh trả lời phương án ngày 15 của phía Trung Quốc, đề xuất phương án năm 1991 là 18 ghế, năm 1997 là 24 ghế. Phía Trung Quốc lại đề xuất phương án năm 1991 là 18 ghế, năm 1997 là 20 ghế. Phía Anh từ chối không chấp nhận, đe doạ nói, nếu phía Trung Quốc không sửa đổi số người của dự án Luật cơ bản, nghị sĩ của hai cục hành chính, lập pháp Hồng Kông sẽ từ chức, còn đề nghị cử quan chức cấp cao đến Bắc kinh bàn bạc trực tiếp. Phía Trung Quốc trả lời rằng : “Những nhượng bộ trọng đại của Trung Quốc chưa được phía Anh hưởng ứng tích cực. Vì vậy, phía Anh không cần phải cử người đến Bắc Kinh thương lượng nữa. Nếu phía Anh không chấp nhận kiến nghị của Trung Quốc thì Uỷ ban soạn thảo Luật cơ bản chỉ có thể ra quyết định theo phương án đã định từ trước”. Phía Anh lại nêu ra mấy vấn đề như việc sắp xếp của Uỷ ban bầu cử và phương pháp bầu cử v.v... Yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ. Khi phía Trung Quốc làm rõ đã tiếp thu một số ý kiến của phía Anh. Cuối cùng, phía Anh đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, chính thức xác nhận bằng văn bản chấp nhận phương án năm 1991 là 18 ghế năm 1997 là 20 ghế và bảo đảm giữ vững “tính liên tục” trước và sau “97”.

Trong thời gian này còn có một khúc nhạc đệm nhỏ : vài ngày trước khi phía Anh xác nhận cuối cùng, Hurd còn gửi một bức thư, nói thời gian gấp rút có thể không kịp trả lời cuối cùng trước đại hội Uỷ ban soạn thảo Luật cơ bản, yêu cầu Uỷ ban soạn thảo khi xác định số ghế bầu cử trực tiếp năm 1997, trước tiên không nên viết vào văn bản chỉ chừa lại một chỗ trống, để sau này điền vào. Chúng tôi phán đoán, hai bên có thể đạt được hiệp nghị trước đại hội. Cuối cùng quả nhiên đạt được hiệp nghị, do bức thư này không đề cập đến nội dung thực chất, cho nên sau này không công bố cùng lúc với bảy văn kiện. Bảy văn kiện ngoại giao chứng tỏ, khi Luật cơ bản được quyết định cuối cùng thì tiến độ của hai bên về phát triển thể chế chính trị tại Hồng Kông chính thức đạt được hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau. Lúc này phía Anh không thể không tuân thủ nguyên tắc thương lượng nhất trí với phía Trung Quốc và gắn với Luật cơ bản.

Tôi và Ngoại trưởng Hurd chưa gặp mặt lần nào chỉ thông qua trao đổi thư từ ngoại giao mà đạt được một hiệp nghị quan trọng. Đó cũng là hiệp nghị văn bản duy nhất đạt được với phía Anh trong thời kỳ tôi làm Ngoại trưởng. Không ngờ, về sau hiệp nghị đó lại bị phía Anh huỷ bỏ. Hai phía Trung - Anh và cả giới truyền thông đại chúng còn triển khai một cuộc bàn luận về nội dung và hình thức của bảy văn kiện ngoại giao đó cuối cùng có được coi là hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên nữa hay không, có sức ràng buộc nữa hay không. Thực ra, bất kỳ người nào có kiến thức ngoại giao thông thường, càng không nói đến những người am hiểu lịch sử đàm phán Trung - Anh, chẳng khó khăn gì khi rút ra kết luận đúng đắn về việc này.


Ngoại trưởng Trung - Anh thăm nhau


Sau khi Trung - Anh đạt được hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau về vấn đề bầu cử Hồng Kông, Luật cơ bản đặc khu Hồng Kông tháng 4 năm 1990 chính thức công bố. Đến đây, cuộc tranh chấp giữa Trung - Anh về vấn đề liên quan đến việc phát triển thể chế chính trị Hồng Kông, xem ra kết thúc một giai đoạn, nhưng sự thực không phải như thế.

Trước và sau bầu cử Cục lập pháp Hồng Kông năm 1991, phía Anh gấp rút tiến hành cái gọi là “cải cách thể chế chính trị đại nghị” có điều là vấn đề này tạm thời không cấp bách như giai đoạn trước. Lúc này, Ngoại trưởng hai nước thực hiện chuyến thăm lẫn nhau đầu tiên từ sau 1989, quan hệ hai bên có được cải thiện.

Mùa xuân năm 1991, Ngoại trưởng Hurd thăm Trung Quốc, tôi chính thức gặp gỡ ông ta. Các vị lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp ông với nghi lễ khá cao Ngoại trưởng Hurd đã từng làm việc tại sứ quán Anh ở Trung Quốc, rất am hiểu công việc Trung Quốc. Năm 1974, ông theo cựu Thủ tướng Heath thăm Trung Quốc, đã gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Hurd, hai bên thoả thuận từ nay về sau cần tăng cường liên hệ, Ngoại trưởng hai nước mỗi năm gặp nhau hai lần và kịp thời thương lượng về những vấn đề cần tiếp tục đưa vào chương trình nghị sự trong thời kỳ quá độ ở Hồng Kông.

Năm 1990-1991, việc thương lượng liên quan đến xây dựng sân bay mới Hồng Kông giữa Trung - Anh đang tiến hành khẩn trương. Các vấn đề khác tạm thời không nổi bật như trước. Hurd đến Bắc Kinh, cũng chủ yếu bàn về vấn đề sân bay mới. Vấn đề sân bay mới Hồng Kông và vấn đề phát triển thể chế chính trị Hồng Kông vốn là hai việc khác nhau, nhưng cùng có tính chất vượt qua “97”, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính quyền đặc khu, cần hai bên thương lượng, đạt được ý kiến nhất trí. Việc thương lượng vấn đề sân bay mới trước sau đã kéo dài nhiều năm, là một chuyện rất phức tạp khác, không nói riêng ở đây.

Khoảng một năm sau, vào mùa xuân năm 1992, lần đầu tiên tôi chính thức thăm Anh. Lúc đó, đúng vào trước lúc quan hệ ngoại giao Trung - Anh tròn 20 năm, người lãnh đạo hai nước lại vừa ký bản ghi nhớ hiểu biết lẫn nhau về vấn đề sân bay mới, cho nên không khí chuyến thăm khá tốt. Song chính vào lúc này, phía Anh lại ấp ủ một chế độ mới, cái gọi là “Uỷ ban thường trực” trong cơ quan lập pháp Hồng Kông, ý đồ nâng cao quyền lực của cơ quan lập pháp, kìềm chế cơ quan hành chính.

Nhằm thẳng vào chiều hướng này, trong hội đàm tôi đặc biệt đề xuất với Hurd, Luật cơ bản đã thiết kế thể chế chính trị chủ đạo cho Đặc khu hành chính tương lai, thể chế này cùng thực hiện có hiệu quả nhiều năm qua ở Hồng Kông. Nếu bây giờ sửa là lập pháp chủ đạo, nhất định sẽ mâu thuẫn với Luật cơ bản. Phía Trung Quốc không muốn xảy ra điều đó. Lúc đó, Hurd vẫn biểu thị, phía Anh không có ý sửa đổi hành chính chủ đạo thành lập pháp chủ đạo. Về việc bầu cử Cục lập pháp khoá tới năm 1995, tôi nhắc phía Anh, biện pháp bầu cử Cục lập pháp khoá cuối cùng nên kết nối với Luật cơ bản nếu không, không thể quá độ trực tiếp. Hurd nói phía Anh sẽ quyết định điều đó vào năm 1993, trước đó sẽ thương lượng với phía Trung Quốc.

Nhưng, sau chuyến thăm Anh của tôi chẳng bao lâu, tháng 4 Chính phủ Anh bổ nhiệm Chris Patten “nhân vật cứng rắn” từng giữ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ thay thế Wilson bị coi là “mềm yếu” đối với Trung Quốc làm Thống đốc Hồng Kông nhiệm kỳ cuối cùng.

Patten vừa lên nhận chức thay đổi ngay chính sách cảu Anh đối với Hồng Kông mức độ lớn hơn nữa bất đồng giữa hai nước xoay quanh phương hướng phát triển thể chế chính trị Hồng Kông đã nhanh chóng biến thành một vòng đọ sức công khai mà nghiêm trọng.


Phương án cải cách thể chế chính trị “ba vi phạm” của phía Anh


Theo lý mà nói, sứ mệnh của Thống đốc Hồng Kông nhiệm kỳ cuối là phải hợp tác rất tốt với phía Trung Quốc, bảo đảm quá độ hoà bình ổn định và bàn giao chính quyền thuận lợi tại giai đoạn cuối cùng của thời kỳ quá độ ở Hồng Kông. Làm được điều này, tức là công đức trọn vẹn, lưu danh sử sách. Không ngờ, Patten thống đốc Hồng Kông nhiệm kỳ cuối lại đi ngược lại điều đó, chỉ sợ khi bàn giao chính quyền cho Trung Quốc lại quá thuận lợi. Sau khi nhận chức vào tháng 7 năm 1992 chẳng bao lâu, ông ta đã đưa ra một phương án cải cách thể chế chính trị Hồng Kông đối kháng với phía Trung Quốc, hoàn toàn nặn ra một bản thiết kế khác đối với bầu cử tổ chức khu vực năm 1994 và bầu cử Cục lập pháp năm 1995 mà Hồng Kông đang bỏ mặc. Bề ngoài, phương án này vẫn nói phải duy trì thể chế hành chính chủ đạo, trên thực tế lại gấp rút thay đổi thể chế chính trị, nhanh chóng đề cao địa vị và quyền lực của cơ quan Lập pháp. Biện pháp chủ yếu của phương án đó là : sửa đổi bầu cử gián tiếp đoàn thể công năng và Uỷ ban bầu cử của Cục lập pháp biến tướng thành bầu cử trực tiếp, lập tức bãi bỏ chế độ uỷ nhiệm của tổ chức Khu vực đang thực hiện có hiệu quả ở Hồng Kông, thay đổi tính chất và chức năng phi chính quyền của tổ chức Khu vực.

Ngày 7/10, Patten trình bày báo cáo thi chính đầu tiên sau khi nhậm chức, công bố phương án cải cách thể chế chính trị của ông ta. Trước đó, ngày 25/9, khi tôi gặp Ngoại trưởng Hurd trong thời gian họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông ta thông báo cho tôi nội dung của phương án cải cách thể chế chính trị, đồng thời phía Anh cũng trao văn bản thông qua đường ngoại giao ở Bắc Kinh. Tôi tỏ rõ thái độ nguyên tắc ngay tại chỗ, nhấn mạnh việc sắp xếp bầu cử năm 1995, trước hết cần phải được hai bên thương lượng nhất trí, và phải kết nối với quy định của Luật cơ bản. Vài ngày sau, qua nghiên cứu phía Trung Quốc quyết định để Chủ nhiệm văn phòng Hồng Kông, Ma Cao của Quốc vụ viện Lỗ Bình gặp Mclaren, Đại sứ Anh tại Bắc kinh, bình luận bước đầu về phương án của Patten, nói rõ cụ thể những chỗ phương án đi ngược lại Luật cơ bản và chỉ ra triển vọng của cơ quan Lập pháp được sản sinh theo phương án đó không thể nào quá độ sang “97”, còn đặc biệt nhắc nhở phía Anh không nên tiến hành luận chiến công khai.

Rõ ràng là phía Anh đã quyết định gây ra tranh cãi, hoàn toàn bất chấp sự phản đối và nhắc nhở của phía Trung Quốc, chưa qua thương lượng đi đến nhất trí, đã đơn phương đưa ra công khai phương án cải cách thể chế chính trị đó. Cách làm này đã vi phạm quy định của tuyên bố chung là cố ý gây tranh luận công khai, ý đồ mượn dư luận gây sức ép với Trung Quốc. Phương án vừa công bố, Thủ tướng và Ngoại trưởng Anh lập tức công khai biểu thị ủng hộ. Phía Trung Quốc cũng lập tức công khai bày tỏ lập trường, biểu thị lo lắng sâu sắc đối với biện pháp của phía Anh, và chỉ rõ thể chế chính trị tương lai trước và sau Hồng Kông trở về không thể kết nối, trách nhiệm đó không ở phía Trung Quốc, cơ quan hữu quan của đặc khu sẽ được thiết lập theo quyết định của Luật cơ bản và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.

Patten đưa ra phương án trước, sau đó ngáy 22 tháng 10, mới đến thăm Bắc Kinh. Ông ta muốn lấy việc đã rồi để ép phía Trung Quốc, muốn phía Trung Quốc lấy phương án của ông ta làm cơ sở đề xuất phản đề nghị. Chúng ta kiên trì làm theo nguyên tắc tuyên bố chung quy định, cho rằng việc sắp xếp bầu cử năm 1994-1995 trực tiếp quan hệ đến quá độ hoà bình ổn định, phải do hai bên thảo luận, đi đến nhất trí, phía Anh không nên không qua thương lượng, đã đơn phương hành động. Vì vậy, phía Trung Quốc yêu cầu Patten trước hết thay đổi thái độ, công khai thu hồi phương án cải cách thể chế chính trị đó.

Trong cuộc gặp, phía Trung Quốc đã phân tích nhiều lần, tỉ mỉ phương án cải cách thể chế chính trị vi phạm tuyên bố chung như thế nào, vi phạm nguyên tắc kết nối với Luật cơ bản như thế nào, và những vi phạm hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau có liên quan mà hai bên đã đạt được trước đây như thế nào. Đó chính là “ba vi phạm” mà chúng tôi nói đến.

Lúc này, chúng tôi có ấn tượng là bản thân Patten hình như không hiểu lắm về hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau có liên quan mà Ngoại trưởng hai nước Trung - Anh đã đạt được năm 1990 đã nói ở trên. Trong cuộc gặp giữa tôi và Patten, tôi nghiêm túc chỉ rõ rằng phương án của ông ta “đã đề xuất thách thức đối với hợp tác Trung - Anh”, vấn đề là từ nay về sau, hai bên tiếp tục hợp tác hay là “mỗi người một ngả, con đường riêng”. Những lời nói đó rất nặng, chúng tôi chưa bao giờ dùng lời lẽ này trong tiếp xúc và đàm phán ở thời kỳ quá độ trước đây. Đáng tiếc là Patten hoàn toàn nghe không lọt tai lời khuyên chân thành của phía Trung Quốc và cùng không thèm để ý đến cảnh cáo của phía Trung Quốc.

Chuyến đi Bắc Kinh của Patten không có bất cứ kết quả nào, lập trường của hai bên hình thành đối lập công khai. Lúc này, chúng tôi tỉnh táo phân tích tình hình, nhận định phía Anh đưa ra phương án cải cách thể chế chính trị “ba vi phạm” này quyết không phải ngẫu nhiên, mà là có bối cảnh sâu sắc. Phương án đó đã đe doạ nghiêm trọng quá độ hoà bình ổn định của Hồng Kông, là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Để đối phó với nguy cơ có thể xảy ra, chúng tôi làm tốt hai việc chuẩn bị ; một mặt áp dụng lập trường kiên định, tiến hành đấu tranh cần thiết, tranh thủ bảo vệ cơ sở hợp tác hai bên, mặt khác cũng phải làm tốt việc chuẩn bị “đi con đường riêng” khi tình hình thể chế chính trị không kết nối cuối cùng có thể xuất hiện.

Tháng 3 năm 1993, sau khi Patten cho đăng phương án cải cách thể chế chính trị của ông lên báo, phía Trung Quốc lập tức áp dụng biện pháp chống lại đầu tiên, tại hội nghị toàn thể Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 8 đã thông qua quyết định thiết lập cơ quan công tác chuẩn bị của Uỷ ban trù bị Đặc khu hành chính Hồng Kông.


17 vòng đàm phán ngoại giao


Phía Anh thấy phía Trung Quốc có thái độ kiên quyết từ chối phương án cải cách thể chế chính trị của Patten, và phương án cải cách thể chế chính trị đó lại bị dư luận các mặt phê bình kịch liệt, vì thế đã chính thức thông qua con đường ngoại giao đề nghị đàm phán để giải quyết bất đồng. Ngày 6/2/1993, Ngoại trưởng Hurd gửi thư cho tôi, đề nghị hai bên tiến hành đàm phán “không kèm theo điều kiện tiên quyết”. Lúc này, chúng ta vẫn hy vọng phía Anh có thể hồi tâm đổi ý, trở lại con đường “ba phù hợp” tiếp tục hợp tác với phía Trung Quốc, xuất phát từ đại cục, chúng ta đồng ý đề nghị đàm phán của phía Anh.

Ngày 6/2, tôi gửi thư trả lời Hurd, đề xuất, đàm phán nên tiến hành trên cơ sở “ba phù hợp”, để đáp lại “không kèm theo điều kiện tiên quyết” của phía Anh. Tôi còn nêu rõ, nếu phía Anh lúc này đưa ra phương án cải cách thể chế chính trị cho Cục Lập pháp thảo luận, sẽ không giúp ích cho đàm phán, mong phía Anh xem xét thận trọng. Trong hơn hai tháng sau đó, hai bên tiến hành thương lượng nội bộ nhiều lần về vấn đề họp báo và thành phần của đoàn đại biểu hai bên đàm phán. Cuối cùng thoả thuận ngày 22/4/1993, bắt đầu đàm phán giữa đại diện chính phủ hai nước tại Bắc Kinh. Đại diện phía Trung Quốc là Thứ trưởng ngoại giao Khương Ân Trụ, đại diện phía Anh là Đại sứ Anh tại Trung Quốc Minorin.

Cuộc giao tranh này giữa Trung – Anh kéo dài nửa năm, tiến hành tất cả 17 vòng đàm phán, quá trình khá quanh co phức tạp. Với thiện chí, phía Trung Quốc có rất nhiều nỗ lực bảo vệ sự hợp tác của hai bên, nêu ra không ít đề nghị hợp lý, cũng có nhượng bộ và sự thoả hiệp cần thiết. Đáng tiếc là phía Anh vẫn không chịu từ bỏ lập trường “ba vi phạm”, càng ở giai đoạn cuối cùng, trong tình hình hai bên gần đạt được hiệp nghị về đại bộ phận vấn đề thì bỗng nhiên vẽ sự, đơn phương cắt đứt đàm phán. Sau đó, phía Anh lập tức đưa phương án cải cách thể chế chính trị đó cho Cục lập pháp thông qua, từ đó “mỗi người một ngả” với phía Trung Quốc, cuối cùng đi vào lối rẽ đối kháng.

Về sau, hai phía Trung - Anh lần lượt công bố quá trình chi tiết liên quan đến đàm phán. Vì lập trường khác nhau, mỗi bên nói theo lập trường của mình. Ban đầu, Trung - Anh đã đạt được hiểu biết lẫn nhau và nhận thức chung về sự kết nối thể chế chính trị chính trị Hồng Kông trước và sau “97”. 7 văn kiện ngoại giao chính là hiệp nghị đã đạt được về vấn đề sắp xếp nghị sĩ của Cục Lập pháp khoá cuối cùng Hồng Kông quá độ sau khi Hồng Kông trở về. Sau đó quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thông qua tháng 4/1990 càng quy định rõ ràng nghị sĩ của Cục Lập pháp khoá này trực tiếp chuyển tiếp trở thành thành viên của Hội đồng lập pháp khoá đầu tiên của Đặc khu hành chính như thế nào. Đó chính là cái gọi là sắp xếp “xe chạy thẳng”.

17 vòng đàm phán Bắc Kinh năm 1993, vấn đề bàn bạc chủ yếu là thảo luận tỉ mỉ việc sắp xếp Hồng Kông bầu cử năm 1994/1995, mục tiêu chung của đàm phán là tranh thủ sắp xếp cứu vớt “xe chạy thẳng” dưới sự đe doạ của phương án cải cách thể chế chính trị “ba vi phạm” của phía Anh để bảo đảm chắc chắn sự kết nối của thể chế chính trị trước và sau “97”. Trong thời gian đàm phán, tôi có gặp Ngoại trưởng Hurd hai lần trong thời gian dài đã thảo luận cặn kẽ các vấn đề nan giải gặp phải trong đàm phán, mong tìm biện pháp giải quyết. Vấn đề “xe chạy thẳng” là một trong những vấn đề nan giải hai bên thảo luận nhiều nhất.

Tháng 7/1993, Ngoại trưởng Hurd lại đi thăm Trung Quốc. Lúc bấy giờ, đàm phán Bắc Kinh đang ở giai đoạn ban đầu, trọng điểm là thảo luận những vấn đề có tính nguyên tắc, tiến triển không lớn, triển vọng cũng không sáng sủa. Tôi đề nghị hai bên làm một biên bản về những vấn đề có tính nguyên tắc được đề cập trong đàm phán giai đoạn trước. Hurd biểu thị hãy thảo luận trước vấn đề chi tiết khi khoảng cách hai bên xích gần sẽ làm văn bản. Hai bên thảo luận không kết quả vấn đề này.

Căn cứ vào tình hình tiến triển đàm phán lúc bấy giờ, tôi lại nhấn mạnh đến ý nghĩa trọng đại của “xe chạy thẳng”, mong phía Anh trân trọng thành quả không dễ gì đạt được sau nhiều năm hai bên thương lượng này. Sắp xếp “xe chạy thẳng” là khi tiến hành bàn giao giữa hai chính quyền có tính chất khác nhau, một bên đồng ý để nghị sĩ của cơ quan Lập pháp cũ dưới sự cai quản của bên kia, trải qua thủ tục nhất định, trực tiếp quá độ thành nghị sĩ của cơ quan mới. Tôi nói với Hurd, hai Đảng trong một nước như Đảng Bảo Thủ và Công Đảng của Anh, khi bàn giao thay đổi ban lãnh đạo sau tranh cử, các mặt đều có thay đổi không thể do hai đảng thảo luận việc sắp xếp “xe chạy thẳng” của ban cầm quyền, còn về việc Trung - Anh bàn giao chính quyền Hồng Kông lại khác với hai đảng tranh cử có thể cho “xe chạy thẳng”. Đó là một công tác hoàn toàn sáng tạo, chưa hề có tiền lệ.

Lúc này Hurd khẳng định yêu cầu của phía Anh trong đàm phán, tức Uỷ ban trù bị đặc khu của phía Trung Quốc khi xác nhận “xe chạy thẳng” nên có tiêu chuẩn rõ ràng, khách quan. Sau cuộc gặp lần này, bên ngoài đã thấy được gút mắc của đàm phán Trung - Anh ở đâu. Có báo chí Hồng Kông nói, đàm phán Trung - Anh đạt được hiệp nghị hay không quyết định bởi hai bên có thể có nhượng bộ trên vấn đề “xe chạy thẳng” hay không.

Đầu tháng 10/1993, khi tôi và Hurd gặp lại ở New York, đàm phán Bắc Kinh vẫn ở trong tình trạng bế tắc. Hai bên đều biểu thị cảm thấy thất vọng đối với tiến triển của đàm phán, không lạc quan lắm đối với triển vọng đàm phán. Bên ngoài hội nghị phía Anh bắt đầu tung ra luận điệu không sợ hội đàm tan vỡ. Lúc này, quan hệ song phương hai nước cùng ở trong không khí ngày càng căng thẳng. Trước đó không lâu bản thân Hurd công khai phát biểu phản đối Trung Quốc xin đăng cai thế vận hội năm 2000, làm tổn thương rất lớn tình cảm của nhân dân Trung Quốc.

Hạ tuần tháng 9, phía Trung Quốc công khai công bố ba bài phát biểu của đồng chí Đặng Tiểu Bình về vấn đề Hồng Kông từ năm 1982-1984 (phát biểu với Thủ tướng Anh, Bà Thatcher ngày 24/9/1982, phát biểu với Ngoại trưởng Anh Jeffrey How ngày 31/7/1984 và phát biểu tại hội nghị toàn thể lần thứ ba Uỷ ban cố vấn Trung ương ngày 22/10/1984). Những phát biểu đó của đồng chí Đặng Tiểu Bình tuy nói vào lúc đàm phán Trung - Anh giải quyết vấn đề Hồng Kông thập kỷ 80 thế kỷ XX, nhưng khi công bố năm 1993 lại có ý nghĩa hiện thực quan trọng.

Ba bài phát biểu đó gây phản ứng mạnh trong giới dư luận, mọi người phổ biến cho rằng, đó là lời cảnh cáo đối với phía Anh gây đối kháng, có sức chấn động rất lớn. Đồng chí Đặng Tiểu Bình nói, nếu trong thời kỳ quá độ Hồng Kông xảy ra rối ren nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc buộc phải có những xem xét khác về thời gian và phương thức thu hồi. Chúng ta rất quan tâm theo dõi thời kỳ chuyển tiếp của Hồng Kông, mong muốn thời kỳ chuyển tiếp không xảy ra vấn đề gì, nhưng cần phải chuẩn bị khả năng xuất hiện một số vấn đề không theo ý muốn của chúng ta. Trên thực tế, tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất của cơ quan công tác chuẩn bị Uỷ ban trù bị họp vào tháng 7 năm 1993, tôi đã từng đọc phát biểu của đồng chí Đặng Tiểu Bình với Bà Thatcher. Phát biểu của đồng chí Đặng Tiểu Bình đã lan truyền trong người Hồng Kông, chỉ có điều lúc đó chưa chính thức công bố mà thôi.

Bài nói đó trên thực tế trở thành tuyên bố có chủ đích của phản biện pháp nhằm vào phương án cải cách thể chế chính trị của phía Anh. Cuộc gặp giữa tôi và Hurd ở New York diễn ra trong tình hình và không khí như vậy. Cuộc gặp lần này là cuộc đụng đầu gay gắt, thời gian cũng dài nhất, diễn ra suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ.


Mỗi người một ngả


Sau khi nhìn chung lại và đánh giá triển vọng đàm phán Bắc kinh tôi và Hurd đều cho rằng, đàm phán Trung - Anh đứng trước hai khả năng; đạt được hoặc không đạt được hiệp nghị. Tôi nhấn mạnh, đạt được hiệp nghị tất nhiên đều có lợi cho các mặt, nhưng dù không đạt được, phía Trung Quốc cũng có lòng tin và khả năng thực hiện bước chuyển tiếp hoà bình ổn định và giữ vững được sự ổn định và phồn vinh của Hồng Kông.

Hurd tỏ thái độ, không đạt được hiệp nghị cũng chẳng sao, ông ta dùng từ Second best (tốt thứ hai) nói nếu không có hiệp nghị, chỉ có thể là một sự lựa chọn tốt thứ hai, mà điều đó sẽ tạo thành tổn hại tương đối lớn đối với lòng tin và sự phồn vinh của Hồng Kông. Nghe ông ta nói thế, tôi liền nói rõ viễn cảnh “đi con đường riêng” của phía Trung Quốc. Tôi bảo cho ông ta biết, nếu không đạt được hiệp nghị, nhiệm kỳ của nghị sĩ Cục lập pháp bầu ra năm 1995 chỉ có thể đến 30/6/1997 là chấm dứt. Uỷ ban trù bị Đặc khu sẽ đề ra biện pháp bầu ra hội đồng lập pháp khoá đầu tiên của đặc khu. Hai bên đều hiểu rõ, mọi người đều chuẩn bị cho đàm phán tan vỡ.

Về vấn đề sắp xếp cụ thể phương thức bầu cử, hai bên đều khẳng định lập trường của mình, không sao đạt được bất cứ tiến triển nào. Ở giai đoạn này của đàm phán Bắc Kinh, hai bên đều biểu thị rõ hầu hết các phương án sắp xếp cụ thể bầu cử và lập trường của mình. Phía Anh đề xuất càng rõ ràng hơn, yêu cầu thảo luận “song song” vấn đề tiêu chuẩn xác nhận của “xe chạy thẳng” và vấn đề sắp xếp bầu cử. Mười ngày trước cuộc gặp ở New York lần này, Hurd đã nhắn tin trước cho tôi, nhấn mạnh, tiêu chuẩn xác nhận “xe chạy thẳng” đối với phía Anh mà nói là một vấn đề có “tính căn bản”, và trong vòng đàm phán tới (vòng 12 ngày 26/9) bắt đầu thảo luận vấn đề này là “vô cùng quan trọng”. Điều đó có thể làm cho phía Anh xem xét toàn bộ triển vọng của đàm phán khi gặp nhau ở New York. Nếu đẩy lùi thảo luận thì không có cách gì đạt được tiến triển về các công việc bầu cử.

Khi trả lời, tôi không đồng ý ý kiến của ông ta chỉ khẳng định lập trường của phía Trung Quốc. Cái gọi là vấn đề tiêu chuẩn xác nhận “xe chạy thẳng” là cách nghĩ do phía Anh đề xuất vào thời kỳ đầu đàm phán Bắc Kinh. Cách nghĩ này của phía Anh là, nghị sĩ chỉ cần căn cứ điều 104 Luật cơ bản làm thủ tục tuyên thệ, là có thể chuyển tiếp thành nghị sĩ của Hội đồng lập pháp khoá đầu tiên của đặc khu. Phía Trung Quốc cho rằng, phía Trung Quốc chỉ có thể làm theo quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và quy định hữu quan của Luật cơ bản, không thể xâm phạm quyền lực mà Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc uỷ quyền cho Uỷ ban trù bị đặc khu tiến hành xác nhận nghị sĩ. Phía Trung Quốc còn cho rằng, đàm phán lần này nên giải quyết trước vấn đề sắp xếp bầu cử năm 1994/1995, giải quyết xong vấn đề này, việc tố thành Cục lập pháp khoá cuối cùng Hồng Kông, nếu phù hợp với quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và quy định hữu quan của Luật cơ bản mới có thể nói đến việc xác nhận với nghị sĩ. Cũng có nghĩa là phải có “xe chạy thẳng” trước, mới có thể nói đến tiêu chuẩn xác nhận nghị sĩ chuyển tiếp.

Trong cuộc gặp ở New York, trọng điểm của Hurd vẫn là thúc giục phía Trung Quốc thảo luận ngay cụ thể vấn đề tiêu chuẩn xác nhận, nói vấn đề này là then chốt để đàm phán có thể đạt được tiến triển hay không. Chúng tôi hiểu rõ điều phía Anh quan tâm nhất là quy định định về việc nghị sĩ phải “ủng hộ” Luật cơ bản và “dốc lòng trung thành” với đặc khu nêu trong quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Tôi biểu thị ngay việc sắp xếp bầu cử được giải quyết trọn vẹn, nếu có thể kết nối với Luật cơ bản thì việc quá độ sẽ không thành vấn đề. Về tiêu chuẩn xác nhận, chúng tôi không thể thay Uỷ ban trù bị Đặc khu định ra tiêu chuẩn chỉ có thể nói quan điểm có tính giải thích của cá nhân. Nếu có cá biệt nghị sĩ không dốc lòng trung thành với đặc khu, không ủng hộ Luật cơ bản, thậm chí chống lại Luật cơ bản phản đối “một nước hai chế độ” không chỉ trên lời nói mà còn có cả hành động, thì những nghị sĩ đó không phù hợp tiêu chuẩn, không thể quá độ.

Do thời gian gấp rút, để thúc đẩy đàm phán Bắc Kinh sớm đạt được một số tiến triển, một lần nữa tôi đề nghị với Hurd, hai bên theo nguyên tắc “dễ trước khó sau”, giải quyết trước vấn đề sắp xếp bầu cử tổ chức khu vực Hồng Kông năm 1994 tương đối đơn giản, còn vấn đề sắp xếp bầu cử Cục lập pháp năm 1995 tương đối phức tạp, hai bên cũng còn thời gian, có thể thảo luận sau. Hurd không đồng ý đề nghị của phía Trung Quốc, vẫn kiên trì những vấn đề chủ yếu, phải giải quyết cùng một lúc phải có biện pháp giải quyết tổng thể cả gói. Về sau, trong đàm phán Bắc Kinh, phía Anh vẫn đồng ý thảo luận trước vấn đề sắp xếp bầu cử tổ chức khu vực, nhưng lại nêu ra một số điều kiện tiên quyết. Phía Trung Quốc cũng đã có không ít nhượng bộ hai bên cơ bản đạt được nhất trí về mặt sắp xếp bầu cử tổ chức khu vưc. Đáng tiếc vào giờ phút cuối cùng, phía Anh lại nêu ra phải đưa phương pháp bầu cử Cục lập pháp năm 1995 vào cùng giải quyết.

17 vòng đàm phán vì ngày 27/11, phía Anh đơn phương tuyên bố buộc phải cắt đứt giữa chừng. Do đó đàm phán Bắc Kinh đi đến tan vỡ. Ngày 30/11 Ngoại trưởng Hurd gửi thư cho tôi, một mặt thanh minh việc phía Anh kiên trì giải quyết phương pháp bầu cử Cục lập pháp năm 1995, một mặt đề xuất phía Anh quyết định đưa phương án cải cách thể chế chính trị cho Cục lập pháp thảo luận vào trung tuần tháng 12. Trên thực tế, phía Anh ngửa bài cho phía Trung Quốc. Trước thái độ vô lý của phía Anh ngày hôm sau tôi lập tức trả lời Hurd. Phía Trung Quốc quyết không chấp nhận phía Anh trình dự thảo lập pháp cho Cục lập pháp Hồng Kông, hơn nữa, không thể đưa ý kiến của Cục lập pháp vào cuộc hội đàm của chính phủ hai nước, đối với phía Trung Quốc mà nói, đó là vấn đề nguyên tắc.

Tôi khẳng định, lại tuyên bố của phía Trung Quốc đưa ra khi bắt đầu đàm phán tháng 4, tức là nếu phía Anh đưa cải cách thể chế chính trị cho Cục lập pháp thì có nghĩa là cắt đứt đàm phán hai bên. Phía Anh không nghe lời cảnh cáo của phía Trung Quốc, một mực làm càn, kiên trì đưa ra thực thi phương án cải cách thể chế chính trị, tháng 2 và tháng 6 năm 1994, lần lượt giao cho Cục lập pháp thông qua.

Phía Trung Quốc lập tức áp dụng biện pháp đối chọi quyết liệt, chính thức ra tuyên bố căn cứ theo quy định của Tuyên bố chung, quản lý hành chính của Anh đối với Hồng Kông đến hết ngày 30/6/1997, chính phủ Trung Quốc khôi phục lại thực hiện chủ quyền đối với Hồng Kông từ ngày 1/7/1997. Với tư cách là một bộ phận tổ thành của cấu trúc thể chế chính trị của nước Anh cai quản Hồng Kông, tức Hội đồng nghị sĩ khu vực khoá cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, hai cục Thị chính và Lập pháp, tất sẽ chấm dứt hoạt động theo sự kết thúc thời kỳ cai quản của nước Anh. Từ 1/7/1997 trở đi cấu trúc thể chế chính trị của đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ xây dựng theo quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và quy định hữu quan của Luật cơ bản.

Điều đó chứng tỏ, do phía Anh phá hoại nên “xe chạy thẳng” không chạy thẳng được, phía Trung Quốc đành phải “đi con đường riêng”. Cuộc đụng đầu này xoay quanh phát triển thể chế chính trị Hồng Kông giữa hai bên Trung - Anh đến đây kết thúc một giai đoạn, hai bên “mỗi người một ngả”, càng đi càng xa.

Không ngớt dư ba


Tháng 3/1996, Uỷ ban trù bị đặc khu Hồng Kông chính thức quyết định thành lập Hội đồng lập pháp lâm thời đặc khu. Do không có “xe chạy thẳng”, có rất nhiều công việc chuẩn bị khi đặc khu thành lập ngày 1/7/1997, nhất là công việc lập pháp cần phải làm xong trước, nhưng hội đồng lập pháp khoá đầu tiên của đặc khu lại không thể thành lập trước đó, cho nên cần thiết thành lập một cơ cấu lập pháp lâm thời của đặc khu để hoàn thành công tác lập pháp cần thiết. Hội đồng lập pháp lâm thời này từ ngày Hồng Kông trở về mới chính thức bắt đầu chấp hành chức năng của cơ quan lập pháp đặc khu, thời hạn là một năm, tức đến khi thành lập Hội đồng lập pháp khoá đầu tiên đặc khu thì kết thúc.

Theo lý mà nói sự sắp xếp này hoàn toàn là việc của phía Trung Quốc, phía Anh không có quyền can thiệp. Tất nhiên, chúng ta cũng mong muốn phía Anh có thể hợp tác tạo một số thuận lợi đối với các công tác trù bị của đặc khu. Nhưng trên vấn đề thành lập bộ máy công tác chuẩn bị của Uỷ ban trù bị hai năm trước, chúng ta đã sớm nhận thấy thái độ bất hợp tác của phía Anh, càng không có hy vọng gì với phía Anh trên vấn đề thiết lập Hội đồng lập pháp lâm thời của đặc khu. Đúng như chúng ta dự đoán phía Anh cũng tẩy chay hội đồng lập pháp lâm thời giống như Uỷ ban công tác chuẩn bị. Ví như, sau khi bầu ra nghị sĩ Hội đồng lập pháp bất kể như thế nào phía Anh cũng không đồng ý Hội đồng lập pháp lâm thời họp tại đất Hồng Kông, Hội đồng lập pháp lâm thời đành phải bắt đầu làm việc tại Thâm Quyến cho đến khi Hồng Kông trở về mới dời về Hồng Kông. Trong thời gian này, về mặt ngoại giao phía Anh cũng thường đưa vấn đề Hội đồng lập pháp lâm thời vào chương trình nghị sự của Ngoại trưởng hai nước thảo luận, quấy rầy nhiều lần.

Lúc này, đối thủ đàm phán phía Anh của tôi đã đổi là ngoại trưởng Rifkind tôi đã gặp ông ta khi thăm lại Anh tháng 10/1995. Về sau ông ta thăm Trung Quốc, còn có một số thư từ qua lại với tôi. Có một lần, Rifkind gửi thư đưa ra ý kiến khác với việc nhóm pháp luật của Uỷ ban công tác chuẩn bị của phía Trung Quốc huỷ bỏ điều khoản nào đó trong dự luật nhân quyền của Hồng Kông nói việc làm đó sẽ tổn hại nghiêm trọng lòng tin của Hồng Kông, mong phía Trung Quốc suy nghĩ kĩ. Tôi gửi thư trả lời nêu rõ, các luật pháp khác của Hồng Kông nên phục tùng bộ luật lớn căn bản - Luật cơ bản này, chứ không nên mâu thuẫn với nó. Đến đầu tháng 4 năm 1996, tức không lâu sau khi phía Trung Quốc quyết định thành lập Hội đồng lập pháp lâm thời, ông ta lại gửi thư nêu ra vấn đề Hội đồng lập pháp lâm thời, nói có quan chức phía Trung Quốc yêu cầu công chức Hồng Kông hễ muốn tham gia ứng cử vào ban lãnh đạo đặc khu, cần phải tuyên bố ủng hộ Hội đồng lập pháp lâm thời, việc làm đó gây nên vấn đề dốc lòng trung thành xung đột lẫn nhau đối với công chức Hồng Kông, sẽ làm dao động lờng người v.v.. Tôi không trả lời thư đó.

Ngày 20/4 năm đó tôi và Ngoại trưởng Rifkind có dịp gặp nhau ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan ở Den Haag. Trong cuộc gặp ông ta vẫn quấy rầy về vấn đề Hội đồng lập pháp lâm thời trước khi bàn giao Hồng Kông không phù hợp với việc phía Anh phụ trách quản lý hành chính Hồng Kông mà Tuyên bố chung quy định, phá hoại rất lớn niềm tin của Hồng Kông, lại nói, hai cơ quan lập pháp song song tồn tại, sẽ làm cho xã hội Hồng Kông hỗn loạn rất lớn. Rõ ràng điều đó đã đảo lộn phải trái và nhân quả trong tranh chấp “xe chạy thẳng”.

Lúc đó, tôi vẫn nhẫn nại nói rõ, chính vì không có “xe chạy thẳng”, mà bầu cử Hội đồng lập pháp khoá đầu tiên đặc khu không thể nào tiến hành trước 1/7/1997, cho nên mới cần phải thành lập một Hội đồng lập pháp lâm thời trong một thời gian. Công tác chuẩn bị của Hội đồng lập pháp lâm thời phải đến ngày 1/7 trở đi mới có hiệu lực, vì vậy không có vấn đề hai cơ quan lập pháp tồn tại song song. Tôi mong, phía Anh có thể đối mặt với hiện thực này. Tôi còn nhấn mạnh, trong hơn 400 ngày còn lại trước khi thu hồi Hồng Kông, hai bên nên làm nhiều việc thực, không nên tranh cãi, hợp tác nhiều, bớt gây phiền phức. Trong thư từ qua lại sau này, Rifkind luôn gây ra một số phiền phức, tôi cũng không trả lời từng cái một. Tuy vậy, sự hợp tác giữa hai bên có tiến triển làm người ta tương đối vui mừng, đó là khi chúng tôi gặp nhau ở New York vào mùa thu 1966, cùng nhau xác nhận kỷ yếu về nghi lễ bàn giao chính quyền Hồng Kông mà tổ liên lạc Trung - Anh đạt được, đã dứt điểm một việc lớn trước khi Hồng Kông trở về.

Đánh giá sai tình hình


Nhìn lại quá trình Hồng Kông trở về hai phía Trung - Anh bất đồng về vấn đề thể chế chính trị dẫn đến bác bỏ việc sắp xếp “xe chạy thẳng”, cuối cùng đi đến bất hợp tác hoàn toàn, rõ ràng là một cơn sóng gió lớn nhất trong cả quá trình trở về. Để tránh kết quả này, phía Trung Quốc đã từng nỗ lực lớn nhất, nhưng cuối cùng cũng không được như mong muốn. Nguyên nhân do đâu ?

Giới dư luận có nhiều cách nói đối với vấn đề này. Một quan điểm tương đối phổ biến là nhấn mạnh nhân tố cá nhân Patten. Tuy lúc đó chúng ta cũng có ấn tượng Chính phủ Luân Đôn nghe theo Thống đốc Hồng Kông. Nhưng tôi nghĩ có lẽ vẫn phải nhìn nhận giai đoạn lịch sử này từ bối cảnh rộng lớn hơn. Sau năm 1989, phía Anh nêu ra phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình “dân chủ hoá” Hồng Kông, lúc đó không thể không thương lượng trước với Trung Quốc, để gắn với Luật cơ bản. Đến năm 1992, phía Anh lại bất chấp hiệp nghị và hiểu biết lẫn nhau của hai bên, không thương lượng với phía Trung Quốc, đơn phương nêu ra phương án cải cách thể chế chính trị “ba vi phạm”, gây nên tranh luận công khai và được Cục lập pháp thông qua, do đó cuối cùng đã phá hoại khả năng kết nối thể chế chính trị trước và sau khi trở về.

Phía Anh thay đổi chính sách hợp tác với Trung Quốc trên vấn đề Hồng Kông với mức độ lớn như vậy về đại thể rất khó nói hoàn toàn là do nhân tố cá nhân đưa đến mà có bối cảnh quốc tế sâu sắc của nó. Sau khi Đông Âu đột biến và Liên Xô tan rã đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, nhà cầm quyền nước Anh căn cứ vào thay đổi đó đánh giá sai tình hình và tiền đồ phát triển của Trung Quốc. Họ cho rằng hiệp nghị vấn đề Hồng Kông đã ký với Trung Quốc trước đây, phía Anh nhượng bộ quá nhiều, bị thiệt, muốn nhân cơ hội này “lật án”. Tôi nghĩ đó mới là nguyên nhân căn bản của phiá Anh gây nên cơn sóng gió lớn trên vấn đề thể chế chính trị Hồng Kông.

Ngày 1/7/1997, tôi là thành viên của đoàn đại biểu chính phủ Trung Quốc dự lễ bàn giao chính quyền Hồng Kông trở về. Tận mắt nhìn thấy cờ đỏ năm sao của Tổ quốc từ từ kéo lên, nhớ tới lịch sử lãnh thổ tổ quốc bị nước ngoài chiếm đóng cai trị từ đây kết thúc, bỗng rạo rực trong lòng, vô cùng cảm kích, ngày ngày đêm đêm, mưa mưa gió gió trong thời kỳ quá độ lâu dài đều kết quyện vào giờ phút lịch sử này. Điều làm người ta khó quên là vào ngày lễ bàn giao, suốt ngày mưa to tầm tã. Tôi nghĩ, những người có tâm cảnh khác nhau sẽ từ đó nảy sinh cảm nhận khác nhau.

Con cháu Viêm Hoàng trên toàn thế giới đều cảm thấy trận mưa to xối xả này đã rửa sạch mối nhục trăm năm của Trung Quốc, để Hồng Kông đón một tương lai hoàn toàn mới.


Ma Cao trở về trong bình yên


Sóng yên gió lặng


Nếu nói chặng đường Hồng Kông trở về tổ quốc là “sóng to gió lớn, sóng ngầm cuồn cuộn”, thì việc Ma Cao trở về có thể hình dung bằng câu “sóng yên gió lặng, nước lặng như tờ”.

Quá trình đàm phán giữa hai nước Trung Quốc và Bồ Đào Nha về việc giải quyết Ma Cao trở về khá thuận lợi, hợp tác rất tốt. Muốn hiểu nguyên nhân của nó phải ngược dòng về cuộc cách mạng của Bồ Đào Nha diễn ra vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ngày 25/4/1974, chính quyền độc tài cai trị Bồ Đào Nha gần nửa thế kỷ bị “Hội đồng cứu quốc nước cộng hoà” do các sĩ quan trẻ tổ thành lật đổ. Cuộc đảo chính này được người ta gọi là “cách mạng 25/4”. Sau cách mạng, chính phủ mới từ bỏ chính sách thực dân thực hành “phi thực dân hoá” đối với thuộc địa của Bồ Đào Nha. Trước tiên là để cho các thuộc địa ở Châu Phi đi tới độc lập. Sau đó, vào cuối năm 1975 bắt đầu rút quân đội ra khỏi Ma Cao và trong “chương trình tổ chức Ma Cao" công bố sau này đã thừa nhận Ma Cao là lãnh thổ của Trung Quốc, do Bồ Đào Nha quản lý.

Năm 1974 khi hai nước Trung Quốc và Bồ Đào Nha thiết lập quan hệ ngoại giao phía Bồ Đào Nha lại chính thức công nhận với Trung Quốc, Ma Cao là lãnh thổ Trung Quốc.

Thập kỷ 80 thế kỷ 20, khi Trung Quốc - Bồ Đào Nha bắt đầu đàm phán giải quyết vấn đề Ma Cao, vấn đề quy thuộc chủ quyền lãnh thổ đã được giải quyết. Vì vậy hai bên đàm phán có cơ sở tốt đẹp. Khi soạn thảo Tuyên bố chung rất nhanh đạt được ý kiến nhất trí về diễn đạt chủ quyền lãnh thổ. Trong văn bản hiệp nghị do hai bên cùng tuyên bố khu vực Ma Cao là lãnh thổ Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ khôi phục thực hiện chủ quyền đối với Ma Cao. So sánh một chút, trong Tuyên bố chung Trung - Anh về vấn đề Hồng Kông, vì phía Anh không muốn nói Hồng Kông là lãnh thổ Trung Quốc, hai bên không thể nào đi đến phương thức diễn đạt chung, chỉ có do chính phủ hai nước mỗi bên tự ra tuyên bố ; thu hồi Hồng Kông là nguyện vọng chung của nhân dân toàn quốc, phía Trung Quốc quyết định khôi phục thực hiện chủ quyền đối với Hồng Kông, phía Anh sẽ trao trả Hồng Kông.

Vấn đề nguyên tắc quy thuận chủ quyền này đã được giải quyết, vấn đề chủ yếu của đàm phán Trung Quốc - Bồ Đào Nha cần giải quyết là thời gian cụ thể Trung Quốc thu hồi Ma Cao. Lúc này, phía Bồ Đào Nha mong muốn muộn hơn, tốt nhất đẩy lùi sang thế kỷ 21. Xem xét toàn cục của sự nghiệp vĩ đại thống nhất phía Trung Quốc cho rằng cần phải thu hồi trước khi kết thúc thế kỷ 20, nhưng có thể so le với thời gian thu hồi Hồng Kông. Hai bên Trung Quốc - Bồ Đào Nha đã tốn khá nhiều thời gian và công sức về vấn đề này, cuối cùng thoả thuận là mười ngày trước khi chấm dứt thế kỷ 20 tức ngày 20/12/1999, hoàn thành bàn giao chính quyền Ma Cao trở về.

Do quan hệ hai nước luôn hữu nghị, lại xem xét đầy đủ một số đặc điểm và tình hình thực tế của Ma Cao, phía Trung Quốc căn cứ vào phương châm “một nước hai chế độ”, khi đặt ra chính sách cụ thể đối với Ma Cao, đều cố gắng hết sức chiếu cố đến ý kiến và yêu cầu hợp lý do phía Ma Cao đề xuất. Ma Cao có một loạt cư dân hậu duệ Bồ Đào Nha sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ tức cái gọi là “người Bồ Đào Nha sinh tại địa phương” họ có địa vị xã hội tương đối đặc biệt cũng có một số lợi ích đặc thù của họ. Trong Tuyên bố chung, phía Trung Quốc hứa bảo vệ lợi ích của lớp cư dân này theo luật pháp, và tôn trọng tập quán và truyền thống văn hoá của họ. Lại như phía Bồ Đào Nha rất coi trọng di sản văn hoá và tiếp tục kéo dài ảnh hưởng của Bồ Đào Nha ở Ma Cao, phía Trung Quốc thấy có những yêu cầu hợp lý đều đồng ý, đặc biệt viết vào trong hiệp nghị “bảo hộ văn vật ở Ma Cao theo luật pháp” và đồng ý tiếng Bồ Đào Nha ngoài việc dùng làm ngữ văn chính thức ra, vẫn có thể làm nội dung ngôn ngữ dạy học, những lời viết về mặt văn hoá, giáo dục ngữ văn đều được đặt vào vị trí nổi bật hơn.

Về việc sắp xếp liên quan đến việc bàn giao chính quyền khi Ma Cao trở về, phía Trung Quốc suy tính tới việc Bồ Đào Nha đã sớm rút quân ra khỏi Ma Cao, khi quân giải phóng của ta vào đóng tại tại Ma Cao, không có vấn đề bàn giao quân sự như Hồng Kông. Vì vậy, quân giải phóng không tiến vào lúc 12 giờ đêm ngày bàn giao chính quyền mà tiến vào ban ngày, của ngày Ma Cao trở về, hùng dũng tiến vào dưới ánh sáng mặt trời chói chang.


Quá độ hoà bình ổn định


Thời kỳ quá độ của Ma Cao hầu như cũng bằng thời kỳ quá độ của Hồng Kông, nhưng đứng trước những vấn đề rất không giống nhau. Để thực hiện quá độ hoà bình ổn định Ma Cao phải giải quyết “ba vấn đề lớn” trong thời kỳ quá độ, tức ngữ văn, nhân tài, và pháp luật. Ba vấn đề này trở thành đề tài bàn luận quan trọng từ đầu chí cuối trong cuộc thương lượng ngoại giao Trung Quốc - Bồ Đào Nha. Tất cả tầng nấc phía Trung Quốc đều tích cực thúc đẩy và hiệp trợ phía Bồ Đào Nha giải quyết những vấn đề khó này. Trong đó, tất nhiên cũng có một số ý kiến bất đồng, nhưng hai bên cơ bản không tranh luận công khai, mà là hiệp thương giải quyết, cuối cùng hoàn thành công việc. Trong thời gian đó, lãnh đạo hai nước từng nhiều lần đi thăm lẫn nhau, tất nhiên vấn đề Ma Cao cũng là trọng điểm trao đổi của hai bên, sự hợp tác tốt đẹp trên vấn đề Ma Cao có thể nói đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương không ngừng phát triển.

Tháng 2 năm 1991, lần đầu tiên tôi đi thăm Bồ Đào Nha, được đón tiếp hữu nghị và chính thức đạt được hiệp nghị với phía Ma Cao về địa vị chính thức của tiếng Trung, tiếng Bồ Đào Nha tại Ma Cao, tiến một bước quan trọng nhằm thúc đẩy giải quyết “ba vấn đề lớn” nói trên. Kể ra, Bồ Đào Nha trở thành nước phương tây đầu tiên đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc chính thức đi thăm sau năm 1989, không phải là điều ngẫu nhiên. Do hợp tác rất tốt trên vấn đề Ma Cao, hai bên có thể nhìn về phía trước thấy được tiền đồ rộng lớn hợp tác hữu nghị Trung Quốc - Bồ Đào Nha sau khi bàn giao Ma Cao trong thời kỳ quá độ. Vì vậy, trong trao đổi giữa tầng lớp cao của hai nước, dần dần hình thành một nhận thức chung, tức giải quyết thuận lợi vấn đề Ma Cao có thể thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Trung Quốc - Bồ Đào Nha và quan hệ giữa Trung Quốc và EU phát triển.

Trong thời kỳ quá độ, tôi có những lần gặp ngoại trưởng Bồ Đào Nha, thảo luận vấn đề liên quan đến Ma Cao quá độ, với tư cách ngoại trưởng hoặc tháp tùng lãnh đạo nước ta nhiều lần thăm Bồ Đào Nha. Trong thời gian đó lần đến thăm Ma Cao đầu tiên, đã để lại cho tôi những ấn tượng rất sâu. Tháng 3/1993, nhận lời mời của Thống đốc Ma Cao, tôi đi Ma Cao với tư cách Phó thủ tướng Trung Quốc dự lễ khai trương Trung tâm văn hoá Ma Cao, và được gặp Tổng thống Bồ Đào Nha Sampaio ở đây.

Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất Ma Cao. Và trước khi Hồng Kông trở về tôi chưa thể chính thức đi thăm Hồng Kông với tư cách chính thức. Ma Cao là nơi rất có đặc sắc vừa có văn hoá truyền thống của Trung Quốc, vừa có văn hoá truyền thống của Bồ Đào Nha, càng có văn hoá của bản thân Ma Cao. Đồng bào Ma Cao có truyền thống yêu nước lâu đời. Tôn Trung Sơn tiên sinh đã sống và hành nghề y ở Ma Cao từ thời trẻ. Nhà soạn nhạc nổi tiếng, tác giả của “Hoàng hà đại hợp xướng” Tẩy Tinh Hải cũng là người Ma Cao.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Sampaio, ông đã biểu thị rất quan tâm đến việc liệu có thể tiếp tục giữ được đặc sắc của bản thân Ma Cao hay không sau khi trở về Trung Quốc, và hi vọng kết thúc thời kỳ quá độ Ma Cao, sẽ mang lại nhân tố tích cực mới cho quan hệ Trung Quốc - Bồ Đào Nha. Ông còn đặc biệt cho tôi biết, sẽ đích thân đi dự lễ bàn giao chính quyền Ma Cao. Trong cuộc gặp lần này, chúng tôi trao đổi ý kiến về vấn đề hai bên hợp tác và tất cả vấn đề còn chờ giải quyết trong hơn 270 ngày cuối cùng của thời kỳ quá độ ở Ma Cao, và đạt được tiến triển, hai bên trao đổi rất chan hoà vui vẻ. Ngày 20/12/199, Trung Quốc - Bồ Đào Nha cuối cùng đã hoàn thành thuận lợi việc bàn giao chính quyền Ma Cao trở về. Tôi là thành viên của Đoàn đại biểu chính phủ Trung Quốc, dự lễ trọng thể bàn giao ngày hôm đó, đã chứng kiến giờ phút lịch sử cảm động lòng người này. Đến đây, nhiệm vụ thu hồi Hồng Kông, Ma Cao đã hoàn thành, nhân dân Trung Quốc càng có lý do mong đợi. Đài Loan có thể sớm trở về trong lòng tổ quốc, để cuối cùng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thống nhất tổ quốc.

Bao giờ hai bờ sum họp, ý trời thuận theo lòng người”. Đó cũng là một trong những tâm nguyện của tôi lúc về già.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss