Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mười câu chuyện ngoại giao (3)

Mười câu chuyện ngoại giao (3)

- Tiền Kì Tham — published 18/04/2009 13:13, cập nhật lần cuối 18/04/2009 13:39


Mười câu chuyện ngoại giao (3)


BAY ĐẾN BAGHDAD


Tiền Kì Tham


Trần Hữu NghĩaDương Quốc Anh dịch

Dương Danh Dy hiệu đính


Đọc các phần trước :

(1) (2)



Bỗng nổi gió mây


Ngày 2 tháng 8 năm 1990, cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh bùng nổ. Iraq tiến hành xâm lược với quy mô lớn và chiếm đóng nước láng giềng Kuwait, không lâu sau đó lại chính thức tuyên bố thôn tính nước này. Nhất thời các nước rộ lên, cả thế giới kinh hoàng.

Mặc dù sự kiện bột phát xảy ra nhưng không phải là không có dấu vết để tìm tòi. Hạ tuần tháng 7 năm này, vừa hay tôi đang ở thăm các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, chuẩn bị ký thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày ở thăm đầu tiên tôi hội đàm với ngoại trưởng nước này là hoàng thân Faisal, mọi công việc đều rất thuận lợi, hai bên bàn định ngày hôm sau chính thức ký thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng đến ngày hôm sau không thấy tung tích vị Bộ trưởng đó đâu, suốt ngày tìm không thấy ông ta, thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao do đó không thể ký theo thời gian đã định. Phía Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất chỉ nói Bộ trưởng ngoại giao hôm nay có việc gấp cần phải xử lý. Chúng tôi cảm thấy nghi hoặc, lo ngại việc thiết lập quan hệ ngoại giao có thể có thay đổi. Đến tối thì ngoại trưởng Faisal đột ngột xuất hiện, hai bên vẫn theo bàn định từ trước hoàn thành việc ký thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao ngay đêm hôm đó. Hoàng thân Faisal nói với tôi, sở dĩ ông không thể ký thông báo chung theo thời gian đã định vì Quốc vương Fahd bảo ông ngay trong ngày phải đi gấp sang Iraq và Kuwait hoà giải mâu thuẫn nẩy sinh giữa hai nước. Lúc này mâu thuẫn giữa hai nước đã công khai hoá rồi, nhưng các bên đều chưa dự liệu được tình hình sẽ nhanh chóng diễn biến thành chuyện gặp nhau bằng súng đạn.

Mâu thuẫn giữa Iraq và Kuwait đã có từ lâu. Trong lịch sử, hai nước đều đã từng là một bộ phận của Đế quốc Ottoman, sau này bị người Anh thống trị. Năm 1921 Iraq độc lập, còn Kuwait mãi đến năm 1961 mới tuyên bố độc lập. Thời Đế quốc Ottoman, Kuwait là một huyện của tỉnh Basrah, có thể đó là nguyên do khiến Iraq thèm muốn có được Kuwait. Biên giới hai nước từ sau khi độc lập chưa được hoàn toàn hoạch định, thường thường xảy ra tranh chấp biên giới. Kuwait là nước nhỏ dân ít nhưng tài nguyên dầu mỏ phong phú, còn Iraq sau khi trải qua tám năm chiến tranh với Iran đã nợ một khoản lớn, trong đó phần tương đối là của Kuwait. Sau khi bước vào năm 1990, do giá cả dầu mỏ mà tranh chấp giữa hai nước ngày càng gay gắt. Các nước Ả rập đã cố gắng hoà giải sự tranh chấp giữa hai nước nhưng không thành công. Bây giờ, Iraq nhân cơ hội người Kuwait đi nghỉ hè ở châu Âu đột ngột cử quân đội chiếm đánh Kuwait, tiến nhanh vào thẳng, hầu như không đánh mà thắng.

Iraq, Kuwait đều là những nước đang phát triển, đều có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Lần này Iraq dùng quân đội xâm lược Kuwait là một sự kiện vi phạm nghiêm trọng chuẩn tắc quan hệ quốc tế, tuyệt đối không thể cho phép. Ngay trong ngày người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu tuyên bố bầy tỏ rõ lập trường của chính phủ Trung Quốc, đồng thời yêu cầu thông qua đàm phán hoà bình giải quyết tranh chấp. Ngày 4 tháng 8, thứ trưởng ngoại giao Dương Phúc Xương đã lần lượt mời gặp gấp đại sứ hai nước Iraq, Kuwait tại Bắc Kinh, kêu gọi Iraq nhanh chóng rút quân đội, càng sớm càng tốt ; hy vọng hai nước Ảrập anh em thông qua đàm phán giải quyết bất đồng giữa hai bên. Ngày 22 khi gặp phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Kuwait là hoàng thân Al-Sabah, nhằm thẳng vào việc Iraq đã tuyên bố thôn tính Kuwait, tôi đã nhấn mạnh, Trung Quốc kiên quyết phản đối Iraq xâm lược và thôn tính Kuwait. Bất kể là Iraq dùng cớ gì thì xâm lược vũ trang đều không thể chấp nhận. Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Iraq rút quân vô điều kiện. Nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Kuwaitphải được tôn trọng và khôi phục.

Sau khi Kuwait bị đột kích đột ngột thì việc bảo vệ những công dân Trung Quốc đang ở đó là một nhiệm vụ cấp bách mà khó khăn, đại sứ quán nước ta ở Kuwait đã có những cố gắng rất lớn vì việc này. Lúc này có khoảng gần 5.000 nhân viên xuất khẩu lao động và kiều dân Trung Quốc ở Kuwait. Do tình hình ngày một xấu đi, họ đã mất điều kiện công tác và sinh hoạt tối thiểu. Đến ngày 29 tháng 8 chúng tôi đã đưa được toàn bộ công dân Trung Quốc đến nơi an toàn, trong đó bao gồm không ít đồng bào Đài Loan và Hồng Kông. Đài Loan có Văn phòng Thương vụ ở Kuwait, sau khi xảy ra chiến tranh, những người phụ trách cơ quan này đều bỏ chạy để giữ lấy mạng mình. Hơn 100 đồng bào Đài Loan đành phải nhờ sứ quán chúng ta giúp đỡ và chúng ta đã hoàn toàn thoả mãn yêu cầu của đồng bào. Còn một số đồng bào Hồng Kông khác mang hộ chiếu Anh, lúc này không những không sử dụng được mà còn mang lại càng nhiều nguy hiểm hơn. Bọn họ cũng tìm đến sứ quán Trung Quốc, chúng ta đều tìm cách giúp đỡ khiến họ có thể an toàn di tản.

Vùng Vịnh là vùng đất chiến lược quan trọng, một khi ở đây xuát hiện khủng hoảng tất nhiên sẽ làm cho sự ổn định của toàn bộ tình hình thế giới biến động theo.

Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Ngày 2 tháng 8 Hội đồng bảo an triệu tập hội nghị khẩn cấp thông qua quyết nghị số 660 khiển trách Iraq xâm lược Kuwait, yêu cầu Iraq lập tức vô điều kiện rút quân về, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành. Sau này Hội đồng Bảo an còn thông qua một loạt nghị quyết thực thi chế tài toàn diện và phong toả hải phận và không phận Iraq, còn thành lập một Uỷ ban chuyên môn – Uỷ ban 661 – để thẩm tra tình hình chấp hành quyết nghị. Trung Quốc đều tán thành những biện pháp đó.

Thế giới Ảrập rất sốt ruột trước cuộc khủng hoảng này, họ không muốn nhìn thấy cảnh anh em bất hoà. Các nước Vùng Vịnh đã tiến hành những hoà giải ngoại giao khẩn cấp, đưa ra rất nhiều phương án và kiến nghị. Thế nhưng do lợi ích và lập trường của các nuớc Ảrập rất khác nhau nên đã tồn tại không ít bất đồng trong việc làm như thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này và những cố gắng đều không có tiến triển.

Khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh xảy ra, Liên Xô đang lâm vào khó khăn chính trị và kinh tế ngày càng nghiêm trọng trong nước, lo thân không nổi nên khó có thể làm được việc gì lớn.

Lúc này phản ứng của Mỹ là cứng rắn nhất. Ngày 7 tháng 8, tổng thống Mỹ Bush chính thức ký vào kế hoạch hành động xuất quân ở Vùng Vịnh, lập tức bắt đầu điều binh khiển tướng ở vùng Vịnh, gia tăng với quy mô lớn lực lượng quân sự ở vùng này.

Nhất thời mây đen chiến tranh dầy đặc, tình hình nguy cấp.


Tới thăm Trung Đông


Đến tháng 10 năm này tình hình vùng Vịnh không những không hoà dịu mà ngược lại đã từng bước trượt đến bên bờ chiến tranh.

Trong đoạn thời gian này với mong muốn có thể giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, các bên trên thế giới đều tiến hành những hoạt động ngoại giao khẩn trương. Với tư cách là một nước lớn, đặc biệt là một trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an nên tính quan trọng trong việc bảo vệ hoà bình và ổn định ở khu vực này của Trung Quốc bắt đầu thể hiện rõ.

Nhiều nước Ảrập đã cử đặc sứ tới Trung Quốc. Ngoại trưởng các nước Kuwait, Jordan, Tiểu vương quốc Ảrập lần lượt có những chuyến thăm làm việc ở Bắc Kinh. Iraq cũng cử phó Tổng thống Ramaddan đến trình bầy quan điểm của phía Iraq.

Nhưng vũ đài ngoại giao quan trọng hơn chính là Liên Hợp Quốc.

Từ hạ tuần tháng 9 đến tháng 10 năm đó, tôi tới New York dự đại hội lần thứ bốn mươi nhăm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ngày 25 tháng 9 tại hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao của Hội đồng bảo an, tôi đã trình bầy lập trường của Trung Quốc về vấn đề vùng Vịnh, kêu gọi Iraq nhìn thẳng vào nguyện vọng mạnh mẽ của xã hội quốc tế, dùng thái độ hợp tác với Hội đồng Bảo an lập tức đình chỉ chiếm đóng Kuwait, rút quân khỏi Kuwait. Tôi chỉ ra, chính phủ Trung Quốc chủ trương thông qua phương thức hoà bình giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, ủng hộ Hội đồng bảo an phát huy tác dụng, hoan nghênh Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục tiến hành điều giải và hoà giải, ủng hộ các nước Ả rập tiến hành những cố gắng rộng rãi trên cơ sở các nghị quyết có liên quan của Liên Hợp Quốc. Tôi còn chỉ ra, về nguyên tắc Trung Quốc không tán thành các nước lớn dính líu quân sự với vùng Vịnh, bởi vì điều này chỉ làm cho tình hình càng thêm phức tạp, kêu gọi các nước có sự kiềm chế lớn nhất. Nhằm thẳng vào nghị quyết số 670 thực hành cấm vận trên không đối với Iraq mà Hội đồng bảo an vừa thông qua, tôi còn nhấn mạnh, khi chấp hành nghị quyết, các nước phải nghiêm túc tuân thủ các quy định có liên quan về luật pháp quốc tế, nghiêm túc ngăn chặn sử dụng bất kỳ hành động nào nguy hiểm tới an toàn của máy bay dân dụng và nhân viên trên máy bay.

Trong thời gian họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đoàn đại biểu Trung Quốc mượn dùng một căn phòng hội ý của các nuớc không liên kết rộng chưa tới 30m2 làm phòng họp, nơi này đã trở thành một trung tâm trao đổi ý kiến, đối thoại ngoại giao đa phương. Cũng trong căn phòng này tôi đã hầu như không lúc nào ngừng lần lượt gặp gỡ Bộ trưởng ngoại giao hoặc người lãnh đạo hơn 60 nước, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là đối thoại chủ yếu.

Sau khi đã nói chuyện với hơn mười vị Bộ trường ngoại giao vùng Trung Đông, cảm giác chung của tôi là phần lớn các nước đều cảm thấy lo lắng về khả năng bùng nổ chiến tranh, kiên quyết phản đối Iraq thôn tính Kuwait nhưng lại không nhất trí trong việc làm như thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng. Một thời gian trước đó các nước đã từng thử dùng phương thức Ả rập để hoá giải khủng hoảng, nhưng hiệu quả rất nhỏ, họ đều tán thành lập trường của Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc có thể phát huy tác dụng lớn hơn vào lúc này.

De Cuellar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc biểu thị với tôi, bất kể là dùng danh nghĩa Liên Hợp Quốc đánh trận hay là nước Mỹ tự đánh đều nên tránh. Nếu nước Mỹ cố ý làm một mình thì lại càng nguy hiểm, ông ta nói, cuộc chiến tranh Triều Tiên năm đó là một trải nghiệm xấu. Ông không tin nước Mỹ sẽ trao quân đội cho Liên Hợp Quốc chỉ huy.

Khi trao đổi ý kiến với Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Shevardnadze, ông ta nói với tôi nỗi lo lắng hiện nay của Liên Xô là ở chỗ còn lưu tại đó hơn 5.000 chuyên gia như dầu mỏ v.v... Liên Xô đã cử Primakov một người thành thạo công việc Trung Đông làm đặc sứ đến Baghdad hai lần, nhưng trong việc hoà giải đã trở về tay không, chỉ hoàn thành đựơc một nhiệm vụ là đưa chuyên gia Liên Xô về nước. Ông biểu thị trong tình hình các nước Ả rập có sự chia rẽ, Liên Xô khó có thể phát huy tác dụng. Lúc này Mỹ đang tích cực vạch kế hoạch để Hội đồng Bảo an trao quyền sử dụng vũ lực. Mỹ cùng với mấy nước phương Tây, một mặt biểu thị tán thành lập trường của Trung Quốc nhưng mặt khác lại có ý đồ yêu cầu Trung Quốc hoàn toàn làm theo bước đi của họ.

Trong cuộc hội kiến ngoại trưởng Pháp Dumas, khi tôi đề xuất Pháp nên vận dụng ảnh hưởng của mình đối với Iraq, thúc giục Iraq rút quân khỏi Kuwait, vị ngoại trưởng này đã có một cử chỉ không biết làm thế nào, nói, có lúc bạn bè cũng không nghe lời. Tôi nhấn mạnh với các ngoại trưởng các nước phương Tây, Hội đồng Bảo an đã thông qua không ít nghị quyết, nên nhân thời gian này để cho Liên Hợp Quốc, các nước Ả rập và các mặt khác tiến hành hoà giải. Trung Quốc đều bỏ phiếu tán thành các nghị quyết có liên quân đến việc chế tài Iraq của Liên Hợp Quốc, đó không phải là một việc dễ dàng bởi vì trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn còn ba nước đang chế tài Trung Quốc, đó là một thái độ không bình thường.

Ngày 15 tháng 10, quốc vương Jordan đề xuất với đại sứ nước ta tại Jordan, hy vọng Trung Quốc cử đặc sứ cao cấp thăm Iraq và vùng Vịnh. Trước đó Oman, Palestine cũng đề xuất những kiến nghị tương tự. Xem xét toàn cục thế giới, để mắt vào hoà bình vùng Vịnh, Trung ương quyết định tôi đi thăm Trung Đông, từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 11, với thân phận là đặc sứ thăm Ai cập, Tiểu vương quốc Ả rập, Jordan và Iraq.

Từ sau những năm 80 của thế kỷ 20 trở đi, Trung Quốc đề xướng thực hành chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, xuất phát từ góc độ an ninh và lợi ích quốc gia chú trọng cải thiện quan hệ hai bên với các nước láng giềng, đồng thời căn cứ vào lợi ích thiết thân cùng với các nước trên thế giới bao gồm các nước phương Tây thiết lập quan hệ quốc gia bình thường.

Trong vùng Trung Đông, Trung Quốc không có quan hệ lợi hại trực tiếp, càng không mưu cầu bất kỳ tư lợi nào, có vị thế đặc biệt, rất được sự tín nhiệm và tôn trọng của các nước Ả rập. Đồng thời với tư cách là một nước đang phát triển lớn, trong các công việc quốc tế trọng đại Trung Quốc đang giành được quyền phát ngôn và sức ảnh huởng càng ngày càng lớn. Lúc này đi thăm Trung Đông, tìm kiếm khả năng giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là có ý nghĩa sâu xa trong việc tăng cường địa vị quốc tế và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này của Trung Quốc. Hơn nữa bảo vệ hoà bình thế giới là tôn chỉ nhất quán của Trung Quốc, để tránh khỏi chiến tranh mà cố gắng hết sức, bất kể kết quả cuối cùng như thế nào cũng là cống hiến của Trung Quốc đối với sự nghiệp hoà bình thế giới.

Và như vậy là tôi trở thành ngoại trưởng duy nhất trong các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an tới thăm Baghdad trong thời gian vùng Vịnh khủng hoảng. Nhằm thẳng vào tình hình phức tạp đương thời chúng tôi chế định phương châm của chuyến thăm là : không mang theo phương án giải quyết và cũng không làm người hoà giải, lắng nghe rộng rãi ý kiến của các bên, khuyên Iraq nên rút quân khỏi Kuwait, tranh thủ giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh,

Tại cuộc họp chuẩn bị cho chuyến đi, tôi nhấn mạnh phải có trọng điểm nói chuyện với những nước khác nhau. Iraq là trọng điểm của lần đi thăm này, cần phải tỏ rõ với Iraq, dùng bất cứ lý do gì để xâm phạm nước khác bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được. Hiện nay tình hình nghiêm trọng, tránh khỏi chiến tranh là có lợi cho Iraq, phía Iraq cần có biểu thị tương ứng về việc này. Đối với Tiểu vương quốc Ả rập, Kuwait cần phải hiểu biết đầy đủ và đồng tình với hoàn cảnh của họ, biểu thị rõ Trung Quốc phản đối xâm lược, giữ lập trường công bằng chính nghĩa, đồng thời nói rõ giải quyết quân sự đối với họ cũng không phải là sự lựa chọn tốt nhất mà nên căn cứ vào các nghị quyết có liên quan của Hội đồng bảo an để giải quyết khủng hoảng. Đến Jordan, Ai cập chủ yếu là tìm hiểu thái độ thực tế của các nước này đối với Iraq, cùng thăm dò khả năng giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Thứ tự chuyến thăm của tôi vốn định là Tiểu vương quốc Ả rập, Jordan, Iraq, Ai cập. Nước Mỹ sau khi biết tin tôi sẽ có chuyến đi, đã lập tức đề xuất, Bộ trưởng ngoại giao Baker sẽ đi thăm Ai cập và hy vọng có thể sắp xếp gặp tôi ở Cairo.

Lúc này Mỹ ý thức được rằng trong vấn đề để được Liên Hợp Quốc trao quyền sử dụng vũ lực với Iraq, họ cần phải có một phiếu của Trung Quốc, nước thường trực Hội đồng bảo an. Một phiếu này vô cùng quan trọng.


“Cuộc gặp gỡ tình cờ ” tại Cairo


Sáng ngày 31 tháng 10, phía Mỹ đưa tin từ Washington nói, ngoại trưởng Baker sẽ thăm Trung Đông từ ngày 3 tháng 11, hy vọng chiều ngày 6 thu xếp một cuộc gặp gỡ với tôi tại Cairo. Chúng tôi đồng ý. Không lâu sau phía Mỹ lại giao một văn kiện “ không chính thức ”, biểu thị cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng hai nước ở Cairo là có ích, sẽ có lợi cho lập trường nhất trí của năm nước thường trực Hội đồng bảo an về việc Iraq phải rút quân khỏi Kuwait và khôi phục chủ quyền của Kuwait, tiện lợi cho khả năng hoà bình giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Thế là chúng tôi điều chỉnh lại thứ tự đi thăm là Ai cập, Tiểu vương quốc Arập, Jordan, Iraq. Sau đó Tiểu vương quốc Arập lại đề xuất, quốc vương Fahd cũng hy vọng sau khi tôi thăm Iraq sẽ gặp tôi tại thành phố cảng Jiddah ở phía tây nước này. Như vậy là hành trình cuối cùng đã được định như sau : Bắc Kinh - Cairo - Riyadh - Amman - Baghdad - Jiddah - Bắc Kinh.

Những chuyến thăm trước đây, nói chung tôi đều đi máy bay hàng không dân dụng, nhưng lúc này do Liên Hợp Quốc thực thi chế tài, nên Iraq đã không còn máy bay quốc tế bay tới nên tôi phải đi chuyên cơ của hàng không dân dụng, nhưng chuyên cơ tới Iraq cũng phải được sự cho phép riêng của Uỷ ban 661 của Liên Hợp Quốc. Ban đầu chúng tôi có kế hoạch bay qua vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ để tới Iraq nhưng không rõ vì nguyên nhân gì phía Thổ đã từ chối khéo. Chúng tôi thay đổi đường bay, nhập cảnh vào Jordan rồi từ Tiểu vương quốc Arập về nước.

9 giờ sáng ngày 6 tháng 11 chúng tôi rời Bắc Kinh, chiếc máy bay Boing-767 mang đủ nhiên liệu bay liền một mạch 12 tiếng đồng hồ, và đến 3 giờ rưỡi chiều – giờ địa phương cùng ngày – hạ cánh xuống Cairo. Baker cũng trong sáng hôm đó tới Cairo và đúng buổi chiều thì rời khỏi. Thế là ở sân bay Cairo, ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm có cuộc “gặp gỡ tình cờ” với ngoại trưởng Mỹ.

Lúc này nước Mỹ còn đang thực thi cái gọi là chế tài với Trung Quốc, hai bên vẫn chưa khôi phục gặp gỡ cấp cao. Sau khi khủng hoảng vùng Vịnh xảy ra, nước Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc, sự liên hệ và qua lại của hai bên nhanh chóng gia tăng.

Trên thực tế cuộc gặp gỡ Cairo đã là lần gặp thứ tư của hai ngoại trưởng Trung, Mỹ từ mùa hè năm 1989 đến nay.

Ngay trong ngày Iraq xâm lược Kuwait, Cilley đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã giới thiệu với phía Trung Quốc lập trường của phía Mỹ, đồng thời tìm hiểu thái độ của chúng ta. Từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 8 phía Mỹ lại cử Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Solomon đến Bắc Kinh trao đổi ý kiến với phía Trung Quốc về tình hình vùng Vịnh. Tổng thống Bush không chỉ một lần gửi thư cho chủ tịch Dương Thượng Côn, tìm kiếm sự hợp tác của phía Trung Quốc. Ngoại trưởng Baker cũng nhiều lần gửi thư hoặc thư miệng cho tôi. Tôi và Baker đều có những cuộc gặp gỡ trong dịp hội nghị Paris về vấn đề Campuchia tháng 7 năm 1989 và trong thời gian họp đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá bốn mươi bốn hồi tháng 9 cùng năm tại New York. Tháng 9 năm 1990 trong thời gian họp đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá bốn mươi nhăm cũng gặp nhau. Trong lần gặp này, vấn đề khủng hoảng vùng Vịnh là nội dung trao đổi chủ yếu của chúng tôi. Phía Mỹ vốn định cùng ra một tuyên bố chung với phía Trung Quốc về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, suy tính tới quan hệ Trung - Mỹ lúc đó thấy rằng chỉ riêng một vấn đề vùng Vịnh mà ra một thông cáo chung là không được, nên không đồng ý. Baker đành trao đổi riêng với tôi một số suy nghĩ cơ bản trọng đại của Mỹ về vấn đề vùng Vịnh. Ông ta nói với tôi, nếu như sau khi đã trải qua rất nhiều tháng mà chế tài không có tác dụng thì không thể không suy tính tới việc sử dụng vũ lực. Nước Mỹ sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc trao quyền tiến hành hành động quân sự nhiều bên. Nếu Liên Hợp Quốc không trao quyền, nước Mỹ không thể không viện dẫn điều năm mươi mốt trong hiến chương Liên Hợp Quốc, hành động một mình.

Trong lần gặp gỡ ở Cairo này, phía Mỹ rất muốn nắm bắt chính xác thái độ của chúng ta đối với vấn đề Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trao quyền sử dụng vũ lực.

Được sự giúp đỡ của phía Ai cập, 4 giờ chiều tôi đã gặp Baker tại phòng VIP của sân bay Cairo, nói chuyện một giờ rưỡi.

Baker biểu thị rất tán thưởng tác dụng của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Ông ta nói, nước Mỹ không có ý định đóng lục quân lâu dài ở vùng Vịnh. Sau khi loại bỏ được khủng hoảng, Mỹ lập tức rút quân, chỉ giữ lại lực lượng hải quân đã luôn luôn đóng ở đây từ năm 1949. Nếu khi tôi tới thăm Iraq có thể làm cho Saddam nhận thức được rằng cuối cùng thì Trung Quốc cũng ủng hộ việc thông qua nghị quyết, trao quyền sử dụng mọi phương thức thích ứng để chấp hành nghị quyết của Hội đồng Bảo an, như vậy sẽ tăng thêm cơ hội giải quyết hoà bình cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Ông ta lại nói, nước Mỹ sẽ tiếp tục chấp hành chế tài đã thực hiện ba tháng, đồng thời chuẩn bị tăng quân cho vùng Vịnh nhằm thực thi sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự. Nếu chế tài không có hiệu quả, hy vọng Trung Quốc không cản trở việc trao quyền áp dụng mọi hành động đối với Iraq, bao gồm cả hành động quân sự.

Tôi nói rõ với ông ta, mục đích chủ yếu của lần đi thăm này của tôi là thăm dò thảo luận với các nhà lãnh đạo có liên quan của các nước Arập khả năng giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, không có “phương án” nào cả, và cũng không được uỷ quyền hoà giải, chỉ là muốn trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng bảo an tiến hành khuyên giải người lãnh đạo Iraq. Tôi sẽ thẳng thắn nói với họ rằng họ đang đối mặt với sự lựa chọn cuối cùng vì vậy cần phải rút quân khỏi Kuwait vô điều kiện nếu không sẽ chịu tai hoạ nghiêm trọng. Tôi nói, hiện nay tình hình vùng Vịnh vô cùng nghiêm trọng, nguy cơ bùng nổ chiến tranh càng ngày càng lớn, đồng thời tiếng gọi yêu cầu giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng trên thế giới cũng đang tăng cường. Chính phủ Trung Quốc lo lắng sâu sắc và không yên tâm đối với tình hình vùng Vịnh.

Còn về quan hệ Trung-Mỹ, tôi nói, mặc dù hai bên tồn tại một số bất đồng, nhưng sự hợp tác của hai bên trong vấn đề này vẫn rất tốt. Chúng tôi cho rằng đó là điều then chốt để giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tôi nhấn mạnh với Baker, chỉ cần hy vọng hoà bình tồn tại thì dù chỉ là một tia hy vọng, xã hội quốc tế nên ra sức dùng phương thức hoà bình giải quyết vấn đề.

Tôi còn cùng Baker trao đổi ý kiến về một số phương án giải quyết khác. Tôi nói với ông ta, giống như nhiều nước Arập khác, phía Trung Quốc cũng cho rằng cùng giải quyết một lúc vấn đề Iraq xâm lược Kuwait với nhiều vấn đề khác của Trung Đông là không hiện thực, liên hệ như vậy cũng không tốt. Thế nhưng nếu phía Mỹ nhấn mạnh sự quan tâm đến vấn đề Trung Đông sẽ giúp cho việc loại bỏ rất nhiều nghi ngại của nhiều nước Arập. Điều này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tranh thủ nhân dân Arập mà không chuyển dời sức chú ý của mọi người đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Trước việc một số nước đang ấp ủ “ phương án giải quyết bộ phận ”, Baker giải thích, đó là chỉ, Iraq rút quân nhưng đổi lấy việc được cả mỏ dầu Arhumaylah hoặc đường ra biển như đảo Babiyan v.v.., hoặc lấy cớ chính phủ hợp pháp Kuwait là không dân chủ để không khôi phục lại. Baker nói, nước Mỹ phản đối các phương án đó bởi vì như vậy là khen thưởng cho hành động xâm lược của Iraq. Ông ta còn nói, cũng có người kiến nghị sau khi Iraq rút quân lập tức triệu tập hội nghị quốc tế về vấn đề Trung Đông. Các nước như Ai cập kiên quyết phản đối việc này, cho rằng làm như vậy sẽ khiến cho Saddam trở thành “anh hùng” trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông. Nước Mỹ sẽ tuân thủ những lời hứa đã nói của mình cho nền an ninh của Israel, nhưng sẽ cùng các nước như Ai cập, Tiểu vương quốc Ả rập, Marôc v.v.. thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông.

Trong cuộc gặp, điều Mỹ quan tâm nhất là thái độ của chúng ta đối với việc Hội đồng bảo an trao quyền sử dụng vũ lực. Baker cho rằng sự chế tài hiện nay đối với Iraq là nghiêm khắc nhất trong lịch sử, nhưng không biết liệu điều đó có thể buộc Iraq phải rút quân hay không. Ông ta hỏi tôi, phía Trung Quốc cho rằng nên cho thêm chế tài bao nhiêu thời gian nữa, nếu chế tài không có hiệu quả, liệu có thể suy tính tới việc dùng thủ đoạn khác hay không ? Tôi trả lời là, người ta khó có thể dự tính chính xác thời gian chế tài cần thiết là bao nhiêu, hoàn cảnh các nước khác nhau, cách nhìn nhận cũng khác nhau. Phía Trung Quốc hy vọng, những nước lớn nào có ảnh hưởng đối với thế giới cần phải nhìn xa một chút. Thời gian giải quyết hoà bình cần thiết cũng có thể dài một chút, nhưng di chứng sau đó sẽ nhỏ đi một chút. Tôi cũng hỏi ông ta, khi Mỹ đưa quân đội vào Tiểu vương quốc Ả rập có nói mục đích là để bảo vệ nền an ninh của Tiểu vương quốc Ả rập, bây giờ Kuwait Emir cũng yêu cầu quân Mỹ giải phóng Kuwait. Nếu nước Mỹ sử dụng hành động quân sự vì việc này liệu có hạn chế trong ranh giới Kuwait ? Baker trả lời, muốn giải phóng Kuwait tất nhiên phải sử dụng hành động quân sự đối với Iraq.

Thông qua lần gặp gỡ này, về cơ bản chúng tôi đã hiểu được ý đồ của phía Mỹ.

Nhưng thực ra là tôi và Baker còn dùng khá nhiều thời gian để thảo luận làm thế nào cải thiện quan hệ hai bên, đồng thời đạt được sự hiểu biết về việc ngoại trưởng hai nước thăm viếng lẫn nhau. Ông ta không muốn tuyên bố với bên ngoài việc này, tôi cũng không nài ép. Sau đó những tin đưa ra ngoài chỉ nói hai bên đã cử hành thương thảo về vấn đề vùng Vịnh.


Đi lại như con thoi tại Trung Đông


Sau khi gặp Baker, tôi chính thức bắt đầu chuyến thăm Trung Đông.

Trung Quốc và thế giới Ả rập đã có qua lại từ lâu, Ban Siêu thời Đông Hán đã từng cử Cam Anh đi sứ Đại Tần, nhưng đã dừng lại ở Tiaozhi. Đại Tần là đế quốc La Mã lúc đó còn Tiaozhi chính là giải đất giữa Iraq, Syrie hiện nay. Cuối cùng thì Cam Anh chưa đạt được mục đích của mình.

Tôi đã nhiều lần đi thăm các nước Ả rập ở vùng Trung Đông, nhưng tâm tình lần này có khác. Nguy cơ chiến tranh như ngay trước mắt, những người đã từng sống qua những năm tháng chiến tranh đều vô cùng yêu quý hoà bình, biết rõ sự tàn khốc của chiến tranh, dù chỉ còn một tia hy vọng hoà bình thì cũng không nên vứt bỏ.

Sáng ngày 7 tháng 11 tại Cairo tôi đã trước sau gặp gỡ Tổng thống Ai Cập Mubarak, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Megid. Quan hệ Trung Quốc và Ai Cập hữu hảo, người lãnh đạo hai nước cũng qua lại nhiều năm nên các cuộc nói chuyện tiến hành thẳng thắn không gò bó. Phía Ai Cập biểu thị Iraq xâm lược Kuwait là sự kiện đã có âm mưu từ lâu, đồng thời còn dùng thủ đoạn lừa gạt. Ngày 24 tháng 7 khi Tổng thống Mubarak thăm ba nước Iraq, Kuwait, Tiểu vương quốc Ả rập. Khi hội đàm với Saddam đã được nói cho biết, Iraq không dùng hành động quân sự với Kuwait. Mubarak đã nói điều đó với những người lãnh đạo Kuwait và đã cùng với quốc vương Fahd, Tiểu vương quốc Ả rập thu xếp cuộc gặp gỡ giữa người lãnh đạo hai nước Iraq, Kuwait tại Jiddah. Nhưng đến ngày gặp gỡ thứ hai thì Iraq bắt đầu tiến đánh Kuwait.

Cuộc khủng hoảng vừa bắt đầu, Ai Cập đã khuyên Iraq rút quân khỏi Kuwait và khôi phục chính phủ hợp pháp của Kuwait, nhưng đã nhiều lần bị cự tuyệt. Tình thế hiện nay vô cùng nguy hiểm, nước Mỹ có lực lượng quân sự to lớn, nếu mở cuộc tấn công, Iraq sẽ không có cơ hội đánh trả. Và về điểm này, các trợ thủ của Saddam cũng không cung cấp cho ông ta tin tức chính xác. Vì thế phía Ai Cập hy vọng tôi có thể làm cho Saddam nhận thức được sự nghiêm trọng của tình thế, làm cho ông ta hiểu rõ, không rút quân sẽ mang lại tai hoạ to lớn cho bản thân ông ta và cả nước Iraq, cái mà Iraq phải đối mặt chỉ là đả kích quân sự.

Tôi đáp ứng phía Ai Cập, sẽ chỉ cho phía Iraq đường ra để bảo toàn quốc gia mình. Tôi cũng hy vọng Ai Cập lợi dụng ảnh hưởng của mình tại vùng Trung Đông tiếp tục có những cố gắng vì việc giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng. Tôi hỏi Mubarak, nếu chiến tranh bùng nổ liệu khu vực Trung Đông có lâm vào tình trạng động loạn lâu dài hay không ? Ông ta trả lời, nếu chiến tranh bùng nổ sẽ dính líu đến cả vùng này nhưng Israel sẽ không bị cuốn vào chiến tranh. Tôi lại hỏi ông ta, liệu có hay không có khả năng không đổ máu giải quyết cuộc khủng hoảng ? Ông ta trả lời, Iraq phải rút quân khỏi Kuwait. Vấn đề hiện nay là không phải là không có ý tưởng bảo toàn cho sĩ diện của Iraq, nhưng Saddam không chấp nhận bất kỳ cách làm có lý tính nào khác, nếu ông ta không hưởng ứng những lời kêu gọi của xã hội quốc tế, sẽ bị đả kích nặng nề và như vậy vấn đề Kuwait bị chiếm đóng sẽ được giải quyết.

Chập tối hôm đó tôi rời Cairo, Ai Cập, bay sang thành phố nhỏ Al Taif miền tây Tiểu vương quốc Ả rập. Al Taif là một thành phố trên núi, khí hậu dễ chịu, môi trường yên tĩnh, là nơi nghỉ hè nổi tiếng của Tiểu vương quốc Ả rập, các thành viên trong tổ bay của chúng tôi đều chưa bay qua đây, nên các phi công đành bay theo đường bay trên bản đồ bay.

Sau khi Iraq xâm lược và chiếm đóng Kuwait, các vương công quý tộc Kuwait đều chạy đến nơi này và được thu xếp vào ở tại một khách sạn cao cấp, và toàn thể chính phủ cũng dọn theo đến đó, mỗi bộ trưởng một căn hộ và đồng thời cũng là một ngành của chính phủ. Khí phái hào hoa ngày nào đã không còn nữa.

Ngay tối hôm đó tôi hội kiến Kuwait Emir Jaber và vương hầu kiêm thủ tướng Saad, nghe họ tố khổ.

Xem ra sức khoẻ của Jaber rất kém, tiếng nói nhỏ nhẹ chậm chạp như không có hơi sức. Ông ta khiển trách người lãnh đạo Iraq bội tín bội nghĩa, rắp tâm xâm chiếm Kuwait, từ chối không chấp hành mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an. Ông ta nói, người đời không thể tiếp nhận việc Iraq xâm lược Kuwait, Iraq ý đồ xoá bỏ Kuwait trên bản đồ là tuyệt đối không thể làm được. Saddam lợi dụng danh nghĩa Ả rập đang giở trò mánh khoé vì vậy phương án do các nước Ả rập đề xuất để giải quyết khủng hoảng không hề có giá trị. Saddam đang giết hại nhân dân Kuwait, nếu cứ để tiếp tục như thế này thì không bao lâu nữa nhân dân Kuwait sẽ bị tiêu diệt. Không thể để cho Iraq thêm nhiều cơ hội hơn nữa, phải thi hành áp lực mạnh hơn nữa đối với bọn họ, buộc họ phải chấp hành nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Tôi nhấn mạnh với ông ta, Trung Quốc kiên quyết ủng hộ chính quyền hợp pháp của Kuwait, vô cùng đồng tình với những tai hoạ to lớn mà Kuwait đang chịu đựng. Những việc mà Iraq đang làm sẽ chịu sự khiển trách rộng rãi của xã hội quốc tế, cảnh ngộ vô cùng cô lập. Những mánh khoé vặt mà Iraq đang sử dụng như thả một vài con tin không thể làm dịu đi những khó khăn của họ, chỉ có rút quân khỏi Kuwait mới có đường ra. Nếu Iraq cố ý đi theo con đường tự mình diệt vong thì chỉ là mình làm mình chịu mà thôi.

Có thể là do quan hệ sức khoẻ, Jaber nói không nhiều, cuộc hội kiến chỉ tiến hành được 35 phút đã kết thúc.

Sau đó tôi tiếp tục hội đàm với vương hầu Saad. Saad có sức khoẻ tốt, khí huyết phương cường những lời nói ra đều khảng khái kích động lộ rõ vẻ phẫn nộ mà ngoan cường. Xoay quanh vấn đề liệu Hội đồng bảo an có áp dụng những biện pháp cứng rắn mới để thực thi áp lực buộc Iraq phải rút quân, ông ta đã trình bầy những ý kiến và nguyện vọng của Kuwait. Ông ta biểu thị từ khi Iraq xâm lược Kuwait đến nay, Hội đồng bảo an đã thông qua rất nhiều nghị quyết nhưng hiệu quả chế tài kinh tế rất nhỏ, thậm chí có thể nói là thất bại. Kuwait là một nước nhỏ, khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, không thể kéo dài. Hội đồng bảo an nên suy tính dùng biện pháp mới buộc Iraq phải rút quân khỏi Kuwait, hy vọng các nuớc hữu hảo trong đó có Trung Quốc áp dụng mọi biện pháp để cứu nhân dân Kuwait.

Tôi nhắc lại tình hình Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành đồng thời nghiêm túc chấp hành một cách có trách nhiệm mười nghị quyết của Hội đồng bảo an rồi nói với ông ta, chế tài với Iraq đang phát huy tác dụng, hơn nữa với thời gian, tác dụng sẽ càng ngày càng lớn.

Cũng có thể do cảm thấy tôi không tỏ thái độ về câu “áp dụng mọi phương thức” nên ông ta đã quay ngay sang chuyện khác, đề xuất Liên Hợp Quốc nên định ra một thời gian biểu chế tài, hoặc là thảo luận nghị quyết án mới, đề xuất biện pháp buộc Iraq phải rút quân. Ông ta hỏi tôi, liệu phía Trung Quốc có vui lòng xác định thời gian chế tài ? Lúc này Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Al Sabad tháp tùng cuộc gặp nói xen vào, hy vọng Trung Quốc không nên xuất hiện với tư cách là người hoà giải, mà cần làm cho người lãnh đạo Iraq hiểu rõ là, Iraq phải chấp hành nghị quyết của Hội đồng bảo an thì mới có thể tránh khỏi số phận diệt vong.

Tôi biểu thị đồng ý với điều đó, tôi nói với họ, đã cùng Ngoại trưởng Baker Mỹ đạt được ý kiến nhất trí về việc đó, không để cho Iraq bất kỳ kẽ hở nào có thể lợi dụng.

Vương hầu dường như không hiểu dụng ý câu nói xen vào của Bộ trưởng ngoại giao, nên vẫn cứ hỏi, nếu Saddam không chấp hành nghị quyết, liệu Hội đồng bảo an có thảo luận áp dụng biện pháp buộc Iraq phải chấp hành nghị quyết hay không ? Tôi cười cười nói : “ Tôi nghĩ là có”. Vương hầu hiểu rõ ý kiến của tôi, cảm thấy thoả mãn nên không đề xuất thêm vấn đề mới nữa. Đàm phán đến đó kết thúc. Sau khi hội kiến những người lãnh đạo Kuwait, ngay trong đêm hôm đó tôi đã bay sang Riyadh, thủ đô Tiểu vương quốc Ả rập, khi tới nơi đã quá nửa đêm.

Chiều hôm sau tôi hội đàm với Bộ trưởng ngoại giao Faisal. Ông ta biểu thị với tôi, Tiểu vương quốc Ả rập không mong muốn chiến tranh, đang cố gắng tranh thủ hoà bình, bây giờ chiến tranh hay hoà bình hoàn toàn do Iraq quyết định. Nhưng sự thực trước mắt cho thấy rõ, Iraq không muốn rút quân khỏi Kuwait. Tiểu vương quốc Ả rập hy vọng Trung Quốc ủng hộ mọi biện pháp bao gồm cả việc áp dụng thủ đoạn quân sự khi cần thiết, buộc Iraq phải rút quân. Faisal còn mạnh mẽ phê bình lập trường mà Jordan, Palestin, Yêmen duy trì đối với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tôi thông báo với ông ta tình hình hội kiến với Baker, và người lãnh đạo Ai Cập và Kuwait. Tôi biểu thị một cách rõ ràng, Trung Quốc sẽ căn cứ vào lập trường nhất quán ủng hộ chính nghĩa, tiếp tục có những cố gắng.

Tối ngày 9 tháng 11, tôi bay đến Jordan. Sáng hôm sau tiến hành hội đàm với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qasem, buổi trưa hội kiến quốc vương Hussein.

Thái độ của Jordan đối với việc này không hoàn toàn giống với Ai Cập, Tiểu vương quốc Ả rập, Kuwait. Người lãnh đạo Jordan biểu thị với tôi, Jordan cũng luôn luôn kêu gọi Iraq rút quân và đồng thời thả con tin, chủ trương nên giải quyết khủng hoảng trong khuôn khổ quốc tế và phạm vi Ả rập. Vấn đề là ở chỗ có một số mặt đã thi hành áp lực quá lớn làm cho những cố gắng hoà bình không thể tiếp tục được. Có người thúc đẩy các nước Ả rập hành động mà mục đích của họ là ý đồ một mình chiếm lấy tài nguyên của vùng này.

Quốc vương Hussein còn oán thán nói, xã hội quốc tế chỉ một mực thực hành cấm vận Iraq mà không có ai đối thoại với họ. Tiếp đó ông biểu thị tán thưởng lập trường nguyên tắc của Trung Quốc, còn hy vọng tôi có phương thức tốt hơn, dễ hơn để cho Iraq tiếp nhận, cùng người lãnh đạo Iraq triển khai đối thoại trực tiếp.

Tôi chỉ cho họ, trong vấn đề khủng hoảng vùng Vịnh, Trung Quốc không có lợi ích riêng, chỉ hy vọng có thể giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng. Nếu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh có thể hoà bình giải quyết tương đối tốt sẽ sáng tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khác của Trung Đông. Tôi còn nhấn mạnh, nếu xảy ra chiến tranh thì sẽ là tai hoạ có tính huỷ diệt đối với Iraq, các nước láng giềng của Iraq cũng bị liên luỵ. Hiện nay xã hội quốc tế đã có nhận thức chung đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, nếu Iraq có thể áp dụng một số hành động linh hoạt, nhất là có biểu thị rõ ràng trên vấn đề rút quân sẽ có ích cho cố gắng tranh thủ giải quyết hoà bình của xã hội quốc tế.


Hội kiến Saddam


Trưa ngày 11 tháng 11 tôi bay tới Baghdad. Do thực hiện chế tài, sân bay Baghdad trống không, không nhìn thấy một chiếc máy bay nào, hoàn toàn khác hẳn với cảnh đông đúc náo nhiệt máy bay lên xuống, đoàn người nối nhau đi không rứt mà nửa năm trước tôi đã thấy ở đây.

Trưa và tối hôm đó tôi và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Iraq là Aziz có hai vòng hội đàm liên tiếp. Mặc dù là ở một nước Hồi giáo, nhưng Aziz lại là một tín đồ Cơ đốc giáo, ông này đã làm ngoại trưởng nhiều năm, được coi là thân tín của Saddam.

Trước tiên tôi giới thiệu với Aziz tình hình chuyến thăm này của tôi, gồm cả tình hình hội kiến với người lãnh đạo Kuwait và ngoại trưởng Mỹ Baker. Tôi nói với ông ta chiếm đóng Kuwait là không thể chấp nhận được. Hiện nay tình hình nghiêm trọng, chiến tranh lúc nào cũng có thể bùng nổ mà chiến tranh là một tai hoạ, Iraq đang đối mặt với sự lựa chọn sống chết còn mất. Xã hội quốc tế hy vọng giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, vì vậy Iraq nên thể hiện thái độ linh hoạt trong vấn đề rút quân.

Aziz nói một thôi một hồi về những lý do đánh chiếm Kuwait, cho rằng Kuwait cố ý hạ thấp giá dầu là phát động chiến tranh kinh tế với Iraq, lại nói mối nguy hiểm nhất của vùng Trung Đông không phải là sự kiện Iraq đánh chiếm Kuwait ngày 2 tháng 8 mà là vấn đề Palestin. Trong hội đàm cái quan tâm nhất của Aziz là liệu Mỹ có sử dụng vũ lực hay không và thái độ của Trung Quốc đối với khả năng Hội đồng bảo an trao quyền sử dụng vũ lực.

Tôi nhắc lại với ông ta lập trường nguyên tắc giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh của Trung Quốc, rồi nói với ông ta, chúng tôi ủng hộ hội nghi hoà bình Trung Đông do Liên Hợp Quốc triệu tập, liên hệ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh với các vấn đề khác của Trung Đông lại làm một là rất khó khăn. Tôi nói với ông ta cũng không nhất định là phải được Hội đồng bảo an trao quyền, Baker đã ra hiệu ngầm như vậy.

Khi tôi hội đàm với Aziz, phía Iraq có hai tốc ký viên, thay nhau ghi chép, và thay nhau ra ngoài, dự đoán là kịp thời in ấn, lập tức báo cáo lên trên. Có thể thấy không phải là Saddam không nắm bắt được tình hình, ngược lại là giờ giờ phút phút nắm được tình hình, thân tự nắm vững tất cả.

Sáng ngày 12 tôi tới gặp Saddam. Phía Iraq cử tới hai chiếc ôtô đón chúng tôi đi. Trên ôtô không có tiêu chí gì nhưng dọc đường đi suốt, chạy rất nhanh. Ôtô chạy đến một nơi giống như là doanh trại quân đội thì dừng lại, mời tôi xuống xe, vào trong nhà nghỉ ngơi một lúc. Sau đó lại thay hai chiếc ôtô khác, người lái cũng thay. Ôtô lại phóng như bay một hồi mới đến nơi gặp gỡ.

Vào khoảng 11 giờ tôi gặp Saddam. Đầu tháng 3 năm này khi tôi tới thăm Iraq đã từng gặp Saddam. Thế nhưng lần này ông ta mặc quân phục, lưng còn đeo một khẩu súng ngắn, khiến người ta cảm thấy là đã có mấy phần không khí chiến tranh đến nơi rồi. Trong gần hai giờ hội đàm, ở giữa có nghỉ ngơi một chút, lúc đó ông ta mới bỏ súng xuống đặt ở cạnh bàn.

Trước tiên tôi nói rõ với ông ta sự quan tâm chú ý của chính phủ Trung Quốc đối tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh, hy vọng có thể hoà bình giải quyết cuộc khủng hoảng. Tôi nói, hiện nay nguy hiểm bùng nổ chiến tranh càng ngày càng lớn, muốn nghe cách nhìn của ông ta.

Saddam bắt đầu nói, không khách sáo đi thẳng vào vấn đề nhưng già mồm át lẽ phải chốc chốc lại để lộ thái độ ngang ngược thô bạo.

Ông ta nói, từ xưa đến nay Kuwait là một bộ phận của Iraq như Hồng Kông là một bộ phận của Trung Quốc. Tiếp đó ông ta trình bầy tỉ mỉ về quan hệ lịch sử Iraq, Kuwait và nói Iraq chưa bao giờ chính thức công nhận biên giới Iraq, Kuwait về luật pháp. Ông ta đưa ra hàng loạt chỉ trích đối với chính phủ Kuwait, nói trước sự kiện “ngày 2 tháng 8” các nước phương Tây như Mỹ v.v... đã triển khai âm mưu đối với Iraq, còn Kuwait đã có cấu kết với Mỹ và Israel. Lại nói, đừng thấy dân số Kuwait ít, lực lượng yếu, nhưng họ có ưu thế kinh tế, có thể dùng chiến tranh kinh tế đánh đổ Iraq, vì vậy sự kiện “ngày 2 tháng 8” là hành động tự vệ của Iraq.

Saddam còn nói, vấn đề căn bản của vùng Trung Đông là vấn đề Palestin, xử lý vấn đề Trung Đông nên sử dụng một tiêu chuẩn chứ không phải là tiêu chuẩn song trùng. Vấn đề trước mắt nên liên hệ giải quyết một loạt vấn đề như Mỹ rút quân, ngừng chế tài v.v... lại với nhau. Iraq luôn luôn là một trong những quốc gia quan trọng của khu vực này vì thực hiện hoà bình mà chuẩn bị hy sinh. Trong không khí bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, Iraq vui lòng dùng thái độ cởi mở và hào phóng tiến hành đối thoại với các bên. Trong tình hình không được bảo đảm trước, bất kỳ thái độ linh hoạt nào của Iraq đều có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Trước việc ông ta nói Kuwait giống như Hồng Kông của Trung Quốc, tôi chỉ ra một cách nghiêm túc, vấn đề Hồng Kông hoàn toàn không giống quan hệ Iraq, Kuwait. Hồng Kông luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc, chỉ là bị nước Anh thông qua chiến tranh Nha phiến bá chiếm hơn một trăm năm. Cho dù có như vậy, Trung Quốc vẫn dùng phương thức hoà bình đàm phán với nước Anh, cuối cùng đã đạt được hiệp nghị giải quyết vấn đề Hồng Kông. Còn Iraq và Kuwait có quan hệ ngoại giao, cùng có sứ quán với nhau, đều là thành viên Liên Hợp Quốc và thành viên của Liên minh các nước Ả rập, bất kể như thế nào việc Iraq chiếm đóng quân sự Kuwait đều không thể tiếp nhận được.

Tôi nói với ông ta, xét về lâu dài vấn đề Trung Đông đều nên giải quyết, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là tình hình căng thẳng hình thành do Iraq chiếm đóng Kuwait và điều đó đang làm cho nguy hiểm chiến tranh ngày càng tăng lên.

Lúc này Saddam chuyển đầu đề câu chuyện hỏi tôi, liệu nước Mỹ có định đánh thật không ?

Rõ ràng là cũng giống như Aziz đây là vấn đề ông ta quan tâm nhất trong lòng.

Tôi nói, một nước lớn, tập kết một đạo quân lớn mấy chục vạn người, nếu như không đạt được mục đích thì không thể không đánh.

Tôi nói với ông ta, Trung Quốc không chuẩn bị đưa ra phương án hoặc làm người hoà giải. Để tránh khỏi chiến tranh Iraq nên tự mình đề xuất phương án giải quyết.

Trong nói chuyện, Saddam không biểu thị ra bất kỳ ý muốn rút quân nào, nhưng Aziz tháp tùng cuộc hội kiến nói với tôi, lần biểu thị thái độ này của Saddam so với bất kỳ lần nào khác trước đây đều linh hoạt hơn. Còn về việc Saddam nói hy vọng tiến hành đối thoại bình đẳng, Aziz giải thích riêng với tôi, điều này có thể bắt đầu trước bằng đối thoại trong phạm vi nhỏ, bao gồm ba bốn nước Ả rập trong đó có Iraq, Kuwait, Iraq cũng vui lòng triển khai đối thoại với Mỹ.

Bây giờ nhin lại thấy, một loạt sai lầm chiến lược của Saddam sau này đều có nguồn gốc từ một phán đoán sai lầm lúc đó, cho rằng chỉ cần Iraq có một số thái độ hoà dịu là Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực.

Ngày 12, tôi còn hẹn hội kiến Tổng thống Palestin Arafat. Arafat nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nên hoà bình giải quyết tại Ả rập và trong phạm vi Tổ chức quốc tế. Nước Mỹ không chỉ muốn đánh Iraq mà còn muốn phá huỷ lực lượng kinh tế, quân sự của Ả rập. Mỹ khống chế tài nguyên dầu lửa vùng Vịnh cũng là để đối phó với châu Âu, Nhật Bản, Liên Xô và Trung Quốc. Vì vậy Mỹ sẽ ở lại lâu dài tại vùng Vịnh. Ông cho rằng, nên dùng tinh thần nhượng bộ lẫn nhau để giải quyết cuộc tranh chấp Iraq, Kuwait. Arafat còn nói, ông không yêu cầu đồng thời giải quyết cả gói mọi vấn đề của Trung Đông, nhưng nên có một hiệp nghị, trước tiên bắt tay vào vấn đề Kuwait, sau đó triệu tập hội nghị quốc tế theo thứ tự trước sau giải quyết vấn đề Palestin và các vấn đề khác của Trung Đông. Tôi hiểu được tâm tình bức thiết của Arafat hy vọng sớm giải quyết vấn đề Palestin, nhưng ông ta muốn kết nối vấn đề Palestin với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là không hiện thực.

Kết thúc chuyến thăm Iraq, ngay trong đêm tôi trở lại Tiểu vương quốc Ả rập, lần lượt hội kiến quốc vương Fahd và Bộ trưởng Ngoại giao Faisal tại Jiddah.

Trước tiên tôi thông báo với Faisal tình hình thăm Jordan, Iraq, chủ yếu là thái độ của Saddam. Faisal bác bỏ từng quan điểm của Saddam, chỉ có một không bác bỏ là vấn đề Mỹ thi hành tiêu chuẩn song trùng giữa Ả rập và Israel. Faisal nhắc lại, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh không có biện pháp giải quyết Ả rập, chỉ có thể giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Khi quốc vương Fahd hội kiến tôi đã là 10g30 đêm. Trước tiên Fahd nói đến quan hệ hai nước Tiểu vương quốc Ả rập và Trung Quốc và chính sách ngoại giao của nước mình sau đó mới chuyển sang cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Rõ ràng là ông ta đã nắm được tình hình hội đàm giữa tôi và Faisal, nên chỉ nhằm vào mấy vấn đề trên.

Về việc phía Iraq nói muốn đối thoại với Tiểu vương quốc Ả rập, ông ta nói, trước sau khi Iraq xâm lược Kuwait ông đã từng nhiều lần liên hệ với Saddam, ý đồ ngăn chặn cuộc xâm lược. Sau này lại nhiều lần thúc giục Iraq rút quân khỏi Kuwait, nhưng trước sau Saddam đều không muốn gặp ông. Ông nhấn mạnh, Iraq xâm lược Kuwait là một vấn đề nguyên tắc nghiêm túc. Ả rập và xã hội quốc tế đều không ai tiếp nhận kết quả này. Ông còn phê phán Saddam đã cố ý lẫn lộn tính chất khác nhau của vấn đề Kuwait và vấn đề Palestin, cho rằng vấn đề Palestin là vấn đề dân tộc độc lập còn vấn đề Kuwait là sự xâm lược của một nước Ả rập đối với một nước Ả rập anh em khác. Fahd còn lấy việc Saddam xử lý quan hệ với Iran làm ví dụ, thuyết minh Iraq rút quân khỏi Kuwait không phải là một việc khó khăn. Nếu như Saddam muốn tìm đường ra thì nên coi trọng lợi ích của quốc gia và nhân dân, rút quân vô điều kiện khỏi Kuwait.

Tôi giới thiệu với quốc vương, Saddam đã từng biểu thị, nếu như được một số bảo đảm, Iraq có thể áp dụng thái độ linh hoạt, nhưng ông ta không nói rõ muốn được những bảo đảm nào. Sau khi nghe xong, Fahd dường như có suy nghĩ khi nói, nếu như Saddam muốn được bảo đảm là muốn nhân dân Iraq không bị tổn hại, điều đó là hy vọng của mọi người. Nhưng sự tình đã đến như hôm nay, nếu Saddam là người có trách nhiệm thì nên hy sinh cá nhân, tự mình ẩn náu vào một nơi nào đó trên thế giới. Sự việc là do ông ta gây ra, cũng chỉ có thể do ông ta tự mình sửa chữa.

Sau hội kiến, Ngoại trưởng Faisal trực tiếp tháp tùng tôi ra sân bay, đã là 12 giờ khuya. Đến đó chuyến thăm Trung Đông của tôi coi như kết thúc.

Lần thăm viếng con thoi Trung Đông này, làm cho tôi cảm thấy thêm, lập trường của các nước Ả rập trong lần khủng hoảng vùng Vịnh này rất không giống nhau, nhất thời khó áp dụng được hành động nhất trí để hoá giải cuộc khủng hoảng.

Còn ấn tượng mà Saddam để lại cho tôi là, ông ta là một nhà mạo hiểm có dã tâm, giương ngọn cờ bảo vệ lợi ích Ả rập và ủng hộ giải quyết vấn đề Palestin. Khi nội bộ Iran xuất hiện hỗn loạn, ông ta đã nhân lúc người ta gặp nguy hiểm để gây ra cuộc chiến tranh Iran-Iraq dài tới tám năm. Lần xâm lược Kuwait này, càng ngang nhiên bội tín bội nghĩa, lấy mạnh lấn yếu. Nhưng ông ta đã đánh giá sai tình hình.

Xem ra chiến tranh không thể tránh khỏi.

Chúng ta thông qua con đường ngoại giao thông báo tình hình chuyến thăm này của tôi cho các nước có liên quan. Phản ứng của các nuớc là rất tích cực, cho rằng lần phỏng vấn này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn, một lần nữa có những cố gắng vì hoà bình.

Sau khi tôi thăm Iraq không lâu, phía Iraq đã đưa ra một số thái độ hoà dịu. Saddam phát biểu, biểu thị hy vọng tiến hành đối thoại, hứa thả từng đợt những con tin phương Tây bị Iraq bắt giữ. Những cách nói chuẩn bị hy sinh vì hoà bình có liên quan của ông ta, đã từng dẫn tới một số suy đoán của ngoại giới. Thế nhưng xét cho cùng, Saddam không có bất kỳ hành động thực chất nào.


“ Giao dịch ” của phía Mỹ


Sau khi trở về Bắc Kinh không lâu, tôi nhận đựơc một bức thư của Baker. Trong thư nói, bản thân ông ta cảm thấy vô cùng hài lòng về cuộc hội đàm của chúng tôi ở Cairo, sau khi nghe báo cáo xong, Tổng thống Bush cũng có đồng cảm. Nước Mỹ đang chuẩn bị bước đi tiếp, hy vọng nhanh chóng được một lần nữa tiếp xúc với tôi. Trong ngày, chúng tôi thông qua sứ quán ở Mỹ, thông báo cho phía Mỹ tình hình tôi tới thăm Iraq.

Chiều ngày 20 tháng 11, Baker đã từ Paris, Pháp gọi điện thoại tới. Chủ yếu là bàn hai sự kiện có liên quan với nhau, một là nước Mỹ muốn có một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an trên thực tế là trao quyền sử dụng vũ lực ; hai là hy vọng tôi tham dự hội nghị cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an họp ngày 28 tháng 11, và mời tôi sau hội nghị chính thức thăm Washington.

Ngoại trưởng Baker nhiều năm kinh doanh thương mại, đã giữ chức Bộ trưởng Tài chính, cho nên bất kể làm việc gì đều coi như là buôn bán, thích thú “làm việc giao dịch”. Ông ta liên hệ hai việc trên lại với nhau rõ ràng cũng là một cuộc giao dịch.

Baker nói, Mỹ đang suy tính tới việc thông qua một nghị quyết tại Hội đồng bảo an trao quyền sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Trong nghị quyết không xuất hiện từ “sử dụng vũ lực” nhưng bao hàm ý nghĩa đó. Cho đến bây giờ đã có 10 nước trong Hội đồng bảo an, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và 6 nước không thường trực chính thức khác biểu thị tán thành cách làm đó. Phía Mỹ hy vọng phía Trung Quốc cũng bỏ phiếu tán thành, chí ít cũng không phủ quyết.

Ông ta nói, biết là chính phủ Trung Quốc cần thời gian để suy tính kỹ, nhưng hy vọng tôi có thể cho ông ta một ám hiệu, tức chính phủ Trung Quốc sẽ dùng phương thức khẳng định, tích cực xử lý việc này. Nếu như Trung Quốc phải dùng quyền phủ quyết thì Mỹ sẽ không đề xuất nghị quyết này với Hôi đồng Bảo an nữa. Mỹ không muốn nhìn thấy nghị quyết do mình đề xuất bị phủ quyết.

Tôi nói, trong tình hình vùng Vịnh vô cùng nghiêm trọng hiện nay, tiếng kêu gọi giải quyết hoà bình và giải quyết chính trị rất cao, xã hội quốc tế nên duy trì và tăng cường áp lực chính trị, ngoại giao và kinh tế đối với Iraq. Đưa một vấn đề trọng đại sử dụng hành động chiến tranh với một quốc gia như thế này lên Hội đồng bảo an thảo luận phải vô cùng thận trọng. Còn về nghị quyết án, trước khi nhìn thấy văn kiện, phía Trung Quốc không thể có trả lời rõ ràng.

Sau khi nghe xong, Baker đọc ngay dự thảo qua điện thoại cho tôi nghe. Đoạn thứ nhất trong phần chấp hành của dự thảo có hai chỗ mở ngoặc, tức là sự lựa chọn hai cách dùng từ : (mọi thủ đoạn cần thiết) và (mọi thủ đoạn cần thiết, bao gồm vũ lực).

Qua điện thoại Baker còn đề xuất, hy vọng tôi sẽ đến New York tham gia hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên Hội đồng bảo an họp từ ngày 28 đến 29 tháng 11, đồng thời mời tôi sau hội nghị chính thức thăm Washington. Baker nói, nếu Trung Quốc bỏ phiếu tán thành hoặc không tiến hành phủ quyết nghị quyết án do Mỹ đề xuất sẽ tạo cơ hội thích hợp cho tôi thăm Mỹ. Ông ta biểu thị thêm một bước, tôi chính thức thăm Whasington sẽ là sự mở đầu tốt đẹp cho việc khôi phục thăm viếng lẫn nhau của cấp cao. Ngày 1 tháng 12 Tổng thống Bush sẽ đi thăm Mỹ La Tinh, có khả năng ngày 30 tháng 11 gặp tôi. Baker còn nói, bản thân ông ta cũng chờ đợi đến thăm Trung Quốc vào năm tới.

Chúng tôi phân tích, chính phủ Mỹ đang ra sức trong tháng 11, tức trong thời gian phía Mỹ giữ chức chủ tịch Hội đồng bảo an sẽ thông qua một nghị quyết án mới, khiến Liên Hợp Quốc trao quyền khi cần thiết có thể sử dụng vũ lực đối với Iraq. Để đổi lấy việc Trung Quốc tán thành hoặc không phủ nghị quyết án của Mỹ, nên đã chủ động mời tôi chính thức thăm Mỹ, thuyết minh trong vấn đề này phía Mỹ cần phía Trung Quốc, nhưng lại ý đồ gắn kết chặt chẽ thái độ của phía Trung Quốc đối với nghị án này với việc khôi phục quan hệ bình thường Trung, Mỹ.

Trong ngoại giao Trung Quốc luôn luôn kiên trì nguyên tắc, trong những vấn đề quốc tế trọng đại cũng càng ngày càng có ảnh hưởng. Trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay, Trung Quốc chủ trương chính nghĩa, cố gắng có thể giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng, nhưng chúng ta phản đối chiến tranh không phải là ủng hộ hành vi xâm lược của Saddam. Trung Quốc quyết định, Trung Quốc sẽ bỏ quyền bỏ phiếu đối với nghị quyết án. Lúc này cũng là thúc đẩy thời cơ có lợi cho việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước, vì thế, ngày 24 tháng 11 chúng ta đã trả lời phía Mỹ, tôi sẽ dự hội nghị cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an, và sau hội nghị sẽ chính thức thăm Mỹ theo lời mời.

Do Baker thích “giao dịch” nên tự nhiên cũng giỏi “mà cả giá”. Sau khi biết tôi tiếp nhận lời mời, phía Mỹ lập tức thay đổi thái độ. Chiều ngày 25 tháng 11 Đại biện lâm thời đại sứ quán Mỹ Pascoe vội vội vàng vàng đến Bô Ngoại giao, chuyển một bức thư của Baker gửi tôi. Trong thư ngoài việc nhấn mạnh một lần nữa tính chất quan trọng của việc tôi tham dự hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đòng bảo an ra, Baker lại nói, do không mời tất cả các nước thành viên hoặc Ngoại trưởng năm nước thường trực Hội đồng Bảo an thăm Washington, vì thế, hy vọng sau khi hai bên gặp gỡ ở New York mới tuyên bố tôi thăm Washington. Pascoe còn bổ sung, phía Mỹ hy vọng phía Trung Quốc có thể bỏ phiếu tán thành đề án của Mỹ, nếu phía Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết hoặc từ bỏ quyền bỏ phiếu sẽ tạo ra ảnh hưởng có tính tai hoạ đến chuyến thăm Mỹ của tôi.

Phía Mỹ lật lọng, nâng cao giá đòi, kết nối sắp xếp thăm Mỹ với bỏ phiếu tán thành. Chúng ta không thể tiếp nhận điều đó.

Trong đàm phán ngoại giao giữa hai bên tất nhiên có cách làm hiểu biết lẫn nhau nhân nhượng lẫn nhau nào đó, điều này rất tự nhiên. Đối với các bên mà nói, phải có nhận, có cho thì mới có thể đạt được hiệp nghị, nhưng quyết không thể nói lời không giữ lời, giở trò tiểu xảo.

Chúng tôi lập tức trả lời, phía Mỹ đã làm trái hiệp nghị đạt được khi Ngoại trưởng hai nước nói chuyện qua điện thoại, và yêu cầu phía Mỹ kiểm tra lại rồi xác nhận bản ghi chép cuộc đàm thoại giữa tôi và Baker. Đồng thời biểu thị, nếu như phía Mỹ thay đổi lập trường tôi sẽ không dự hội nghị.

Ngày 26, thái độ phía Mỹ mềm hẳn. Pascoe lại truyền đạt lời Baker, cho rằng hiểu biết của phía Trung Quốc đối với cuộc nói chuyện điện thoại ngày 20 tháng 10 là chính xác, nhưng phía Mỹ vẫn mạnh mẽ hy vọng Trung Quốc bỏ phiếu tán thành. Pascoe còn giải thích, các quan viên cấp thấp ở Bộ ngoại giao Mỹ do không hiểu tình hình nên chỉ thị gửi cho ông ta ngày hôm kia là sai lầm.


Từ bỏ quyền bỏ phiếu


Ngày 28 tháng 11 chúng tôi đáp chuyến máy bay hàng không dân dụng số CA981 rời Bắc kinh đi New York, tháp tùng tôi tham dự hội nghị của Hội đồng bảo an có mười người gồm Vụ trưởng châu Mỹ, Đại dương Trương Quân Nghị, Vụ trưởng Vụ châu Á Vương Xương Nghĩa, Vụ trưởng Vụ quốc tế Tần Hoa Tôn v.v... Hôm đó Bắc Kinh có sương mù lớn, máy bay phải lùi thời gian bay, dường như báo trước chuyến đi này không thuận buồm xuôi gió.

Mãi đến trưa máy bay mới bay được, đến New York đã nửa đêm, quan chức Quốc vụ viện ra đón nói với chúng tôi, Baker đang đợi ở khách sạn.

Đoàn chúng tôi đến khách sạn Waldorf, vào tới phòng tiếp đón đã thấy quan chức Mỹ trong đó có Baker ngồi chật cả phòng.

Trong hội đàm phía Mỹ vẫn muốn trước khi bỏ phiếu khuyên phía Trung Quốc bỏ phiếu tán thành. Tôi nói với Baker, sử dụng vũ lực là việc quan trọng, phải thận trọng.

Đối với phía Mỹ mà nói, sử dụng thủ đoạn quân sự, giải quyết vấn đề có khả năng nhanh một chút, còn sử dụng phương thức hoà bình có thể đòi hỏi thời gian dài hơn một chút. Thế nhưng tổn thất do chiến tranh tạo thành sẽ tương đối lớn, hậu di chứng sẽ càng nhiều. Tiếp đó tôi nói, ký ức của nhân dân Trung Quốc về việc Mỹ dùng danh nghĩa Liên Hợp Quốc tiến hành chiến tranh Triều Tiên vẫn còn như mới, nước Mỹ hiện nay vẫn đang thực thi cái gọi là chế tài đối với Trung Quốc, và quan hệ Trung-Mỹ còn chưa khôi phục bình thường. Trong tình hình đó, đối với các nghị quyết có liên quan phía Trung Quốc không phủ quyết đã là sự chiếu cố lớn nhất rồi.

Buổi trưa ngày bỏ phiếu khi tôi đang bận hội kiến Ngoại trưởng một số nước, Baker lại gọi điện thoại đến cho tôi, chuyển đạt thư miệng của Tổng thống Bush, tiếp tục khuyên phía Trung Quốc nên bỏ phiếu tán thành.

Lập trường bỏ phiếu của Trung Quốc đã xác định không thể thay đổi được, tôi từ chối yêu cầu của Baker.

3 giờ 40 phút chiều, hội nghị cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an bắt đầu, chủ đề của hội nghị này là thảo luận và biểu quyết nghị quyết án số 678 do Mỹ đề xuất. Nội dung then chốt của dự thảo nghị quyết là : trừ phi Iraq trong ngày 15 tháng 11 năm 1991 hoặc trước đó, hoàn toàn thực hiện các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an, nếu không sẽ trao quyền cho các nước thành viên Liên Hợp Quốc hợp tác cùng chính phủ Kuwait sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết bảo vệ, đồng thời chấp hành các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an.

Ngày hôm đó không khí trong hội trường rất căng thẳng, không chỉ dẫy ghế dự thính ngồi chật người, mà đường đi hai bên cũng đứng chật người. Mọi người quan tâm nhất là thái độ của Trung Quốc. Nếu như chúng ta bỏ phiếu phủ định, thì nghị quyết án không thông qua được.

5 giờ 30 phút, tôi phát biểu có tính giải thích về lập trường bỏ phiếu của phía Trung Quốc. Trước tiên thể hiện rõ, Trung Quốc vừa phản đối Iraq xâm lược Koweit, lại vừa chủ trương giải quyết hoà bình, phản đối lập trường nguyên tắc dùng vũ lực. Tiếp đó trong phát biểu tôi chỉ ra, tại vùng Vịnh, Trung Quốc không có và cũng không mưu cầu bất kỳ tư lợi nào, quan tâm duy nhất là bảo vệ hoà bình và sự ổn định của vùng này. Vì thế Trung Quốc ra sức chủ trương hoà bình giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh, làm như vậy thời gian có thể dài hơn một chút nhưng tổn thất tạo ra có thể nhỏ hơn một chút, hậu di chứng cũng sẽ nhỏ hơn. Một khi chiến tranh bùng nổ, các bên có liên quan đều sẽ chịu tổn thất trọng đại, không chỉ đối với các nước vùng Vịnh mà đối với hoà bình và ổn định của thế giới cũng như nền kinh tế thế giới, đều sẽ nẩy sinh những ảnh hưởng cực bất lợi. Tôi nói, nghị quyết án này dùng từ “sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết” về thực chất là cho phép sử dụng hành động quân sự mà nội dung này ngược lại với lập trường nhất quán ra sức giải quyết hoà bình của Trung Quốc, vì vậy, đoàn đại biẻu Trung Quốc khó có thể bỏ phiếu tán thành ; mặt khác cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là do Iraq xâm lược và thôn tính Kuwait gây ra, nhưng cho đến bây giờ trong vấn đề then chốt rút quân, Iraq vẫn chưa có hành động có tính thực chất, đồng thời nghị quyết án này cũng yêu cầu Iraq tuân thủ đầy đủ Nghị quyết số 660 của Hội đồng bảo an và các nghị quyết có liên quan khác, cũng có nghĩa là yêu cầu Iraq lập tức rút quân khỏi Kuwait, Trung Quốc tán thành điểm này, vì vậy Trung Quốc không bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết này.

Cuối cùng nghị quyết án đó đã được thông qua với 12 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối, một phiếu bỏ quyền.

Trung Quốc bỏ phiếu bỏ quyền, Cuba và Yêmen bỏ phiếu phản đối.


Gặp Tổng thống Bush


Tối hôm đó, Baker mở tiệc mời Ngoại trưởng các nước thường trực Hội đồng bảo an, ngoài mặt cười nói vui vẻ nhưng sau đó lại thông qua nhân viên công tác nói, ngày mai đi Washington, vì Tổng thống Bush bận xử lý cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, không thể thu xếp thời gian hội kiến tôi. Đêm hôm đó Bộ ngoại giao Mỹ cũng thông báo cho sứ quán Trung Quốc tại Mỹ như vậy.

Chúng tôi phán đoán Baker người quen “làm giao dịch” rõ ràng là cảm thấy trong lần “giao dịch” này mình đã bị hố, nên chưa cam tâm. Lúc này nếu chúng tôi giận dỗi không tới thăm sẽ tỏ ra có chút con nhà nghèo ; nhưng đi Washington, Tổng thống không tiếp cũng không thích hợp. Kết quả bàn bạc của mọi người là, đi thì vẫn phải đi, nhưng đi rồi thì phải gặp được Tổng thống.

Vì vậy Chu Khởi Trinh, đại sứ nước ta tại Mỹ, ngay trong đêm đã từ New York đi ôtô về Washington, 3 giờ đêm còn gọi điện thoại cho Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống. 6 giờ sáng Scowcroft gọi điện thoại trả lời, hoan nghênh tôi tới thăm Washington theo thời gian đã định. Tổng thống Bush chờ đợi gặp tôi.

9 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 11 chúng tôi đáp máy bay từ New York đi Washington.11 giờ hội đàm với Baker, sau đó ông ta mở tiệc trưa hoan nghênh tôi.

Khi gặp mặt, ông ta nói với tôi, Tổng thống Bush sẽ ngay trong ngày hôm nay tuyên bố mời Aziz, Ngoại trưởng Iraq thăm Mỹ, đồng thời chuẩn bị cử Baker đi Iraq gặp Saddam. Tôi nói, bước đi này của phía Mỹ là quan trọng, có ý nghĩa tích cực, chúng tôi ủng hộ. Khi tôi thăm Baghdad phía Iraq đã đề xuất một cách không chính thức hy vọng trực tiếp đối thoại với nước Mỹ. Ngày hôm kia tôi cũng đã từng kiến nghị, việc cần làm nhất là hội đàm với bản thân Saddam. Baker nói, ông ta đã trực tiếp nói với Tổng thống Bush ý kiến của tôi, đó cũng là một trong những nguyên nhân mà Tổng thống Bush đưa ra những quyết định này.

Ông ta còn giải thích với tôi về những sắp xếp liên quan đến việc gặp Tổng thống Bush. Ông ta tự mình đánh trống lấp nói, do phía Trung Quốc không bỏ phiếu tán thành, cá nhân ông ta cảm thấy, thu xếp để Tổng thống Bush hội kiến dường như là không thoả đáng, thế nhưng bây giờ những việc đó đã qua rồi, Tổng thống Bush đã quyết định hội kiến. Nghe xong tôi chỉ cười một chút rồi chuyển đầu đề câu chuyện, nói với ông ta, phía Mỹ tranh thủ Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết, Ngoại trưởng Mỹ đã trước sau thăm 12 nước, gặp gỡ Ngoại trưởng các nước đó. Nước Mỹ nhấn mạnh, với tư cách là một trong năm nước thường trực Hội đồng bảo an, Trung Quốc có tác dụng quan trọng, nhưng lại không đến thăm Trung Quốc. Tôi đưa ra lời mời ngài đến Trung Quốc, kết quả chỉ nhận được một cú điện thoại của ngài, trao đổi qua điện thoại dễ phát sinh hiểu lầm, tôi vẫn hoan nghênh ngài đến thăm Trung Quốc.

1 giở 40 phút chiều ngày 30 tháng 11 sau khi kết thúc buổi tiệc trưa của Baker tôi ngồi ôtô trực tiếp đến Nhà Trắng hội kiến Tổng thống Bush. Cuộc hội kiến với Tổng thống Bush tiến hành trong 45 phút. Bush biểu thị, ông ta coi trọng quan hệ Mỹ-Trung, hy vọng quan hệ hai nước từng bước được cải thiện. Còn về việc khôi phục những cuộc thăm viếng lẫn nhau của người lãnh đạo cấp cao, về việc Trung Quốc bỏ phiếu từ bỏ quyền bỏ phiếu, mặc dù cảm thấy thất vọng nhưng vẫn phải cám ơn Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ trong vấn đề vùng Vịnh. Từ bỏ quyền bỏ phiếu cũng làm cho nghị quyết có hiệu quả, điều đó mới quan trọng.

Tôi nói với ông ta, trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Trung, Mỹ đã hợp tác rất tốt, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành mười nghị quyết có liên quan của Hội đồng bảo an. Lần này Trung Quốc quyết định từ bỏ quyền bỏ phiếu là rất không dễ dàng. Người lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành suy tính nhiều lần đối với việc này.

Tôi còn giới thiệu với ông ta tình hình thăm Iraq. Tôi nói, trong vấn đề thúc giục Iraq rút quân khỏi Kuwait, Trung, Mỹ không có bất đồng. Từ nay về sau, những lĩnh vực mà Trung - Mỹ cần hợp tác trong công việc quốc tế vẫn còn rất nhiều, cho dù hoàn cảnh hai nuớc không giống nhau, phương pháp và thái độ đối xử với vấn đề cùng khác nhau, nhưng trong mặt bảo vệ hoà bình thế giới hai bên vẫn còn có thể tìm được điểm chung.

Trước khi kết thúc chuyến thăm, tôi đã tổ chức họp báo, trong cuộc họp các câu hỏi của phóng viên đều tập trung vào vấn đề quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời cảm thấy kinh ngạc trước việc sắp xếp Tổng thống Bush hội kiến tôi.

Tháng 10 năm 2002, khi tôi tháp tùng Chủ tịch Giang Trạch Dân thăm Mỹ, đã gặp nhiều bạn cũ trong thư viện của Bush cha, trong đó có Scowcroft. Khi chúng tôi bàn đến cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, nhắc lại chuyện cũ 12 năm trước, mọi người đều vẫn nhớ như in. Tôi nói với Scowcroft : “ Xin lỗi, hôm đó đã đánh thức ông đang ngủ ”. Mọi người đều cười.

Mặc dù nghị quyết 678 đã được thông qua tại Hội đồng bảo an nhưng nhiều nước trên thế giới vẫn hy vọng có thể tránh được sử dụng vũ lực. Sau khi nước Mỹ và Iraq chưa đạt được hiệp nghị thu xếp Ngoại trưởng hai nước thăm viếng lẫn nhau, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc De Cuellar có ý muốn gặp Saddam để cùng ông ta có những cố gắng cuối cùng về giải pháp hoà bình, hy vọng phía Trung Quốc có thể giúp đỡ. Khi được tin này, tôi đang công tác tại Hải Nam, những đã lập tức để Bộ ngoại giao chỉ thị cho đại sứ Trịnh Đạt Dung tại Iraq hẹn gặp Ngoại trưởng Aziz, chuyền đạt ý kiến của Tổng thư ký. Phía Iraq đồng ý Tổng thư ký đến thăm, nhưng những hoà giải cuối cùng của De Cuellar cũng không thành công.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh đến nay đã được 12 năm rồi. Lúc đó Saddam đã đánh giá sai tình hình, không nghe những lời khuyên khách quan, vào lúc then chốt của đất nước sinh tử tồn vong, đã đưa ra một quyết sách không sáng suốt, không rút quân khỏi Kuwait theo các nghj quyết có liên quan của Hội đồng bảo an, kết quả là bị đả kích về quân sự, làm cho đất nước và nhân dân mình phải chịu những khổ nạn to lớn. Không ngờ sự việc vẫn chưa kết thúc, khi chọn viết bài viết này, một lần nữa chiến tranh lại giáng xuống Iraq, nền thống trị của Saddam bị lật đổ. Lưu vực Lưỡng hà - sông Euphrates và sông Tigris và mảnh đất cổ xưa Mesopotamia lại một lần nữa lâm vào lễ rửa tội của máu và lửa.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us