Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mười câu chuyện ngoại giao (5)

Mười câu chuyện ngoại giao (5)

- Tiền Kì Tham — published 27/04/2009 00:00, cập nhật lần cuối 25/04/2009 14:56
Thiết lập quan hệ với Nam Hàn, trấn an Bắc Hàn


Mười câu chuyện ngoại giao (5)


THẲNG TỚI SEOUL


Tiền Kỳ Tham

Người dịch : Trần Hữu Nghĩa  Dương Quốc Anh

Người hiệu đính : Dương Danh Dy


CÁC PHẦN TRƯỚC :

(1) (2) (3) (4)



Lần đầu tiên đến Seoul


Lần đầu tiên tôi đến Seoul là tháng 11 năm 1991, để tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá ba của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là Tổ chức HTKT CA-TBD) họp ở đó. Lúc bấy giờ Trung Quốc vừa hoàn thành thủ tục tham gia Tổ chức này, lần đầu tiên dự hội nghị. Theo tập quán, Tổ chức HTKTCA-TBD mỗi năm họp một lần, đoàn đại biểu các nước thành viên do hai Bộ trưởng Ngoại giao và Thương Mại dẫn đầu. Tôi và Lý Phụng Thanh lúc đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương Mại cùng dẫn đoàn đi Seoul.


Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Seoul là câu chuyện chưa từng có trước đó. Từ năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đến nay, Trung Quốc và Hàn Quốc không hề có bất kỳ sự qua lại chính thức nào, càng không cần đề cập tới chuyện đối kháng dữ dội trong thời gian chiến tranh Triều Tiên. Cho dù bây giờ ở trên đất Trung Quốc chỗ nào cũng thấy khách du lịch Hàn Quốc và công dân Trung Quốc cũng có thể tự do tới Seoul du lịch, nhưng mãi cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đối với Trung Quốc mà nói, Hàn Quốc vẫn là “Khu cấm”, dường như chưa có bao nhiêu người tới đó.


Ngày 12 tháng 11, Đoàn đại biểu Trung Quốc ngồi trên một chiếc máy bay hàng không dân dụng thuê bao tới Seoul, hạ cánh ở sân bay Kimpo. Lúc ấy Trung - Hàn còn chưa có quan hệ ngoại giao, nên làm gì có máy bay qua lại theo định kỳ. Máy bay thuê bao của chúng tôi không ở lại Hàn Quốc mà lập tức trở về Bắc Kinh. Đợi đến khi Hội nghi họp xong mới quay lại đón Đoàn đại biểu về nước.


Chúng tôi được phía Hàn Quốc đón tiếp tại sân bay. Phía Hàn Quốc thu xếp đoàn từ trên máy bay xuống là vào thẳng ôtô rồi cùng chúng tôi đi về khu vực nội thành. Thì ra phía Hàn Quốc suy tính tới việc lần đầu tiên ngoại trưởng Trung Quốc đến Hàn Quốc, lo lắng nhiều phóng viên sẽ ảnh hưởng tới trật tự tại sân bay, nên không cho phóng viên Hàn Quốc và nước ngoài đến sân bay phỏng vấn.


Sự thực là phóng viên các nước lúc đó đã chờ đợi trước tại khách sạn Tân La khách sạn lớn nhất Seoul, nơi mà đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ ở, chờ mong nắm bắt được bất kỳ tín hiệu và dấu vết nào cho thấy quan hệ Trung - Hàn có khả năng đột phá.


Khi chúng tôi vừa đến khách sạn Tân La là đã bị các phóng viên chờ sẵn ở đó vây chặt lấy. Các loại đèn flash loé sáng, các ống kính máy ảnh chĩa vào, các micrô dài ngắn đồng loạt vươn ra, chỉ thấy phóng viên nhiếp ảnh đang tranh nhau góc đứng, phóng viên truyền hình đang chăm chú ghi, phóng viên báo viết thì mồm năm miệng mười tranh nhau hỏi. Còn nhớ trong đó có mấy vị nữ phóng viên Đài Loan đã to tiếng cướp lời. Điều mà các phóng viên quan tâm không phải là việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức HTKTCATBD mà là liệu quan hệ Trung - Hàn có phát sinh thay đổi gì không. Lúc đó tiếng người ồn ào hỗn loạn vừa không nghe rõ câu hỏi vừa căn bản không thể trả lời vấn đề. Tôi ngỏ lời cám ơn các phóng viên, nói với họ, chúng ta còn có cơ hội gặp mặt. Sau đó nhờ sự hướng dẫn của nhân viên phía Hàn Quốc chen chúc đi vào thang máy. Không ngờ các phóng viên lại có biện pháp khác, họ một mực đuổi theo bọn tôi lên tầng lầu, bịt chặt cửa ra, khiến chúng tôi không có cách nào vào phòng được. Thấy tình hình đó nhân viên tiếp đón Hàn Quốc đã phải phong toả tầng lầu chúng tôi ở, do nhân viên cảnh vệ chuyên nghiệp canh gác ngày đêm, duy trì trật tự, nhằm đề phòng vấn đề phát sinh, đồng thời cũng đảm bảo cho chúng tôi có thể ra vào bình thường.


Hội nghị cấp Bộ trưởng Tổ chức HTKTCA-TBD họp rất thuận lợi, ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang-Ock và ngoại trưởng các thành viên khác khi phát biểu trên hội nghị đều dùng ngôn ngữ chuẩn xác biểu thị hoan nghênh ba thành viên mới (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc Đài Bắc, Hồng Kông) gia nhập Tổ chức HTKTCA-TBD. Tôi cũng phát biểu trong hội nghị, cám ơn sự ủng hộ của các thành viên. Tôi nói, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc Đài Bắc và Hồng Kông gia nhập Tổ chức HTKTCA-TBD là sự phát triển quan trọng của tiến trình HTKTCA-TBD. Tôi còn biểu thị sự tán thưởng Hàn Quốc với tư cách là nước chủ nhà đã nỗ lực thực hiện sự sắp xếp này.


Trong thời gian hội nghị phía Hàn Quốc đã giữ lời hứa, không sắp xếp để “đại sứ” của Đài Loan tại Seoul tham gia bất kỳ hoạt động nào, kể cả tiệc chào mừng của Tổng thống.



Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương


Trung Quốc tham gia Tổ chức HTKTCA-TBD đã gặp nhiều trắc trở.


Ý tưởng thành lập Tổ chức HTKTCA-TBD được Thủ Tướng Australia, Hawke, đề xuất sớm nhất vào năm 1989 khi tới thăm Seoul, mục đích chủ yếu là để tăng cường liên hệ kinh tế và hợp tác giữa các nước như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand... với khu vực Đông Á. Khi bắt đầu, phía Australia rất hy vọng Trung Quốc ủng hộ, vì việc này đã cử đặc sứ tới thăm riêng Trung Quốc. Tuy nhiên sau cơn sóng gió chính trị phát sinh ở Bắc kinh năm 1989, một số nước phương Tây như Australia, Mỹ v.v... đã thay đổi thái độ. Trung Quốc không tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá thứ nhất họp ở Australia năm đó và Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá hai họp ở Singapore năm sau. Thế nhưng, HTKTCA-TBD khó mà tưởng tuợng nổi lại không có Trung Quốc tham gia. Trung Quốc là một nước lớn, thị trường rộng lớn cùng khu vực CA-TBD có mối quan hệ rộng rãi, nền kinh tế lại duy trì được sự tăng trưởng tốc độ cao, mạnh mẽ, bền vững. Các thành viên của Tổ chức HTKTCA-TBD đều nhận thức được rằng phải mời Trung Quốc tham gia Tổ chức HTKTCA-TBD. Trong Tuyên bố chung được Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá hai thông qua đã có đoạn viết như sau :


Các Bộ trưởng thừa nhận ba thực thể kinh tế Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Hồng Kông, bất kể là về hoạt động kinh tế hiện hành của họ hay là xét về vai trò của họ đối với sự phồn vinh từ nay về sau của khu vực này mà nói đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vùng CA-TBD ; từ nay trở đi ba thực thể kinh tế này tham gia Hội nghị của Tổ chức HTKTCA-TBD là thích hợp ; các Bộ trưởng đồng ý tiếp tục cùng ba phía tiến hành trao đổi bàn bạc để tiện đạt dược sự sắp xếp mà ba phía và các thành viên hiện có của Tổ chức HTKTCA-TBD đều có thể đồng ý, khiến ba phía có thể gia nhập sớm nhất Tổ chức HTKTCA-TBD tại Hội nghị Seoul.” Indonesia, thành viên của Tổ chức HTKTCA-TBD lúc đó đang cùng Trung Quốc thảo luận khôi phục quan hệ ngoại giao, đã thông báo đầu tiên cho chúng ta mọi tình hình có liên quan. Sau đó Hàn Quốc, nước sẽ đảm nhiệm Chủ tịch Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá ba bắt đầu cử người cùng Trung Quốc trao đổi ý kiến riêng. Sở dĩ Trung Quốc gia nhập Tổ chức KTCA-TBD tương đối phức tạp, chủ yếu là vì phải xử lý tốt vấn đề tên gọi và địa vị của Đài Loan, Hồng Kông cùng gia nhập.


Tổ chức HTKTCA-TBD khác với các tổ chức quốc tế khác do các nước có chủ quyền tham gia như Liên Hợp Quốc v.v... là ở chỗ thành viên của nó đều gọi là thực thể kinh tế, là diễn đàn thảo luận vấn đề kinh tế, khi họp hội nghị cũng không treo các tiêu chí như quốc kỳ, quốc huy v.v... của các nước thành viên, vì vậy Hồng Kông và Đài Loan có thể gia nhập với tư cách là thực thể kinh tế.


Nguyên tắc cơ bản mà chúng ta đề xuất để giải quyết vấn đề này là : dưới tiền đề một nước Trung Hoa, nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa gia nhập với thân phận nước có chủ quyền, Đài Loan và Hồng Kông gia nhập với tư cách kinh tế khu vực.


Để giải quyết vấn đề Trung Quốc gia nhập trước Hội nghị Seoul, đại biểu Hàn Quốc đã rất nhiệt tình. Lúc đó mặc dù Hàn Quốc còn duy trì “quan hệ ngoại giao” với Đài Loan nhưng họ đã suy tính đến việc trước triển vọng của sự phát triển kinh tế và sự thay đổi khuôn khổ chính trị của vùng Đông Á từ nay trở đi, lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là có lợi cho Hàn Quốc. Vì vậy lợi dụng điều kiện thuận lợi của nước chủ nhà, tích cực thúc đẩy giải quyết vấn đề Trung Quốc tham gia Hội nghị đồng thời dùng việc này để lôi kéo sự qua lại với Trung Quốc đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chính sách ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc.


Lúc này các quan chức ngoại giao Hàn Quốc không thể đến thăm Trung Quốc, nhưng chúng ta đã phá lệ để cho Lee See Young, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao với danh nghĩa là Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao của Tổ chức HTKTCA-TBD năm đó nhiều lần tới Bắc Kinh cùng chúng ta thảo luận phương án giải quyết, đồng thời thông qua ông ta thông báo tình hình trưng cầu ý kiến với các nước thành viên. Lee See Young còn nhiều lần qua lại Đài Loan và Hồng Kông bắt mối và trao đổi ý kiến với bọn họ.


Quá trình đàm phán rất gay go. Sở dĩ như vậy, không phải là vì phía Hàn Quốc và các thành viên Tổ chức HTKTCA-TBD trong nguyên tắc khu biệt quốc gia chủ quyền và kinh tế khu vực có ý kiến bất đồng gì mà chủ yếu là do phía Đài Loan đã ngấm ngầm gây bế tắc.


Phía Đài Loan kiên trì được hưởng “địa vị bình đẳng” trong Tổ chức HTKTCA-TBD. Trong cách gọi tên, kiên trì không đồng ý sử dụng tên gọi “Trung Quốc Đài Loan (TAIWAN, CHINA)” mà chúng ta đã đề xuất từ đầu ; không muốn tiếp nhận sự sắp xếp “ngoại trưởng” của họ không được tham dự Hội nghị, hơn nữa còn không muốn trực tiếp thương lượng vói chúng ta về những vấn đề này. Những điều đó đã làm cho đàm phán gặp trở ngại, nhất thời không có cách giải quyết vấn đề. Lee See Young đi lại như con thoi giữa ba nơi chuyển đạt lời nói, còn phải tìm cách để các phía đều có thể tiếp nhận phương án thoả hiệp, cho nên mức độ gian khổ không nói cũng biết. Sự tình cứ không có tiến triển như vậy, mãi cho đến sau này nghe nói chỉ khi Lee See Young đưa ra thông điệp cuối cùng cho Đài Loan : “ Nếu phía Đài Loan từ chối không tiếp nhận thoả hiệp thì sẽ để Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa và Hồng Kông gia nhập trước ” thì phía Đài Loan mới thể hiện thái độ “thức thời vụ”, bất đắc dĩ phải nhượng bộ.


Trải qua sáu vòng đàm phán với thời gian hơn chín tháng, cuối cùng mới tìm ra được phương pháp mà chúng ta cho là thích hợp, Đài Loan và Hồng Kông có thể tiếp nhận, các thành viên khác chất trí tán thành.


Ngày 2 tháng 10 năm 1991, Tần Hoa Tôn, Vụ trưởng Vụ Quốc tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Lee See Young, Hàn Quốc ký bản Bị vong lục thông cảm về việc ba phía đồng thời gia nhập Tổ chức HTKTCA-TBD tại New York, trong đó bao gồm việc chúng ta kiên trì nguyên tắc cũng như quy định rõ ràng về tên gọi và cấp bực tham gia hoạt động của Đài Loan. Đài Loan phải dùng tên gọi “Trung Quốc Đài Bắc (CHINESE TAIBEI)”. Hơn nữa chỉ có thể do Bộ trưởng chủ quản công việc kinh tế tham dự hội nghị, “Bộ trưởng Ngoại giao” hoặc “Thứ trưởng Ngoại giao” của họ không được tham gia Hội nghị.


Tổ chức HTKTCA-TBD cũng ký bị vong lục thông cảm có nội dung tương tự với Đài Loan và Hồng Kông. Lúc đó chúng ta và Hàn Quốc còn đạt được một hiệp nghị, đó là “đại sứ” Đài Loan ở Seoul không thể tham gia hoạt động của Hội nghị cấp Bộ trưởng khoá ba. Như thế là đã dọn sạch con đường để Đoàn đại biểu Trung Quốc tới dự Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Seoul.



Hội kiến Roh Tae Woo


Ngay buổi chiều, hôm chúng tôi đến Seoul, theo chương trình, tổng thống Roh Tae Woo đã tiếp chung các Bộ trưởng thành viên tại Thanh ngoã đài, chúng tôi đến đó theo đúng thời gian, bước lên bậc thềm vừa cao vừa rộng hàng chục bậc rồi đi vào sảnh lớn. Các vị khách theo lễ tân đứng theo thứ tự, lúc này quan chức lễ tân của tổng thống nói riêng với tôi, sau khi hội kiến chung tổng thống mời tôi lưu lại, ông muốn có cuộc hội kiến riêng.


Roh Tae Woo xuất thân là quân nhân, nhưng tương đối ôn hoà, thái độ trong vấn đề lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc tương đối kiên quyết. Ông nhận chức Tổng thống Hàn Quốc tháng 2 năm 1988, sau khi giữ chức, căn cứ vào sự thay đổi của tình hình quốc tế và tình hình bán đảo Triều Tiên, ông đã đề xuất một cách rõ ràng, muốn có hoà bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên thì trong nhiệm kỳ của ông phải thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu v.v..., gọi đó là “chính sách phương bắc”.


Tháng 10 năm 1988 Hàn Quốc tổ chức thành công Olympic Seoul, mở rộng ảnh hưởng của mình trên quốc tế, đồng thời thông qua việc tiếp đón các Đoàn đại biểu thể dục thể thao các nước Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu đã nới lỏng quan hệ căng thẳng với các nước này. Đầu năm 1989, Hungary với tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa đã dẫn đầu phá bỏ điều cấm kỵ thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Đến tháng 9 năm 1990 khi Liên Xô lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc thì tuyệt đại đa số các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đều đã thực hiện bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.


Mặc dù Roh Tae Woo cũng đã dùng nhiều cách thăm dò muốn cùng Trung Quốc cải thiện quan hệ nhưng không có tiến triển lớn. Lúc này nhiệm kỳ của ông chỉ còn thời gian hơn một năm một chút, vì vậy tỏ ra tương đối sốt ruột, cho nên đã không bỏ qua cơ hội tuyệt hảo – ngoại trưởng Trung Quốc tham dự hội nghị quốc tế ở Seoul .


Sau khi kết thúc hội kiến tập thể, Ngoại trưởng Lee Sang Ock dẫn tôi vào một phòng khách dáng vẻ cổ kính, dự tính trước là những nhân viên tháp tùng đều đã tới rồi. Tổng thống Roh Tae Woo mặc bộ âu phục mầu xanh đen đi vào phòng khách bắt tay từng người.


Sau khi yên vị, trước tiên tổng thống Roh Tae Woo hoan nghênh Đoàn Đại biểu Trung Quốc đến Seoul, chúc mừng Trung Quốc gia nhập Tổ chức HTKTCA-TBD. Sau đó đi thẳng vào bàn vấn đề quan hệ hai nước. Ông nói, Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ cách nhau một cái biển, từ xưa đến nay đã có quan hệ qua lại lâu dài, giữa bờ biển phía tây của Hàn Quốc với miền đông bán đảo Sơn Đông đúng là một tiéng gà gáy cả hai bờ cùng nghe thấy. Chẳng qua là đến cận đại, hai nước Hàn Trung mới ngăn cách mấy chục năm, khiến người ta nuối tiếc và không tự nhiên. Nhưng may mắn là mấy năm gần đây quan hệ hai nước đã có cải thiện. Năm 1986 và năm 1988, Đoàn Đại biểu Thể dục Thể thao Trung Quốc đã tới Seoul tham dự Á vận hội và Thế vận hội, sau đó giao lưu mậu dịch hai bên cũng đã bắt đầu, phía Hàn Quốc cảm thấy phấn khởi và hài lòng. Hàn Quốc đã cùng Liên Xô và các nước Đông Âu thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc càng nên thân mật hơn. Vì nền hoà bình và sự ổn định ở bán đảo Triều tiên và cũng vì nền hoà bình và sự phát triển của khu vực CA-TBD, Hàn Quốc chân thành hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc,và thiết lập quan hệ ngoại giao sớm.


Trong khi nói chuyện, lúc nào Roh Tae Woo cũng mỉm cười, phong độ nho nhã. Ông đặc biệt nói tới bán đảo Sơn Đông là có nguyên nhân. Ông luôn cho rằng mình là hậu duệ của họ Lư ở Sơn Đông, sau này khi tới thăm Trung Quốc đã từng đến thăm riêng Sơn Đông để tìm gốc rễ.


Tôi cám ơn cuộc hội kiến của ông, ca ngợi công tác chuẩn bị của phía Hàn Quốc cho Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức HTKTCA-TBD. Tiếp đó tôi nóí, xét từ lịch sử thấy Trung Quốc và Hàn Quốc có lịch sử qua lại lâu đời ; xét về địa lý thấy Trung, Hàn là láng giềng gần, đúng là nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa của nhau, cho nên không thể mãi mãi không có qua lại. Mối quan hệ không bình thường hiện nay là hình thành từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chúng tôi hy vọng hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên chung sống hoà bình, tăng cường qua lại. Quan hệ mậu dịch hai nước Trung, Hàn gần đây có sự phát triển tương đối lớn, hy vọng hai bên cùng cố gắng làm cho chúng phát triển tốt hơn nữa. Đồng thời cũng hy vọng Mỹ và Nhật Bản cải thiện quan hệ với Triều Tiên.


Nói đến đây, ý tứ đã thể hiện rõ. Trước vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao mà Roh Tae Woo nêu ra tôi không trực tiếp trả lời. Một giờ sau khi hội kiến, đài truyền hình Hàn Quốc lập tức đưa tin. Hôm sau các báo của Hàn Quốc đều đăng bức ảnh lớn Roh Tae Woo bắt tay tôi ở trang nhất. Giới truyền thông không đưa tin về nội dung cuộc nói chuyện, nhưng phổ biến bình luận là, đây là “ bước ngoặt ” trong quan hệ Trung, Hàn.


Ngày hôm sau tôi cùng ăn sáng với Ngoại trưởng Lee Sang Ock. Hoạt động này đã được sắp xếp từ trước khi khởi hành, phía Hàn Quốc rất phấn khởi vì việc đó. Trước đây mỗi năm đi họp ở Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc đều đề xuất hy vọng thu xếp để có cuộc gặp với tôi nhưng chúng tôi môt mực không đồng ý. Mãi cho đến tháng 9 năm này sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc cùng gia nhập Liên Hợp Quốc, trong thời gian tham gia hội nghị Liên Hợp Quốc tôi mới hội kiến có tính lễ tân với Lee Sang Ock. Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng hai nước Trung, Hàn ngồi lại với nhau cùng ăn sáng.


Trong khi ăn sáng, trước tiên hai bên trao đổi ý kiến về những vấn đề có liên quan, sau đó, giống như Roh Tae Woo, Lee Sang Ock chuyển đầu đề câu chuyện, bàn đến vấn đề quan hệ hai nước. Ông ta đề xuất, năm ngoái kim ngạch mậu dịch Trung, Hàn là 3,8 tỷ USD, năm nay có khả năng đột phá 5 tỷ USD. Nếu như thiết lập quan hệ ngoại giao còn phải chờ thời gian thì, ông ta kiến nghị nâng cấp Văn phòng Đại diện mậu dịch dân gian tại phía đối phương lên thành cơ cấu chính thức nhằm thích ứng với tình trạng phát triển nhanh chóng mậu dịch song phương. Tôi biểu thị, xem xét về lâu dài thấy quan hệ hai nước phải phát triển theo cùng một phương hướng, nhưng trước mắt vẫn là dùng phương thức dân gian là hơn. Tôi kiến nghị nhân viên hai bên bao gồm cả nhân viên Bộ ngoại giao đều có thể tiếp xúc làm việc duy trì quan hệ. Lee Sang Ock nói, phía Hàn Quốc hiểu là Hàn, Trung thiết lập quan hệ ngoại giao đòi hỏi phải căn cứ vào sự chuẩn bị của phía Trung Quốc mà tiến hành, nhưng phía Hàn Quốc hy vọng thực hiện sớm một chút. Tôi nói, Trung Quốc có câu ngạn ngữ dân gian “ trăng đến rằm thì tròn ”.


Tối hôm đó còn xảy ra một việc thú vị. Bộ trưởng Thanh ,Thiếu niên, Thể dục Park Chul Un nhiều lần đề xuất muốn gặp tôi. Thực ra vốn không muốn sắp xếp nhưng đối phương không ngừng gọi điện thoại tới, nhất mực yêu cầu, và nói ông ta đã nhiều lần thăm Trung Quốc, có không ít bạn bè ở Trung Quốc trong đó có em trai tôi Tiền Kỳ Ngao, lúc đó là Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân chủ quản công tác văn hoá, giáo dục, thể dục, đã từng trong hoạt động thi đấu thể dục quốc tế tổ chức tại Thiên Tân tiếp đón ông này. Đã sắp 11 giờ đêm, Park Chul Un cùng trợ thủ của mình đến phòng tôi ở, sau khi hàn huyên đã đề nghị : ông ta vui lòng cùng chúng tôi thết lập con đường liên lạc bí mật cùng cố gắng vì việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông ta nói cuộc hội kiến tối nay được sự đồng ý của Tổng thống. Để tham gia công tác tranh cử của Tổng thống, không lâu nữa ông ta sẽ từ chức Bộ trưởng và thực hiện bình thường hoá quan hệ Hàn Trung là một trong những nhiệm vụ chính trị chủ yếu của ông ta. Ông ta lấy ra hai chiếc chìa khoá vàng, một to một nhỏ, cái lớn tặng tôi, cái nhỏ tặng em trai tôi, nói hy vọng dùng nó để mở cánh cửa lớn quan hệ hai nước.


Mấy năm đó nói chung có không ít nhân sĩ tầng lớp cao của Hàn Quốc phải quanh co vòng vèo tìm kiếm visa để tới thăm không chính thức Bắc Kinh, đề xuất với các đơn vị tiếp đón của chúng ta vui lòng góp một phần lực lượng vào việc lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước mà không hề chú ý đến tính chất của đơn vị tiếp đón là như thế nào. Từ đó có thể thấy thực hiện thiết lập quan hệ ngoại giao Trung, Hàn ở Hàn Quốc lúc đó đã trở thành một phong trào, có rất nhiều người vui lòng làm thuyết khách. Chỉ có điều là nhân viên phức tạp, nhất thời khó phân biệt thật giả.


Những lời nói của Park Chul Un lúc đó tôi chỉ nghe để biết. Tôi nói với ông ta, mặc dù hai nước Trung, Hàn còn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng đã có tiếp xúc chính thức không cần thành lập con đường bí mật gì đó nữa. Sau khi về nước tôi bảo nhân viên công tác mang hai chiếc chìa khoá đó ra Ngân hàng giám định, phát hiện đúng là vàng thật, hiện nay vẫn còn đăng ký cất giữ tại Bộ Ngoại giao ; có thể coi đó như là một lời chú thích lịch sử nho nhỏ về quá trình phát triển quan hệ Trung Hàn năm đó.



Phá vỡ lớp băng cứng


Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, điểm khó không phải là mặt quan hệ song phương mà là ở quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, tức là làm thế nào để Triều Tiên, nước hữu nghị truyền thống với Trung Quốc có thể từng bước hiểu được và tiếp nhận được sự điều chỉnh chính sách ngoại giao đó.


Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc và Hàn Quốc ngăn cách lâu dài là có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Ngay từ những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước, các nhà cách mạng Triều Tiên như Kim Nhật Thành... đã tham gia Liên quân chống Nhật ở Đông Bắc, cùng nhân dân Trung Quốc đánh lại bọn xâm lược Nhật Bản. Tình hữu nghị Trung Triều đã bắt đầu hình thành từ thời gian đó. Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Mỹ và Liên Xô lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới mỗi nước cử quân đội của mình vào đóng trên hai miền Nam Bắc. Tháng 8 năm 1948, Dân Quốc Đại Hàn thành lập ; tháng 9 cùng năm nước Cộng hoà Nhân dân Dân chủ Triều Tiên thành lập.


Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Trung Quốc mới thành lập, sáu ngày sau tức ngày 6 tháng 10 là tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.


Tháng 6 năm 1950 cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Sau chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ Triều Tiên, Mỹ và Nhật Bản ủng hộ Hàn Quốc, giới tuyến đình chiến về đại thể gần như là “vĩ tuyến 38”, hình thành cục diện Nam Bắc giằng co, một mạch kéo dài đến tận nay. Kể từ giữa và cuối những năm 70 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển và thay đổi của tình hình quốc tế, xuất phát từ hiện thực nhiều nước đã thừa nhận sự tồn tại của Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với họ. Liên Xô và các nước Đông Âu mặc dù chưa công nhận Hàn Quốc nhưng trong những hoạt động quốc tế đa biên như thi đấu thể thao thể dục và hội nghị quốc tế cũng đã bắt đầu qua lại với Hàn Quốc. Đến đầu những năm 80 đã có gần 100 quốc gia trên thế giới cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Đồng thời với những việc này, trong nội bộ bán đảo Triều Tiên cũng phát sinh một số thay đổi khiến người ta phải để mắt tới, hai bên Nam Bắc đối địch không những đã có tiếp xúc mà còn họp hội nghị cấp cao đồng thời đã ra tuyên bố chung loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài, thúc đẩy thống nhất đất nước từ năm 1982.


Xem xét từ tình hình trong nước của Trung Quốc thấy từ sau hội nghị Trung Ương lần thứ 3 khoá 11, trọng tâm công tác toàn quốc được chuyển sang xây dựng kinh tế, cải cách mở cửa cũng theo đó bắt đầu. Trong tình hình đó triển khai tích cực hoạt động đối ngoại như thế nào, mở rộng không gian giao lưu quốc tế ở mức độ lớn nhất, tạo ra môi trường đối ngoại tốt đẹp để xây dựng hiện đại hoá, đã trở thành vấn đề cấp bách mà công tác đối ngoại phải đối mặt.


Chính là trong bối cảnh đó việc làm dịu hơn nữa cục diện căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hoà đàm giữa hai bên Nam Bắc, làm chuyển động mối quan hệ với láng giềng gần Hàn Quốc đã được đưa vào chương trình làm việc hàng ngày.


Căn cứ vào sự thay đổi của tình hình, chúng tôi đã xác định quy định mới, tức là từ nay trở đi phàm là những hoạt động quốc tế được Tổ chức quốc tế uỷ nhiệm cho Hàn Quốc tổ chức, thì chỉ cần Trung Quốc là thành viên của Tổ chức đó là có thể cử người tham gia. Cũng như vậy khi Trung Quốc tổ chức những hoạt động sẽ đồng ý để nhân viên Hàn Quốc đến tham gia ở Trung Quốc. Như vậy có nghĩa là trong hoạt động đa biên quốc tế, căn cứ vào nguyên tắc tập quán và bình đẳng quốc tế chúng ta đã thay đổi cách làm không qua lại lẫn nhau với Hàn Quốc, tạo điều kiện cho bình thường hoá qua lại hai bên sau này.


Lúc này chúng ta đang suy tính tới việc xin tổ chức Á vận hội. Nhiều năm nay cùng với việc trình độ thể dục thể thao của Trung Quốc được nâng cao, chúng ta luôn nghĩ tới việc tổ chức Á vận hội, nhiều nước châu Á khác cũng có nguyện vọng như vậy. Thế nhưng việc cho phép Đoàn thể dục thể thao Hàn Quốc đến Trung Quốc tham gia thi đấu đã trở thành một cản trở mà Trung Quốc phải khắc phục nếu muốn xin tổ chức Á vận hội. Nếu một nước từ chối không để cho vận động viên của một nước thành viên nhập cảnh vào nước mình để tham gia thi đấu thì về căn bản nước đó không có tư cách xin tổ chức những hoạt động quốc tế. Tháng 8 năm 1983 thành phố Bắc Kinh đề xuất với Uỷ Ban Olympic Châu Á xin đăng cai Á vận hội lần thư mười một vào năm 1990, Ngoại trưởng Trung Quốc đồng thời gửi thư bảo đảm với Uỷ Ban Olympic Châu Á, mọi thành viên trong tổ chức của Uỷ ban Olympic Châu Á bao gồm cả Hàn Quốc đều được nhập cảnh tham gia.


Suy tính tới mối quan hệ Trung, Triều phía chúng ta đã thông báo kịp thời cho phía Triều Tiên đồng thời biểu thị, nếu việc xin đăng ký thành công, chúng ta hoan nghênh Triều Tiên cử Đoàn đại biểu thể dục thể thao tới tham gia, đồng thời chúng ta cũng tuân thủ điều lệ của Uỷ ban Olympic Châu Á hoan nghênh mọi thành viên khác của Uỷ ban, bao gồm cả Hàn Quốc cử đoàn đến tham dự.


Đồng chí Đặng Tiểu Bình luôn luôn vô cùng quan tâm đến vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 4 năm 1985 khi bàn đến vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đồng chí đã nói, phát triển quan hệ Trung, Hàn đối với chúng ta mà nói vẫn là cần thiết. Thứ nhất có thể làm ăn buôn bán, về kinh tế là tốt ; thứ hai có thể khiến Hàn Quốc cắt quan hệ với Đài Loan.


Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1988 khi tiếp khách nước ngoài đồng chí Tiểu Bình lại mấy lần bàn đến quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng chí nói, xét từ góc độ Trung Quốc thấy chúng ta phát triển quan hệ với Hàn Quốc chỉ có lợi không có hại. Về kinh tế có lợi cho sự phát triển của cả hai bên ; về chính trị có lợi cho việc thống nhất Trung Quốc.


Trong một lần nói chuyện khác, đồng chí lại nói thêm một bước, thời cơ đã chín muồi, bước đi trong trong giao lưu kinh tế văn hoá với Hàn Quốc có thể đi nhanh hơn một chút so với tính toán trước đây, rộng rãi cởi mở hơn một chút. Phát triển quan hệ dân gian giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là một nước cờ chiến lược quan trọng, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đài Loan, đối với Nhật, đối với Mỹ, đối với hoà bình và ổn định của bán đảo, đối với Đông Nam Á.


Đồng thời với những việc đó, đồng chí Tiểu Bình cũng nói là khi làm công tác này phải vô cùng thận trọng, nói vấn đề này rất tế nhị, khi xử lý phải rất cẩn thận phải làm cho phía Cộng hoà Nhân dân Dân chủ Triều Tiên thông cảm.


Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tiểu Bình, chúng tôi đã phá bỏ cấm cố nhiều năm làm chuyển động mối quan hệ với Hàn Quốc trong hoạt động quốc tế đa biên, qua lại của đoàn đại biểu hai bên tăng lên hàng năm. Năm 1986 và năm 1988 mấy trăm người trong Đoàn đại biểu Thể dục Thể thao Trung Quốc đã lần lượt tham gia Á vận hội Seoul và Olympic Seoul. Năm 1990 khi Bắc Kinh tổ chức Á vận hội khoá 11, Triều Tiên và Hàn Quốc đều cử đoàn tới tham gia, Lee Jong Ock, Phó chủ tịch nước Triều Tiên còn tham gia lễ khai mạc. Lần đầu tiên quốc kỳ Triều Tiên và quốc kỳ Hàn Quốc bay trên bầu trời quảng trường Thể dục Bắc Kinh.


Về mặt mậu dịch sau khi điều chỉnh chính sách với Hàn Quốc tốc độ phát triển càng nhanh hơn. Năm 1988 kim ngạch mậu dịch hai nước đã đột phá mức 1 tỷ USD.


Cùng với việc khối lượng mậu dịch gia tăng với mức độ lớn, phương thức thông qua Hồng Kông để tiến hành mậu dịch gián tiếp càng ngày càng không thích ứng. Lúc này hai bên bắt đầu thấy cần thiết phải tính tới việc lập Văn phòng mậu dịch dân gian ở mỗi nước để thuận tiện cho việc triển khai buôn bán trực tiếp dân gian Trung - Hàn.


Không ngờ vấn đề này đã làm cho phía Triều Tiên quan tâm chú ý ghê gớm tới mức làm kinh động người lãnh đạo cao nhất của hai phía Trung Triều.


Thông suốt với Triều Tiên

Tháng11 năm 1988 khi Ngoại trưởng Triều Tiên Kim Yong Nam thăm Trung Quốc, tôi đã bàn riêng với ông về vấn đề quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, nói với ông, phía Trung Quốc đang tính tới việc lập Văn phòng mậu dịch dân gian lẫn nhau với Nam Triều Tiên. Sau đó người lãnh đạo cao nhất hai bên đã trao đổi ý kiến mấy lần. Một lần vào nửa cuối năm 1989 khi Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm Bắc Kinh, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã bàn với ông việc này. Đến nửa cuối năm 1990 khi Chủ tịch Kim Nhật Thành đến Thẩm Dương, gặp Tổng bí thư Giang Trạch Dân một lần nữa, Tổng bí thư Giang lại nêu vấn đề này. Lúc này Chủ tịch Kim đã lý giải đầy đủ lập trường của phía Trung Quốc, biểu thị đồng ý.


Tháng 10 năm 1990, Hội Thương nghiệp Quốc tế Trung Quốc và Công Xã Chấn Hưng Mậu Dịch Đại Hàn đạt được hiệp nghị về vấn đề cùng lập Văn phòng mậu dịch với nhau. Đầu năm 1991 hai bên đều lập Văn phòng mậu dịch tại thủ đô đối phương. Sau khi thành lập Văn phòng mậu dịch lại gặp phải vấn đề mới, đó là vấn đề hai bên Nam Bắc Triều Tiên gia nhập Liên Hợp Quốc.


Liên Hợp Quốc là Tổ chức chính quyền lớn nhất trên thế giới, chỉ có những quốc gia có chủ quyền mới được tham gia, nhiều năm nay phía Triều Tiên một mực phản đối hai bên Nam Bắc cùng tham gia Liên Hợp Quốc, lo lắng như vậy sẽ làm cho sự chia rẽ Nam Bắc bán đảo Triều Tiên bị vĩnh cửu hoá. Lúc đó tại Liên Hợp Quốc Triều Tiên chỉ có thân phận quan sát viên. Thế nhưng Hàn Quốc một mực mưu cầu gia nhập Liên Hợp Quốc, mà trong các nước thành viên Liên Hợp Quốc, số quốc gia ủng hộ Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc cũng càng ngày càng nhiều.


Tháng 5 năm 1991, Thủ tướng Lý Bằng thăm Triều Tiên đã chủ động cùng Thủ tướng Triều Tiên bàn tới vấn đề này, biểu thị trong thời gian Đại hội Liên Hợp Quốc năm nay, nếu Hàn Quốc một lần nữa đề xuất vấn đề gia nhập Liên Hợp Quốc thì Trung Quốc sẽ khó duy trì thái độ phản đối, còn sau khi Hàn Quốc đã một mình gia nhập Liên Hợp Quốc rồi, Triều Tiên nếu muốn gia nhập có thể sẽ gặp khó khăn. Sau khi nghe xong Thủ tướng Triều Tiên không biểu thị thái độ tại chỗ. Trước khi chuyến thăm kết thúc, khi hội kiến Thủ tướng Lý Bằng, cuối cùng Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nói đến vấn đề này, biểu thị Triều Tiên sẽ hợp tác điều hoà với Trung Quốc trong vấn đề trên. Sau đó báo chí Triều Tiên đăng một bài bình luận nói, Triều Tiên không phản đối Nam Bắc Triều Tiên cùng gia nhập Liên Hợp Quốc.


Căn cứ hiệp nghị đạt được với phía Triều Tiên khi Thủ tướng Lý Bằng đi thăm Triều Tiên, hai bên Trung, Triều đã tiếp tục trao đổi ý kiến về vấn đề Triều Tiên gia nhập Liên Hợp Quốc. Vì việc này từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 6 tôi đã đến thăm riêng Bình Nhưỡng hội đàm với Ngoại trưởng Kim Yong Nam và cũng gặp Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trong hội đàm, Kim Yong Nam nói, trước ý đồ Nam Triều Tiên một mình gia nhập Liên Hợp Quốc, phía Triều Tiên không thể bàng quan. Để đề phòng những sự việc không có lợi cho Triều Tiên xuất hiện tại Liên Hợp Quốc, phía Triều Tiên quyết định áp dụng biện pháp chủ động xin gia nhập Liên Hợp Quốc đồng thời chủ trương giải quyết trọn bộ cả Nam Bắc. Giả sử Mỹ yêu cầu lần lượt thảo luận việc xin gia nhập của Nam Bắc, hy vọng Trung Quốc kiên quyết phản đối ; nếu Mỹ phủ quyết miền Bắc, hy vọng Trung Quốc cũng phủ quyết miền Nam.


Lúc này tình hình mà phía Triều Tiên lo lắng nhất là việc xin gia nhập Liên Hợp Quốc của Hàn Quốc sẽ được thuận lợi thông qua còn của Triều Tiên thì bị cản trở. Trong hội đàm tôi đã giới thiệu tỉ mỉ trình tự Liên Hợp Quốc xét bàn việc Triều tiên và Hàn Quốc gia nhập đồng thời Liên Hợp Quốc, và cũng biểu thị chúng tôi sẽ điều hoà làm tốt công tác các bên, loại bỏ lo lắng của phía Triều Tiên.


Khi tiếp tôi tại Myo hyang san, Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng chỉ bàn riêng về việc gia nhập Liên Hợp Quốc. Ông nói, vấn đề gia nhập của Nam, Bắc bất kể như thế nào cũng phải tranh thủ giải quyết trọn bộ, nếu chia ra mà thảo luận, nước Mỹ có thể đề xuất vấn đề kiểm tra hạt nhân, dùng quyền phủ quyết, nếu như vậy thì cảnh ngộ của Triều Tiên càng khó. Trong vấn đề Liên Hợp Quốc, Triều Tiên sẽ không để Trung Quốc khó khăn, hy vọng Trung Quốc cũng không để phía Triều Tiên khó khăn.

Tôi thuyết minh với Chủ tịch Kim, khi Liên Hợp Quốc thảo luận vấn đề này đã có sự đồng thuận về việc hai phía Nam Bắc bán đảo Triều Tiên cùng gia nhập Liên Hợp Quốc, tức là vấn đề này được đề xuất với tư cách là một quyết nghị, sẽ không xuất hiện tình hình phía Triều Tiên lo lắng. Như thế là, ngày 17 tháng 9 năm 1991, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một quyết nghị, Triều Tiên và Hàn Quốc cùng gia nhập Liên Hợp Quốc, trở thành nước hội viên chính thức.



Khởi động đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao

Sau khi họp xong Hội nghị Tổ chức HTKTCA-TBD trở về, chúng tôi bắt tay nghiên cứu vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.


Lúc này nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Tae Woo chỉ còn một năm nên muốn lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhanh để thực hiện mục tiêu của chính sách phương bắc trong nhiệm kỳ mà ông đã đề xuất khi nhận chức. Xem xét từ tình hình bán đảo thấy hai bên Nam Bắc đều đã gia nhập Liên Hợp Quốc, còn thường xuyên cùng tham dự hội nghị quốc tế và thi đấu thể dục thể thao. Số quốc gia cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và Hàn Quốc đã vượt quá 100 nước. Có thể nói điều kiện thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về cơ bản đã chín muồi.


Tháng 3 năm 1992 trong thời gian Hội nghị Đại biểu Nhân dân toàn quốc họp, theo tập quán tôi đã tổ chức một cuộc họp báo với phóng viên báo chí trong nước và ngoài nước. Trong các cuộc họp báo nhiều năm trước, thường có phóng viên nước ngoài nêu câu hỏi thăm dò xem quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có thay đổi gì hay không. Nói chung tôi đều trả lời là, lập trường của Trung Quốc không thay đổi gì, chúng tôi không phát sinh bất kỳ quan hệ chính thức nào với Hàn Quốc. Nhưng năm này trả lời của tôi có thay đổi, tôi nói, không có thời gian biểu cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa chúng tôi và Hàn Quốc. Những phóng viên nước ngoài nhạy cảm có thể ngộ ra điều gì từ trong đó.


Tháng 4 năm này, Hội nghị hàng năm khoá 48 của Hội đồng quản trị Kinh tế Xã hội CA-TBD họp ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ock đã tham dự. Ông ta là Chủ tịch Hội nghị hàng năm khoá 47, theo cách làm tập quán trên quốc tế, tôi hội đàm với ông ta tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài và mở tiệc chiêu đãi.


Trong lần hội đàm này, hai bên ngoài việc trao đổi ý kiến về các vấn đề quan tâm ra, tôi đã hội đàm riêng với Lee Sang Ock về vấn đề quan hệ Trung - Hàn. Tôi nói với ông ta thời cơ Trung, Hàn chính thức đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao còn chưa chín muồi, nhưng hai bên có thể thiết lập con đường liện hệ trước, tiến hành tiếp xúc về vấn đề quan hệ hai nước. Lee Sang Ock lập tức biểu thị đồng ý. Hai bên bàn bạc quyết định cử cấp thứ trưởng làm trưởng đại diện và cấp đại sứ làm phó đại diện, do phó đại diện dẫn dắt tổ công tác, bắt đầu gặp mặt thảo luận trong thời gian sớm nhất ở Bắc kinh và Seoul. Trước lần hội đàm này phía Hàn Quốc đã thăm dò từ nhiều phía lập trường của chúng tôi, vừa muốn thông qua lần gặp gỡ Ngoại trưởng này giành được đột phá, nhưng lại lo bước đi quá lớn mà hoàn toàn ngược lại. Bây giờ hòn đá trong lòng họ cuối cùng đã rơi xuống đất.


Sau cuộc hội đàm Ngoại trưởng, hai phía Trung, Hàn đã nhanh chóng cử trưởng đại diện và phó đại diện. Trưởng đại diện của phía Trung Quốc là thứ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín, của phía Hàn Quốc là thứ trưởng ngoại giao Roe Ching Hee. Tổ công tác của hai bên lần lượt do đại sứ Trương Đoan Kiệt phía Trung Quốc và đại sứ Kown Byong Hyon phía Hàn Quốc dẫn đầu, mỗi tổ có sáu, bảy người. Tháng 5 bắt đầu thảo luận, để bảo mật phía Hàn Quốc kiến nghị họp ở Bắc Kinh trước, nói ở Seoul có quá nhiều con mắt khó tránh khỏi bị lộ.


Lần tiếp xúc đầu tiên được sắp xếp tại lầu số 14 nhà khách Điếu Ngư Đài. Ngôi lầu này tương đối yên tĩnh khó bị bên ngoài phát hiện. Nhân viên Hàn Quốc chia làm ba đợt đến Bắc Kinh, sau khi vào ở không hề ra khỏi cửa. Trong lần tiếp xúc đầu tiên, phía chúng ta vốn định bàn những việc chung chung để dò xem cách nghĩ của phía Hàn Quốc, không ngờ phía Hàn Quốc rất nóng vội, sau khi hàn huyên lập tức đề xuất trao đổi về vấn đề lập quan hệ ngoại giao. Do vậy ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên hai bên đã bàn tới vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao.


Chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị cho việc này, đã đưa ra nguyên tắc thiết lập quan hệ ngoại giao của chúng ta, yêu cầu phía Hàn Quốc cắt đứt quan hệ ngoại giao, xoá bỏ hiệp ước, rút sứ quán. Lúc đầu phía Hàn Quốc không đồng ý, mặc cả với chúng tôi, có ý tưởng chỉ hạ “sứ quán” của Đài Loan xuống làm ”văn phòng liên lạc”, tất nhiên chúng tôi không đồng ý. Cuộc tiếp xúc lần đầu đã kết thúc như vậy.


Lần đàm phán thứ hai vẫn cử hành tại Bắc Kinh. Chúng tôi nhắc lại nguyên tắc thiết lập quan hệ ngoại giao, lần này phía Hàn Quốc có sự nhượng bộ, chỉ nhấn mạnh nguyên nhân vì thời gian quan hệ rất lâu giữa Hàn Quốc và Đài Loan nên muốn chúng tôi đồng ý sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, giữa Hàn Quốc và Đài Loan vẫn có thể duy trì quan hệ đặc biệt nào đó. Chúng tôi cảm tháy đây là con bài cuối cùng của phía Hàn Quốc chỉ cần chúng tôi kiên trì phương châm đã định là đàm phán sẽ có đột phá. Thế là chúng tôi đề xuất lần họp thứ ba sẽ cử hành tại Seoul, phía Hàn Quốc biểu thị đồng ý.


Trong lần đàm phán thứ ba, phía Hàn Quốc tiếp nhận nguyên tắc thiết lập quan hệ ngoại giao của chúng tôi, hai bên đạt được hiệp nghị về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao, bao gồm cả một bị vong lục không được công bố.


Ba lần đàm phán dùng không hết thời gian hai tháng, đến cuối tháng 6 đã xong công việc, chỉ đợi Trưởng đại diện của hai bên gặp nhau ký tắt tuyên bố lập quan hệ ngoại giao đồng thời xác nhận thời gian Ngoại trưởng chính thức ký và công bố.


Đến Bình Nhưỡng

Vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao Trung, Hàn có ảnh hưởng tích cực đến việc làm dịu tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và duy trì sự ổn định ở khu vực CA-TBD. Vì vậy trong khi tiếp xúc với Hàn Quốc, chúng tôi luôn chú ý kịp thời thông báo tình hình với phía Triều Tiên, tranh thủ sự lý giải của họ.


Tháng 4 năm 1992 khi Trung, Hàn còn chưa tiếp xúc, đúng vào dịp Chủ tịch Dương Thượng Côn đến thăm Bình Nhưỡng để tham gia hoạt động chúc mừng Chủ tịch Kim Nhật Thành thọ 80 tuổi, được sự uỷ nhiệm của Trung ương, Chủ tịch Dương đã thông báo với Chủ tịch Kim, phân tích tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của chúng ta, nói với Chủ tịch Kim phía Trung Quốc đang tính toán tới việc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh chúng ta luôn luôn như trước ủng hộ sự nghiệp thống nhất của Triều Tiên. Sau khi nghe xong Chủ tịch Kim biểu thị, hiện nay bán đảo Triều Tiên đang ở vào thời kỳ tế nhị, hy vọng Trung Quốc có thể điều hoà quan hệ Trung, Hàn và quan hệ Triều, Mỹ, đề nghị phía Trung Quốc có nhiều suy tính lại. Sau khi về nước Chủ tịch Dương đã báo lên Trung ương ý kiến của Chủ tịch Kim Nhật Thành.


Tháng 6,7 năm đó tôi tháp tùng Chủ tịch Dương Thượng Côn thăm Châu Phi, ngày 12 tháng 7 về đến Bắc Kinh, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đến Đại hội đường nhân dân hoan nghênh chúng tôi.


Sau khi kết thúc nghi thức hoan nghênh, Tổng bí thư Giang mời Chủ tịch Dương và tôi lưu lại Đại lễ đường nhân dân để chuyên trao đổi ý kiến về việc lập quan hệ ngoại giao Trung, Hàn. Đồng chí nói, trải qua cân nhắc tính toán nhiều lần và để thể hiện ở mức độ lớn nhất sự tôn trọng đối với Triều Tiên, Trung ương quyết định để tôi đi Bình Nhưỡng một chuyến, trục tiếp gặp Chủ tịch Kim chuyển đạt thư miệng của đồng chí, thông báo lập trường của chúng ta quyết định thiết lập quan hệ ngoai giao với Hàn Quốc.


Thời gian rất gấp không thể chậm trễ, sau khi hỏi và được phía Triều Tiên đồng ý, ba ngày sau tôi ngồi máy bay quân sự đi Bình Nhưỡng. Đó là một chuyến thăm ngoại giao không nhẹ nhàng thoải mái. Ngồi trên chuyên cơ lòng tôi không lúc nào yên, không biết liệu phía Triều Tiên có lý giải đầy đủ lập trường của chúng ta hay không. Mặc dù Chủ tịch Kim đồng ý gặp tôi nhưng những nội dung mà chúng ta thông báo liệu có làm ông cảm thấy đột ngột hay không, phía Triều Tiên sẽ có phản ứng như thế nào ?


Khoảng cách giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng rất gần, còn chưa suy nghĩ được bao nhiêu thì chuyên cơ đã an toàn hạ cánh xuống sân bay Thuận An, Bình Nhưỡng.


Trước đây mỗi lần đến thăm Triều Tiên, phía Triều Tiên đều tố chức quần chúng hoan nghênh ở sân bay không khí rất sôi nổi. Lần này máy bay đõ tại một chỗ hẻo lánh trên sân bay ra đón chúng tôi chỉ có Ngoại trưởng Kim Yong Nam.


Sau khi bắt tay hàn huyên, Kim Yong Nam nói với chúng tôi còn phải đi nơi khác rồi dẫn chúng tôi đi về phía một chiếc trực thăng đậu cách đó không xa.


Lên máy bay trực thăng chỉ thấy trên đó kê một chiếc bàn nhỏ, tôi và Kim Yong Nam ngồi đối diện, các nhân viên khác chia nhau ngồi hai bên. Trời đang giữa hạ, máy bay trực thăng như một cái lò, nóng như không chịu nổi.


Máy bay trực thăng bay không lâu thì đỗ xuống bên một chiếc hồ lớn. Đồng chí cùng đi quen thuộc tình hình nói với tôi, đây là biệt thự của Chủ tịch Kim, mùa hè ông thường tới nghỉ dưỡng ở đây.


Xuống máy bay chúng tôi được dẫn tới một biệt thự nghỉ ngơi.


Khoảng 11 giờ sáng, Chủ tịch Kim tiếp chúng tôi tại một biệt thự cao to khác. Ông đứng đón tại cửa phòng khách, bắt tay từng người, sau đó mọi người ngồi đối diện tại một chiếc bàn đàm phán rất lớn.


Trước tiên tôi cám ơn Chủ tịch Kim đã tiếp kiến chúng tôi trong lúc vô cùng bận rộn, rồi chuyển lời thăm hỏi của Tổng bí thư Giang tới ông, tiếp đó chuyển thư miệng của Tổng bí thư Giang.


Thay mặt dồng chí Đặng Tiểu Bình cà các đồng chí Trung ương, Tổng bí thư Giang gửi lời chào và lời chúc tốt lành tới Chủ tịch Kim. Tổng bí thư Giang chỉ ra hiện nay quan hệ hai Đảng hai nước Trung, Triều đang phát triẻn về phía trước một cách rất tốt đẹp, trước việc đó phía Trung Quốc cảm thấy vô cùng phấn khởi và hài lòng. Tình hình quốc tế hiện nay xáo động không yên, bất cứ lúc nào cũng có thể phát sinh thay đổi trọng đại. Trong tình hình đó chúng ta nên nắm chắc thời cơ, tạo ra môi trường quốc tế có lợi để phát triển mình, tăng cường sức mạnh đất nước. Hai Đảng và hai nước Trung, Triều cùng tôn trọng và lý giải lẫn nhau, không ngừng tăng tiến quan hệ hợp tác hữu hảo là có ý nghĩa quan trọng. Về việc Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, trải qua sự thay đổi của tình hình quóc tế và tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian này, chúng tôi cho rằng thời cơ tiến hành đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã chín muồi. Những suy tính và quyết định của chúng tôi tin là sẽ được sự lý giải và ủng hộ của đồng chí. Chúng tôi vẫn trước sau như một, nỗ lực phát triển tình hữu nghị truyền thống được kết thành từ cuộc đấu tranh lâu dài của hai Đảng, hai nước, ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp thống nhất, hoà bình, tự chủ của Triều Tiên, thúc đẩy cục diện bán đảo hoà dịu hơn nữa, thúc đẩy quan hệ Triều Mỹ, Triều Nhật cải thiện và phát triển.


Sau khi nghe xong Kim Chủ tịch trầm tư một lúc, nói đã nghe rõ thư miệng của Tổng Bí Thư Giang. Chúng tôi hiểu chính sách ngoại giao tự mình quyết định một cách độc lập, tự chủ, bình đẳng của Trung Quốc. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng tăng tiến quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục kiên trì chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách tự chủ. Chủ tịch Kim nhờ tôi sau khi về nước chuyển lời thăm hỏi đến đồng chí Đặng Tiểu Bình và các đồng chí lãnh đạo Trung ương khác.


Chủ tịch Kim xem tặng phẩm của chúng tôi mang tới : trạm ngọc cửu long tranh châu (chín con rồng vờn hòn ngọc) và quả vải tươi rồi tiễn khách, từ biệt.


Trong trí nhớ của tôi, lần hội kiến này có thời gian ngắn nhất trong nhiều lần Chủ tịch Kim hội kiến Đoàn đại biểu Trung Quốc, sau hội kiến cũng không mở tiệc chiêu đãi theo tập quán trước đây.


Vào giờ phút lịch sử then chốt, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhìn vào cục diện lớn của quan hệ Trung, Triều và tình hình bán đảo Triều Tiên, lý giải được lập trường của Trung Quốc đưa ra quyết định tích cực mà minh tri, thể hiện được tấm lòng và tầm mắt của người lãnh đạo thế hệ già, khiến người ta không thể không khâm phục.


Ngoại trưởng Kim Yong Nam cùng ăn với chúng tôi một bữa cơm trưa đơn giản rồi chúng tôi lên trực thăng trở về Bình Nhưỡng. Chuyến đi Bình Nhưỡng lần này thu xếp là đi về trong ngày, chuyên cơ đợi sẵn ở sân bay. Sau khi chào chủ nhân chúng tôi lên chuyên cơ bay thẳng về Bắc Kinh.


Về đến Bắc Kinh đã gần 5 giờ chiều, chúng tôi lên ôtô đi thẳng về Văn phòng của Tổng bí thư Giang trong Trung Nam Hải. Tổng bí thư Giang đang chờ ở đó. Tôi báo cáo tình hình một cách tỉ mỉ. Nghe xong Tổng Bí Thư Giang hỏi thêm mấy vấn đề, cảm thấy rất hài lòng.


Nhiệm vụ Trung ương giao cho tôi tới gặp Chủ tịch Kim đến đây coi như hoàn thành.


Thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Hàn

9 giờ sáng ngày 24 tháng 8 năm 1992 tôi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ock chính thức ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Hàn tại Vườn Phương Phỉ trong Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài. Vô tuyến truyền hình hai nước truyền trực tiếp tình hình trên ra thế giới. Giới truyền thông và dư luận thế giới coi trọng cao độ việc này đã nhanh chóng đưa tin và rầm rộ phát biểu bình luận biểu thị chúc mừng.


Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được hoan nghênh rộng rãi trên quốc tế. Chỉ có một mình Đài Loan lồng lộn tức giận, chỉ trích Hàn Quốc “vong ơn bội nghĩa” và ngay từ hôm trước đã rút “Đại sứ quán” khỏi Seoul.


Sau khi lập quan hệ ngoại giao một tháng, tức vào hạ tuần tháng 9, đáp lời mời của Chủ tịch Dương Thượng Côn, Tổng thống Roh Tae Woo đã đến thăm Trung Quốc, người tháp tùng chủ yếu của phía Hàn Quốc là Ngoại trưởng Lee Sang Ock, tôi đã đặc biệt từ Liên Hợp Quốc về nước tham gia công tác tiếp đón. Tháng 2 năm sau, nhận lời mời tôi lại chính thức thăm Hàn Quốc. Lúc này Chình phủ Hàn Quốc vừa thay đổi khoá, tôi và Han Sung Joo, ngoại trưởng mới tiến hành hội đàm, đồng thời hội kiến Tổng thống mới Kim Young Sam.


Trong chớp mắt, Trung Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao đã hơn mười năm, quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng, ra ngoài dự kiến. Với tư cách là láng giềng gần, người lãnh đạo hai nước Trung, Hàn nhộn nhịp qua thăm lẫn nhau, không ngừng tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực. Đến năm 2002 kim ngạch mậu dịch hai nước đã đột phá 40 tỷ USD, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng mậu dịch lớn thứ ba của Hàn Quốc, còn Hàn Quốc cũng là nước đối tượng mậu dịch lớn thứ năm của Trung Quốc. Đồng thời đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã vượt quá 10 tỷ USD và đang tiếp tục mở rộng. Trong các Tổ chức quốc tế và hoạt động quốc tế như Liên Hợp Quốc v.v... sự hợp tác hai bên đang được tăng cường. Về mặt duy trì hoà bình, ổn định và không hạt nhân hoá ở bán đảo Triều Tiên, Trung, Hàn cũng có tiếng nói chung.


Hạ tuần tháng 2 năm 2003 một lần nữa tôi lại chính thức thăm Seoul, thay mặt Chính phủ Trung Quốc tham dự lễ nhận chức Tổng thống mới Hàn Quốc, lần lượt hội kiến Kim Dae Jung, Tổng thống từ nhiệm và Roh Moo Hyun, Tổng thống kế nhiệm.


Từ khi Trung, Hàn lập quan hệ ngoại giao đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã mấy lần thay đổi, nhưng quan hệ Trung, Hàn do được xây dựng trên cơ sở vững chắc nên vẫn luôn luôn phát triển một cách ổn định.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss