Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mười câu chuyện ngoại giao (8)

Mười câu chuyện ngoại giao (8)

- Tiền Kì Tham — published 20/05/2009 23:21, cập nhật lần cuối 20/05/2009 23:21
Chương hồi kí này của cựu ngoại trưởng Trung Quốc nói về Châu Phi. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi của tổng thống Mandela không dễ dàng chút nào, vì Mandela không dứt khoát đoạn giao với Đài Loan. Ở các nước châu Phi khác, Trung Quốc có lợi thế là ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và ủng hộ các chính quyền độc tài chống áp lực dân chủ hóa đến từ phương Tây. Nhưng hồi kí không đả động gì tới hình ảnh bắt đầu xấu đi của Trung Quốc vì sự trấn lột tài nguyên, bất chấp môi trưởng.


Mười câu chuyện ngoại giao (8)

TÌNH CẢM VỚI CHÂU PHI

Tiền Kì Tham

Người dịch : Trần Hữu Nghĩa  Dương Quốc Anh

Người hiệu đính : Dương Danh Dy

CÁC PHẦN TRƯỚC :

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7)



Lần đầu tiên tới Châu Phi


Tôi bắt đầu kết duyên với Châu Phi từ năm 1964. Năm đó tôi công tác tại Bộ Giáo dục, theo Bộ trưởng Dương Tú Phong đi thăm bốn nuớc Châu Phi là Ai Cập, Algeria, Mali, và Guinea. Chúng tôi rời Bắc Kinh ngày 1 tháng 4 đến 14 tháng 5 mới về nước, thăm Châu Phi một tháng rưỡi. Đoàn đại biểu có bốn thành viên, ngoài Bộ trưởng Dương Tú Phong và tôi ra còn có giáo sư Đại học Bắc Kinh Lý Tiện Lâm, Vụ trưởng Bộ Giáo dục Hồ Sa. Trong đó Bộ trưởng Dương Tú Phong nhiều tuổi nhất, hơn tôi 30 tuổi, thứ đến là giáo sư Lý Tiện Lâm, hơn tôi 17 tuổi ; hồi đó tôi 36 tuổi, Hồ Sa và tôi tuổi xấp xỉ nhau. Trong một đoàn mà có đầy đủ cả “ già, trung niên, trẻ ”.

Bây giờ ngồi nhớ lại, chuyến thăm Châu Phi lần đó đã là chuyện của gần bốn mươi năm trước. Sau chuyến thăm, cụ Lý đã từng viết bài kể lại, còn tôi cũng viết một bài ngắn giới thiệu sự khác hẳn nhau giữa phong thổ nhân tình và không khí văn hoá của hai miền ở phía nam Châu Phi Đen, cũng như tình cảm sôi sùng sục của nhân dân Châu Phi đối với nhân dân Trung Quốc.

Cũng cần thiết phải thuyết minh một chút về lộ trình đi Châu Phi hồi đó để thấy việc đi lại vất vả như thế nào. Trước tiên, Đoàn chúng tôi bay từ Bắc Kinh tới Côn Minh, qua đêm ở đó. Ngày thứ hai bay tới Yangon, lại qua đêm ở đó. Ngày thứ ba máy bay đến Dhaka (lúc đó là thủ phủ của Đông Pakistan), để đổi vé máy bay phải chờ tới đêm khuya tại sân bay mới lên được máy bay bay đi Karachi và cũng qua đêm ở đó. Sau khi nghỉ một ngày tại Karachi, lại bay tới Cairo. Trước sau mất thời gian gần một tuần lễ, cuối cùng mới đặt chân được lên đất Châu Phi.

Trạm đầu tiên thăm Châu Phi là Ai Cập. Tại đây chúng tôi đã cảm thụ được sự lâu đời của nền văn minh Châu Phi. Hồi đó tại Kim tự tháp có một loại biểu diễn “ âm thamh và ánh sáng ”, trong màn đêm mờ mịt, ánh đèn và âm thanh không ngừng thay đổi, khiến người ta như cảm thấy những cuộc đối thoại giữa những linh hồn Phareon cổ Ai Cập với nhau. Nghe nói tiết mục này đã có sửa đổi và vẫn được biểu diễn đến tận bây giờ.

Sau khi thăm Ai Cập, chúng tôi đi về phía tây trước, thăm Bắc Phi, sau đó đi xuống phía Nam, vào vùng đất gần trung tâm lục địa Châu Phi.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi hăng hái sục sôi, nước này nối nước kia thoát khỏi sự thống trị thực dân, giành được độc lập. Các nước Algeria, Ghana, Guinea, Mali đều là những tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, còn Trung Quốc là người ủng hộ họ kiên định nhất.

Chuyến thăm này của chúng tôi vừa may được tiến hành sau chuyến thăm Châu Phi của Thủ tướng Chu Ân Lai không lâu, cảnh sát thấy đoàn xe của chúng tôi treo quốc kỳ Trung Quốc đều đứng nghiêm chào. Quần chúng dọc đường cũng lũ lượt vẫy tay hân hoan chào mừng, còn các thiếu nhi thì hô to “ Chu Ân Lai ! Chu Ân Lai ! ” Các nước đều đón tiếp chúng tôi với quy cách cao. Loại tiếp đón với qui cách cao này nhất định phải có việc biểu diễn các điệu nhẩy dân gian và đánh trống “ Tamutamu ” Châu Phi. Những anh em da đen dùng niềm vui của hình thể và động tác đánh trống thể hiện nhiệt tình, khiến chúng tôi như chìm sâu vào trong tình bạn nồng nàn.

Lúc này ba nước Algeria, Mali, Guinea vừa giành được độc lập chưa lâu, đặc biệt coi trọng sự nghiệp giáo dục, muốn nhanh chóng loại bỏ ảnh hưởng của sự thống trị thực dân, hy vọng bồi dưỡng được nhân tài và cán bộ của mình. Tổng thống Mali Keita nói với chúng tôi, trong khoảng từ 10 đến 20 năm Mali phải giải quyết xong vấn đề nhập học của các nhi đồng đến tuổi đi học. Sau khi độc lập Kenia lập tức thu hồi chủ quyền giáo dục, quốc hữu hoá trường tư, Tổng thống Guinea, Touré, thân nắm cải cách giáo dục. Kinh phí giáo dục của Mali, Guinea chiếm 20 % dự toán tài chính quốc gia, trong đó các học sinh trung học đang theo học đều nhất loạt được cung cấp ăn uống, có nơi còn cấp cả trang phục. Còn kinh phí giáo dục của Algeria cao tới 30 % dự toán tài chính, toàn bộ sinh viên đại học đều được cấp học bổng tương đối cao, những trường trung học có nữ học sinh đều có ký túc xá riêng, tiêu chuẩn ăn uống rất cao.

Khi đang thăm Mali đã có một việc xen vào. Bộ trưởng Dương Tú Phong đột ngột nhận được chỉ thị từ trong nước, với tư cách là Đại biểu Chính phủ Trung Quốc ông sẽ tới Zanzibar tham gia hoạt động chào mừng lễ “1 tháng 5”. Lúc này nước Cộng hoà Tanganyika Đông Phi và nước Cộng hoà nhân dân Zanzibar quyết định hợp nhất thành nước Cộng hoà liên hiệp Tanzania.

Chuyến đi này của Bộ trưởng Dương Tú Phong cần phiên dịch mà Đoàn chỉ có phiên dịch tiếng Pháp, trong khi vùng Zanzibar lại nói tiếng Anh. Sau một hồi bàn bạc, mọi người thấy tôi còn trẻ lại biết tiếng Anh, nên cử tôi tháp tùng Dương lão, vừa là thư ký lại vừa là phiên dịch đồng thời kiêm luôn cả nhiệm vụ cảnh vệ.

Lúc đó giao thông giữa các nước Châu Phi với nhau rất không thuận tiện, nói chung phải bay về chính quốc ngày xưa ở châu Âu rồi mới chuyển máy bay được. Để tới Zamzibar, Dương lão và tôi phải bay đến Paris (Pháp) trước. Lúc này Trung, Pháp vừa thiết lập quan hê ngoại giao, chưa lập sứ quán, chỉ có một số nhân viên tiền trạm ở đó. Khi chúng tôi đến Paris phải tự mình nấu lấy cơm tối ăn. Tới Paris chúng tôi bay sang Roma, Italia. Lúc này Trung, Italia còn chưa lập quan hệ ngoại giao, nên đành nhờ sứ quán Algeria tại Italia giúp đỡ. Từ Roma chúng tôi chuyển đường bay tới Guinea, sau đó mới tới Tanganyika và Zanzibar. Tham gia hoạt động chào mừng ở đây xong chúng tôi lại qua Sudan, Nigeria, Ghana, bay về Guinea, tiếp tục chuyến thăm Châu Phi. Lúc này đồng chí Dương Tú Phong đã là một ông già 66 tuổi, bôn ba dọc đường tương đối vất vả, may mà mọi việc đều thuận lợi, tôi cũng tự coi là hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đặc biệt được trao.

Châu Phi là khu vực tôi đi thăm sớm nhất ngoài Liên Xô. Chuyến thăm Châu Phi năm 1964 ấy làm cho tôi có những cảm thụ thiết thân và những nhận thức cảm tính.nĐiều không hề nghĩ tới lúc đó là mười năm sau tôi lại được cử tới Châu Phi làm đại sứ.


Làm đại sứ ở Châu Phi


Tháng 7 năm 1974, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ của Trung Quốc tại Guinea và kiêm nhiệm đại sứ tại Guinea-Bissau.

Tháng 8 năm đó tôi trở lại Conakry thủ đô Guinea. Trên đường từ sân bay về sứ quán, ngồi trên ôtô qua cửa sổ xe, tôi im lặng nhìn quang cảnh ngoài phố, không thể không nhớ lại tình hình nơi này trong lần thăm mười năm trước. Quang cảnh Conakry bên bờ Đại Tây Dương vẫn như xưa, chỉ có điều là những vật kiến trúc bên đường so với mười năm trước đã cũ đi nhiều. Trong tình hình kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn thì tinh thần phấn khích của mọi người do theo phong trào độc lập dân tộc mà có, dường như đã tiêu tan.

Đi làm đại sứ, việc đầu tiên là trình quốc thư. Bộ Ngoại giao Guinea đã nhanh chóng sắp xếp. Ngày 20 tháng 8 tôi trình quốc thư lên Tổng thống Touré đồng thời chuyển đến ông lời thăm hỏi thân thiết và lời chào kính trọng của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Tổng thống Touré ca ngợi quan hệ hợp tác hữu hảo giữa hai nước Trung Quốc Guinea, nói nhân dân Guinea mãi mãi không bao giờ quên sự viện trợ về mọi mặt của Trung Quốc cho Guinea. Nghi lễ trình quốc thư vô cùng long trọng, phía Guinea, Tổng thống và hơn mười vị Bộ trưởng đã tham gia, hiển thị sự coi trọng khác thường đối với Trung Quốc.

Đồng thời với việc giữ chức đại sứ ở Guinea, tôi còn kiêm nhiệm đại sứ dầu tiên của Trung Quốc tại Guinea-Bissau. Lúc này Guinea-Bissau vừa đánh xong chiến tranh du kích, mới tuyên bố độc lập không lâu, đang xây dựng chính quyền.

Hạ tuần tháng 9 năm đó, Chính phủ Guinea-Bissau quyết định hoạt động chúc mừng ngày tròn một năm độc lập tại thủ đô lâm thời Boe, vốn là căn cứ địa của đội du kích, đã mời tôi tham dự đồng thời trình quốc thư lên nguyên thủ quốc gia, Cabral.

Lần này cùng đến tham dự quốc khánh Guinea-Bissau còn có các quan chức sứ quán và các vị khách của các nuớc khác, tổng cộng khoảng 20 người. Tổng thống Touré cử máy bay và đoàn xe đón. Đoàn chúng tôi, trước tiên đi máy bay đến thủ phủ tỉnh Boké, nơi tiếp giáp với Guinea-Bissau, sau đó đổi sang ngồi ôtô đi vào Guinea-Bissau, rồi tới Boe.

Khi ôtô đi vào lãnh thổ Guinea-Bissau, đập vào mắt chúng tôi là cảnh sắc thảo nguyên ít cỏ nhiệt đới của Châu Phi, khắp nơi là cỏ dại, người ở thưa thớt, rất hoang vu. Trên thảo nguyên ngay đường đi cũng không có, toàn dựa vào kinh nghiệm của người dân bản địa, cứ theo vệt xe của người đi trước để lại mà đi tới. Nghe nói con đường mà chúng tôi đi là con đường nhỏ năm xưa đội du kích nối liền hậu phương với tiền phương.

Sau một hồi lắc lên lắc xuống, cuối cùng cũng đến được Boe. “ Nhà khách” mà chúng tôi ở là một chiếc lều đỉnh tròn làm bằng tre và lá cây, rất có đặc sắc Châu Phi. Trong nhà đặt hai chiếc giường tre đơn giản, tường nhà vừa thông gió vừa thông ánh sáng. Buổi sáng mỗi ngày đều có các cô gái bản địa đầu đội một thùng nước lạnh đến đặt ở trước cửa để các vị khách sử dụng. Đằng sau lều cỏ đào một cái hố, bên trên để lại một lỗ nhỏ, vừa nhìn đã biết ngay là chỗ đi vệ sinh.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Guinea-Bissau đã cố gắng hết sức, nhu cầu ăn uống của các vị khách vẫn không thể nào thoả mãn thật tốt, may mà chúng tôi đã chuẩn bị trước đồ hộp và bánh bích qui.

Ngày 25 tháng 9, tại một gian phòng lớn hơn một chút trong chiếc lều cỏ gần đấy, tôi chính thức trình quốc thư lên Chủ tịch Cabral. Chúng tôi còn gọi Luis Cabral là “Ca nhỏ”, vì ông là anh em cùng cha khác mẹ với Almilcar Cabral, nguyên Tổng bí thư Đảng Độc lập Guinea và Châu Phi Cap Vert. Hai anh em họ đều đã đến Trung Quốc, có tình cảm hữu hảo với Trung Quốc. Đáng tiếc là năm 1973 anh ông bị người ám sát. Những năm 60 của thế kỷ 20, chúng ta ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Đảng Độc lập Guinea Cap Vert, và đã bồi dưỡng huấn luyện cho họ hơn 20 cán bộ, những người này sau này đã giữ những chức vụ quan trọng trong các bộ môn Đảng, Chính, Quân.

Trong trao đổi ý kiến, Chủ tịch Cabral một lần nữa biểu thị cám ơn sự ủng hộ của Trung Quốc. Ông nói : “ Loạt cán bộ đầu tiên của chúng tôi được bồi dưỡng huấn luyện ở Trung Quốc. Trong quá trình chúng tôi tiến hành đấu tranh giải phóng đã tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc, khiến chúng tôi chiến thắng kẻ thù. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để khôi phục nền kinh tế của chúng tôi nhưng cũng cần phải tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc.

Chưa đến một tháng sau khi tôi trình quốc thư, chính phủ Guinea-Bissau dời thủ đô đến thành phố Bissau, nơi là thủ phủ thời kỳ thực dân Bồ Đào Nha. Ngày 16 tháng 12, tôi lại đến thành phố Bissau, tiến hành thương thảo với phía Guinea-Bissau về các vấn đề như xây dựng sứ quán, cung cấp viện trợ kỹ thuật cấy trồng lúa nước. Khi hội kiến tôi, Tổng bí thư Pereika, Chủ tịch Cabral và Thủ tướng Mendes, những người lãnh đạo Guinea-Bissau đều biểu thị nhiệt liệt hoan nghênh việc Trung Quốc xây dựng sứ quán tại Guỉea-Bissau, hứa là sẽ tận khả năng giúp Trung Quốc trong thời gian ngắn nhất tìm được địa điểm, hoàn thành công tác xây dựng sứ quán.

Thành phố Bissau là một thành phố nhỏ kiểu tiêu dùng tương đối Âu hoá. Các kiến trúc trong thành phố đều mang phong cách Bồ Đào Nha, nhà cửa không lớn, gây cho người ta cảm giác nho nhỏ, xinh xinh. Thành phố này không lớn, đi ôtô xem phong cảnh đường phố chỉ nửa giờ là đủ. Thế nhưng thương gia các nước lớn đều có đại lý ở đây, hàng hoá của Bồ Đào Nha, Tây Âu và Nhật Bản tràn ngập thị trường. Kinh tế thành phố Bissau phát triển lạc hậu, cơ sở hạ tầng, văn hoá chưa đáng kể, cả thành phố chỉ có một nhà máy bia, một trường trung học, một rạp chiếu phim, hai bệnh viện, mấy hiệu bán đồ dùng văn hoá kiêm bán sách. Lúc ấy các nhà tư bản lớn Bồ Đào Nha đang nối nhau bỏ đi, phần lớn tiền vốn bị chảy ra ngoài. Các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa miễn cưỡng duy trì tình thế nhưng buôn bán làm ăn không sôi nổi, tiền đồ ảm đạm. Ấn tượng lúc đó của tôi là, chấn hưng kinh tế là thách thức chủ yếu mà chính phủ Guinea-Bissau phải đối mặt trong một thời gian tương đối dài.

Sau này Guinea-Bissau và Cap Vert lần lượt trở thành hai quốc gia độc lập, cư dân Guinea-Bissau chủ yếu là người Châu Phi, còn phần lớn cư dân Cap Vert là hậu duệ của người Bồ Đào Nha hoặc lai Bồ-Phi. Cuối cùng Bộ Ngoại giao Guinea-Bissau đã tìm được cho chúng tôi một ngôi nhà nhỏ hai tầng tại phố Domingo, thành phố Bissau, chúng tôi lấy đó làm Đại sứ quán Trung Quốc. Domingo Ramos là chiến sĩ kiệt xuất của Đảng Độc lập Guinea-Cap Vert, từng giữ chức Tư lệnh Quân khu Gabu, miền đông Guinea-Bissau, đã hy sinh trên chiến trường. Đường phố này được đặt tên bằng tên ông.


Hai lần hội kiến Tổng thống Touré


Lúc đó với tư cách là đại sứ tại Guinea, công tác chủ yếu của tôi là phụ trách hợp tác kinh tế giữa hai nước. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, nước ta luôn luôn viện trợ Guinea xây dựng kinh tế, tổng cộng có tới mấy chục hạng mục, công trình viện trợ, bao gồm Cung Nhân dân, đài phát thanh, rạp chiếu bóng, nghĩa trang liệt sĩ, nhà máy chè, nhà máy đường, nhà máy thuôc lá, xưởng nông cụ, nhà máy ép dầu, trạm thủy điện v.v.., còn cử đội y tế. Những hạng mục này là đòi hỏi cấp thiết của việc phát triển kinh tế dân tộc và cải thiện đời sống nhân dân bản địa. Bất kể là những hạng mục đã xây dựng xong, bàn giao sử dụng rồi hay là đang xây dựng, sứ quán đều phải theo dõi quan tâm.

Lúc đó quan hệ hai nước Trung-Guinea vô cùng tốt đẹp, mượn dùng câu nói của Tổng thống Touré là, bầu trời hai nước bao giờ cũng trong sáng không có mây.

Đương nhiên, nói như vậy không phải là không có vấn đề gì, công việc Châu Phi cũng có mặt phức tạp của nó.

Ngày 16 tháng 11 năm 1975, Tổng thống Touré đột ngột mời gặp tôi, bàn vấn đề Angola. Khi hội kiến chủ yếu là Tổng thống Touré nói, nói khoảng gần một giờ. Cùng ngồi tham dự còn có Thủ tướng Beavogui và chín Bộ truởng chủ yếu. Từ thế trận đó có thể thấy Touré rất coi trọng cuộc hội kiến này.

Mọi người bắt tay, yên vị xong là Touré mở miệng nói, hôm nay mời gặp đại sứ là vì Đảng Dân chủ Guinea và Chính phủ Guinea có lời nói quan trọng, nhờ đại sứ chuyển đạt tới người lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Giữa Trung Quốc và Guinea luôn luôn tín nhiệm lẫn nhau và nhất trí. Hai nước có cùng mục tiêu, nhân dân hai nước có phạm trù tư tưởng đồng nhất, đồng nhất chiến lược, hành động và lập trường của hai bên nhất trí, nhịp nhàng như tay phải, tay trái của một người. Dừng lại một chút, Touré nói, đối với vấn đề quốc tế, nhất là vấn đề châu Á, Guinea không hiểu biết lắm, nói chung thường đợi Bắc Kinh thể hiện rõ lập trường rồi mới tỏ thái độ, nhưng đối với vấn đề Châu Phi, nhân dân Guinea có lập trường của đội tiên phong thẳng thắn, khiến người ta tin cậy. Nói đến đó ông chuyển đầu đề câu chuyện sang vấn đề Angola. Ông nói với tinh thần nghiêm túc, tình hình hiện nay ở Angola vô cùng nghiêm trọng, sợ rằng phía Trung Quốc không hiểu nội tình.

Lúc này nhân dân Angola trải qua đấu tranh lâu dài vừa kết thúc 500 năm thực dân thống trị, giành được độc lập. Trong đấu tranh lâu dài chống thực dân, tổng cộng có lực lượng ba phái, tức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Angola, Liên minh Toàn quốc giành Angola độc lập triệt để và Phong trào Giải phóng Nhân dân Angola. Chính phủ Trung Quốc nhất quán ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Angola, không hề ủng hộ riêng một phái nào mà đồng thời ủng hộ cả ba phái tiến hành đấu tranh chống thực dân.

Tổng thống Touré nói, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola là do Đảng Dân chủ Guinea xây dựng nên, Chủ tịch Roberto của họ dùng hộ chiếu của Guinea đến phát biểu ở Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thời dưới sự xướng nghị của Guinea mới được Tổ chức Thống nhất Châu Phi thừa nhận và viện trợ tài chính. Thế nhưng sau này Roberto trở thành người của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Guinea đã tiến hành vạch trần ông ta đồng thời kiến nghị khai trừ “ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola ” ra khỏi cơ cấu lãnh đạo Tổ chức Thống nhất Châu Phi. Còn Liên minh Toàn quốc giành Angola độc lập triệt để mà Chủ tịch là Savimbi lại công khai thừa nhận và được sự ủng hộ của chính quyền chủ nghĩa chủng tộc Nam Phi, cũng hoàn toàn là người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc. Hiện giờ, khi Châu Phi nghe thấy Trung Quốc đứng về bên những kẻ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, đối với nhân dân Guinea mà nói đó là một sự sỉ nhục.

Tiếp đó, Touré dịu giọng nói tiếp, tình hình thực tế của Angola là, bắt đầu từ ngày 4 tháng 2 năm 1961, chỉ có Phong trào Giải phóng Dân tộc Angola mới cùng nhân dân trong nước tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha. “ Mặt trận Giải phóng Dân tộc Angola ” luôn ở tại Zair, chỉ phát biểu một số tuyên bố, không triển khai đấu tranh thực tế, mà Mobutu người lãnh đạo Zair là kẻ phản bội, Lumumba bị hắn ta sát hại. Guinea tán thành Trung Quốc xuất hiện tại Zair và cho rằng Trung Quốc xuất hiện tại mọi quốc gia Châu Phi phản động đều là việc tốt, thế nhưng Trung Quốc không nên giúp đỡ lực lượng phản cách mạng Mobutu.

Cuối cùng Touré nói,Guinea đề nghị Đảng Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc nghiêm túc xem xét tình hình thực tế giữa khuynh hướng cách mạng và phản cách mạng hiện nay ở Châu Phi, đừng làm tổn hại đến sự nghiệp phản đế của Châu Phi.

Tôi lập tức ý thức được rằng đây là phản ánh của sự đối đầu Trung - Xô tại Phi châu. Tôi nói với Tổng thống Touré, ngày hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa ra tuyên bố vế vấn đề Angola. Nhân dân Trung Quốc rất phấn khởi và biểu thị chúc mừng khi thấy nhân dân Angola trải qua đấu tranh lâu dài giành được độc lập, kết thúc 500 năm thực dân thống trị. Chính phủ Trung Quốc nhất quán ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Angola, đã từng lần lượt viện trợ về các mặt cho ba phái Angola. Sau tháng 1 năm nay, nhằm tránh cho Angola xuất hiện nội chiến, chúng tôi đã không cung cấp viện trợ quân sự cho ba phái Angola nữa. Hiện nay Angola xuất hiện cục diện làm người ta đau lòng, hoàn toàn là do nước lớn siêu cấp tranh giành bá quyền tạo ra. Tôi nói, cho dù tình hình Châu Phi phức tạp, nhưng chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, trong tình hình loại bỏ được mọi sự can thiệp từ bên ngoài nhân dân Angola nhất định có thể giải quyết vấn đề của mình.

Ngày 2 tháng 12, theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao gửi tới, tôi giới thiệu với phía Guinea lập trường của nước ta trên vấn đề Angola. Vừa nghe, Bộ trưởng Ngoại giao Sissoko đã biết sự quan trọng của vấn đề, lập tức gọi ngay nhân viên tốc ký tới, ghi lại cuộc nói chuyện không sót một chữ, Ngoài câu “ sau 30 phút nữa sẽ báo cáo lên Tổng thống ” ra, ông không hề biểu thị thái độ gì.

Sau đó vấn đề Angola bị gác lại, hai bên không thảo luận nữa. Mãi đến ngày 28 tháng 10 năm 1976 trước khi tôi rời nhiệm vụ đền chào từ biệt Tổng thống Touré, ông mới nói đến chuyện đó, chỉ có điều giống như là tự mình biện hộ.

Tổng thống Touré nói với tôi, phía Guinea rất tín nhiệm Trung Quốc, cho dù có xảy ra những việc không có cách gì giải quyết được thì lòng tin đó cũng không hề thay đổi. Trung Quốc đang phấn đấu vì nước mình và những người vô sản toàn thế giới, vì vậy trong tim óc nhân dân Guinea, địa vị của Trung Quốc luôn luôn cao thượng, sùng kính. Phía Guinea quyết tâm duy trì, phát triển và tăng cường quan hệ Trung Quốc, Guinea. Touré nói, Guinea đã vì tranh chấp Trung - Xô mà lo lắng nhiều bề, có người đã nghi ngờ Guinea thuần tuý là cánh tả kích tiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn phía Trung Quốc cũng có khả năng cho rằng Guinea áp dụng lập trường chống Trung Quốc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Một dạo, Guinea ở vào hoàn cảnh khó khăn, sự đe doạ không chỉ đến từ các cường quốc đế quốc chủ nghĩa mà còn từ cường quốc xã hội chủ nghĩa nào đó. Ông nói tiếp, về vấn đề Châu Phi, hai nước Trung Quốc, Guinea nên có sự hợp tác thân mật, chặt chẽ, hy vọng là trong bất kỳ thử thách nào cũng vẫn đoàn kết bên nhau. Nếu có ý kiến bất đồng thì chỉ là việc giữa hai nước, không nên để cho kẻ thù chung của hai bên biết.

Tôi cám ơn thái độ hữu hảo của ông đối với Trung Quốc và hiểu được sự lo lắng của ông đối với bất đồng Trung - Xô. Tôi nói với ông, hợp tác hữu hảo giữa Trung Quốc và Guinea là không thể thay đổi. Cách nhìn của hai bên với Liên Xô khác nhau là có thể hiểu được, phía Trung Quốc không yêu cầu Guinea áp dụng chính sách giống như chúng tôi trong quan hệ với Liên Xô.

Tổng thống Touré vốn xuất thân từ hoạt động Công đoàn, nổi tiếng vì có tài hùng biện, khi nói thường thao thao bất tuyệt, có tính kích động rất lớn đối với nhân dân, năm đó Tập những bài nói của ông đã xuất bản tới hơn 60 cuốn. Trong cuộc đấu tranh thoát khỏi sự thống trị của nước Pháp tranh thủ độc lập dân tộc, ông dường như là nhất hô bách ứng, cuối cùng đã giành được thành công. Trong những năm tháng phong trào giải phóng dân tộc Châu Phi ào ào vũ bão, trước sau Touré đều tràn đầy nhiệt tình với sự nghiệp giải phóng dân tộc Châu Phi chỉ có điều là ông không giỏi quản lý kinh tế, dưới sự lãnh đạo của ông, trước sau Guinea vẫn không thoát khỏi khó khăn kinh tế. Tháng 3 năm 1984, Tổng thống Touré tạ thế vì đột phát tắc động mạch vành cấp tính, thọ 62 tuổi.


Thăm khắp Châu Phi


Cùng là những nước đang phát triển lại cùng chung lịch sử bị các nước đế quốc và thực dân áp bức và bóc lột, nên Trung Quốc và các nước Châu Phi đều dễ dàng hiểu được sự theo đuổi độc lập, tự do của mỗi nước, giữa hai bên có cảm giác gần gũi tự nhiên. Sau khi nước Trung Hoa mới thành lập, chúng ta đã trước sau ủng hộ cuộc đấu tranh bất khuất không ngừng giành độc lập của nhân dân Châu Phi, đồng thời tích cực viện trợ cho các nước Châu Phi phát triển sự nghiệp kinh tế. Vì vậy nhân dân Châu Phi và người lãnh đạo của mình luôn coi Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy. Đồng thời nhân dân Châu Phi cũng có rất nhiều ủng hộ và giúp đỡ quý báu đối với Trung Quốc.

Điều khiến nhân dân Trung Quốc không thể nào quên là, năm 1971, tại khoá họp thứ hai mươi sáu của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khi ra quyết nghị thông qua khôi phục chiếc ghế hợp pháp của nước CHND Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc đã có 76 quốc gia bỏ phiếu tán thành, trong đó có 26 nước Châu Phi, chiếm một phần ba. Trong hội nghị nhân quyền tại Liên Hợp Quốc, một số nước phương Tây như Mỹ... lợi dụng vấn đề nhân quyền gây áp lực với Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh nhân quyền quốc tế lãng phí thời gian kéo dài này, sở dĩ Trung Quốc có thể liên tục mười lần làm thất bại đề án phản Hoa, phải nói là không tách rời khỏi sự ủng hộ kiên quyết của tuyệt đại đa số các nước Châu Phi. Trong đấu tranh ngoại giao liên quan đến vấn đề Đài Loan cũng như vậy. Cho dù nhà đương cục Đài Loan lợi dụng các nước Châu Phi có khó khăn kinh tế, ra sức làm “ ngoại giao kim tiền ” nhưng tuyệt đại đa số các nước Châu Phi vẫn đứng bên chúng ta, kiên trì lập trường một Trung Quốc, phản đối Đài Loan độc lập hoặc “ hai Trung Quốc ”, “ một Trung, một Đài ”, phản đối Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc và những Tổ chức quốc tế mà chỉ những quốc gia có chủ quyền mới được tham gia.

Năm 1989 sau khi gió mưa chính trị xảy ra, các nước phương Tây đã áp dụng biện pháp chế tài đối với Trung Quốc, trong rất nhiều vấn đề không ngừng gây ra các loại chướng ngại với chúng ta. Lúc đó lại là các bạn bè Châu Phi đứng ra giúp đỡ, vào giờ phút khó khăn đã chìa bàn tay hữu nghị.

Trung tuần tháng 7 năm 1989, để đả phá chế tài của các nước phương Tây, mở ra cục diện ngoại giao mới, chúng ta triệu tập Hội nghị cán bộ ngoại giao ở nước ngoài lần thứ bẩy, tôi đã báo cáo “ Về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại ”, nhấn mạnh bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc trước sau như một nắm chắc không buông trung tâm xây dựng kinh tế, đồng thời tiếp tục tuân theo chính sách ngoại giao hoà bình, độc lập tự chủ.

Đương thời, một nhiệm vụ quan trọng là tìm biện pháp đi ra, đả phá phong toả ngoại giao của phương Tây, để các nước trên thế giới nhìn thấy phương châm chính trị lớn của Trung Quốc không thay đổi, chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng không thay đổi.

Trong đoạn thời gian này trên quốc tế, thế cô lập Trung Quốc rất hung hăng, ngang ngược, chế tài Trung Quốc thành một loại mốt, nhưng thái độ Châu Phi đối với Trung Quốc vẫn như cũ, vẫn vô cùng hữu hảo.

Thế là tôi quyết định thăm Châu Phi. Đi nam Châu Phi trước, thăm sáu nước Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Angola, Zambia và Mozambique. Tháng 9 cùng năm lại thăm Ai Cập và Tunisia ở Bắc Phi.

Trên đường phỏng vấn tôi chủ trọng giới thiệu với người lãnh đạo nước chủ nhà tình hình trong nước Trung Quốc, nói với họ, Trung Quốc không chịu khuất phục trước bất kỳ áp lực bên ngoài nào, nước khác không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc, càng không thể áp đặt chế độ xã hội, hình thái ý thức và quan niệm giá trị của mình lên chúng tôi. Các bạn bè Châu Phi đều rất tán đồng quan điểm của tôi, bởi vì khi các quốc gia Châu Phi xây dựng đất nước mình cũng thường chịu áp lực đến từ phương Tây.

Tổng thống Zimbabwe, Mugabe nói, lúc đó ông đã từng cảm thấy lo lắng vì tình hình Trung Quốc. Ngoại trưởng Angola, Loy nói, nếu như Đảng, Chính phủ Trung Quốc không thể khống chế cục diện thì hậu quả không biết sẽ như thế nào, cũng gây ra ảnh hưởng bất lợi với thế giới thứ ba. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia biểu thị với tôi, trong hội nghi Liên minh quốc hội các nước sắp khai mạc, nếu như thảo luận vấn đề Trung Quốc thì Đoàn đại biểu nước họ sẽ phản đối thông qua nghị án can thiệp vào Trung Quốc.

Sau khi cơn sóng gió chính trị năm 1989 qua đi, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên, vị Thủ tướng nước ngoài đầu tiên, vị Ngoại trưởng nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc đều là từ Châu Phi. Họ biểu thị, lúc này thăm Trung Quốc là tỏ rõ với thế giới rằng Châu Phi là người bạn chân chính của Trung Quốc, cho dù vào lúc Trung Quốc khó khăn nhất cũng như vậy. Trước đây Trung Quốc đã giúp đỡ họ, vì vậy vào lúc Trung Quốc cần sự ủng hộ nhất, họ sẽ không tiếc sức để bầy tỏ sự lên tiếng ủng hộ đối với Trung Quốc.

Tất cả những việc làm này, và những hành vi chỉ trích vô lý, huỷ bỏ, đẩy lùi hoặc ngừng giữa chừng các cuộc thăm viếng cao cấp lẫn nhau của các nuớc phương Tây đối với Trung Quốc đã hình thành một sự đối chiếu rõ ràng.

Bước vào những năm 90 của thế kỷ 20, tình hình Châu Phi ngày một nghiêm trọng hơn. Về chính trị, các nước phương Tây đã lợi dụng sự thay đổi đột biến ở Đông Âu khẩn trương gây áp lực với các nước Châu Phi đồng thời dùng viện trợ làm kìm kẹp, ý đồ thực hiện toàn bộ tại Châu Phi mô thức chính trị, kinh tế và quan niệm giá trị của mình, từ đó làm gay gắt hơn các loại mâu thuẫn giữa các nuớc Châu Phi, làm cho cục diện chính trị của các nước này xáo động thêm. Về kinh tế, do kinh tế thế giới suy thoái, giá nguyên liệu và nông sản phẩm giảm thấp, cộng thêm tiền vốn chảy vào Châu Phi giảm đã làm cho phần lớn các nước Châu Phi nợ nần chồng chất, kinh tế càng khó khăn hơn. Lúc này những nước trước đây có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, do Liên Xô thu nhỏ chiến lược đối với Châu Phi mà sinh ra cảm giác thất lạc. Những nước thân phương Tây cũng do Mỹ thi hành “ dân chủ kiểu Mỹ ” với mình mà cảm thấy thất vọng với phương Tây.

Trong tình hình đó các nước Châu Phi hướng ánh mắt về Trung Quốc. Họ nhìn thấy tính chính xác của việc Trung Quốc kiên trì độc lập tự chủ và cải cách mở cửa, mưu cầu nhờ lực lượng của Trung Quốc bảo vệ chủ quyền nước mình và phát triển nền kinh tế quốc dân. Những điều này đã làm cho Trung Quốc phát triển quan hệ với Châu Phi có ý nghĩa và nội hàm mới.

Tổng bí thư Giang Trạch Dân vô cùng coi trọng công tác đối với Châu Phi, đã nhiều lần kêu gọi người lãnh đạo nên đi Châu Phi nhiều, và lấy mình làm gương, với thân phận Chủ tịch nước thân tự dẫn Đoàn trước sau đã đi thăm hơn mười quốc gia Châu Phi thuộc Bắc Phi, Đông Phi, Tây Phi, miền nam Châu Phi v.v..

Nửa cuối năm 1990, tôi lại thăm Châu Phi một lần nữa, thăm ba nước Bắc Phi : Algeria, Maroc và Ai Cập.

Sau khi qua nguyên đán năm 1991, tôi lại đi thăm Châu Phi, lần này thăm bốn nước Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania.

Tháng 1 năm 1992, vẫn theo sắp xếp tương tự, tôi đi thăm sáu nước : Mali, Guinea, Senegal, Côte d’Ivoire, Ghana, Namibia, quá cảnh Nam Phi.

Từ đó dường như hình thành một thông lệ, lần đi thăm đầu tiên đầu năm hàng năm, tôi đều đi thăm Châu Phi. Tôi đã tính, kể từ khi tôi là Ngoại trưởng, tổng cộng đã đi thăm Châu Phi 12 lần, ngoài mấy nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao dường như tôi dã đi khắp Châu Phi, trong đó có một số nước không chỉ thăm một lần, quen biết người lãnh đạo và Ngoại trưởng nhiều nước Châu Phi.

Trong các cuộc đi thăm các nước Châu Phi, tôi cảm thấy một cách rõ rệt, các nước Châu Phi vô cùng bất mãn trước các điều kiện chính trị kèm theo khi viện trợ kinh tế của các nuớc phương Tây.

Năm 1992, Tổng thống Côte d’Ivoire, Houphouët-Boigny đã từng nói với tôi, hai năm nay làn sóng “ dân chủ hoá ” ở Châu Phi là một loại cuồng nhiệt. Nhưng nghèo nàn và tự do không dung nạp lẫn nhau, người đói khát thì không có tự do.

Tổng thống Cameroon đã sôi nổi nhớ lại tình hình chuyến thăm năm 1987, nói thành tựu xây dựng của Trung Quốc đã để lại một ấn tượng cực kỳ sâu sắc trong ông. Ông còn nói với tôi, mấy năm gần đây Cameroon bắt đầu tiến trình dân chủ, một nước có 12 triệu dân mà xuất hiện hơn 70 chính đảng, cộng thêm sự can thiệp của nước ngoài, nên đã ảnh hưởng tới sự ổn định trong nước. Ông nói, Cameroon tôn trọng nhân quyền và nguyên tắc dân chủ, nhưng có người đã lợi dụng lý tưởng cao cả đó để can thiệp vào công việc nội bộ, khiến người ta vô cùng lo lắng.

Eyadema, Tổng thống Togo cũng là một vị có tư lịch già dặn trong những nguời lãnh đạo Châu Phi, cầm quyền đã 36 năm. Hơn 30 năm nay, kẻ thù chính trị phản đối ông, các nước phương Tây cũng không ưa thích ông, đã nhiều lần ông gặp nguy hiểm, may mà nạn lớn không chết. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, ông là người chưa bị ngã ngựa trong phong trào chế độ đa đảng Châu Phi. Năm 1995 khi tôi tới thăm Togo, Eyadema đã cử hành lễ duyệt binh to lớn và hơn hai vạn quần chúng diễu hành để biểu thị hoan nghênh. Khi bàn đến nhân quyền, ông giận dữ nói, trong thời kỳ thực dân hoá các nước phương Tây không bao giờ nói tới nhân quyền, bây giờ họ ra sức nói nhân quyền, thật là không biết sỉ nhục.

Châu Phi tổng cộng có 53 quốc gia, chiếm phân lượng quan trọng đáng kể trên vũ đài quốc tế. Hoà bình thế giới không thể tách khỏi sự ổn định của Châu Phi, sự phồn vinh kinh tế thế giới cũng không thể lấy việc hy sinh phát triển kinh tế Châu Phi làm cái giá phải trả.

Trên vũ đài quốc tế, Trung Quốc không ngừng nói cho Châu Phi. Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng các nước Châu Phi đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia, ủng hộ mọi cố gắng mà các nước Châu Phi tiến hành để bảo vệ đoàn kết trong nước, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân, ủng hộ một loạt các chủ trương hợp lý của các nước Châu Phi như yêu cầu miễn giảm nợ, bảo vệ lợi ích kinh tế, cũng như tăng cường Nam-Nam hợp tác và đối thoại Nam-Bắc v.v... Trong vấn đề bầu cử Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã ngọn cờ rõ ràng, ủng hộ người Châu Phi liên nhiệm. Tất cả những cái đó đều đã thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Châu Phi.


Tiếp xúc với Nam Phi


Nam Phi là một trong những quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất Châu Phi, đồng thời cũng là quốc gia Châu Phi mà Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chậm nhất.

Cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế và tình hình trong nước của Nam Phi, Chính phủ phân biệt chủng tộc Nam Phi bắt đầu bắt tay cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tháng 4 năm 1989, Chính phủ Nam Phi uỷ nhiệm “ không chính thức ” tiên sinh Lương Triệu Lễ Chủ tịch Tổng công đoàn Trung Hoa Nam Phi, chuyển thư miệng cho phía Trung Quốc nguyện vọng muốn phát triển quan hệ song phương, cuối cùng thực hiện thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 5, phía Trung Quốc thông qua tiên sinh Lương gửi thư miệng biểu thị tán thưởng thái độ của Chính phủ Nam Phi đồng thời hy vọng phía Nam Phi thuận theo trào lưu lịch sử, áp dụng chính sách sáng suốt. Còn về việc triển khai qua lại hai bên, phía Trung Quốc biểu thị vui lòng vào lúc chín muồi sẽ nghiêm túc suy xét.

Đến năm 1990, Chính phủ Nam Phi tiếp tục thông qua các kênh chuyển đạt tới phía Trung Quốc tin muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cám ơn Trung Quốc về những cố gắng phát triển quan hệ hai nước và ủng hộ giải quyết chính trị vấn đề nội bộ của Nam Phi, thậm chí còn biểu thị có thể tiến hành phối hợp ngầm về ngoại giao. Rõ ràng là Nam Phi đang cấp bách hy vọng cùng Trung Quốc xây dựng quan hệ trực tiếp bình thường. Tất nhiên chúng ta cũng vui lòng cùng Nam Phi thết lập quan hệ bình thường. Thế nhưng ở đây có hai điểm then chốt : một là Nam Phi phải loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ; hai là Nam Phi phải cắt đứt cái gọi là “ quan hệ ngoại giao ” với Đài Loan.

Năm 1991, tình hình Nam Phi phát sinh những thay đổi có tính bước ngoặt, sẽ loại bỏ ba đạo luật có tính trụ cột lớn : “ Luật cư dân tập đoàn ”, “ Luật đất đai ”, “ Luật đăng ký nhân khẩu ” của chế độ phân biệt chủng tộc. Điều này tiêu chí chế độ phân biệt chủng tộc vi phạm nhân quyền, không được lòng người rất nhanh chóng trở thành lịch sử. Các lực lượng chính trị chủ yếu của Nam Phi đều có nguyện vọng chính trị, tìm tòi thoả hiệp. Giải quyết chính trị vấn đề Nam Phi đã là xu thế lớn không thể đảo ngược.

Lúc này thái độ của các nước Châu Phi đối với Nam Phi đã xuất hiện những nới lỏng tương đối lớn, chế tài của xã hội quốc tế đối với Nam Phi cũng bắt đầu lơi lỏng tương đối lớn.

Một trong hai hướng ngại lớn của sự bình thường hoá quan hệ của nước ta và Nam Phi sắp bị loại bỏ, nhưng một chướng ngại khác -- vấn đề Đài Loan vẫn tồn tại như nguyên.

Tháng 10 năm đó, Botha ngoại trưởng Nam Phi bí mật thăm Trung Quốc, cùng đi còn có Evars, Phó Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Phi, FJ Rothe, Tổng lãnh sự Nam Phi tại Hồng Kông. Tôi gặp họ tại một phòng nghỉ tại sân bay thủ đô. Gặp gỡ xong họ lập tức đáp máy bay rời khỏi.

Botha, năm 1977, khi 45 tuổi đã làm Bộ trưởng Ngoại giao, được coi là “lãnh tụ tinh thần” của phái tự do chủ trương “cải cách” trong Đảng Quốc dân Nam Phi. Ông ta đã từng phát biểu, nếu như quyền lợi và an ninh của tập đoàn người da trắng được bảo đảm thì trong kết cấu hiến pháp mới có thể có Tổng thống người da đen, vì thế đã bị những nhân sĩ bảo thủ trong đảng trách mắng, răn dạy.

Khi hội kiến, trước tiên Botha giải thích với tôi, chủ thể người da trắng của Nam Phi là người Hà Lan, bọn họ đến Châu Phi rất sớm, nên cũng coi như người Châu Phi, cũng giống như người Anh đến Bắc Mỹ được gọi là người Mỹ. Cuối thế kỷ 18, người Anh tới Nam Phi, chiến thắng người Boer, hậu duệ của người Hà Lan, Nam Phi theo đó mà trở thành một lãnh địa tự trị của nước Anh, vì vậy nói đến chuyện người da trắng Nam Phi không thể nói một câu mà hết, nhưng người Anh là kẻ xâm lược, người Hà Lan chống lại kẻ xâm lược đến từ bên ngoài.

Tiếp đó ông giới thiệu với tôi tình hình tiến triển của việc giải quyết chính trị vấn đề Nam Phi và những chính sách có liên quan của Chính Phủ Nam Phi.

Tôi biểu thị ngài giới thiệu lịch sử Nam Phi, về căn bản đã không coi người da đen là chủ thể của cư dân bản địa. Bản thân chế độ phân biệt chủng tộc mà chính quyền da trắng thực hiện là không nhân đạo, phía Trung Quốc hy vọng tiến trình giải quyết chính trị Nam Phi có thể tiếp tục.

Khi bàn đến quan hệ hai bên, tôi nói với ông ta, Nam Phi là một quốc gia quan trọng ở Châu Phi, Trung Quốc là quốc gia quan trọng ở châu Á, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, quan hệ hai nước nên phát triển hướng về phía trước. Quan chức ngoại giao hai nước đã có tiếp xúc, phía Trung Quốc kiến nghị cùng đặt cơ cấu, thiết lập con đường liên hệ trực tiếp. Tân Hoa Xã Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cử phóng viên thường trú tại Nam Phi. Tóm lại, hai bên có thể tiến hành trước một số tiếp xúc, sau đó sẽ thăm dò thêm khả năng phát triển hơn nữa quan hệ hai nước.

Botha nói, muốn qua lại lẫn nhau thì thiết lập con đường liên lạc đáng tin cậy là vô cùng quan trọng. Hoan nghênh Trung Quốc thiết lập cơ cấu thường trú ở Nam Phi. Trước đây bị ảnh hưởng tuyên truyền của giới truyền thông phương Tây, nên nhiều năm qua Nam Phi có nhiều hiểu lầm về Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang theo phương thức truyền thống văn hoá, lặng lẽ phát sinh thay đổi, nếu như Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải cách mở cửa thì thế kỷ tới, tất sẽ thành một trong những cường quốc vĩ đại nhất.

Botha chú ý tới sự nhắc nhở của tôi, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, nên tiếp đó ông ta nói một đoạn dài, rõ ràng là có sự chuẩn bị sẵn từ trước. Ông ta nói, quan hệ giữa Nam Phi và Đài Loan đã có từ lâu, được thiết lập trong bối cảnh lúc Nam Phi vô cùng cô lập, bây giờ muốn giải quyết không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, mà tình hình lại đang thay đổi. Nam Phi kiên trì quan điểm một Trung Quốc, một quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc có thể khắc phục chia cắt thực hiện thống nhất.

Sau khi về nước, Botha gửi cho tôi một bức thư, nói chuyến thăm đó không tầm thường, cám ơn tôi đã tiếp đón ông ta và quốc gia của mình với nghi lễ đặc biệt và quan trọng. Ông viết trong thư, hội đàm “ là cuộc tiếp xúc đầu tiên có tính lịch sử giữa chính phủ hai nước ”, lại nói : “ Nước CHND Trung Hoa có lịch sử phi thường. Tin là Trung Quốc sẽ phát huy tác dụng quan trọng tại đại lục Châu Phi và trên thế giới. Chúng ta có thể thu được rất nhiều lợi ích từ trong mối quan hệ tốt đẹp này. Chúng tôi cực kỳ coi trọng quan hệ với người Trung Quốc Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, quan hệ của chúng tôi với nước CHND Trung Hoa sẽ phát triển vào thời gian thích hợp. Do cuộc hội kiến này của chúng ta, trong phạm vi tình hình trước mắt cho phép, một con đường đã khai thông.”

Giới tân văn Nam Phi đã khám phá ra chuyến thăm này của Botha, cho rằng đó là một đột phá ngoại giao làm kích động lòng người, mở ra một con đường cho tiếp xúc chính thức giữa hai bên trong tương lai, đồng thời dự đoán hai bên có thể dùng hình thức cơ cấu khoa học, văn hoá và nghiên cứu khác để thiết lập trên lãnh thổ đối phương “ cơ cấu đại biểu gián tiếp ”.

Cũng trong năm này, trải qua nhiều lần thương thảo bí mật, chúng ta và Nam Phi đã đạt được hiệp nghị về vấn đề thiết lập cơ cấu không chính thức với nhau.

Tháng 2 năm 1992, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc thành lập Trung Tâm nghiên cứu Nam Phi tại Pretoria. Tháng 3 cùng năm, Trung Tâm nghiên cứu vấn đề Trung Quốc của Nam Phi cũng chính thức treo biển tại Bắc Kinh.


Quá cảnh Johannesburg


Tháng 1 năm 1992, tôi chuẩn bị thăm năm nước Châu Phi, trong báo cáo thỉnh thị về chuyến thăm của Bộ Ngoại giao, tôi ghi thêm Namibia -- miền nam Châu Phi. Lúc này Namibia vừa độc lập được hơn một năm, là thời cơ tốt để tăng cường qua lại hơn nữa.

Do nguyên nhân lịch sử, các nước Châu Phi và các chính quốc trước đây nói chung đều có đường bay thẳng, còn đường bay giữa các nước với nhau lại rất ít. Trạm cuối cùng tôi thăm Tây Phi là Ghana, từ Ghana đến Namibia không có đường bay thẳng phải qua Lagos, thủ đô Nigeria rồi từ đó đến Johannesburg - Nam Phi, lại chuyển máy bay để tới Namibia. Sắp xếp đường đi như vậy là có một cơ hội quá cảnh Nam Phi vì phải dừng lại ở Johannesburg chuyển máy bay.

Vì việc này phía Trung Quốc đã liên hệ với phía Nam Phi, phía Nam Phi nhanh chóng đồng ý, đồng thời biểu thị vui lòng cung cấp cho đoàn chúng tôi một chuyên cơ đưa chúng tôi đến tham quan phỏng vấn Cape Town, thủ đô lập pháp của Nam Phi và hội kiến Ngoại trường Botha tại đó, sau đó lại đưa chúng tôi tới Windhock, thủ đô Namibia. Vì chuyến bay này chỉ là quá cảnh, lại là chuyến thăm đáp lễ cuộc gặp Botha tại sân bay Bắc Kinh, là chuyến thăm không chính thức nên tôi từ chối lời mời nhiệt tình của phía Nam Phi, chỉ đồng ý gặp Ngoại trưởng Botha tại sân bay Johannesburg.

Trong hội kiến, chúng tôi đã trao đổi ý kiến về tình hình Nam Phi, tình hình Châu Phi và quan hệ hai bên. Botha giới thiệu những phát triển mới nhất của tình hình trong nước của Nam Phi, biểu thị vô cùng tán thưởng ý tưởng “ một nước hai chế độ ” do đồng chí Đặng Tiểu Bình đề xuất, tin tưởng là Nam Phi và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung, quan hệ sẽ không ngừng phát triển. Ông ta nói, ông không thể vứt bỏ những cố gắng phát triển quan hệ cùng Trung Quốc, và cám ơn tôi đã tiếp đón ông nhiệt tình hồi năm ngoái, hy vọng có nhiều cơ hội gặp mặt hơn nữa.

Tôi nói, từ cuộc gặp gỡ lần trước đến nay, quan hệ hai nước chúng ta đã có những phát triển rất lớn, mặc dù còn cách bình thường hoá quan hệ một đoạn đường nữa, nhưng mục tiêu đã rõ ràng, hai bên nên duy trì tiếp xúc, tăng thêm tín nhiệm. Một lần nữa tôi biểu thị rõ với ông ta lập trường của phía Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Sau hội kiến, Ngoại trưởng Botha đã mở tiệc chiêu đãi chúng tôi tại phòng chiêu đãi của sân bay, không khí rất hoà nhập. Sau khi kết thúc chiêu đãi, Botha đề nghị chúng tôi đi xem thủ đô hành chính của Nam Phi -- Pretoria. Pretoria chỉ cách Johannesburg khoảng 40 km. Vì còn thời gian nên chúng tôi nhận lời mời, đồng ý ngồi ôtô ngắm quang cảnh chung thành phố. Trên đường đi, mọi người có lúc xuống xe đứng lặng hồi lâu trên những hòn núi cao để ngắm nhìn từ xa thành phố nổi tiếng này. Khi ôtô vào thành phố, từ của xe nhìn ra chỉ thấy đường đi thông suốt, nhà cao tầng mọc san sát, như mình đang ở tại một thành phố châu Âu nào. Thế nhưng đây là một thành phố đẹp chỉ dành cho người da trắng hưởng dùng. Do Nam Phi thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc, người da đen chỉ có thể vào thành phố làm việc vào ban ngày, tối đến không được lưu lại thành phố, mà phải trở về những khu người da đen ở ngoại thành.

Lần gặp này giữa tôi và Botha ở Johannesburg là một bước đi tương đối lớn sau khi nước ta điều chỉnh chính sách đối với Nam Phi. Cuộc gặp gỡ tuy cử hành theo phương thức quá cảnh nhưng đã là một đòn đả kích nặng nề cho nhà đương cục Đài Loan. Vì vậy “ sứ quán ” Đài Loan tại Nam Phi vô cùng căng thẳng, rất sợ cái cứ điểm quan trọng tại Nam Phi này dao động, đã lập tức đề xuất “ phản đối mạnh mẽ ” với Bộ Ngoại giao Nam Phi.

Lần này, ngoài gặp Botha ra, tôi còn hội kiến Sisulu, Phó Chủ tịch Đại hội Quốc dân người Châu Phi Nam Phi (ĐHQDNPNP), Maseneke, Phó chủ tịch Đại hội Chủ nghĩa phiếm Phi Azania (Pan Africanist Congress of Azania)... thông báo tình hình với bọn họ, tranh thủ các Tổ chức giải phóng Nam Phi hiểu và ủng hộ viêc chúng ta điều chỉnh chính sách Nam Phi. Khi gặp Sisulu, tôi nhờ ông ta chuyển tới Chủ tịch Mandela lời mời ông tới thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp của Chính phủ và Chủ tịch Dương Thượng Côn. Tôi cũng mời Sisulu thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp. Sisulu nói, Chủ tịch Mandela rất mong được đi thăm Trung Quốc, một khi thời cơ chín muồi là có thể đi.


Mandela thăm Trung Quốc


Mandela là nhân vật lãnh tụ chính trị Châu Phi có vinh dự lớn trên thế giới. Để loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, ông đã lãnh đạo nhân dân Nam Phi tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ trác việt. Tháng 6 năm 1964, ông bị chính quyền người da trắng Nam Phi bắt giam, từ đó đã trải qua gần 27 năm sinh sống trong ngục. Nhưng trước sau ông không hề khuất phục, luôn luôn kiên trì niềm tin chính trị của mình. Dưới sự lên tiếng ủng hộ của hàng ngàn hàng vạn quần chúng da đen và xã hội quốc tế, mãi đến ngày 11 tháng 2 năm 1990 chính phủ Nam Phi mới thả Mandela. Khi ra khỏi trại giam, ông đã 73 tuổi.

Sau khi Mandela được thả, phía Trung Quốc đã dùng những phương thức khác nhau biểu thị chúc mừng ông. Ngày 28 tháng 3 trong buổi họp báo của Quốc hội khoá ba kỳ thứ bẩy, tôi đã biểu thị, chúng ta cảm thấy rất phấn khởi khi nhà đương cục Nam Phi thả Mandela.

Sau khi được tự do, Mandela đã triển khai một loạt chuyến thăm các nước Châu Phi. Khi ông tới thăm Zambia va Uganda, đại sứ hoặc đại biện lâm thời Trung Quốc tại hai nước đó đều đến chào ông, thay mặt Đảng chúng ta, mời ông tới thăm Trung Quốc vào tháng 10. Mandela nói, lòng ông ngưỡng mộ Trung Quốc đã lâu, rất muốn tới xem mảnh đất và nhân dân vĩ đại này. Chỉ có điều là tháng 10 sẽ thăm Viễn Đông, chương trình sắp xếp rất khít khao, khó có thể thực hiện. Trung Quốc là một nước lớn, sắp xếp thời gian thăm viếng không nên vội vàng quá, tháng 5 năm tới tương đối thong dong, đến lúc đó có thể thăm Trung Quốc.

Bản thân Mandela mặc dù đã nhiều lần biểu thị muốn thăm Trung Quốc sớm, nhưng lại lùi đi lùi lại không đi, điều này khiến người ta cảm thấy kỳ lạ. Sau này người làm việc cạnh ông để lộ cho chúng tôi, Mandela muốn nước ta dùng danh nghĩa Chính phủ mời ông. Lần này tôi đặc biệt nhờ Sisulu chuyển đạt tới ông lời mời chính thức của Chính phủ chúng ta và Chủ tịch Dương Thượng Côn

Nửa năm sau, từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 10 năm 1992, cuối cùng đoàn Mandela cũng đã tới thăm Trung Quốc. Chủ tịch Dương Thượng Côn cử hành lễ đón, hội kiến và chiêu đãi ông. Tổng bí thư Giang Trạch Dân cũng hội kiến và chiêu đãi ông. Thủ tướng Lý Bằng hội đàm với ông. Chính phủ Trung Quốc còn tặng tiền tặng vật cho ĐHQDNPNP 10 triệu USD, trường Đại học Bắc Kinh tặng Mandela học vị tiến sĩ danh dự. Quy cách tiếp đón cao như tiếp đón nguyên thủ quốc gia. Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh Mandela nói, cảm thấy động sâu sắc vì mình được đón tiếp chân thành và quy cách cao.

Ba năm nay, thông qua trao đổi rộng rãi bằng nhiều con đường, bất kể là Chính Phủ Nam Phi hay là người lãnh đạo ĐHQDNPNP đều có sự hiểu biết rõ ràng đối với lập trường của chúng ta trong việc giải quyết chính trị vấn đề Nam Phi cũng như thực chất vấn đề Đài Loan, điều này đã làm nền tốt cho việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhà đương cục Đài Loan cảm thấy vô cùng khẩn trương trước công thế ngoại giao của chúng ta tại Nam Phi, đã chăm chú theo rõi mọi hành động của chúng ta, bầy mưu tính kế tiến hành cản trở và phá hoại. Bọn họ xoay xở các loại thủ đoạn ra sức lôi kéo chính phủ Nam Phi và những người của ĐHQDNPNP sẽ nắm quyền chấp chính. Trong thời gian thăm Trung Quốc, Mandela đã thẳng thắn cho biết, ông đã nhận được lời mời tới Đài Loan. Ông giải thich nói, ông và ĐHQDNPNP đều cám ơn sự ủng hộ lâu dài của Trung Quốc, quý trọng tình hữu nghị với Trung Quốc, chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tìm cách đẩy cơ cấu chính thức của Đài Loan tại Nam Phi đi. Ông hứa, khi xử lý lời mời thăm Đài Loan, ĐHQDNPNP nhất định tiến hành thương thảo với Trung Quốc trước, không quay lưng lại với Trung Quôc làm trò khác.


Trước sau cuộc tổng tuyển cử ở Nam Phi


Từ năm 1993 đến năm 1994, tình hình trong nước Nam Phi đang ở vào thời kỳ biến đổi trọng đại. Đàm phán đa đảng Nam Phi thu được tiến triển có tính đột biến, các phái thương luợng ấn định vào tháng 4 năm 1994 sẽ tiến hành bầu cử lần đầu tiên không phân biệt chủng tộc.

Sau khi Mandela thăm Trung Quốc, Đài Loan lập tức hứa với ĐHQDNPNP sẽ cung cấp 25 triệu USD viện trợ. Lúc này để giành được thắng lợi trong tổng tuyển cử đang cần gấp tiền cho tranh cử. ĐHQDNPNP là một tổ chức phong trào dân tộc có đông đảo nhân viên tồn tại những tín điều chính trị và phái biệt khác nhau, trong đó có một thế lực thân Đài Loan. Trong bối cảnh như vậy, ĐHQDNPNP quyết định Mandela tiếp nhận lời mời thăm Đài Loan là mưu cầu tìm kiếm viện trợ tiền.

Để không làm cho chuyến thăm Đài Loan của Mandela ảnh hưởng tới quan hệ giữa ĐHQDNPNP với Trung Quốc. ĐHQDNPNP đã cử Chủ nhiệm Ban quốc tế, hiện nay là Tổng thống Nam Phi Mbeki, đến Trung Quốc giải thích. Tôi đã hội kiến Mbeki.

Mbeki nói, Đài Loan đã đáp ứng cung cấp cho ĐHQDNPNP một khoản viện trợ lớn, mời Mandela tới Đài Loan tiếp nhận viện trợ. ĐHQDNPNP cho rằng khoản viện trợ này rất quan trọng, quyết định do Mandela tới Đài Loan vào tháng 7 năm 1993 để nhận viện trợ. Làm như vậy không có nghĩa là ĐHQDNPNP đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. ĐHQDNPNP chỉ công nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết không phản bội bạn bè cũ. ĐHQDNPNP sẽ cố gắng thay đổi tình trạng chưa có quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nam Phi, tin là sự thay đổi đó không còn xa.

Trả lời ông ta tôi nói, hy vọng ĐHQDNPNP cảnh giác trước loại hoạt động này của Đài Loan, có thể hiểu được việc các bạn nhận tiền, nhưng quyết không bao giờ nhận bất kỳ điều kiện chính trị kèm thêm nào. Chúng tôi tin tưởng ĐHQDNPNP sẽ xử lý thoả đáng quan hệ với Đài Loan.

Trong đoạn thời gian này, thái độ của chính phủ Nam Phi đối với Trung Quốc cũng có một số động hướng mới. Từ việc tiếp xúc giữa hai bên thấy, Chính phủ Nam Phi coi trọng hơn việc cùng chúng ta phát triển quan hệ kinh tế thương mại và sự qua lại của nhân viên nhưng không tích cực lắm trong việc phát triển quan hệ chính trị giữa hai nước, bởi vì trên vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước, Nam Phi không bỏ Đài Loan. Mà tư tưởng căn bản của ĐHQDNPNP là không vứt bỏ Đài Loan, đồng thời lại không coi nhẹ địa vị và ảnh hưởng của chúng ta trên trường quốc tế, có ý đồ chuyển hướng sang “ công nhận song trùng ”.

Đối với việc này, chúng ta rất cảnh giác và cũng đã có sự chuẩn bị.

Tháng 10 năm 1993, Viljoen cố vấn của Tổng thống Nam Phi tới thăm, tôi gặp ông ta. Viljoen nói, đối với Nam Phi mà nói, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở trình độ rất lớn phụ thuộc vào liệu cuộc cải cách dân chủ ở Nam Phi có thành công hay không cũng như ai sẽ đảm nhiệm người đứng đầu quốc gia. Nếu như Mandela giành thắng lợi sẽ có lợi cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nam Phi và Trung Quốc, nếu như de Klerk được bầu thì sẽ có khuynh hướng duy trì “ quan hệ cấp đại sứ ” với Đài Loan chứ không vội thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng de Klerk muốn gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, để mắt vào lợi ích kinh tế, hy vọng đạt được nhiều thực huệ hơn về kinh tế. Nếu như Trung Quốc có thể giúp đỡ một cách thành công phát triển kinh tế Nam Phi thì sẽ có lợi cho thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng bất kể như thế nào thì quan hệ giữa Nam Phi và Đài Loan vẫn được duy trì, Nam Phi không muốn mất lợi ích tại Đài Loan.

Những lời nói đó của ông ta càng chứng thực phán đoán của chúng tôi : Chính phủ người da trắng của Nam Phi không có khả năng vứt bỏ Đài Loan để cùng chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao.

Vật đổi sao dời, chớp mắt đã đến năm 1994. Theo chương trình mà Nam Phi công bố, tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào ngày 27 đến ngày 29 tháng 4 năm đó. Lần bầu cử này đều rất quan trọng với nước ta và Nam Phi, có thể là bước ngoặt chuyển hoá trong việc bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi.

Đầu năm tôi nói với các đồng chí ở Bộ Ngoại giao, nên có sự chuẩn bị trước việc lập quan hệ ngoại giao hai nước sau bầu cử ở Nam Phi, chế định phương án và đối sách cụ thể, tranh thủ thiết lập quan hệ ngoại giao thuận lợi.

Vì vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi, trước khi Nam Phi bầu cử đã đến thăm Nam Phi với thân phận khách của Trung Tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Nam Phi, tiếp xúc rộng rãi với các nhân sĩ tầng lớp cao các mặt của Nam Phi, tranh thủ sau bầu cử Nam Phi thuận lợi thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta, trong đó trọng điếm là làm công tác với ĐHQDNPNP, thúc đẩy họ nhanh chóng bắt đầu cùng chúng ta đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm tranh thủ trước khi Nam Phi bầu cử đạt được những thông cảm nội bộ về công việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và sau bầu cử mời chúng ta chứ không phải là mời đại biểu chính thức Đài Loan tham dự lễ nhận chức Tổng thống.

Ngày 20 tháng 2, Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi hội kiến Mbeki và một số người khác chuyên giao thư của Chủ tịch Giang Trạch Dân cho Mandela. Trong thư chủ tịch Giang chúc trước Mandela và ĐHQDNPNP thắng lợi trong lần bầu cử này và chờ đợi một Nam Phi mới thống nhất, dân chủ, bình đẳng dân tộc ra đời. Chủ tịch Giang biểu thị cùng với sự ra đời của Nam Phi mới, bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi đã được đưa vào chương trình làm việc hàng ngày. Phía Trung Quốc vô cùng phấn khởi chú ý tới việc ngài luôn luôn nhấn mạnh, ĐHQDNPNP sẽ tuân theo lập trường của Liên Hợp Quốc xử lý quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Trong nói chuyện, Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi nhấn mạnh, Nam Phi mới lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau bầu cử không mời đại biểu Đài Loan dự lễ chào mừng là hợp với lôgich phát triển lịch sử. Phía Trung Quốc hy vọng trước khi bầu cử thu được sự thông cảm về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước với ĐHQDNPNP, sau khi chính phủ mới thành lập hai bên cùng ký văn kiện, tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao.

Mandela biểu thị, nhiều năm nay, trước sau Trung Quốc đều viện trợ cho ĐHQDNPNP, vô cùng cảm kích trước việc đó. Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước CHND Trung Hoa và Nam Phi là việc nên làm từ lâu rồi, hai nước có quan hệ ngoại giao đối với hai nước đều rất có lợi, nên sẽ nghiêm túc nghiên cứu cách nhìn do phía Trung Quốc đề xuất, cũng cần xem xét tới quan hệ ngoại giao đã được thiết lập giữa chính quyền Nam Phi hiện nay với Đài Loan, để làm cho vấn đề này được giải quyết toàn diện.

Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi còn đưa cho Mbeki tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và bị vong lục thông cảm mà phía chúng ta đã chuẩn bị để ĐHQDNPNP nghiên cứu, nhằm tiện cho hai bên trước khi Nam Phi bầu cử đạt được hiệp nghị nguyên tắc, đồng thời một lần nữa nói rõ lập trường nguyên tắc của phía Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan.

Mbeki biểu thị, ĐHQDNPNP nhiều lần nhắc lại lập trường của Trung Quốc và cho rằng phát triển quan hệ với Trung Quốc là vô cùng quan trọng, hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao không tồn tại vấn đề. Thế nhưng do trước mắt bận rộn vào việc tranh cử, lại phải xử lý nhiều vấn đề đấu tranh chính trị phức tạp, lại còn phải chế định các loại kế hoạch và sắp xếp nhân sự sau bầu cử nên sợ rằng không có thời gian rảnh rỗi triển khai đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài ra Chính phủ tương lai của Nam Phi sẽ là một chính phủ đoàn kết dân tộc, có một số người trong chính phủ hiện nay của Nam Phi cũng muốn tham dự, lập trường của bọn họ đối với Trung Quốc rất không nhất trí với ĐHQDNPNP, nên ĐHQDNPNP cần có thời gian để làm công tác với bọn họ. Còn về vấn đề mời đại biểu phía chúng ta tham dự lễ chào mừng Tổng thống nhận chức, Mbeki không hứa hẹn rõ ràng, chỉ biểu thị, chủ trương của phía Trung Quốc nên do Trung Quốc chứ không phải là đại biểu chính thức của Đài Loan tham dự lễ chào mừng Tổng thống nhận chức là phù hợp với lôgich. Thế nhưng ĐHQDNPNP khó có thể khuyên cản chính phủ hiện hành không mời đại biểu chính thức của Đài Loan tham dự lễ chào mừng.

Từ thái độ của người lãnh đạo ĐHQDNPNP xem ra sau khi chính phủ Nam Phi mới thành lập, tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vẫn còn một số chướng ngại phải khắc phục.

Để thể hiện tác dụng của nước ta trong xử lý công việc quốc tế trọng đại, mở rộng ảnh hưởng nước ta tại Nam Phi, chúng ta quyết định tham gia hành động của Đoàn quan sát Nam Phi của Liên Hợp Quốc, cử 45 người đến Nam Phi, quan sát bầu cử toàn dân.

Ngày 30 tháng 3 Uỷ ban trù bị lễ mừng Nam Phi gửi thư mời, mời Chủ tịch Giang Trạch Dân tham dự lễ chúc mừng Tổng thống nhận chức cử hành ngày 10 tháng 5, nhưng đồng thời cũng gửi giấy mời tới nhà đương cục Đài Loan. Lý Đăng Huy coi đó như ngọn cỏ cứu mạng vội vàng tuyên bố sẽ thân tự dẫn đoàn tham gia. Tất nhiên trong tình huống này, chúng ta không thể cử Đoàn đại biểu chính phủ tham dự, mà chỉ cử một đoàn đại biểu có tính chất dân gian dự lễ mừng.


Hội đàm với Ngoại trưởng Enzo

Sau khi ĐHQDNPNP cầm quyền, chính phủ mới Nam Phi không lựa chọn ngay việc “ cắt quan hệ ngoại giao ” với Đài Loan và lập quan hệ ngoại giao với chúng ta mà vẫn ảo tưởng với khả năng “ công nhận song trùng ”. Người lãnh đạo mới Nam Phi thậm chí còn biểu thị thái độ “ không vì lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mà cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan ”.

Điều này tạo cho nhà đương cục Đài Loan cơ hội có thể lợi dụng. Nhà đương cục Đài Loan âm mưu dùng Nam Phi làm đột phá khẩu để Đài Loan thực hiện chính sách “ công nhận song trùng ”, “ hai Trung Quốc ”. “ Ngoại trưởng ” Đài Loan Tiền Phục rêu rao trong Viện Lập pháp Đài Loan, Đài Loan chuẩn bị tiếp nhận “ công nhận song trùng ” đối với hai bờ eo biển của Nam Phi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phát biểu tiến hành bác bỏ điều đó, chỉ ra bài nói của Tiền Phục lại là một âm mưu của nhà đương cục Đài Loan, bất chấp đại nghĩa dân tộc chế tạo “ hai Trung Quốc ” hoặc “ một Trung, một Đài ” chia cắt tổ quốc. Chính phủ Trung Quốc tán thưởng Tổng thống Mandela Nam Phi và ĐHQDNPNP kiên trì một Trung Quốc, hứa sẽ giữ lập trường theo thông lệ của Liên Hợp Quốc giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc, tin tưởng quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi mới sẽ phát triển toan diện trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hoà bình. Điều này không chỉ vạch trần một cách mạnh mẽ dụng tâm hiểm ác của nhà đương cục Đài Loan đồng thời cũng tỏ rõ với chính phủ Nam Phi mới và xã hội quốc tế, chúng ta kiên trì lập trường một Trung Quốc, phản đối “ công nhận song trùng ”.

Đồng thời chúng ta gia tăng mức độ nối kết với chính phủ mới Nam Phi.

Ngày 23 tháng 6, Lý Triệu Tinh đại biểu thường trú nước ta tại Liên Hợp Quốc hội kiến Ngoại trưởng mới Nam Phi, Enzo, chúc mừng Nam Phi lại trở lại đại gia đình quốc tế, biểu thị nước ta muốn xây dựng và phát triển quan hệ bình thường với Nam Phi. Enzo nhớ lại chuyến thăm Trung Quốc của mình năm 1986, nói ông ta vô cùng quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc, Nam Phi coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc. Nhưng lại nói, rốt cuộc thì giữa Nam Phi và Đài Loan đã có quan hệ trong một thời gian rất dài, không phải một, hai ngày là có thể hoàn thành, hy vọng phía Trung Quốc có thể lý giải.

Tháng 7, tôi nhờ Cát Bội Định, mới nhận chức Chủ nhiệm Trung Tâm nghiên cứu tại Nam Phi chuyển tới Ngoại trưởng Enzo một bức thư của tôi. Trong thư, tôi chúc mừng ngày ra đời của Nam Phi mới, nhấn mạnh sự ra đời của Nam Phi mới tạo ra điều kiện tốt đẹp cho việc thực hiện bình thường hoá giữa Trung Quốc và Nam Phi, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tiếp xúc với chính phủ Nam Phi về vấn đề lập quan hệ ngoại giao hai nước. Tôi còn mời Ngoại trưởng Enzo thăm Trung Quốc lần nữa. Ngày 7 tháng 9, Enzo có thư trả lời tôi. Trong thư ông ta nói, quan hệ giữa Nam Phi và Trung Quốc chính đang vượt qua ranh giới đảng phái chính trị, được sự quan tâm chú ý của chính phủ đoàn kết dân tộc, hy vọng là trên cơ sở lợi ích hai bên và thông lệ quốc tế sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề này.

Ngày 28 tháng 9, trong thời gian tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tôi hội kiến Ngoại trưởng Enzo. Tôi nói với ông ta, Trung Quôc xưa nay đều ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nam Phi phản đối chủ nghĩa chủng tộc, bây giờ Nam Phi mới ra đời hy vọng hai nước có thể xây dựng quan hệ nhà nước bình thường. Enzo biểu thị, khi Nam Phi mới khôi phục ghế tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã ủng hộ, hai nước đã có quan hệ rất tốt. Nam Phi hiểu được địa vị quan trọng của Trung Quốc trong công việc quốc tế, vui lòng phát triển toàn diện quan hệ song phương với Trung Quốc. Quan hệ của chính phủ phân biệt chủng tộc trước đây với Đài Loan là một vấn đề mà hiện nay chính phủ đoàn kết dân tộc phải đối mặt. Tin tưởng là không cần thời gian quá dài, vấn đề này có thể được giải quyết, nhưng cần phải có sự kiên nhẫn.

Tôi chỉ ra với ông ta, Trung Quốc không hề đề xuất yêu cầu gì mới với Nam Phi, chỉ hy vọng chính phủ Nam Phi mới giống như tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, áp dụng cách làm giống như vậy, cùng Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường. Dưới tiền đề một Trung Quốc, Trung Quốc không phản đối Nam Phi duy trì quan hệ kinh tế với Đài Loan. Trung Quốc vui lòng tham dự phát triển kinh tế của Nam Phi, cũng hoan nghênh Nam Phi tham dự hợp tác kinh tế quốc tế với Trung Quốc. Chính phủ đoàn kết dân tộc Nam Phi vừa thành lập, những vấn đề đòi hỏi chính phủ mới phải giải quyết rất nhiều, chúng tôi hiểu được điều đó và cũng có kiên nhẫn, thế nhưng, chúng tôi hy vọng Nam Phi áp dụng lập trường giống như tuyệt đại đa số các nước khi đối xử vấn đề Trung Quốc.


Việc hay thường gặp trắc trở


Trong quá trình phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi, rõ ràng Mandela là nhân vật then chốt nhất. Ông có danh vọng rất cao ở trong nước và trên quốc tế, trên vấn đề lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc, Nam Phi, thái độ của ông vô cùng quan trọng, vì thế ông trở thành trọng điểm công tác của chúng tôi.

Lúc này Mandela muốn dựa vào uy vọng cá nhân, trên vấn đề Đài Loan sáng tạo ra một tiền lệ “ công nhận song trùng ” mà các nước lớn phương Tây như Mỹ, Anh, Nhật... đều không làm được. Ông đã từng biểu thị công khai trong một cuộc họp báo, mặc dù Nam Phi hy vọng cùng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa phát triển quan hệ, nhưng không có ý cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Thượng tuần tháng 7 năm đó, theo lời mời của Học hội Ngoại giao nước ta, đoàn đại biểu của Uỷ ban đối ngoại quốc hội Nam Phi thăm Trung Quốc. Đoàn này được tổ thành bởi đại biểu các đảng phái chủ yếu trong quốc hội Nam Phi, có tính đại diện rộng rãi. Trước khi lên đường Mandela có chỉ thị riêng, yêu cầu bọn họ trọng điểm hiểu được lợi, hại khi lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Tôi tiếp đoàn đại biểu này tại Bắc Kinh. Trong hội kiến, tôi chú trọng trình bầy một cách tỉ mỉ lập trường nguyên tắc và quan điểm rõ ràng của chính phủ Trung Quốc đối với quan hệ với Nam Phi cũng như vấn đề Đài Loan. Thành viên đoàn đại biểu thông qua chuyến thăm Trung Quốc này, đã có sự hiểu biết sâu sắc về lập trường không tiếp nhận “ công nhận song trùng ” của Trung Quốc. Suttner, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của quốc hội Nam Phi, trưởng đoàn đại biểu, nói chuyến thăm này đã sản sinh ảnh hưởng tới việc Nam Phi điều chỉnh chính sách với Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 11 cùng năm, Mandela đã phát biểu trong cuộc họp báo. Ông nói : “ Tôi và Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có tiếp xúc, quan hệ với Thủ tướng Lý Bằng cũng rất tốt. Hiện nay chúng ta đang cố gắng giải quyết vấn đề ngoại giao bởi vì hiện nay chúng ta có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tôi đã không ngừng giải thích với xã hội quốc tế về thái độ này của tôi : chúng ta luôn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trừ phi Đài Loan làm một số việc nào đó để chứng minh cần huỷ bỏ loại quan hệ này, nếu không tôi chẳng nhìn thấy lực lượng có đạo nghĩa nào có thể thủ tiêu mối quan hệ ngoại giao đó, tôi chuẩn bị bảo lưu nó. Mặc dù Liên Hợp Quốc đã có quyết nghị về điều này, tôi cũng đã từng biểu thị thái độ tôn trọng nghị quyết, nhưng hiện nay chúng ta có những tình huống đặc biệt, chúng ta phải làm việc căn cứ theo lợi ích của nhân dân Nam Phi. Tôi chuẩn bị tiến hành đàm phán việc này.

Thái độ biểu thị công khai thi hành chính sách “ công nhận song trùng ” của Mandela đã tạo ra cản trở thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nuớc. Nếu không khắc phục chướng ngại này, việc lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nam Phi sẽ bị kéo dài nữa.

Trong thư gửi Mandela ngày 30 tháng 11, Chủ tịch Giang Trạch Dân nói : đối với điều ngài đã nói, tôn trọng lập trường của Liên Hợp Quốc về vấn đề Đài Loan vui lòng thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và chuẩn bị tiến hành đàm phán về lập quan hệ ngoại giao, tôi biểu thị tán thưởng. Tôi thường nhớ lại chuyến thăm thành công Trung Quốc của ngài năm 1992, vẫn nhớ như in những lời nói của ngài về việc Nam Phi mới sẽ theo thông lệ quốc tế giải quyết quan hệ với Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc và những người lãnh đạo Trung Quốc bao gồm cả tôi trong đó, đều trước sau có tình cảm hữu hảo với ngài. Nhân dân Trung Quốc đã từng coi cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi giành bình đẳng chủng tộc như cuộc đấu tranh của mình, và cũng cùng nhân dân Nam Phi chia hưởng niềm vui nước Nam Phi mới ra đời. Trong thư, Chủ tịch Giang còn nói, chúng ta đều nhận thức được rằng, muốn thực hiện lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phải giải quyết thoả đáng vấn đề Đài Loan. Vấn đề Đài Loan là việc liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa và tình cảm của 1,2 tỷ nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc quyết không tiếp nhận “ công nhận song trùng ”. Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 159 quốc gia trên thế giới, giải quyết một cách thành công vấn đề Đài Loan. Hy vọng với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chính trị, ngài sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc, Nam Phi phát triển theo phương hướng chính xác. Chính phủ Trung Quốc nguyện sẽ có phản ứng tích cực trước việc chính phủ Nam Phi sử dụng những bước đi có tính thực chất nhằm phát triển quan hệ hai nước.

Cần phải nói là sự lý giải của tầng lớp lãnh đạo ĐHQDNPNP đối với lập trường của chúng ta là minh bạch không lầm lẫn. Ramaphosa, Chủ tịch Uỷ ban dự thảo hiến pháp, Tổng bí thư ĐHQDNPNP đã từng nói, Đài Loan ý đồ dùng tiền bạc lôi kéo Nam Phi, thủ đoạn cực kỳ bỉ ổi. Trên vấn đề này, Nam Phi không nên tiếp tục sử dụng thái độ bắt cá hai tay. Đầu tháng 12, ĐHQDNPNP triệu tập hội nghị Ban chấp hành thảo luận vấn đề quan hệ với Trung Quốc, Mandela tham dự hội nghị. Ban Chấp hành ĐHQDNPNP kiến nghị chính phủ cử một đoàn đại biểu cấp cao thăm Trung Quốc, cùng Trung Quốc thảo luận vấn đề quan hệ hai nước, khởi động tiến trình bình thường hoá quan hệ hai nước ; ngoài ra cũng sẽ cử đoàn đi Đài Loan, thông tri các quyết định có liên quan cho Đài Loan. Hội nghị đạt được đồng thuận về lập trường một Trung Quốc.

Mandela biểu thị đồng ý với quyết định của Ban Chấp hành ĐHQDNPNP, nhưng ông lại cho rằng, ĐHQDNPNP đã tiếp nhận viện trợ tài chính của phía Đài Loan, không nên để người ta coi là “ vong ơn bội nghĩa ”, không thể chỉ bằng vào một tờ tuyên bố mà đã chấm dứt quan hệ với Đài Loan, vứt bỏ hẳn Đài Loan, mà nên cử người tới Đai Loan, nói rõ lập trường của ĐHQDNPNP với họ.


Ảnh hưởng của Đài Loan


Đài Loan và Nam Phi có quan hệ lâu dài.

Năm 1948, sau khi Quốc Dân đảng Nam Phi cầm quyền đã thi hành chính sách kỳ thị dân tộc và phân biệt chủng tộc ngày càng nghiêm trọng hơn. Cai trị tàn bạo của chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi bị xã hội quốc tế khiển trách và chế tài nghiêm khắc.

Năm 1962, đúng vào lúc Nam Phi đang ở vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn Đài Loan đã nhân cơ hội tiến vào thiết lập “ quan hệ lãnh sự ” với Nam Phi. Năm 1976 lại thăng cấp thành “ quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ”. Trong hơn mười năm sau đó, thương nhân Đài Loan di cư đến Nam Phi đầu tư xây dựng nhà máy cao tới hơn một vạn người, công ty, xí nghiệp, ngân hàng chung vốn ước có hơn 300 đơn vị, thương nhân Đài Loan còn mua rất nhiều đất đai tiến hành kinh doanh. Đây chính là cơ sở kinh tế quan trọng để nhà đương cục Đài Loan gắn bó quan hệ với Nam Phi. Trong thời gian xã hội quốc tế chế tài Nam Phi, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Đài Loan và Nam Phi phát triển nhanh chóng, đã ký hàng chục hiệp định “ giữa chính phủ ”, kim ngạch mậu dịch song phương mỗi năm vào khoảng 1,5 đến 1,9 tỷ USD, Nam Phi thuận sai 500 triệu USD, thu được không ít lợi ích thiết thực. Đài Loan đã đầu tư vào các ngành công thương và dịch vụ như dệt vải, làm giầy, sản phẩm chất dẻo, bao gói, gia công kim loại v.v.. tới 1,5-1,6 tỷ USD, thuê dùng hơn 4 vạn nhân công, trong đó người da đen chiếm 85,8 %.

Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của cải cách chính trị trong nước Nam Phi, Đài Loan rất lo một khi người da đen nắm quyền trong tương lai, Đài Loan sẽ mất trận địa tại Nam Phi mới, vì thế đã gia tăng thái độ đối xử tốt với các tổ chức giải phóng người da đen Nam Phi, nhiều lần vẫy chào hoặc cử người tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của những tổ chức giải phóng này, hoăc mời người lãnh đạo của họ thăm Đài Loan, đưa viện trợ.

Sau khi Mndela cầm quyền, Đài Loan hứa sẽ tặng 40 triệu USD để dùng vào việc do sắp xếp nhân viên vũ trang của nguyên ĐHQDNPNP mà xây dựng Trung tâm bồi dưỡng huấn luyện nghề nghiệp ; toàn lực ủng hộ “ kế hoạch xây dựng lại và phát triển ” của chính phủ Nam Phi mới, trước sau đã cấp 4 tài khoản ưu đãi cho kế hoạch điện lực, điện tín, bộ môn giao thông và nông nghiệp nhỏ.

Nhà đương cục Đài Loan cảm thấy cực kỳ căng thẳng khi Nam Phi muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta, đã tăng cường hoạt động ở Nam Phi. Năm 1996, Lý Đăng Huy với tư thế mỗi năm viện trợ cho Nam Phi 500 triệu USD. Từ hạ tuần tháng 8 đên đầu tháng 9 năm này, nhà đương cục Đài Loan còn cử Từ Lập Đức, “ Phó Viện trưởng Viện hành chính ” dẫn đoàn khảo sát tình hình kinh tế, thương mại Nam Phi, ký với Nam Phi nhiều hiệp định và bị vong lục hợp tác. Từ Lập Đức còn buột miệng hứa, Đài Loan sẽ viện trợ 5 tỷ USD tiền vốn giúp Nam Phi xây dựng một khu vườn công nghiệp hoá dầu.

Điều có ý nghĩa châm biếm là, lời hứa buột mồm của Từ Lập Đức ngược lại đã làm cho giới doanh nghiệp và chính giới Nam Phi hoài nghi, rốt cuộc thì 5 tỷ USD không phải là một con số nhỏ, nhỏ không đáng kể.


Đột phá chính diện


Bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ 20,người da đen Nam Phi, người da màu và người Châu Phi đã dấy lên một phong trào quần chúng đại quy mô phản đối phân biệt chủng tộc. Nước ta một mực kiên định ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa phản đối chủ nghĩa chủng tộc của nhân dân Nam Phi, coi cuộc đấu tranh phản đối chủ nghĩa chủng tộc của nhân dân Nam Phi là một bộ phận tổ thành của sự nghiệp đại lục Châu Phi giành độc lập dân tộc và giải phóng chính trị, xây dựng và duy trì quan hệ hữu hảo với các tổ chức giải phóng dân tộc Nam Phi như “ Đại hội quốc dân người Châu Phi”, “ Đại hội những người theo chủ nghĩa phiếm Phi Azania” v.v.. Trong tình hình đó, đương nhiên Trung Quốc không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi.

Sau khi chính phủ mới Nam Phi thành lập, Mandela cầm quyền, quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi lẽ ra phải có một đột phá.

Hạ tuần tháng 3 năm 1996, Ngoại trưởng Enzo chính thức thăm Trung Quốc theo lời mời, đây là lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền đến nay, Mandela cử một Bộ trưởng nội các đến Trung Quốc cùng chúng tôi thảo luận vấn đề quan hệ song phương.

Enzo trao cho Chủ tịch Giang Trạch Dân thư của Mandela. Trong thư Mandela nói : “ Dân chủ Nam Phi từ chính quyền trước kế thừa một tình trạng, tức là có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chỉ có quan hệ không chính thức với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi hy vọng thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi đồng ý quan điểm của ngài, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cần phải giải quyết thoả đáng vấn đề Đài Loan. Chúng tôi cho rằng địa vị của Đài Loan về bản chất là thuộc về công việc nội bộ của Trung Quốc, nếu như các ngài yêu cầu, chúng tôi vui lòng dùng bất kỳ phương thức nào giúp giải quyết vấn đề giữa nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan.”

Chủ tịch Giang chân thành nói với Enzo, ngài Tổng thống Mandela biết rằng, bắt đầu từ Chủ tịch Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi phản đối chủ nghĩa chủng tộc. Phản đối kỳ thị chủng tộc, phản đối chủ nghĩa thực dân là chủ trương nhất quán của chúng tôi. Mandela đã ngồi trong trại giam gần 27 năm, tôi khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của ông, nhân dân Trung Quốc cũng rất tôn kính ông. Chúng tôi hiểu được Mandela sau khi càm quyền đã kế thừa “ quan hệ ngoại giao ” của chính quyền trước với Đài Loan và cũng hiểu được tình nghiã hữu hảo của ông đối với nhân dân Trung Quốc. Ở đây tôi không muốn dùng ngôn từ ngoại giao, chỉ muốn trực tiếp, thẳng thắn chân thành nói với Tổng thống Mandela : thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc phải thừa nhận chỉ có một Trung Quốc, chúng tôi không thể tiếp nhận “ công nhận song trùng ”, cũng không muốn từ tay Mandela được người tôn trọng sáng tạo ra tiền lệ này.

Tôi và Enzo cũng cử hành những cuộc hội đàm dài, ông ta thẳng thắn nói cho biết, chính phủ mới Nam Phi đã thừa kế một cục diện khó khăn do chính quyền trước để lại. Để thực thi kế hoạch xây dựng lại và phát triển kinh tế, gia tăng cơ hội có việc làm, giải quyết vấn đề khó thất nghiệp, cần phải đưa vào một lượng tiền vốn lớn, mà Đài Loan đã hứa làm một số hạng mục trong “ kế hoạch xây dựng lại và phát triển ” như xây dựng Trung Tâm bồi dưỡng huấn luyện nghề nghiệp, đổi mới vũ khí trang bị v.v.. Dự tính viện trợ của Đài Loan đạt 300 triệu USD. Đấy là cái mà Nam Phi hiện nay cần gấp. Tiếp đó ông ta chuyển đầu đề câu chuyện nói, Nam Phi không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là rất không bình thường, hy vọng phía Trung Quốc đề xuất kiến nghị minh tri, khiến Nam Phi có thể đi ra khỏi cảnh tiến thoái lưỡng nan, và nói, nhiệm vụ quan trọng nhất của đoàn đại biểu thăm Trung Quốc là lắng nghe những kiến nghị do phía Trung Quốc giúp họ thoát khỏi cảnh khó khăn.

Tôi nhắc lại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Nam Phi cũng như tình hình phát triển quan hệ hai nước mấy năm gần đây. Tôi nói, đặt Trung Tâm nghiên cứu lẫn nhau ở hai nước là do tôi và Ngoại trưởng Botha của chính quyền trước xác định. Lúc đó về mặt phát triển quan hệ hai nước, Nam Phi còn làm được chút việc, chính phủ đoàn kết dân tộc Nam Phi mà ĐHQDNPNP là chủ thể nên làm nhiều hơn so với chính quyền trước. Phía Trung Quốc tin tưởng sâu xa rằng, triển vọng hợp tác về chính trị, kinh tế và công việc quốc tế giữa Trung Quốc và Nam Phi với tư cách là nước lớn có ảnh hưởng tại khu vực mình, là vô cùng rộng lớn. Thực hiện thiết lập quan hệ ngoại giao sớm không chỉ phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước mà còn có ích cho hoà bình và ổn định của thế giới.

Nhằm thẳng vào tâm lý của Nam Phi lo lắng kinh tế bị tổn thất sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tôi nói rõ với họ, phía Trung Quốc không phản đối Nam Phi sau khi lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ kinh tế thương mại với Đài Loan, ngược lại chúng tôi vui lòng nhìn thấy quan hệ kinh tế thương mại giữa Đài Loan và Nam Phi tiếp tục phát triển, thế nhưng loại quan hệ này phải là tính chất dân gian. Tôi biết, quan hệ kinh tế giữa Nam Phi và Hồng Kông vô cùng chặt chẽ, Hồng Kông là người đầu tư châu Á lớn thứ hai của Nam Phi, đường bay từ Nam Phi tới Hồng Kông là một trong những đường bay quan trọng nhất của Viễn Đông, có ý nghĩa trọng đại đối với Nam Phi. Thế rồi tôi lại chỉ ra cho ông ta, tháng 7 năm 1997 Hồng Kông sẽ trở về với tổ quốc, mà giữa Hồng Kông và Nam Phi có qua lại kinh tế rộng lớn. Chúng tôi hy vọng quan hệ hai nước có những tiến triển thực chất, nhằm giúp ích cho việc bảo vệ lợi ích kinh tế lẫn nhau giữa Nam Phi và Hồng Kông.

Lần nói chuyện này khiến Enzo xúc động. Ông ta biểu thị, có một số vấn đề hiểu rõ hơn, sẽ lập tức báo cáo những tình tiết có liên quan lên Tổng thống Mandela, để có thể có quyết đoán sớm.


Mandela hạ quyết tâm lớn


Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1996, Đại hội mậu dịch và phát triển khoá chín của Liên Hợp Quốc cử hành tại Nam Phi, việc này cung cấp cho chúng ta một cơ hội để tiếp xúc lần nữa với người lãnh đạo Nam Phi, Trung ương quyết định do Bộ trưởng Ngô Nghi làm Đoàn trưởng Đoàn đại biểu Kinh tế Mậu dịch của chính phủ Trung Quốc, để bà một lần nữa thương thảo với Tổng thống Mandela và Ngoại trưởng Enzo.

Khi hội kiến với Tổng thống Mandela, Bộ trưởng Ngô Nghi trao thư trả lời của Chủ tịch Giang Trạch Dân cho Mandela. Trong thư Chủ tịch Giang nhắc lại phương châm cơ bản giải quyết vấn đề Đài Loan của chính phủ Trung Quốc và lập trường nguyên tắc về vấn đề hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, biểu thị nhân dân Trun Quốc có năng lực tự chủ thực hiện thống nhất tổ quốc. Từ góc độ kinh tế thương mại Bộ trưởng Ngô Nghi còn thuyết minh thiết lập quan hệ ngoại giao có lợi cho phát triển kinh tế hai nước. Bộ trưởng Ngô Nghi nói, mấy năm gần đây quan hệ kinh tế thương mại hai nước phát triển trong tình hình hai nước chưa có quan hệ ngoại giao và hiệp định kinh tế chính phủ, nếu hai nước thực hiện lập quan hệ ngoại giao sẽ cung cấp cơ sở vững chắc và bảo đảm to lớn cho việc hai nước phát triển toàn diện quan hệ hợp tác hữu hảo. Vì thế hy vọng có thể đứng trên độ cao của thế kỷ 21 dùng tầm mắt nhìn xa thấy rộng của nhà chính trị, nhanh chóng đưa ra quyết sách lập quan hệ ngoại giao với chúng tôi.

Tổng thống Mandela biểu thị, tuyệt đại đa số Uỷ viên Ban Chấp hành QDĐHNPNP đều ủng hộ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bây giờ. Bọn họ đều biết rõ nếu Nam Phi không cắt đứt “ quan hệ ngoại giao ” với Đài Loan thì Trung Quốc không lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi. Nhưng ông lại nói, vấn đề này cần phải thận trọng, hy vọng sẽ xử lý cẩn thận. Nam Phi sẽ cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh và Đài Loan thảo luận việc này. Nam Phi khẩn thiết muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm, nhưng cũng phải thuyết minh với Đài Loan.

Ngày 26 tháng 11 năm đó, Mandela chủ động mời Cố Khâm Nhĩ, Chủ nhiệm Trung Tâm nghiên cứu của nước ta tại Nam Phi cùng ăn cơm trưa. Sau khi yên chỗ ngồi, Mandela nói, ông đã có quyết định, “ cắt đứt quan hệ ngoại giao ” với Đài Loan không chậm hơn cuối năm 1997 và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước CHND Trung Hoa, và nói, trưa ngày hôm nay đã thông báo quyết định đó cho Lục Dĩ Chính, “ đại sứ ” Đài Loan tại Nam Phi.

Chiều ngày hôm sau, Tổng thống Mandela, Ngoại trưởng Enzo và Thứ trưởng Ngoại giao Pabad họp báo, chính thức công bố quyết định này và hy vọng bắt đầu từ tháng 1 năm 1997, tiến hành đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao với phía Trung Quốc.

Ngày 28 tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta phát biểu bài nói, hoan nghênh Tổng thống Nam Phi Mandela đã có biểu thị tích cực về việc bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi, chỉ ra Trung Quốc và Nam Phi đều là quốc gia quan trọng ở châu Á và Châu Phi, hai nước căn cứ vào thông lệ quốc tế, sớm thực hiện bình thường hoá quan hệ quốc gia, là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, sẽ mở ra tiền đồ rộng lớn cho việc hợp tác hữu hảo trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, cũng có lợi cho sự thương thảo và hợp tác trong công việc quốc tế.

Mặc dù nhà đương cục Đài Loan đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước đối với quyết định này của chính phủ mới của Nam Phi, nhưng vẫn cảm thấy sợ hãi kinh hoàng cực lớn. “ Ngoại trưởng ” Đài Loan, Chương Hiếu Nghiêm vội vàng tới Johannesburg, ý đồ vãn hồi cục diện, yêu cầu phía Nam Phi suy xét lại quyết định đó, hoặc là đẩy lùi thời gian cắt đứt quan hệ ngoại giao lại ba năm, còn biểu thị, nếu không thế, phía Đài Loan sẽ có phản ứng mãnh liệt.

Ngày 5 tháng 12 Mandela gửi thư cho Chủ tịch Giang. Trong thư ông đề xuất một cách rõ ràng, Nam Phi sẽ kết thúc “ công nhận ngoại giao ” với Đài Loan từ ngày 31 tháng 12 năm 1997, bây giờ chính là thời cơ thích hợp để Nam Phi tuân theo thông lệ quốc tế, thực hiện quá độ bình ổn bình thường hoá quan hệ với nước CHND Trung Hoa. Ông cũng nói tới, cắt đứt “ quan hệ ngoại giao ” với Đài Loan rõ ràng là Nam Phi đã phải trả giá trọng đại, thế nhưng, Nam Phi tin là, nhanh chóng mở rộng quan hệ với nước CHND Trung Hoa sẽ có khả năng đền bù những tổn thất có khả năng xuất hiện.

Từ bức thư nói trên có thể thấy, Nam Phi đưa ra được quyết định bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc không phải là một việc dễ dàng, vì vậy chúng ta đã nắm chắc thời cơ, tích cực hưởng ứng.

Chủ tịch Giang đã gửi một bức thư trả lời dài cho Tổng thống Mandela, biểu thị tán thưởng quyết định của ông, hy vọng đàm phán về thiết lập quan hệ ngoại giao sắp bắt đầu sẽ thu được thành quả tích cực. Trong thư ông nói, vào lúc giao tiếp thế kỷ, các nhà chính trị trên thế giới đều đang hoạch định chiến lược phát triển tương lai của đất nước mình. Ông vui lòng cùng Tổng thống Mandela nghiên cứu thăm dò làm thế nào đưa quan hệ Trung Quốc, Nam Phi ổn định lâu dài, hợp tác toàn diện tiến vào thế kỷ 21. Cuối cùng, ông mời Tổng thống Mandela vào thời gian thích hợp thăm Trung Quốc lần nữa.

Hạ tuần tháng 1 năm 1997, Cát Bội Định, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao tới Nam Phi tiến hành “ chuyến thăm làm việc ”, cùng Thứ trưởng Ngoại giao Pabad cử hành vòng đàm phán đầu tiên về vấn đề lập quan hệ ngoại giao, trao Tuyên bố và Bị vong lục thiết lập quan hệ ngoại giao mà phía Trung Quốc chuẩn bị. Cát Bội Định lần lượt hội kiến Tổng thống Mandela và Ngoại trưởng Enzo, trao cho họ thư của Chủ tịch Giang Trạch Dân và của tôi. Cát Bội Định còn hội kiến Chủ tịch quốc hội Nam Phi, người lãnh đạo các đảng phái, giới thiệu lập trường và nguyên tắc của phía Trung Quốc. Một lần nữa phía Nam Phi xác nhận sẽ lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không muộn hơn ngày 1 tháng 1 năm 1998, về cơ bản chấp thuận lập trường mà phía Trung Quốc đề xuất trong các văn kiện.

Đó là cuộc đàm phán ngoại giao chính thức đầu tiên, giành được tiến triển rất lớn.

Trong bức thư gửi cho Enzo, tôi tích cực đánh giá từ khi Nam Phi mới ra đời đến nay, đã phát huy tác dụng ngày càng quan trọng tại Châu Phi và trong công việc quốc tế. Tôi nói, trong công việc quốc tế, Trung Quốc và Nam Phi có lợi ích chung rộng lớn. Trung Quốc nguyện trong tình hình quốc tế nhiều biến đổi này, tăng cường thương thảo và hợp tác với Nam Phi. Tôi nói với ông ta, năm 1997 là một năm then chốt vô cùng quan trọng trong phát triển quan hệ Trung Quốc, Nam Phi. Để hoàn thành thuận lợi việc thực hiện sứ mệnh lịch sử bình thường hoá quan hệ hai nước, tôi hoan nghênh ông ta tới thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp trong năm 1997.

Cử hành vòng đàm phán thứ hai về thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi có chậm hơn một chút so với dự định. Ngày 8 tháng 6 Thứ trưởng Ngoại giao Pabad tới Bắc Kinh tiến hành chuyến thăm làm việc. Chuyến thăm làm việc này tổng cộng kéo dài bốn ngày. Cuối cùng hai bên đã đạt được nhất trí về Tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao và Bị vong lục thông cảm nội bộ, và ký tắt vào văn kiện.

Trong văn kiện, Nam Phi xác nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không chậm hơn ngày 31 tháng 12 năm 1997, đồng thời hứa hẹn rõ ràng, sẽ “ cắt quan hệ ngoại giao ”, “ xoá bỏ hiệp ước ”, “ rút sứ quán ”, từ nay trở đi không duy trì “ bất kỳ hình thức quan hệ chính thức nào ” với Đài Loan. Phía chúng ta cũng có những sắp xếp lâm thời đối với lợi ích của Nam Phi tại Hồng Kông, tức từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 1997, tạm thời bảo lưu Tổng lãnh sự quán của Nam Phi tại Hồng Kông, tạm thời không thay đổi sắp xếp hàng không dân dụng Nam Phi - Hồng Kông và đãi ngộ miễn thị thực lẫn nhau. Phía Trung Quốc còn đồng ý máy bay định kỳ trên đường bay đến Nhật Bản của Nam Phi được bay qua vùng trời nước ta. Phía Nam Phi vô cùng hài lòng trước những sắp xếp có liên quan của phía Trung Quốc.

Tháng 9 cùng năm, tôi tới New York tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại tổng bộ Liên Hợp Quốc đã hội kiến Ngoại trưởng Enzo cùng tham gia Đại hội. Lúc này những vấn đề căn bản trong thiết lập quan hệ ngoại giao đã giải quyết xong vì thế không khí cuộc gặp nhẹ nhõm và thoải mái. Chúng tôi đã trao đổi ý kiến về những vấn đề cụ thể như sắp xếp cụ thể tiến trình bình thường hoá quan hệ hai nước, hợp tác giao lưu trong quan hệ song phương, thậm chí đến cả ngôi nhà của sứ quán Nam Phi tại Trung Quốc trong tương lai...

Enzo nói, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nam Phi và Trung Quốc không thể đảo ngược, bây giờ cần phải áp dụng những bước đi cụ thể nhằm bảo đảm trước cuối năm nay thực hiện được việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nuớc. Hai bên xác định do Ngoại trưởng chính thức ký vào văn bản. Vấn đề trước mắt là tìm được một thời gian thích hợp cho cả hai bên. Nếu như đến lúc đó, tôi có thể tới Nam Phi sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt.


Thực hiện thiết lập quan hệ ngoại giao


Ngày 28 tháng 12 năm 1997, theo lời mời của Enzo, tôi chính thức bắt đầu thăm Nam Phi. Ngày 30, tôi và Enzo ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và Bị vong lục thông cảm. Căn cứ vào đó, từ ngày 1 tháng 1 năm 1998 Trung Quốc và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Khi tôi đến Cap Town, Tổng thống Mandela đã đặc biệt ngừng cuộc nghỉ hè ở bên ngoài tỉnh trở về dinh thự ở Cap Town hội kiến và chiêu đãi tôi. Mandela nói, chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Nam Phi cực kỳ quan trọng, Nam Phi hy vọng xây dựng “ quan hệ đối tác chiến lược ” với Trung Quốc. Ông nhớ lại những qua lại với những người lãnh đạo hai nước trong những năm 50, 60 của thế kỷ 20, biểu thị lòng tưởng nhớ và tôn kính, ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo thế hệ trước của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ v.v..

Khi bàn đến sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao, ông tự giải thích với mình nói, khi ĐHQDNPNP thảo luận thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, những người lãnh đạo đều đồng ý thực hiện sớm, chỉ có mình ông do tuổi cao và kiên nhẫn hơn bọn họ một chút. Hiện nay Trung Quốc và Nam Phi đã thiết lập quan hệ ngoại giao, những việc của quá khứ đều qua đi.

Nguyên đán năm 1998 là ngày Trung Quốc và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa đã cử hành lễ khai trương đại sứ quán vào ngày đó. Đại sứ quán là một toà nhà làm việc hai tầng, nằm trên một đường phố chạy theo hướng đông-tây, khu nội thành của thành phố Pretoria. Tham dự lễ khai trương có Ngoại trưởng Enzo, nhân sĩ nổi tiếng các giới Nam Phi, đại biểu người Hoa và Hoa kiều bản địa, cũng như toàn thể nhân viên đại sứ quán. Rất nhiều người đã bỏ lễ đón ngày đầu năm mới, để tham gia hoạt động có ý nghĩa lịch sử này.

9 giờ sáng, tôi tuyên bố Đại sứ quán chính thức khai trương, sau đó đọc lời chào mừng, đồng thời kéo màn che tấm biển đề tên sứ quán. Cờ đỏ năm sao mới tươi, phấp phới tung bay, bản “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (quốc ca Trung Quốc) vang lên trong sân sứ quán. Mọi người chúc mừng lẫn nhau, khắp nơi hân hoan vui vẻ.

Enzo, người đã dốc tâm huyết vì việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã lộ vẻ phấn khởi khác thường, thay mặt Chính phủ Nam Phi biểu thị lời chúc mừng nhiệt liệt với tôi.

Trung Quốc, Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao đã gây ra phản ứng dữ dội trong các giới Nam Phi. ĐHQDNPNP dẫn đầu ra tuyên bố, đánh giá cao việc Mandela tuyên bố quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, “cắt quan hệ ngoại giao” với Đài Loan, đảng Dân chủ, chính đảng của người da trắng Nam Phi cũng cho rằng, xuất phát từ hiện thực chính trị quốc tế và lợi ích kinh tế lâu dài của Nam Phi, thiết lập quan hê ngoại giao giữa Nam Phi và nước CHND Trung Hoa là không thể tránh khỏi ; “Tinh báo” tờ báo lớn nổi tiếng Nam Phi đã phát biểu bình luận với nhan đề “ Cuối cùng đã có chính sách một Trung Quốc”, chỉ ra, tiềm lực phát triển to lớn của thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc với tư cách là nước Thường trực Hội đồng Bảo an, đã khiến thế giới công nhận Trung Quốc từ sớm, Nam Phi ngoài việc đi theo trào lưu thế giới ra, không còn sự lựa chọn nào khác.

Đông đảo xã hội thế giới cũng đánh giá tốt, nhiều quốc gia Châu Phi ca ngợi, đó là một đại thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc. Việc này không chỉ là một việc lớn trong lịch sử quan hệ Trung Quốc, Nam Phi, mà cũng là một việc lớn trong lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi. Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, về mặt chính trị đã có được một người bạn lớn mạnh, đồng thời cũng được một đối tác kinh tế không thể coi thường. Một số giới truyền thông chỉ ra, Trung Quốc và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao đã làm cho nhà đương cục Đài Loan mất đi một “ nước có quan hệ ngoại giao ” lớn nhất và mất một cột chống ngoại giao quan trọng tại Châu Phi, “ ngoại giao vụ thực ” của Đài Loan vì thế một lần nữa phải chịu một đòn đả kích nặng nề.

Trong một năm kể từ ngày 27 tháng 11 năm 1996, Mandela tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đến lúc “đại sứ quán ” của Đài Loan tại Nam Phi hạ cờ gỡ biển, “ cơ cấu ngoại giao ” của Đài Loan và nhân viên của họ luôn luôn bị một bầu không khí bi thương bao chùm. Lục Chính Nhất, 73 tuổi đã từng được Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc, Nghiêm Gia Kiềm và Lý Đăng Huy trọng dụng, là tứ triều nguyên lão trong “ giới ngoại giao ” Đài Loan. Người này đã từng ra sức ngăn cản Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng đã kết thúc bằng thất bại.

Đó là xu thế lớn của thế giới ngày nay, không ai có thể ngăn cản được.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss