Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Mưởi câu chuyện ngoại giao / Mười câu chuyện ngoại giao (9)

Mười câu chuyện ngoại giao (9)

- Tiền Kì Thâm — published 31/05/2009 23:00, cập nhật lần cuối 31/05/2009 20:54
Làm căng với Pháp và Mĩ về quan hệ với Đài Loan


Mười câu chuyện ngoại giao (9)



HAI LẦN ĐẤU TRANH
NGOẠI GIAO
LIÊN QUAN TỚI ĐÀI LOAN



Tiền Kì Tham


Người dịch : Trần Hữu Nghĩa  Dương Quốc Anh

Người hiệu đính : Dương Danh Dy

CÁC PHẦN TRƯỚC :

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8)

 

Mọi nước lớn trên thế giới đều hứa thi hành chính sách một Trung Quốc, nhưng vấn đề Đài Loan luôn luôn là một tiêu điển đấu tranh ngoại giao của Trung Quốc. Dưới sự xúi giục của các thế lực chống Trung Quốc, một số ít quốc gia thường có một số hành động trái với lời hứa. Nước Pháp bán vũ khí cho Đài Loan năm 1991-1992 và nước Mỹ cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ năm 1995 dẫn đến đấu tranh ngoại giao là hai ví dụ nổi bật.


Nước Pháp bán vũ khí cho Đài Loan


Sóng gió trong tiệc rượu


Pháp là nước lớn phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta sớm nhất. Trong gần 40 năm qua lại, quan hệ Trung, Pháp luôn luôn phát triển tương đối thuận lợi. Thế nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nước Phát đột ngột hai lần bán vũ khí cho Đài Loan, làm cho quan hệ hai nước một dạo cực kỳ căng thẳng, tạo thành tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ hữu hảo lâu dài giữa Trung, Pháp.

Tháng 4 năm 1991, Roland Dumas, ngoại trưởng Pháp thăm Trung Quốc. Với tư cách là quan chức cao nhất của chính phủ Pháp thăm Trung Quốc sau cơn sóng gió chính trị năm 1989, tôi đã tiếp đón ông ta với quy cách cao nhất.

Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng đã lần lượt hội kiến ông ta, tôi cùng ông ta tiến hành hội đàm dài, quan hệ Trung-Pháp đang khôi phục.

Không ngờ trong buổi tiệc rượu do Martin, đại sứ Pháp tại Trung Quốc cử hành nhân chuyến thăm Trung Quốc của Dumas, ông ta đã mời mình tôi nói chuyện riêng, làm như vô tình đề xuất vấn đề nước Pháp định bán tầu hộ vệ cho Đài Loan.

Hành động đó của Dumas khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ. Vấn đề nước Pháp có ý đồ muốn bán vũ khí cho Đài Loan đã từng xuất hiện từ năm 1989, sau này do phía Trung Quốc làm công tác, nước Pháp mới chính thức quyết định không bán cho Đài Loan loại trang bị quân sự đó nữa, đồng thời bản thân Ngoại trưởng Dumas, ngày 6 tháng 1 năm 1990 đã trực tiếp hứa với Chu Giác, đại sứ Trung Quốc tại Pháp : “ Lãnh đạo tối cao quốc gia Pháp quyết định, Pháp sẽ không tiếp tục buôn bán quân hạm với Đài Loan nữa.” Thế mà mới chỉ được hơn một năm, trong lúc quan hệ Trung - Pháp đang được khôi phục và cải thiện, vì sao Ngoại trưởng Dumas lại đề xuất lại chuyện cũ ?

Với tư cách là ngoại trưởng rõ ràng là Dumas biết rõ tính nhạy cảm và tính nghiêm trọng của vấn đề này, và cũng hiểu rất rõ lập trường kiên định của chính phủ Trung Quốc trên vấn đề này. Trước chuyến thăm Trung Quốc lần này, phía Pháp không hề để lộ bất kỳ tin tức nào liên quan tới việc này, khi hội đàm chính thức với tôi cùng không đề cập đến sự kiện đó. Điều này đương nhiên là để tránh đấu tranh trực tiếp. Không khí trong tiệc rượu dù sao cũng thoải mái, tuỳ tiện một chút, Dumas muốn tiến hành trước một số thăm dò thử.

Dumas nói, cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, các nước cũng đang tiến hành điều chỉnh chính sách về vấn đề Đài Loan. Nước Pháp cho rằng thời cơ làm ăn với Đài Loan đã chín muồi. Nước Pháp chuẩn bị hợp tác với Đài Loan trong các hạng mục như bảo vệ môi trường, xử lý nước bẩn, xe lửa tốc độ cao, tầu hộ vệ v.v... Thế nhưng nước Pháp sẽ không bán cho Đài Loan trang bị quân sự có tính tiến công không lợi cho Trung Quốc, như máy bay chiến đấu. Điều này rõ ràng là nói cho có chuyện.

Tiếp đó Dumas giải thích, nước Pháp dự tính bán tầu hộ vệ cho Đài Loan, có hai suy nghĩ : một là tầu hộ vệ có tính phòng ngự, không có tính tiến công. Khoản làm ăn này đối với các nhà máy đóng tầu của Pháp mà nói là một phi vụ buôn bán lớn. Hai là, nước Mỹ đã bán cho Đài Loan bốn tầu hộ vệ, với tư cách là quốc gia có chủ quyền, nước Pháp không nên chịu sự phân biệt đối xử trong vấn đề này. Không thể để nước Mỹ một mình chiếm lợi, phát tài riêng.

Để bán vũ khí cho Đài Loan, ngoại trưởng Pháp đã ngang nhiên bầy tỏ thái độ chống Mỹ, lại còn dùng câu nói “ cùng hưởng lợi ích ” của người Mỹ năm đó làm lý do.

Mặc dù tiệc rượu không phải là nơi bàn cãi, tôi vẫn cảm thấy, cần thiết phải biểu thị rõ lập trường nghiêm chỉnh của phía Trung Quốc về việc này. Tôi nói, lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là vô cùng rõ ràng, chúng tôi không dị nghị trước việc làm ăn kiếm tiền giữa Pháp và Đài Loan, nhưng bán vũ khí cho Đài Loan liên quan đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đó là vấn đề nguyên tắc. Còn về vấn đề nước Mỹ bán vũ khí, là vấn đề do lịch sử để lại. Trước đây, nuớc Mỹ có quân đội đóng ở Đài Loan, ký hiệp nghị quân sự với Đài Loan, khi Trung, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đã đạt được hiệp nghị nước Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, xoá bỏ hiệp ước, rút quân ; còn việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vấn đề còn lại. Từ năm 1979 đến năm 1982, trải qua ba năm đàm phán, hai bên Trung - Mỹ đã đạt được hiệp nghị, đưa ra hàng loạt hạn chế đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có một điều là giảm dần hàng năm, cuối cùng chấm dứt.

Rõ ràng là Dumas không muốn tiếp nhận những giải thích cuả tôi, với vẻ oán thán, ông ta già mồm át lẽ phải, nói Mỹ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, có thể thông qua ký hiệp nghị bán vũ khí cho Đài Loan, còn Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm hơn Mỹ nhiều, chẳng lẽ vì lúc đó chưa ký hiệp định bán vũ khí cho Đài Loan nên bây giờ không thể bán vũ khí cho Đài Loan được à !

Những lời nói đó của Dumas làm tôi cảm thấy, việc ông ta nói bán tầu hộ vệ cho Đài Loan trong tiệc rượu, không phải là nói tuỳ tiện, cũng không phải là sự thăm dò nói chung, mà là sự sắp xếp hết lòng. Không khí thoải mái trong tiệc rượu không thể che giấu tình hình nghiêm trọng của vấn đề này.

Từ những tình hình hiểu được sau đó biết rằng trước khi thăm Trung Quốc Ngoại trưởng Dumas đã thảo luận đầy đủ với Tổng thống Mitterrand rồi, ý đồ của chính phủ Pháp rất rõ ràng.

Thế là tôi chỉ thị cho Đại sứ quán tại Pháp và Bộ Ngoại giao, nhanh chóng tiến hành giao thiệp với các mặt có liên quan của nước Pháp. Ngày 7 tháng 5 năm 1991, Thái Phương Bách, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, hẹn gặp gấp Bianco, Tổng thư kí Phủ Tổng thống Pháp, Ripert cố vấn đối ngoại Thủ tướng, Scheer Tổng thư kí Bộ Ngoại giao, đề xuất giao thiệp nghiêm chỉnh việc nước Pháp đang tính toán lại việc bán quân hạm cho Đài Loan.

Ngày 9 tháng 5, Đỗ Quế Vinh, Vụ trưởng Vụ Tây Âu Bộ Ngoại giao hẹn gặp gấp Chesnel, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, ngày 17, Khương Ân Trụ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mời gặp gấp Martin, đại sứ Pháp tại Trung Quốc, lần lượt đề xuất giao thiệp cứng rắn việc Pháp định bán quân hạm cho Đài Loan, yêu cầu phía Pháp tuân thủ trung thành lời hứa đầu năm 1990 của Ngoại trưởng Dumas với phía Trung Quốc, không thực hiện quyết định sai lầm bán quân hạm cho Đài Loan.

Trước sự giao thiệp của phía Trung Quốc, phán ứng của mấy vị quan chức phía Pháp đại đồng tiểu dị. Trước tiên nói, đó là sự suy tính từ lợi ích kinh tế, bán quân hạm cho Đài Loan là điều rất quan trọng. Sau đó nói, xét từ góc độ quân sự thấy, tầu hộ vệ chỉ có tính phòng ngự, không tạo thành uy hiếp với Trung Quốc đại lục. Rồi lại lấy nước Mỹ ra làm lá chắn. Nói nào là nước Mỹ có thể bán vũ khí cho Đài Loan vì sao nước Pháp lại không thể ? Cuối cùng bào chữa, bán quân hạm cho Đài Loan mới là ý định, chưa phải là quyết định cuối cùng.

Ngày 1 tháng 6 năm 1991, Thủ tướng Lý Bằng hội kiến và chiêu đãi, đoàn De Georges, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Electral Motor Pháp. Thủ tướng Lý chú trọng nói về vấn đề Pháp bán vũ khí cho Đài Loam, nhờ Chủ tịch Hội đồng quản trị, De Georges sau khi về nước chuyển giao cho các nhà lãnh đạo nước Pháp tin : người lãmh đạo Trung Quốc tôn trọng quan hệ Trung, Pháp nhưng kiên quyết phản đối Pháp bán vũ khí cho Đài Loan.

Thủ tướng Lý Bằng nói, Trung Quốc không dị nghị đối với việc các nước Tây Âu bao gồm nước Pháp, có quan hệ kinh tế thương mại với Đài Loan, nhưng phải chú ý hai điểm : một là sự qua lại kinh tế đó chỉ có thể mang tính chất không chính thức, là dân gian ; hai là, sự qua lại đó không thể bao gồm mậu dịch vũ khí, bởi vì bán vũ khí liên quan tới vấn đề phòng vụ.

Sau này, De Georges nhớ lại nói, sau bữa tiệc tối của Thủ tướng Lý Bằng ông ta lập tức gọi điện thoại thông báo tin tức trên cho các nhân sĩ cấp cao có liên quan ở nước Pháp. Ngày 6 tháng 6 sau khi về tới Paris, ngay tối hôm đó ông ta đã báo cáo tỉ mí với chính phủ Pháp.

Thế nhưng sự việc đã biến chuyển gấp, phát triển theo phương hướng mà phía Trung Quốc không muốn nhìn thấy.

Ngày 6 tháng 6 Dumas gửi thư cho tôi, thông báo vấn đề Pháp bán quân hạm cho Đài Loan như sau : chính phủ Pháp không phản đối thương nhân Pháp và thương nhân Đài Loan tiến hành đàm phán về việc Pháp bán tầu hộ vệ cho quần đảo Đài Loan, phạm vi đàm phán gồm thân tầu và không bao gồm thiết bị trên tầu, vũ khí. Phía Pháp đưa ra quyết định này là đã trải qua suy tính thận trọng đồng thời chú ý đến những lo lắng của phía Trung Quốc về an ninh hợp lý của mình. Đây là một hành vi thương mại thuần tuý, không liên quan đến bất kỳ quan hệ chính thức nào của nhà đương cục Đài Loan. Chính phủ Pháp nhấn mạnh, việc chấp hành quyết định này, bất kể như thế nào đều không tổn hại đến lập trường nhất quán của Pháp công nhận chính phủ Bắc Kinh là chính phủ Trung Quốc duy nhất, hợp pháp.


“ Tin tức xấu xa tầu Lafayette ”


Trong tình hình cùng là một Tổng thống, cùng là một Ngoại trưởng cùng là chính phủ do Đảng xã hội cầm quyền, vì sao nước Pháp lại có thể thay đổi lời hứa “ không tiếp tục buôn bán quân hạm với Đài Loan ” như vừa đưa ra một năm trước ?

Kể từ ngày 30 tháng 4 khi Dumas lần đầu tiên đề cập với tôi việc này, đến ngày 6 tháng 6 thông báo với tôi quyết nghị chính thức của phía Pháp, chỉ cách nhau có 36 ngày, rõ ràng là đã lộ ra sự nóng vội không chờ được nữa.

Vì sao chính phủ Pháp lại vội vàng đưa ra một quyết định trọng đại như vậy, một quyết định biết rõ là tất nhiên sẽ dẫn tới những bất mãn dữ dội của phía Trung Quốc, một quyết định có thể dẫn tới sự thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ hai nước ?

Nói một cách thẳng thắn, lúc đó chúng tôi vốn không rõ lắm, chỉ cảm thấy ở giữa có cái gì kỳ quặc. Sau này mới phát hiện, đằng sau việc Pháp bán vũ khí cho Đài Loan có một tin tức xấu xa lớn được gọi là “ tin tức xấu xa Lafayette ”. Đám mây nghi ngờ chùm lên tin tức xấu xa này đến nay vẫn chưa hoàn toàn tan hết.

Cuối năm 1993, một thi thể trôi trên mặt biển vùng ngoại Tô Áo Đài Loan. Qua kiểm tra, biết người chết là Doãn Thanh Phong, thượng tá mất tích của “Tổng bộ hải quân” Đài Loan. Cái chết của Doãn Thanh Phong đã làm cho vụ án làm rối kỷ cương trọng đại Pháp bán vũ khí cho Đài Loan nổi lên trên mặt nước.

Theo tin đã đưa, tháng 9 năm 1993, Doãn Thanh Phong đã đi Pháp, kiểm nghiệm tầu hộ vệ “ Lafayette ”, phát hiện được 34 chỗ chưa hoàn bị, do đó phản đối kế hoạch mua tầu. Không ngờ ngày 9 tháng 12 năm đó ông ta mất tích.

Sau khi vụ án mạng Doãn Thanh Phong được đưa ra ánh sáng, phía Đài Loan và Pháp đều thành lập cơ cấu riêng tiến hành điều tra, cho đến nay vẫn chưa triệt để vén được bức màn bên trong vụ án làm rối kỷ cương đan xen phức tạp này. Nhưng từ những đầu mối đã có thấy, vụ án này không chỉ liên quan đến khoản tiền to lớn, mà còn liên quan đến những “ nhân vật chính trị ” tầng lớp cao của Pháp, Đài Loan.

Theo giới truyền thông Đài Loan tiết lộ, năm 1991 nước Pháp bán cho Đài Loan sáu tầu hộ vệ. Tổng giá trị vốn định là 11 tỷ franc nhưng giá giao cuối cùng lên tới 16 tỷ franc (ước khoảng 2,7 tỷ USD). Giá đó cao hơn ba lần giá tầu hộ vệ “Lafayette” mà Singapore mua với cùng số lượng như vậy.

Người đương sự chủ yếu của vụ án bán hàng quân sự này năm đó, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Dumas, năm 2001 khi tiếp nhận phỏng vấn của báo “Le Figaro” đã biểu thị, khoản tiền bí mật dùng trong vụ án bán vũ khí quân sự “Lafayette” cao tới 500 triệu USD, không ít nhân sĩ giới chính trị Pháp được lợi.

Bản thân Dumas cũng do bị nghi ngờ liên quan đến vụ án hối lộ này, tháng 1 năm 2001, đã bị cơ quan tư pháp Pháp kết án tù hai năm rưỡi, hoãn chấp hành hai năm.

Tin xấu xa này đã lôi ra một người đàn bà tự xưng là “ kỹ nữ của nước Cộng hoà ”. Đó là bà Devier Joncourt, nghe nói là tình nhân của Ngoại trưởng Dumas. Người phụ nữ không tầm thường này, năm 1991 đã từng giữ chức cố vấn đặc biệt của Công ty dầu lửa Elf nước Pháp. Theo tin đưa của giới truyền thông Pháp, để mở thông con đường bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, biết mối “quan hệ đặc biệt” giữa Dumas và bà Devier Joncourt, Công ty Thomson, nhà chế tạo tầu hộ vệ “Lafayette” đã dùng tiền thù lao 6 triệu USD ký hợp đồng với Công Ty Elf, nhờ bà Devier Joncourt du thuyết những nhân vật then chốt của chính phủ Pháp.

Không biết cuối cùng là nữ sắc hay kim tiền phát huy tác dụng, người ngoài không biết được. Điều hiện nay người ta biết là, Ngoại trưởng Dumas mặt mũi nghiêm trang năm đó, sau này do vụ án “ xấu xa ‘Lafayette’ ” mà việc quan tư chẳng rời thân, mãi đến tháng 1 năm 2003, Toà án tối cao Paris Pháp mới thay đổi xử là Dumas vô tội, nhưng vẫn duy trì phán quyết bà Devier Joncourt hai năm ruỡi tù.

Phía Đài Loan, tình hình vụ án do giới truyền thông tiết lộ càng lẫn lộn khó phân biệt hơn, một đám mây mù hơn còn đầy vị tanh của máu. Ngoài Doãn Thanh Phong ra, chí ít còn có bẩy người do biết tình hình mà gửi mạng suối vàng, trong đó có nhân viên tình báo, “ quan chức chính phủ ”, người chủ quản nghiệp vụ ngân hàng v.v..

Vụ án này đã trở thành tài liệu nguyên thuỷ chính trị để các đảng, phái trên hòn đảo này công kích lẫn nhau. Hách Bá Thôn “ Tổng tham mưu trưởng ” Đài Loan năm đó trong Nhật ký Tổng tham mưu trưởng của mình tiết lộ, một số nhân vật tầng lớp cao Đài Loan là người biết tình hình đương thời.

Lý Đăng Huy người luôn luôn nói không có quan hệ thì ra sức muốn làm cho sự việc càng rởn gáy hơn. Tháng 11 năm 2001, khi tiếp nhận hỏi han của tổ điều tra ông ta tung tin, mua quân hạm “ Lafayette ” là do Hách Bá Thôn, nguyên “ Tổng tham mưu trưởng ”, Diệp Xương Đồng, nguyên “ Tư lệnh hải quân ” v.v.. lừa gạt “ Thống soái ” rồi tự đưa ra quyết định. Năm đó nếu như ông ta không đồng ý phi vụ mua bán này thì “ Đài Loan nhất định phát sinh đảo chính ”.

Bản thân Lý Đăng Huy đóng loại vai gì trong vụ án làm rối kỷ cương này, tin là cuối cùng thời gian sẽ vén được lớp sương mù dầy đặc của lịch sử.


Thương thảo Trung - Pháp


Suy tính tới mấy lời hứa của Ngoại trưởng pháp Dumas trong thư gửi cho tôi ngày 6 tháng 6, về việc bán quân hạm cho Đài Loan, chúng ta đề xuất với phía Pháp, vui lòng thương thảo việc này.

Tất nhiên, chúng ta rất rõ là thương thảo đã không thể thay đổi quyết định của chính phủ, thế nhưng chúng ta có thể thông qua thương thảo trình bầy lập trường rõ hơn nữa cho phía Pháp hiểu được lợi hại, ngăn chặn việc từ nay về sau càng đi càng xa trên con đường nguy hiểm đó. Đồng thời còn có thể thương thảo được một số biện pháp có tính kỹ thuật, tận khả năng giảm nhỏ tổn thất tạo ra do quyết định sai lầm của phía Pháp.

Ngày 7 tháng 6, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Khương Ân Trụ mời gặp gấp Martin, đại sứ Pháp tại Trung Quốc, biểu thị cảm thấy kinh ngạc trước quyết định của phía Pháp, yêu cầu phía Pháp lập tức thay đổi quyết định bán quân hạm cho Đài Loan, đồng thời kiến nghị hai nước Trung, Pháp nhanh chóng cử hành thương thảo vấn đề này. Để bảo đảm thương thảo tiến hành không bị quấy rối, phía Trung Quốc yêu cầu phía Pháp trong thời gian thương thảo không tiết lộ ra bên ngoài biết việc bán quân hạm cho Đài Loan.

Cùng ngày đại sứ Thái Phương Bá cũng đề xuất với Kessedjian Chủ nhiệm văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp kiến nghị giống như vậy.

Phía Pháp trước tiên lấy cớ “ quyết định đã đưa ra, không cần phải bàn nữa ”, từ chối thương thảo với phía Trung Quốc việc bán quân hạm cho Đài Loan. Phía Pháp lo ngại, trong thương thảo hai bên, sẽ phải đối mặt với sức ép to lớn của phía Trung Quốc, làm không khéo sẽ hỏng mất hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan có mức làm ăn cao tới hơn 2 tỷ USD, khiến “ con vịt đang luộc ” bay đi mất. Sau này, lại sợ nếu cứng rắn với Trung Quốc thật, có thể dẫn đến quan hệ hai nước thụt lùi nghiêm trọng nên đã sử dụng sách lược ứng phó qua loa để đối phó với phía Trung Quốc.

Ngày 11 tháng 6, nước Pháp chính thức trả lời đồng ý thương thảo với phía Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 6 năm 1991, Điền Tăng Bồi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn đoàn đại biểu Trung Quốc đi Paris, cùng phía Pháp tiến hành thương thảo vấn đề Pháp bán quân hạm cho Đài Loan.

Trong thương thảo, phía chúng ta vẫn cố sức thuyết phục nước Pháp, xuất phát từ cục diện lớn của quan hệ hai nước Trung - Pháp, thay đổi quyết định bán quân hạm cho Đài Loan. Thái độ của phía Pháp ngoan cố, cứng rắn.

Trước tình hình đó, điểm để mắt chủ yếu của lần thương thảo này được đặt tại chỗ làm thế nào khống chế và giảm nhỏ ảnh hưởng tiêu cực có khả năng tạo ra do quyết định sai lầm của phía Pháp. Phía Trung Quốc yêu cầu chính phủ Pháp khi công bố tin phê chuẩn xí nghiệp Pháp bán tầu hộ vệ cho Đài Loan, phát biểu một bản tuyên bố, nhắc lại chính sách của Pháp đối với Trung Quốc, đặc biệt là lập trường trên vấn đề Đài Loan.

Trải qua đấu tranh nhiều lần, phía Pháp đồng ý phát biểu bản tuyên bố đó, đồng thời thanh minh : “ Chính phủ Pháp quyết định phê chuẩn các nhà công nghiệp nước Pháp tiến hành đàm phán với Đài Loan về việc bán thân tầu hộ vệ không trang bị vũ khí. Đây là một hạng mục giao dịch thuơng mại thuần tuý, không có nghĩa là phát sinh bất kỳ quan hệ chính thức nào đó với nhà đương cục Đài Loan. Khi chính phủ Pháp đưa ra quyết định đã suy tính tới sự quan tâm cua Trung Quốc đó với an ninh và lãnh thổ hoàn chỉnh của họ. Nước Pháp nhắc lại trình bầy trong tuyên bố chung Pháp Trung tháng 1 năm 1964, tức chính phủ nước CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Nước Pháp sẽ tiếp tục để sức vào việc phát triển quan hệ hữu hảo trên các lĩnh vực với chính phủ nước CHND Trung Hoa.

Ngoài việc phát biểu tuyên bố trên ra, ngày 4 tháng 7, khi hội kiến Thứ trưởng, Ngoại trưởng Dumas một lần nữa phát biểu miệng, xác nhận mấy nguyên tắc xử lý quan hệ Pháp, Đài Loan : “ Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc, nước Pháp không thay đổi lập trường đó, tức không phát sinh bất kỳ quan hệ chính thức nào và tiến hành bất kỳ tiếp xúc chính thức nào với Đài Loan; khi phát triển mậu dịch với hòn đảo này, nước Pháp không có ý ảnh hưởng tới tình trạng an ninh của eo biển Đài Loan.”

Trải qua thương thảo gian khổ, chúng ta và phía Pháp đã đạt được “ sự hiểu biết ở giới hạn thấp nhất ”, có tác dụng ràng buộc ở mức độ nào đó trên vấn đề Pháp bán vũ khí cho Đài Loan. Mục đích làm như vậy là, một mặt tránh cho quan hệ Trung - Pháp thụt lùi toàn diện và ổn định được quan hệ Trung - Pháp, có tác dụng trọng đại trong việc thúc đẩy nước ta cải thiện quan hệ với các nước lớn phương Tây, cũng như kiềm chế con đường hiệu quả của “ ngoại giao vụ thực ” Đài Loan ; mặt khác, thông qua thương thảo, phía Trung Quốc đã bầy tỏ rõ được lập trường kiên trì phản đối bán vũ khí cho Đài Loan.


Lại bán “ Mirage ”


Rõ ràng là chính phủ Pháp đương thời đã đánh giá sai lầm lập trường nguyên tắc và lòng kiên nhẫn có giới hạn của phía Trung Quốc, nên không nghĩ đến việc dừng lại mà được đằng chân lại lân đằng đầu.

Ngày 31 tháng 1 năm 1992, khi gặp tôi tại Hội đồng Báo an Liên Hợp Quốc, Dumas ngoại trưởng Pháp lại đề xuất nước Pháp đang suy xét tới việc bán cho Đài Loan máy bay chiến đấu “ Mirage 2000 ” có tính năng tiên tiến. Thời gian này chỉ cách ngày 4 tháng 7 năm 1991, khi ngoại trưởng Dumas đưa ra những lời hứa có liên quan trong hội kiến Thứ trưởng Ngoại giao Điền Tăng Bồi và ngày 27 tháng 8 năm 1991 khi Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố còn chưa tới nửa năm. Lời nói cón văng vẳng bên tai, nét mực vẫn chưa khô, mà chính quyền Pháp đã bội tín bội nghĩa muốn diễn lại mánh khoé cũ.

Máy bay chiến đấu “ Mirage 2000 ” không phải là loại vũ khí thông thường, mà là vũ khí có tính tiến công, hiệu quả tác chiến tương đối cao. Khi bán quân hạm, nước Pháp đã từng bào chữa, nói tầu hộ vệ là vũ khí có tính phòng ngự, nước Pháp không bán máy bay có tính tấn công cho Đài Loan. Bây giờ, lại muốn bán máy bay chiến đấu “ Mirage ” cho Đài Loan, nên lời nói qua loa trước đây cũng không cần nữa.

Để ngăn chặn nước Pháp bán máy bay chiến đấu “ Mirage ” cho Đài Loan, phía Trung Quốc lập tức sử dụng một số biện pháp. Trước tiên đề xuất nghiêm chỉnh giao thiệp với phía Pháp, chỉ ra tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, biểu thị phía Trung Quốc quyết không tha thứ. Đồng thời còn tích cực áp dụng biện pháp đáp lại vấn đề gọi là “ mậu dịch của Pháp với Trung Quốc bị mất cân bằng nghiêm trọng ” do Pháp đề xuất. Phía Trung Quốc cử đoàn đại biểu kinh tế thương mại thăm Pháp, biểu thị rõ ràng, nếu phía Pháp bỏ không bán máy bay chiến đấu “ Mirage ” cho Đài Loan nữa, phía Trung Quốc sẽ cử phái đoàn nhập khẩu tới Pháp, ký một loạt hạng mục hợp tác đồng thời có thể dùng tiền mặt mua 2 tỷ USD sản phẩm của Pháp. Đoàn đại biểu còn đưa cho phía Pháp một danh mục có thể hợp tác với phía Pháp, gồm 8 loại lớn, 50 hạng mục, tổng kim ngạch đạt 15,4 tỷ USD .

Trước những giao thiệp của phía Trung Quốc, chính phủ Pháp vẫn không động lòng, không thấy những cố gắng vì sự ổn định và phát triển quan hệ Trung - Pháp của phía Trung Quốc, kiên trì lập trường bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan.

Ngày 18 tháng 11 năm 1992, Thông tấn xã Pháp dẫn tin của phía Đài Loan, nói, ngày hôm nay Pháp, Đài Loan đã ký hợp đồng Pháp bán cho Đài Loan 60 máy bay chiến đấu kiểu “ Mirage 2000 ”, nhưng xuất phát từ tính toán ngoại giao, hai bên đều không công bố việc này.

Đến ngày 22 tháng 12, phía Pháp mới chính thức trả lời cho đại sứ quán nước ta tại Pháp : chính phủ Pháp đã quyết định phê chuẩn cho xí nghiệp Pháp bán cho Đài Loan 60 máy bay kiểu phòng ngự “ Mirage 2000-5 ”, đồng thời biểu thị, phía Pháp đã làm những hạn chế kỹ thuật cần thiết đối với máy bay, máy bay có tính phòng ngự, không có trang bị tiếp dầu trên không, không lắp tên lửa không đối đất, không tạo thành sự đe doạ đối với toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.

Phía Pháp còn bào chữa, hợp đồng này thuộc loại hành vi thương mại nói chung. Nước Pháp phản đối bất kỳ sự kỳ thị nào trên bất kỳ thị trường nào. Nếu như Mỹ có thể bán vũ khí cho Đài Loan, vì sao nước Pháp lại không thể ? Mậu dịch của Pháp với Trung Quốc tồn tại thâm hụt rất lớn. Công nghiệp hàng không Pháp đang ở trong cảnh ngộ khó khăn, cần phải tìm đường ra.

Chính phủ của đảng Xã hội Pháp lúc này đang đứng trước tổng tuyển cử trong nước, nên chỉ biết nói mà không giữ chữ tín, sống mái một trận muốn vơ vét lợi ích thực trước mắt, dùng hợp đồng bán 60 máy bay chiến đấu “ Mirage 2000-5 ” trị giá gần 4 tỷ USD làm “ thành tích ” cầm quyền của mình. Còn trong tầng lớp quyết sách của Pháp lúc đó còn không ít người, thậm chí coi cách làm chiếu cố đại cục quan hệ Trung - Pháp của phía Trung Quốc trong việc Pháp bán quân hạm cho Đài Loan là mềm yếu có thể bắt nạt, cho rằng Trung Quốc có thể nuốt được chén rượu đắng Pháp bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan.

Cách tính toán theo ý mùnh của Pháp đã sai lầm. Phía Trung Quốc bắt đầu phản ứng mà trình độ dữ dội đã hoàn toàn vượt khỏi dự tính của phía Pháp.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố : huỷ bỏ bộ phận hạng mục hợp tác loại lớn trong hiệp nghị giữa Trung Quốc và Pháp như đường xe điện ngầm Quảng Châu, công trình kỳ hai của nhà máy điện hạt nhân vịnh Đại Á, mua lúa mì của Pháp v.v..; không cùng nước Pháp thương lượng hạng mục hợp tác mậu dịch trọng dại, khống chế nghiêm khắc qua lại từ cấp thứ trưởng trở lên của hai nước ; lập tức đóng cửa Tổng lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu.

Những hành động ngoại giao này, làm cho chính phủ của đảng Xã hội Pháp bị đả kích nặng nè, bắt đầu cảm thấy đau.


Thay đàn đổi dây


Tháng 3 năm 1993, chính phủ của đảng Xã hội Pháp thất bại trong bầu cử, Lực lượng Liên minh Cộng hoà bảo vệ cánh hữu thay thế, lập chính phủ mới.

Chính phủ mới vừa lên cầm quyền liền tìm kiếm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ngày 5 tháng 5, Alain Juppé ngoại trưởng mới nước Pháp gửi cho tôi một bức thư. Trong thư nói, “ người đứng đầu chính phủ khoá mới của Pháp cho rằng cần thiết lập tức bắt đầu tiến hành suy ngẫm về tình hìnhquan hệ Trung - Pháp, suy ngẫm này xuất phát từ suy tính kỳ vọng đương nhiên là xây dựng đoàn kết hữu hảo với Trung Quốc, là dựa trên việc chúng tôi nhận thức đầy đủ tác dụng quan trọng mà quý quốc đang phát huy trên thế giới, là dựa theo ý nguyện muốn khôi phục quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng và tín nhiệm lẫn nhau.

Trong thư gửi Thủ tướng Lý Bằng ngày 1 tháng 6, Thủ tướng Edouard Balladur hy vọng cử đặc phái viên tới thương lượng việc khôi phục quan hệ hai nước.

Đương nhiên, quan hệ Trung - Pháp muốn khôi phục bình thường đòi hỏi phía Pháp phải đưa ra được thành ý đầy đủ, giải quyết vấn đề mà phía Trung Quốc quan tâm, trong đó điều quan trọng nhất là đối xử như thế nào với những giao dịch vũ khí bán cho Đài Loan của chính phủ trước, cũng như từ nay trở đi chính phủ mới của Pháp xử lý như thế nào việc bán vũ khí cho Đài Loan. Giải quyết tốt hai vấn đề này, phát triển quan hệ Trung - Pháp sẽ có tiền đồ rộng rãi.

Xoay quanh vấn đề cải thiện quan hệ Trung - Pháp, thủ tướng Pháp Balladur trong tháng 7 và tháng 12 năm 1993 đã hai lần cử đặc sứ Friedman tới Trung Quốc thương thảo.

Friedman lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm của nước Pháp, không phải là viên chức chính phủ. Ông ta là đồng học và bạn thân của tổng thống Chirac đương nhiệm, lại có quan hệ cá nhân rất tốt với Thủ tướng mới nhận chức Balladur. Năm 1986, khi Balladur giữ chức Bộ trưởng Tài chính Kinh tế và Tư hữu hóa, Friedman đã là đặc phái viên của Balladur. Ông ta là người ôn hoà, xử sự thận trọng.

Thương thảo Trung - Pháp được tiến hành bí mật, trải qua nhiều vòng thương thảo dài tới nửa năm, cuối cùng hai nước đã đạt được hiệp nghị về khôi phục quan hệ hai nước.

Ngày 28 tháng 12, Khương Ân Trụ, Thứ trưởng Ngoại giao và Friedman ký tắt vào “ Tuyên bố chung giữa chính phủ nước CHND Trung Hoa và chính phủ nước Cộng hoà Pháp ”.

Nội dung then chốt nhất trong tuyên bố chỉ có một câu, tức là “ chính phủ Pháp thừa nhận từ nay trở đi không phê chuẩn xí nghiệp Pháp tham dự vũ trang Đài Loan ”.

Còn việc giải quyết vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan của chính phủ trước của nước Pháp, tuyên bố không đề cập tới. Trong điểm này hai bên tiến hành đàm phán gian khổ. Phía Pháp nói, chính phủ mới của Pháp không tán thành chính phủ trước bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng những hợp đồng đã ký nước Pháp phải chấp hành, phía Phá hứa từ nay trở đi quyết không bán vũ khí chiến tranh cho Đài Loan. Đồng thời, trong quá trình quán triệt lời hứa của chính phủ trước sẽ áp dụng những biện pháp có tính hạn chế, như không bán cho Đài Loan 15 chiếc máy bay dùng cho huấn luyện phi công “ Mirage 2000 ” v.v... Đối với phía Trung Quốc mà nói, gắng sức để chính phủ mới của Pháp huỷ bỏ hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan mà chính phủ trước của Pháp đã ký phù hợp với yêu cầu nhất quán của phía chúng ta, bịt chặt con đường Pháp bán vũ khí cho Đài Loan, xua tan ý đồ định bắt chước Pháp bán vũ khí cho Đài Loan của các quốc gia châu Âu khác.


Ngoại trưởng trao đổi văn kiện


Ngày 3 tháng 1 năm 1994, Juppé ngoại trưởng Pháp gửi thư cho tôi, biểu thị rõ hơn nữa : “ Chính phủ Pháp hứa từ nay trở đi không phê chuẩn bán vũ khí chiến tranh cho Đài Loan.”. Kèm theo bức thư còn kèm theo bản danh sách các trang bị vũ khí mà chính phủ Pháp cấm các xí nghiệp Pháp bán cho Đài Loan. Nội dung bản kê quy định các vũ khí không được bán cho Đài Loan gồm xe bọc thép, pháo, tầu ngầm, hạm thuyền, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng quân dụng đồng thời có thuyết minh chi tiết.

Ngày 5 tháng 1 tôi gửi thư trả lời Ngoại trưởng Juppé, xác nhận nội dung “Tuyên bố chung” mà hai bên đã nhất trí.

Ngày 12 tháng 1, hai phía Trung - Pháp phát biểu Tuyên bố chung của chính phủ hai nước. Từ đó quan hệ Trung - Pháp khôi phục bình thường : quan chức từ cấp thứ tưởng trở lên bắt đầu lại qua lại; xí nghiệp Pháp có thể giống như xí nghiệp các nước khác tham gia cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc ; một số hạng mục hợp tác lớn do Pháp bán máy bay cho Đài Loan mà bị ảnh hưởng cũng được tiếp tục tiến hành. Bốn Công ty Pháp trực tiếp tham dự bán vũ khí cho Đài Loan bị Trung Quốc thi hành biện pháp chế tài nghiêm khắc.

Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 1, tôi chính thức thăm Pháp. Ban đầu tôi không có kế hoạch thăm Pháp, chỉ chuẩn bị trên đường về nước sau khi thăm Châu Phi sẽ dừng lại ở Paris, hội kiến Ngoại trưởng Mỹ Christopher tại đó. Phía Pháp sau khi biết tin đã phản ứng nhanh chóng, đề xuất coi việc tôi gặp người lãnh đạo Pháp tại Paris là chuyến thăm chính thức Pháp.

Trong thời gian ở Paris, Tổng thống, Thủ tướng, Ngoại trưởng Pháp đã lần lượt hội kiến, hội đàm với tôi.

Tổng thống Mitterrand xưa nay luôn cho mình là nhân sĩ nhân quyền, tương đối ngạo mạn, mỗi lần hội kiến nhất định phải bàn về nhân quyền, nhưng lần này tỏ ra khiêm tốn lịch sự, đứng ở cửa đón khách. Trong hội kiến đã tránh không bàn đến đầu đề câu chuyện mà ông ta ưa thích nhất; mà lại nói rất nhiều tới việc ông ta khâm phục như thế nào, tốc độ phát triển kinh tế kinh người của Trung Quốc và năng lực người lãnh đạo nước ta trị lý nước lớn 1,2 tỷ dân.

Khi rời điện Elysée, có phóng viên lớn tiếng hỏi, bàn vấn đề nhân quyền với Tổng thống Mitterrand như thế nào ? Tôi trả lời, nói lần này chúng tôi không bàn đến vấn đề đó, các phóng viên đều lộ vẻ ngạc nhiên.


Nước Mỹ cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ


Nước Mỹ lật lọng


Ngày 22 tháng 5 năm 1995, nước Mỹ đột ngột tuyên bố, Tổng thống Clinton quyết định cho phép Lý Đăng Huy vào tuần lễ đầu tiên của tháng 6 năm đó đến Mỹ, tiến hành cái gọi là “ chuyến thăm không chính thức, tư nhân ”, tham gia lễ tốt nghiệp của Trường đại học Cornell.

Mặc dù hai ngày trước đó, Cake, trợ lý công việc an ninh của Tổng thống Mỹ và Tarnoff, thứ trưởng Ngoại giao đã chính thức báo trước cho Lý Đạo Dự, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nhưng tuyên bố đó vẫn khiến người ta kinh hoàng. Chỉ một tháng trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã thân tự mở miệng hứa với tôi, nước Mỹ không cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ.

Đó là vào trung tuần tháng 4 năm đó, tôi tới New York tham gia Đại hội thẩm nghị và kéo dài thời hạn “ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ”.Trong thời gian đó theo yêu cầu của phía Mỹ, ngày 17 đã tiến hành hội đàm với Christopher, Ngoại trưởng Mỹ. Bàn dến Lý Đăng Huy có ý đồ thăm Mỹ, Christopher đã hứa rõ, Mỹ không cho phép Lý thăm Mỹ, và nói, Lý thănm Mỹ không phù hợp tính chất quan hệ không chính thức giữa Mỹ với Đài Loan, tối đa là Mỹ sẽ tính tới việc kéo dài thị thực quá cảnh của Lý.

Lần thứ nhất Lý Đăng Huy quá cảnh Mỹ là ở Hawai. Lúc đó phía Mỹ quy định ông ta chỉ được dừng lại ở sân bay. Lý Đăng Huy rất tức giận việc đó, mặc quần áo ngủ không xuống máy bay.

Thế mà bây giờ Ngoại trưởng của một nước lớn siêu cấp đã hứa đối ngoại mà lại ngang nhiên lật lọng, làm sao không khiến người ta kinh hoàng và giận dữ.

Ngày 7 tháng 6 Christopher gửi thư cho tôi, trong thư nói, hai viện Thượng và Hạ của quốc hội Mỹ với đa số phiếu tuyệt đối đã thông qua nghị án yêu cầu cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ, trong tình hình đó “ suy tính của Tổng thống là áp dụng hành động đánh trước để kiềm chế người, nhằm ngăn chặn khả năng thông qua sẽ làm cho quan hệ Mỹ, Đài Loan xem ra sẽ có lập pháp có sức ràng buộc có tính chất chính thức ”.

Đương nhiên đó chỉ là những lời bào chữa khiên cưỡng. Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là “ quyết nghị ” chỉ có tính hướng dẫn thôi, còn cấp hay không cấp thị thực nhập cảnh là quyền của nhà đương cục hành chính. Trong vòng chưa đến một tháng mà Christopher đã có hai cách nói, điều này chỉ có thể giải thích là phía Mỹ nói mà không giữ chữ tín.

Lúc đó Lý Đăng Huy đang tạo thế trong cuộc cạnh tranh nhằm thắng cử trong cái gọi là “ bầu trực tiếp Tổng thống ” khoá một của Đài Loan, đã không tiếc tiền mời Công ty Cassidy Mỹ vì mình mà du thuyết các nghị sĩ quốc hội Mỹ nhằm giành được sự ủng hộ về chính trị của Mỹ đối với mình.

Ủng hộ nhà đương cục Đài Loan, thi hành “dùng Đài Loan kiềm chế Trung Quốc” vốn là chính sách đã định của nhiều khoá chính phủ Mỹ, chỉ có hình thức và độ lực thể hiện ra trong các bối cảnh lịch sử khác nhau mà khác nhau thôi.

Xét từ bối cảnh lớn quốc tế thấy, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, trong giới học thuật phương Tây đã có người cho rằng, sợi dây gắn bó chiến lược giữa Trung - Mỹ, do Liên Xô, Đông Âu tan rã nên không tồn tại nữa. Thậm chí có quan điểm cho rằng, Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô trở thành đối thủ của Mỹ, do vậy chủ trương nhanh chóng tiến hành kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc. Segal, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Luân Đôn nổi tiếng do nặn ra “ luận điểm Trung Quốc uy hiếp ” mà cũng nổi tiếng. Đầu năm 1995, ông ta phát biểu bài viết đề xuất rõ chủ trương “ dùng Đài Loan kiềm chế Trung Quốc ”, nói vấn đề nhân quyền,vấn đề đãi ngộ tối huệ quốc gì đó, không thể kiềm chế Trung Quốc một cách có hiệu quả, duy chỉ có vấn đề Đài Loan “ là có thể chọc đau nhất vào thần kinh Trung Quốc ”.

Dưới sự thúc đẩy của thế lực chống Trung Quốc trên quốc tế, chính phủ Mỹ lúc này cũng muốn thử đo giới hạn cuối cùng của Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.

Tất nhiên, thế công kim tiền của Đài Loan cũng phát huy tác dụng không thể đánh giá thấp. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, hàng năm Đài Loan đều chi cho bản thân các Công ty cơ quan công nước Mỹ không ít đô la Mỹ. Năm 1994, Đài Loan đã cùng Công ty quan hệ công cộng Cassidy ký một hợp đồng thời hạn ba năm chi phí cao tới 4,5 triệu USD, chuyên môn tiến hành du thuyết quan hệ công cộng nhằm thúc đẩy thành công Lý Đăng Huy thăm Mỹ. Đồng thời Đài Loan không tiếc những khoản tiền lớn, thường xuyên mời các quan chức trong chính quyền các cấp, nghị sĩ quốc hội và trợ thủ nghị sĩ của Mỹ sang thăm Đài Loan, lại không ngừng cung cấp tài trợ lớn cho những Cơ cấu túi khôn, các Trường Đại học và Cơ cấu nghiên cứu có ảnh hưởng của Mỹ, nhằm ảnh hưởng vào dư luận và thượng tầng quyết sách của Mỹ. Năm 1994, phía Đài Loan còn dùng danh nghĩa Lý Đăng Huy, chia làm hai lần tặng Trường Đại học Cornell 4,5 triệu USD .

Đài Loan tiêu nhiều như vậy, trên thực tế là “ tiền mãi lộ ”, mục đích là để Lý Đăng Huy có thể đi Mỹ thành công. Lý Đăng Huy cũng cho rằng tiền có thể thông cả thần, cũng có thể thông cả quỷ, khi từ nước Mỹ trở về ngang nhiên kêu gào, sẽ chi 1 tỷ USD để vào Liên Hợp Quốc.


Phản kích của Trung Quốc


Nước Mỹ cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ đã phá bỏ “ lệnh cấm ” không cho phép người lãnh đạo cao nhất Đài Loan thăm Mỹ gần 17 năm nay, làm tổn hại nghiêm trọng đến cơ sở chính trị của quan hệ Trung, Mỹ ; lại còn hà hơi tiếp sức cho nhà đương cục Đài Loan thi hành chính sách “ hai Trung Quốc ”, “ một Trung, một Đài ” trợ giúp thêm khí thế hung hăng của nhà đương cục Đài Loan và thế lực phản Hoa quốc tế.

Trước những thách thức ngoại giao của phía Mỹ, chính phủ Trung Quốc không thể không áp dụng một loạt biện pháp phản kích có sức mạnh, nhằm xua tan aỏ tưởng của chính phủ Clinton cho rằng phía Trung Quốc sau khi Mỹ hơi tỏ thái độ là đã nuốt nổi quả đắng Lý Đăng Huy thăm Mỹ, khiến nước Mỹ thực sự ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề.

Ngày 23 tháng 5, tôi dùng danh nghĩa Phó Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mời gặp Roy, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đề xuất phản đối mạnh mẽ phía Mỹ, về việc chính phủ Mỹ tuyên bố cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại của Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc cũng lần lượt ra tuyên bố khiển trách và kháng nghị hành vi sai lầm này của Mỹ.

Ngày 28 tháng 5 chính phủ Trung Quốc quyết định tạm đình chỉ thương thảo chuyên gia về “ tên lửa cũng như chế độ khống chế kỹ thuật của nó ” và hợp tác năng lượng hạt nhân. Trưởng ban Ban khống chế quân sự và cắt giảm quân số Mỹ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về công việc quân sự vốn định lần lượt sang thăm Trung Quốc vào tháng 6, tháng 7 trong năm cũng bị yêu cầu chậm lại. Thời gian này, những cuộc thăm viếng tầng lớp cao từ Thứ trưởng trở lên và một số cuộc thương lượng quan trọng giữa hai bên cũng lặng lẽ đình chỉ.

Ngày 16 tháng 6, Lý Đạo Dự đại sứ nước ta tại Mỹ được lệnh chính thức thông báo cho chính phủ Mỹ, do nước Mỹ cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ tạo thành hậu quả xấu, ông được lệnh về nước báo cáo tình hình công việc được giao. Burns, người phát ngôn Quốc Vụ viện Mỹ, biểu thị lấy làm tiếc đối với việc này, nói, Mỹ vẫn chưa quyết định áp dụng biện pháp đối đẳng đối với Trung Quốc, Mỹ vô cùng hy vọng phía Trung Quốc nhanh chóng cử đại sứ trở lại.

Tháng 7 năm 1995 và tháng 3 năm 1996, Trung Quốc tiến hành hai lần diễn tập bắn tên lửa thực quy mô lớn, đồng thời đẩy lùi vòng hai cuộc cuộc đàm phán Uông Đạo Hàm (đại biểu TQ) - Cô Chấn Phủ (đại biểu ĐL).

Những biện pháp của phía Trung Quốc đã làm nước Mỹ chấn động lớn, thúc đẩy cuộc tranh luận lớn trong nước Mỹ tiến vào cao trào. Kết của của cuộc tranh luận là, phái chủ yếu trong hai Đảng hình thành được một nhận thức chung : sự trỗi dậy và lớn mạnh của Trung Quốc là khó có thể ngăn cản. “ Cô lập ” và “ kiềm chế ” Trung Quốc không phải là thượng sách, chỉ duy trì “ tiếp xúc ” với Trung Quốc mới phù hợp với lợi ích lâu dài của nước Mỹ.


Tu bổ khẩn cấp


Ngày 7 tháng 6 năm 1995, vào đúng ngày Lý Đăng Huy thăm Mỹ, Christopher, ngoại trưởng Mỹ gửi cho tôi một bức thư. Trong thư ông ta biểu thị, chuyến thăm Mỹ của Lý Đăng Huy chỉ là một lần “ đi thăm thuần tuý tư nhân ”, không có bất kỳ quan chức nào trong bộ môn hàmh chính hội kiến Lý Đăng Huy. Lý Đăng Huy không được có bất kỳ hoạt động nào có tính chất chính thức.

Tôi không để ý đến những trình bày đó của ông ta.

Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 6, Lý Đăng Huy thăm Mỹ, trên đường qua lại đã dừng lại ở ba thành phố, Los Angeles, Syracuse (ở phần tây bắc bang New York, cách trường đại học Cornell một giờ đi ô tô) và Anchorage. Ngày 9 tháng 6, Lý đã phát biểu bài diễn thuyết có tính chính trị tại trường Cornell, rêu rao cái gọi là “ kinh nghiệm Đài Loan ”, kêu la phải “ đột phá cô lập ngoại giao ” nhấn mạnh quan hệ Đài Loan-Mỹ, rất đậm màu sắc chính trị.

Từ tình hình những hoạt động thực tế của Lý Đăng Huy tại Mỹ thấy, đúng là chính phủ Mỹ cũng đã áp dụng một số biện pháp hạn chế tương ứng, duy trì chuyến thăm của Lý Đăng Huy trên tinh thần chủ yếu là “ không chính thức ”, giảm nhỏ ảnh hưởng. Tại những nơi Lý Đăng Huy dừng lại, ngoài quan chức địa phương và mấy nghị sĩ cá biệt xuất diện đón tiếp ra, các quan chức chính phủ Liên bang Mỹ đều không tiếp xúc với ông ta. Thống đốc bang cũng không hội kiến. Ngoài ra còn không cho phép Lý dừng lại ở New York ; không cho phép treo “ quốc kỳ ” nguỵ tại sân bay và trường Cornell, không cử “ quốc ca ”; huỷ cuộc họp báo tại trường Cornell do Lý đự định trước ; không đồng ý cho phu nhân Lý Đăng Huy thăm Nhà Trắng v.v...

Tại Washington, phía Mỹ cũng làm một chút động thái. Vào ngày Lý Đăng Huy đến trường đại học Cornell, chiều ngày 8 tháng 6, Tổng thống Mỹ Clinton đã hẹn gặp gấp Lý Đạo Dự, đại sứ nước ta tại Mỹ, ngoài việc giải thích rõ việc cho phép Lý Đăng Huy thăm Mỹ ra, đã nhắc lại Mỹ chấp hành chính sách một Trung Quốc chứ không phải là chính sách “ hai Trung Quốc ” hoặc “ một Trung Quốc, một Đài Loan ”. Ông ta còn nói, bất kể là phía Đài Loan tuyên truyền như thế nào, chuyến thăm của Lý Đăng Huy chỉ là không chính thức và tư nhân, chuyến thăm đó không đại biểu cho việc chính phủ Mỹ công nhận Đài Loan ; nước Mỹ sẽ tiếp tục mưu tìm thiết lập quan hệ có tính xây dựng với Trung Quốc, duy trì và bảo vệ chính sách hiện hành với Trung Quốc.

Lần hội kiến này của Tổng thống Clinton với Lý Đạo Dự đã làm trái thông lệ, cố ý sắp xếp phóng viên đến hiện trường chụp ảnh nhằm làm nổi bật không khí.

Thế nhưng những biểu thị thái độ đó của phía Mỹ, chưa đủ tiêu trừ ảnh hưởng xấu do chuyến thăm Mỹ của Lý Đăng Huy tạo thành, càng không phải là sự trả lời rõ ràng với phía Trung Quốc, rằng từ nay trở đi chính phủ Mỹ sẽ xử lý như thế nào những sự việc tương tự như thế.

Đại sứ Lý Đạo Dự đã biểu thị ngay tại chỗ với Tổng thống Clinton, không thể tiếp nhận giải thích của phía Mỹ.


Chiếc mồi nhử Bandar Seri


Đầu tháng 8 năm 1995, hội nghị Ngoại trưởng các nước Asean lần thứ hai mươi tám và sau đó là diễn đàn khu vực Asean đã cử hành tại thành phố cảng Bandar Seri, Brunei. Với tư cách là nước đối thoại với Asean, hai nước Trung Quốc, Mỹ đã trước sau tham dự hội nghị.

Trước khi tới hội nghị, Ngoại Trưởng Mỹ Christopher tích cực biểu thị, hy vọng sẽ hội kiến tôi tại đó, cử hành hội đàm song phương, và nói Tổng thống Clinton có một bức thư quan trọng muốn chuyển cho Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Ngày 28 tháng 7, trước khi đi Brunei, Christopher đã diễn thuyết tại Câu lạc bộ báo chí Mỹ, nói về tình hình châu Á, trong đó đoạn nói về Trung Quốc dài nhất, nói Trung Quốc quan trọng như thế nào, nước Mỹ sẽ tiếp tục chính sách một Trung Quốc, chính phủ nước CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, nước Mỹ không ủng hộ việc làm “ hai Trung Quốc ” không ủng hộ Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc v.v..

Lúc này qua lại giữa tầng lớp cao Trung, Mỹ còn chưa khôi phục, nhưng để thể hiện sách lược ngoại giao “ có lý, có lợi, có tiết tháo ” trong đấu tranh với Mỹ, tôi đồng ý gặp Christopher trong trường hợp các hội nghị quốc tế.

Chiều ngày 1 tháng 8, tại Trung tâm hội nghị quốc tế thành phố Bandar Seri tôi đã cùng Christopher tiến hành cuộc gặp gỡ khoảng một giờ.

Trước tiên, Christopher chuyển bức thư của Tổng thống Clinton gửi Chủ tịch Giang Trạch Dân. Trong thư đề cập đến việc nước Mỹ tiếp tục thi hành chính sách một Trung Quốc, tuân thủ ba Tuyên bố, phản đối chủ trương “ hai Trung Quốc ” và “ một Trung Quốc, một Đài Loan ”, phản đối Đài Loan độc lập, phản đối Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc, nhưng lại không đề cập tới vấn đề, từ nay trở đi sẽ xử lý nhà lãnh đạo đương cục Đài Loan đi thăm Mỹ như thế nào.

Trong hội đàm với tôi, ngoài việc nhắc lại những giải thích và đưa ra một số biểu thái có tính nguyên tắc ra, Christopher đã đề xuất hai nội dung mới : một là nước Mỹ vô cùng muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng với Trung Quốc ; hai là Tổng thống Clinton uỷ nhiệm cho ông ta nói với phía Trung Quốc, vui lòng mời Chủ tịch Giang “ trong một tương lai không dài lắm sang thăm Washington ” nhưng lại không nói rõ, thời gian cụ thể của chuyến thăm và phương thức thăm.

Lúc này cái gọi là chế tài Trung Quốc do Mỹ tiến hành với nước ta vẫn đang tiếp tục, các chuyến thăm lẫn nhau chính thức giữa nguyên thủ quốc gia vẫn còn ở trạng thái đình đốn. Rõ ràng là dường như Christopher định dùng hai điểm này làm “ mồi nhử ”, khiến tôi đồng ý một loạt kiến nghị khôi phục đối thoại Trung-Mỹ, thương thảo sự qua lại của tầng lớp cao do ông ta đề xuất.

Điều mà Trung Quốc quan tâm chú ý nhất là vấn đề trọng đại, từ nay trở đi phía Mỹ sẽ xử lý người lãnh đạo đương cục Đài Loan đi thăm Mỹ như thế nào, Christopher đã không biểu thị thái độ rõ ràng về việc này, chỉ nói phía Mỹ đồng ý cử Thứ trường Ngoại giao Tarnoff đến Bắc Kinh để thương thảo hơn nữa với Thứ trưởng Ngoại giao Lý Triệu Tinh.

Căn cứ vào sự nhất trí mà hai Ngoại trưởng đạt được ở Brunei, Tarnoff, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách công việc chính trị đã đến thăm Trung Quốc, tiến hành thương thảo với Thứ trưởng Ngoại giao Lý Triệu Tinh về việc cải thiện quan hệ Trung, Mỹ từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 8.

Căn cứ vào sự uỷ nhiệm của Tổng thống Clinton, Tarnoff đã thông báo với phía Trung Quốc về một số biện pháp hạn chế của phía Mỹ sẽ được áp dụng với người lãnh đạo đương cục Đài Loan trong việc đi thăm từ nay trở đi. Nội dung là : trước tiên loại đi thăm đó phải là tư nhân, không chính thức, chỉ có thể là mục đích cá nhân không thể có bất kỳ mục đích chính trị nào ; thứ hai, loại thăm viếng đó không chỉ phải tránh không có tính chất chính thức mà cũng còn phải tránh không có khả năng làm cho người ta cho rằng có những nghi lễ và tiêu chí có ý nghĩa tượng trưng chính trị nào ; thứ ba, loại thăm viếng đó là rất ít, chỉ có thể được phép trong trường hợp đặc biệt, phải là “xử lý từng vụ một”.

Thông báo của Tarnoff về cơ bản đã đáp ứng và giải quyết được sự quan tâm ngiêm chỉnh của phía Trung Quốc. Vì vậy Trung ương quyết định khôi phục từng bước qua lại tầng lớp cao giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tháng 10 năm đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân sau khi tham dự Đại hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, đã chính thức gặp mặt Tổng thống Mỹ Clinton tại New York.

Lúc này nước Mỹ vốn đã có ý mời Chủ tịch Giang tiến hành thăm Washington, nhưng lại biểu thị khó có thể sắp xếp “ theo chuyến thăm nhà nước chính thức ”, mà đề xuất sẽ tiến hành theo “ chuyến thăm làm việc chính thức ”.

Cái gọi là sự khác nhau giữa chuyến thăm làm việc và chuyến thăm nhà nước, chủ yếu là cái trước không có nghi lễ hoan nghênh tại thảm cỏ phía nam Nhà Trắng, không có loạt 21 phát đại bác chào mừng. Trong tình hình bình thường, sắp xếp chuyến thăm làm việc có thể có hai loại giải thích, một là, hai bên muốn thảo luận một vấn đề quan trọng mà cấp bách nào đó, về thời gian không kịp sắp xếp chuyến thăm nhà nước chính thức, hoặc là nội dung chuyến thăm tương đối đơn nhất, thời gian tương đối ngắn, nghi lễ cũng đơn giả ; một nữa là quan hệ hai bên dường như còn chưa phát triển đến trình độ nhiệt liệt phải bắn súng chào, cái cần duy trì chỉ là quan hệ công tác giữa hai nuớc. Hình thức chuyến thăm làm việc có thể hiển thị cho bên ngoài thấy tính hạn chế trong quan hệ hai nước.

Xét tình hình lúc đó thấy, nếu Chủ tịch Giang Trạch Dân thực hiện chuyến thăm Mỹ này, thì sẽ là nguyên thủ quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên thăm Mỹ từ sau năm 1985, có ý nghĩa trọng đại trong việc khôi phục và cải thiện quan hệ Trung - Mỹ, nên bất kể là về nội dung và hình thức đều nên là chuyến thăm nhà nước chính thức.

Thế nhưng phía Mỹ kiên trì không sắp xếp chuyến thăm chính thức, điều này không chỉ là vấn đề nghi lễ, mà còn phản ánh, chính phủ Mỹ trên vấn đề cải thiện và phát triển quan hệ với Trung Quốc vẫn chưa có đủ mong muốn chính trị.

Để ra khỏi cục diện cứng nhắc đó, phía chúng ta đề nghị, nguyên thủ hai nước Trung - Mỹ gặp nhau tại New York.


Gặp gỡ tại Newyork


Ngày 24 tháng 10 năm 1995, nguyên thủ hai nước Trung, Mỹ gặp nhau tại Trung tâm Lincoln New York, đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường và phát triển quan hệ Trung - Mỹ. Thành quả tích cực mà cuộc gặp gỡ này đạt được đã phủ bằng con đường khôi phục và phát triển quan hệ Trung - Mỹ từ nay trở đi.

Trong hội đàm, Tổng thống Clinton đã biểu thị rõ, tán thành quan điểm của Chủ tịch Giang Trạch Dân nên từ toàn cục chiến lược và độ cao của thế kỷ mới xử lý quan hệ hai nước ; giữa hai nước lớn Trung, Mỹ cô lập không phải là sự lựa chọn, kiềm chế không phải là sự lựa chọn, đối đầu không phải là sự lựa chọn mà sự lựa chọn chính xác duy nhất là duy trì sự tiếp xúc có tính xây dựng.

Về vấn đề Đài Loan, Clinton nói, nước Mỹ tuân thủ ba Tuyên bố chung, công nhận chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, chính phủ nước CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, phía Mỹ không mong muốn vấn đề Đài Loan trở thành nguồn gốc của sự bất đồng hai nước.

Clinton đã uỷ nhiệm cho Ngoại trưởng Christopher trình bầy đặc biệt về việc xử lý vấn đề người lãnh đạo đương cục Đài Loan thăm Mỹ, một lần nữa hứa sẽ áp dụng biện pháp hạn chế nghiêm khắc đối với loại loại đi thăm đó, “ loại đi thăm đó sẽ là tư nhân, không chính thức, hơn nữa là rất ít, đồng thời xử lý vụ này ”. Tất nhiên ông ta cũng để lại một cái đuôi nhỏ, nói phía Mỹ không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng từ nay trở đi vẫn có loại đi thăm như vậy.

Nhằm thẳng vào việc phía Mỹ đề xuất mong muốn khôi phục thương thảo các vấn đề như, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác lợi dụng hoà bình năng lượng nguyên tử, khống chế và quản chế xuất khẩu quân sự v.v..., tôi cũng đã phát biểu có tính bổ sung, đề xuất thương tháo Trung - Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí nên bao gồm cả vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vì đó cũng là một loại phổ biến vũ khí, cũng là vấn đề phía Trung Quốc quan tâm nhất.

Với tư cách là nhân viên tháp tùng Chủ tịch Giang, Lý Đạo Dự đại sứ tại Mỹ đã tới New York, sau khi tham gia cuộc gặp gỡ đã ở lại Mỹ, coi như là đã trở lại nhiệm vụ.

Từ đó trở đi, các cuộc thăm viếng lẫn nhau và thương thảo chính trị ở tầng lớp cao đã khôi phục dần. Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp nước ta đã thăm Mỹ năm 1996. Đến đó cuộc đấu tranh xoay quanh vấn đề Lý Đăng Huy thăm Mỹ về cơ bán đã kết thúc.


Lời hứa “ ba không ” của Clinton


Qua cuộc đấu tranh này, chính quyền Clinton đã nhận thức tương đối rõ tính nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và tính quan trọng của quan hệ Trung, Mỹ. Do đó quan hệ Trung - Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Clinton đã phát triển một cách bình ổn, và nâng cao hơn nữa.

Năm 1997, Chủ tịch Giang Trạch Dân tiến hành chuyến thăm chính thức nước Mỹ.

Năm 1998, Tổng thống Clinton chính thức thăm Trung Quốc và đã công khai trình bầy chủ trương “ ba không ” trong chính sách đối với Đài Loan tại Thượng Hải.

Đó là buổi sáng ngày 30 tháng 6, hai vợ chồng Tổng thống Clinton cử hành Hội nghị bàn tròn với đại biểu thị dân Thượng Hải tại Thư viện Thượng Hải, khi trình bầy nội dung chính sách “ ba không ” đối với Đài Loan, tức Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập; không ủng hộ “ hai Trung Quốc ”, “ một Trung. một Đài ”; không ủng hộ Đài Loan gia nhập bất kỳ Tổ chức quốc tế nào phải do các nước có chủ quyền tham dự.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ công khai có những lời hứa nói trên.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss